VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

NHẬT KÝ 2012 ( V -VI)

    15-5

MỘT BÀI CA DAO CỔ
Thấy anh em cũng muốn theo
Anh sợ em ngheo anh bán em đi
Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát lộc si thì già
 Lấy anh không cửa không nhà
Không cha không mẹ biết là cậy ai

  Bài ca dao sáu câu ấy giống như một thứ lịch sử xã hội cô đúc. Chúng ta là một cộng đồng mà con người làm không đủ nuôi mình. Kiếm sống ở dạng hái lượm. Những yếu tố làm nên một xã hội, như nhà cửa để ở, như mối quan hệ đàn ông đàn bà, quan hệ cha mẹ con cái, đều hết sức lỏng lẻo và tùy tiện (đến mức người đàn ông có quyền bán cả người đàn bà theo mình!).  
    Cái ngày xưa ấy có xa lạ với ngày nay? Xưa Lộc sắn thì chát lộc si thì già chỉ nuôi người ta khỏi chết. Ngày nay những hầm mỏ, những rừng đầu nguồn bị khai thác bừa bãi cốt xuất đi thu về đô la, mang lại cho con người đủ thứ tiện nghi và cả cảm giác mình sống ngang tầm thế giới. Nhưng cái tình trạng sống dựa hẳn vào sự ăn mày thiên nhiên  thì vẫn vậy. Qua trường kỳ lịch sử, tuy thừa biết là chỉ có thể trông ở chính mình, nhưng bế tắc quá, cái câu hỏi cậy ai lại được đặt ra. 

17-5
ĐẠO PHẬT MIẾN NAM
    Chỗ nào cũng hòm công đức, thực chất là một cách moi tiền khách thập phương. Sư sãi chính trị hóa và thế tục hóa lộ liễu, còn dân thường thì vụ lợi theo cách riêng của mình. Thay niềm tin thiêng liêng bằng mê tín, các đám đông trở nên hỗn hào mà nhiều khi lại đá sang cả chất khoe mẽ tân thời.…
    Cái lý do khiến tôi dạo này chán không tính tới chuyện tìm hiểu đạo Phật ở các vùng quanh Hà Nội là vậy.
    Vào miền Nam, thấy có chút khác.
    Ở Côn Đảo đến thăm ngôi chùa mới được xây dựng. Một chị trạc 40-45 kể thầy trụ trì ở đây là ở chùa Vĩnh Nghiêm ra. Thầy bảo chỉ nên lên chùa để nghe kinh và ngẫm chuyện đời chuyện đạo. Chứ ai lên chùa mà chỉ chăm chăm cầu sao buôn may bán đắt và thăng quan tiến chức thì đừng có lên.
     Tưởng rằng chỉ Côn Đảo là nơi thoát khỏi cái sôi động của đời sống hiện đại mới có những ngôi chùa như vậy, hóa ra nhiều chùa khác ở chung quanh Sài Gòn tôi cũng gặp tình hình tương tự.
      Người dẫn tôi đến chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn kể chính vì nhờ lên chùa mà chị tìm thấy sự yên ổn trong tâm linh và sự hòa hợp ngay trong cuộc sống gia đình. Hiệu sách trong chùa khá đông khách, ở đây tìm được nhiều loại băng đĩa và sách vở cần thiết. Tôi được chị bạn mua tặng một loạt sách và đĩa.
    Thường nghe nói tôn giáo ở VN nhiều khi là một thứ niềm tin không giáo lý. Ở nhiều chùa miền nam, tôi gặp những cố gắng vượt thoát khỏi tình cảnh đó.
  
         Cũng bàn về tôn giáo của người Việt, dưới đây là một đoạn văn của L. Dutreuil de Rhins trong Nghiên cứu Huế tập tám, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan mới cho in quý I năm nay. Tôi đọc và thấy tự tin với những ý nghĩ vừa trình bày ở trên của mình. Đoạn văn như sau.
       Cùng với Phật, [người An Nam] sùng bái vô số thánh thần. Mỗi gia đình sùng bái riêng nhiều vị các vị này sẽ  phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi. Như thế là từ các lập thuyết Trung Hoa, người An Nam chỉ giữ lại một mớ dị đoan thô lậu, và mọi thứ trở lực chống lại xu thế thô lậu này bị hoàn toàn vô hiệu hóa. Không bao giờ cảnh chùa chiền  đông đúc tín đồ như ta thấy ở Trung Hoa; theo nghĩa này, chùa thường xuyên vắng vẻ. Không có lễ chùa, không có kinh kệ. Mà ngược lại, toàn đám đông cúng bái ồn ào kèm theo ăn uống xô bồ, như sở thích người An Nam vốn vậy.

MỘT VÍ DỤ VỀ THUYẾT CHÍNH DANH
      Có  một câu trong Luận ngữ  chỉ ngắn gọn thế này Cô bất cô, cô tai  cô tai  chương VI, 23. Sách Ngữ văn Hán nôm  dịch là  Cái ( bình rượu  có khía có cạnh) chẳng ra cái . Thế mà cũng gọi là , thế mà cũng gọi là !
   Thường thường thấy câu văn ngắn ngủi này, tôi lướt qua. Đến khi đọc bản Luận ngữ của Hoàng Văn Thư mới nhận ra đây là một cách nói về thuyết chính danh của Khổng Tử mà mệnh đề chuẩn là Quân quân thần thần phụ phụ tử tử. Cái ý ngầm của cụ Khổng trong trường hợp này là cái gì phải ra cái ấy vua phải ra vua bề tôi phải ra bề tôi cha phải ra cha con phải ra con. Nếu không thì không thể bàn với nhau chuyện gì hết.
      Cái lý thuyết chủ yếu này của đạo Khổng xem ra lại là chỗ xa lạ với văn hóa Việt. Chúng ta thường chỉ thích nhấn mạnh sao cũng được, tùng tiệm, chín bỏ làm mười, nhiều no ít đủ, chỉ cốt chẳng giống ai hết là được.

26-5
GHI VẶT
    Người dân thường đang lúng túng trong cách sống của mình. Xưa trong cảnh khốn cùng người dân còn được những triết lý nhân bản -- mặc dù lờ mờ nhưng tồn tại dai dẳng qua nhiều thế hệ -- nó níu kéo họ lại. Nay thì xã hội đã hoàn toàn giải phóng họ với nghĩa cái sức mạnh bản năng hoàn toàn ngự trị. Họ bơ vơ như người nguyên thủy trong khi lại quá nhiều công cụ có được từ xã hội hiện đại rơi vào tay họ. Và họ làm loạn với nhau.     

    Có một sự liên minh giữa sự tham nhũng sự gian dối và trụy lạc, hẳn thế. Tôi dự đoán nhiều người phải đốt cháy mình lên trong những cơn hoan lạc vô đạo đức thì mới có đủ liều lĩnh làm những việc mà họ cảm thấy bất nhân, độc ác, tức là khi họ phạm tội.

27-5
 VĂN HÓA DỐI LỪA CHÚNG TA
VĂN HÓA NHƯ MỘT LỰC CẢN
     Trong khi đi vào lịch sử văn hóa, cuốn Văn hóa Việt nam truyền thống một góc nhìn của GS khả kính Nguyễn Thừa Hỷ, Nxb Thông tin và truyền thông  2011) có một cái ý khá hiện đại: ở mọi xã hội, tiền bạc và đất đai đẻ ra quyền lực; còn ở xã hội Việt Nam cổ thì ngược lại, quyền lực đẻ ra đất đai tiền bạc.
 
    Cũng sách NTH, ngay từ lời tựa có cái ý văn hóa có lúc lừa dối người ta, cả môt cộng đồng vẽ ra một thứ văn hóa để tự lừa mình. ” Văn hóa cũng có thể trở  thành một lực cản kìm hãm và phá  hoại đời sống con người với những hậu quả và tổn thất khôn lường”.
    Ở một đoạn dưới “Chúng ta đang được động viên khích lệ mà cũng đang bị đe dọa, dối lừa bởi văn hóa“( sđ d  tr 3-4 ).

    Một ý trong bài Lịch sử thử nhìn lại ( Lữ Phương ): nội lực của Việt Nam (cũng như của nhiều nước bấy giờ) thiếu hẳn những nhân tố nội sinh về văn hoá để tự canh tân.


2-6
GIẢ TẠO & KHOE MẼ
    BBC 24 tháng 5, 2012 có bài nêu vài nhận xét về văn minh và văn hóa VN. Mở đầu là sự định nghĩa rất đáng tham khảo “nếu như văn hóa được xem là nhân dạng và tính cách của một xã hội thì văn minh có thể được coi là dân trí và đạo đức của xã hội ấy.”
   Tôi thích nhất đoạn bộc bạch của một thanh niên nước ngoài đang sống ở HN:
   Ở Việt Nam, tôi không sợ gì bằng đi công cán hay dự hội nghị và được mời – hay đúng hơn là bị “ép” – hát karaoke. Điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn cả việc xung quanh đầy rẫy những vodka, cognac và gái gọi.
    Như thế không phải là tôi không thích nhạc, ngược lại là đằng khác. Vấn đề là ở chỗ karaoke không thực sự là nhạc, kể cả khi hát đúng chăng nữa. Nó giống như ảnh cưới của nhiều người Việt , sắp đặt và chỉnh sửa quá nhiều, không thật, lòe loẹt, khoa trương và ngớ ngẩn.
Khái niệm kitsch (tạm dịch là lòe loẹt, giả tạo) có vẻ tương đối lạ lẫm đối với người Việt, nhưng lại rất phổ biến ở phương Tây. Hát karaoke có thể được coi là một biểu hiện của khoe mẽ bởi lẽ đó là hành động giả làm ngôi sao chứ không phải là phát triển kĩ năng và tính sáng tạo cần thiết để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
   Nó thổi phồng cái tôi của những kẻ nghiệp dư trong khi tôn vinh cái ăn theo. Nên khi tôi hát hay nghe hát karaoke, tôi thấy nó đúng là kiểu giả tạo và khoe mẽ, thế nên tôi chẳng thích karaoke tí nào cả.


5-6
NHÀ VÔ PHÚC
Pavel Vladimirovich Pozner là một nhà sử học người Nga, nghiên cứu sử Việt tháng ba vừa qua có sang HN nhận một giải thưởng. Phóng viên một tờ báo hỏi ông sao đã có các nhà sử học VN nghiên cứu sử VN rồi ông còn mò vào đấy làm gì. Nhà sử học Nga lại phải phân trần là sử VN phong phú lắm, nên được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau thì tốt hơn.
   Người ta có thể trách câu hỏi kia là ngớ ngẩn, nhưng lỗi chính không phải ở người đi phỏng vấn. Các giáo sư đích thực đã quá cố, học trò tiếp theo phần lớn chỉ là loại tầm tầm. Lớp F2 này đẻ ra F3 F4, vòng vèo mấy đời rồi mới sinh ra loạt nhà báo trẻ nọ. Các thế hệ ngày một kém đi. Một lớp trẻ kiêu căng và dại dột đến thế ra đời chỉ có thể là sản phẩm của một nền giáo dục vô phúc đến thế.

 PHỤC VỤ CHÍNH TRỊ MỘT CÁCH THÔ THIỂN
       Đọc mấy bài về sử của Trần Trọng Dương thấy mừng vì hình như đây là một ví dụ cho thấy sự thông thái đã trở lại với các nhà nghiên cứu trẻ.
      Trong khi lập luận, tác giả dẫn ra cả các tạp chí nghiên cứu văn hóa của các tỉnh Trung quốc (gọi là tỉnh nhưng nhiều khi cả về diện tích dân số lẫn GDP họ đều vượt xa cả nước mình). Khi cần tra một vài chữ Hán cổ, những Từ hải Từ nguyên  cũng được lôi cả ra làm bằng.
      Hồi ngàn năm Thăng Long, tôi đã thấy có Hoàng Anh Tuấn với mảng sử thế kỷ XVII-XVIII chủ yếu về việc buôn bán của các thương nhân phương Tây ở Việt Nam. Nay lại thấy có Trần Trọng Dương như trên.  
      Có thể do chỗ là một người ngoại đạo, tôi chưa biết hết những mạch ngầm bên sử. Nhưng chắc không phải quá lời khi nói lâu nay, ít đọc, lười đọc đã là chuyện xảy ra ở mấy thế hệ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Sử có khá hơn, nhưng chắc khó tránh khỏi bệnh chung.
     Các sách sử của Nguyễn Văn Tố Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp còn dẫn cả những Thủy kinh chú Hán thư … lẫn Maspero và các nhà sử học Pháp. Và ta tin là các học giả trưởng thành từ nền văn hóa thuộc địa có đọc thật.
    Còn các ông về sau, chắc không có thời gian đọc, một vài chi tiết cổ dẫn ra chắc cũng cóp qua sử của các cụ mà thôi.
     Lâu lắm không thấy có ai khen nhà sử học nào là thông thái, chỉ toàn thấy khen lập trường kiên định và bám sát tình hình thời sự chính trị.Thứ sử họ viết ra không giúp vào việc nhận thức quá khứ để thúc đẩy quá trình vận động đi tới của xã hội. Thế mà, cứ như chỗ đọc được của tôi, chưa thấy có ai trong họ lên tiếng nhận lỗi. 

6-6
NGHỀ DỊCH SÁCH DỊCH
      Ở Liên xô trước đây, trong những người được giải văn học nhà nước có trường hợp Ju. Liubimov, người đã dịch văn học cổ điển phương Tây ra tiếng Nga. Ông cũng được coi là một nhà văn hóa lớn, tên tuổi được ghi vào Đại Bách khoa toàn thư xô viết.
     Lịch sử văn học Pháp nhiều cuốn bắt đầu từ Jacques Amyot (1513 – 1593), một người  có công dịch Hy La ra tiếng Pháp.
      Anh Vũ Đình Bình bạn tôi kể rằng ở các nước vùng Baltich,  Litva, Latvi, Hội nhà văn của họ quá nửa là người dịch.
     Còn ở ta, nghề dịch được coi là một nghề lao động đơn giản. Trước 1975, nhuận bút sách dịch tính trên từng ngàn chữ chỉ bằng nửa sách viết. Có nhà dịch thuật, vào nghề được một thời gian có tên rồi lo tổ chức cả xí nghiệp dịch kiếm sống, còn bản thân anh ta đi viết tiểu thuyết để lấy tiếng và làm cái vốn để đòi công lao về sau.    

10-6
HẠNG BẦY TÔI “TỤ LIỄM”
   Khâm Định Việt sử thông giám cương mục ( bản in của nxb Giáo dục hai tập t.I, 1998 ) ở tr 887 có đoạn ghi:
  Vua sai Nguyễn Trãi làm một biểu tấu sang nhà Minh xin phong vương. Trãi lúc đó còn mang họ Lê, giữ chức Đại hành khiển.
  Đọc tờ biểu này Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ Lê Cảnh Xước muốn chữa vài chữ. Nguyễn Trãi nổi giận nói “Bọn các ngươi là hạng bề tôi tụ liễm,  nạn hạn hán ngày nay do các ngươi gây ra cả”
  Tụ liễm là gì? Sách Cương mục nói trên chú “là loại  quan chức chỉ lo đánh thuế nặng để  làm giàu cho bề trên”‘
  Ở đoạn dưới, cũng ghi lời giải thích của Lê Trãi cho Lê Sát về hai chữ ấy “ Thúc Huệ là hạng tài mọn chỉ chăm đục khoét vơ vét, thế mà hắn giữ  chức then chốt trong nước, hế có tâu bày lên vua điều gì, hắn chỉ muốn làm thiệt dân đem lợi về nhà quan để dua nịnh bề trên”.
  Câu chuyện không chỉ gợi ra những liên tưởng tới tình hình đang xảy ra trong nước mà – như để chứng minh cho tính đúng đắn của nó --, còn liên quan đến cả sự hình thành giới quan chức đương thời ở những nước chính trị gần với ta, ví dụ  như nước Nga.
Mạng Kichbu 1-6 2012 dẫn ra một đoạn từ báo Nga:
     Trong những năm thời Breznhev, phản chọn lọc được vận hành với tốc độ nhanh, tức là người ta bắt đầu lựa chọn vào giới thượng lưu ngày càng nhiều người theo nguyên tắc trung thành cá nhân với giới lãnh đạo cao cấp. Chính bản thân giới chóp bu hầu như không thay đổi, và lập tức dưới nó hình thành tầng lớp những kẻ thăng quan tiến chức vô trách nhiệm. Trong chính giới thượng lưu, tư tưởng tiêu diệt chủ nghĩa xã hội từ trên xuống đã được củng cố và, cuối cùng giành được thắng lợi, chẳng hạn, để sở hữu nhà nước biến thành sở hữu tư nhân và chuyển vào tay nhóm cầm quyền.

TƯ DUY BRECHT
      Chưa bao giờ thơ với nghĩa thích thì làm, ‘’ngửa cổ hát chơi’’, -- thứ thơ đó trở nên vô duyên vô lối rõ rệt như lúc này. Brecht đứng riêng ra, tác động vào bạn đọc làm cho người ta không yên. 
      Dạo này những lúc bí quá muốn tìm tới thơ, tôi thường nghĩ đến Brecht đầu tiên.
       Gần ba chục năm trước, hồi còn cùng làm tập Mười nhà thơ lớn của thế kỷ, họa sĩ Nguyễn Quân nói với tôi rất hay về nhà thơ Đức này. Ng Quân bảo đọc Brecht như người đi đường núi, mệt thì mệt thật nhưng đầy hấp dẫn vì phong cảnh thay đổi. Quân kể tiếp là cái ý này được bảo tàng Brecht ở Đức trân trọng, đặt bên cạnh những lời giới thiệu ngắn gọn mời gọi người thăm bảo tàng khi họ mới đến cửa.

14-6
QUÊN LỊCH SỬ
    Ngày 12, tháng 6 năm 2012 , trên mạng của Viện  nhà nước  và pháp luật có bài Tư tưởng lập hiến ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Có nhắc đủ cả Phan Bội Châu, Phan Phạm Quỳnh. Nhưng lại không đả động gì đến trước tác của nhóm Thanh Nghị, gồm những Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Dương Đức Hiền là những người đã bàn rất nhiều về các vấn đề này.
    Đến thứ sử đang được nghiên cứu mà người ta còn chỉ chấp nhận có một cách nhìn như thế , nói chi đến thứ sử dạy trong nhà trường.

 TÔI ƯỚC AO CÓ AI ĐÓ ĐỨNG RA LÀM MỘT BỘ TUYỂN CÁC SỬ LIỆU DO NƯỚC NGOÀI VIẾT VỀ VN.


 15-6
 ĐƯỜNG ĐI CỦA ĐỒNG TIỀN
 Đan Mạch ngừng tai trợ 4 chương trình nghiên cứu về biến đổi xã hội vì nghi có tham nhũng Nợ xấu lớn gấp 4 lần số liệu công bố? VnMedia 5 - 6 -12 
 NGHỊCH LÝ LỚN NHẤT CỦA XÃ HỘI VN HIỆN NAY LÀ NHỮNG NGƯỜI KIẾM ĐƯỢC TIỀN NHIỀU NHẤT LẠI KHÔNG BIẾT DÙNG TIỀN LÀM VIỆC GÌ, NGOÀI CHUYỆN PHUNG PHÍ NÓ TRONG NHỮNG CUỘC ĂN CHƠI.


THỨ ĐẠO ĐỨC MÀ CHÚNG TA CẦN
         Sau những thăng trầm lịch sử, nền đạo đức của xã hội  ta hiện nay  giống như cái chân gãy rồi bó tạm lại, đáng lẽ ta phải lo chạy chữa nghiêm chỉnh  thì  lại cứ cố coi là nguyên lành và lờ đi mọi lở loét có thực,  thành ra gần như đang có một cuộc tự lừa dối tập thể.
       Ngay trong cái chuẩn đạo đức cũ cũng có những cái duy ý chí, tức là mình mong muốn được như thế hơn là có thực. Người mình nhiều khi cứ như người đóng vai ấy, bảo nhau giấy rách cố giữ lấy lề, sự thực là cái lề cũng nát nốt rồi mà ta cứ che đậy, cứ lảng tránh. Một xã hội phi chuẩn và cực kỳ bản năng.
      Một nền kinh tế thấp kém thì không thể có được một nền đạo đức lành mạnh. Đạo đức thực chất là triết học trong hành động, trong thực tế, trong ứng dụng hàng ngày. Tức là phải có quan niệm thế nào về đời sống và có khả năng bảo đảm cho quan niệm đó thắng thế, thì mới hình thành được một nền đạo đức nhân bản. Chứ không phải nói vài câu cao đạo cho xong. Cần một thứ đạo đức hiện đại với nghĩa trong khi mở ra độ tự tự do cho hành động của mỗi mỗi cá nhân lại đồng thời thúc đẩy sự trưởng thành của cả xã hội.


19-6
 SỰ LẠC ĐIỆU TRONG  GIÁO DỤC
    Trích từ một người có hiểu biết về tình hình giáo dục đương thời:
    Chúng ta không thể quay lưng với những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, nhất là khi sự hội nhập về kinh tế, khoa học kĩ thuật, văn hóa, giáo dục là lẽ sống còn. Trong cuốn Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, Edgar Morin - một trong những chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) - đã nêu những vấn đề rất bức thiết, hiện đại, không hề xa lạ với giáo dục của nước ta. Đó là Những nguyên tắc để có một nhận thức thích đáng; Giảng dạy về hoàn cảnh con người; Giảng dạy căn cước địa cầu; Đương đầu với tình trạng không xác định; Giảng dạy sự thông cảm; Đạo lí của nhân loại Edga Morin, Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, Nxb Tri thức, 2008, tr.13-19.
   Trong bối cảnh ấy, những nội dung nhân văn thường được đề cập trong dạy học Ngữ văn  ở xứ ta có khi trở thành lạc điệu. Giờ đây khiến tâm hồn học sinh rung động qua những giờ dạy Văn là điều vô cùng khó khăn. Mấy năm trước, dư luận xôn xao về trường hợp một học sinh giỏi Văn tỏ ra hoàn toàn vô cảm trước bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiều. Chắc chắn, đó không phải là trường hợp cá biệt.


NÒI GIỐNG SUY  THOÁI
  Tin từ Tp HCM --  70% công nhân nhức xương đau lưng. Nhìn chung trong xã hội, nhiều thanh niên mắc các bệnh mà xưa nay chỉ người già mới mắc.Tỷ lệ béo phì tức là phồn vinh giả tạo ngày một cao. Cách chữa bệnh của ta  -- chỉ chữa bệnh trước mắt cắt cơn.  Chăm sóc y tế có tiến triển với nghĩa kéo dài tuổi thọ, dù là một thứ tuổi thọ trong ngắc ngoải. Nhiều người trong đó đáng lẽ chết rồi vẫn sống, nhưng là sống một cuộc sống không đúng nghĩa.

21-6
TẠI SAO VIẾT SAI CHÍNH TẢ?
      Chính là đúng và tả là viết, chính tả là viết đúng. Nhưng viết thế nào là đúng tại sao phải viết như thế chứ không thể viết khác câu hỏi này chưa được đặt ra trong phạm vi rộng rãi. Môn từ nguyên học tiếng Việt đang bị coi là không cần thiết. Lác đác cũng có một vài cuốn đi vào tiếng Việt lịch sử được in ra, nhưng còn rất sơ sài. Các nhà nghiên cứu hình như chỉ có một việc là ca ngợi tiếng Việt phong phú giàu đẹp, còn người bình thường nói và viết ào ào, nghĩ bụng  cốt hiểu nhau là được, đúng mà làm gì.   

TỘI PHẠM VÀ VĂN  HỌC
    Lưu Diệc Vũ nhà văn ly khai người Trung quốc kể 
   Sau năm 1989, tôi bị tống vào tù vì bài thơ “Thảm Sát” nói về những biến cố xảy ra trên quảng trường Thiên An Môn. Ở đó, tôi tiếp xúc với đủ loại tội phạm: giết người, trộm cắp và hãm hiếp. Trong môi trường khép kín và đầy bạo lực, những tù nhân ở đây, qua những trải nghiệm của mình, đã kể lại hàng trăm câu chuyện.  Qua đó, tôi biết được những bạn tù của mình đã phạm tội như thế nào. Thật là tàn ác, tôi bắt đầu phản ứng lại, những câu chuyện vượt quá sức chịu đựng của tôi. Tôi đã nói với họ rằng, tôi không còn muốn nghe những chuyện như thế nữa, nhưng chẳng ăn thua gì.
      Cuối cùng, tôi nhận ra, viết lại những câu chuyện đó là cách để tự giải thoát mình. Từ lúc nào đó, tôi bắt đầu cảm thấy gắn bó với những kẻ phạm tội và như sống trong những câu chuyện của họ. Ít nhất trong đầu tôi có 300 mẩu chuyện như vậy. Một phần tôi đã viết trong cuốn sách “Dẫn dắt những người chết”, phần còn lại sẽ được tiếp tục vào một thời điểm thích hợp.
     Những người tù mà tôi đã gặp không chỉ là những kẻ giết người hay trộm cướp, mà còn có cả những nhà sư hay những nhạc sĩ đường phố.Khách du lịch hay các nhà chính trị ngoại quốc chỉ nhìn thấy những tòa nhà cao tầng và từ đó cho rằng đất nước chúng tôi giầu có và phát triển nhanh. Nhưng đó chỉ là phần nổi, còn phần chìm của nó hoàn toàn khác: Tăm tối và bị quên lãng. Ở đó, những người như chúng tôi, đáy tầng của xã hội, sống như những con chuột trong bóng tối. Đó là hai hình ảnh trái ngược của Trung Quốc, là hai đất nước khác nhau. Người ta có thể làm giàu bất chấp những bất hạnh của người khác.


24-6
GHI VẶT
  * Một việc lớn của Bộ giáo dục lo trong các kỳ thi  là  đi lùng sục học sinh  làm phao cóp bài. Bộ văn hóa tự nhiên được nhắc nhiều nhờ việc phạt ăn mặc hở hang. Bộ giao thông họp báo để giải thích về việc thu thêm các loại phí.

  *Nhìn hình ảnh trên TV
 Tiền cảnh – những đống rơm đốt trên cánh đồng, khói bụi mù trời.
  Chẳng bao xa, chắn hết chân trời là những cao ốc năm bảy chục tầng.
Một thứ không phù hợp giữa hiện đai thô sơ.
 Những ô tô đi vào những ngõ nhỏ không có đường.
Tiếng rao Ai mua cóc đây rao bánh giò bánh chưng bằng loa pin ầm ĩ.
 Cao hơn tất cả là loa phường với nhạc nền là  bài Người Hà Nội.

   *Anh Phúc ngoài sông kể ngày xưa người làm thịt bò vô tình giết phải con bò chửa thì sợ lắm, thắp hương khấn vái và mang chôn cẩn thận. Còn ngày nay  vì có nhiều người lùng sục nên người ta được thứ bò bao tử đó liền mang bán với giá cao.

CHUYỆN NHƯ ĐÙA
     Xem TV qua cảnh người chữa cháy rừng, tôi nhận ra hai điều. Một là hình như nay chỉ còn toàn những dãy rừng leo heo. Hai là người chữa cháy thì cầm mấy cành cây lơ thơ phẩy bụi  vài cái cho những người quay phim quay để tuyên truyền trong nhân dân.

Ca dao HP thời nay—một thời tự phát hiện
Hải Phòng tuy thế mà tồ
 Sông thì đem Lấp, Đồ thì đem Sơn
 Cảng thì Cấm, Chợ thì Con
 Lại thêm Chợ Đổ – còn buôn bán gì!
Cầu thì Rào lại không đi/ 
Lại đi Cầu Đất ngu gì ngu hơn! …”


25-6
   Đầu đề một số bài báo  Tù mù nguyên nhân tôm chết—Cổ phiếu xác chết đầy rẫy trên sàn  /   Séc—Xét xử nhóm người bắt cóc và tống tiền đồng hương /Thương lái  TQ – mánh cũ sao lừa đâu cũng thắng  ?

NGÀNH THAM NHŨNG THỨ HAI
Xưa nay báo chí nước ngoài vẫn thường viết về VN, nhưng chả có ai dịch ra nên dân chúng không biết. Nay nhờ có các mạng, nên cái nhìn của họ trở nên gần gũi và chỉ riêng việc đọc những bài viêt này cũng là một phần việc tìm hiểu tình hình thời sự hàng ngày.
Chẳng hạn:
Về kinh tế “Họ cần phải làm gì đó, nhưng họ chẳng biết làm gì“, ông Pincus chuyên gia kinh tế ở VN nói.
Về giáo dục “Mọi người đều muốn cải cách giáo dục nhưng chẳng thể làm gì cả”
Bài về giáo dục này nói rõ thêm “Giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì một hệ thống quản lý tập trung kém hiệu quả và thiếu tư duy phê phán… Hình mẫu giáo dục Việt Nam là “một cỡ cho tất cả” . Khủng hoảng giáo dục khiến lực lượng lao động trong nước “cằn cỗi” và cản trở sự phát triển của quốc gia…
Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, tương đương một phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội, hơn so với nhiều nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình dương, Nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở quản lý kém chứ không do thiếu đầu tư.
Một vấn đề khác là thực trạng các bậc phụ huynh hối lộ cho giáo viên để con em được điểm cao và khiến bằng cấp trở nên tầm thường. Trong một báo cáo năm 2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã kết luận rằng giáo dục là ngành tham nhũng thứ hai, sau ngành hành pháp, ở Việt Nam.”

28/6
MÔ HÌNH GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT
Thấy bảo hôm nay là ngày gia đình VN. Chợt nhớ đoạn văn của J.-L. Dutreuil de Rhins  trong Nghiên cứu Huế tập tám.
   Trong phần lớn các lễ, vai trò của tôn giáo là không đáng kể và không có gì, và ngay cả thờ cúng tổ tiên cũng ít được thúc bách do nội tâm mà nhiều hơn là do thói quen và luật lệ. Chính luật lệ thúc bách con cái kính trọng cha mẹ và phục tùng mọi ý muốn của cha mẹ. Tuy nhiên tôi thấy người ta đã quá lời về sự  kính trọng và phục tùng này, bởi vì tôi đã thấy quá nhiều khi  con cái chửi rủa bố mẹ bằng những lời lẽ thô tục nhất. Còn chuyện thờ cúng tổ tiên bằng những bữa ăn linh đình, rồi say sưa, chuyện này không nhiều thì ít đâu cũng thấy đến nỗi không cần lưu ý nữa.
      Trong lúc đó trên báo ĐĐK lại có bài của một giám đôc trung tâm điều tra dư luận xã hội nói rằng gia đình ở xã hội VN đang phát triển hợp quy luật không có tình trạng gia đình lỏng lẻo như ở các nước phương Tây.

30-6
 MỘT BÀI HỌC CHO NGHỀ VĂN
       Đến Vườn quốc gia Côn Đảo, tôi gặp một bản hướng dẫn, mà ngay từ câu đầu Những điều thú vị ở trong rừng không chỉ dừng ở những điều bạn thấy/ Hãy dành một chút thời gian đọc các biển chỉ dẫn khi đi trên tuyến đường  đã  khiến người ta không bỏ qua.
     Thông thường đọc các bản nội quy hướng dẫn loại này, sau các câu khoe khoang về tầm quan trọng nơi mình, chỉ thấy những lệnh cấm thế nọ thế kia. Đằng này bản hướng dẫn như đang nói chuyện với tôi khuyên tôi là đã đến đây làm sao có được những thu hoạch đáng giá. Mà ở đoạn dưới, người ta đưa ra những lời khuyên thú vị thật.
      Đoạn viết về dây leo cũng như đoạn về những chú kiến chẳng hạn. Tôi cảm thấy được một bài học về tinh thần nhân bản. Hãy chú ý cả tới những thân phận cỏ nội hoa hèn. Nhưng không phải là từ cao nhìn xuống thương hại họ. Mà hãy nói đóng góp của những thân phận bèo bọt ấy cho cuộc đời.
      Đoạn viết về tiếng chim trong rừng như là những vần thơ.
      Cũng như thế là câu cuối cùng, không lấy gì ngoài những tấm hình, không để lại gì ngoài những dấu chân.
      Tôi "dán" lại  ra đây cả bản hướng dẫn mà tôi coi là một bài học cho nghề văn. Chúng tôi phải viết sao để bạn đọc không  thể xì một tiếng rồi bỏ đi. Viết sao để bạn đọc cảm thấy được tôn trọng đồng thời lại có thể mang tới những điều cần yếu cho họ.

1/ Những điều thú vị ở trong rừng không chỉ dừng ở những điều bạn thấy/
Hãy dành một chút thời gian đọc các biển chỉ dẫn khi đi trên tuyến đường


2/ Tổ mối
Nếu không có những con mối này thì rừng sẽ ra sao?
Mối chính là nhà máy phân hủy rác trong rừng. Những nhà máy này không
để lại bất cứ thứ rác gì của rừng. Nếu một cây rừng đổ xuống, những
con mối này sẽ tiến hành phân hủy cây làm thức ăn. Bằng cách đó chúng
giúp vệ sinh rừng và hoàn trả lại đất chất dinh dưỡng từ cây chết. Nhờ
đó mà đất rừng luôn mầu mỡ cho các thế hệ cây non mới mọc

3/ Tiếng chim
Hãy dành một chút thời gian để lắng nghe tiếng chim rừng quanh bạn.
Có bao nhiêu tiếng chim đang gọi nhau?
Tùy từng thời điểm trong ngày mà bạn có thể nghe được tiếng hót của
những loài chim khác nhau. Thời gian tốt nhất để nghe những âm thanh
nay là ngay sau khi bình minh hoặc chiều muộn. Tiếng hót của các loài
chim là để thông báo về lãnh thổ của chúng hoặc gọi bạn kết đôi. Hãy
thử bắt chước tiếng của một loài chim và lắng nghe chúng đáp lại !

4/ Dây leo
 Đây là những loài thực vật thông minh trong rừng. Để có được ánh
sáng mặt trời tổng hợp chất hữu cơ, chúng sử dụng những cây khác làm
bàn đạp vươn lên cao mà không tốn một chút công sức nào. Chúng cuốn
quanh các thân cây khác và dễ dàng tìm lên tận đỉnh cao của khu rừng
bắng con đường nhanh nhất.

5/Những con kiến
 Hãy nhìn xung quanh dưới chân bạn có thể bắt gặp những con kiến.
Chúng đang làm gì thế?
Đây là những công nhân chăm chỉ nhất trong rừng, chúng luôn bận rộn
tìm thức ăn, bảo vệ, chăm sóc đàn con và phục vụ kiến chúa. Kiến giúp
vận chuyển chất hữu cơ và dinh dưỡng trong đất, diệt côn trùng. Ngoài
ra chúng còn tham gia vào việc phát tán hạt, thụ phấn hoa và là thức
ăn của nhiều loài động vật khác

Tổng quan
 Cây là bạn của chúng ta, không nên bẻ cành, hái hoa, vặt lá, khắc
lên cây hoặc có những hành động làm tổn thương đến cây.
Các loài động vất hoang dã rất muốn làm quen, gần gũi với bạn, vì vậy
không gây tiếng động làm chúng hoảng sợ
Không săn bắn động vật rừng, không gây cháy rừng làm mất nơi sống của
các loài động vật hoang dã
Rác thải không nên bỏ bừa bãi trong rừng
Không nên mạo hiểm đi vào rừng hoặc tắm biển một mình vì bạn có thể
gặp nguy hiểm
Không nên lấy vật gì từ thiên nhiên vì có thể làm ảnh hưởng tới môi trường
Không lấy gì ngoài những tấm hình, không để lại gì ngoài những dấu chân

     Tôi đoán văn bản trên đây không phải do cơ quan quản lý Vườn quốc gia, mà là do tổ chức quốc tế nào đó  — chắc là người Pháp –soạn thảo, họ tài trợ và họ viết luôn, ta dịch ra, thế thôi. Phía VN chỉ có điều đáng ghi nhận là đã để cho họ viết, chứ không nhân danh quyền làm chủ trên phương diện tinh thần để đòi viết theo cách của mình. 
Mới hơn Cũ hơn