VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những nỗi đau riêng của thời nay

Nghề nghiệp buộc tôi luôn luôn phải trở lại với văn chương quá khứ. Qua các trang sách đã đọc, tôi hiểu con người thời nào cũng có những nỗi đau khổ lớn lao. Song nếu được so sánh tôi vẫn cảm thấy so với họ, con người thời nay đau đớn gấp bội.
Đau đớn không phải do “trời xanh” hay “ con tạo “ gây ra, mà đơn giản lắm, đau khổ do cái xu thế chi phối cả xã hội lôi cuốn người ta, đau khổ do người nọ gây ra cho người kia, hoặc suy đến cùng thì do chính mỗi người chuốc lấy cho mình. Cuộc sống trần trần trong ánh ngày đấy mà như trong cơn mê, và thỉnh thoảng người ta tỉnh ra thì cũng lập tức biết rằng tất cả đã muộn, tình thế vô phương cứu chữa. Có lần trong mục Trà dư tửu hậu này ( TBKTSG 10-2008), tôi đã kể về một cô giáo trẻ chạy trốn khỏi nghề dạy học। Cô không đương nổi nỗi đau mà nhiều thầy giáo có lương tâm hiện nay phải gánh chịu: không có được lớp học trò tử tế để có thể yêu thương tin tưởng, cống hiến hết mình cho nghề. Loại nỗi đau tương tự như thế này diễn ra hàng ngày đến mức người ta đâm ra dạn dày không muốn nghĩ tới. Lớp người năm nay sáu mươi bảy mươi chúng tôi thỉnh thoảng lại có những buổi họp lớp. Một kết luận khiến nhiều người sững sờ: kẻ thành công trong đường đời ( giàu hơn có địa vị xã hội cao hơn) nhiều khi không phải là người giỏi giang mà đơn giản chỉ là những kẻ liều lĩnh hơn, dám làm ...láo hơn. Trở thành công chức nhà nước, chúng tôi thường xuyên thèm được làm việc trong những cơ quan mà người đứng đầu thạo việc hơn mình, để rồi khốn khổ thay, đó là ao ước không mấy người đạt được . Nhưng thôi, những nỗi đau nói trên xem ra còn có vẻ sang trọng quá. Có nhiều nỗi đau cụ thể hơn, đời thường hơn. Chẳng hạn bạn hãy tìm đến một gia đình nào đó có đứa con mắc vào vòng nghiện hút . Bây giờ thì cuộc kiếm sống hàng ngày quá lôi cuốn đến mức nhiều người nhắm mắt bỏ qua, con hư vẫn mặc kệ, hàng ngày nhẫn nại mở tủ cung cấp cho nó tiền của tiêu xài, bản thân lấy sự chi tiêu tốn kém cho con làm cái cớ để bước sâu thêm vào vòng tham nhũng hoặc buôn gian bán lận, cốt bòn rút được của cải của thiên hạ và lấy đó làm điều hãnh diện. Song bên cạnh loại người mê muội kia, vẫn còn những người tỉnh táo hơn và tấn bi kịch tinh thần của họ bắt đầu tự sự tỉnh táo đó. Sau những cố gắng tuyệt vọng để cứu vớt đứa con hư và tìm cách đưa nó về con đường chính đáng, nhiều gia đình rơi vào bất lực và tuyệt vọng. Đến nước ấy, người ta chỉ có cách từ con, rồi lo chạy chọt để tống con vào trại và trong bụng thầm mong mỏi một điều ngược đời. Ngược đời như thế nào? Ngược đời là mong cho đứa con rứt ruột của mình chết đi càng sớm càng tốt. Vâng, đúng thế vậy ! Ta hãy cùng hình dung cái cảnh những bậc cha mẹ mặt lạnh như tiền đến đón đứa con của mình mang đi mai táng, xem như thoát được một gánh nặng và một nỗi nhục nhã. Chẳng phải đó là tình cảnh phi nhân văn nhân đạo, tức trái với tính bản thiện của con người, những tình thế mà xưa nay chưa bao giờ có mà chỉ ngày nay mới có? Hàng ngày báo chí loan tin bao nhiêu kiểu giết người mà tôi không muốn ghi ở đây vì thấy quá kinh dị. Hãy nói một ca nhẹ hơn, một cháu bé trong cơn điên thèm chơi game, bóp cổ bà già hàng xóm lấy tiền. Tôi ngờ là trong số những người thân của cháu nhỏ này, một lúc nào đó, trong đầu óc sẽ quẩn lên câu hỏi, con mình hay cháu mình có còn là người nữa không. Nỗi đau của những người đó – khi mơ hồ dự đoán tương lai của đứa trẻ -- chắc chắn là một nỗi đau vô bờ. Một người mẹ có hai con có mặt trong chiến tranh. Đứa lớn không trở về, nhưng tấm thẻ liệt sĩ mang lại cho bà sự kính trọng của họ hàng và xóm giềng. Đứa em thì ngược lại, trở về với một tâm hồn lạnh giá. Gã tự dành cho mình cái quyền hư hỏng phá phách làm càn để bù lại bao nhiêu gian khổ đã huỷ hoại gã trong những năm tuổi trẻ. Không nghiện hút, chỉ cần rượu chè cờ bạc đề đóm thôi, gã cũng đã thành một hiện thân của bệ rạc và tha hoá. Trong cơn buồn bã bất lực, có lúc bà mẹ chép miệng: -- Thà nó cứ chết đi như thằng anh nó, tôi nghĩ lại thấy đỡ vô phúc hơn là quay trở về hành hạ tôi như thế này ! Trong cái câu than thở bồng bột cất lên ấy, tôi nghe ra một tiếng khóc thống thiết. Hạnh phúc cuối cùng của con người xưa nay là tình yêu cuộc sống, thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa. Chỉ nhờ có được điều hy vọng tự nhiên đó mà con người vượt lên được bao nhiêu thách thức gặp phải trên đường đời. Nay cái ý nghĩa lớn lao đó nhiều người không tìm thấy. Tương lai trở nên vô vọng. Cuộc sống chỉ còn truồi đi theo thói quen. Tự mình chứng kiến sự hư hỏng của mình và những người thân của mình -- hỏi có nỗi đau khổ nào hơn, và về mặt này, những lớp người tiền bối làm sao có thể so sánh với nhiều người chúng tôi hôm nay được!
Saigon Times Online






Đôi lời Văn Chương - Email: vanchuongmientrung2@gmail.com (04/06/2009 04:19:05 AM) Vật chất ngày càng dồi dào nhưng nỗi khổ ngày lại càng tăng lên. Nguyên nhân? Điều tác giả đề cập như một lời răn của đức Phật cách đây hơn 2500 năm mà mỗi chúng ta cần từ tìm lời giải đáp và lựa chọn hạnh phúc cho đời mình. Ve Y Kien Cua Vuong Tri Nhan Nguyễn Văn Quang (03/06/2009 09:09:06 AM) Tôi ko được đọc mục Trà dư tửu hậu trên TBKTSG số 10-2008 do anh kể, nhưng qua anh tóm tắt ở đây tôi ko đồng ý với anh về điểm này. "Một cô giáo trẻ chạy trốn khỏi nghề dạy học. Cô không đương nổi nỗi đau mà nhiều thầy giáo có lương tâm bây giờ phải gánh chịu: không có được lớp học trò tử tế để có thể yêu thương tin tưởng, cống hiến hết mình cho nghề" Bởi vì thật là nực cười nếu một giáo viên nói rằng, tôi ko thể yêu được nghề dạy học chỉ vì ko có học sinh tử tế. Rồi kết luận của anh "Một kết luận khiến nhiều người sững sờ: kẻ thành công trong đường đời (giàu hơn và có địa vị xã hội cao hơn) nhiều khi không phải là người giỏi giang mà đơn giản chỉ là những kẻ liều lĩnh hơn, dám làm... láo hơn". Tôi ko cho là như vậy, họ ko phải là tất cả, và càng ko thể đại diện cho tất cả những người giàu được, để anh có thể đưa ra một kết luận "xấu xí" như vậy. Thêm nữa anh cho rằng "Trở thành công chức nhà nước, chúng tôi thèm được làm việc trong những cơ quan mà người đứng đầu thạo việc hơn mình, để rồi khốn khổ thay, đó là ao ước không mấy người đạt được" Tôi nghĩ rằng đây cũng là một ao ước ko đúng của anh. Mặc dù tôi đồng ý với anh là có nhiều công chức lãnh đạo nhà nước ko giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ, nhưng việc đòi hỏi người đứng đầu cơ quan phải thạo việc hơn mình là một đòi hỏi vô lý. Bởi nếu một vị đứng đầu cơ quan mà lại thạo việc của các nhân viên hơn chính những nhân viên ấy là cơ quan ấy có vấn đề.... Và còn nhiều quan điểm của anh trong bài viết này, đưa tôi đến một hồ nghi là có phải tác phẩm "Người Việt xấu xí" đã chiếm hết suy nghĩ của anh rồi chăng? Đôi lời chia sẻ, Xin cám ơn. Bài viết thật buồn và đơn cực! Minh Như - Email: tpngoc@yahoo.com (03/06/2009 08:43:57 AM) ND bài viết thật buồn và rất đơn cực. Tôi xin phản biện thế này: Cô giáo kia chỉ nhìn thấy được chấm đên trên nền giấy trắng. Lớp người cao tuổi kia thường hoài cổ, mà khó chấp nhận những cái mới hiện thời không phải lúc nào cũng xấu. Ông bà đã nói: Có phước làm quan, có gan làm giàu. Giàu có không phải là tội lỗi, giàu có không phải chỉ là của cải vật chất hay địa vị mà còn giàu tri thức, tình người, danh tiếng để lại đời sau... Làm sao người đứng đầu một cơ quan lại thạo hết mọi việc, lại phải "hơn mình" những chuyên viên cấp dưới? Thế sinh ra chuyên viên để làm gì? Hàng chục công việc khác nhau, người đứng đầu phải giỏi hơn chuyên viên sao? Đòi hỏi này phi lý! Người đứng đầu chỉ cần giỏi quản trị và điều hành công việc, biết rõ công việc điều hành - thể là đủ rồi! Vua/quan ngày xưa đầu phải việc gì cũng giỏi, cũng "văn võ song toàn"? Con cái hư không chỉ tại gia đình, cha mẹ mà còn do xã hội và chính bản thân đứa con đó. Bên cạnh "bản thiện" vần còn có "bản ác" chính bản thân mỗi một con người. Một câu chuyên có thật trên http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyenkhotin/2009/5/52906.cand có thể lý giải sâu xa tấm lòng của các bậc làm cha, làm mẹ, chứ không phải nhìn bề ngoài "mặt lạnh như tiền..."! Tiếng chép miệng của bà mẹ, nghe ra tiếng khóc thống thiết và tiếng than "tương lai vô vọng". Một kết thúc không có hậu vậy sao? “Trời xanh” vẫn xanh, “con tạo" vẫn xoay vòng. Phải biết chấp nhận thực tại, phải nhìn toàn diện, toàn cục, không tách rời cá nhân, không quy nạp từ cá thể để thấy rõ thực tại "biện chứng": Thiện - Ác / Tốt - Xấu / Thành công - Thất bại / Thấp hèn - Cao sang / ... để thay đổi và hy vọng tốt đẹp vào tương lai! Kính Vài suy nghĩ về Vương trí Nhàn Đạo Trường - Email: hoahongblackrose@yahoo.com (02/06/2009 11:54:53 PM) Tôi đã có duyên được đọc nhiều bài viết của Ông Vương trí Nhàn. Sau mỗi lần đọc là một lần tâm hồn mình như biển mênh mông sóng vỗ trắng bờ trong nhiều tiếng đồng hồ. Nhiều lần muốn tham luận với ông, nhưng tôi đều phải dừng tay. Chỉ vì Những chi tiết sự kiện và văn phong của ông rất đơn giản mà quá ư sâu sắc. Tôi cảm mến năng lực nhạy cảm tinh tế và tính nhân văn sâu sắc trong con người ông ấy. Những tư tưởng của Ông ấy tôi thấy không chỉ đúng ở VN mà còn đúng trên bình diện văn minh và văn hoá của nhân loại. Ví dụ, trên bài này của Ông, khi đọc đến những dòng chữ:"Hạnh phúc cuối cùng của con người xưa nay là tình yêu cuộc sống, thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa. Chỉ nhờ có được điều hy vọng tự nhiên đó mà con người vượt lên được bao nhiêu thách thức gặp phải trên đường đời. Nay cái ý nghĩa lớn lao đó nhiều người không tìm thấy" mà tôi đã dự định tiếp tục tham luận với đề tài "Tại sao Phương đông đi trước về sau" để chỉ ra nhiều sai lầm về nhận thức của một số người chúng ta đang ở VN. Thế nhưng, tôi đã nghĩ lại rằng, nếu người ta đã từng sống hay du học ở những nước tiên tiến rồi đọc và suy nghĩ kỹ những dòng chữ trên của Vương Trí Nhàn thì tự khắc người ta sẽ thấy cái sai lầm trong nhận thức của mình. Đối với tôi, Vương Trí Nhàn là một người trí thức chân chính. Tôi vẫn thầm mong Ông và những người bạn hiền luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc và đời sống kinh tế ổn định.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn