VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hai tài liệu về đời sống văn nghệ mấy năm sau 30- 4-75

 

TÀI LIỆU 1

Nhã Ca

 GẶP NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN

Chép theo trang Fb Cứ Nguyễn

 --

Xế chiều. Chẳng nhớ là ngày nào, hình như cả tháng trước Giáng Sinh, khi anh Mai Thảo còn trong nhà, Trịnh Công Sơn có lần trở lại cửa hàng.

“Bà Nhã. Anh Nguyễn Tuân muốn gặp bà. Anh ngồi trên xe xích lô kìa.”

Xích lô đang đậu bên kia đường. Tôi bảo Sơn:

“Ông biết mà, tôi bận lo kiếm ăn, không văn chương chữ nghĩa gì nữa, không tiện gặp. Nhờ ông chuyển lời tôi cáo lỗi và kính thăm ông cụ.”

 

Mới cách đây không lâu, một bạn tới nói nhà thơ Lưu Trọng Lư từ Bắc vào, có lòng muốn gặp, tôi cũng đã trả lời tương tự.

Thơ Lưu Trọng Lư thời tiền chiến, chắc mãi mãi tôi sẽ còn trân trọng. Văn Nguyễn Tuân cũng vậy. Đọc Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, cả bài tùy bút Phở ông viết hồi Nhân Văn Giai Phẩm, quả có một thời tôi đã khiếp phục về chữ nghĩa tài ba của ông. Nhưng gặp để làm gì lúc này?

 

“Bà Nhã à. Bà nên dịu đi một chút. Tụi này thấy bà vậy, thật không yên tâm chút nào. Anh Nguyễn Tuân là người được nể trọng…Bà hiểu, tôi chỉ muốn bà được yên để lo nuôi các cháu.”

 

Sơn nói, giọng ôn nhu, dỗ dành. Phải cám ơn lòng tốt của Sơn thôi.

“Sơn coi, cửa hàng bề bộn, toàn đàn bà son phấn không hà. Biết làm thế nào…”

“Bọn này có chương trình đưa anh Nguyễn Tuân tới uống đằng Cửu Long. Bà tới liền nghe.”

 

Cửu Long là nhà hàng Hoàn Mỹ, Majestic cũ, hiện là nơi ăn nhậu sang trọng nhất thành phố.

“Tới liền e kẹt. Còn cửa hàng, đâu bỏ đi được. Phải kiếm đủ gạo đã…”

“Thôi thì thu xếp thế này. Ở Cửu Long ra, cả bọn họp bên nhà Nguyễn Hải ngay kế Mini Rex. Tên này xếp xòng bên Nghiên CứuVăn Hóa. Đây lại đó chỉ cách mấy bước à. Bà sang chút nghe.”

 

Sơn chỉ số nhà, rồi tất tả bỏ đi.

Thôi kệ. Cứ sang.

Mang lại cái áo bà ba đem về từ nhà tù, túm tóc bằng sợi dây thung, sau 5 giờ, tôi tới.

 

Căn phố đẹp ngay mặt tiền đường Lê Lợi. Bấm chuông. Tư sản mới có khác. Một bà vú ra mở cửa. Chủ nhà trông tướng tá phương phi. Bộ râu kiểng không che hết nốt ruồi bự. Đúng tướng diện lọai người suốt đời được ăn ngon mặc đẹp. Hèn chi, cách đây không lâu, con cháu có việc đi ra ngoài, về kể: Từ rạp Rex tới Ngã tư Công Lý-Lê Lợi, bị công an giao thông chặn đường. Nghe nói vì có bà Võ Nguyên Giáp tới thăm bà con trong khu này. Chắc chỉ là chủ nhà này thôi.

 

“À, đây là chị Nhã Ca phải không. Mời chị. Mình lên lầu.”

Một tầng lầu. Lại một tầng lầu nữa. Dòm qua, phòng nào cũng bàn ghế, sa lông, rèm cửa. Thời trước, ngay cạnh Mini Rex mà sang trọng được mức này, cũng là tay chẳng vừa. Bước lên nữa. Cửa mở.

“Mời chị. Đây rồi.”

 

Đông gớm. Xem còn ai nào. Kìa, Sơn Nam. Nhiếp ảnh gia Ngọc Tùng. Trịnh Công Sơn. Ngồi cạnh Sơn? À, nhớ rồi, Phạm Nhuận. Nhiều người nữa, không biết là những ai, tất cả quây quần quanh ông già tóc bạc chấm vai.

 

“Chào Bác.”

Tôi nói với ông Nguyễn.

“Ê. Nhã Ca đây hả. Ngồi xuống. Ngồi. Không gọi bác. Gọi bằng anh.”

“Dạ. Thì xin phép anh.”

Đã tính bỡn: cả nước chỉ có một ông Bác Hồ thôi, chắc anh kiêng. May sao ngừng kịp.

 

Chả biết mặt mũi ra sao mà ông Nguyễn gật gù.

“Thôi nghe. Anh em cả. Ngồi xuống. Nhã Ca uống được thứ này chứ?”

Chai rượu có hình ông già đội mũ, cầm ba toong. Rượu vàng sóng sánh.

“Wisky Scott cơ à?”

“Nhã phải nhớ, anh Nguyễn Tuân mà. Luôn luôn phải Scott thứ thiệt chứ.” Sơn cười, nói.

Khó tin. Hẳn là chỉ mới thấy lại thứ này từ ngày vào miền Nam.Ông Nguyễn đang nhìn tôi. Chắc thấy khó ưa rồi. Đành sửa lại cái mặt.

“Thì uống.”

 

Hình như mọi người đang thi nhau trổ tài nói. Đùa nhiều. Cười nhiều. Đến lượt tôi ngắm lại ông Nguyễn. Tóc bạc phơ, mỏng mịn như tơ, dài rủ xuống vai. Mặt xương. Trán cao. Hói kiểu cách. Miệng mỏng. Ăn nói duyên dáng.

Thấy tôi nhìn, ông Nguyễn cười, né người sang một bên, hỏi:

“Đẹp. Phải không. Nhã Ca?”

Nơi ông Nguyễn vừa nghiêng người, nhô ra hai bông hoa súng nở bung, đỏ lóet. Chờ tôi thấy rõ bông hoa rồi, ông nói thêm.

“Hoa súng đấy.”

 

Tôi đã nhìn rõ hơn. Dựa sát vách tường, ngay bên ghế ông Nguyễn ngồi, từ một bịch ni lông cột lùi xùi để dưới sàn nhà, có hai cọng bông súng vươn lên.

Một người nào đó giải thích:

“Hai bông súng trong hồ cảnh ở Majestic đấy. Ngay cạnh bàn rượu. Anh Nguyễn Tuân thích lắm, bảo hoa đẹp thế này, chỉ có chúng ta mới xứng đáng thưởng thức. Vậy là bọn này ngắt hoa mang về đây. Chị thấy hay không?”

“Hay lắm.” Tôi nói.

“Phải có một tấm ảnh chụp với cô em Nhã Ca chứ.”

Ông Nguyễn nói. Nhiếp ảnh gia Ngọc Tùng vội vã cầm máy hình đứng dậy. Thì chụp.

“Ảnh mầu cơ. Nào. Lại gần đây. Cạn ly.” Ông Nguyễn bảo tôi.

Cạn ly thật. Một người nào đó châm thêm khi ly rượu trên tay ông Nguyễn vừa cạn.

 

 

“Chị Nhã Ca, một ly nữa.”

“Cám ơn. Xin đủ.” Tôi nói.

“Nhã Ca giờ còn viết không? Ông Nguyễn hỏi.

“Buôn bán.”

“Giỏi nhỉ. Đàn bà, miền nào cũng giỏi. Cứ lúc hữu sự mới thấy cái tài giỏi của họ.”

“Chắc không giỏi nấu nướng bằng mấy đàn ông đâu. Món Phở anh tả hồi Nhân Văn Giai Phẩm, lâu nay, có thêm thắt được chút gia vị nào chưa?” Tôi hỏi.

“À há. Chị Nhã Ca. Hồi nẫy khi chị chưa tới, anh Nguyễn Tuân có nói không biết Nhã Ca ra sao mà ai cũng gọi là cọp cái, nó có răng nanh à? Đó, bây giờ anh nhìn coi. Chị Nhã Ca bình thường như mọi người. Không có răng nanh.” 

Giọng có vẻ quen. Tôi nhìn lại. Phạm Nhuận. Nhà thơ trẻ này mặt mũi đôn hậu, nụ cười hiền lành, lời lẽ thường ôn nhu. Hôm nay, sao có gì khác thường? Tôi không có răng nanh, mà đôi khi cũng lòng lang dạ sói. Có cần nói điều ấy ra không? Không cần. Ông Nguyễn vẫn ôn tồn, kẻ cả:

“Viết lại đi Nhã Ca ạ. Nhã Ca viết tốt lắm. Anh có đọc một vài cuốn của cô.”

Tôi cười

“Chắc cả Giải Khăn Sô Cho Huế?”

Ông Nguyễn cũng cười, giọng càng ôn tồn hơn:

“Anh đọc hết rồi. Chuyện cũng không có gì mới mẻ. Chỉ có một hình ảnh cô tả anh rất thích là cái nón từ trên trực thăng rớt xuống mặt biển…”

Tôi phì cười.

“Bộ ở ngòai Bắc không còn tới cả cái nón lá?”

 

Tôi nhớ tên cuốn sách mới của ông Nguyễn vừa thấy ở hiệu sách: Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi . Đang tính thêm: Những chuyện giết chóc kiểu Mậu Thân Huế, đối với các anh ngòai Bắc, hẳn thấy là thường rồi. Đâu còn gì có thể gọi là mới. Nhưng Trịnh Công Sơn đã ngắt lời.

 

 

Sơn nói gì, tôi không nhớ rõ. Chắc cũng chỉ với ý tốt, muốn chuyển hướng câu chuyện. Cười thôi. Nhưng ông Nguyễn lại hỏi:

“Còn… hắn? Đang được học tập cải tạo ở đâu?”

“Cái gì mà học tập cải tạo. Anh muốn hỏi về ông chồng tôi à? Tù thôi. Đi tù thì nói đi tù, việc gì phải dùng chữ hoa mỹ.”

Ông Nguyễn cười, không có vẻ gì phật ý. Tôi bắt gặp ánh mắt Phạm Nhuận nhìn sang, gật đầu kín đáo.

Có người hỏi về một bài hát mới nào đó của Trịnh Công Sơn. Sẵn đàn, mọi người yêu cầu hát nhưng Sơn từ chối, nói thôi để khi khác.

Tới lúc cáo lui rồi. Không chừng chính sự có mặt của tôi làm cụt hứng những bài ca vui vẻ. Sơn vốn không phải là người thích nói nhiều, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn.

  

Sơn Nam có nói gì không? Có. Một lúc nào đó, nhìn cái áo bà ba tôi tha từ nhà tù về, anh nói:

“Nhã Ca bây giờ đứng chủ một cửa tiệm lớn ngay trên đường Tự Do, trông oai vệ quá.”

Rồi:

“Cô em chả còn dáng dấp gì một nhà văn cả. Như bà chủ hụi. Buồn năm phút.”  

Đúng là căn nhà tôi đang ở cứ khiêu khích mọi người. Đã tính trả lễ. Nhưng thôi, nhìn kìa. Anh chỉ còn da bọc xương, ốm tới nỗi cả khuôn mặt, chỉ còn thấy linh động ở miệng và răng. Mới đó hồi nào, Hà Thúc Cần dựng phim Đất Khổ do tôi viết đối thọai, cạnh các nhân vật chính như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Kim Cương, Dương Vân Quỳnh, có cả anh Sơn Nam ké vô một vai phụ. Trong vai một ông nhà văn nghèo mê đồ cổ, dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong cảnh một quán nước ngọai ô, anh Sơn Nam lúc ấy còn linh họat, bén nhậy biết bao. Tội nghiệp anh ấy. 

 

Tôi đứng dậy, chào ông Nguyễn. Hai cọng bông súng đã lìa gốc vẫn chờn bên vai ông. Mầu đỏ của bông súng tàn kề bên mái tóc bạc. Có hai người cùng chủ nhà tiễn khách. Phạm Nhuận:

“Nhuận bắt tay chị một cái. Chị Nhã Ca.”

Và Sơn Nam:

“Cô em. Lì xì anh đi.” 

Ngó anh. Con Chim Quyên Xuống Đất ốm yếu, tong teo. Vẫn còn lòng quý mến chút Hương Rừng Cà Mau.

“Anh cầm lấy đi.”

“Thôi mà. Cầm đi. Đùa gì…”

Trịnh Công Sơn, ít lâu sau ghé lại, nhắc:

“Bà gặp anh Nguyễn Tuân đi. Có khó khăn gì, anh góp ý được.”

Xin đủ.

 

Đó là lần duy nhất tôi gặp ông Nguyễn. Cũng là lần duy nhất dự vào một buổi họp mặt có anh em nhà văn kẻ Nam người Bắc. Không bao giờ tôi có dịp nhìn thấy tấm ảnh mình đứng cạnh ông Nguyễn do anh Ngọc Tùng chụp.

Chỉ gặp lại Phạm Nhuận. Vài tháng sau, tới:

“Chị Nhã Ca. Nhuận tới thăm chị. Vội lắm.”

Mắt nhìn, cách chào, có vẻ lạ.

“Làm gì vội vậy. Không uống được với chị ly nước chanh hay sao?”

Hai chị em, hai ly nước chanh. Tới lúc từ giã, lại bắt tay, nắm chặt. Ai ngờ, từ giã thật. Ít lâu, nghe Nhuận đã đi thóat.

Mừng Nhuận. Bây giờ, là phần người còn ở lại.

***

TÀI LIỆU 2

Bài viết của Nhã Ca không ghi rõ ngày tháng, 

người đọc chỉ có thể đoán nhận

 là ra đời sau bài nói chuyện dưới đây

*

Chế Lan Viên

ĐƯỜNG ĐI VÀ CHỖ ĐẾN

Dẫn theo Chế Lan Viên Tác phẩm Văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh quyển II, trang 785. Cuối trang có chú thích *Trích bài nói chuyện với anh chị em văn nghệ sĩ Sài Gòn dự lớp nghiên cứu chính trị và văn nghệ khóa II tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 3-8-1976. 

---

Tôi rất vui mừng xúc động được nói chuyện cùng các anh các chị. Nhưng trong lòng ngăn sao nổi một điểm ái ngại này: Tôi đến từ một nơi cuộc sống rất vững chãi, ổn định, bình yên, nói xong lại trở về nơi ấy. Mà anh em thì đang vượt qua những cơn sóng lớn. Trải qua ba mươi năm dưới sự dìu dắt của Đảng, của nhân dân, với sự giúp đỡ của sách vở, bạn bè, tôi đã giải quyết được cho mình nhiều tâm trạng, vấn đề. Nhưng chính anh em thì lại phải đương đầu, đối diện với những tâm trạng, vấn đề ấy, bây giờ lại vô cùng gay cấn hơn. Hẳn sẽ có người nghĩ: “Sống như chúng tôi mới khó, còn nói như anh thì dễ thôi, ai mà không nói được”. Thực tình thì ngay từ Hà Nội ra đi, tôi đã mong sao sẽ có ích, những lời nói của mình.

 

 

Trước hết, xin cho tôi kể vài mẩu chuyện. Tôi đang đứng ở chỗ nào và là ai để trình bày câu chuyện với anh em đây? 1972 Quảng Trị giải phóng, tôi về thăm quê mẹ. Đường vào phần mộ mẹ tôi đầy mìn nên tôi đành chịu, quay vào làng, tìm những người thân. May quá tìm được một bà dì họ. Dì đã lẫn, đã lòa, nhưng gặp tôi, dì ôm lấy khóc. Phần vui vì gặp cách mạng, phần mừng vì tìm ra máu mủ, con cháu trong nhà. “Con theo cách mạng, rứa là dì vui mừng, cả làng, cả họ vui mừng”. Dì quá nghèo, nên lúc chia tay, tôi tặng dì mấy chục bạc còn lại. Tôi mừng rỡ khi thấy dì không từ chối, nhưng thực lạnh cả người, suýt phải khóc, khi thấy dì đưa khoe với bà bạn già ngồi cạnh đó và nói: “Mấy chục ngoài hắn tức là mấy nghìn mình”. “Mình” nghĩa là tất cả những cái gì vừa sụp đổ trước mắt tôi. Nhưng với dì thì chưa! Chưa và còn lại một chữ mình trong tiềm thức! 

 

Lại một chuyện khác, sau chiến thắng 1975, một vị tướng lớn của chúng ta đã đến nói chuyện ở một trường đại học. Các sinh viên rất phấn khởi, tự hào là Tổ quốc Việt Nam có những chiến sĩ, những vị tướng như kia. Nhưng rồi có người phát biểu: “Đó, tướng “họ” oai hùng mà hiền, dễ thương như vậy, có đâu ác ôn như tướng ngụy của… mình”. Đã ác ôn, đã ngụy mà vẫn của mình, đau xót lắm.

 

Đấy là chuyện năm ngoái, - hồi ấy là đáng buồn. Bây giờ nghĩ lại là đáng buồn cười. Mặc dù thế, hôm nay tôi cũng xin thưa, tôi là người trong anh chị em nói với anh chị em, nếu có đụng đến những tủi nhục đau thương cũ, thì đó cũng là những tủi nhục đau thương mà đế quốc bắt dân tộc mình phải chịu. Nỗi đau chung.

 

Lại cũng có nhiều khó khăn khác cần giải quyết trước khi vào câu chuyện. Tôi tin chắc rằng trong anh chị em ở đây, có không ít người hiểu sai về chúng tôi, về xã hội chủ nghĩa. Vì sao như vậy? Ra rả mấy chục năm nay, sách báo ở đây đã nói sai quá nhiều về xã hội chủ nghĩa. Dân ta tiết kiệm, bỏ tiền ra mua quyển sách bốn, năm hào về, mà chả lẽ không tin lấy một hào nào? Chỉ tin lấy vài xu, cũng đã rắc rối.

 

Hồi chưa giải phóng, có một nhà văn Sài Gòn thoát ra Hà Nội. Anh đến chơi cơ quan tôi. Câu hỏi không phải đầu tiên, nhưng thứ hai, thứ ba gì đó, là anh đã hỏi ngay: “Con cái ông Phan Khôi bây giờ ra sao?”. Nhà văn này là của ta, nhưng tôi biết anh đã mắc mưu của địch. Trước đó, mấy hôm tôi đọc một tạp chí Sài Gòn thấy nói rằng con cái ông Phan Khôi bị đi đày. Tôi buồn cười, vì chính ông bạn tôi nhìn mà không thấy thôi, chớ hôm ấy có một cô con gái hay đi lại đi qua chỗ chúng tôi ngồi, chính là con ông Phan đó. Vì cô là cán bộ ở cơ quan. Tuần trước đây, từ Hà Nội vào: tôi đi máy bay cùng chuyến với bà vợ cả ông Phan Khôi, cùng một chị con gái lớn khác của ông, chị đưa bà cụ về Đà Nẵng để bà dưỡng tuổi già ở đó… Xã hội chủ nghĩa là vậy chớ sao!

 Sách trong này viết rằng anh Nguyễn Tuân đã say rượu nhảy xuống hồ Hoàn Kiếm mà chết đuối. Tạ Tỵ viết như vậy, là làm chính trị hay làm tiền nhỉ? Anh Tuân hiện nay đang ở cách chỗ chúng ta nói chuyện đây lối 1000 thước.

 

Báo viết rằng anh Quang Dũng là con của thi sĩ Tản Đà, và nước Việt Nam có hai người tài là vua Quang Trung và anh Quang Dũng! Thi sĩ Tản Đà uống rượu… nhưng đâu có uống rượu trộm nhà người khác! Anh Quang Dũng cũng như các anh Nguyễn Khắc Xương, Nguyễn Khắc Phục con cụ Tản Đà rất giận về chuyện này. Chả qua là báo muốn nói một nhà thơ, con của một nhà thơ lớn như vậy, sánh với một vị vua lớn như vậy mà bây giờ phải đi cải tạo, tiếc chưa! Tháng trước anh Quang Dũng có vào chơi Sài Gòn này, không hiểu nhà báo đó có biết để mà… trốn gặp.

 

Đến tôi cũng được sách báo ở đây cho đi cải tạo. Tôi vào đây có được đọc tờ Văn học số đặc biệt về tôi. Trong ấy có bài của anh Nguyễn Phan (hai họ nhưng chả biết tên là gì) viết như sau:

“Năm 1961 Chế Lan Viên làm thơ ca tụng lắm cũng nhàm lại bị bạn bè xỏ xiên. Nên cao hứng sáng tác thơ tình cảm mang tựa là Tình ca ban mai. Bài thơ đăng ít lâu thì Đảng hỏi thăm ông. Và cán bộ bảo: Sao đồng chí Chế Lan Viên còn ủy mị than mây khóc gió gọi chim nhớ rừng làm vậy. Nếu thích rừng, Đảng sẽ cho đồng chí lên rừng đi lao động vài tháng để cải tạo tư tưởng. Nghe đến hai chữ cải tạo là sợ hãi, kể từ đó Chế Lan Viên hết dám làm thơ tình…”

 

Từ đó đến giờ, tôi vẫn làm thơ tình, báo Văn học ạ. Đây là hai bài mới nhất, đăng ở Tác phẩm mới năm nay, tôi đọc các anh nghe cho vui…

TẬP QUA HÀNG

Chỉ một ngày nữa thôi, em sẽ trở về

Nắng sáng cũng mong. Cây cũng nhớ.

 Ngõ cũng chờ.

Và Bướm cũng thêm màu trên cánh đang bay

HOA GẠO SON

Đứng ngã ba đường hoa gạo son

Người tình nhân đỏ chói môi hôn

Xe ta qua mãi mà không dứt

Chiều tối màu son đỏ chói hồn…

Nhưng thơ tình của tôi thấm gì với của anh Tế Hanh, của anh Huy Cận. Càng không bằng một phần mười, một phần hai mươi của anh Xuân Diệu, chúa thơ tình. Những lúc yêu, tôi phải vay thơ của các anh ấy. Người vay, người cho vay chưa ai phải đi cải tạo bao giờ! 

 

Đấy, khi tôi đến nói chuyện cùng các anh chị là đã có hàng chục năm xuyên tạc, tuyên truyền như vậy của địch đổ lên đầu chúng tôi hàng bao thứ chuyện. Nào các nhà văn tiền chiến bị mắc kẹt ở miền Bắc, nào họ “khốc hận” và tiếc không được sống ở Sài Gòn, nào bây giờ họ hóa máy rồi, thương cho họ…

 Chống cộng là quốc sách ở vùng bị chiếm. Khi đã gọi là quốc sách thì trẻ con mới oe oe cũng phải nằm trong ảnh hưởng của nó rồi. Là đậy nắp quan tài, đi ra nghĩa địa, cũng là trong kèn đám ma của quốc sách đó. Huống gì đế quốc Mỹ, dữ dằn lắm, nhiều kinh nghiệm lắm! Quốc sách chống cộng, chống cách mạng của nó là một quốc sách toàn diện, hoàn chỉnh, thành một hệ thống vẹn toàn. Nó chống cộng bằng bạo lực và bằng không bạo lực, bằng chiến tranh và bằng cả hòa bình, thái bình, bằng cái thô lỗ nhất nhưng cũng bằng cái êm ả, tinh vi nhất. Đâu phải chỉ có bom, pháo, trại tù, dây kẽm mà còn cả tôn giáo, triết học, thơ văn, tình ái, vầng trăng nữa, được huy động vào bộ máy khổng lồ này.

 Công việc của các bạn sau này để giãy ra cho khỏi cái màng lưới vô hình ấy thực không đơn giản. Tôi nhớ cái cậu bé mười bảy, mười tám tuổi là tôi ngày xưa chỉ đọc có một quyển Retour de l’URSS của André Gide, tiếp theo một quyển Retouche nữa, mà cũng phải mất đi mấy năm trời mới giãy ra được. Huống chi bây giờ văn chương chống cộng còn đầy nếu không ở hè phố thì trong các tủ sách gia đình, thứ văn học ấy đến không những từ Mỹ, Tây Âu, Đài Loan, Hồng Kông, Phi Luật Tân, mà ở cửa sau của các nước xã hội chủ nghĩa, Sozhenitsyn chẳng hạn…

 

Chống cộng là quốc sách. Nhưng đôi khi chống cộng cũng là một trạng thái tâm lý “thôi thì bắt buộc phải có” cho “mình yêu với chính mình”.

Ví dầu tình bậu muốn thôi

Bậu gieo tiếng dữ cho rời bậu ra

Các anh các chị từng yêu, hẳn biết cái tâm lý khi người này muốn bỏ một người kia mà không nỡ, mà còn luyến tiếc, bứt rứt, băn khoăn, thôi thì chỉ còn có một cách là cố hết sức mà tìm cho ra tội lỗi của con người ấy. Nếu ở giữa những bùn nhơ của đế quốc mà mắt cứ luôn luôn liếc về phía ánh sáng của cách mạng, thì chịu làm sao được. Thôi thì cắn răng, bóp lòng ném bùn về phía ấy, cho nó tắt cái ánh sáng kia đi. Tôi biết có nhiều người phải tin những chuyện không tin được như ở miền Bắc bắt phụ nữ lấy thương binh đựng trong từng cái bao, ở miền Bắc nhổ móng tay các cô nào đánh móng tay đỏ, v.v… Phải tin như thế thì mới chấp nhận được cuộc sống ở đây nhắm rượu bằng gan người. 

 

Trên đây là các cái khó khăn do kẻ địch đưa lại. Nhưng phải đâu cách mạng chỉ đưa lại có những điều thuận tiện, dễ dàng! Có biết bao khó khăn đến với chúng ta, đến với các bạn từ phía cách mạng. Chỉ vì đầu tiên là cách mạng là… cách mạng. Cách mạng không phải là đảo chính. Không phải là cải lương. Không phải là cuộc sống bình thường. Cách mạng là bão. Là gió cấp 12. Không phải hiu hiu gió hay gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Bất cứ cổ kim đông tây, bất kỳ đâu trên thế giới, cách mạng đều thổi với tốc độ vũ bão, long trời, chuyển đất, đổi đời ấy.

 

 Phải nói rằng ở ta nhờ có chính sách đường lối vô cùng nhân hậu của Đảng mà nó chỉ là bão chứ không phải là bão lửa, là bể, chứ không phải là bể máu. Cách mạng là việc tốt đẹp, vô cùng tốt đẹp. Nhưng cái tốt đẹp mà đến dồn dập thì cũng làm choáng váng mệt người. Nhưng “thần tốc, thần tốc hơn nữa” lại là quy luật, kỷ luật những năm tháng này. Thời cơ đã đến. Cách mạng không có quyền do dự, dềnh dàng, trù trừ, hòa hoãn. Nhiều việc hàng chục năm phải hoàn thành gấp trong một tháng một ngày. Cách mạng bắt buộc phải làm nhiều việc cùng một lúc, đồng một lần, cố nhiên thiếu sót, sai lầm nữa, không thể tránh khỏi. Đồng thời với cái tốt vĩ đại, thì nhiều cái xấu tày trời cũng xuất hiện ra. Nấp sau lưng những người tốt, không thiếu gì kẻ xấu xen vào, đó là không nói có nhiều người tốt, một lúc nào đó, không giữ nổi mình mà hóa xấu… 

 

Tất cả những điều này dễ làm cho chúng ta rối trí rối lòng. Nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm. Còn lúc nào dễ rối trí rối lòng hơn năm 1972. Thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng. B.52 ném bom hủy diệt Hà Nội, bộ óc của cuộc chiến đấu. Nixon, Kissinger chạy tất tả nơi này, nơi nọ, nơi kia… Bây giờ không phải chỉ là sự mất còn của từng số phận, của từng gia đình, mà của cả Tổ quốc. Nhưng Bộ Chính trị, nhưng Trung ương Đảng đã dạy cho chúng ta biết là thắng lợi đến gần rồi. Chúng tôi, những người cầm bút đã nghe lời dạy đó, không phải là những lời rao giảng tiên tri, hay những ước vọng mơ hồ, đó là các tính toán khoa học. Có thể nói 1972 đã đẻ ra thắng lợi vĩ đại trong năm đó, và đẻ cả thắng lợi 1975 về sau.

Với chiến công ta hiểu lại các vấn đề

Phát giác sự vật ở bề chưa thấy

Ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa…

Những năm tháng sao mà trọng đại

Ngổn ngang thay mà rất đỗi oai hùng

Trăm vạn áng mây trời cổ quái

Nhưng chính lúc đẻ ra ngày,

Sinh hạ những vàng ròng…

(THỜI SỰ HÈ 1972) 

Hãy coi chừng! Những lúc ta quặn đau, chính là lúc đẻ ra hoàng tử. Kinh nghiệm từ 1945 lại đây, những lúc ngổn ngang, cổ quái, đều là khi sinh hạ cái oai hùng! Tiếc thay nhiều người không có cái nhìn toàn diện, chỉ thấy cái này, không thấy cái kia, sinh ra rối trí rối lòng, và lìa bỏ cách mạng vào lúc ấy. 1945, họ quên mất đấy là lần đầu tiên công nông có chính quyền, họ chê công nông sao mà dốt, i tờ, i tờ rít! Trong lúc đó, đêm đầu tiên chiếm Sài Gòn, giặc Pháp cho diễn kịch Racine! 1954, lần đầu tiên trong lịch sử các dân tộc thuộc địa, đế quốc bị đánh ngã, ta làm nên Điện Biên, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, giai cấp địa chủ phong kiến bị hất nhào, ta chia ruộng cho người cày, nhưng những người khác lại lấy cớ đấu tố, sai lầm, và lại chia tay cùng cách mạng. 1968 là như vậy. 1972 là như vậy. 1975, thắng lợi vĩ đại nhất, thì cũng là lúc di tản ào ào. Và 1976 đây, giữa lúc ta thực hiện nền thống nhất, ta xây dựng nền cộng hòa xã hội chủ nghĩa trên quy mô toàn quốc, vẫn còn có kẻ bỏ ta đi.

Cho nên sự có mặt đông đủ anh chị em ở đây là một điều làm cho chúng ta tự hào, ca ngợi. Lòng yêu nước đã làm cho anh chị em, dù chưa hiểu cách mạng nhiều, dù ở trong sự tuyên truyền xảo quyệt hàng chục năm của đế quốc, vẫn giữ được tấm lòng son và con mắt sáng của mình, quyết tâm ở lại.

Lên non em cũng lên theo

Xuống thuyền em cũng xuống leo mạn thuyền

Nói gì sau này mọi việc trơn tru, ổn thỏa rồi, đất nước phồn thịnh, hùng cường rồi, tất cả mọi người vào dự tiệc và ta có mặt! Bây giờ đất nước khó khăn, ta cũng khó khăn, mà ta đứng đó, thế mới hay. Thế mới là “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.

 

Nhưng nếu như ta cảm ơn ta, thì trước hết ta phải cảm ơn cách mạng. Nếu không có chiến thắng thần tốc 1975, dễ gì ta có cuộc họp ngày nay! Cách mạng rất kiên trì! Nhưng nếu chỉ có tấm lòng cách mạng kiên trì , mà không có sức mạnh của cách mạng chiến thắng thì đôi khi cũng vô ích. Tôi xin kể vài sự việc. Tôi không đọc anh Thế Uyên thành ra không biết anh ấy có giỏi không. Hỏi các anh các chị trong này, người thì khen hay, người lại chê dở. Ấy, đối với một nhà văn, dư luận giá trị còn phân vân thế, mà cách mạng cũng phải mất đi với anh hai mươi bài kêu gọi! Anh Nguyễn Thành Long, bạn tôi, được ban Binh vận quân đội nhờ làm việc đó. Anh Long đã tìm gặp anh Thế Lữ và chị Song Kim là hai người từng bế anh Thế Uyên lúc còn đỏ hỏn. Và anh Long cũng đã về tận làng Bằng mà Thế Uyên nhớ mong. Đây là làng Bằng A ngày nay, nhờ cách mạng cải tạo đã không còn tiêu điều xác xơ như trong ký ức anh Uyên nữa. Ruộng ở Bằng A, bây giờ năm mươi mốt tạ một hecta. Lợn ở đây xuất chuồng đều đạt một tạ. Trong thời kỳ chống Mỹ phụ nữ làng Bằng, làng Bằng A đều làm hết mọi việc, từ hành chính đến lái máy cày. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm xã ấy.

Một xã Bằng A như vậy. Thế Uyên có yêu được hay không? Nhưng nước chảy lá môn, công của anh Long đã là công cốc. Đến Phan Nhật Nam cũng vậy. Đấy là cây bút có tài! Cố nhiên là phản động! Nhưng khá có tài. Nietzsche từng viết: “Nhà văn ấy viết bằng máu, nhưng máu anh ta chính là nước lã”. Có thể sửa câu ấy lại để áp dụng cho Nam: “Anh ta viết bằng máu, đó là cái máu thâm xịt, đen ngòm, đầy nọc độc của mình”. Phải đâu anh ấy chỉ có chống cộng. Anh ấy đã chửi từ Nguyễn Thái Bình, đến phong trào đòi hòa bình của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, đến cả những người ngồi dưới hầm chịu bom B.52. Anh ấy cho chịu được bom như vậy, là vô tri, là không óc không tim.

Cách mạng vẫn xem đế quốc Mỹ mới là kẻ thù chính, và anh Nguyễn Thành Long lại được viết bài kêu gọi anh Nam. Bài anh Long phát được vài hôm thì nhận được một bức thư từ Hải Phòng, cái thành phố từng bị B.52 ném đi ném lại. Không ngờ đó lại là thư của bố anh Nam. Ông cụ không tin con mình lại có thể xấu như trong bài anh Long viết. Anh Long vội vã về Hải Phòng, tìm ông cụ, cho cụ đọc Dấu binh lửa của Nam. Cụ rất đau đớn. Cụ là cán bộ nghiên cứu của sở phát hành sách báo Hải Phòng, sách nào hay cụ cũng mua để dành cho Nam một quyển; nhưng quyển sách của Nam đã chửi tên cụ và tủ sách này. Cụ vẫn kiên trì. Cụ gởi một cái ảnh cụ cho anh Long, nhờ chuyển đến Nam: “Chắc nó biết tôi còn sống ở đây, thế nào nó cũng hối hận”. Anh ấy đã giao cho bộ phận đặc trách trong quân đội. Bài anh Long cũng đã phát nhiều lần. Nam có đi Hà Nội nhưng để mà sau đó chửi rủa điên cuồng hơn bao giờ hết! Các bạn thấy chưa? Nếu cách mạng chưa thắng thì kiên trì bao nhiêu cũng là nước chảy lá môn.

Giờ tôi kể chuyện tôi về anh Vũ Hoàng Chương. Tôi không đánh giá anh là vua thơ như anh ấy tự phong cho mình như vậy. Nhưng dầu sao đó cũng là một thi sĩ có tài. Hình như các lực lượng trẻ trong Sài Gòn xếp anh vào đồ cổ. Nhưng ta khoan bàn chuyện ấy. Tôi có viết cho anh ấy một bài năm 1960, nhân quyển Hoa đăng. Vì tôi nghĩ rằng, trong hàng triệu người lên đường đánh giặc, biết đâu lại không có người lên đường vì yêu màu cờ trong thơ anh Vũ Hoàng Chương:

Rực rỡ sao vàng hoa, vĩ đại,

Năm cánh xòe trên năm cửa ô

Ấy thế mà chỉ một vài năm sau, anh Chương lại quay miệng chửi những con người ấy. Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Máu của người quốc gia hòa lẫn cùng máu người Pháp trên chiến trường chống cộng”. Thế nhưng khi bỏ phiếu cho Ngô Đình Diệm, anh đã viết:

Lá phiếu trưng cầu một hiển linh.

Xé tan bạo lực dưới muôn hình

Anh thì không khỏe mấy nhưng lòng anh thiệt hăng:

Gió nổi vần mây giục đấu tranh

Tâm tư lồng lộng kết nên thành

Thành ngăn sóng Đỏ mây sừng sững

Nước Tổ về ngôi đẹp sử xanh…

 Những lời nhắn với anh là từ 1960, mười sáu năm rồi đấy! Nhưng mà cũng là nước chảy lá môn thôi! Sự kiên trì của bè bạn, anh em thực chẳng có ích lợi gì.

Vào lớp học này, có những cái khó, và những cái dễ như tôi đã trình bày ở trên. Cái khó do chủ nghĩa đế quốc gây ra, do những tấm lòng “cứng lại” không chịu cho lời nhắn nhủ đến. Cái dễ là cách mạng đã thắng lợi, là lòng yêu nước của anh chị em đã khiến anh chị em ở lại cùng cách mạng, và còn quyết tâm đi với cách mạng xa hơn, có thể đến cùng.

Nhưng trong vô vàn cái dễ ấy, cái thuận lợi ấy, có cái thuận lợi này rất lớn, mà rất cần thiết cho chúng ta. Ấy là đường lối, chính sách của Đảng về văn nghệ. Tôi gọi đó là chính sách “sống”, vì không phải tìm nó trong báo cáo, giấy tờ, mà nhìn vào sự sống, thấy các hiện vật, bằng chứng sờ sờ ra đó thì đủ thấy rồi.

Có ai nhắn giùm cho Doãn Quốc Sĩ, cái nhà văn phản động thì rất giỏi mà viết văn lại kha khá tồi, biết rằng anh ấy là một đứa con bất hiếu. Đám tang nhà thơ Tú Mỡ, bố vợ anh, không phải anh ấy lo mà anh em văn nghệ miền Bắc đã lo cho. Anh Tú Mỡ là một nhà văn của Tự lực văn đoàn, cũng như anh Thế Lữ. Nhưng anh Thế Lữ bây giờ là Chủ tịch Hội Sân khấu, còn anh Tú Mỡ là vua trào phúng của nền văn học xã hội chủ nghĩa chúng ta. Anh Tố Hữu sáu giờ sáng đã phải ra sân bay, nhưng năm giờ sáng anh còn vào bệnh viện đến trước quan tài anh Tú Mỡ. Anh Tố Hữu nói: “Ta đã mất đi một tiếng cười”. Rồi lại nói: “Tiếng cười quý hơn tiếng khóc phải không?”. Cho đến lúc rời Tú Mỡ, Tố Hữu còn dùng dằng bảo: “Không ai thay thế được”.

Quan tài đưa về quàn tại trụ sở Hội Liên hiệp. Anh Xuân Thủy là một trong những người đến viếng từ phút đầu tiên. Chiều khi xe tang đi, anh Xuân Thủy còn đi theo xe một đoạn đường (tôi nhớ hồi đám tang cụ Song An Hoàng Ngọc Phách, anh Trường Chinh cũng đã đến buổi sáng lễ trước quan tài, rồi lại đến buổi chiều đưa linh cữu lên đường như vậy).

Cảm động xiết bao mười giờ sáng hôm ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến. Anh cầm theo một nhánh hoa trang đỏ, cắm lên bàn. Gần hai mươi phút đồng hồ. Thủ tướng đi hỏi từng người trong gia đình. Thủ tướng nói: “Tôi rất ân hận là tôi biết chậm quá, chậm quá!”.

Chính sách của Đảng đối với văn nghệ, với văn nghệ sĩ, không phải trên giấy tờ mà bằng cả tấm lòng. Bởi thế tất cả những người văn nghệ mà ở đây gọi là tiền chiến, mà báo chí gọi là khốc hận, là mắc kẹt, là đi cải tạo, là bị tẩy não, là lên rừng… gì gì đó thì bây giờ đều tồn tại. Không những tồn tại, mà bây giờ đều là những cốt cán của Đảng, những người cùng với hàng trăm văn nghệ sĩ khác, đào tạo ra sau này, góp phần làm nên nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Sau gần hai mươi năm theo cách mạng, quãng 1965, một hôm tôi mới sực ý thức ra sự sai trái của mình lúc trước. Giữa lúc Bác về trên Pắc Bó thì mình lại đi chơi:

Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp.

Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa

Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép

Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.

Tôi nhìn lại cả hàng ngũ tiền chiến, ít nhiều đều đi chơi, đều thoát ly như vậy, dù đó là con nai vàng ngơ ngác, con hổ gặm một khối căm hờn trong vườn bách thảo, hay con ma của những đêm Hời. Tôi viết:

Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết

Người thay đổi đời ta đã về kia mà ta vẫn

không hay

Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết

Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày

Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời

thơ ấy

Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không

Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy

Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu

Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo

Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ

Làm tất cả! Chỉ trừ không đổ máu…

Tôi nhớ đâu một vài năm sau gì đó, trong một buổi nói chuyện linh tinh, anh Tố Hữu sực nhắc đến bài đó. Anh bảo: “Cái câu “Chỉ trừ không đổ máu” găng quá. Tôi chưa nói sao thì anh lại tiếp: “Lúc ấy các anh không chấp nhận đế quốc, thế là quý rồi! Các anh chỉ buồn thôi, không vui cùng chúng nó, thế là quý rồi. Đảng đâu có đòi hỏi mọi người phải đổ máu mới là làm cách mạng”.

Đấy, nếu có cán bộ nào đến nhà nhắc chúng tôi, là nhắc như vậy, hỡi ông Nguyễn Phan của báo Văn học!

Và chính hôm nay đến nói chuyện cùng anh chị em ở đây, là với những lời nhắn nhủ như thế còn trong tai, trong tấm lòng mình. Con đường chúng tôi đi qua, các anh chị sẽ đi qua. Nhờ có Đảng, chúng tôi đã đến. Và các anh các chị rồi cùng chúng tôi sẽ đến.

 



 

 

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم