VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

HỒI KÝ


 

Câu chuyện của người tự học

1. Lời khuyên đầu tiên
Ở trường đại học ra, sau khi thu xếp được một chỗ làm việc tàm tạm, cái việc mà một thanh niên tự trọng hiện nay phải lo đầu tiên, theo tôi chưa phải là lo học thạc sĩ rồi lần lên tiến sĩ… mà là học để có được một ngoại ngữ có thể sử dụng tự do và trước tiên, dư sức đọc các tài liệu chuyên môn.
Mỗi khi có dịp trò chuyện với các bạn trẻ, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói – nếu như được yêu cầu có một lời khuyên – đơn giản như vậy. Đây là kinh nghiệm tự học của tôi, mà cũng là điều tôi rút đúc được, qua nhiều thành bại của các đồng nghiệp.

2. Nhận rõ vị thế của mình!

Các trường đại học mà bọn tôi theo học nhà cửa đơn sơ, phòng học nhiều khi chỉ là mấy gian nhà lá trống trải, sách vở và phương tiện thiếu thốn, cổ lỗ. Nay các trường đại học ở ta đã khang trang to đẹp hơn nhiều. Nhưng, theo chỗ tôi hiểu, trước sau trình độ đào tạo ở ta vẫn vậy, người sinh viên ra trường thường không nhập được vào guồng máy sản xuất của xã hội, còn so với trình độ đại học ở các nước tiên tiến thì lại càng không theo kịp (giá có muốn xin việc ở nước ngoài cũng không ai người ta nhận!)
Chúng ta chỉ được đào tạo rất sơ sài…, chắc chắn đây là điều mà các bạn trẻ đã nghe nhiều lần. Song biết lơ mơ là một chuyện, mà ghi tạc nó vào tâm trí, để biến thành ý chí, nghị lực trong hành động lại là một chuyện khác. Mà chỉ khi nào người sinh viên ở trường ra thấy đau đớn khổ sở vì mình chưa được học đến nơi đến chốn, tiếc cho tuổi trẻ của mình không vươn tới được cái tầm lẽ ra nó có thể vươn tới… thì người ta mới bắt tay vào tự học thực sự, tự học có kết quả.
Nhưng làm thế nào để biết rằng mình còn đang kém cỏi, nếu không đọc rộng ra sách báo nước ngoài? Xin phép được lấy ví dụ từ kinh nghiệm bản thân: Nhờ tự học tiếng Nga, hiểu văn học Nga (và chút ít văn học phương Tây qua tiếng Nga) mà tôi có điều kiện để nhìn nhận văn học Việt Nam phần nào thấu đáo hơn, cũng như quan niệm của tôi, cách hiểu của tôi về văn học nói chung, trong chừng mực nào đó, cũng trở nên hợp lý hơn. Một số bạn trẻ gần đây chỉ lo học ngoại ngữ để giao thiệp, trong khi đó học để đọc sách, kể cả “đọc” qua máy tính… mới là việc chủ yếu của người muốn tự học.

3. Tinh thần lập nghiệp.

Ta chỉ hay nói lớp trẻ nên khiêm tốn biết ơn những người đi trước… Song có một tinh thần nữa mà người thanh niên ngày nay phải thấm nhuần, ấy là không thoả mãn với kiến thức được truyền thụ, coi rằng moi việc người trước đã làm đều chưa hoàn thiện, thế hệ mình còn phải tiếp tục; hoặc trong khi chấp nhận sự hoàn thiện của người đi trước, thì vẫn tin rằng thế hệ mình sẽ có cách làm khác, để đi tới một sự hoàn thiện mới. Về mặt đạo đức mà xét, cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, là tìm cách vượt lên trên họ. Sự hiểu biết kỹ lưỡng về thành tựu của những người đi trước là nhân tố có vai trò kích thích người trẻ tiếp tục khai phá mở đường.

4. Mấy “chiêu thức” cần thiết

Có nhiều “động tác” mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song lại có ý nghĩa quyết định và các bạn trẻ mới bắt tay tự học nên biết :
1/. Các loại sách từ điển bách khoa cho phép người ta có được bức tranh toàn cảnh về một lĩnh vực kiến thức nào đó, bởi vậy, với những người tự học, là một công cụ thật thuận tiện. Vả chăng không phải chỉ tra một từ điển, mà có khi mò mẫm tra nhiều từ điển khác nhau, để tìm ra cái tối ưu. Khi sử dụng Bách khoa toàn thư, không nên quên theo dõi phần thư mục của nó, để tìm xem chung quanh vấn đề mình đang theo đuổi có những quyển sách nào đáng đọc nhất, rồi dành thời gian đọc bằng được. Theo cách này, tôi đã có thể hiểu kỹ thêm vài môn học mà quả thực, lúc học ở trường, chưa được các thày dạy, hoặc dạy quá sơ sài, thậm chí là dạy sai nữa.
2/ Trong khi tự đặt cho mình một kỷ luật làm việc, đồng thời ta nên dành ra những khoảng trống tự do, để từ lĩnh vực mình phải học, đọc lấn sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong khi học về văn học, tôi đồng thời có ý tìm đọc thêm sách sân khấu, hội hoạ, có lúc lan man sang cả sinh học, cơ học lượng tử… Không bao giờ tôi coi những bước lang thang này là mất thì giờ, ngược lại, thấy biết ơn những kiến thức xa lạ ấy, vì nhờ có chúng, những suy nghĩ của tôi về văn chương và đời sống trở nên mềm mại hơn.
3/ Nên biến việc tự học thành một việc hữu ích. Tức là người tự học cũng nên tính tới những sản phẩm cụ thể, và nếu những sản phẩm này biến thành hàng hoá, mang lại cho đương sự một số tiền nho nhỏ thì…càng tốt. Tôi nhớ hồi đang mê đọc các thứ lý luận về tiểu thuyết, tôi đồng thời nhận làm các bản lược thuật cho Viện thông tin khoa học xã hội. Đáng lẽ chỉ tuỳ tiện ghi lại kiến thức vào sổ tay thì tôi phải trình bày lại chúng một cách sáng sủa, để người khác có thể sử dụng được. Tiền thu được chẳng là bao, nhưng nó buộc tôi phải làm công việc của mình một cách nghiêm túc.
5. Bản lĩnh và may mắn
Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh – oái oăm là ở chỗ đó!
Thường nhìn vào khoa học, người ta dễ bắt gặp một khung cảnh ồn ào lộn xộn. Vậy nên khi bước vào đó, người tự học luôn luôn cần có một chút tỉnh táo để biết trong trường hợp của mình, thầy nào đáng theo, sách nào đáng đọc kỹ trước tiên. Tức là phải có được một bản lĩnh nhất định, và cả một chút may mắn nữa.
Nói là phải đọc hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo khác nhau, song người có kinh nghiệm đều biết trên con đường tự học thực ra chỉ có một hai cuốn sách nào đó với bản thân là có ý nghĩa nhất: những quyển sách ấy làm thay đổi cả hướng đi của mình, do đó cả cuộc đời mình. Nếu như bằng trực giác, bằng mẫn cảm, ta đã tìm được một hai cuốn sách lớn, và biết coi nó là bạn đồng hành suốt đời, đọc mãi không chán, thì hoàn toàn có thể tự coi là mình biết học, và may mắn ấy, không phải ai cũng có.
Nhấn mạnh một chút hên xui không phải để làm chùn bước các bạn trẻ : chính những đỏng đảnh bất định này lại là chút muối mặn mà làm cho công việc tự học của chúng ta không bao giờ nhàm chán.
Trong số rất nhiều định nghĩa về con người hiện đại, có một định nghĩa đơn giản như sau: Đó là con người biết làm ra chính mình.
Theo tiêu chuẩn này mà xét, thì người biết tự học luôn luôn là con người hiện đại./.

,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

TINH THẦN CỦA NHỮNG NĂM HỌC ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

DÌU DẮT TÔI TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI

Năm 1961, học xong lớp 10 trường Chu Văn An, nơi tôi mơ ước là khoa Văn Đại học tổng hợp. Nhưng tôi thi trượt, và nói nôm na là bị “tống khứ “ vào Đại học Sư phạm Vinh, chỉ giữ nguyên được cái nguyện vọng học văn.
Học ở Vinh được hai năm, lúc tốt nghiệp thấy nhà trường có trưng cầu ý kiến là ai có muốn học thêm thì cho ra theo lớp “văn 3 ” ở Hà Nội, tôi ghi tên ngay. Quả thật lúc đó tôi chỉ tính trốn được đi dạy ngày nào hay ngày ấy !
Ngoại trừ mấy năm dạy …linh tinh, chủ yếu là môn toán, cho các lớp học bổ túc trong quân đội ( theo lệnh động viên nhập ngũ ngày 1-8-1964 ), tôi chưa lên lớp ở bất cứ trường phổ thông nào.
Từ đầu 1968, tôi chuyển về làm báo chuyên nghiệp trong quân đội, rồi từ 1979, chuyển sang ngành xuất bản, cả hai đều gắn với nghề viết văn mà từ hồi học phổ thông, tôi ao ước.
Từng học qua hai trường Sư phạm khác nhau,vậy mà, xét tổng quát,sau khi ra trường, tôi chẳng có một chút duyên nợ nào với nghề giáo dục.
Song, tôi vẫn muốn nói lời biết ơn chân thành với ba năm học Đại học Sư phạm và ai hỏi vẫn nói rõ tôi vinh dự là đã xuất thân từ Đại học Sư phạm.
Mẹ tôi qua đời từ năm tôi mới lên bốn và cả tuổi suốt tuổi thơ tôi sống với một bà mẹ kế. Bà chẳng thương gì tôi, nhưng lại dạy dỗ tôi nhiều điều. Có lần bà giao tôi rửa một mớ rau to tướng.Nhà chỉ có cái chậu sành bé tí, rửa làm sao bây giờ ? Bà dạy chia mớ rau to làm 4 mớ nhỏ, rửa 4 lần, kỳ sạch thì thôi. Tôi lây nhiều tính của bà, mặc dù trong bụng rất uất bà. Lây cả những tính xấu như keo kiệt bủn xỉn. Nhưng hơn bù kém, lấy lý trí mà xét, tôi vẫn biết ơn bà.
Tuy không giống hẳn, nhưng những năm học Đại học Sư phạm cũng có tác động tới cuộc đời tôi theo kiểu ấy.Thời gian này tập cho tôi nhiểu đức tính tốt, biết định hướng cuộc đời ngay trong môi trường mình bị áp đặt mình không thoải mái. Sau này trong đường đời mỗi khi gặp khó khăn vất vả, tôi lại thường tự nhủ, thật là chưa tủi chưa nhục bằng những năm học Đại học Sư phạm, cứ kiên trì là mình rồi sẽ đạt tới mục đích.
Khi nhận giấy báo chuyển vào Đại học Sư phạm Vinh, tôi đã khóc hết nước mắt. Hồi đó, phương tiện giao thông từ Hà Nội vào Vinh còn kém lắm, xe ô tô hàng phải chuyển qua mấy con phà. Mà tôi thì quá non nớt, nói ra bảo bịa, quả thực lúc ấy tôi đã lẩm cẩm nghĩ bụng rằng làm gì có nơi nào xa đến mức đi ô tô từ sáng đến chiều mới tới (!)
Đại học Sư phạm Vinh lúc ấy mới khai trương được một năm. Chỉ có hai khoa một văn một toán, mỗi khoa hai lớp, tổng cộng 4 gian nhà lá cho 4 lớp. Vì Vinh những năm ấy mùa hè nào cũng xảy ra những vụ cháy, nên tới hè 1963, chúng tôi chuyển lên nhà tầng, thứ nhà chung cư thô sơ ( hồi ấy gọi là khu tập thể ) mới bắt đầu xuất hiện .
Điều kiện kinh tế thường không phải là lý do làm một người trẻ tuổi lúc ấy buồn. Năm 1961, gọi là ở Hà Nội, nhưng nhà tôi vẫn nhà tranh sân đất. Suốt đời học phổ thông tôi học dưới ánh đèn dầu và, tối tối đi bộ ra đầu ngõ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam qua tấm loa rè mắc ở cổng ga xe điện. Với một học sinh hà Nội ngoại ô như vậy thì Vinh và những vùng phụ cận khoảng 1961-63 có một đời sống hiền hòa khiến đám thanh niên thấy không có gì đáng phàn nàn .
Nhưng làm khổ tôi hơn cả là cái không khí văn chương khoa Văn Đại học Tổng hợp đặt ở Láng. Người cho tôi biết những tin này là anh Nguyễn Đình Bưu. Thời gian học để thi đại học, tôi đã vào lò học chỗ anh, làng Nghĩa Đô đầu chợ Bưởi. “Lò” thời ấy là thế này, thấy hợp nhau, tôi mang tiền mang gạo lên xin phép bố mẹ anh cho học chung. Chúng tôi thử làm các bài theo đầu đề có sẵn rồi trao đổi với nhau. Lúc học chia ngọt sẻ bùi, bây giờ anh đỗ tôi trượt, anh cũng thương cảm, thường xuyên viết thư kể chuyện học hành ra sao để tôi biết.
Bưu càng kể càng như xát muối vào lòng tôi. Cuối cùng, không chịu được, tôi quay ra cay nghiệt tị nạnh, oán trách đời bất công, nói đau nói hỗn cả với những người chỉ hưởng cái phần họ đáng được hưởng. Bưu không viết thư cho tôi nữa. Sau này anh tiếp tục hành nghề,về hưu với chức Giám đốc Sở Văn hóa Bắc Ninh.
Cũng may mà cùng với việc chấm dứt viết thư cho Bưu, tôi cũng dần dần xác định được hướng đi của mình. Tạm xem như tôi đang ở đáy vực. Tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ chọn dạy học làm nghề suốt đời, và càng không nghĩ mình cần trở thành một sinh viên tốt nghiệp giỏi. Nhưng đây vẫn là chỗ tôi có thể học được. Cái gì nhà trường dạy, lo học thật tốt. Cái gì không dạy thì tự học lấy. Ví dụ như học ngoại ngữ. Trừ mấy ông mấy bà chuyên về văn học phương Tây hoặc Văn học Trung quốc — hồi ấy vốn rất lép vế ở các khoa ngữ văn –, còn theo tôi biết nhiều giáo sư ở ta không có thói quen tìm đọc sách báo nước ngoài thường xuyên, nhất là đọc báo và hiểu rộng ra cả cái đời sống nghiên cứu ở một nước ngoài nào đó mà mình theo đuổi. Vì có bao giờ họ được yêu cầu làm việc đó đâu. Không làm mà vẫn giáo sư thì tội gì làm cho mất thời gian ! May mà lúc ấy tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ làm nghề gì cũng phải biết ngoại ngữ. Nghe Bưu nói học ngoại ngữ ở Đại học Tổng hợp năm ấy cũng chẳng hơn trong Vinh bao nhiêu, tôi thêm yên tâm. Ngoài việc theo học trên lớp, phần lớn thời gian tôi dồn cho tự học tiếng Nga.
Một khoảng không đã được tạo ra, và tôi tìm thấy hào hứng trong việc lấp đầy nó. Tôi không còn buồn sướt mướt như khi mới vào Vinh.
Tôi quên không nhớ là ai đã nói, đối với một người mới vào đời, thất bại nhiều khi lại cần hơn cả thành công. Vì nó giúp cho người thanh niên kia hiểu rõ mình hơn. Hiểu rõ năng lực thực của mình, từ bỏ ảo tưởng thói kiêu căng vốn gắn liền với tuổi trẻ nhanh nhạy.
Cụ thể trong trường hợp của tôi, việc chuyển vào học Đại học sư phạm dạy thêm cho tôi một điều nữa. Số phận cá nhân lúc ấy là nằm trong tay những tập thể hời hợt vô cảm. Xã hội không dạy con người học hỏi để tự đánh giá mình. Mà ai đã bị đặt vào thang bậc nào thì sẽ yên tâm nằm chết gí ở thang bậc ấy. Ngược lại — không rõ học hỏi từ đâu nhưng sau việc thi trượt, và phải rơi vào một môi trường mình không lựa chọn –, những ý nghĩ sau đây đã đến với tôi :
– có thể là lúc ấy mình đã làm bài kém, nhưng thực lực của mình là chuyện khác.
– chỉ mình mới đánh giá chính xác tài năng của bản thân – cái tài năng sẽ đến nếu biết học hỏi — và một phần nghị lực của cuộc đời sẽ dành để chứng minh cho mọi người thấy họ đã sai trong việc đánh giá mình.
– Những điều học được ở trường chỉ là một phần, cái chính của con người mới bước vào đời, là tự học. Phải học lấy hết. Phải tự đào tạo. Tìm lấy cho mình thầy. Tìm lấy cho mình sách.
Chắc các bạn học với tôi ở Đại học Sư phạm Vinh còn nhớ, cả hai năm học ở 1B và 2 B ( niên khóa 1961-1963 ), tôi chỉ là học sinh học khá, không bao giờ là học sinh giỏi, càng không bao giờ thuộc loại tiên tiến xuất sắc tuyên dương toàn trường, mặc dù tôi vẫn hết sức chăm chỉ hay lên thư viện mượn sách.Có gì đâu. Cú ngã thẳng cẳng là vụ thi trượt đã giúp tôi gỡ bỏ tâm lý hiếu thắng vốn có từ lúc học Chu Văn An. Giờ đây, tôi không màng cái sự hơn nhau lặt vặt. Tôi không cho rằng phải được điểm cao mới là giỏi văn. Chỉ có sau này trong khi len chân vào trường văn trận bút là giới báo chí xuất bản, dư luận mới đánh giá tôi chính xác.
Lúc bấy giờ cũng đã biết nói ra như thế là kiêu, tôi chỉ im lặng, ai muốn khen chê thế nào, tùy.
Một lý do nữa khiến tôi cám ơn hai năm học Đại học Sư phạm Vinh. Do lần đầu tiên có trường đại học mở ở một địa phương, nên cán bộ giảng dạy thiếu. Chúng tôi thành một thứ học trò năm cha ba mẹ. Khi một thày “ mượn” ở trường này, khi một thày “vay “của trường khác ( hồi ấy chưa có hai chữ thỉnh giảng ).
Vả chăng nói chung là một trường đại học mới, không thể có những nhân vật tầm cỡ như các trường đại học ra đời sớm hơn.Theo tôi hiểu, giờ đây vai trò của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong nghiên cứu văn học cũng chói lọi rực rỡ ngang tầm các giáo sư Phan Cự Đệ Hà Minh Đức. Nhưng thuở dạy ở Vinh, thày Mạnh của tôi còn chưa được mấy ai biết đến, muốn in được một bài trên tạp chí Nghiên cứu văn học còn khó, trong khi đó, sau khi ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, cả loạt giáo sư Trương Tửu Đào Duy Anh… được cho nghỉ dạy, Hà Minh Đức Phan Cự Đệ đã là một cặp bài trùng, tiếng nổi như cồn.
Những trường mới lập như trường tôi lúc ấy do giáo sư Nguyễn Thúc Hào làm hiệu trưởng, vừa có được cái khao khát đi lên tự khẳng định, lẫn cái tự do không bị ràng buộc vào những danh hão.
Nhất là trường tôi lúc ấy không có những tên tuổi mòn sáo sống lâu lên lão làng, mà có nhiều cán bộ trẻ đầy triển vọng. Đó là các thày Nguyễn Đăng Mạnh Phùng Văn Tửu sau này đều từ Vinh trở về Hà Nội trở thành trụ cột của Khoa Văn Đại Học Sư Phạm, Hoặc thày Hoàng Văn Lân trong môn sử mà tôi không rành lắm.
Sau này tôi còn có nhiều dịp tiếp xúc với Nguyễn Đăng Mạnh như một đồng nghiệp, nhưng chưa bao giờ thấy ông nói về văn hay, như hồi ông dạy chúng tôi phần văn học 1930-45 ở lớp văn 2B niên học 1963-64. Sau này hình như chính ông không để công ghi lại những bài giảng về cả giai đoạn này nói chung mà giành sức viết riêng về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, nhưng với tôi, phần ông nói hay nhất nồng nàn nhất lúc ấy là về Thơ mới.
Trong phương pháp nghiên cứu, tôi nhớ hai điểm. Một là Nguyễn Đăng Mạnh thường có lối nói rất triệt để. Tay ấy chẳng hiểu gì về văn học cả. Với một đồng nghiệp bất tài, ông sẵn sàng cho một câu phủ nhận sạch trơn như vậy. Hình như với ông thế giới văn học và thế giới đời thường là hai khu vực tách rời hẳn nhau, như sự tách bạch giữa cõi thiêng liêng và cõi phàm tục, và có lẽ nhờ niềm say sưa đắm mình trong cõi thiêng liêng kia, ông có được một sức làm việc mạnh mẽ, giành được một chỗ đứng, mà nhiều kẻ khác bất tài hơn, nhưng may mắn và giỏi luồn lọt hơn, không muốn ông có.
Về phương pháp nghiên cứu, ông cũng bộc lộ một phong cách riêng.Tôi nhớ một lần lên lớp, ông tuyên bố đại ý : Nếu tất cả những luận chứng dưới dây là sai thì tất cả những kết luận mà tôi nêu qua với các chị các anh ở phần trên sẽ lập tức vướt vào sọt rác. Với đám sinh viên chúng tôi, bắt đầu thức tỉnh, song thường ăn nói hàm hồ một cách đáng thương, nghĩa là thích sao nói vậy, chẳng chứng cớ chính xác gì cả — thì lối nói kiểu ấy thật có sức quyến rũ. Người ta có thể từ nó làm lại cả thế giới !
Nếu ở Vinh tôi đã chỉ là một thứ sinh viên thuộc loại hàng tầm tầm thì ra học văn 3 ở Hà Nội, tôi càng như lẫn đi giữa mọi người. Dăm năm sau, thấy tôi đi viết phê bình có bài đăng gần kín trang trên báo Văn Nghệ từ 1965, rồi chuyển về tờ báo danh giá là Văn nghệ quân đội, nhiều bạn bè cũ nửa đùa nửa thực, này hồi đi học tớ không thể ngờ là có lúc cậu đi vào văn chương cơ đấy !
Đơn giản lắm : hôm qua từ Hà Nội vào Vinh, kẻ thi trượt đã như nửa chết nửa sống, thì hôm nay trở về Hà Nội tôi lại là nhà quê ra tỉnh, có khá gì hơn.
Tôi học lớp 3C, thuộc tổ mấy không nhớ, chỉ nhớ anh Phổ miền nam tập kết làm tổ trưởng, anh Luân làm tổ phó. Trong lớp, anh Phạm Tiến Duật cũng như anh Nguyễn Đình Ảnh là nổi nhất. Tính chung trong cả khối còn có Nghiêm Đa Văn mà tôi có biết từ hồi học phổ thông, có Nguyễn Khoa Điềm. Điềm tôi không quen, lại ở khác phòng. Nghe các bạn bàn nhiều về Điềm, nên một vài lần đi qua phòng anh, tôi cũng để mắt quan sát. Nhớ nhất là chồng sách anh để đầu giường, toàn những cuốn tiếng Pháp dày cộp. Năm ấy, Điềm làm khóa luận về văn học phương Tây, đâu là một vấn đề gì đó của Balzac tôi nghe mà lắc đầu bái phục.
Không đợi sau này nhiều người phát hiện,mà ngay hồi ấy, từ Vinh ra, tôi đã thầm nghĩ mình đang học với một lớp sinh viên đầy tài năng. Các anh ấy tự tin coi văn học như một ngành hoạt động đầy thú vị.Và các anh ấy hiểu nó, yêu nó. Nhiều sinh hoạt văn học như các đêm thơ, đêm giao lưu nghệ thuật với các trường khác, các anh Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Đa Văn, Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng …to cao đẹp giai mặc com-lê lên biểu diến ai cũng xem như niềm tự hào của nhà trường. Cố nhiên trong những buổi ấy tôi chỉ đóng vai người xem hoặc đi kê bàn kê ghế gì đó. Sinh viên nội trú đều nằm giường ba tầng. Tôi nằm giường trên thì Phạm Tiến Duật nằm giường dưới, song đâu có bao giờ chúng tôi trao đổi với nhau về văn chương. Với Duật, văn chương là những bài thơ lúc nào Duật cũng chăm sửa trong đầu và chuẩn bị để mai kia gửi báo nào đó.Tôi thì túi quần lúc nào cũng chỉ có cuốn sổ từ tiếng Nga hoặc lơ mơ nghĩ tới đống sách khô cứng mà ở Vinh không có. Cho đến khi cùng đi bộ đội, gặp nhau ở Hát Lót Sơn La, câu chuyện trao đổi vẫn chỉ là mấy nét sinh hoạt thời lính. Nhớ hơn cả về Duật sau mấy tháng Tây Bắc là câu thơ vui “người làm thơ đó đang trai—trên hai cổ áo có hai lá cờ “, ý nói đang làm chân binh nhì.
Một năm học văn 3, giúp tôi sống cái cảm giác của một sinh viên Hà Nội. Nhà tôi vẫn ở Thụy Khuê. Chiều thứ bảy, không buộc phải về chiếc giường nội trú, đôi khi tôi lách ngay ra cái cổng sau nhà A. 7, băng qua cánh đồng ngô, rồi chạy bộ tiếp đoạn đường từ Trường Đảng đến chợ Bưởi. Ngày trước từ đường Hoàng Hoa Thám mà chúng tôi quen gọi là Đường Thành nhìn xuống, chỉ một con đường ngòng nghèo chuyên trồng sòi. Nay đường nhựa đã mở nhưng chỉ lưa thưa vài cái xe đạp và có khi cả ngày mới có dăm chiếc ô tô đi qua. Đã tới làng Nghĩa Đô của anh Bưu, qua trước cổng nhà anh, nhưng tôi đầy mặc cảm không dám rẽ vào hỏi thăm gia đình.
Chợ Bưởi với tôi có nhiều duyên nợ. Từ trước 1954, bà chị hơn tôi sáu tuổi sống bằng gánh hàng chai lọ thủy tinh và tam phong bóng đèn một tháng sáu phiên có mặt ở chợ. Những phiên giáp tết, chị tôi trải những tấm cót rồi bày riêng ra một quày hàng. Khách đi chợ tết lại đông, tôi thường lên chợ trông hàng giúp chị. Phiên chợ Bưởi tết Giáp thìn 1964 cũng vậy. Sau này anh Tô Hoàng có kể là hôm ấy các anh đi qua, thấy tôi mải cắt mấy cái bấc đèn cho khách, sợ tôi ngượng, nên không dám hỏi.
Về mặt chuyên môn, cũng không bao giờ tôi phải hối tiếc vì cái năm xung phong đi học văn 3 đó. Nếu trường Vinh như một ngôi chùa lớn lánh xa cõi tục giúp cho kẻ thất bại lấy lại chút bình tâm và cả nghị lực, ngồi bình tâm tiếp xúc với nguồn giáo lý trừu tượng thì Đại học sư phạm Hà Nội mở ra trở lại cho kẻ ấy khung cảnh kỳ vĩ của cuộc đời.Quay về trung tâm văn hóa lớn nhất của miền Bắc, các tối thứ bảy loanh quanh thế nào tôi cũng tìm được ít thời gian để mò đến cửa hàng sách ngoại văn Tràng Tiền ( ở địa điểm của cửa hàng Bodega ). Sau này tôi mới biết trước chiến tranh đó là nơi gặp mặt thường xuyên của những sinh viên ham học. Không thể hướng tới Anh Mỹ, thì hồi đó người ta tạm bằng lòng với sách tiếng Nga tiếng Trung quốc, phần sách Pháp do Nga xuất bản. Hầu như thứ bảy nào cũng có sách mới, lý do tối thứ bảy cửa hàng tấp nập là vì vậy. Thư viện quốc gia với tôi đã quen từ hồi học Chu Văn An, hồi đó học sinh cấp III đã được vào đọc. Hồi học văn 3, có tối, Thư viện tổ chức nói chuyện về tập Bài thơ cuộc đời của Huy Cận. Tôi và Nguyễn Hải Lộc ( sau công tác ở NXB Hải Phòng) rủ nhau đi bộ lên Cầu Giấy rồi đáp tàu điện lên nghe. Đến lúc về, đã hết tàu điện, chúng tôi đành rủ nhau đi bộ. Con đường từ Tràng Thi xưa tới Cầu Giấy vốn trải nhựa đen, dưới ánh đèn đêm, bỗng trở nên bí ẩn kỳ lạ trong vẻ hoành tráng của mình. Đây là một vẻ đẹp của Hà Nội mà mãi tới lần ấy tôi mới biết. Người ta vẫn bảo nhau, thật ra, phần lớn người Hà Nội rất ít biết về Hà Nội ban đêm.
So với hồi học ở Vinh, học theo các bài bản vốn có, ở văn 3 chúng tôi học theo chương trình thể nghiệm, tức là dừng lại ở một số chuyên đề, giảng kỹ rồi cho sinh viên thảo luận. Có những chuyên đề gọi là mới, nhưng cũng cũ mèm.Nhưng có những chương trình đối với tôi hết sức hấp dẫn, như các bài giảng về văn học Việt Nam 45-60 của thày Huỳnh Lý. Lên lớp nghe thầy Hoàng Tuệ giảng về ngôn ngữ, tôi thực sự cảm thấy mình được đối xử như một người tập sự nghiên cứu.Vốn cho rằng văn học nước ngoài là cái phải có sự học hỏi thật gấp, lại nhân học tiếng Nga, sau phần học văn học Nga – xô viết, tôi xin viết khóa luận về A. Tchekhov. Các buổi tự học tôi thường chọn một lớp học nào vắng người ở khu nhà tranh cặm cụi đọc lấy vài đoạn trong tạp chí Voprosy literatury viết về Tchekhov để đưa vào bài. Thày Nguyễn Hải Hà làm phản biện, thày Đỗ Xuân Hà —có ai nói đùa hẳn nhân vật Pier Bezhukhov trong Chiến tranh và hòa bình chắc trông cũng nhang nhác thế —hướng dẫn đều tỏ ý khuyến khích tôi nên đi vào tiếng Nga theo hướng này. Lời khuyên đó nhiều năm sau còn giúp tôi thêm tinh thần tự học.
Tôi nhớ hồi ngồi phân tích Lời Kỹ nữ của Xuân Diệu, cách làm thông thường ở lớp văn 3 có chất đại học rõ rệt ấy vẫn là đem so sánh với Trên dòng Hương Giang của Tố Hữu, để rồi nhấn mạnh một bên thương yêu cứu giúp những người lầm lỡ, bên kia hưởng thụ, và đẩy con người ta chìm sâu vào vũng bùn trụy lạc. Trong bụng tôi nghĩ không phải thế, thật ra Xuân Diệu tìm thấy thân phận mình trong thân phận người kỹ nữ. Nhưng tôi thấp cổ bé miệng, nói có ai nghe. Thay cho tranh cãi, tôi ngồi chép lại cả phần thơ trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, cả Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Lửa thiêng, Tiếng thu…, trong một quyển sổ giấy đen. Đến nay tôi còn giữ được quyển sổ ấy, mỗi lần nhìn vào, thấy thật là chép trong đắm đuối, chép lấy được. Nhưng một năm trước ở Vinh tôi làm sao có được những tài liệu quý đó, và hai chục năm sau khi ra trường, mãi tới khoảng 1984, đó vẫn là thứ văn chương độc hại, tới các thư viện, phải có giấy giới thiệu đặc biệt mới được đọc, và một nhà nghiên cứu trẻ sẽ sớm cảm thấy dở hơi, nếu trong một bài viết lại thú nhận là mình đã đọc và mê những vần thơ đó.—một năm ở Hà Nội lại thêm kỷ niệm đáng nhớ !
Một người có ý chí không chịu đầu hàng sự thất bại, tiếp theo là sự săp xếp an bài của các thế lực vô cảm.Tôi còn may mắn ở chỗ, sau khi thi trượt, được sống ở môi trường sư phạm, một môi trường vào những năm ấy vừa không bị trói buộc vào chính cái vai được giao,vừa đầy khao khát tự khẳng định. Tinh thần trên còn dẫn giắt và nâng đỡ tôi, suốt thời gian dài từ sau khi ra trường cho tới hôm nay./.
VTN
Những kiểu bất mãn khác nhau
Theo cách tổ chức giáo dục hiện nay, học sinh các lớp phổ thông thường lên lớp …gần 100% . Song đến đại học thì ngưỡng cửa khép lại . Thành thử lớp người thi trượt có một nghĩa cụ thể , đó là các bạn trẻ không có may mắn được gọi là sinh viên . Mỗi năm đội ngũ này một thêm đông đảo .
Với các bạn trẻ còn biết tự trọng , những cuộc hỏng thi này là cả một liều thuốc đắng — sau gần năm chục năm , đến nay tôi vẫn chửa quên . Tủi lắm và bơ vơ lắm .
Mà chắc ngày nay cũng thế .Tuy nhiên, nhìn vào kết quả thi cử, người ta có thể nghĩ :
– Đám người đỗ đạt kia cũng đủ loại. Một số ăn may. Một số do cha mẹ chạy chọt . Song cái chính là do trình độ chung quá yếu, đại học của ta thường xuyên phải hạ điểm sàn . Vậy thì cái mà ta gọi là “vượt vũ môn” ấy chưa chắc đã đáng tự hào .
– Đến lúc học xong thì sự thảm hại càng rõ rệt . Bằng đại học của ta gần như không được nước nào công nhận .
– Nên biết rằng ngay khi bề ngoài tưởng là công thành danh toại, cảm giác thi trượt vẫn theo đuổi nhiều người .
Vừa học xong Đại học kinh tế trong nước, Huy, cháu tôi, được một công ty nước ngoài ở Hà Nội tuyển dụng. Huy bận tối mắt . Nhiều buổi bạn bè ngồi chơi, Huy phải tìm cách trốn mà không xong. Ngược lại, một số bạn của Huy chỉ có những cuộc chơi linh tinh , ồn ào bên ngoài và tẻ nhạt bên trong . Cậu cháu tôi trao đổi với nhau :
– Các bạn ấy rỗi rãi quá . Chẳng nhẽ không kiếm ra việc gì để làm ?
— Chẳng qua ra trường , họ không may. Ở các cơ quan nhỏ lương khá còm , tháng đâu có hơn triệu . Được cái không ai yêu cầu họ cái gì . Rỗi , chỉ đọc báo với chơi điện tử cho hết ngày . ..
À ra thế ! Những bạn trẻ trông mặt mũi người nào cũng thông minh kia đang ở vào tình cảnh của tôi: một thứ thi trượt. Lỡ nhịp với những kỳ vọng hồi đi học. Lỡ nhịp với những ước mơ của cả cuộc đời . “Thành ra toàn những thằng rất giỏi cả đấy, mà rồi trước sau cũng hỏng “ , Huy bảo vậy .Một trường hợp để tham khảo
Khi bắt tay biên tập và viết lời giới thiệu cho cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm , tôi sớm tự nhủ phải đưa vào đó bằng được cái ý: đây không phải những tấm gương làm mẫu để lớp trẻ noi theo. Mà tôi chỉ muốn các bạn trẻ tự đặt mình vào tình thế nhân vật trong sách để thấy sự khác biệt giữa người thanh niên của hai thời khác nhau, từ đó tìm cho mình phương hướng hành động đúng .
Dưới đây, cũng là trên cơ sở một tâm thế như vậy, tôi xin phép kể một ít kinh nghiệm cá nhân khi thi trượt. Sau khi khóc hết nước mắt , và thù đời, và oán trách số phận , và muốn trở nên hư hỏng cho bõ tức … cũng may tôi dần dần xác định được hướng đi của mình. Đaị học Sư phạm không phải nơi tôi mơ ước, song vẫn là chỗ tôi có thể học được. Cái gì nhà trường dạy, lo học thật tốt . Cái gì không dạy thì tự học lấy .Ví dụ như học ngoại ngữ. Tôi báo thù đời bằng cách … học tiếng Nga .
Một khoảng không đã được tạo ra , và tôi tìm thấy hào hứng trong việc lấp đầy nó . Tôi không còn buồn sướt mướt như khi mới vào Vinh.
Tôi quên không nhớ là ai đã nói , đối với một người mới vào đời , thất bại nhiều khi lại cần hơn cả thành công . Vì nó giúp cho người thanh niên hiểu rõ mình hơn . Hiểu rõ năng lực có thực, từ bỏ ảo tưởng và thói kiêu căng vốn gắn liền với tuổi trẻ nhạy cảm .
Xã hội lúc ấy không khuyến khích con người tự lo giành lấy “ một chỗ đứng dưới ánh mặt trời “. Mà ai đã bị đặt vào thang bậc nào thì phải yên tâm nằm chết gí ở thang bậc ấy. Tôi, trong thâm tâm, không công nhận sự sắp xếp ấy . Để tự vệ , những ý nghĩ sau đây đã đến với tôi :
– có thể là lúc ấy mình đã làm bài kém , nhưng thực lực của mình là chuyện khác .
– chỉ mình mới đánh giá chính xác tài năng của bản thân – cái tài năng sẽ đến nếu biết học hỏi .
– Chỉ có cách lao động cật lực để chứng minh cho mọi người thấy họ đã sai trong việc đánh giá mình .
Sau hơn bốn chục năm nhìn lại giờ đây tôi có thể mạnh dạn nói rằng sự trưởng thành trong suốt cuộc đời phụ thuộc khá nhiều vào cách định hướng cuộc đời của tôi sau khi thi trượt.
Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp
Đọc đến đây , hẳn có nhiều bạn phản bác lại . Rằng thời nay , ai vào đời theo kiểu cố lỗ như thế ? Vả chăng điều kiện xưa khác nay khác .Tôi cũng muốn tự học tiếp , nhưng nhìn ra chung quanh có ai học đâu ? Sách vở tài liệu ở ta còn lạc hậu lắm .. Hỏi thế , rồi các bạn trẻ cũng tự trấn an được cả . Riêng có câu hỏi sau đây là “ác “nhất :
– Được, tôi sẽ tự học . Nhưng liệu học xong , xã hội có biết cho tôi không ? Có bảo đảm đặt tôi vào đúng vị trí không ? Hay lúc ấy những miếng thơm miếng bùi , người ta chia nhau hết rồi, và việc học của tôi chỉ phí ông vô ích . Trong khi đó thì tuổi trẻ qua đi, bao niềm vui trên đời này , người tự học không được hưởng ?
Tôi muốn trả lời:
– Đúng , chả có gì bảo đảm cả .Thế nhưng, để trở nên hữu ích và có thể khẳng định bản thân , dẫu sao cũng phải học tiếp . Học cho chính mình chứ không phải học cho ai hết . Việc học đó không bao giờ vô ích .
Xét trên tổng thể đời sống bao giờ cũng gồm cả hai vế . Nó vừa “ xanh như lá ,bạc như vôi “, vĩnh viễn vô cảm bất trắc ; lại vừa hết sức công bằng , biết đền đáp cho mọi nỗ lực , tức biết đặt mỗi người ở đúng vị trí người đó phải có.
Cần nói thêm là nhiều người sau thời gian chơi bời , lúc tỉnh lại , thấy chán , nhưng vì đã lao vào cuộc nên lại phải tìm cách đẩy cuộc chơi lên những cung bậc mới . Còn niềm vui của người tự học để vượt lên thất bại là niềm vui rất cao sang . Nếu như biết tự kiềm chế thì trong khi học, người ta vẫn có thể dành một phần thời gian cho những lạc thú cuộc đời . Có người nói với tôi chính khi quá bận và chỉ thỉnh thoảng mới có thời gian ghé gẩm vào các cuộc chơi, mới lại thấy những có cái dư vị riêng mà người chơi “chuyên nghiệp” không bao giờ có
.

,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

Tinh hoa một thuở

Trường Chu Văn An và niên học 1955-56
Trước 10-1954, gia đình tôi ở một ngõ nhỏ trong phố Thụy Khuê – quãng giữa Sở xe điện và Nhà máy giặt. Những năm còn học ở trường tiểu học Thụy Khuê, tôi đã được nghe nói nhiều về Trường Bưởi. Với lòng ngưỡng mộ của tuổi học trò, nhiều phen ngồi tàu điện xuôi ngược Chợ Bưởi — Đồng Xuân, tôi không khỏi liếc mắt về dãy nhà nằm bên Hồ Tây của Chu Văn An cũ.
Gọi là cũ, vì khu nhà đồ sộ, cây cối rợp bóng mát ở đầu phố, lúc ấy do nhà binh Pháp đóng, có tài liệu nói một binh đoàn xe tăng, nhưng tôi nhớ hình như là một đơn vị lính dù. Xe đỗ ngổn ngang bên trong, bên ngoài nhiều quãng còn chăng dây thép gai. Tôi chỉ nghe người lớn nói lại mà biết đó là trường Bưởi lừng lẫy.
Những năm tạm chiếm, học sinh Chu Văn An phải chuyển xuống học ở ngôi trường phố Cửa Bắc. Sau khi giải phóng thủ đô, trường mới dọn lên địa điểm hiện nay. Đấy cũng là năm tôi vừa vặn học xong tiểu học để chuẩn bị thi vào trường. Trong hai năm 1954-55 và 55-56, trường còn gộp chung cả trung học đệ nhất cấp ( bốn năm, đệ thất cho tới đệ tứ, ngày nay chúng ta gọi là trung học cơ sở), và đệ nhị cấp ( ba năm, đệ tam cho tới đệ nhất – tương đương phổ thông trung học).
Nhưng tôi còn phải vô duyên với Chu Văn An một năm nữa: lần đầu thi vào trường, khóa 1954 -55, tôi trượt.
Một năm thi trượt là một năm tôi đi học thêm, chờ năm sau thi lại. Một hai tháng vào tạm trường tư thục Thăng Long ở cuối phố Phùng Hưng. Rồi phần chính thời gian là đến một lớp ôn luyện ở phố Trần Quốc Toản. Ngày trước Quảng trường Ba Đình chỉ là một vườn hoa nhỏ tên nôm na gọi là vườn hoa Con Cóc. Từ phía Bách Thảo, có lối đi qua vườn hoa để thông ra đường Cột Cờ ( đại lộ Điện Biên Phủ ngày nay ) xuống phía Cửa Nam. Từ chỗ ở bên Thụy Khuê, sau khi đi dọc một quãng đường Hoàng Hoa Thám, tôi đã men theo con đường Cột Cờ — Cửa Nam này mới tới được nơi học.
Tôi đã đi như thế gần một năm ròng. Bước chân hướng về phía nam thành phố, nhưng lòng hướng cả về phía bắc, nơi có ngôi trường Chu Văn An thần thánh.
Có lẽ câu chuyện định hướng đời mình kiểu như thế này đối với một số bạn trẻ bây giờ có phần khó hiểu. Lớp người ít tuổi hơn tôi, lớp tuổi các cháu ở nhà, mới bắt đầu đi học không biết cảm giác đó. Quy trình thông thường là lớn lên ở đâu thì học cấp I ngay ở đấy. Rồi vào cấp II nào gần với nhà mình nhất. Không vào trường này thì vào trường khác. Tất cả hầm bà làng, cá mè một lứa hết. Đâu chẳng thế. Chẳng có trường nào hơn trường nào. Người ta tưởng là hàng đời nay, mọi người vẫn nghĩ như vậy.
Từ hồi kinh tế thị trường trở lại dân Hà Nội mới có chuyện phải cố cho con cái vào trường Hà Nội – Amsterdam, trường Chu Văn An.
Nhưng đối với gia đình tôi và bản thân tôi, mấy năm 1954-55 đã chỉ có một đinh ninh là phải vào Trường Bưởi. Cái chuyện chọn trường để học nó là đương nhiên như chuyện sống còn của con người. Tưởng như nó ở sẵn trong đầu óc, không phải nghe ai hoặc học theo ai hết.
Sau này nghĩ lại thấy thời gian chờ đợi ấy cũng lạ. Đằng đẵng một năm trời đi bộ hàng ngày năm sáu cây số để học thêm, chứ có ít đâu. Vậy mà chẳng cần vận dụng quyết tâm nghị lực gì cả. Bởi đây không phải là trường hợp riêng của tôi. Hồi ấy chung quanh mọi người đều nghĩ thế, ở địa vị mình mọi người đều làm thế. Vào trung học thì phải vào Chu Văn An. Và nếu chưa vào được thì bỏ ra học tư một năm để năm sau thi lại cũng không sao.
Một sớm cuối tháng tám 1955, sự chờ đợi đã được đền đáp xứng đáng. Cổng trường , trên cái bảng đặt sau tấm lưới mắt cáo có dán danh sách học sinh trúng tuyển, tên tôi đặt ở hàng thứ chín. Mấy hôm sau thì tựu trường.
Suốt đời không bao giờ tôi quên được cái cảnh là đám học sinh đệ thất ( tương đương lớp sáu bây giờ) chờ ở ngoài cổng. Đúng giờ chúng tôi được hướng dẫn bước qua cổng trường. Từ phía sân trường, các anh chị lớp trên ùa ra đón. Là những người cuối cấp, dân đệ tam, đệ nhị các anh chị toàn những người to lớn, người nào cũng khiến chúng tôi choáng ngợp. Còn nhớ một anh bế thốc tôi lên, làm tôi đến nghẹt thở. Sau này đã vào trường, thỉnh thoảng tôi cứ thoáng đưa mắt tìm xem anh nào hôm ấy đã bế mình đó, mà chịu không nhận ra nổi.
Thiêng liêng làm sao cái cảm giác của buổi đầu nhập học! Cảm giác đó theo mãi trong tôi, nó như một thứ hương vị chan hòa trong không khí, lúc nào bọn tôi cũng ngây ngất.
Cảm giác ấy còn đến từ thày bạn mà tôi mới tiếp xúc.
Tôi cho rằng một trong những bất hạnh lớn nhất của con người hiện nay là không còn cảm giác thiêng liêng. Như đám cán bộ — công chức già cỗi không cảm thấy cái thiêng liêng của buổi đi làm. Mà đám học trò không cảm thấy thiêng liêng của buổi đi học thì cũng tương tự.
Thỉnh thoảng, có dịp hỏi han con cái trong nhà, tôi thấy chúng không có hiểu biết gì nhiều về trường chúng học. Ngoài cô giáo chính và một vài cô có dạy ở lớp, chúng chẳng biết một thày một cô nào ở trường. Hoặc có biết chăng thì toàn biết những chuyện không đâu vào đâu thường khi là những nét đời tư lặt vặt của họ.
Hồi những năm năm mươi của thế kỷ trước thì có khác. Cuối năm 1954, trường Thăng Long còn mở ở cái địa điểm cũ, đường Phùng Hưng. Một trường tư thục đệ nhất cấp thôi. Nhưng tôi nhớ ngoài cổng có một bảng kê ghi rõ trường có những giáo sư nào, giáo sư đó học ở những trường nào ra và đã từng dạy ở những trường nào.
Thói quen nghĩ tới các thày như những trí thức, mỗi thày giáo – dù chỉ tương đương trung học cơ sở hôm nay thôi – đã là một trí thức độc lập, là điều tôi được lây truyền từ hoàn cảnh xã hội và tôi mang nó vào trong cái nhìn về trường Chu Văn An.
Tuy mới chỉ năm đầu tức học đệ thất, nhưng tôi đã được nghe rằng trường tôi vừa nhập học có những giáo sư nổi tiếng dạy các lớp ban Tú tài. Thày Bùi Phùng dạy hóa. Thày Huấn dạy Sinh vật. Thày Nghiêm Sách dạy địa. Thường đi xích lô đến trường là thày Nguyễn Tường Phượng dạy văn. Dạy tiếng Pháp có ông bà mơ-xi-ơ Tongas. Dạy Hán văn là hai cụ đồ Nho, một cụ hơi mập, cụ Can, một cụ gày hơn, cụ Tiếp. Trong khi các thày khác mặc complet thì hai cụ cử cử đều khăn đóng áo dài.
Năm cuối cùng của chương trình học trong Hà Nội cũ còn ghi nhận sự có mặt của các thày từ kháng chiến mới bổ sung. Cảm tưởng của tôi chẳng có cơ sở gì, nhưng không hiểu sao tôi cứ tin rằng những người thày mới này, từ Thái Nguyên về hay từ Đức Thọ Hà Tĩnh ra, đều ghi nhớ rằng mình đang được chuyển về dạy ở một trường lớn, tầm cỡ quốc gia. Mỗi người có dịp tự nâng mình lên cho xứng với cái cơ sở giáo dục danh giá nhất mà mình được làm việc.
Giờ đây, ta không có loại trường chung cả cấp II lẫn cấp III nữa. Để dễ quản lý, tôi cũng thấy lý do đó là đúng. Nhưng hãy để cho tôi nói thêm như một ngoại lệ : kiểu gộp cả học sinh trung học vào một trường sáu bảy năm gì đó có cái hay của nó. Nó giúp cho bọn học trò tiểu học hôm qua chúng tôi dứt khoát với quá khứ của mình. Nó thầm thì vào tai rằng chúng tôi đã bước vào một quãng đời khác. Trước mắt chúng tôi, các anh chị học lớp trên hình như đã rất chững chạc. Chu Văn An 1955-56 là vậy.Tuy mới học năm đẩu, tôi đã nghe loáng thoáng đến tên tuổi các anh cán bộ hiệu đoàn. Anh Trai. Anh Dương Tự Minh. Một lần nào đó liên hoan, anh Qúy Dương cùng với anh Trần Hiếu song ca . Những tinh hoa đó có mặt trong trí nhớ của tôi về trường Chu Văn An một thuở.
Niên học 1955-56, bọn học sinh đệ thất chúng tôi học mãi ở cuối ngôi trường như thuở ban đầu của nó, tức ngôi nhà ba tầng sâu vào bên trong, giáp sang Sở trồng hoa và ươm cây, và gần với ngôi nhà biệt thự Hồ Tây của ông hiệu trưởng trường Bưởi cũ. Chỉ riêng cái việc bước qua cổng trường rồi còn phải đi mãi tới cuối trường đối với bọn học trò tuổi mười hai mười ba chúng tôi năm ấy đã là những chuyến đi kỳ lạ. Con đường xi măng bình dị. Những hàng cây cao đến mức ngửa hết cả cổ lên mới thấy ngọn. Lá lim lớp đang lưng trời phất phơ, lớp đã nằm im dưới đất mà sao trông vẫn sạch bong. Phải chúng tôi đang đi qua một nhà thờ lớn ? Không biết, chỉ nhớ tất cả là khang trang cao ráo là thanh bình yên ả.
Đó là không kể lúc đó trường còn dải đất ven hồ, chạy suốt từ phía Công ty Công viên cho tới cái sân vận động mà mãi tới 1961, khi tôi rời trường, sân vẫn còn. Theo lệ thường thì không học sinh nào được bén mảng tới khu vực nguy hiểm đó. Nhưng chính vì vậy chúng tôi càng hướng về nó như một mảnh đất huyền bí. Sau những năm chiến tranh nơi ăn chốn ở nhập nhèm hỗn loạn, nay dải đất ven hồ đã trở thành khu nhà dân. Nhưng sao tôi cứ ước ao có ngày Chu Văn An lấy lại được phần tiếp giáp với hồ của mình. Cái phần mà chúng tôi không được bén mảng tới, cái phần dư thừa ấy từng làm cho hình ảnh của trường lung linh trong tâm trí lớp trẻ chúng tôi. Ước chi nó cũng tồn tại như thế trong lòng lớp trẻ tài năng về sau.
Cái sự rộng rãi chuẩn mực của trường như luôn thì thào vào tai chúng tôi rằng tất cả đang ở trong không khí của học vấn, chúng tôi vào đây là để học, chúng tôi được tôn trọng do đó cần phải giỏi giang chăm chỉ để trở nên anh tài đất nước, — không ai bảo ai mà cảm giác đó cứ lây lan và lắng đọng trong lòng người.
Thế Lữ có hai câu thơ mà Xuân Diệu rất thích nhắc lại Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy – Ngàn năm chưa dễ đã ai quên. Những cảm giác trên đối với tôi là thiêng liêng vì nó thuộc về thuở ban đầu năm đệ thất.
Những năm từ khoảng 1958 trở đi, Chu Văn An cũ được xẻ ra thành hai trường riêng. Cấp II học buổi chiều, cấp III học buổi sáng. Nét quán xuyến trong đời sống giáo dục của chúng ta những năm về sau này là sự gần gũi với đời sống. Vẫn còn kỷ niệm về những giờ lên lớp, nhưng ấn tượng hơn lại là những buổi học ngoại khóa. Hồi cấp III, học sinh lớp 8C chúng tôi – lớp có Đặng Thùy Trâm — xuống xã Phú Thượng đâu đến nửa tháng, tham gia gặt lúa. Hàng tuần vào hai buổi sáng thứ tư thứ sáu, chúng tôi ra đường thanh niên, một số đi xe bò chở cát lên đầu giốc, một số theo xe goòng đổ cát xuống hồ mở rộng con đường Cổ Ngư gầy guộc cũ thành đường Thanh Niên bề thế. Hồi cấp II, có lần lớp sáu chúng tôi còn được điều xuống san đất ở Mai Dịch. Theo sự bươn trải chung của xã hội, các nhà trường trở về với sự lầm lụi hàng ngày. Ngay lúc ấy, một số kỷ niệm mấy năm về trước đã bắt đầu hiện về. Còn nhớ các anh lớp trên – tương đương lớp 11- 12 hiện nay –lúc ấy đã rất chững chạc, và các chị dưới trường Trưng Vương thì mặc áo dài, vận động mãi các chị mới mặc áo ngắn đi học.
Mới một hai năm qua đi, mà đã cảm thấy như xa lăm lắm.
Thế nhưng tinh thần của một cái gì tinh hoa, vượt lên thông thường, tôi nghĩ vẫn còn mãi trong lớp học sinh học Chu Văn An năm ấy.
Sắp tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Năm ngoái 2006, có người hỏi tôi có phải như Hà Nội mấy chục năm nay đã sa sút đi, con người Hà Nội xô bồ và quê mùa tỉnh lẻ hơn. Tôi bảo làm sao không mòn mỏi được, bởi cuộc chiến tranh lớn như vậy xô đẩy, và nhìn chung nửa thế kỷ qua, Hà Nội chưa bao giờ được là chính mình.
Những năm trước chiến tranh lớp thanh niên mới lớn chúng tôi nghĩ chuyện học xong là đi xa, chứ mấy khi nghĩ là mình sẽ cống hiến ở ngay Hà Nội.
Dẫu chưa hết hẳn, nhưng cách nghĩ ấy ngày nay không ai muốn nhớ tới nữa.
Bản thân cái việc giờ đây, nhiều người bắt đầu thấy cần phải nghĩ lại về Hà Nội và muốn đi tìm cái chất cao quý riêng của con người Hà Nội – riêng việc đó thôi cũng chứng tỏ có một Hà Nội kỳ lạ, Hà Nội mông lung mà cụ thể, một thứ chất Hà Nội không một biến động nào làm phai mờ nổi. Cả người sinh ra ở đây, cả người mới đến đây năm năm mười năm hai mươi năm, bất cứ ai bắt đầu tự hỏi về mình, mối quan hệ của mình với mảnh đất kinh kỳ thiêng liêng, và tưởng tượng ra một Hà Nội sang trọng để soi mình, ấy là lúc trong họ bắt đầu có một con người Hà Nội chân chính hình thành.
Số phận trường Chu Văn An – một địa danh văn hóa Thủ đô – có gì cũng giống như chính số phận Hà Nội.
Con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu những gì được chắt lọc trong thời gian, những gì gọi là tinh hoa thực sự , sẽ quay trở lại dẫn dắt cuộc sống đi tới.

7-2007

,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

Tuổi trẻ văn học của tôi

Vi Thùy Linh nói với Phong Điệp , bài in trên Văn Nghệ trẻ và trang web của PĐ
Tôi thấy những nhà phê bình thực sự họ đã lảng tránh, né tránh và không làm tròn bổn phận của mình . Họ chỉ viết báo vì mưu sinh, thời cuộc , vì các mối quan hệ, chứ không bao giờ thực hiện như công năng của một nhà phê bình cần phải lên tiếng. Ở đây tôi muốn nói đến trách nhiệm của nhà phê bình chứ không có nghĩa là yêu cầu họ bênh vực cuốn sách của tôi hay một ai đó cụ thể. Tôi thấy trong những lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất họ lại quay ra bàn về thơ Xuân Diệu, bàn về Thạch Lam… Có người nói rằng họ không ghi nhận thơ trẻ nhưng lại đứng tên biên tập cho một tập thơ trẻ – một cuốn sách theo tôi là đồi bại, và quả thật sau đó đã bị thu hồi. Khi sự việc xảy ra, nhà phê bình này trả lời báo chí là ông không đọc kĩ tập thơ. Vậy sao ông còn treo tên biên tập, trong khi có lần chính ông nói rằng ông rất quý, và có trách nhiệm với cái tên của mình. Tóm lại các vấn đề thời sự văn nghệ họ không “xung kích”, họ lảng một cách có ý thức. Tuy vậy, tôi vẫn thấy có những nhà phê bình như Nguyễn Hòa, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên… là những người có đọc thơ trẻ,quan tâm và ủng hộ thơ trẻ. Ủng hộ ở đây không phải là khen thơ trẻ mà ủng hộ mong muốn làm mới của những người viết trẻ và viết bài về thơ trẻ.
ĐỪNG SỢ NGƯỜI KHÔNG HIỂU MÌNH
Cuộc trò chuyện tưởng tượng với một cây bút trẻ
Những vụng dại vốn là một phần của tuổi trẻ, vậy mà thỉnh thoảng nhớ tới chúng — những vụng dại khi mới bước vào nghề văn – tôi vẫn cứ thấy vừa buồn cười vừa tiêng tiếc thế nào ấy.
Cuối năm 1971, vừa dự Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ hai trở về cơ quan là tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tôi bị Nguyễn Khải, người mà tôi biết ơn suốt đời, vì lúc mới vào nghề tôi đã được ông bảo ban đủ điều, — ông tác giả Xung đột đó cho ngay một gáo nước lạnh :
– Hóa ra các ông là thế. Tưởng trẻ mà già mà cổ. Người ta tổ chức hội nghị để các ông nói mà các ông không nói, ra cái điều cao đạo với nhau một lượt.
Tôi nghe chỉ biết cúi đầu nhận lỗi. Nghĩ lại thì suốt hội nghị, bọn tôi— tức là đám bạn bè tôi quen lúc ấy, những Đỗ Chu, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương … không nói được điều gì nên hồn thật.
Lỗi không hẳn chỉ ở phía chúng tôi. Ai đã tham dự các cuộc hội nghị loại này thừa biết, ở đó, những người lớp trước thường nói nhiều quá, dạy dỗ nhiều quá, làm cho anh em trẻ ngán ngẩm, ngỡ mình được gọi đến để nghe dạy bảo chứ không phải để bàn bạc thảo luận, và sinh ra mất hứng.
Nhưng đáng lẽ những khi có cơ hội để nói – dẫu sao ngay trong Hội nghị nói trên, những cơ hội ấy vẫn còn — chúng tôi phải tranh thủ tự bộc lộ, phải phản biện-tranh cãi- có ý kiến đề nghị chứ. Đằng này hầu như tất cả chúng tôi gần như ngồi im, nếu không kể vài câu lí nhí phụ họa. Thế là thiệt đơn thiệt kép, có bị mắng cũng đáng.
Nhớ lại chuyện cũ để thấy thế hệ các bạn trẻ cầm bút hiện nay hơn hẳn chúng tôi. Tự tin.Mạnh dạn. Cuồng nhiệt.Tha thiết với nhu cầu tự khẳng định. Lo tìm bằng được diễn đàn của mình.
Chỉ có điều những lời than thở này hơi nhiều, đôi khi gợi cảm tưởng như ngoài phố xe đò tranh khách. Một căn bệnh khá rõ tôi thấy ở nhiều cây bút ở ta hiện nay là để công ngồi trước bàn thì ít, mà dành thời gian nhiều hơn cho việc chạy vạy tuyên truyền – rao bán – thuyết phục cốt sách mình được in. Tương tự như vậy, một vài cây bút trẻ để thời gian đi tuyên ngôn tuyên bố lo cho sự xuất hiện hơn là đóng cửa đọc và viết. Tôi không nghĩ thế là khôn.
So với ba bốn chục năm trước, mọi người thũng thĩnh xe đạp, cuộc sống giờ đây vận động với tốc độ xe máy. Bọn tôi thông cảm với sự sốt ruột của con người thời hội nhập , song chính vì tiếc thời gian cho các bạn mà tôi khuyên không nên để tâm quá nhiều vào việc lặt vặt .
Tại sao ở chúng tôi hồi trước lại có cái sự lí nhí mà ?
Chúng tôi bị ngợp
Lúc này, tôi tưởng tượng như trước mặt mình là một bạn trẻ. Vốn coi đây là một cây bút có triển vọng, nên tôi muốn bàn bạc vài điều. Chủ đề thì cũng xoay quanh một số phương diện của giới các nhà văn trẻ hiện nay
– Không phải đến thế hệ này mà từ nhiều thế hệ trước, không phảỉ riêng ở Việt Nam mà khắp trên thế giới bao giờ cũng có chuyện già trẻ mâu thuẫn, và trẻ cảm thấy bị ngáng đường. Muôn thuở là thế. Trên sân chơi chung, không ai nhường ai đâu. Van nài xin xỏ ư, vô ích. Cái tài của người trẻ là làm cho người đi trước phải nhường bước cho mình , như Xuân Diệu từng khiến Thế Lữ nhường ngôi bá chủ thi đàn cho mình hồi Thơ mới .
– Sự khen chê ở đời có luật riêng của nó। Theo kinh nghiệm của tôi, một người già thường hào phóng ban phát lời khen với một bạn trẻ trong hai trường hợp sau đây
1/ Bạn trẻ là một bản sao của người già, thầy khen trò mà thật ra khen chính mình
2/ Khen để lấy tiếng, bởi trong bụng thừa biết người trẻ kia kém mình nên mới khen như vậy.
Trong Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ hai mà trên đây tôi nói, T.T. là một bạn trẻ làm việc ở bên Hậu cần. Một trong những nhà văn chủ trì hội nghị hết lời khen cô. Ông đọc cho chúng tôi bản khai của cô rằng cô đã thuộc những dòng sông này, những miền đất kia, và nói rằng chỉ cần xem đó thì thấy đang có một tài năng đầy hứa hẹn. Sau T.T chẳng viết gì nữa, mà nhà văn lớn kia cũng không bao giờ nhớ rằng mình đã từng khen như vậy.
– Ngược lại, nhiều khi cái sự chưa tin của người ngoài lại có nghĩa là một sự kích thích.Trong đời tôi, có những câu nói bè bạn mà tôi nhớ đời. Khi tôi mới học tiếng Nga, vừa xin đi dịch tài liệu cho một Viện khoa học nọ thì anh bạn ở đó cho một câu xanh rờn “ Cậu cũng biết tiếng Nga à ? ”. Lại một lần khác, khoảng đầu những năm tám mươi, một nhà thơ có viết phê bình nói thẳng vào mặt tôi “ Trong phê bình văn học, mình nổi tiếng hơn ông nhiều chứ. Chung quanh Hà Nội sáu chục cây, không ai lạ gì tên mình, còn tên ông thì ai biết ?”. Tôi không cãi lại các bạn, chỉ lẳng lặng lo làm việc tốt hơn để các bạn thấy là họ sai. Và theo nghĩa đó, tôi nhớ tới họ với sự cám ơn .
– Nhìn vào mắt nhiều cây bút trẻ , tôi biết rằng nhiều bạn nghĩ thế hệ đi trước chẳng qua là một lũ già bất tài , chẳng qua sống lâu lên lão làng . Tôi sẵn sàng đồng ý vậy, nói như Xuân Diệu lúc còn sống , hoàn cảnh hôm qua chỉ rặn ra được một lũ chúng tôi. Nhưng bạn ơi , sao lại chỉ dừng lại ở chúng tôi nhỉ . Hãy nghĩ đến Nguyễn Du , Nguyễn Trãi , cũng như về sau này nghĩ đến Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam , Nam Cao. Và cũng đã đến lúc phải nghĩ đến cả Pushkin ,Tolstoi, Hugo , Kafka , Lỗ Tấn …
– Kinh nghiệm trong nghề viết cho thấy rằng chính ra những thứ dễ được công nhận lại là những thứ tầm thường. Những của độc — độc với nghĩa độc đáo chứ không phải độc hại — khó đến với người ta hơn. Tùy tâm, bạn sẽ định hướng đời mình theo sự nổi tiếng trước mắt hay muốn tạo nên một giá trị lâu dài, ở đây tương lai là trong tay bạn .
– “ Xã hội bây giờ già quá không thông cảm nổi với lớp trẻ “ ở chỗ riêng tư tôi thường nghe những lời than thở như vậy. Đồng ý rằng có sự già cỗi đó , tôi chỉ muốn nói thêm rằng có khi người nói chung quanh già lại cũng cổ lỗ cũ kỹ không kém .Tuổi tác chỉ làm nên khác biệt bề ngoài. Có những người tuổi trẻ mà suy nghĩ cư xử khác gì cánh già, và khi một già một trẻ cùng một căn bệnh thì chính ra người trẻ bệnh lại trầm trọng hơn .
– Bạn hay lớn tiếng bảo rằng chưa ai hiểu bạn. Tôi cũng đã có lúc như vậy và tôi thầm nghĩ vậy thì mình đang có một cái gì mới , mình đang đi đúng hướng , nếu đi đến cùng , không chừng mình sẽ mang lại cho họ những món quà bất ngờ.
– “ Không gì tuyệt vời hơn, nếu như không cần chạy vạy xin xỏ kêu ầm lên về mình mà người ta vẫn phải chạy đến tìm mình nghe mình nói, chia sẻ với mình ít tâm sự. Đấy mới là cái cách tồn tại mà một người tự nhận là trẻ cần vươn tới “.
Khi nghĩ vậy – lúc ấy tôi đang hăm nhăm hăm bảy gì đấy –, tôi hơi sờ sợ, không chừng mình đang mắc bệnh kiêu căng và không dám nói ra với ai . Nhưng tôi không gạt nổi ý nghĩ đó khỏi đầu óc . Tôi biết nó không làm tôi trở nên tài năng hơn người nọ người kia, nhưng tin rằng nhờ nó, tôi khá hơn chính mình , thế là được rồi .Tôi sống theo cái công thức giả định đó cho đến hôm nay.
đọc thêm Không sợ độc giả quên mình
,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
HÀ NỘI,CHIẾN TRANH 1972-75

Một nhà văn Tiệp (khi viết hồi ức):

Tôi muốn nhìn lại cuộc đời của mình. Nó  không có gì đặc biệt, không đáng quan tâm gì hết. Tôi chỉ  cả quyết xem lại tấm bản  đồ đời mình và lấp  đầy những điểm trắng trên  đó, những điểm trắng mà  thực ra trong cuộc đời mỗi người, nó vẫn nhiều hơn chúng ta tưởng .