VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tinh hoa một thuở



Trường Chu Văn An và niên học 1955-56
Trước 10-1954, gia đình tôi ở một ngõ nhỏ trong phố Thụy Khuê – quãng giữa Sở xe điện và Nhà máy giặt. Những năm còn học ở trường tiểu học Thụy Khuê, tôi đã được nghe nói nhiều về Trường Bưởi. Với lòng ngưỡng mộ của tuổi học trò, nhiều phen ngồi tàu điện xuôi ngược Chợ Bưởi -- Đồng Xuân, tôi không khỏi liếc mắt về dãy nhà nằm bên Hồ Tây của Chu Văn An cũ.
Gọi là cũ, vì khu nhà đồ sộ, cây cối rợp bóng mát ở đầu phố, lúc ấy do nhà binh Pháp đóng, có tài liệu nói một binh đoàn xe tăng, nhưng tôi nhớ hình như là một đơn vị lính dù. Xe đỗ ngổn ngang bên trong, bên ngoài nhiều quãng còn chăng dây thép gai. Tôi chỉ nghe người lớn nói lại mà biết đó là trường Bưởi lừng lẫy.
Những năm tạm chiếm, học sinh Chu Văn An phải chuyển xuống học ở ngôi trường phố Cửa Bắc. Sau khi giải phóng thủ đô, trường mới dọn lên địa điểm hiện nay. Đấy cũng là năm tôi vừa vặn học xong tiểu học để chuẩn bị thi vào trường. Trong hai năm 1954-55 và 55-56, trường còn gộp chung cả trung học đệ nhất cấp ( bốn năm, đệ thất cho tới đệ tứ, ngày nay chúng ta gọi là trung học cơ sở), và đệ nhị cấp ( ba năm, đệ tam cho tới đệ nhất – tương đương phổ thông trung học).
Nhưng tôi còn phải vô duyên với Chu Văn An một năm nữa: lần đầu thi vào trường, khóa 1954 -55, tôi trượt.
Một năm thi trượt là một năm tôi đi học thêm, chờ năm sau thi lại. Một hai tháng vào tạm trường tư thục Thăng Long ở cuối phố Phùng Hưng. Rồi phần chính thời gian là đến một lớp ôn luyện ở phố Trần Quốc Toản. Ngày trước Quảng trường Ba Đình chỉ là một vườn hoa nhỏ tên nôm na gọi là vườn hoa Con Cóc. Từ phía Bách Thảo, có lối đi qua vườn hoa để thông ra đường Cột Cờ ( đại lộ Điện Biên Phủ ngày nay ) xuống phía Cửa Nam. Từ chỗ ở bên Thụy Khuê, sau khi đi dọc một quãng đường Hoàng Hoa Thám, tôi đã men theo con đường Cột Cờ -- Cửa Nam này mới tới được nơi học.
Tôi đã đi như thế gần một năm ròng. Bước chân hướng về phía nam thành phố, nhưng lòng hướng cả về phía bắc, nơi có ngôi trường Chu Văn An thần thánh.
Có lẽ câu chuyện định hướng đời mình kiểu như thế này đối với một số bạn trẻ bây giờ có phần khó hiểu. Lớp người ít tuổi hơn tôi, lớp tuổi các cháu ở nhà, mới bắt đầu đi học không biết cảm giác đó. Quy trình thông thường là lớn lên ở đâu thì học cấp I ngay ở đấy. Rồi vào cấp II nào gần với nhà mình nhất. Không vào trường này thì vào trường khác. Tất cả hầm bà làng, cá mè một lứa hết. Đâu chẳng thế. Chẳng có trường nào hơn trường nào. Người ta tưởng là hàng đời nay, mọi người vẫn nghĩ như vậy.
Từ hồi kinh tế thị trường trở lại dân Hà Nội mới có chuyện phải cố cho con cái vào trường Hà Nội - Amsterdam, trường Chu Văn An.
Nhưng đối với gia đình tôi và bản thân tôi, mấy năm 1954-55 đã chỉ có một đinh ninh là phải vào Trường Bưởi. Cái chuyện chọn trường để học nó là đương nhiên như chuyện sống còn của con người. Tưởng như nó ở sẵn trong đầu óc, không phải nghe ai hoặc học theo ai hết.
Sau này nghĩ lại thấy thời gian chờ đợi ấy cũng lạ. Đằng đẵng một năm trời đi bộ hàng ngày năm sáu cây số để học thêm, chứ có ít đâu. Vậy mà chẳng cần vận dụng quyết tâm nghị lực gì cả. Bởi đây không phải là trường hợp riêng của tôi. Hồi ấy chung quanh mọi người đều nghĩ thế, ở địa vị mình mọi người đều làm thế. Vào trung học thì phải vào Chu Văn An. Và nếu chưa vào được thì bỏ ra học tư một năm để năm sau thi lại cũng không sao.
Một sớm cuối tháng tám 1955, sự chờ đợi đã được đền đáp xứng đáng. Cổng trường , trên cái bảng đặt sau tấm lưới mắt cáo có dán danh sách học sinh trúng tuyển, tên tôi đặt ở hàng thứ chín. Mấy hôm sau thì tựu trường.
Suốt đời không bao giờ tôi quên được cái cảnh là đám học sinh đệ thất ( tương đương lớp sáu bây giờ) chờ ở ngoài cổng. Đúng giờ chúng tôi được hướng dẫn bước qua cổng trường. Từ phía sân trường, các anh chị lớp trên ùa ra đón. Là những người cuối cấp, dân đệ tam, đệ nhị các anh chị toàn những người to lớn, người nào cũng khiến chúng tôi choáng ngợp. Còn nhớ một anh bế thốc tôi lên, làm tôi đến nghẹt thở. Sau này đã vào trường, thỉnh thoảng tôi cứ thoáng đưa mắt tìm xem anh nào hôm ấy đã bế mình đó, mà chịu không nhận ra nổi.
Thiêng liêng làm sao cái cảm giác của buổi đầu nhập học! Cảm giác đó theo mãi trong tôi, nó như một thứ hương vị chan hòa trong không khí, lúc nào bọn tôi cũng ngây ngất.
Cảm giác ấy còn đến từ thày bạn mà tôi mới tiếp xúc.
Tôi cho rằng một trong những bất hạnh lớn nhất của con người hiện nay là không còn cảm giác thiêng liêng. Như đám cán bộ -- công chức già cỗi không cảm thấy cái thiêng liêng của buổi đi làm. Mà đám học trò không cảm thấy thiêng liêng của buổi đi học thì cũng tương tự.
Thỉnh thoảng, có dịp hỏi han con cái trong nhà, tôi thấy chúng không có hiểu biết gì nhiều về trường chúng học. Ngoài cô giáo chính và một vài cô có dạy ở lớp, chúng chẳng biết một thày một cô nào ở trường. Hoặc có biết chăng thì toàn biết những chuyện không đâu vào đâu thường khi là những nét đời tư lặt vặt của họ.
Hồi những năm năm mươi của thế kỷ trước thì có khác. Cuối năm 1954, trường Thăng Long còn mở ở cái địa điểm cũ, đường Phùng Hưng. Một trường tư thục đệ nhất cấp thôi. Nhưng tôi nhớ ngoài cổng có một bảng kê ghi rõ trường có những giáo sư nào, giáo sư đó học ở những trường nào ra và đã từng dạy ở những trường nào.
Thói quen nghĩ tới các thày như những trí thức, mỗi thày giáo – dù chỉ tương đương trung học cơ sở hôm nay thôi – đã là một trí thức độc lập, là điều tôi được lây truyền từ hoàn cảnh xã hội và tôi mang nó vào trong cái nhìn về trường Chu Văn An.
Tuy mới chỉ năm đầu tức học đệ thất, nhưng tôi đã được nghe rằng trường tôi vừa nhập học có những giáo sư nổi tiếng dạy các lớp ban Tú tài. Thày Bùi Phùng dạy hóa. Thày Huấn dạy Sinh vật. Thày Nghiêm Sách dạy địa. Thường đi xích lô đến trường là thày Nguyễn Tường Phượng dạy văn. Dạy tiếng Pháp có ông bà mơ-xi-ơ Tongas. Dạy Hán văn là hai cụ đồ Nho, một cụ hơi mập, cụ Can, một cụ gày hơn, cụ Tiếp. Trong khi các thày khác mặc complet thì hai cụ cử cử đều khăn đóng áo dài.
Năm cuối cùng của chương trình học trong Hà Nội cũ còn ghi nhận sự có mặt của các thày từ kháng chiến mới bổ sung. Cảm tưởng của tôi chẳng có cơ sở gì, nhưng không hiểu sao tôi cứ tin rằng những người thày mới này, từ Thái Nguyên về hay từ Đức Thọ Hà Tĩnh ra, đều ghi nhớ rằng mình đang được chuyển về dạy ở một trường lớn, tầm cỡ quốc gia. Mỗi người có dịp tự nâng mình lên cho xứng với cái cơ sở giáo dục danh giá nhất mà mình được làm việc.
Giờ đây, ta không có loại trường chung cả cấp II lẫn cấp III nữa. Để dễ quản lý, tôi cũng thấy lý do đó là đúng. Nhưng hãy để cho tôi nói thêm như một ngoại lệ : kiểu gộp cả học sinh trung học vào một trường sáu bảy năm gì đó có cái hay của nó. Nó giúp cho bọn học trò tiểu học hôm qua chúng tôi dứt khoát với quá khứ của mình. Nó thầm thì vào tai rằng chúng tôi đã bước vào một quãng đời khác. Trước mắt chúng tôi, các anh chị học lớp trên hình như đã rất chững chạc. Chu Văn An 1955-56 là vậy.Tuy mới học năm đẩu, tôi đã nghe loáng thoáng đến tên tuổi các anh cán bộ hiệu đoàn. Anh Trai. Anh Dương Tự Minh. Một lần nào đó liên hoan, anh Qúy Dương cùng với anh Trần Hiếu song ca . Những tinh hoa đó có mặt trong trí nhớ của tôi về trường Chu Văn An một thuở.
Niên học 1955-56, bọn học sinh đệ thất chúng tôi học mãi ở cuối ngôi trường như thuở ban đầu của nó, tức ngôi nhà ba tầng sâu vào bên trong, giáp sang Sở trồng hoa và ươm cây, và gần với ngôi nhà biệt thự Hồ Tây của ông hiệu trưởng trường Bưởi cũ. Chỉ riêng cái việc bước qua cổng trường rồi còn phải đi mãi tới cuối trường đối với bọn học trò tuổi mười hai mười ba chúng tôi năm ấy đã là những chuyến đi kỳ lạ. Con đường xi măng bình dị. Những hàng cây cao đến mức ngửa hết cả cổ lên mới thấy ngọn. Lá lim lớp đang lưng trời phất phơ, lớp đã nằm im dưới đất mà sao trông vẫn sạch bong. Phải chúng tôi đang đi qua một nhà thờ lớn ? Không biết, chỉ nhớ tất cả là khang trang cao ráo là thanh bình yên ả.
Đó là không kể lúc đó trường còn dải đất ven hồ, chạy suốt từ phía Công ty Công viên cho tới cái sân vận động mà mãi tới 1961, khi tôi rời trường, sân vẫn còn. Theo lệ thường thì không học sinh nào được bén mảng tới khu vực nguy hiểm đó. Nhưng chính vì vậy chúng tôi càng hướng về nó như một mảnh đất huyền bí. Sau những năm chiến tranh nơi ăn chốn ở nhập nhèm hỗn loạn, nay dải đất ven hồ đã trở thành khu nhà dân. Nhưng sao tôi cứ ước ao có ngày Chu Văn An lấy lại được phần tiếp giáp với hồ của mình. Cái phần mà chúng tôi không được bén mảng tới, cái phần dư thừa ấy từng làm cho hình ảnh của trường lung linh trong tâm trí lớp trẻ chúng tôi. Ước chi nó cũng tồn tại như thế trong lòng lớp trẻ tài năng về sau.
Cái sự rộng rãi chuẩn mực của trường như luôn thì thào vào tai chúng tôi rằng tất cả đang ở trong không khí của học vấn, chúng tôi vào đây là để học, chúng tôi được tôn trọng do đó cần phải giỏi giang chăm chỉ để trở nên anh tài đất nước, -- không ai bảo ai mà cảm giác đó cứ lây lan và lắng đọng trong lòng người.
Thế Lữ có hai câu thơ mà Xuân Diệu rất thích nhắc lại Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy – Ngàn năm chưa dễ đã ai quên. Những cảm giác trên đối với tôi là thiêng liêng vì nó thuộc về thuở ban đầu năm đệ thất.
Những năm từ khoảng 1958 trở đi, Chu Văn An cũ được xẻ ra thành hai trường riêng. Cấp II học buổi chiều, cấp III học buổi sáng. Nét quán xuyến trong đời sống giáo dục của chúng ta những năm về sau này là sự gần gũi với đời sống. Vẫn còn kỷ niệm về những giờ lên lớp, nhưng ấn tượng hơn lại là những buổi học ngoại khóa. Hồi cấp III, học sinh lớp 8C chúng tôi – lớp có Đặng Thùy Trâm -- xuống xã Phú Thượng đâu đến nửa tháng, tham gia gặt lúa. Hàng tuần vào hai buổi sáng thứ tư thứ sáu, chúng tôi ra đường thanh niên, một số đi xe bò chở cát lên đầu giốc, một số theo xe goòng đổ cát xuống hồ mở rộng con đường Cổ Ngư gầy guộc cũ thành đường Thanh Niên bề thế. Hồi cấp II, có lần lớp sáu chúng tôi còn được điều xuống san đất ở Mai Dịch. Theo sự bươn trải chung của xã hội, các nhà trường trở về với sự lầm lụi hàng ngày. Ngay lúc ấy, một số kỷ niệm mấy năm về trước đã bắt đầu hiện về. Còn nhớ các anh lớp trên – tương đương lớp 11- 12 hiện nay --lúc ấy đã rất chững chạc, và các chị dưới trường Trưng Vương thì mặc áo dài, vận động mãi các chị mới mặc áo ngắn đi học.
Mới một hai năm qua đi, mà đã cảm thấy như xa lăm lắm.
Thế nhưng tinh thần của một cái gì tinh hoa, vượt lên thông thường, tôi nghĩ vẫn còn mãi trong lớp học sinh học Chu Văn An năm ấy.
Sắp tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Năm ngoái 2006, có người hỏi tôi có phải như Hà Nội mấy chục năm nay đã sa sút đi, con người Hà Nội xô bồ và quê mùa tỉnh lẻ hơn. Tôi bảo làm sao không mòn mỏi được, bởi cuộc chiến tranh lớn như vậy xô đẩy, và nhìn chung nửa thế kỷ qua, Hà Nội chưa bao giờ được là chính mình.
Những năm trước chiến tranh lớp thanh niên mới lớn chúng tôi nghĩ chuyện học xong là đi xa, chứ mấy khi nghĩ là mình sẽ cống hiến ở ngay Hà Nội.
Dẫu chưa hết hẳn, nhưng cách nghĩ ấy ngày nay không ai muốn nhớ tới nữa.
Bản thân cái việc giờ đây, nhiều người bắt đầu thấy cần phải nghĩ lại về Hà Nội và muốn đi tìm cái chất cao quý riêng của con người Hà Nội – riêng việc đó thôi cũng chứng tỏ có một Hà Nội kỳ lạ, Hà Nội mông lung mà cụ thể, một thứ chất Hà Nội không một biến động nào làm phai mờ nổi. Cả người sinh ra ở đây, cả người mới đến đây năm năm mười năm hai mươi năm, bất cứ ai bắt đầu tự hỏi về mình, mối quan hệ của mình với mảnh đất kinh kỳ thiêng liêng, và tưởng tượng ra một Hà Nội sang trọng để soi mình, ấy là lúc trong họ bắt đầu có một con người Hà Nội chân chính hình thành.
Số phận trường Chu Văn An – một địa danh văn hóa Thủ đô – có gì cũng giống như chính số phận Hà Nội.
Con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu những gì được chắt lọc trong thời gian, những gì gọi là tinh hoa thực sự , sẽ quay trở lại dẫn dắt cuộc sống đi tới.
7-2007

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn