VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

. Cùng đón tết với ông Nguyễn

Đã gọi là nhà văn, xa gần ai chả viết về đời sống dân tộc, song trong các nhà văn Việt Nam hiện đại, nếu cần tìm một người biết từ những mảng sống, những thực tế ai cũng sống ấy, đưa lên thành nề nếp, thành một cái gì thuần thục kỹ lưỡng, tóm lại là biết xem xét đời sống ở bình diện văn hoá, thì người ta trước hết nghĩ đến Nguyễn Tuân (1910-1987). Cách sửa soạn cho một ấm trà ban mai hay cái nghi thức thiêng liêng mở đầu cho một ngày. Những đắn đo bàn bạc trước khi làm mấy cái đèn trung thu. Ý nghĩa tìm thấy ở trò chơi thả thơ đánh thơ, quan niệm về nhân cách qua một kiểu viết chữ. Rồi đức hy sinh của một người chị cho một nguời em trai, rồi niềm tự tin hay những kiêu hãnh chính đáng của một vị quan có học... Bao nhiêu nếp sống hàng ngày đã được Nguyễn Tuân ghi nhận! Thì dĩ nhiên là những ngày Tết nguyên đán cũng đã để lại vang và bóng của nó trong tâm trí Nguyễn Tuân, dù nhiều khi chỉ là những vang bóng thoáng qua. Lấy ví dụ như ở thiên truyện Hương cuội in trong Vang bóng một thời. Đặt bên cạnh những Chém treo ngành hoặc Ném bút chì có gươm khua, có máu chảy (dù là tất cả đã được làm một cách rất tài hoa), thì Hương cuội giống như một sự dềnh dàng cố ý cốt cho thấy cách đón xuân của cổ nhân cầu kỳ mà cũng thanh đạm đến như thế nào. Này là cảnh chuẩn bị Tết ở nhà cụ Kép: trong lúc đám dâu con đàn bà ngồi lau lá dong và làm bếp, còn lũ trẻ lo đánh bóng đỉnh đồng, lư hương, thì ông cụ chỉ loanh quanh bên cái chậu hoa, và để hết tâm trí tới việc sửa soạn bữa rượu Thạch lan hương. Quả thật, cái cảnh uống rượu nhắm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha là một nét lạ của văn hoá Tết cổ truyền mà có thể đoán là không mấy người thuộc lớp hậu sinh chúng ta được biết, và những trang văn Nguyễn Tuân thật đã có vai trò của những thước phim quay chậm để ghi lại tư liệu quý. Sau Vang bóng một thời xưa, đâu Nguyễn Tuân còn định viết Vang bóng một thời Tây. Cái ý định ấy, cũng như nhiều dự định hay ho khác, đã xếp xó. Nhưng đây đó, nhà văn thích phác hoạ lại nếp sống một thời và mang lại cho nó vẻ thanh lịch của một hành động văn hoá, nhà văn ấy cũng đã kịp ghi lại vài nếp sống của xã hội ta khi chuyển sang thời Âu hoá, trong đó có cảnh đón Tết ở các đô thị. Đọc Một người cha về ăn tết (in trong Tuỳ bút I) người ta biết rằng vào những năm ba mươi của thế kỷ này, thành phố Hà Nội vẫn chỉ là nơi làm việc của nhiều công chức, chứ không phải gia hương của họ. Cuối tháng chạp âm lịch, hai mươi, hăm lăm gì đó - tuỳ cảnh tuỳ người - nhiều cặp vợ chồng giao nhà cho đầy tớ, rồi kéo con cái về quê ăn tết. Có thể là ở quê, họ lại sẵn sàng ngồi bên nồi bánh chưng cổ truyền suốt đêm để sống lại cái nền nếp vốn có của cha ông. Còn ở thành thị, nơi họ làm việc, thì cái nếp sống Tây phương cũng đã len vào thành những phong tục mới, nhuần nhị và thành thục. Trông nhà trong mấy hôm ấy, một trong những việc đám thằng nhỏ phải làm là để cái đĩa pha lê ra bàn giữa nhà cho bạn bè của chủ chúng (mà chúng thường gọi là cậu mợ) đến đặt danh thiếp. Tuy nhiên cái độc đáo của Tết ở văn Nguyễn Tuân chưa phải là ở những mảng sống được ông miêu tả ghi chép như vậy. Sự quyến rũ của văn ông là ở cái hình ảnh bao trùm của con người lãng tử, nên cái ấn tượng về Tết khiến người ta nhớ hơn cả cũng là cách xử sự kỳ lạ của chàng Nguyễn và những phiên bản của chàng vào những ngày mọi người khép mình chờ đợi. Mặc dù biết rõ là Tết sắp đến nhưng Nguyễn của chúng ta vẫn mải mê với việc vui chơi và sẵn sàng lang thang ở những chốn đâu đâu mà không hề đoái hoài tới việc tận hưởng mọi thú vui thông thường, kể cả việc về nhà sum họp cùng vợ con. Trong Những đứa con hoang, người ta gặp cái cảnh Nguyễn với hai người bạn xuống xóm vào một ngày tất niên, khi các nhà cô đầu tịnh không ai đi hát, và từ các bà chủ đến các cô con gái trong nhà có nghĩ gì, thì cũng là nghĩ đến chuyện làm ăn trong năm mới. Lại như câu chuyện Một người cha về ăn Tết. Cái việc tốt đẹp nói ở đầu đề thiên tuỳ bút, thực ra phải đâu là nằm trong dự định của Nguyễn mà chỉ là kết quả của sự tình cờ. Đang ở nhà bạn, định sống thêm một cái Tết tha phương, chợt trông thấy mấy đôi giày trẻ con, thế là lòng nhớ nhà của Nguyễn thức dậy và chàng mới ra ga, về quê trong chuyến tàu rạng sáng ba mươi. Tóm lại, trước sau, Nguyễn vẫn là Nguyễn, Tết chẳng qua là một dịp để con người ấy tiếp tục mài sắc cá tính của mình, càng mang tiếng chơi ngông, trêu ngươi mọi người, càng lấy làm đắc ý. Giữa cái xã hội Âu hoá nhố nhăng, để khẳng định cá tính, Nguyễn vẫn chỉ có một con đường độc đáo để đi. Con đường này đã in dấu chân của nhiều bậc lãng tử cuối mùa, mà ông Cử Hai trong Một cảnh thu muộn là ví dụ.Cáí thần thái chính trong cuộc đời ông Cử Hai có thể tóm gọn lại bằng cái công thức “đem cái tài hoa ra để đùa với cuộc đời”. Đi dạy học thực tế với ông là một thứ “đi ngoạn cảnh hoặc là đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích”. Bởi vậy mới có cảnh “gần ngày Tết nhất, người trưởng tràng lúc thu xong sổ đồng môn, chỉ khổ lên vì đi tìm thầy”. Giữa ngày vui của mọi người, cái con người nghệ sĩ “không chịu sống cho người khác và hùa theo với người chung quanh ấy” sẵn sàng ẩn trong một mái đình vắng nào đó, để gọt cho hết một lắp thuỷ tiên. Người ta có thể không sống theo và trước tiên là không thích thú với cách sống cao ngạo trái khoáy này, song phải công nhận người giữ được cái đạo đó phải là người có cuộc sóng nội tâm phong phú, nội lực vững vàng, trong khi biết tìm cho mình những thứ thức ăn tinh thần không giống một ai, họ thật đã có cuộc sống vượt lên cái phàm tục -- một điều mà kẻ sĩ thanh cao xưa nay hằng ao ước. Đơn độc ngay trên quê hương mình, trốn tránh mọi người, chỉ lấy sự lang thang chỗ này chỗ nọ làm vui, những tưởng ở Nguyễn Tuân đã chết hẳn con người bình thường. Nhưng không, đến khi có dịp xa quê thực sự, thì Nguyễn Tuân lại có một cái Tết thật buồn, đến mức người ta phải tự hỏi không biết đâu mới là bản chất thực của cái con người phiền toái đó. Trong Một chuyến đi ông đã kể lại kỹ lưỡng nhiều chuyện liên quan đến cái lần nhà tài tử nghiệp dư là ông, cùng với một số bè bạn, sang Hồng Kông đóng phim. Cảnh ông ăn Tết ở xứ người chính là xảy ra vào đầu năm Dần đó (1938). Hiện lên trước mắt chúng ta là một bức tranh hai màu đối lập. Một bên là cảnh dân địa phương náo nức vui thú. Những tràng pháo dài hàng vạn quả đua nhau nổ dữ dội. Những gốc đào tươi tua tủa hoa nhạt và nụ thắm. Rồi đêm Hương Cảng đỏ rực hẳn lên với phiên chợ Tết “như cảnh bài trí trong một truyện thần tiên hoặc trong Liêu Trai...”. Một bên là cái tâm trạng buồn thiu của người lữ khách cô độc, mắt mờ hồn mê, tiền không có, bạn không có, đi giữa đường vui phải giơ tay nắm chắc lấy lòng can đảm của chính mình để khỏi chán chường thêm. Vốn là điều làm nên sự kiêu hãnh của người lãng tử, sự khác người với Nguyễn Tuân trong những ngày Tết năm ấy chỉ còn là một cái gì nặng nề, không sao chịu nổi. Trong lúc tỉnh táo, tác giả cảm thấy rất rõ là mình đang đánh mất mình: “Tôi chiều nay hằn học với số phận, dám cáu kỉnh với cả cuộc đời phiêu lưu mà xưa nay tôi vẫn ca ngợi. Chiều nay, tôi cũng muốn vứt đi một cái gì”. Chưa bao giờ như trong Một chuyến đi, con người Nguyễn Tuân lại hiện ra yếu đuối đến thế, bất lực đến thế! Song cũng là một sự thực kỳ lạ: ấy cũng là lúc Nguyễn đáng yêu hơn bao giờ hết. Sau cái lần vỏ ngạo ngược, ngông nghênh hoá ra chàng Nguyễn vẫn rất mềm yếu, rất tình cảm, nghĩa là rất gần với mọi người. Có lẽ vì thế, chúng ta hiểu vì sao sau này trong tiếng súng chiến tranh khi cùng một đoàn kịch đi suốt từ Hà Nôị tới Nam Trung bộ, khi lội suối trèo đèo theo bộ đội đánh đồn, nhiều cái Tết trong văn Nguyễn Tuân lại hiện ra với những nét vui vầy đầm ấm, và những ngày hoà bình sau 1954, hầu như Tết nào ông cũng có những bài tuỳ bút vui Tết với mọi người. Vẫn với cách nói hóm hỉnh vốn có, ông bảo rằng đó là những lần mình ngả từ vườn đào nhà ra mấy cành để góp mặt với những ngày vui ở chợ hoa Hàng Lược. Một trong những bài tuỳ bút của Nguyễn Tuân hồi ấy độ một cái tên khá lạ lùng Tôi bán năm cành hoa tết.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn