VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Xem làm ăn với người như một cơ hội để sửa mình

Nhớ lại mấy năm trước, nghe nói về thói hư tật xấu của dân mình, nhiều người giãy nảy lên, nói tốt về nhau bao nhiêu cũng không đủ, sao lại đi bới móc cái xấu (!). Nay thì hầu như nỗi e ngại ấy đã đỡ dần, thay cho nỗi lo “ vạch áo cho người xem lưng “ là một ám ảnh : đâu là con đường khắc phục những hạn chế đã thành thói quen của cả cộng đồng.Điều bất ngờ là chính ở đây chúng ta bắt gặp một ý nghĩa mới của công cuộc hội nhập
Chuyện vịt nhồi bánh đúc
Con đê ven sông Hồng mà ngày nào tôi cũng đi qua vốn là nơi bà con các tỉnh mang hàng lên Hà Nội bán. Trong các thứ hàng mang lên bao giờ cũng có gà vịt. Và trong số những kỷ niệm vui vui từ mười năm trước, tôi nhớ thường có cảnh những xe đạp chở vịt đang đi bỗng dừng lại. Một ít bánh đúc được lôi ra. Người ta dang rộng mỏ vịt để nhồi mớ bánh đúc ấy vào cho chúng thật đầy diều, nhồi cho đến lòi tù và mới thôi. Rồi sang chợ Long Biên cân kẹo với nhau, số cân mỗi con vịt sẽ gồm cả cái đống bánh đúc mới tọng đầy mề đó. Có lần thấy tôi ngạc nhiên, các bà bán vịt cười xòa, nghề của chúng tôi nó thế, từ đời các cụ xưa đã truyền lại, ai cũng phải làm, ngồi tọng bánh đúc cho vịt thế này còn hơn chốc nữa lên cãi nhau với đám lái ngồi sẵn trên chợ. Không ai có thể chối cãi đây là một thứ thói hư tật xấu của người Việt. Trong cái hành động nhồi bánh đúc cho vịt có thể đọc ra nếp sống tùy tiện, thói quen bừa phứa duy trì bao đời trong lối làm ăn nhỏ. Nghiêm khắc với nhau hơn, phải gọi đây là sự gian manh. Nhân danh đói khổ người ta cho phép mình làm bất cứ việc gì miễn thấy cần. Tức là gian manh một cách công khai, lại còn sẵn sàng cãi lấy được nữa. Và sở dĩ có thể kéo dài mãi như thế bởi cuộc sống trì trệ,cả xã hội như một cái làng, người trong làng ít hiểu biết về sự thay đổi của thế giới. Tương tự như chuyện nhồi bánh đúc cho vịt, chúng ta gặp những tin bát nháo trong chuyện làm ăn: sữa nguyên chất làm từ sữa bột; các thứ hàng kém phẩm chất bày bán cả trong siêu thị; rượu cao cấp nhập từ nước ngoài vào cũng bị làm giả; học trò lớp sáu không biết đọc biết viết; giáo viên mớm bài cho học sinh trong phòng thi vv…. Vậy là dù vài năm nay trên những đoạn đê sông Hồng chuyện nhồi bánh đúc hôm qua không còn nữa, nhưng cái căn bệnh xưa tôi biết nó vẫn thâm căn cố đế trong đầu óc dân mình và cứ phập phồng không biết tai vạ gì sẽ đến khi vươn ra làm ăn với thế giới. Giữa tháng 12 -06 đọc báo thấy có tin ông cán bộ đứng đầu Cục quản lý chất lượng an toàn vệ sinh ngành thủy sản nước ta phải đứng ra viết thư xin lỗi người tiêu dùng cùng cơ quan thẩm quyền Nhật Bản vì trong hàng VN xuất khẩu sang Nhật có dư lượng kháng sinh và hóa chất cấm. Thì ra cái dự đoán của mình chẳng có gì sai cả, tôi tự nhủ. Nhưng vui hơn là thấy hình như ở đây thói tùy tiện của dân mình bắt đầu có hướng giải quyết. Thời đại khoa học này không ai lừa ai được. Mà nhận lỗi trước thiên hạ thế này tức là phải sửa, chứ không thể theo cái lối trong nhà cười xòa với nhau được. Chính nhờ sức ép bên ngoài mà cách làm ăn của mình sẽ thay đổi, hy vọng của tôi bắt đầu từ đấy. Cố nhiên, hội nhập là không phải là một thang thuốc bách bệnh, cứ hội nhập là tự khắc khỏi …
Chuyện du lịch và đón khách du lịch
Chưa bao giờ dân ta chịu đi thăm thú xứ người và mời khách tới thăm xứ mình như những ngày này. Song chỗ trong nhà với nhau, phải nhận cả hai việc ta đều làm rất dở. Đi ra: Chẳng cần biết luật lệ là gì. Lên tắc xi không chịu cài dây an toàn. Ăn uống thừa mứa. Giữa chỗ đông người vẫn cười nói ầm ĩ, ngồi ô tô mà nốc rượu rồi nôn mửa cả ra xe người ta. Đón người thì cẩu thả luộm thuộm, tàu xe trể, người hướng dẫn vừa lõm bõm tiếng Tây tiếng Tàu, vừa kém hiểu biết về chính mảnh đất mình cần thuyết minh. Hàng xấu hàng giả bán bừa bán bãi, giá cả lại quát thật cao. Cố mãi mới được ít khách đã mừng rú, không biết rằng các nước khác đã “ đắt hàng “ bằng mấy mình. Đau nhất là nhiều khách người ta bỏ tua sớm và tự hứa là không bao giờ quay trở lại nữa. Về chuyện người mình qua xứ người thì hai chục năm trước, có việc sang Nga làm xuất bản, tôi đã chứng kiến dân mình buôn lậu và làm bậy trên đất người ta thế nào. Những bao tải hàng chất đầy thuốc lá. Những nồi hầm và những vòng bi. Cảnh chen lấn ở bến xe bến tàu. Cái câu mỉa mai ”Ra nước ngoài mới thấy mình thật là người Việt Nam “ đã có từ hồi đó chứ không đợi đến hôm nay. Có điều nói thế, vẫn cứ hy vọng là ngày càng có người ra đi và đi nhiều rồi sẽ học hỏi được thêm. Đây tôi không chỉ nói về những thói văn minh lịch sự mà nói về cả trình độ hiểu biết về đời sống nói chung. Còn trong chuyện đón khách, cái đáng phàn nàn của ngành du lịch hôm nay không phải chỉ là trình độ mà còn là ở quan niệm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi được hỏi nghĩ sao về chuyện khách hàng chỉ đến một lần rồi bỏ thì ông phụ trách nghiệp vụ của du lịch liền cho một câu ráo hoảnh, rằng du lịch VN chưa cần thâm canh mà hãy quảng canh đã, còn khối người chưa đến VN, lo có người đến chứ chưa cần lo người ta trở lại. Tôi nghe đâm nản. Thường xuyên làm việc với bên ngoài thì còn ngành nào hơn ngành du lịch. Vậy mà cái nếp nghĩ cổ lỗ và thói quen của người buôn bán nhỏ có gột bỏ được đâu? Cơ hội vừa mở ra chưa đủ. Sự thay đổi chỉ đến khi người ta biết tự chán mình, biết xấu hổ và dám chịu khó học hỏi nữa. Nhưng trong việc khắc phục thói hư tật xấu, ngoài hội nhập, tôi chưa thấy có phương thuốc nào khác. Ngày 10/02/2007 Lao Động Cuối tuần

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn