VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép hàng ngày ( 15)

28-11
TÌNH CẢNH HẬU CHIẾN
Có một việc tôi đang muốn dành thời gian để làm—đọc lại sử mình những năm sau chiến tranh.
Ví dụ sau khi đánh xong quân Nguyên, nhà Trần ra sao?
Sách vở hiện đại ghi về chuyện này hơi ít. Cụ thể là trong các sử gia hiện thời, chỉ có Đào Duy Anh làm, và tôi chỉ mới đọc có ông chứ chưa có dịp đi vào mấy bộ sử cổ, song đã thấy cả một đề tài chưa ai khai phá.


Trong cuốn Lịch sử VN- từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX,  ĐDA dành hẳn một chương, chương XXV, nói về Bước suy đốn của nhà Trần, trong đó nói rõ việc đầu tiên Trần Nhân Tông cho làm sau khi quân Nguyên rút lui năm 1285 là duyệt lại hộ khẩu trong nước.
      Để làm gì? Theo ĐDA, để tìm cách “lấy tiền của mà tu bổ những tổn hại do chiến tranh gây nên.”
    Tiếp đó, ĐDA kể ra nhiều việc nhà Trần đã làm sau 1288 nhằm “ra tay bóc lột nhân dân thêm nữa “.
     “Ngay năm 1290, sử đã chép có nạn đói lớn, mỗi thưng gạo giá đến một quan, nông dân nhiều người phải bán ruộng đất và bán vợ con làm nô tì. Sau khi đã ra sức tham gia kháng chiến trong quân đội hay trong dân quân, người nông dân thấy đời họ không được cải thiện mà lại còn bị bóc lột hơn xưa, họ rất lấy làm bất bình mà đã rục rịch phản đối. Không thể dùng ngay thủ đoạn khủng bố,   Trần Khâm ( tức Nhân Tông—VTN ) lại nghĩ ngay đến việc dụng binh đối với các nước nhỏ láng giềng  để đánh lạc hướng bất bình của nhân dân” (Sđd, bản của Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, tr. 258-259)  

        Một khía cạnh khác, gần đây báo chí nói nhiều tới việc Nhân Tông thượng hoàng đi tu. Hôm nọ gặp nhau ở SG, anh Trần Đĩnh -- bậc thày của tôi trên phương diện miên man tự học, bằng sự lịch lãm của một người đã qua sống qua ba chục năm chiến tranh và thường xuyên tiếp xúc với nhân học hiện đại -- dự đoán, chắc là thượng hoàng thấy chiến tranh khủng khiếp quá, nên tìm cách tách mình ra mà suy nghĩ đấy thôi.
        Cũng là một cách ghi nhận tâm lý hậu chiến!
        Chỉ có điều cái tâm thế cao quý ấy là một cái gì mà người nay chỉ ngưỡng mộ chứ chả thấy ai làm theo cả.
   
MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM- TRUNG HOA CUỐI ĐỜI TRẦN
     Đánh xong quân Nguyên, nhà Trần cũng dần dần rơi vào khủng hoảng.
     Sau khi Nhân Tông Trần Khâm qua đời, người kế ngôi là thái tử Trần Thuyên, đế hiệu là Trần Anh Tông (1293-1314)
     Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim ghi:” Anh Tông lúc đầu hay uống rượu và đêm thường lẻn ra ngoài kinh thành đi chơi, có khi bị đồ vô lại phạm đến “.
     Tiếp đó là các vua Minh Tông (1314-1329), rồi đến Hiến Tông. Ông sau này lên ngôi lúc mới 10 tuổi, và làm vua được 13 năm, tới 1341 thì qua đời, khi mất mới 23 tuổi.
      Dụ Tông lên ngôi từ 1341. Vẫn theo Trần Trọng Kim, ông Dụ Tông này“ rượu chè chơi bời, xây cung điện đào hồ đắp núi, rồi lại cho gọi những người nhà giàu vào trong điện để đánh bạc. Bắt vương hầu công chúa phải đặt chuyện hát tuồng ( do quân Nguyên sang, mới du nhập – VTN chú), và bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống được một trăm thăng thì thưởng cho hai trật.
      Chính sự như thế cho nên giặc cướp nổi lên như ong “.
      Dụ Tông chết, không có con.
      Bà Hoàng thái hậu lập một con nuôi là Dương Nhật Lễ, vốn dân con hát, lên thay, nhưng bị tôn thất nhà Trần giết, dành ngôi cho Nghệ Tông.
       Ông này là một vị vua lạ, ở ngôi chỉ hai năm (1370  -- 1372) lại nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông.
      Lúc này ở Trung quốc, nhà Minh đã thay thế nhà Nguyên.
      Xẩy ra một việc rất giống với ngày hôm nay.
      Lúc Nhật Lễ đương quyền, vua nhà Minh lợi dụng nước ta lộn xộn, nghe theo bầy tôi thuộc bộ Lễ, cho bọn này đem các thần sông núi ở nước ta phụ tế vào đền nhạc độc của TQ.
      Rồi sai đạo sĩ là Diêm Nguyên Phục đến tế thần ở ta. Đại Việt sử ký tiền biên ghi đó là thần núi Tản Viên và các thủy thần sông Lô.
     Đến khi Nghệ Tông lên, theo Tiền biên, ông cho hủy bỏ những điều sai trái do các nho sĩ thời trước sinh ra, đó là những gì bắt chước Trung Quốc.
      Nghệ Tông nói “ Tiên triều dựng nước có chế độ phép tắc, không theo chế độ nhà Tống, bởi lẽ phương nam phương bắc đều có vua của nước mình, không phải theo nhau.” 
     Nghệ Tông nói tiếp, thời Dụ Tông, kẻ học trò mặt trắng không thấu đạt được ý của sự lập pháp, đem phép cũ của tổ tông bày đặt theo tục của xứ người. Như các loại quần áo nhạc chương không thể kể hết được. Nay việc gì cũng phải theo lệ cũ thời Trần Minh Tông (1314-1329).

      Thế mới biết lúc này, ý thức về bản sắc đã hình thành, có điều nó còn  mong manh và phải luôn luôn gia cố.

     Trong Đại Việt sử ký tiền biên, sử thần Ngô Thì Sĩ cho biết người Minh khen Nghệ Tông là “hiếu hữu cung kiệm, bác học minh mẫn”.
      Hai năm sau khi lên ngôi vua, Nghệ Tông lại lập em lên thay  thành vua Duệ Tông.  
      Tức Nghệ Tông là loại xem thường chính sự, coi lên xuống ngôi vua như chuyện cởi chiếc giầy, thay chiếc áo --- Ngô Thì Sĩ bình luận.

2-12
TIẾP TỤC CÂU  CHUYỆN TỰ DO HOANG DẠI
    Bác sĩ Zhivago trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Boris Pasternak  có lần nói với bạn gái:
  “ Cô thử nghĩ xem cái thời đại chúng ta thật là lạ lùng. Và cô với tôi đang phải sống trong đó. Thật ngàn năm một thuở mới lại xẩy ra những chuyện điên rồ như thế này. Cô có thấy cả nước Nga như mất nóc --  tôi và cô, tất cả những người như chúng ta đang sống ngoài trời. Không còn ai kiểm soát chúng ta. Tự do ! Đúng là tự do thực chứ không phải những lời rỗng tuếch, nhưng đó là một thứ tự do ngoài mọi sự chờ đợi của chúng ta, tự do vì tình cờ vì ngộ nhận.”
    Tôi ngờ rằng lẽ ra ở đây, tác giả sẽ viết thêm …”tự do vô chính phủ, tự do làm khổ nhau hành hạ nhau.“  
     Giá biết trước câu này, tôi sẽ dẫn vào bài Một thứ tự do hoang dại mới viết hai tháng trước.
     Hóa ra ở đâu cũng thế!
    
    Từ những biến thiên kiểu ấy, nay nước Nga rơi vào tình cảnh thế nào?
    Có hai chi tiết đáng nhớ nhất từ các bài báo mà rải rác tôi đã đọc.
     Một là về các vùng quê, thấy rất nhiều người đàn ông say rượu, có khi tất cả đàn ông trong làng say rượu. Còn đàn bà thì dạy nhau để làm sao bán được thân mình cho những người giầu có.
     Và thứ hai, nếu ngày xưa, các phương tiện truyền thông chuyên môn đóng vai giảng đạo thì nay ngược lại. Xem ti-vi, dân không phải nghe dậy bảo là hãy sống như thế này thế nọ nữa. Trong khi tha hồ lê lết trong cực khổ, giờ đây họ toàn được nghe những điều họ muốn nghe, những lời nịnh nọt rằng nước Nga thuộc loại cường quốc dắt dẫn thế giới, người dân Nga đang sống cực kỳ hạnh phúc.


   6-12
       PHẢI MẠNH MẼ THÌ MỚI CÓ THỂ TRUNG THỰC
     Năm nay là năm kỷ niệm một trăm năm ngày mất của L. N.Tolstoi.
     Tờ Văn học nước ngoài của Hội nhà văn đăng lại diễn văn  của Văn hào Pháp Anatole France  tại Đại học Sorbonne 12-11-1911 trong đó có đoạn:
      “Bằng cuộc đời của mình, Người đưa ra tuyên ngôn của cái chân thực, thẳng thắn trung tín kiên quyết; của chủ nghĩa anh hùng điềm đạm và bền vững. Người dạy chúng ta phải thực thà và mạnh mẽ.
      Quả vậy, chúng ta phải mạnh mẽ để không tàn bạo phải mạnh mẽ để có thể trung thực để được hiền hòa để được an dịu. Phải mạnh mẽ thậm chí là để cười nữa. Chính vì Người có đầy sức mạnh cho nên bao giờ Người cũng trung thực. Yếu ớt thì không thể truyền bá được chân lý.
   (… ) Tolstoi kêu gọi chúng ta phải chân thực và như thế là Người đang khơi gợi để chúng ta tranh luận với Người một khi Người mắc sai lầm...”

  Tôi rất thích cái ý người ta phải mạnh mẽ thì mới không tàn bạo, phải mạnh mẽ để có thể trung thực, và yếu ớt thì không thể truyền bá được chân lý.
       Có thể dùng nó để giải thích tình trạng hiện thời trong cách đối xử với nhau của cộng đồng Việt. Nhiều khi người ta tàn bạo với nhau giả dối với nhau chỉ vì quá yếu. Yếu nhưng lại ác. Càng yếu càng ác.

 7-12
   GIẦU CÓ NHƯNG KHÔNG THÀNH NGƯỜI
    Dạo này đi đâu cũng thấy dân tình bàn tán về hành xử của đám nhà giàu trọc phú vừa rồi, mang việc đấu giá làm từ thiện ra đùa cợt. Đùa cợt trên sự cùng cực của người nghèo.
    Đấy, đám người giàu có, tức những người năng động thành đạt những người ưu tú của xã hội ta là thế đấy!
     Lại nhớ gần đây một người Đức đã viết trên mạng về “người Việt xấu xí’.
    Ông ta bảo hình như nhiều người Việt hiện nay cũng biết mình hư hỏng nhưng lại có lối đổ thừa cho hoàn cảnh.
     Tức là bảo rằng tại chúng tôi nghèo quá nên chúng tôi mới hư hỏng thế này, còn nếu giàu có lên thì chúng tôi sẽ tử tế ngay.
     Còn theo kinh nghiệm của người Đức, và nhiều cộng đồng khác, con người phải tử tế thì mới có được sự giàu có chắc chắn.
     Có vẻ như các vụ việc gần đây cho thấy người Đức kia nói đúng.     
     Sự giàu có hiện nay của một số người ở VN chỉ là sự giàu có giả tạo. Họ vẫn chưa thành người.

        Tại sao người dân tha hóa vậy? Câu trả lời có thể là:
-- đi qua chiến tranh người ta sống cảm giác kẻ sống sót, không thấy cuộc đời có ý nghĩa gì ngoài sự hưởng thụ.
-- chiến tranh không đào tạo người ta thành người lao động bình thường, trước cuộc mưu sinh ngày nay, mỗi người hoàn toàn bất lực.
     Nên nhớ là dưới bom đạn, ảo tưởng lại được nuôi nấng, và đến nay khi ảo tưởng đó tiêu tan, thì con người ta như con trâu đứt mũi, thả mình phiêu lưu trong sự hư hỏng.

   Các nguyên nhân khác:
    Nguyên nhân căn cốt cộng đồng. Ngay từ hồi chiến tranh, tôi nhớ một người như nhà văn Đỗ Chu đã có lúc trầm ngâm nói với tôi rằng đọc lại sách vở xưa, bên cạnh rất, rất nhiều tự hào, nhiều khi chợt thấy dân mình có quá nhiều tính chất của một đám đông lêu lổng(?!).
   Có đúng thế không ? Không đúng hẳn, cũng đúng một phần?

    Nghe chuyện lừa lọc thời nay, luôn luôn tôi nhớ đến Ba Giai Tú Xuất.
   Không hiểu sao truyện này không được nổi tiếng bằng Trạng Quỳnh ? Có lẽ vì thiếu chữ trạng là cái chữ dân ta rất khoái? Mà có lẽ  có cái việc là Trạng Quỳnh chửi vua quan và sứ Tầu để rồi giải thích mọi sự hư hỏng của mình là do phải đối phó với họ -- trong khi Ba Giai Tú Xuất chỉ nói cái việc người ta trở thành lưu manh bịp bợm và lừa lọc nhau …một cách hồn nhiên và đầy hào hứng ra sao.

8-12  
 MỘT NIỀM TIN PHẢNG PHẤT,
   Ngày càng có nhiều người nước ngoài nghiên cứu về người Việt, trong đó có cả những người đi vào những khu vực tối tăm bí hiểm của chúng ta. Như việc cúng bái các hoạt động cúng bái và nghề lên đồng.
    TT&VH  ( tôi quên ghi số) có lần kể về một ông Tây đang làm nghề thầy cúng ở chung quanh Hà Nội. Ông ta đi học cẩn thận. Và ông ta nhận xét người Việt hình như cái gì cũng tin mà lại chẳng tin một điều gì.
      Nhớ một ý của nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut về mối quan hệ  của ông với tôn giáo. Ông tự nhận là humanist — người theo chủ nghĩa nhân bản, “một phần có nghĩa là, tôi đã cố gắng ứng xử tử tế xứng đáng mà  không vì kỳ-vọng nào về phần thưởng hay trừng phạt ở đời sau,”
      Lại tự nhận là freethinker — “người suy nghĩ tự do, không bị ràng buộc vì tín niệm tôn giáo hay gì khác, nhưng vẫn trân trọng những điều rao giảng tốt lành của các tôn giáo “.
      Tôi ghi lại đoạn này vì thấy nhiều phần ngược với người Việt.  Chúng ta chỉ cố gắng tử tế vì hy vọng được phần thưởng mà không bị trừng phạt.  Và chúng ta làm việc này một cách dung tục cẩu thả. Chùa chiền ở miền bắc hiện nay sư mô nhiều người không biết chữ Hán, không thuộc kinh kệ và hiểu không đúng kinh kệ. Dân cũng vậy. Điều quan trọng là con người  ít nghiền ngẫm về “những điều rao giảng tốt lành “ của tôn giáo. Chỉ có chủ nghĩa thực dụng đang thắng thế. Thực dụng ở đây tạo nên một tình trạng nước đôi ( = lưỡng trị ), bảo là tin cũng được mà bảo là không tin cũng được.
     
11-12.
 SẢN PHẨM NƯỚC NGƯỜI  TRÊN XỨ MÌNH
   Có một dạo Hà Nội có phong trào nuôi chó Nhật xuất sang Trung quốc. Sau do người mình lai tạp lung tung, nên họ không nhập nữa, người làm ăn tử tế mất nghề.
   Trên đường phố, giờ đây tôi thỉnh thoảng vẫn gặp vài con chó Nhật còn sót lại. Chúng nhem nhuốc bẩn thỉu và cũng lam lũ chúi đầu vào đống rác kiếm ăn như chó bản địa.
     Không muốn nhìn nữa... Chỉ thấy nhớ thuở chúng được chăm bẵm nâng niu… mà thoáng qua một chút ngậm ngùi giùm cho kiếp lưu đầy xứ lạ.

    Lạ lùng cho đất An Nam      
Trời sinh ra thế biết làm sao đây
    Cái gì tốt tốt hay hay
Nước ngoài  đem lại cũng quay ra xoàng 
   Khoai tây trồng hóa khoai lang
 Thủy tiên cụ Tiễu đâm ngang hóa … hành
    Tú Mỡ trong bài Biến đổi, in trên Ngày nay 8-7-1939, đã viết vậy. Ông cười vì những cái tốt đẹp của nước ngoài khi vào xứ mình bị biến dạng như thế nào.

