VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần III- IV)

CÂU CHUYỆN TIẾNG VIỆT
    Từ đầu tết dương lịch đến nay, mỗi tối xem bản tin thời sự VTV1, ngày nào tôi cũng để ý nghe xem nhà đài nói ngày tháng thế nào, và ngày nào cũng ngán ngẩm thất vọng: luôn luôn người ta nói ngày... tháng một năm hai ngàn mười một ; chữ tháng giêng hoàn toàn bị biến mất.      
   Điều này thật ra không có gì lạ. Ví dụ, nghe ở đâu đó có tai nạn thì bao giờ cũng nghe nói là có bao nhiêu người tử vong. Chữ chết bị cấm cửa.
   Tuy nhiên vẫn cứ thoáng buồn. Nhà văn Trung quốc Phùng Ký Tái có nói đến khả năng phá hoại văn hóa của người đương thời. Nghe đã lâu giờ mới hiểu.

    Trong cuốn Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Đặng Thai Mai có dẫn lại lời của người Pháp về khả năng của người Việt sử dụng tiếng mẹ đẻ:  
 “ Có độ vài trăm người an-nam biết nói tiếng Pháp, vài ngàn người khác nói tiếng Pháp một cách bạt mạng, đó là bọn bồi bếp, thầy tớ cu-ly xe... ngoài ra con người nơi đây không biết tiếng an-nam cũng không biết tiếng Pháp. Cần phải nói rõ người an-nam vẫn nói tiếng họ, nhưng họ không biết viết và cũng không biết đọc. Cho nên tôi nói rằng chúng ta đang đào tạo những người mù chữ  ( sđd, bản của NXB Văn học, 1964, tr 93)
    Cái tình trạng thuộc về cuối thế kỷ XIX đó, đã bị vượt qua trong nửa thế kỷ XX, song đến nay có những khía cạnh đang “lại gạo”. Chết nỗi, ai cũng nghĩ là người Việt  thì mặc nhiên là mình thạo tiếng Việt. Và cái niềm tự tin ấy sở dĩ phát triển vì nó cho phép người ta không cần mất công tìm hiểu tiếng Việt mà đua nhau dùng bừa dùng ẩu.

20-1
 VỊ TRÍ CỦA TRẦN DẦN
   Cuốn tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần được in ra trong sự nhiệt thành ca ngợi về những đổi mới trong văn xuôi. Người ta chỉ không cắt nghĩa được mối liên hệ giữa những tìm tòi tư tưởng với tìm tòi nghệ thuật của tác giả, nó là chỗ khiến cho nhiều bạn trẻ ngày nay thất bại mà Trần Dần thì ghi điểm cho mình.
   Lâu nay nhìn vào thế hệ nhà văn ở miền bắc trưởng thành sau 1945, bao giờ trước tiên tôi cũng nghĩ đến Nguyễn Khải. Nay thấy dù không được biết tới rộng rãi, hoặc chỉ bị người ta biết tới một cách sai lạc, song trường hợp của Trần Dần có gì đó chuyên nghiệp hơn. Mà so với Nguyễn Minh Châu thì Trần Dần lại nổi lên ở tầm văn hóa hiện đại.
     Có thể đặt Trần Dần đứng ngang những nhân vật hàng đầu của tiền chiến. Trong ông thấy sự biến chuyển của thời đại. Mặc dù mấy chục năm chìm trong chiến tranh, văn học VN vẫn có những tiếp cận với văn học thế giới và vẫn có những người bước cùng nhịp với thế giới.

VẺ KỲ DỊ CỦA ĐỜI SỐNG  
      Oscar Wilde từng nói rằng có những trường hợp không phải nghệ thuật giống như cuộc đời mà cuộc đời lại hiện ra giống như trong nghệ thuật.
     Tôi đã nghiệm ra điều đó khi đối chiếu tranh Bùi Xuân Phái với Hà Nội. Mấy hôm nay đọc ít bài viết về Triều Tiên lại thấy cái phỏng đoán của Oscar Wilde được chứng nghiệm. Khái quát về đất nước của Kim Nhật Thành, các nhà quan sát phương Tây bảo nghe như một câu chuyện của châu Âu thời Trung cổ. Rồi họ nói khi chờ đợi các diễn biến bất ngờ của Bình Nhưỡng, họ có cái căng thẳng và thú vị như chờ đợi các diễn biến trong những vở kịch hay nhất của Shaspeare, và sự vô lý của các diẽn biến đó dường như là những minh họa rất tốt cho các tiên đoán của G.Orwell trong Trại súc vật cũng như 1984.
      Có một thứ văn học kinh khủng như vậy đấy.
 
 23-1
KHI SANG TRỌNG ĐỒNG NGHĨA VỚI TRỤY LẠC
    Báo chí tràn ngập những tin nhà giàu khoe của chơi sang, đến mức chính ông    Lê Đăng Doanh phải kêu lên "Với nhiều người, ô tô Camry vẫn chỉ là giẻ rách" (trả lời phỏng vấn mạng Bee)
    Một phóng viên người Anh sang Hà Nội tường thuật Đại hội Đảng thì có bài kể chuyện ăn phở 35 đô ở Hà Nội.
    Tại sao bùng dậy cả một cơn lốc chơi bời hưởng thụ như vậy? Vì có một số người kiếm tiền dễ quá, và khi có tiền họ không biết dùng làm gì nữa. Thảm hại là ở chỗ ấy.


    Tết là gì? Tết có nghĩa là dịp để xả láng, để người ta tự cho phép mình làm tất cả, miễn sao chứng tỏ được sự tồn tại của mình trên đời.
     Một đoạn trong cuốn Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng ngoài của thầy dòng Richard in ở Paris 1778, miêu tả về Tết :

      “Những lễ hội này kéo dài ba mươi ngày và diễn ra với những trò vui, những cuộc thăm viếng và tiêc tùng liên tục. Người ta trao cho nhau những món quà. Thời gian này rất có lợi đối với tất cả những người có vị thế, nhất là với những  viên quan lại được nhận nhiều quà từ khắp nơi, đối với những thầy giáo, những nhà sư và ngay cả những nhà truyền giáo—những người này nhận được quà của các tín đồ. Tất cả những trò tiêu khiển nổi tiếng, tất cả những trò vui tập trung lại ở nơi công cộng, ở trong nhà. Người ta chỉ nghe khắp nơi âm thanh của những nhạc cụ. Người ta  dựng những khán đài ở góc phố, nơi trình diễn những chèo hài mua vui cho giới bình dân. Sự phàm ăn và phóng túng  diễn ra nơi nơi. Không hề thấy có những người Đàng Ngoài nào dù nghèo khổ đến đâu đi chăng nữa mà lại không thiết đãi bạn bè, dù sau đó họ phải đi ăn mày cả năm.”

24-1
 CŨNG LIỀU BÁN VÁY CHƠI XUÂN    
    Nhìn cảnh dân mình ồ ạt sắm tết, trong tôi tự nhiên thoáng qua một nỗi lo, giêng hai tới đây sau tết còn đâu thóc gạo lợn gà, còn đâu hàng hóa...
     Giật mình, hóa ra con người bao cấp trong mình nặng nề quá, thời buổi này mà còn “ lo bò trắng răng”.
     Chắc chắn sự cam chịu đã rời bỏ dân mình từ lâu.
     Một mặt thì sản xuất bây giờ khấm khá, lại có miền nam làm chỗ dựa, ám ảnh đói rét của miền bắc chỉ được coi là câu chuyện cổ tích.
      Mặt khác, cái chính là con người bây giờ không chịu thiếu cái gì cả, không có hàng thì đi nhập của tây của tầu, thiên nhiên không cung cấp kịp thì lột da thiên nhiên, bán đứng tài nguyên môi trường và ăn cắp của con cháu những gì thuộc tương lai mà sống. Đã đầy... Tơi bời khói lửa... Đời bây giờ có gì mà phải gìn giữ!
      Dường như đã ngấm thật sâu sắc cái triết lý đó, Tú Xương có câu khái quát: Cũng liều bán váy chơi xuân.

25-1
      Chồng cả đống báo xuân trước mặt. Lướt qua một lèo. Với nhiều tờ báo, số tết có thể được định nghĩa là phần quảng cáo độn thêm phần nội dung. Và cái nội dung đó hao hao giống nhau giữa các báo, hao hao giống như các năm trước . Chỉ thấy có tờ Nông thôn ngày nay làm hẳn một chuyên đề sông nước khá công phu; giá còn trẻ, sẽ tính chuyện sưu tầm làm tài liệu nhưng lúc này thì chỉ còn cách kêu lên một tiếng, thế thôi.

28-1    
 NHÂN MỘT CÁI CHẾT
      Hoàng Ngọc Hiến qua đời vì ung thư. Chưa bao giờ người ta viết nhiều về ông như lần này. Đọc bài mọi người cũng là lúc tôi tự ôn lại một số kỷ niệm về ông, một số ý nghĩ về ông. Điều tôi muốn  đòi hỏi ở mình là phải cắt nghĩa được  quá trình lập nghiệp của Hoàng Ngọc Hiến, khi đến với giới văn chương ông đã được người ta chờ đợi điều gì, ông đã đáp lại đến đâu. Tức thử xác định vai trò của ông trong đời sống văn nghệ. Tính xem trong ông mang những đặc điểm gì của thời đại chúng ta, qua ông thể hiện những gì thuộc về bước đi của một người trí thức từ sau 1945 . ..
        Nhiều chuyện đáng phải nghĩ quá. Riêng một ai đó chắc không làm được mà phải có nhiều người cùng đứng ra làm.
       Nghĩ vân vi vậy rồi lại tự cười mình. Cách nghĩ của tôi chắc chắn lạc lõng, nếu tôi không nhầm thì phần lớn người ta nói về người chết để, trong mức tối đa, có thể nhân đó nói về mình. Cả xã hội bây giờ là thế và xưa nay vẫn thế. Ông Hiến không thể là một trường hợp đặc cách. Và làm sao có thể đòi hỏi giới cầm bút một cái gì ngoại lệ so với các giới khác?
          
 29-1
CÂY QUẤT CÂY ĐÀO
      Hôm nay, hăm tám Tết, vào nhà một người quen, thấy một cấy quất quá đẹp, chỉ phiền là nó lùm lòa che lấp mất cả cái bàn ngồi uống nước. Có cảm tưởng ngồi bên một cây quất như thế người ta sẽ không nói được chuyện gì nữa, mà chỉ nghĩ về quất, thương cho vẻ đẹp của nó bị ép chặt trong những căn nhà trọc phú.
     Trong Thảo nguyên, Tchekhov khi viết về một cây bạch dương đơn độc đã cho một nhân vật tự hỏi “ Đẹp như thế cây có buồn không?”. Hôm nay, tôi cũng muốn hỏi như thế.        
     Một người Việt từ hải ngoại về viết trên trang blog của mình “Việt Nam vẫn tự hào mình là nước xã hội chủ nghĩa mà về lý thuyết các dịch vụ cho người dân phải ưu việt và mang tính nhân bản. Nhưng những câu chuyện mà tôi nghe được cho thấy một xã hội phát triển với nhiều nét hoang dã. Một cựu quan chức nhà nước nói vị đại sứ Nhật khi hết nhiệm kỳ ở Việt Nam mới đây đã đưa ra mấy lời khuyên đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông bảo để phát triển người Việt phải bỏ thói háo danh, ăn cắp vặt và hủy hoại môi trường. “
    Trong thói ham cây quất to, đã thấy có vấn đề háo danh (Chữ Hán gọi là bệnh hiếu đại).
    Còn về hủy hoại môi trường thì là chuyện liên quan đến những cây đào dại. Báo Đại Đoàn kết có bài cho biết khoảng hơn chục năm nay, để phục vụ thói ham chơi của dân Hà Thành, rừng đào dại ở các tỉnh miền núi phía bắc đã gần như bị xóa sổ. Có những ông già miền núi nhớ đào quá phải lấy cành khô về, dán hoa giấy lên cành bày trước nhà cho đỡ nhớ.
      Với người Việt, yêu hoa có nghĩa là mang hoa về ngay trong nhà mình cho thiên hạ...nhìn mà thèm. Còn ở nhiều nơi khác trong đó có Trung quốc, theo tôi biết ngưởi ta quan niệm cách tốt nhất để yêu đào yêu mai là cả cộng đồng trồng cả những cánh rừng lớn đào mai rồi giêng hai rủ nhau làm cuộc du xuân. Một lần theo tua du lịch đến vùng ngoại ô thành phố Nam Kinh, tôi đã được nghe nói cạnh lăng Tôn Trung Sơn có bạt ngàn những đồi mai từ đời Minh còn lại đến ngày nay.
      Người ta hay khoe tết ở VN là tết của gia đình. Nhưng như thế tức là chúng ta không biết cách tổ chức tết cho cả cộng đồng. Xưa đã thế mà nay cũng thế. Ai đó sẽ bảo thế các hội làng thì sao. Tôi muốn cãi lại rằng tôi không tin có thể rút kinh nghiệm từ những đám hội của những làng xóm rời rạc độ trăm người là cùng để đứng ra tổ chức những lễ hội hiện đại. Sự thực thế nào, tất cả chúng ta đã biết.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn