VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những niềm vui khác nhau

Giở nhiều cuốn tạp chí chuyên về văn học in ra ở nhiều nước Tây Âu khoảng vài chục năm gần đây, người ta thấy phê bình được dành cho một phần đất rộng rãi: trong khi thơ chỉ vẻn vẹn vài ba trang, văn xuôi hơn chục trang thì phê bình đủ loại chiếm tới trên trăm trang. Các tạp chí như vậy, đua nhau ra đời.

Không chỉ dừng lại trên mặt báo, mà phê bình được in ra thành sách, và đây là một sự thực khó tin: Trong một tài liệu nghiên cứu về xuất bản ở Tây Đức trước đây, tôi đọc thấy người ta ghi nhận rằng cuốn sách có nội dung phê bình tác phẩm nào đó, lại có số in lớn hơn cả số in của cuốn sách gốc (!) Ở Việt Nam, tuy tình hình chưa đến mức độ ấy, song không khí phê bình đã khá sôi động theo cái nghĩa: nhiều người nhập cuộc 
Các nhà văn coi viết phê bình là một nghề tay trái lúc nào tiện thì làm. 
Các nhà báo không chịu dừng lại ở công việc thông tin mà chuyển hẳn sang thẩm định. Có thể nói nay là lúc phê bình đã đạt tới tình trạng gần như thơ, tức là không còn ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư, giữa người để cả đời làm với nguời tạt ngang tạt ngửa, rỗi rãi nên thử viết cho vui.
 Và người còn đang ngấp nghé vào nghề mà yếu bóng vía, thật khó có đủ can đảm để tính chuyện làm nghề một cách lâu dài: việc gì mà ai cũng làm được, thì làm cho xuất sắc, gây ấn tượng, cho nổi nênh lên được, lại thật là việc nhọc nhằn khốn khó.
Nhưng tôi cho rằng chính đây lại là một thức thách thức thú vị mà một số người muốn chấp nhận vì tìm thấy ở đó những sự hấp dẫn.

***
Các nhà nghiên cứu lịch sử hội hoạ thường kể một mẩu chuyện nhỏ có liên quan đến P. Picasso: ông không chỉ là người biết làm ra cái đẹp, mà còn là người có con mắt tinh đời, nhìn ra cái đáng quý trong cái tầm thường, và làm được một việc hơn người là mang lại vẻ đẹp, mang lại sức sống cho những cái mà người khác cho là xấu xí cổ lỗ, và bỏ qua không để ý. Nhờ có ông mà làng gốm Vallauris trở thành một địa điểm nổi tiếng: ông đã đưa gốm Valllauris vào đời sống mỹ thuật hiện đại! Có thể bảo đây là một sự liên hệ hơi gượng gạo, nhưng quả thật tôi thường tìm thấy ở câu chuyện này một lời khích lệ: Phải biết tìm ra những điều thú vị ở những cái tưởng như nhàm chán. Và dù phê bình là một công việc khó nổi lên được, song không có nghĩa là ở đây cá mè một lứa ai cũng như ai. Trong sự hỗn độn, nhiễu, pha tạp, một số nhà văn và bạn đọc vẫn nhận ra được những tiếng nói đáng tin cậy. Sự công bằng càng khó tìm, thì khi được xác lập một cách vững chắc, nó lại càng đáng quý.

***
Ở trên, tôi đã thử kể lại việc áp dụng - chắc chắn là còn thô thiển- quan niệm trò chơi vào công việc hành nghề. Được tháo tung một tác phẩm văn chương ra, rồi sắp xếp lại theo ý mình, chẳng thú vị lắm sao? Tôi như đứa trẻ sắp hình, từ những nguyên liệu sẵn có của người khác, sắp ra cái hình của mình, kể đã vui rồi. Huống chi ở đây còn có chuyện nhận thức đời sống. Tôi nhận ra cái phần ẩn giấu trong những người quen. Nếu biết làm việc, tôi có dịp hiểu rõ đến tận chân tơ kẽ tóc một hành động, một quá trình sáng tạo. 
Nhà văn Mỹ sang thăm Việt Nam 8-2000 là R. Butler có nói tới những rủi ro khi đi vào tâm hồn con người.
Quả là có rủi ro thật, nhiều khi đang chờ đợi điều này, ta lại nhận ra một điều khác, chẳng ăn nhập với tưởng tượng của mình. Nhưng rủi ro nào mà chẳng bao hàm trong nó một ít thú vị, và nếu sợ rủi ro, ta chẳng bao giờ đạt tới sự khám phá bất ngờ. 
Từ hơn một thế kỷ trước, nhà văn Pháp A. France đã viết: "Phê bình cũng như triết học và sử học, là một loại tiểu thuyết đối với những đầu óc sáng suốt và muốn tìm hiểu thế giới chung quanh. Một nhà phê bình hấp dẫn là người kể lại những cuộc phiêu lưu của tâm hồn mình qua tác phẩm". Ấy là không kể, khi đã coi phê bình là một hoạt động văn học, và có sự nhạy cảm riêng với câu chữ, với hình thức tồn tại của tác phẩm, thì người viết phê bình cũng có niềm vui giống như mọi người cầm bút khác: niềm vui sáng tạo, niềm vui đã tạo ra một vật phẩm, mà trong trường hợp lý tưởng "trước khi nó xuất hiện thì không ai hình dung ra, nhưng khi đã biết nó rồi thì không ai lại có thể từ chối nổi."

***
Cuối cùng, tôi muốn nói tới một niềm vui mà riêng những người viết phê bình mới có. Thuở mới làm nghề, tức là hơn ba chục năm trước, tôi đã nhớ như chôn vào ruột những câu nói chẳng hay ho gì về nghề của mình. Một nhà văn Pháp, hình như là Flaubert thì phải: "Khi không sáng tác được nữa thì người ta quay ra làm phê bình, như khi không làm chiến sĩ được nữa thì đi làm gián điệp". Nhà thơ Chế Lan Viên ở Việt Nam: "Nhà sáng tác học ba tháng đủ thành nhà phê bình, còn nhà phê bình học ba mươi năm cũng không thể sáng tác nổi." Mới đây thôi, tình cờ giở một quyển sách, tôi lại tìm thấy câu này của M. Twain: "Phê bình, đó là cái nghề hèn hạ nhất trong các nghề". Vâng, tôi biết mấy tác giả nói trên đều là những nhà văn lớn, nhưng trong trường hợp này tôi và những người cùng ý tưởng với tôi vẫn mơ tới ngày có thể chứng minh là họ nhầm. 
Khi ấy, một niềm vui nhỏ đã chờ đợi sẵn - niềm vui trút bỏ được một nỗi buồn từ lâu vốn ủ kín trong tâm trí.
Mới hơn Cũ hơn