19--12
  NÓNG LẠNH BẤT THƯỜNG       
     Khái quát về không khí thành phố hồi đại lễ nghìn năm, tôi đọc trong một bài báo người ta dịch lại từ The New York Times.
Trong lúc Hà Nội đánh dấu Sinh nhật thứ 1.000, một số người khác thì diễu cợtAs Hanoi Marks 1,000th Birthday, Some Are Cynical  “Tính không hòa hợp là điển hình của Hà Nội ngày hôm nay, một thủ đô Cộng sản đang vội vã trong một tương lai hướng theo thị trường hơn – lớn hơn, nhanh hơn, ồn ã hơn bao giờ hết, tham lam cho một bộ mặt mới như là nó bao quát cả thế giới hiện đại”. “The dissonance was emblematic of Hanoi today, a Communist capital hurrying into a more market-driven future — bigger, faster, noisier than ever, grasping for a new identity as it embraces the modern world.”

       Sở dĩ tôi phải dán lại mấy câu nguyên văn tiếng Anh vì trong đó có từ The dissonance. Dịch tính không hòa hợp là sát nghĩa, nhưng theo tôi nên nói rõ hơn Đây vốn là một từ trong âm nhạc chỉ sự kết hợp giữa các nốt nhạc mà hiệu quả gợi ra chỉ là sự khó chịu. Và như vậy, ở đây, nó muốn nói tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong bản thân một cơ chế hoặc một tâm thế  thảng thốt nóng lạnh bất thường của một con người, một xã hội.

      Không có một từ nào miêu tả tình trạng cộng đồng chúng ta hôm nay đúng như từ này.
 
        Chẳng hạn  như trong câu chuyện cả nước sôi sục vì hai trận bóng đá VN—Malaysia và sự đối lập giữa cái nồng nóng hôm trước với cái lạnh lẽo hoang vắng hôm sau.
        Sự nóng lạnh bất thường ở đây hình như đã như một thứ khí hậu bao trùm khiến người ta cảm thấy phải đặt cho mình một câu hỏi: Chung quanh không bình thường hay là mình không bình thường?
            Một khía cạnh nhỏ nữa-- tự nhiên cảm thấy một mất mát quá lớn; từ nay không chừng nhiều người sẽ sinh ra ngờ vực sẽ dửng dưng nếu không muốn nói là còn cười thầm trước những giọt nước mắt ?
           Nhưng làm sao không đổ đốn được như vậy khi mà chứng kiến sự cảm động vô nghĩa của cả một đám đông chung quanh ?  
           Chúng ta không còn biết ta là ai ta sẽ làm được gì, và ta đành lòng làm con tin cho những may rủi hay sao?
           
             Trước 1964, tức là trước chiến tranh, đời sống Hà Nội khá thanh bình, khá hòa hợp. Một trong những bài hát mà bọn đội viên đeo khăn đỏ chúng tôi hay hát là bài nói về tâm trạng của một đứa trẻ khi ngồi trên đu quay, trong đó có câu: Bay lên nào em bay lên nào !
             Đến những năm khoảng từ 1970 trở đi, cuộc sống thời chiến đẩy con người vào những tình thế vô cùng bi đát, người ta thường rất dễ nổi khùng với nhau trước khi hành hạ làm khổ nhau, và câu hát ấy được bọn tôi lúc này đã lớn đọc chệch đi là : Điên lên rồi ông điên lên rồi!
              Cơn điên ấy còn đang kéo dài cho đến hôm nay?

          
20-12
 TÌNH THẾ BẤT LỰC 
  Ở  Hà Nội trước 1954 có một bài học thuộc lòng mà  học sinh tiểu học chúng tôi phải học.
  Hôm nay trời lại mưa phùn
 Đường em đi học lầy bùn khổ chưa
 Trên đầu không nón che mưa
 Có đôi guốc vẹt lại vừa đứt quai
  Một tay che vạt áo dài
 Một tay túm chặt lấy hai ông quần
 Bùn sâu đến mắt cá chân
 Sách em xốc lại mấy lần chực rơi
 Xa xa trống đã điểm hồi
  Em còn đứng mãi ngoài trời đội mưa.

     Vào những ngày mưa phùn giá rét ở HN hôm nay, tự nhiên những câu lục bát ấy cứ lởn vởn trở lại trong đầu. Cái cảm giác lúng túng bất lực từng có từ  hồi tuổi nhỏ hình như kéo dài cho đến bây giờ. Mà có phải riêng mình đâu, chắc những người “ cũng một lứa bên trời lận đận” hôm nay cũng thường có lúc chạnh lòng thấy mình chưa thoát khỏi tình cảnh năm mươi năm trước sáu mươi năm trước…

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn