VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Mấy viên quan cai trị nhà Hán đã góp phần đẩy nhanh sự tiến hóa của cư dân bản địa thời Bắc thuộc

 Đọc các cuốn sách giáo khoa về sử học bậc trung học in ra ở Sài Gòn trước 75, trong phần nói về Việt Nam cận đại, tôi thường thấy các nhà sử học miền Nam hồi ấy dành khá nhiều giấy mực cho việc phân tích công việc của người Pháp ở Việt Nam từ 1884 tới 1945, trong đó bao giờ cũng có một phần đặc biệt viết về bộ máy cai trị của người Pháp, lại có những đoạn viết   riêng cho những vị toàn quyền, khâm sứ, thống đốc… người Pháp, để ghi nhận rằng họ đã có tác động đẩy nhanh sự tiến bộ của xã hội Việt Nam. 

Sử học xã hội chủ nghĩa khi phân tích quá khứ cũng như hiện tại thường không chú ý đến vai trò cá nhân mà chỉ nói chung về vai trò của tập thể. 

Trong khi đó cả ở khoa lịch sử Trung Hoa lẫn khoa lịch sử phương Tây, không phải các sự kiện mà chính con người trước tiên là các nhân vật đứng đầu bộ máy quản lý xã hội mới thường được dành cho những trang những dòng phân tích hết sức kỹ lưỡng.

 

Trở lại với tình hình ở ta, có hai cuốn sử gần đây, tôi đọc được mà gây ân tượng mạnh, một là cuốn Nhìn lại sử Việt của Lê Mạnh Hùng, hai là Lịch sử người Việt của K.W Taylor. Cả hai cuốn trong khi viết về lịch sử Việt Nam hai mươi thế kỷ qua, đều nhắc nhở đến những cái tên đọc lên nhớ ngay tới từng giai đoạn phát triển trong quá khứ.

 

Riêng về thời Bắc thuộc, tôi thấy trong khi các bộ sử được xuất bản ở Hà Nội rất ít chú ý đền hàng ngũ các quan chức Trung Quốc ngoài những dòng kết tội họ thì K.W Taylor và nhất là Lê Mạnh Hùng đã kể ra gần như hết được từng người một và vai trò của họ trong việc hình thành xã hội Việt thuở ban đầu, những dòng dưới đây đều là trích từ hai sử gia này.

   

Cũng cần ghi nhận thêm năm 2015 NXB Đại học quốc gia Hà Nội đã cho in cuốn Từ Điển Lịch Sử Việt Nam-Từ Khởi Nguồn Đến 938 của Vũ Văn Quân trong đó đầy đủ các mục từ về các viên quan cai trị phương Bắc với số chữ cần thiết dành cho họ. Tức cuốn từ điển cũng làm rõ một tình hình là người Hán nói chung các tên tuổi này nói riêng đã đóng vai chính trên cái sân khấu đất Việt thuở ấy

 

---

TÍCH QUANG NHÂM DIÊN

 

Hậu Hán thư viết Tích Quang đã có công "dậy dỗ dân Di khiến họ dần dần đi theo lễ nghĩa".

Còn Nhâm Diên làm thái thú quận Cửu Chân đúng vào thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Hậu Hán thư chép : "Diên đến Cửu Chân dậy dân cầy cấy, khai khẩn ruộng nương, khiến bách tính no đủ. Lại dân Lạc Việt không biết phép giá thú, đều theo dâm hiếu, không thành lứa đôi, không biết đạo cha con, không biết đạo vợ chồng. Diên bèn đưa thư xuống các huyện khiến đàn ông từ 20 tuổi cho đến 50 tuổi đàn bà từ 15 đến 40 tuổi phải theo tuổi tác mà lấy nhau. Ai nghèo không có tiền làm đồ sính lễ thì khiến từ các trưởng lại trở xuống phải bớt bổng lộc ra để chẩn cấp. Người ta cưới nhau cùng một lúc đến hơn hai nghìn người. Năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng, người sinh con mới biết giống nòi, mới biết tộc họ. Nên đều nói rằng "khiến ta có được như thế này là nhờ ngài Nhâm vậy". Nhiều người đặt tên con là Nhâm. Theo Từ điển Vũ Văn Quân, Tích Quang Nhâm Diên là những người mở ra quá trình đưa Nho giáo vào xứ ta, một việc mà về sau Sĩ Nhiếp sẽ nâng lên một tầm vóc mới.  

 

 

MÃ VIỆN (14 TCN -49)

Tô Định là viên thái thú Giao Chỉ cai trị quá tàn ác dẫn đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn Phục Ba tướng quân Mã Viện là người được cử đi ổn định tình hình. Trong bài biểu của gửi về triều đình, Mã Viện mô tả Tô Định là người mà "thấy tiền thì giương mắt lên; thấy giặc thì nhắm mắt lại, sợ chinh chiến..." (Hậu Hán Thư - Mã Viện Truyện) tức là môt kẻ vừa tham lam lại vừa hèn nhát.

 Do cuộc chiến, tầng lớp lãnh đạo của dân Lạc đã bị tiêu diệt gần hết. Sau Mã Viện, danh từ Lạc tướng đã không được sử sách nhắc nhở gì đến nữa chứng tỏ rằng tước vị Lạc tướng thế tập đã bị hủy bỏ.

 Nhằm xóa bỏ đến cả ký ức các bộ tộc cũ, Mã Viện cũng đã sửa đổi lại ranh giới các huyện, sáp nhập những huyện nhỏ lại với nhau và chia những huyện lớn ra. Theo Thủy Kinh Chú, Mã Viện đã "định lại các quận huyện và đặt lệnh trưởng".

 Như vậy nếu trước kia quyền lực của các quan lại Hán chỉ tập trung vào một số trung tâm lớn, còn tại các huyện (tức là các bộ tộc) quyền hành còn nằm trong tay các Lạc tướng, thì nay quan lại Hán đã đi xuống tận các huyện. Ðể bảo vệ cho đám quan lại mới này, cũng như là để tạo ra những trung tâm dân cư mới mà dân chúng chắc hẳn phần lớn là người Hán, tại mỗi huyện Viện đều bắt xây thành lũy kiên cố.

 Hậu Hán Thư chép: "Viện đi qua nơi nào đều xây thành quách cho các quận huyện" đồng thời "đào ngòi, tưới nước sinh lợi cho dân".

 

  Xây thành có nghĩa là phải có binh lính Hán đồn trú.  Đào kênh khơi ngòi thì là để thiết lập chế độ đồn điền giúp cho quân Hán đồn trú có đủ khả năng tự cấp không trông cậy vào lương thực ở bên ngoài.

 

 Sự kiện quân Hán đồn trú để khai khẩn thêm các vùng dân cư đã được Du Ích Kỳ đời Tấn ghi lại trong Thái Bình Quảng Ký:"Ở phía Nam bờ sông Thọ Linh (tức là sông Gianh ngày nay) có hơn mười nhà là những binh lính của Mã Văn Uyên còn sót lại không về. Họ tự lấy họ là Mã và thông hôn với nhau. Nay có đến hai trăm nhà. Người Giao Châu lấy lẽ họ là người lưu ngụ nên gọi họ là "Mã Lưu". Tiếng nói ăn uống vẫn như người Hoa".

 

 

Nhưng điều quan trọng nhất mà Mã Viện làm khiến cho xã hội dân Lạc thay đổi hẳn cục diện là buộc dân Lạc thay đổi những tập tục cũ của mình để theo Hán.

 

 

Hậu Hán Thư - Mã Viện truyện chép:

"Viện tâu rằng luật Việt và luật Hán khác nhau hơn mười chuyện, nay xin làm sáng tỏ cựu chế đối với người Việt để ước thúc họ. Từ đó về sau Lạc Việt tuân theo việc cũ của Mã tướng quân".

 Chúng ta không biết mười điều khác biệt giữa luật Hán và luật Việt là gì, nhưng có thể rằng một trong những điều đó là việc lấy họ để phân biệt rõ huyết thống phụ hệ.

 Tất cả các họ của Việt Nam cho đến nay, đều là những họ xuất phát tại Trung Quốc. Nếu Mã Viện bắt dân Lạc phải có họ để phân biệt "tính" (họ) và "thị" (tên) thì điều này cũng không phải là lạ.

 

Mười điều khác biệt đó cũng chứng tỏ rằng xã hội Lạc đến lúc đó phần nào đã là một xã hội có tổ chức và có những phong tục tập quán riêng của mình mà dù bị giải thể cũng không hoàn toàn mất đi.

 Mặc dầu chế độ Lạc tướng đã đi vào trong quá khứ, và một số lớn những Lạc tướng bị giết hoặc bị Mã Viện lưu đầy sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nhưng giới quý tộc Lạc không vì thế mà không còn đóng một vai trò nào trong lịch sử về sau này.

 

Khi thiết lập chính quyền Hán tại các huyện của Giao Chỉ và Cửu Chân, Mã Viện không thể nào dùng toàn người Hán được. Viện bắt buộc phải dùng những quý tộc Lạc cũ, có thể là những người đã bỏ Bà Trưng để theo Mã Viện hoặc là những người đầu hàng sau khi Bà Trưng thất bại. Điều đó giải thích câu "xin làm sáng tỏ cựu chế để ước thúc họ". Chắc hẳn khi nói vậy Mã Viện đã đưa ra một đề nghị với các Lạc tướng rằng hãy tuân thủ các luật pháp của đế quốc Hán để đổi lại sự khoan hồng của Hán triều và cho tiếp tục phụ vào việc cai trị.

 

SĨ NHIẾP (137- 126)

Ông từng có lúc cai quản bảy quận Giao Châu. Sách Từ Điển Lịch Sử Việt Nam-Từ Khởi Nguồn Đến 938 của Vũ Văn Quân ghi trên thực tế Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu như một triều đình riêng.

  Sĩ Nhiếp thường được hình dung như người đã để công mang lại văn hóa đã tương đối trưởng thành của người Hán du nhập vào đất Việt.

 Các thế hệ người Việt sau này đều nhớ tới ông như ông tổ về giáo dục. Ông cho xây dựng trường học và khuyến khích tranh biện sôi nổi giữa các trí thức tụ họp quanh ông, bao gồm cả Nho sĩ, Đạo sĩ và Phật tử. Khoảng một trăm học giả chạy trốn khi nhà Hán sụp đổ, tị nạn nơi Sĩ Nhiếp.

 Ông còn có công thúc đẩy việc biên soạn cuốn từ điển giải thích các ngữ kinh điển ra tiếng địa phương để sử dụng trong các trường học. 

Người Việt Nam sau này vẫn gọi ông là Sĩ Vương còn giới giáo dục gọi ông là An Nam học tổ.

 

Sĩ Nhiếp cũng là người quy tụ các nhà sư, và được cho là có công xây dựng những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Sự tích Phật giáo được truyền vào ở Việt Nam đã liên hệ ông với hiện thân đầu tiên của Phật trên đất này. Sau khi Sĩ Nhiếp mất, ông còn được cho là có khả năng bất tử của Đạo sĩ.

 

 Tóm lại, Sĩ Nhiếp liên quan tới việc xuất hiện mọi khía cạnh chính yếu tạo nên văn hóa Việt. Đây là lý do vì sao trong nghiên cứu về Sĩ Nhiếp của mình, sử gia Mỹ Stephen O’Harrow đã gọi ông là “người Việt Nam đầu tiên.”

 --

Phụ lục

Bạn nào cần có thể đọc thêm trên mạng

Danh sách người đứng đầu lãnh thổ Việt Nam thời Bắc thuộc

 

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_sách_người_đứng_đầu_lãnh_thổ_Việt_Nam_thời_Bắc_thuộc

 

Vài nét về chế độ toàn quyền của thực dân Pháp ở Đông Dương

https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/vai-net-ve-che-do-toan-quyen-cua-thuc-dan-phap-o-dong-duong.htm

 

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم