VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép hàng ngày (2)

16-5
  Mua Nietzsche và triết học. Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn là người hiệu đính và viết giới thiệu.
   Đây là  một câu của Levi- Strauss, BVNS dẫn ra từ một cuộc phỏng vấn( tr. XI)
   “Tôi tin rằng tất cả mọi bi kịch mà chúng ta đã nếm trải từ chủ nghĩa thực dân đến chủ nghĩa phát xít với các trại tập trung hủy diệt con người, không hề đối lập hay mâu thuẫn với (cái) chủ nghĩa tự gọi là nhân bản trong hình thức mà ta thực hiện nó mấy thế kỷ vừa qua, trái lại, tôi muốn nói rằng chúng hầu như là những hệ quả tự nhiên mà thôi. “.
     Thông thường người ta nói những chủ nghĩa thực dân chủ nghĩa phát xít là đi ngược lại chủ nghĩa nhân bản chứ gì? Nhưng, ở cái dạng hôm nay, nghĩ kỹ chúng thuộc về một hệ thống. Nói chúng là “hệ quả tự nhiên” của nhau tức nói chúng đẻ ra nhau? Tôi hiểu ý Levi- Strauss muốn nói tới một nghịch lý như thế. Ông dường như muốn gợi ý về một thứ chủ nghĩa nhân bản với nội dung khác đi, không như chúng ta quen nghĩ và chúng ta phải cùng đi tìm.
    Tôi cũng thấy tình trạng đó có ở VN. Nhân dân, dân chủ, tự do, nhân bản…Phải chăng các khái niệm ấy đang được ta tiếp nhận một đằng trong khi thực chất chúng đang đi theo một nẻo khác kia. Cách hiểu của chúng ta là cách cũ. Cần phải thay đổi. Nhưng ai khởi xướng và liệu có ai ủng hộ?
     
     Chỉ cần đọc mục lục đã muốn đọc cuốn Nietzsche và triết học này rồi. Đây là cái mục lục đó.  Chương I:Bi kịch; ch. III Phê phán, ch. IV Từ phẫn hận đến mặc cảm tội lỗi, và ch.V Siêu nhân: chống biện chứng pháp.
18-5
   Thiên là trời địa là đất – đó là mấy câu mở đầu cungTam tự kinh. Lối nói vần vè mang trong mình nó cả một thông báo về cách học chữ Hán của người Việt. Ta mải học âm hơn là học chữ. Không biết rằng chữ Hán có rất nhiều từ đồng âm. Cũng không biết rằng một từ có nhiều nghĩa. Chẳng hạn bên cạnh chữ thiên là trời lại còn chữ thiên là thay đổi (trong biến thiên, thiên  di); trong trường hợp thiên là trời, bên cạnh nghĩa ấy, nó còn được dùng với nghĩa là ngày (minh thiên là ngày mai, kim thiên là hôm nay).
    Sự thiếu hiểu biết này dẫn tới những chuyện hy hữu, đại khái một tiến sĩ ngữ văn học ở Pháp về nhất định cãi tự sự là chỉ kể chuyện mình. Vì bà chỉ biết tự là riêng mình. Nhưng chữ Hán có mấy  chữ tự nữa,  tự là chữ, tự là chùa, tự là riêng mình, tự lại là kể ( mỗi chữ tự ấy viết một kiểu riêng)…
     Các nước khác người ta đều tư duy trên dạng chữ  viết ra.
     Hồi đầu thế kỷ XX, khi mới dùng chữ  quốc ngữ rộng rãi, để phiên âm một số  khái niệm mượn từ chữ Hán, người viết báo luôn luôn phải ghi mặt chữ Hán bên cạnh để cho người đọc khỏi nhầm.
     Lối tư duy thuần túy trên âm chỉ có ở ta từ khoảng những năm sau 1930 trở đi, và ngày càng phát triển vô tội vạ. Chưa hiểu hết nghĩa của từ người ta đã dùng, kệ cho sự giao tiếp rơi vào  tình trạng hỗn loạn.
      Hôm nay tôi kể chuyện này vì, nhân đăng ký  đi du lịch  Đài Loan, lấy về mấy tờ giới thiệu nội dung chuyến đi của các công ti lớn, thì thấy chỗ nào đáng phải viết tham quan thì người ta đều viết thăm quan.
      Đã có lần tôi nói với một nhân viên Saigontourist là viết thế sai đấy, phải nói như ngày xưa mới đúng. Nhưng chả ai buồn nghe.
       Tìm hiểu thêm thì được biết cả những người có vai vế trong xã hội  – chẳng hạn trong phạm vi tôi quen, một nhà văn trẻ nổi tiếng, đã được mời đi Mỹ -- cũng ủng hộ lối viết thăm quan này.
       Thăm mới có nghĩa chứ sao lại là tham? Thế  anh không biết rằng tham trong tiếng Việt là tham lam càm quắp, và hiện nay hai chữ  tham quan đã  được dùng riêng để chỉ các công chức ăn hối lộ à. 
       Tôi có tra lại một số từ điển và thấy rằng chữ tham quan với nghĩa quan lại tham nhũng thường thấy ghi ở các từ điển cũ ở miền nam trước đây, như từ điển Đào Văn Tập, từ điển Thanh Nghị. Còn Từ điển Văn Tân in ở miền Bắc trước 1975 đã cắt nghĩa tham quan là “ xem xét một nơi nào “.
   Từ  điển Hoàng Phê mới nhất ghi cả hai nghĩa, kèm theo hai chữ tham và hai chữ quan viết khác nhau trong chữ Hán.
  Một chữ  tham là dự phần và một chữ tham là  ham muốn quá đáng
  Một chữ  quan là xem xét và một chữ quan là viên chức.
Cả bốn chữ  đều gốc Hán.
  Theo chỗ tôi tra được hiện nay thì không có từ điển tiếng Việt nào có mục từ thăm quan cả.
    Các từ điển Việt Anh, Việt Pháp, Việt Hán…  cũng vậy.   
    Điều  đáng nói là khi giảng cho tôi như trên, những người chủ trương thăm quan tỏ ý rất tự hào là họ đã trở về với tiếng nói dân gian, bảo vệ yếu tố thuần Việt trong ngôn ngữ ( thăm nom và quan sát , hay bao nhiêu).
   Và  đọc trong ý nghĩ thầm kín của những người ấy, tôi thấy còn có cả niềm tự tin ghê gớm. Tin rằng tất cả các từ Hán Việt vốn có nghĩa gốc ra sao, tại sao ta lại nói như thế --- không cần biết. Cứ dùng đại đi, nó là của mình rồi! Thậm chí không việc gì phải nói theo người xưa cả, cứ theo cách hiểu của mình hôm nay mà đặt ra chữ nghĩa mới. Một sự sáng tạo đã diễn ra chăng? Trong bao nhiêu việc khác đã thấy có kiểu sáng tạo này rồi, giờ nó vào trong ngôn ngữ có gì là lạ!

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn