VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những chuyện lỗi hẹn

Sở dĩ cốt truyện tình duyên lỡ dở thường được các nhà văn cổ kim đông tây ưa chuộng, bởi lẽ đây cũng là dịp rất tốt để mỗi tác giải trình bày cách hiểu của mình về bản chất con người. Có thể là bạn chưa một lần đọc những truyện ngắn của Tô Hoài mà dưới đây, chúng tôi có nhắc tới. Nhưng có hề chi, nếu như cách nhìn những chuyện tình duyên lỡ dở đó cũng đã có lúc là cách nhìn của chính bạn. - “Người trong cuộc đã đau khổ lắm rồi, không nên làm cho họ đau khổ thêm nữa!”. Có lẽ là với chủ ý như vậy, nhiều người trong chúng ta khi phải kể lại và các nhà văn khi phải viết lại những cuộc tình lỡ dở có thói quen mang lại cho câu chuyện một vòng hào quang lãng mạn. Để chứng tỏ việc A với chị B không lấy được nhau là trớ trêu, là vô lý, ta hãy tìm cách tô điểm sao cho hiện lên như một đôi trai tài gái sắc. Họ rất hợp nhau, lại rất say nhau. Họ đã làm mọi cách để giữ gìn mối tình của mình. Nhưng vì sự ngăn cản của cha mẹ, dòng họ, vì định mệnh khắt khe, vì ông tơ đa đoan nào đó, họ phải xa nhau vĩnh viễn. Xa nhau mà vẫn lưu luyến, vẫn giữ mãi tình xưa tận trong tâm khảm. Có thế, truyện mới lâm ly và người đọc mới rơi nước mắt! Nhưng không phải mọi người cầm bút đều sẵn lòng đi theo lối mòn như vậy. Từ nửa thế kỷ trước, nhà văn Tô Hoài khi ấy mới 20 tuổi đã viết nhiều truyện ngắn nói về những cuộc tình lỡ hẹn với tất cả cái vớ vẩn, nhạt nhẽo, không đâu vào đâu mà sự đời thường có. Dưới đây là tóm tắt một số cốt truyện loại đó: - Trong Lá thư tình đầu tiên, anh chàng Cuông đã say mê Mị lắm rồi, nhưng không dám nói, đành tính chuyện “mượn bút thay lời”. Cuông bỏ mấy tháng đi học quốc ngữ. Lúc anh viết được lá thư đầu tiên thì cô Mị đã đi lấy chồng. Mối tình chết trong im lặng, song duyên do chỉ là vì Cuông quá nhát, thế thôi. - Trong Vàng phai, cô Mây bỏ anh Hẹn chạy theo Quyền Vực, vì anh lính tập này (đã lên tới chức thày quyền) là một món sộp, so ra hơn hẳn chàng trai thợ dệt nghèo túng. Hẹn chỉ còn có cách ngâm thơ để kháy đời. - Trong Một người đi xa về, Tại và cô Pha đã hứa hôn với nhau, nhưng gia đình Pha tham tiền, gả cô cho một người giàu hơn. Pha sẽ chống lại cha mẹ chăng? Không, với cô thế nào cũng được, ấy mới là điều làm cho Tại tức tối, căm giận. Tại bỏ đi Sài Gòn làm ăn, lúc khá giả mới trở về làng. Bấy giờ Pha mới hối hận: Ngày xưa giá như thế này... thế nọ... ta đã chẳng khổ như bây giờ. Kết quả: chồng cô vác gậy chèn cổng phang cho cô một trận. Rồi anh cầm cả một cái rổ bát quăng ra giữa sân. - So với Pha trong truyện trên, nhân vật người con gái trong Một chuyến định đi xa khá hơn một chút. Cô hứa theo gã con trai đi trốn. Nhưng chỉ được có thế. Đến ngày hẹn, cô không ra ga làm gì! ít lâu sau cô đi lấy người khác. Tóm lại, những chuyện lỡ làng kể ở đây chẳng có gì đẹp đẽ, cao quý, mà các nhân vật cũng chả có gì đáng thương hoặc đáng thông cảm. Đôi bên không lấy được nhau, chỉ vì cả đôi hoặc ít nhất là một trong hai bên vụng về, thiển cận, không dám và không biết quyết định vận mệnh của mình. Người ta hèn yếu, nên lẽ tự nhiên là người ta bất hạnh, giản dị có vậy. Thậm chí, dù lỗi hẹn chăng nữa, người ta cũng chẳng lấy thế làm đau khổ. Đến như phản ứng của con người sau những lần lỗi hẹn đó, mới lại càng thê thảm hơn nữa! Sau khi bị Pha lảng tránh “nhất định không dính líu rắc rối gì nữa”. Tại thù lắm. “Anh định cắt lưỡi nó đi. Phải, cầm một con dao bầu thực nhọn và thực sắc, đưa ngay vào cuống họng nó. Anh nghĩ thế ra lối hăng lắm”. Nhưng ý nghĩ ấy không đứng vững được lâu. “Tới khi anh tưởng tượng rằng rồi nó ngã gục xuống, máu ở vết dao đâm tuôn xối ra ướt hết áo quần và bắn lên cả mặt anh... Một cái gông bằng gỗ to lắm tự dưng lù lù kẹp vào cổ anh... Anh thoáng rùng mình lạnh gáy. Thế là cái mầu tư lự ghê gớm đó tan mất”. May là Tại còn dám bỏ đi Sài Gòn. Lại còn trơ hơn và hèn hơn Tại và Pha trong truyện trên, ấy là trường hợp các nhân vật trong truyện Lụa. Khi biết không lấy được nhau, Lụa đã tuyên bố là sẽ đi tu, và Nguyên cũng dạo bỏ đi Sài Gòn. Nhưng rồi dần dà ngày một ngày hai “không ai nghĩ đến chuyện đi đâu. Vào Sài Gòn, đường xa lăng lắc. Đi tu phải cạo trọc đầu mà cũng khổ lắm. Những lời quả quyết kia, cả hai cùng đã quên” Cũng có một lần, câu chuyện lỗi hẹn trong Tô Hoài dẫn đến một kết cục không quá nhạt như vẫn thấy, mà còn có vẻ oan khiên một chút. Trong truyện Ông trăng không biết nói, khi biết người yêu của mình sắp đi lấy chồng, gã con trai phẫn lắm. Gã uống một chầu rượu thật say rồi gọi cô ta ra bờ giếng để tra hỏi. Câu chuyện chưa dứt, cô gái đã sợ hãi bỏ về. Giá kể vào tay một nhà văn thích màu mè nào đó, nhân vật gã con trai có thể sẽ nhảy xuống giếng tự tử và như vậy ở gã còn chút hào phóng khí khái đáng cho chúng ta ái ngại. Nhưng không, Tô Hoài vẫn là Tô Hoài, con người trong tác phẩm của ông xa lạ với mọi sắc thái ngang tàng, bạo liệt. ở truyện Ông trăng không biết nói cũng vậy, nhân vật gã con trai vẫn chết nhưng là chết đuối. Trong cơn say rượu, khát nước quá, gã chới với tìm nước và tuột chân rơi xuống giếng. Còn cô gái, sau khi lấy chồng, không quên lẩn tránh, không bao giờ lai vãng đến chốn bờ giếng ấy nữa. "chuyện cũ văn chương"

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn