VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Dù ở đâu vẫn phải tôn trọng nhau

TT - Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, tác giả nhiều bài viết sắc nét về văn hóa ứng xử của người Việt, lý giải hiện tượng người nói tiếng Anh được đối xử tốt hơn. Những ai có kinh nghiệm sống ở VN hẳn đoán ra ngay yếu tố nào đã khiến nhiều cửa hàng dịch vụ có sự biệt nhãn đối với người nói tiếng Anh như trong bài báo bạn Nguyễn Thân Hiệp (Tuổi Trẻ ngày 18-8-2009) đã nêu và các bạn khác (Tuổi Trẻ ngày 19-8) cũng chia sẻ - đó chính là sự vụ lợi. Người nói tiếng Anh chắc chắn có nhiều tiền hơn, chi phí cho sinh hoạt hằng ngày lớn hơn và cũng dễ “boa” cho người phục vụ hơn... Tuy không ai tuyên bố song người ta ngầm thống nhất phong cho người nói tiếng Anh danh xưng “công dân loại một”, hoặc “thượng đế loại một”.
  • Dù ở đâu và thời nào thì cái tinh thần chi phối cách sống con người vẫn phải là tôn trọng nhau, sung sướng cảm thấy sự có mặt của nhau trong cuộc đời này và cùng hướng tới sự hoàn thiện trong lời nói cũng như hành động.
Đây không phải là chỗ bàn kỹ về thói vụ lợi, tôi chỉ muốn lưu ý lối nhìn thiển cận này hiện là yếu tố chi phối ứng xử của người mình, từ trong mối quan hệ riêng tư đến các việc lớn liên quan đến cả đời người như chọn ngành chọn nghề, chọn nơi làm việc và cả tình yêu, hạnh phúc nữa. Có bạn sẽ hỏi thế trên máy bay các cô phục vụ thừa biết hành khách có mua bán gì đâu, nếu đối xử tốt cũng có hưởng lợi lộc gì ngay đâu, sao họ vẫn niềm nở lịch sự với người nói tiếng Anh và chỏng lỏn hoặc cáu gắt với các loại hành khách khác? Đơn giản lắm, ở đây có sự chi phối của thói quen. Ứng xử của người ta không chỉ là theo sự quy định của tình huống mà là được hình thành từ hoạt động liên tục trong thời gian. Vấn đề theo tôi không phải ở chỗ người phục vụ tử tế niềm nở với người nói tiếng Anh, mà ở chỗ hằng ngày chúng ta đối với nhau không ra sao và thường nghĩ về nhau quá tệ. Nếu bảo thói quen thì đây là một thói quen đã trở nên thuần thục, thế mới hại! Đó là sự suồng sã thô lỗ tầm thường trong ăn nói đối xử. Đó là sự thạo đời theo nghĩa xấu, nhìn đâu cũng thấy lừa dối hư hỏng nên không sao tìm được thái độ thân ái và sự tôn trọng nhau tối thiểu. Đó là một lối sống bất chấp tình người, coi sự tự trọng là xa xỉ, chỉ cốt nhàn thân và bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu chính đáng. Một bạn đọc đã viết “hay là người ta nghĩ dân VN rành nhau quá nên không cần màu mè chi cho mệt?”. Quả có thế thật, từ xưa đã thế và nay càng thế. Những ai từng học qua bậc phổ thông thường được học về ca dao tục ngữ và hẳn ghi nhớ trong đầu những ý tưởng sâu sắc của dân gian. Tuy nhiên, chúng ta chỉ được nghe giảng và bảo là phải nhập tâm những Anh em như thể chân tay, Lá lành đùm lá rách, Bầu ơi thương lấy bí cùng, nhưng lại ít biết những Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, Quen thì lèn cho đau, Anh em nắm nem ba đồng, muốn ăn thì trả sáu đồng mà ăn. Trong thái độ đối xử với nhau dân mình từ xưa vẫn có lối quy nguyên nhân mọi bất hạnh của mình vào sự có mặt của người bên cạnh, và “đi guốc vào bụng nhau” bằng khái quát “bụng ai cũng thối hết”. Thời hiện đại mở ra cho con người một trường hoạt động rộng rãi hơn, nhưng cuộc mưu sinh lại tàn bạo hơn và tâm hồn con người càng trở nên cằn cỗi hơn - theo sự đọc được của tôi thì đây là xu thế mà các nhà văn ở nhiều nước đã nêu ra và ở ta sau những năm chiến tranh khốc liệt lại càng thấy rõ. Ai cũng thô lỗ thì mình thô lỗ một chút có sao! Lịch sự tử tế có lợi gì đâu, cốt vài chiêu nói dối là qua hết mọi chuyện... Người ta nghĩ thế và bỏ mặc mình làm tù binh cho những thói xấu. Là một người thuộc về thế hệ cũ, tôi thường nhớ lại thời chúng tôi mới lớn lên với cảm tưởng sao mà lúc đó đời sống thiêng liêng lạ. May được bộ quần áo nhận ra công lao của bao người, mua được quyển sách mới thấy sao có người tài thế, viết ra được những quyển sách giá trị thế. Chẳng những các thầy giáo đối với bọn tôi là những ông thánh mà ngay trong gia đình, bố mẹ đối với bọn tôi cũng là cái gì cao vời. Mỗi lời song thân khuyên nhủ là kỷ niệm sâu sắc, bọn tôi nhớ từng lời dạy bảo chứ không có cái cảnh bố mẹ muốn nói mà con cái lại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” bỏ đi chơi như thời nay. Những nhận xét mà bạn Nguyễn Thân Hiệp và các bạn khác nêu trên Tuổi Trẻ mấy ngày qua là chính xác. Tôi không làm việc bào chữa, tôi chỉ muốn nói tâm trạng của nhiều người chúng tôi, như một câu trong Truyện Kiều: rằng quen mất nết đi rồi, biết mà lại bỏ qua, không chịu sửa. Trong hoàn cảnh nan giải ấy, những cuộc tiếp xúc với các bạn ở xa về và những người nước ngoài khác là dịp tốt để một số chúng tôi thức tỉnh và trở về với tinh thần tốt đẹp của truyền thống. Thứ Sáu, 21/08/2009TUOI TRE ONLINE

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn