VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần XII—XIV )

Trong cuốn Hỗn độn & hài hòa (tác giả Trịnh Xuân Thuận; bản tiếng Việt do Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch -- nxb Khoa học kỹ  thuật  2003) ở tr 180, tôi đọc thấy một đoạn nói về một hạt kỳ lạ, được Wolfgang Pauli phát hiện ra và sau này được đặt tên là nơtrino.
     Nó không có khối lượng. Cũng không có điện tích, lại chuyển động với tốc độ ánh sáng.
     Vì lẽ đó, nó chỉ tương tác với những lực hạt nhân yếu. Còn lực hấp dẫn,  điện từ và hạt nhân mạnh không hề tác động tới nó.
     Do đó,  các hạt này ít có dịp bộc lộ. Tựa như một hồn ma—tác giả viết tiếp –   chúng kín đáo lướt đi trong một màn đêm dày đặc, nên trước đó các hạt mới này không thể nắm bắt được.”
    Ở đoạn dưới, tác giả cho biết nơtrino còn có mấy đặc tính.
     Một là rất nhiều.
     Hai là sức sống rất mãnh liệt. Một lượng khổng lồ các nơtrino sinh ra trong  những giây đầu tiên của vụ nổ nguyên thủy đến nay vẫn tồn tại.
     Mà tồn tại cách nào? Đặc tính thứ ba: Chúng lang thang trong vũ trụ và có mặt ở khắp nơi.
      Đây là câu nguyên văn của tác giả” Vào lúc mà bạn đang đọc những dòng chữ này, hàng trăm tỷ nơtrino sinh ra ngay từ buổi khai thiên lập địa vẫn đang đi xuyên qua cơ thể của bạn mỗi giây… “
     Tôi nghĩ đến những hồn người bé nhỏ tham gia vào cả quá trình lịch sử mấy chục thế kỷ nay để rồi thành tạo nên cuộc sống chúng ta hôm nay. Không phải chỉ có biết ơn mà cái tình cảm của chúng ta, với những hồn ma làm nên quá khứ ấy, chắc chắn phức tạp hơn nhiều. Hiểu biết về chúng một cách tường tận là một trong những bước đi cần thiết trên đường ta hiểu về ta ở mọi thời điểm.

27-3
   TIẾP TỤC  CÂU CHUYỆN  SỰ CÓ MẶT CỦA NHỮNG NGÀY XƯA
     Cái quan trọng thì mất. Cái đáng còn thì không còn. Cái đáng thay đổi thì giữ nguyên.
    Tôi thực không ngờ người viết câu Hôm nay 8-3 – Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi cũng là nhà thơ. Thế thì trên đất nước này có ai không phải nhà thơ!
     Nhìn việc cầu cúng của những người đi lễ hội nhiều năm nay, người ta hiểu thêm tư duy của người mình, ví dụ dân buôn thì cầu buôn may bán đắt, còn quan chức thì đổ đi nhận những đặc sản của lễ khai ấn để còn toan tính thăng quan tiến chức.
      Một mặt quan cũng từ dân mà ra chứ  đâu có phải trên trời rơi xuống.
      Măt khác, phải nhận nhập được vào ngạch quan, tức đã thành một thứ cá vượt vũ môn. Ở phương diện nào cũng được, nhưng nhất thiết họ phải là những tinh hoa của dân chúng.
       Tôi hiểu thêm điều đó, cái sự hơn người của quan chức, qua chuyện ông H. đi cầu cúng. 
        Ông này thường mầy mò đi lễ riêng chứ không đợi đến các lễ hội chen  chúc. Nghe kể là có một năm, ông bắt vợ ông gánh đồ lễ ( vàng mã)  lên cả núi Tản và yêu cầu vợ chỉ khấn cho mình ngôi ghế vững vàng, tóm lại là chỉ cầu chữ lộc thôi chứ không cầu thêm gì cả.
      Ông giải thích thêm. Có lộc là sẽ có tất cả, có phúc cho cả mình và dòng họ, mà cũng có luôn chữ thọ, tức có sức khỏe.
       Đúng đến thế thì ai còn cãi nổi!

MỘT NHÂN VẬT HẬU HIỆN ĐẠI
      Theo dõi các nhân vật trong vở kịch Libya hiện nay, nhớ  nhiều chi tiết  thú vị. Nào là cái vô chiêu trong chính trị  -- Gadaffi không nhận một chức vụ cụ thể nào cả, mà chỉ thích được gọi là đại tá. Nào là lối núp bóng đại chúng, cái gì cũng dẫn đại chúng. Hồi phương Tây chưa can thiệp, chung quanh nhiều cứ điểm phòng ngự, ông ta cho dân lên, dân ca hát… Nhiều khi tôi cứ muốn kêu lên Gadaffi sao mà ông hiện đại thế, hiện đại của những năm cuối thế kỷ XX này tức là hậu hiện đại.
    Trong chưởng Kim Dung từng có nhiều nhân vật luyện công theo lối dùng vô chiêu thắng hữu chiêu.

29-3
  ĐÂU DỄ  HIỂU NGƯỜI
    Khâm phục người Nhật trong việc đứng vững trước tai họa, nhưng  có vẻ như những lời giải thích tại sao người Nhật có khả năng đó còn đang bất cập.
     

 Y PHỤC BẤT XỨNG KỲ ĐỨC
  Ngôn ngữ báo chí của chúng ta đang bùng nổ theo nhiều nghĩa khác nhau của cùng một tình trạng mâu thuẫn: sự xuất hiện của những từ nước ngoài xa lạ  ---biểu hiện của tâm lý học đòi, máu làm sang--đi kèm với một lối nói thiên về phong cách khẩu ngữ ở khía cạnh tầm thường của nó.
     Nhưng trước tiên là hiện tượng lắm lời, lối làm dáng, sự phát ngôn ào ào của những người không thuộc nghĩa của nhiều từ chính mình đang nói.   
      Mỗi lần nghe vậy tôi lại nhớ một đoạn mà Nam Cao đã viết từ hồi 1948 , kể về những người dân của một làng quê Bắc Bộ, lúc nào cũng cảnh giác đánh địch, lúc nào bàn chuyện công tác và nhất là trong lời lẽ lúc nào cũng những từ ngữ mới nhập khẩu
       “Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. mở miệng ra  thấy đề nghị  yêu cầu  phê bình cảnh cáo, thực dân phát xít phản động xã hội chủ nghĩa  dân chủ với lại cả tân dân chủ nữa.”
       Bảo rằng mọi chuyện đóng đinh như hôm qua thì là không có thiện chí rồi. Nhưng liệu có ai dám bảo rằng cái tinh thần mà Nam Cao miêu tả ấy không còn chi phối xã hội. Hay là chúng ta lại đang chứng kiến những “đa bội” của nó.
     Còn nhớ hồi trước 1975 một người bạn của bọn tôi đã buột miệng thốt ra một sự so sánh: Dân mình nhiều khi nói chính trị như nói tục. Sau đó anh giải thích thêm, người nói trong trường hợp này thì rất thản nhiên, vì đã quá chai sạn với cái vỏ ngôn từ quen tai hàng ngày, còn người nghe thì cứ thấy xấu hổ vì lúc đó ngôn ngữ với họ vẫn còn tính chất nguyên bản tức cái nghĩa thực của nó. 
       Còn nhớ lúc ấy nhiều người chúng tôi e ngại không muốn mình phải nghĩ tiếp, do đó yêu cầu ngay là người bạn kia đừng nói thêm nữa.
       Nhưng trong đầu, bọn tôi đều thoáng qua cái cảm giác hơi sờ sợ , không chừng đúng là như vậy.


 5-4
    AI ĐÁNG KHEN?
    Hơn ba năm qua, việc điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam gần như thay đổi liên tục và theo các chiều hướng trái ngược”. Đó là nhận xét được nêu trong bài Ổn định không đến từ điều hành theo cách xử lý tình huống TBKTSG 1-4.
     Và báo dẫn lại một khái quát của đại biểu Nguyễn Bá Truyền: “Chúng ta cứ tạo ra khuyết điểm, song khắc phục khuyết điểm lại báo cáo thành tích”
      Có một truyện ngắn tôi đọc được từ những năm trước 1975, có liên quan tới tinh thần cái việc vừa nói. Truyện biểu dương một chiến sĩ thông tin, trong lúc đi tác nghiệp, chợt nhận ra cả đường dây đứt mà lại thiếu một đoạn dây sơ cua để nối tạm.
      Gặp tình huống cấp trên cần truyền một lệnh gấp, anh chiến sĩ nọ tự lấy thân mình làm trung gian nối cho thông tin thông suốt.
        Không biết về mặt kỹ thuật có đúng thế không, nhưng cái đích ở đây không ai nhầm: đó là ca ngợi người có sáng kiến, và nhất là người dám lấy thân mình ra làm công cụ để thực hiện nhiệm vụ.
       Nhưng tôi nhớ là một vài năm sau đã có một bạn trẻ diện tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường, nhận xét: Chắc chắn là trong lúc đó bao nhiêu đồng đội của anh chiến sĩ nọ vẫn bảo đảm thông tin thông suốt, nhưng vì không ai quên đoạn dây sơ cua, không cần có sáng kiến, nên không được biểu dương, không ai biết tới họ.
       Thế thì ai đáng quan tâm hơn đáng ca ngợi hơn?

6-4
 XÂY DỰNG CHƯA XONG ĐÃ DỠ BỎ  
    Báo Thừa Thiên - Huế: Sông Hương ngập “rác vàng mã” sau lễ hội lễ hội điện Hòn Chén diễn ra vào ngày 5/4 (mùng 3 tháng ba âm lịch)
        Việc này không những gây ô nhiễm cho dòng Hương mà còn làm mất đi hình ảnh linh thiêng của lễ hội điện Hòn Chén.
      Nghịch lý, theo tôi, là ở chỗ: Trong lúc chúng ta đi tìm thêm sự thiêng liêng thì cũng là lúc chúng ta lại gỡ bỏ những gì làm nên sự thiêng liêng ta đã tích lũy về nó từ trước.

 9-4
 THEO QUY LUẬT CỦA NI LÔNG
     Sáng 5/4, hàng trăm người dân nhốn nháo khi chứng kiến cảnh ngôi nhà 5 tầng trong ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bị nghiêng và có nguy cơ sập
Trước đó đã có ngôi nhà đường Huỳnh Thúc Kháng nằm sóng soài trên đất .
     Lại có tin nhiều nhà ở phường Cống Vị cũng nghiêng tức có nguy cơ …
     Giống như chuyện sập cầu, chuyện tai nạn giao thông, chuyện nói ngọng,     chuyện gian dâm, chuyện hết chỗ đổ rác…loại tin tức đó làm nên cái mùi vị riêng tức sự hấp dẫn riêng của báo chí hiện nay.
 
Tin trên ThienNhien.Net 23-3 – Giá cọc tre tăng cao khiến một số hộ dân sống dọc tả ngạn sông Thương thuộc xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tự ý chặt phá lũy tre chắn sóng vốn được trồng để bảo vệ tuyến đê xung yếu. Nguy hiểm hơn, nhiều bụi còn bị đốt trụi phần gốc nên khó có khả năng mọc trở lại.
 Sau đó ở mục tin nổi bật
  1. Châu Á cần ngăn chặn nạn chặt phá rừng hàng loạt
  2. Hậu Giang: Nhà máy đường xả nước, cá chết hàng loạt
  3. Long An: Bắt hàng loạt xe bồn chở chất thải xả ra sông
  4. Sông Trà Khúc bị “đầu độc”: Cá chết hàng loạt
  5. Hà Nội: Cá dọn bể chết hàng loạt trên sông Nhuệ
  6. Tôm chết hàng loạt ở Đồng bằng sông Cửu Long
  7. Nghệ An: Cá chết hàng loạt trên sông Lam
  8. Cá chết hàng loạt trên sông Đồng Nai
  9. Hàng loạt doanh nghiệp gây ô nhiễm sông Thị Vải tạm thời phải đóng cửa
  10. Hàng hóa “Made in China” điêu đứng sau hàng loạt bê bối
  VTN: Cái  đáng lưu ý trong các tin trên là sự lặp lại của chữ hàng loạt






    Ngay từ trước 1975, khi ở Hà Nội, nilon còn là thứ hàng hiếm, quần áo may bằng vải pha nilon được coi là mốt, tôi đã được nghe một đồng nghiệp --- nếu tôi nhớ không nhầm thì chính là anh Vũ Quần Phương --- chia sẻ một nhận xét:
-- Cậu phải biết nilon là thứ bền đấy, nhưng đến kỳ đến hạn, một cái áo không chỉ rách riêng một chỗ nào, mà đã rách là nứt tung ra một lượt cả gấu lẫn cổ, cả thân lẫn tay...
    Một bài học để tôi hiểu một đặc điểm cốt lõi của xã hội hiện đại!

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn