VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép hàng ngày(11)

 5-9
 XIN XỎ HAY LÀ SỰ TỘT CÙNG CỦA TRƠ TRÁO
Sao mà đi đâu cũng gặp những cảnh xin xỏ! Đến ông xe ôm chở tôi từ chợ về nữa, đã mặc cả là từng này tiền rồi, lúc tới nhà còn nài bác cho thêm, hình như ông ta nghĩ không được cũng chẳng mất gì, mà nhỡ được thì …hóa ra nước bọt làm ra tiền.
 Trong cuốn Nhân nào quả ấy, tôi đã có bài nói tới tình trạng vô lối của một số kẻ ăn mày thời nay. Nhân đây xin nhắc lại một áng văn chương gợi ý tôi viết. Đó  là bài Hịch đuổi kẻ ăn mày của Tản Đà.
 Người trong gia đình Tản Đà đến nay còn kể: Trong những lời ông dặn dò con cháu, có hai điều cấm, cấm không được làm quan và cấm đi ăn mày. 
Mở đầu bài hịch lạ lùng này, Tản Đà  dẫn lại một câu trong sách Mạnh Tử: “Sự cho người có khi làm hại sự ân huệ”. Rồi tác giả nói thêm “sự không đáng thương xót mà thương xót, đó là vô học”. Tiếp đó, trong phần chính văn, tác giả viết :
Hôm hôm mai mai
Bị bị bát bát
Quỷ đưa đường, ma dắt lối
quen ngõ thời vào
Nay được thịt, mai được xôi
thấy mùi đánh mãi
Cửa ô, xe điện
Rêu rao quạ vỡ chiều hôm
Đám hội, nhà chay
quấn quýt gà què gặm cối
Làm xấu hổ cho cả nước
Khéo bêu nhuốc cho loài người
Bảo mãi mỏi mồm
Trông càng nhớp mắt
Nào là
Người nhà, con vú
Thằng ở quân hầu
Truyền là bay đóng chặt cửa vào
Thây cha chúng nó.
...
 7-9
      Đọc một bài trên Bản tin tham khảo  của TTXVN,   thấy một nhà báo phương Tây nhắc lại câu của Ôn Gia Bảo nói ở Cambridge (TQ gọi là Đại học Kiếm Kiều): Chúng tôi là một quốc gia đang muốn học hỏi … Chúng tôi còn phải tiếp tục khám phá bản thân.
    Tháng trước đi đâu cũng thấy nói tới bài của Lưu Á Châu. Tôi nhớ một ý của ông tướng TQ này. Nhiều người TQ  thấy vụ 11/9 xẩy ra, ăn mừng. Không thể trẻ con thế được. Phải  tính chuyện chung sống với nước Mỹ. Phải hiểu nước Mỹ.

10-9
     Có hai cuốn sách ảnh khổ to, dạo này tôi hay mở ra xem, mỗi khi bí viết.
     Một là cuốn Chùa Việt Nam của các tác giả Hà Văn Tấn—Nguyễn Văn Kự-- Phạm Ngọc Long.
    Sách dày 536 trang với trên 1.000 bức ảnh. Các tác giả có nhã ý tặng tôi nhân sách được in lần thứ tư ở NXB Thế giới.
      Hơn chục năm trước, nhóm tác giả này đã cho tôi cuốn Đình Việt Nam, và tôi đã có hai bài viết ngắn về nó, một là Làm quen với chùa Việt Nam, hai là Qua đình ngả nón trông đình.
     Lần này tôi chưa thể viết gì về cuốn Chùa, trong bụng chỉ nghĩ:
    Những  ngôi chùa như chùa Bút Tháp, Tây Phương, đáng được xem như những kiệt tác trong kiến trúc dân tộc. Chúng tương đương với những Truyện Kiều, Nhị độ mai…
      Sao chúng ta không  nghiên cứu về chúng kỹ lưỡng ít ra như các tác phẩm văn chương?
 
     Một cuốn ảnh khác là  Khám phá các làng nghề quanh Hà Nội  của hai tác giả nước ngoài.
       Người ta có một lối chụp ảnh mà sao cũng cảnh làng nghề đấy, mình như bắt gặp một xứ sở khác.
       Và người ta có một lối viết sách  mà dù đã đọc đủ thứ sách của  các tác giả người Việt, thì mình cũng vẫn cứ phải đọc.
     Cố nhiên ngôn từ làm nền cho câu chuyện cũng được viết rất hay. Một đoạn nhặt ra ngẫu nhiên
     Tôi cũng rất ấn tượng với nhịp sống của các làng nghề này. Nằm cách không xa thủ đô nhộn nhịp, nhưng những ngôi làng này lại giữ được nhịp sống bình lặng, chậm rãi và đều đặn. Ở nhiều nơi khác, do nhu cầu việc làm, kiếm sống, làn sóng người nhập cư đổ về các thành phố lớn khiến dân số ở các làng quê giảm hẳn đi. Chính những làng nghề thủ công này đã góp phần giữ cho Hà Nội “sống sót” trong làn sóng nhập cư. Những người dân vẫn sinh sống ở làng, tiếp tục giữ nghề truyền thống, và tự hiện đại hoá cuộc sống của họ chứ không đổ xô ra thành phố.
       Tôi học được cách người ta ghi nhận một vùng đất: phải ghi được cái nhịp điệu của nó.
        Và tôi thấy tự tin hơn với những nhận xét về Hà Nội mà lâu nay vẫn ám ảnh trong đầu: Không khéo thì Hà Nội sẽ bị chết chìm bởi làn sóng dân nhập cư tự phát.

11-9
 CÁI HAY KHÔNG THEO, THEO CÁI DỞ 
  Nhân 65 năm ngành giáo dục, Tuổi trẻ  có bài viết kể là tháng 9-1945, khi lên báo cáo công việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh,  Bộ trưởng GD lúc đó là Vũ Đình Hòe đã có nhiều ý kiến, trong đó có cái ý sau đây:
     Tôi nêu vấn đề cải cách giáo dục, đề nghị thay thế hẳn nền giáo dục vị học thuật (kiểu Pháp - đào tạo những bậc tài hoa) bằng nền giáo dục vị nhân sinh (kiểu Anh - Mỹ), đào tạo những nhà hành động, sớm phân chuyên ngành, phân từ rộng đến hẹp, sớm dạy nghề sát với yêu cầu xây dựng kinh tế và chú trọng dạy đạo làm người.
    Đọc mà thấy lạ quá. Ở miền Nam sau 1954, người ta mới làm được cái việc là thay đổi mô hình này, tức là từ đại học kiểu Pháp chuyển sang đại học kiểu Mỹ, từ đó đưa nền đại học trong nước nhập vào trào lưu hiện đại.
  Không ngờ là năm 1945, nhiều trí thức nước mình đã biết điều đó. Thế rồi kháng chiến. Thế rồi chúng ta có nền giáo dục đại học tạm bợ ở Việt Bắc. Sau 1954, nhân rộng ra cả miền Bắc. Sau 1975, thành mô hình của cả nước. Chẳng những không so được với Anh Mỹ mà so với Pháp xưa cũng thua xa. Như một đứa trẻ tiên thiên bất túc, có lớn mà chả bao giờ thành người. Như một đoàn tầu đã chật bánh rồi, không đổ, nhưng không bao giờ trở lại được con đường đáng lẽ phải đi.

12-9
     Có lệnh cấm đốt vàng mã nơi công cộng. Làng Đông Hồ lo. Một người dân bảo “ Hay là chính phủ giúp chúng tôi xuất khẩu vàng mã?”. Tôi đọc mà phì cười. Ra người ta hiểu về hội nhập với thế giới là thế đấy!

13-9
     Nhà văn Phùng Ký Tài (tác giả cuốn tiểu thuyết văn hóa Gót sen ba tấc )được cử làm  tham sự cho Quốc vụ viện TQ. Trannhuong.com đưa một tin ngắn mới đây (tháng 9-201010), ông bảo trách nhiệm chủ yếu của người trí thức là giáo dục  lãnh đạo.

15-9
     Đọc trên Bản tin tham khảo một bài về Ấn Độ. Họ biết TQ bành trướng, nhưng họ không chạy đua vũ trang. Có phải dễ mà TQ dám đánh họ đâu? Ừ thì cảnh giác, nhưng họ chỉ phát triển quân sự tới mức đủ làm cho TQ ”phải tính kỹ “ nếu muốn động đến họ. Trong các vấn đề quốc phòng, họ luôn luôn biết rằng trên thế giới này, còn có nước Mỹ.
      Còn họ lo làm kinh tế vì biết thời nay, đấy mới là cáí cần nhất để một dân tộc khiến cho dân tộc khác phải nể. Năng lực kinh tế nói ở đây là sự phát triển một cách có văn hóa, nên chắc chắn, ổn định.

16-9
    LẠI CHUYỆN RÁC
         Tin  VNexpress.  Chuyện về hai người nước ngoài. Một là Edward năm nay 65 tuổi, một người Mỹ da màu thường gọi là chàng "Đông ki sốt", ông hay dọn rác khu phố mình ở. Hai là Oshima Mitutere, vốn người Nhật quản lý Viện mẫu tóc Mano Mano. Ông này cũng thường cùng các nhân viên lo chung các hoạt động xã hội trong đó có dọn rác.
     Không những không chia sẻ với người ta, mà dân Việt mình quanh vùng cả hai người ở còn coi là sự kỳ cục, có người vứt rác thêm cho người ta lượm, rồi cha con vợ chồng cùng đứng xem và cười với nhau. 
     Đọc những tin loại này chỉ cảm thấy hình như người Việt, xã hội Việt hôm nay  ngày càng xa lạ và không hiểu được những gì bình thường. Cái tốt nhiều khi đâm ra lạc lõng.
     Lưu ý càng ngày rác càng  thành ra một ám ảnh trong xã hội. Báo Nông thôn ngày nay 9-9-10 đưa lên trang nhất dòng tít chữ to Cảng Hải Phòng thành bãi rác quốc tế.
     Một điều cũng chắc chắn là nếu nghe được,  chắc thấy trong câu chuyện của những người nước ngoài về VN, chữ rác chắc cũng xuất hiện với mức độ dày đặc. Rác vô cơ, rác hữu cơ. Rác là chất lỏng, rác là chất rắn. Rác ở dạng hình thể, rác ở dạng âm thanh ( tiếng ồn). Rác vật chất, rác tinh thần. Rác trong các văn bản nghiêm túc lẫn rác trong các bài làm của học sinh. Rác nội rác ngoại. Đủ kiểu!

22-9

     Một câu thơ Tagore do Trịnh Lữ dẫn trong một hội thảo:
Ta chạy như con hươu xạ chạy trong bóng tối của rừng,
 điên dại với hương thơm của chính mình…
Ta lạc lối và ta lang thang,
 tìm cái ta không thể có
và có cái ta chả kiếm tìm…

23-9
      Phan Cẩm Thượng trả lời phỏng vấn về làm phim Đường tới Thăng Long. Lúc làm việc với chuyên gia TQ về trang phục mới thấy người mình cẩu thả quá. Ở Trung Quốc từng thời người ta ăn mặc thế nào đều có lưu trữ cả. Ta thì không có gì chắc chắn.
      Cũng có một vài thứ, lấy cho họ xem. Họ bảo, à cái này ở Trung  quốc có sẵn, các anh lấy của chúng tôi thôi. Đây, xem sách đây.
      Chuyên gia VN bảo, cứ làm theo cách người Việt đã làm. Thì lại nẩy sinh vấn đề, những thứ của mình bất tiện quá. Phải làm như  cái của TQ xưa vốn có thì mới tiện sử dụng.

26-9
   Đến tham gia cuộc đối thoại trẻ ở VTV6.
   Có nhiều điều tôi còn phải nghĩ tiếp.
   Cảm tưởng còn lại, tôi chỉ thấy sao mà xa lạ với lớp trẻ hiện nay quá.
   Các bạn đó đang bị ám ảnh với câu hỏi Tôi là ai?.
   Câu hỏi đó, thú thực, về già tôi mới nghĩ.
   Còn lúc 20-25, tôi chỉ nghĩ cố học hỏi để có thể  có đóng góp cho xã hội.
   Tôi cũng đi tìm bản thân, nhưng câu hỏi thường đến trong đầu tôi là mình sẽ trở thành một người như thế nào?
    
      Sao mà thời nay các bạn trẻ thích đi thi thế.
     Cả xã hội sống bằng sự cầu may?
     Lớp trẻ hiện nay tự tin hơn hẳn chúng tôi.  Nhưng cái tự tin của họ nhiều khi quá viển vông và lẫn với cái vu vơ.     
    Chẳng hạn các nhà văn trẻ bây giờ toàn tìm học những người được Nobel.
     Tôi thì lúc trẻ, tôi lại chỉ lo học những người bình thường. Những năm 1970,  mới vào nghề,  tôi từng lo dịch linh tinh để học thêm về văn học nước ngoài. Có một chi tiết tôi cứ nhớ mãi. Một nhà thơ trẻ Bungari dịch xong Evgeni Oneguin liền cho vào tủ khóa lại và vứt cái chìa khóa  vào thùng rác. Anh ta lại để ba năm nữa dịch. Dịch xong lần thứ hai, mới phá cái tủ cũ ra, lấy hai bản dịch ra so sánh để tìm ra một bản tốt nhất. Cái ví dụ này cho tôi thấy dù thế nào người ta cũng phải tiến đến gần cái hoàn thiện trong nghệ thuật.

27-9
SÁCH CŨ SÁCH MỚI
     Một đoạn lấy từ blog Thích học tóan:
Yourcenar là một nhà văn nữ viết tiếng Pháp, có nhiều người hâm mộ, và cũng có nhiều người chê. Người ta chê bà viết văn theo phong cách “cứu hỏa”, có nghĩa là câu văn kêu boong boong như chuông. Nhưng thỉnh thoảng, bà viết được một câu hay tuyệt, tỉ như câu này :
Đọc sách không thích bằng đọc lại sách.
 Suy rộng ra
Gặp người không thích bằng gặp lại người.
   Từ kinh nghiệm của mình trong mấy năm về hưu, tôi cũng thấm thía điều này. Tôi muốn đọc lại nhiều tác phẩm cũ, trước đã từng đọc, để hiểu ra sự ngớ ngẩn của mình ngày xưa, và tiềm năng vô tận của những trang sách tuyệt vời mà mỗi tuổi người ta lại có thể tìm ra khía cạnh mới.
   Nhưng cũng phải nói thêm. Loại người như bà  Yourcenar nói ở đây hồi nhỏ đã được học hết những cái cơ bản, những kiệt tác, những gì mà mọi người ở xã hội có giáo dục bắt buộc phải biết.
   Còn chúng tôi, nhét đầy đầu óc của chúng tôi thời trẻ là những cái ngớ ngẩn(  chẳng hạn, có dịp tôi sẽ chép lại mấy bài học thuộc lòng mà tôi học trong các sách Văn tuyển in ở Hà Nội những năm tôi học cấp II, 1955 –1958)
    Năm ngóai, đọc một cuốn sách loại như cuốn Nhiệt đới buồn của Levi—Strauss mới dịch ra tiếng Việt, tôi tự nhủ giá kể biết đến nó sớm, có lẽ cả cách nghĩ của mình lúc trẻ cũng đã khác đi.
   Nên những ngày này, cái nhu cầu đọc sách mới vẫn rất lớn.
   Thậm chí chưa đọc chỉ liếc qua một chút, hớt lấy chút “ tinh  thần” của nó cũng đã quý lắm rồi.
    Một trong những người tuổi đã cao mà luôn lao tới cái mới là Nguyên Ngọc. Một bữa gặp ông, tôi than phiền nhiều sách mới in ra quá đọc không xuể. Và nhất là không hiểu nữa.
     Chẳng hạn như cuốn Nền đạo đưc Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản.
      Từ lâu đã nghe nói tới nó. Thấy bản dịch in ra ở NXB Tri thức thì lao đi mua liền. Nhưng về, đọc một ít trang rồi bỏ đấy. Lại nghe nói là ông Chu Hảo cho ra những quyển mới, đi lùng liền, rồi lại mang về xếp xó.
     Đây là câu Nguyên Ngọc bảo tôi hôm ấy:
-- Trước tiên hãy cố đọc lấy Lời giới thiệu của Trần Hữu Quang với Bùi Văn Nam Sơn để hiểu sơ sơ cái đã. Rồi khi nào có hứng đọc tiếp.
     Tôi thấy gợi ý thật hay, mà cái tối thiểu như thế cũng chưa làm được. Thảm cho bản thân quá!

28-9
   Trao đổi về di sản.  Có ai coi thường đâu? Cái chết của chúng ta chỉ là  tầm thường hóa di sản.
     Làm cho những cái tuyệt hảo như chùa Kim Liên hỏng. Và những thứ đền chùa loi thoi bé nhỏ cũng trở thành di sản, đến mức người ta phát chán.

     Tạp chí Nghiên cứu lịch sử tháng 4-5/2010 có bài đăng mấy số liền về  người Hoa và nền ngoại thương của chúa Nguyễn. Các nhà nghiên cứu cho biết  ở Hội An mấy thế kỷ phát triển ngoại thương đó, họ có vai trò lạ lắm.
     Họ là người buôn, người Việt chỉ là người gom hàng.
     Họ thao túng cả định hướng buôn bán của các hãng nước ngoài vào VN.
      Họ tham gia vào việc định giá các sản phẩm.

     Có những thương nhân người Hoa cho chúa vay những khoản tiền khổng lồ và qua đó thao túng bộ máy cầm quyền.

      Họ từ TQ vào Nam ra Bắc như đi chợ – một điều mà người Việt nói chung không được phép làm. Người Việt chỉ là người của một phía, Đàng trong hay Đàng ngoài.
      Nên có chúa đã dùng họ như lực lượng do thám, giúp chúa có tìm ra sách lược đối phó với đối phương. 

30-9
   Mấy chục năm nay tôi mới trở lại Văn Miếu. Đi loanh quanh. Dừng lại ở một số chỗ trước kia không để ý.
    Đến cái bản tiểu sử ở đây Khổng tử cũng viết sai. Ví dụ viết Các sách do môn đồ biên soạn ghi lại lời giảng và học thuyết của ông là tứ thư: Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử. Có thể nói Mạnh tử là tác phẩm của Nho giáo chứ sao lại nói là tác phẩm của Khổng tử được?
    Lại viết Nhân gồm có trung hiếu đễ thứ.  
     Có lẽ lúc viết vậy, người viết không nghĩ rằng mình đang đại diện cho hiểu biết về văn hóa phương Đông của cả một cộng đồng.
    Trong số khách đến tham quan Văn miếu sáng nay có một đoàn du lịch TQ. Tôi thấy khi đọc một số câu chữ trong các văn bản ở đây, một số trong họ cười to.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn