VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Con đường nghề nghiệp(3)

14/ Tác phẩm văn học nào gợi cho ông nhiều hứng thú nhất?
Cái gì hay tôi đều thích, số thích nhất rất nhiều thành thử với tôi không có cái nào là nhất nữa.Tôi tự thấy phần lớn những gì mà thiên hạ thích thì mình cũng thích, chỉ có điều phải cố để viết về tác phẩm đó một cách nào đó, như là một cách phát hiện mới về tác phẩm đó.

15/ Nhà văn nào tạo được ấn tượng lớn nhất đối với ông?
Cũng tùy từng thời kỳ mà nói ai để lại ấn tượng nhiều nhất hoặc nói cách khác ai có mặt trong suy nghĩ của tôi nhiều nhất.
Khi mới vào nghề, tức lúc tôi ở Văn Nghệ quân đội thì Nguyễn Khải .Nguyễn Minh Châu là chân trời của tôi hình mẫu văn học lý tưởng mà tôi lúc đó quan niệm được. Lúc sang Hội nhà văn thì vai trò đó thuộc về Tô Hoài. Ông là cuốn từ điển về văn học là điểm đối chiếu để tôi nhìn rộng ra những người khác.
So với ba ông nói trên, tôi đứng cách Xuân Diệu một khoảng xa hơn và cũng không bao giờ có thể nói chuyện với tác giả Thơ thơ một cách thân tình và thậm chí như là suồng sã nữa. Tuy vậy, một vài năm gần đây khi tôi tìm cách tính xem ai đã ảnh hưởng đến cách viết cách học hỏi và quan niệm văn chương của mình thì, như trong đoạn trả lời cho một câu hỏi ở trên đã nói, tôi luôn luôn trở về với Xuân Diệu. Xuân Diệu là một trong số ít nhà văn VN viết có lý luận vừa viết vừa tìm cách khai phá ý nghĩa lý luận trong sáng tác của mình cũng như của các đồng nghiệp. Tôi còn muốn viết tiếp về ông, với dụng ý từ ông thấy cả văn học VN thế kỷ XX.
Đấy, khi cần nói tới người tôi chịu ơn, người thường xuyên trở lại trong đầu óc tôi, lúc này đây tôi đang nghĩ như vậy. Tuy nhiên với một đời làm nghề khá tạp như tôi thì lại có thể nói là người để lại ấn tượng nhiều lắm, cả người sống lẫn người chết, cả người tôi đã gặp lẫn người tôi chưa gặp bao giờ. Có người ấn tượng về tác phẩm, có người ấn tượng về con người và cách sống. Các ghi chép có tính chất chân dung của tôi đánh dấu những phút ấn tượng trong tôi hiện hình.
Ở ta hay có lối coi Xuân Diệu là của nhà phê bình này, Nguyễn Minh Châu là của nhà phê bình kia, và Nguyễn Huy Thiệp là của một người khác nữa. Tôi không phản đối. Nhưng tôi cho rằng vẫn có một Xuân Diệu, Nguyễn Minh Châu Nguyễn Huy Thiệp và suốt cả từ Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Khải …của riêng tôi. Với mỗi nhà phê bình thực thụ, các nhà văn lớn luôn hiện ra với khuôn mặt mới. Các khuôn mặt này các chân dung này không loại trừ nhau, mà cùng làm giầu cho sự hiểu biết và yêu mến của bạn đọc.
Sau hết có một ghi chú tôi muốn nói thêm. Thường thì chất lượng sáng tác của nhà văn tỷ lệ thuận với sự hấp dẫn của mà con người của nhà văn đó để lại trong tôi. Nhưng nên nhớ là có những người sống rất thú vị mà không tự ý thức được hết, không mang hết được từng trải vào tác phẩm. Họ là những kẻ thất bại rất đáng kính trọng. Mặt khác, trong đời sống cũng vậy mà trong văn chương cũng vậy, cái gây hứng thú cho ta, nhiều khi không phải là cái tuyệt với chói sáng mà nhiều khi lại là một cái gì mờ mờ tôi tối trắng lẫn với đen, hay lẫn với dở. Theo nghĩa này, tôi đã quan tâm theo đuổi phân tích cuộc đời cách sống của ba nhà văn Nhị Ca, Xuân Sách Nghiêm Đa Văn và có được mấy phác họa chân dung mà tôi ưng ý.

16/ Trong tập Cây bút- đời người, khi khắc họa về các nhà văn, ông đã miêu tả một số thói xấu của họ. Cách làm này sẽ khiến người đọc thấy nhà văn cũng là những con người bình thường, có mặt tốt, mặt xấu nhưng mặt khác cũng làm cho người đọc cảm thấy thất vọng về những tác giả nổi tiếng mà họ rất ngưỡng mộ. Ông nghĩ sao về việc này?
Tôi cho rằng thời mà độc giả coi nhà văn nhà thơ như ông thần ông thánh ban phát dạy bảo họ đã qua rồi. Nếu là những độc giả có trình độ thì ngay khi đọc tác phẩm và tiểu sử tác giả, họ đã có những thất vọng về nhiều nhà văn nhà thơ mà họ đọc, chứ đâu phải nhờ tôi gợi ý rồi họ mới thất vọng.
Nhưng thất vọng về một người đâu có nghĩa là sẽ không quan hệ với người đó nữa. Ngoài đời là vậy mà trong văn chương cũng vậy.
Tôi có cảm tưởng sau khi đọc một số bài tôi viết về một nhà văn ( chỉ kể những trường hợp tôi viết thành công ), bạn đọc sẽ yêu thêm nhà văn nhà thơ đó, yêu những mặt tốt và xót xa thông cảm với những hạn chế của tác giả, từ đó có thể suy nghĩ sâu sắc thêm về cuộc đời này. Đấy cũng chính là mục đích tôi hướng tới.
Sau đây là một ví dụ: Khi bài viết về Xuân Diệu ( sau in vào Cây bút đời người) in ra, có nhiều người coi tôi là lật đổ thần tượng, láo, đả Xuân Diệu quá mạnh, thậm chí có người còn bảo tôi tàn nhẫn, người ta đã chết còn lật quan tài người ta lên mà nói. Nhưng cũng có người hiểu khác. Đây là một đoạn nhà báo Minh Thi viết trên báo Lao động 20-6-2002
Những trang sách của Vương Trí Nhàn về một số nhà văn ngùi lên những sự thương xót, những quý mến cùng sự chân thành bộc lộ suy nghĩ của mình. Tác giả đặt họ vào đời thường, đặt họ trong dòng chảy hiện thực và văn chương mà vẽ lại chân dung tính cách của họ. Thấu đáo, nhưng không tọc mạch; cách nói sâu tuy còn vẫn hơi đi vòng, cách nhìn của Vương Trí Nhàn đối với một số gương mặt tiêu biểu của văn học đương đại không xét nét, bắt bẻ, mà là một sự đánh giá khe khắt và đòi hỏi ở một mức cho phép. Có lẽ như thế đã là thú vị rồi.
Tôi biết ơn những sự chia sẻ như vậy. Đọc xong, tôi tự nhủ: cứ chân thành mà viết rồi dư luận sẽ hiểu ra cho mình.

17/ Khi nghiên cứu về các tác giả cổ điển, ông chỉ tìm hiểu các tác giả Nguyễn Gia Thiều, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Tản Đà, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Lý do ông chọn các tác giả này? Vì sao ông không tìm hiểu thêm về các tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu…?
Người ta hay nói khi phê bình cần khách quan. Tôi lại cho rằng phê bình mang đậm chất chủ quan của người viết. Nhà phê bình không phải là cái cân, mang ra cân tác giả tác phẩm nào cũng cho kết quả chính xác. Mà chúng tôi cũng có quyền có thiên kiến, có sở thích riêng. Không phải tất cả những cái gì tôi thích mới hay, mà tôi không thích tức là dở. Không… Không phải thế. Cái tôi không thích và không viết vẫn có thể rất hay, và đã có những nhà phê bình khác viết về nó. Tôi chỉ thích và viết những cái mà bên cạnh việc giới thiệu cái hay của chính đối tượng, tác giả và tác phẩm đó còn giúp tôi bộc lộ được suy nghĩ hiểu biết của chính tôi. Với văn học hiện đại cũng vậy mà văn học cổ điển cũng vậy. Sở dĩ tôi viết về Nguyễn Gia Thiều vì bắt gặp ở Cung oán ngâm khúc một chất ba-rốc rất lạ, ít thấy ở văn học VN. Trong khi những người khác lưu ý chất dân gian của Nguyễn Du thì tôi đặc biệt thích ở ông cái chất của một ngòi bút trí thức: đơn độc, đau đớn vì những vấn đề siêu hình và cảm giác bất lực. Với Nguyễn Công Trứ, tôi bắt gặp tính chất phân thân đầy mâu thuẫn của con người hiện đại, trong ông tôi nhận cả hình ảnh một con người trò chơi mà giá kể có điều kiện tôi còn phải quay lại nữa. Đấy đại khái là thế. Trên nét lớn có thể nói tôi thường quan tâm tới khía cạnh nhân văn trong con người cũng như sáng tác của một tác giả cả đương thời lẫn cổ điển.

18/ Khi phê bình về các nhà thơ, ông dành nhiều trang viết của mình cho các nhà thơ của phong trào Thơ mới. Nhận xét của ông về phong trào này và ý nghĩa của nó trong đời sống văn học hiện nay?
Thơ mới là loại thành tựu chỉ xẩy ra một hai lần trong lịch sử văn học một dân tộc. Nói gọn lại một câu là đến nay chúng ta chưa ra thoát khỏi Thơ mới, chưa đi xa hơn thành tựu của các bậc thầy Thơ mới bao nhiêu.
Nhưng để chứng minh cho nhận xét cảm tính này, còn phải làm việc nhiều, tôi hiện không đủ sức.

19/ Với Xuân Diệu, ông chỉ chú ý về phần phê bình.Tại sao?
Không đúng đâu. Cuối năm 2007, tại cuộc hội thảo nhân 90 năm sinh Xuân Diệu, tôi đã có một tham luận nhìn nhận chung đóng góp của tác giả với Thơ mới. Trước đó, tôi có một bài viết về thơ tình về con người riêng tư trong thơ Xuân Diệu sau 1945.


20/ Trong 3 giai đoạn văn học: 1900-1945, 1945-1985, 1985-nay, ông nghĩ là giai đoạn nào, văn học, nói chung, và phê bình văn học, nói riêng, phát triển thuận lợi nhất?
Xin được miễn trả lời đầy đủ câu hỏi này vì đặt ra một vấn đề quá lớn. Tôi chỉ muốn nói ở giai đoạn phát triển như hiện nay văn học VN đang rất cần phê bình. Tại sao?
Vì đến nay –đầu thế kỷ XXI, văn học ta vẫn còn là một nền văn học tự phát mà chưa tự ý thức được chính xác về mình—cái phần tự ý thức đó chính là do phê bình đảm nhiệm.
Ở những nền văn học hiện đại, giữa phê bình và sáng tác có một sự cân đối trên mọi phương diện: trên số lượng tác giả; trên số lượng tác phẩm đã in ra; trong sự quan tâm và kính trọng của độc giả cũng như sự quan tâm và kính trọng lẫn nhau của hai lớp người đó. Lưu ý là tôi nói sự cân đối trong tương quan, chứ không phải một sự ngang bằng số học. Nhưng, một cách tuyệt đối, tôi vẫn tin là ở những nền văn học phát triẻn đúng chuẩn mực, phê bình được chú ý hơn ở ta, thu hút được nhiều tài năng hơn do đó có đóng góp vào việc xây dựng văn học ngày một tích cực hơn.
Bớt số lượng người sáng tác kém cỏi đi, thêm người tự nguyện đi vào phê bình – tức là tăng cường chất nghiên cứu cho một nền văn học. Làm thế, các nhà sáng tác còn lại sẽ có điều kiện để sáng tác tốt hơn.
Người ta hay nói sáng tác hiện nay chỉ có nền mà không có đỉnh. Bởi nay là lúc bản năng đã bị khai thác cạn kiệt và cái cứu vãn chúng ta là lý trí là hiểu biết – với từng người cũng vậy mà với cả nền văn học cũng vậy -- nên có thể nói đầu tư cho phê bình là phương sách duy nhất để đưa một nền văn học tới những đỉnh cao mới.
Có một lý do khiến cho điều này khó thực hiện: khi ấy một số người yêu văn học phải chấp nhận hy sinh cái riêng vì cái chung, có thể đi làm những việc nào đó như biên tập biên sọan, dịch sách và viết phê bình, để đưa trình độ cả nền văn học tiến lên. Còn nhà sáng tác phải hiểu rằng trong thành tựu của mình có phần đóng góp của người khác. Cả công chúng cũng cần phải học để biết trân trọng những người sống trong bóng tối.
Còn lâu lắm, ở ta mới hình thành một sự phân công khôn ngoan và những mối quan hệ hợp lý như vậy.

21/ Hiện nay có rất ít bài phê bình viết về các tác phẩm của các nhà văn trẻ đương thời. Vậy phê bình phải làm thế nào để góp phần vào sự phát triển của văn học trẻ hiện nay?
Sở dĩ tôi không bị thu hút bởi sáng tác của các bạn trẻ hiện nay, lý do vì bản thân đã quá bận không có thời gian để tìm hiểu các sáng tác đó. Tự thấy ở độ tuổi của mình, cách tốt nhất là lo làm nốt một ít việc đang làm dở.
Cũng nên nói thêm là sở dĩ từ mươi mười lăm năm nay, tôi sớm chọn con đường trên, một phần là vì thấy nhiều nhà văn trẻ có lối nghĩ rất lạ. Họ hiểu phê bình chỉ là nói đến từng người trong họ. Những vấn đề chung của văn học bị họ xem thường. Họ không muốn hiểu những gì ngoài họ, không muốn hiểu quá khứ. Nhiều người quá thực dụng.
Có vẻ như họ hay nghĩ thế hệ trước chẳng ra gì và nay đã hết thời rồi, nay đến lượt họ. Vâng tôi cũng nhận là nhiều người đi trước bọn tôi “chẳng là cái đinh gì”, do gặp thời mà có tên có tuổi. Nhưng sao các bạn trẻ không nghĩ tới những mục tiêu to lớn hơn so với những nhân vật kỳ vĩ hơn. Thời đại bây giờ mở ra rộng rãi lắm mà cũng yêu cầu cao lắm.
Tôi trông chờ ở những người trẻ có khát vọng lớn. Đó mới là cái đích của sự phát triển văn học trẻ.
Thật là nhầm khi nghĩ rằng chỉ những ai có viết về văn học trẻ mới là người quan tâm đến họ. Chính là khi viết về sáng tác của các thế hệ trước, các nhà phê bình lớp tuổi cao niên cũng đang tìm cách đóng góp cho lớp trẻ đấy chứ! Cũng như khi tôi viết một số bài về văn học nước ngoài ( trong một số bài giới thiệu đặt ở đầu những cuốn sách dịch), đâu tôi có nghĩ là có lúc nó đến tay nhà văn nước ngoài -- đối tượng mà tôi “ phê bình”, mà chính ra tôi xuất phát từ văn học VN mà viết, đối tượng chinh phục của tôi là các nhà văn trong nước.

22/ Theo ông, độc giả hiện nay có vai trò như thế nào đối với nhà phê bình? Và trách nhiệm của nhà phê bình hiện nay đối với độc giả?
Khi viết cố nhiên tôi cũng nghĩ đến độc giả. Đó là một loại độc giả lý tưởng. Họ có những quan tâm tương tự như những quan tâm của chính tôi. Họ rất hiểu biết nên rất khó tính. Tôi chỉ chinh phục được họ nếu viết thật tốt.
Loại độc giả này hiện nay rất ít. Nhưng những mầm mống của họ thì bao giờ cũng còn. Thành thử tôi cho rằng công việc của nhà phê bình lại bao gồm cả việc đánh thức cái phần thường bị quên lãng đó trong lòng mọi độc giả thông thường.
Tháng ba—tháng năm 2010
Mới hơn Cũ hơn