VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đừng lý tưởng hóa chiến tranh

 Trong  bài “Nhà văn Lê Lựu đã bán linh hồn cho ai?” viết từ 19 Tháng Tư 2012, nhà thơ Trần Mạnh Hảo có dẫn lại một đoạn tâm sự của  tác giả Thời xa vắng:

“Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi và những người bạn tâm giao nói về những vấn đề của xã hội, nghĩ về nhân tình thế thái. Tôi không hiểu sao bây giờ con người không tốt với nhau. Trong chiến tranh hy sinh nhiều, cuộc sống khổ cực, nhưng lòng mình thanh thản, lòng dân vô tư lắm.

Đi chiến trường hy sinh mà lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời bình không còn tiếng bom đạn nhưng tâm con người cứ lộn nhào hết cả. Không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không biết thế nào là lim (giới hạn-NV). Mỗi con người phải có một cái lim nhất định thì mới thành xã hội. Con người có nhiều tính cách thì cuộc sống mới phong phú và đa dạng. Nhưng mà phải có lim và có luật lệ.

 

 

Trong chiến tranh, tâm tính con người ta hiền lành, không mưu mô xảo quyệt. Chứ thời nay, trong cơ chế thị trường này, luật lệ cũng lung tung. Xử lý công việc cũng lung tung. Sống nặng về vật chất, thực dụng, chụp giật. Bây giờ sáng ra đọc báo toàn những chuyện giật mình. Con kiện cha chỉ vì mười mét vuông chỗ ở. Một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên giết mấy mạng người không ghê tay. Một đứa trẻ khác chỉ vì thiếu tiền chơi game ra tay sát hại cả em mình, bà mình. Người ta thiếu tiền nên giết người chỉ vì vài trăm nghìn đồng. Trong làm ăn thì lừa đảo nhau nhiều lắm. Cứ lợi dụng nhau sơ hở vài chữ trong văn bản, thậm chí từ một cái dấu phẩy trong bản hợp đồng để lừa nhau hàng tỉ. Trong doanh nhân cũng nhiều người tốt, nhưng rồi cũng có rất nhiều người nhăm nhăm để lừa nhau.

Chính thời nay là thời loạn, chứ không phải chiến tranh là thời loạn” .

 

Bình luận của tôi

Chúng ta thường than phiền về những sự tha hóa của con người trong thời đại hiện nay, khi cuộc kiếm sống vừa quá dễ dàng với những con người hư hỏng lại quá khó khăn với những con người tử tế và chúng ta than tiếc rằng những điều tốt đẹp trong chiến tranh đã mất đi.

Thực tế thì trong chiến tranh mọi người có muốn hư hỏng cũng không được, nhưng theo chỗ tôi nhớ thì do chỗ chúng ta phải gánh vác một cuộc chiến tranh quá lớn cho nên ngay từ lúc đó – nhất là những năm tháng cuối cuộc chiến - những điều gọi là lí tưởng trong cách hành xử của con người đều đã sụp đổ, và sự hỗn loạn trong hành động của con người đã manh nha bắt đầu. Không có lí do gì để lí tưởng hóa những năm tháng chiến tranh cả.

Lý tưởng hóa chiến tranh cũng chính là nguyên nhân khiến cho các công trình lịch sử gọi là tổng kết về chiến tranh của chúng ta thất bại, các nhà văn có lương tri không mấy hứng thú khi bị bắt buộc chỉ được khai thác đề tài chiến tranh theo hướng này. Mà những nhà văn đi vào đề tài hậu chiến khi thiếu những hiểu biết đúng đắn về chiến tranh cũng không thể có được cách giải thích đúng đắn về con người hôm nay được. Mặc dù đã qua gần nửa thế kỷ nhưng xã hội hôm nay vẫn đang bị chiến tranh chi phối -- hay có thể nói là chúng ta vẫn bị chiến tranh cầm tù -- trước tiên là trên phương diện tư duy, mà ngày thoát khỏi còn xa lăm lắm.

 

*** ***

PHỤ LỤC

Chính tư duy kiểu thời chiến

đang cản trở sự phát triển hôm nay

--

Nguyên là bài “Hậu quả chiến tranh” của TS Mai Quang Hoà  đưa trên Lao động cuối tuần số 27 ngày 06/07/2008

những câu chữ in hoa nhấn mạnh là của VTN

*

Chiến tranh đã chấm dứt trên đất nước chúng ta hơn (hay gần) ba mươi năm. Những dấu ấn của chiến tranh trên mặt đất không còn mấy, hơn 60% dân số dưới 30 tuổi và số người dưới 35-36 tuổi, những người hầu như không có ký ức gì về chiến tranh, có lẽ không dưới 75% tổng dân số.

Tuy nhiên hậu quả của chiến tranh vẫn còn hiển hiện, không chỉ ở những người nhiễm chất độc màu da cam, không chỉ ở bom mìn còn sót lại và gây ra những hậu quả đau lòng, không chỉ ở những vết thương trong từng gia đình hay sự ly tán, không chỉ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật về chiến tranh..., mà còn ở cả trong nếp tư duy, trong tiềm thức của rất nhiều người kể cả những người còn rất trẻ. Dưới đây chúng tôi chỉ điểm sơ qua loại hậu quả sau cùng này.

--

Hãy bàn đến cách dùng từ, dùng khái niệm. trên các phương tiện truyền thông đầy rẫy những từ, những khái niệm gắn với chiến tranh như "hành quân", "ra quân", "chiến dịch", "mặt trận", "tổng tư lệnh", "tư lệnh", "động viên", "xung kích" v.v... được dùng cho những việc, những tình huống thời bình, chẳng dính líu gì đến chiến tranh cả.

Nhiều người sính dùng từ "ra quân", nào là "ra quân tiếp sức mùa thi", và những ngày này người ta nói nhiều về "ra quân xử lý nghiêm xe tự chế", đến "ra quân dẹp hàng rong" v.v.

Hết "ra quân" lại đến các "chiến dịch" chống than lậu, chống tham nhũng, chống hàng giả, chống dịch bệnh, chống ăn cắp bản quyền, chống ăn xin... và hầu hết những người "ra quân", tham gia "chiến dịch" này đều là những người dưới 30 tuổi.

Nhiều nhà chính trị được gắn cho (và có khi họ cũng thích được gắn cho) chức "tư lệnh" thậm chí "tổng tư lệnh" cứ như cả bộ máy nhà nước là quân đội.

--

Cách dùng từ, dùng ẩn dụ, dùng hình tượng gắn với chiến tranh là một cách diễn đạt bình thường, có mặt hay của nó, có thể giúp cho người ta dễ hiểu, dễ lĩnh hội. Song có thể khẳng định việc sử dụng này ở nước ta hơi nhiều, hơi lố và khi bàn đến hậu quả chúng ta chỉ bàn sơ đến những mặt tiêu cực của nó.

Thứ nhất, trong thời bình khi lạm dụng các khái niệm gắn với chiến tranh có thể tạo ra những hiểu lầm không đáng có. Việc lập lại trật tự giao thông, trật tự hè phố là việc rất tốt, rất cần, song "ra quân xử lý nghiêm xe tự chế", "ra quân dẹp hàng rong" được nêu ra trong những ngày qua và nhất là từ 1.7.2008 là thế nào? Những người dùng xe tự chế, bà con bán hàng rong đâu phải "kẻ thù" mà phải "ra quân" xử và dẹp họ. Cách dùng từ ở đây rất không ổn, nếu không nói to tát là ngược với chủ trương "của dân, do dân và vì dân".

Thứ hai, với khoảng 75% dân số không hề có ký ức gì về chiến tranh mà các phương tiện truyền thông từ cái đài phường, báo chí đến truyền hình lại dùng quá nhiều từ ngữ gắn với chiến tranh, thì có thể thấy hiệu quả truyền thông chưa chắc đã cao mà lại có thể còn gây cho họ lẫn lộn về khái niệm.

Chiến tranh là một trạng thái bất thường mà nhân dân không mong muốn. trong tình hình yên bình, bình thường mà cứ phải quen với từ ngữ của trạng thái bất thường là hiện tượng không bình thường.

---

Tai hại hơn, việc lạm dụng này làm hằn sâu nếp tư duy thời chiến trong suy nghĩ của chúng ta. Trong chiến tranh, chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để chiến thắng kẻ thù. Trong chiến tranh cần kỷ luật sắt, cần cách tổ chức "nhà binh".

Trong hòa bình và xây dựng, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá duy trì tư duy "nhà binh" có thể gây tác hại khôn lường.

Nhà nước không phải là quân đội. Hiện nay nhà nước cũng chẳng còn là nhà nước "bao trùm", gia trưởng, làm mọi thứ, lo mọi thứ nơi việc dùng ẩn dụ quân sự có thể hợp, như ngày xưa. nhà nước chỉ là một bộ phận của xã hội.

--

Tư duy theo kiểu quân sự, theo kiểu "chiến tranh" có thể khiến cho nhiều quan chức nhà nước trở nên độc đoán, cứ nghĩ mình là "tư lệnh" thực và "trên bảo" thì "dưới phải nghe" song ngay cả bên trong bộ máy nhà nước có khi dưới cũng không nghe, nên gây bức xúc không cần thiết cho chính họ.

Tư duy theo kiểu chiến tranh có thể khiến người dân quen với mệnh lệnh, quen với sự phục tùng và điều này có thể làm thui chột những sáng kiến, sự mạnh dạn, sự đổi mới rất cần cho sự phát triển đất nước.

Và cuối cùng, tư duy theo kiểu chiến tranh có thể khiến cho chúng ta nhìn đâu cũng thấy toàn "kẻ thù", làm cho tư duy "cùng thắng", nếp nghĩ rất cần trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập, khó đi vào cuộc sống.

Nó làm cho ứng xử của các nhà hoạch định chính sách dễ bị méo mó, nó ảnh hưởng đến hành vi của các lãnh đạo doanh nghiệp và của cả những người dân bình thường, nó cản trở sự phát triển.

--

Bàn sơ về một khía cạnh của hậu quả chiến tranh cho thấy vấn đề không đơn giản. Các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những người có cương vị cao rất nên cân nhắc đến những hậu quả "chiến tranh" theo nghĩa này. Và cũng cần khắc phục những hậu quả chiến tranh tương tự như vậy nữa.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم