VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

HOÀNG TRUNG THÔNG và việc học hỏi cùa người cầm bút


Hoàng Trung Thông (1925-1993) không chỉ là một nhà thơ. Phải gọi ông là một nhà hoạt động văn học mới đúng. Tức đây không chỉ là một ngòi bút có năng khiếu, với tư cách một người thợ thủ công nhanh tay nhanh mắt làm công việc sáng tác. Mà là một người cầm bút có ý thức rõ rệt về ý nghĩa xã hội của công việc. Hơn thế nữa, là một trong những người kiến tạo guồng máy văn học, điều hành nó, từ hoạt động của mình tác động tới sáng tác của người khác.
Một quan chức hàng đầu đủ độ tin cậy để làm loại việc hệ trọng mà chỉ loại quan chức này mới được giao là phụ trách các cơ quan đầu não. Tổng biên tập báo. Giám đốc nhà xuất bản. Viện trưởng Viện Văn học...Việc gì ông cũng qua cả. Rồi một chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chân Vụ trưởng vụ Văn nghệ của ban Tuyên giáo TW, khoảng mấy năm trước 1975 cũng đã có lần được trao cho ông.
Là vụ trưởng nghĩa là thế nào ? Nghe tôi lúc mới vào nghề ngớ ngẩn hỏi vậy, Nguyễn Khải nói đùa :
- Hãy hình dung giới văn nghệ như một cỗ xe tam mã, Tố Hữu là ông chủ ngồi trên mà ba con ngựa chiến là Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên..
--Thế Hoàng Trung Thông làm gì ?
-- Anh xà ích ra roi chứ còn gì nữa, không oai à?
Tuy nhiên nói thật đầy đủ chi tiết về nhà hoạt động văn học Hoàng Trung Thông là một việc sẽ làm lúc khác, trong bài này tôi chỉ muốn nói về Hoàng Trung Thông như một nghệ sĩ.
--Lại chuyện Hoàng Trung Thông sống buông thả thường hay lê la quán rượu chứ gì?
--Hay là nét tài hoa trong những chữ Hán mà nhà thơ này thường viết tặng bạn bè?
Không phải! Chất nghệ sĩ tôi nói ở đây không phải là nghệ nhân dân gian rồi bị tàn phá bởi những yếu tố thực dụng theo mốt hiện đại, mà là một thứ nghệ sĩ với nghĩa một người làm nghề chuyên nghiệp, một trí thức.
Nhà thơ Quách Tấn trong một lá thư gửi Nguyễn Hiến Lê mà tôi có được đọc, có viết rằng các nhà thơ trẻ thời nay hay nghĩ rằng làm thơ cũng như uống rượu trong khi đó thật ra làm thơ giống như vẽ tranh. Tức không phải chỉ cần cảm hứng cùng đua đả tranh tài -- kể cả cái sự gồng mình chịu đựng -- mà cần cả trí óc tỉnh táo lẫn công phu thầm lặng.
Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này, Quách Tấn đã tìm ra một công thức đơn giản để, vừa gọi ra bệnh của nhiều nhà thơ thời nay, vừa đưa một quan niệm đúng đắn về nghề nghiệp.
Trong thời buổi văn nghệ dân chủ hoá, văn nghệ đi vào đại chúng, ở ta thấy hình thành một dạng người cầm bút đặc biệt. Họ như từ đâu nhảy dù vào văn chương. Trong cơn bốc đồng của cả đám đông, cái phần năng khiếu còn ở dạng tự phát của họ được kích thích, và quả là họ có cho ra đời được một vài tác phẩm nào đó. Quả dại thì bao giờ chẳng có cái vẻ chua chua chát làm mê mẩn những người thích của lạ. Thế là họ thành nhà văn nhà thơ và tưởng chỉ cần dựa vào bản năng với lại cảm hứng nghĩ gì viết nấy là xong, chứ không cần học hỏi chi cả. Rồi đời họ sẽ kéo dài trong cái lối mòn ban đầu.
Xã hội càng tỏ ra yêu chiều văn nghệ thì cái lối nghĩ nông nổi nói trên càng phổ biến và ngày càng thắng thế.
Hoàng Trung Thông cũng bắt tay cầm bút vào thời đó. Trong những người cùng thế hệ của ông cũng có nhiều người tự mình dễ dãi với mình.
Song cái nông thôn Nghệ Tĩnh mà ông lớn lên hồi ấy còn là một nông thôn khá nền nếp. Nông thôn đó trọng sự học vấn và sự thực đã đào tạo được một lớp trí thức làng xã có cốt cách. Được rèn luyện trong trường học khắc nghiệt là chữ Hán rồi lại qua nhà trường chính quy thời Pháp thuộc, những người như Hoàng Trung Thông hiểu văn chương không chỉ là chuỵện tài hoa mà trước tiên là khổ luyện. Và còn hơn thế, văn chương muốn lâu dài phải cần đến sự tham gia của trí tuệ. Phải quan niệm là có nghề có kỹ thuật. Phải học, học có bài bản kiến thức lý luận hẳn hoi, chứ không phải học theo lối bắt chước học lỏm đi tắt đón đầu. Tóm lại là một sự nghiêm chỉnh thực thụ.
Ta nhớ khi chuyển từ khu Bốn lên Việt Bắc, cây bút này đã có một vị trí vững vàng trong hệ thống chính trị. Nhưng tuy là người phụ trách ông vẫn ham học, ham hiểu biết thêm.
Ngay từ kháng chiến chống Pháp, khi gần như ở Việt Nam chưa ai biết tiếng Nga thì thì một tập sách mỏng mang tên Sáu bài thơ V.V. Maiakovski đã được phát hành ở Việt Bắc. Hoàng Trung Thông là một dịch giả của tập sách mỏng mảnh nhưng quá mới mẻ đó. Ông dịch Maia theo bản dịch tiếng Hán của Tiêu Tam.
Sau này về Hà Nội, Hoàng Trung Thông sẽ tiếp tục dịch thơ của nhiều người khác.
Ở ta công việc tiếp xúc với văn học nước ngoài, cụ thể là việc dịch vốn bị coi thường. Nhiều người ban đầu cũng biết việc này là cần, nhưng tiếng tăm không biết, lại không chịu học. Sau khi biết mình bất lực, muốn tự lừa mình, họ liền quay ra bỉ bác cái công việc mình không thạo đó và tuyên bố chỉ sáng tác mới quan trọng. Dù chỉ làm ra thứ sáng tác hạng bét, họ cũng la lối lên là đây mới là thứ tinh hoa cần cho đời sống.
Và có điều lạ là thứ quan niệm này được nhiều người chia sẻ.
Một người tôi quen hiện là Hội viên Hội nhà văn lúc đầu vào nghề bằng việc dịch tiếng Trung quốc, sau vì thấy nghề dịch không được coi là nghề sáng tạo không thể hiện được bản thân, gần đây liền quay sang viết tiểu thuyết, và chỉ đứng ra làm cai đầu dài nhận việc dịch cho đám trẻ mới ra trường rồi ngồi ăn phần trăm.
Đây tôi không có điều kiện để bàn kỹ xem anh ta nên dịch hơn hay đi viết văn hơn. Nhưng nhìn chung cả giới cầm bút tôi tin rằng có những người lẽ ra chỉ nên dịch, chính dịch mới là phần đóng góp của anh. Thì họ lại tưởng nhầm là ngược lại.
Về phần mình, dịch với Hoàng Trung Thông là một bộ phận hữu cơ của công việc nhà văn. Đất nước chậm phát triển, muốn sáng tác được người viết nhất thiết cần phải mở rộng chân trời tới tận các xứ sở khác những nền văn học khác. Cần tự mình tiếp xúc với các bậc thày thế giới, cả Đông lẫn Tây cả những bậc thày cổ điển lẫn những nhà thơ hiện đại. Thành quả lao động của ông được ghi lại trong các bản dịch thơ Đỗ Phủ, Lục Du, S.Petofi, A.Mickiewicz v.v..
Kể ra với nghề viết văn, dịch còn có thể có tác động hơn thế.
Ở Liên xô có nhà thơ Margarita Alighe (1915-1992). Bà từng là tác giả của trường ca Doia viết năm 1942 mang đậm chất sử thi. Đến 1956 bà tham gia vào nhóm Moskva văn học có khuynh hướng tự do rồi khi bị phê bình thì viết trên báo tỏ ý hối hận. Nhưng hối hận chỉ là bắt buộc chứ trong bụng không tin. Vì thế sáng tác gần như tắc tị. Lúc đó có một công việc mà bà thấy hợp là dịch. Dịch Quyển truyện bỏ dở của Aragon, một tập thơ cũng là những tiếng kêu đau đớn trước sự rạn vỡ của thời đại.
Cái mệnh đề “ Dịch là một thứ sáng tác ‘ tìm thấy ở đây một ví dụ sinh động.
Ở Việt Nam có trường hợp Xuân Diệu. Nếu trong thơ, ông thường bảo thủ khó chấp nhận mọi tìm tòi nghệ thuật thì khi dịch ông lại rất cởi mở. Ông thể nghiệm, chẳng hạn, thơ không vần khi dịch Nazim Hikmet lần Blaga Dmitrova.
Cuối năm 2007, tôi có đi dự hội thảo 90 năm sinh Xuân Diệu tại Quy Nhơn. Trong lúc bàn về tác giả Thơ thơ chợt tự cảm thấy thật ra những năm cuối đời, nhà thơ này viết yếu đi nhiều và bọn tôi đọc chểnh mảng. Cái mà Xuân Diệu tác động tới chúng tôi nhiều hơn lúc đó là tiểu luận và thơ dịch.
Tại hội thảo nói trên, anh Bằng Việt có một tham luận về mảng thơ này của Xuân Diệu nhưng cũng chưa lên hết được vấn đề, tức chưa nói hết được thơ dịch trong sự nghiệp Xuân Diệu.
Sinh thời Xuân Diệu và Hoàng Trung Thông khá thân với nhau, thân theo nghiã gần gũi trong nếp sống và công việc. Chuyên cần -- tiết kiệm -- chặt chẽ -- kỹ càng...-- ở Hoàng Trung Thông có cái phần đời thường mà Xuân Diệu sẵn có, nó là đức tính của những người có học, dù đời sống có khá lên đến đâu thì vẫn có sự chừng mực và tự chủ.
Tuy nhiên không chỉ có vậy. Xuân Diệu vốn là một nhà văn có tính chuyên nghiệp cao. Chắc là ông hiểu nếu để tài năng sang một bên thì một ngòi bút như Hoàng Trung Thông cũng chính là người hoạt động văn chương với đúng nghĩa của khái niệm này.
Trong những dấu hiệu nhất thiết cần phải có ở một người hoạt động văn chương nói ở đây có sự học. Dịch cũng là học. Mà viết tiểu luận cũng là học. Xuân Diệu là thế mà Hoàng Trung Thông cũng là thế.
Bởi vậy có thể nối là có một Hoàng Trung Thông—tác giả tiểu luận bên cạnh Hoàng Trung Thông –nhà thơ.
Sự đọc của Hoàng Trung Thông chắc chắn kỹ lưỡng. Tuy không có cái tài hoa và cả cái bùng nổ của Xuân Diệu nhưng ở đó vẫn có cái phần phát hiện nho nhỏ mà các nhà hàn lâm không thể có. Có cảm tưởng như ông từ trong văn học nhìn ra chứ không phải từ ngoài nhìn vào.
Học giúp cho chất nghệ sĩ của Hoàng Trung Thông được bồi bổ.
Học làm cho ông khuôn phép hơn mà cũng ngang tàng hơn( tôi nhớ những tờ giấy hồng điều mà trên đó ngọn bút lông trong tay Hoàng Trung Thông tung hoành).
Học làm cho ông không chỉ đối thoại thẳng thắn với các trí thức lớp trước mà còn đối thoại được với cả các văn nghệ sĩ nước ngoài khi có dịp tiếp xúc.
Tôi không có điều kiện để khảo sát những gì mà việc viết tiểu luận và dịch mang lại cho Hoàng Trung Thông, song vẫn tin là với kiểu làm nghề như thế này ông không còn là thứ văn nghệ tự phát, văn nghệ “sẩm”, mà đã hé ra cốt cách của một người cầm bút chuyên nghiệp.
Cho đến cả con người quan chức văn nghệ trong ông cũng có những đổi khác nữa.
Ở những nền văn nghệ nặng về phục vụ chính trị như văn học xô viết hoặc văn học ta những năm chiến tranh, thường vẫn có những nhà văn lấy việc bảo đảm công tác chính trị làm nhiệm vụ chính. A.A. Fadeev chẳng hạn. Đó không chỉ là tác giả của Chiến bại, Đội cận vệ thanh niên mà còn là người phụ trách đầy quyền lực của Hội nhà văn Liên xô thời kỳ Stalin.
Nhìn vào Hoàng Trung Thông luôn luôn tôi có cảm tưởng ông là tuy quy mô có khác, tài năng có khác, song đây có vẻ là một thứ A.A. Fadeev trong văn nghệ VN. Những năm chiến tranh, khi đi công tác nước ngoài, ông vẫn thường được các nhà văn trong phe xã hội chủ nghĩa lúc đó gọi là một thứ chính uỷ. Họ đối với ông một cách dè dặt.
Phẩm chất bắt buộc của những người chính uỷ là kiên quyết hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của công tác văn học.
Nhưng ở Fadeev cũng như Hoàng Trung Thông có một chỗ khác với nhiều quan chức khác. Là trong khi buộc phải có những quyết định mà mình không mong muốn, con người nghệ sĩ vẫn thức dậy. Thức dậy trong đau đớn. Thức dậy không đủ để thay đổi tình hình. Nhưng dẫu sao cũng đã thức tỉnh, để chứng tỏ là lương tâm vẫn còn trong mình.
Fadeev tự tử năm 1956. Hoàng Trung Thông thì giết dần mình trong rượu.
Khoảng 1968, khi Hoàng Trung Thông phụ trách báo Văn nghệ thì xảy ra vụ Tình rừng. Bài tuỳ bút đậm chất Nguyễn Tuân bị mang ra phê phán. Không biết ai đã nói với tôi, thậm chí là không biết có đúng như thế không, nhưng tôi nhớ hồi ấy có nghe xầm xì rằng Hoàng Trung Thông đã ứa nước mắt khi ký duyệt in những bài đánh bài tuỳ bút ấy trên báo. Cũng từ độ ấy, khi đời sống văn chương ngày mỗi thêm nhiều vụ việc, nhiều chuyện trái chiều, bệnh rượu ở ông ngày mỗi thêm nặng.


Đã in báo Văn nghệ
số tết Kỷ Sửu – 2009



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn