VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tôi đã học hỏi được gì từ các bộ sách giáo khoa môn văn trung học dùng ở miền Nam 54-75?

 1/

Hấp dẫn nhất đối với tôi thời gian đầu là các cuốn sách cuối cấp trung học, ví dụ như cuốn Quốc văn lớp 12 ABCD của một nhóm giáo sư Quốc văn do nhà Trường Thi xuất bản mà tôi đã giới thiệu trên blog cá nhân ngày 5-11-2019. Lý do trước tiên tôi thích loại này là vì mở đầu có phần lý thuyết trong đó gồm hai phần chính là lịch sử tư tưởng Việt Nam và lịch sử ba bộ môn là lịch sử thi ca, lịch sử báo chí và lịch sử tiểu thuyết.

Phần lịch sử tư tưởng được chia ra rạch ròi: các tư tưởng bản địa (thể hiện qua ca dao tục ngữ và truyện cổ tích), các tư tưởng ảnh hưởng từ phương Đông chủ yếu là Trung Hoa (Nho Phật Đạo), và các tư tưởng ảnh hưởng từ phương Tây (tư tưởng lãng mạn, tư tưởng tự do dân chủ và tư tưởng Thiên chúa giáo).

Theo chỗ tôi biết trước 1970 (?), đến năm cuối cùng của bậc trung học, học sinh đã học triết học. Sau này, khi có nhiều thời gian hơn, sự ra đời của các bài giảng về tư tưởng như trên vừa nói rõ ràng là tổng kết được các phần học của các lớp dưới, mà lại giúp  thêm việc học triết.

Nên chú ý là khi nói về các tư tưởng nói trên, bài giảng đều có kèm theo các tác phẩm minh họa ví dụ khi nói về nho giáo thì dẫn lại các tác giả Nguyễn Du (Đoạn trường tân thanh) Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên) và Nguyễn Công Trứ (thơ và các bài hát nói).

Hoặc sau này khi nói về tư tưởng tự do dân chủ, dẫn lại các tác phẩm của Phan Châu Trinh (Quân trị và dân trị chủ nghĩa) Nguyễn An Ninh (Cao vọng của thanh niên) Nhất Linh (Đoạn tuyệt).

Như vậy dầu không được nói rõ nhưng người học sinh có thể hiểu là phần tư tưởng bản địa xuất phát từ xã hội Việt Nam khá yếu, phần chủ yếu trong các hoạt động tư tưởng và từ đó dẫn tới việc hình thành những tác phẩm quan trọng là những tư tưởng ngoại nhập, đó là điều mà chẳng những người học sinh trung học mà đến cả các sinh viên và các trí thức ở Hà Nội sau này cũng không bao giờ được giảng giải cho rõ ràng.

  Ông cha ta xưa coi việc tiếp nhận những cái hay cái đẹp của nước ngoài để bổ sung cho những phần thiếu sót vốn có là tự nhiên, từ đó làm nên phần gia tài tinh thần của mình nghĩa là biết sống chung với các nền văn hóa khác, còn lớp người làm văn học trưởng thành từ cuộc cách mạng sau 45 ở Hà Nội, lại tìm cách lờ đi hoặc không công nhận, không nhấn mạnh đúng mức nguồn gốc các tư tưởng đó là ở đâu, làm sao có thể thuyết phục các thế hệ về sau cho được.

2/

Từ trước đến nay, các sách giáo khoa về văn của Hà Nội ở bậc trung học chưa bao giờ có phần lịch sử các thể loại. 

Học sinh chúng tôi chỉ được học từng tác phẩm riêng rẽ và nếu có tìm cách xâu chuỗi các tác phẩm đó lại, thì chủ yếu là xâu chuỗi về mặt tư tưởng và tác động xã hội, chứ không hề nhấn mạnh tầm quan trọng của thể loại văn học càng không chú ý đến sự phát triển lịch sử của nó. 

Nên biết thêm là ở một tác giả lý luận văn học người Nga hiện đại có tầm cỡ thế giới như M.M.Bakhtin, thì vấn đề thể loại cũng được đề cao ở cái mức là ông cho rằng thể loại phải là nhân vật chính trong đối tượng của nghiên cứu văn học.

3/

Có một cảm tưởng chung khi tìm hiểu về các phần lý thuyết trong sách giáo khoa môn văn lớp 12 in ở miền Nam là người học sinh luôn luôn được lưu ý rằng sự phát triển của văn học Việt Nam không cô lập mà trong mọi thời kì đều có sự gắn bó với nền văn học của các nước chung quanh (và các nước có quan hệ sâu sắc với Việt Nam) hoặc nói theo lý thuyết tức là phát triển dựa trên văn mạch của thời đại.

Ngay từ một cuốn sách giáo khoa in trước năm 70, được viết khác hẳn so với những năm 70, tôi còn đọc thấy một phần viết riêng về những ảnh hưởng của văn học nước ngoài đối với văn học Việt Nam.

Lạ một điều là trong khi các cuốn sách ấy không có phần riêng viết về văn học nước ngoài, thì tinh thần hội nhập văn hóa chân chính vẫn chan hòa trong toàn bộ các trang sách.

Kết hợp với việc giảng dạy ngoại ngữ rất tốt trong các chương trình từ tiểu học trở lên, có thể nói là việc giảng dạy văn học thông qua các bộ sách giáo khoa ở  miền Nam đã thấm nhuần tư tưởng khai phóng, tư tưởng cầu học cầu tiến bộ rất cần thiết cho con người hiện đại. Ở các cuốn sách giáo khoa văn học miền Bắc, điều đó không được nhấn mạnh đúng mức mà lúc nào cũng chỉ thấy ám ảnh về sự phát triển tự phát và nhiều phần biệt lập của dân tộc, một điều theo tôi là không đúng với thực tế.

(Trong một cuốn sách triết lớp 12, tôi còn đọc được cả bản Tuyên ngôn nhân quyền nổi tiếng trên thế giới được dịch rất khúc triết mà lại dễ hiểu. Tài liệu này ngay cả các sinh viên và các cán bộ nhà nước ở các viện khoa học xã hội cũng không bao giờ được giới thiệu)

4/

Từ chương trình lớp 12, tôi đọc ngược lại của các bậc học trung học ở miền Nam và nhận thức thêm được vài điều :

-  Phần giảng văn trong các cuốn sách này hết sức phong phú. Tôi có cảm tưởng là sách giáo khoa miền Bắc lo nhét vào đầu học sinh những nhận định về văn học hơn là để học sinh tiếp xúc với tác phẩm, còn các cuốn sách miền Nam thì cứ đưa ra tác phẩm ở mức tối đa có thể, kèm theo một ít lời giải thích cần thiết để học sinh hiểu tác phẩm, còn việc khái quát thì chỉ nêu lên những điều thiết yếu chủ yếu là để cho học sinh suy nghĩ và tìm đọc thêm ở sách ngoài xã hội.

- Trong khi số lượng các bài giảng văn nhiều hơn hẳn, thì nội dung các bài giảng văn ấy cũng mang lại cho tôi một bức tranh đa dạng nhiều vẻ về đời sống văn học mà trong  các sách giáo khoa miền Bắc chúng bị rút gọn và định hướng theo một tư tưởng nhất định. Ví dụ như về phần Nguyễn Công Trứ, đọc vào các bộ sách này tôi thấy ông thật là một nhà văn độc đáo có một cuộc đời phong phú và một nền học vấn chắc chắn biểu hiện ra thành những tác phẩm có khí phách, có chủ kiến trong cuộc sống.

- Trong khi các tài liệu văn học trung cổ ở miền Bắc nhấn mạnh quá nhiều đến Hồ Xuân Hương với chất dân dã nhiều khi ngả sang thô tục thì theo tôi nhớ là các bộ sách ở Sài Gòn gần như không giảng gì về bà mà lại lưu ý đến vài nhà thơ nữ khác giàu chất quý tộc như Bà Huyện Thanh Quan. Theo tôi tinh thần quý tộc trong văn học trung cổ Việt Nam cần được nhấn mạnh nhiều hơn nữa vì đó cũng là điều còn xuyên suốt đến tận văn học tiền chiến trước 45, từ Nhượng Tống đến Nguyễn Tuân…

Đến một tác giả mà các sách giáo khoa miền Bắc coi là trọng điểm như Phan Bội Châu, đối chiếu với các sách giáo khoa miền Nam, tôi thấy Hà Nội đã làm nghèo Phan Bội Châu đi rất nhiều. Người soạn sách chỉ chú ý đến phần yêu nước trong tư tưởng của Phan Bội Châu mà không chú ý đến các trước tác của ông từ thời bị bắt và giam lỏng ở Huế (1925-1940) trong đó ông hoạt động như một nhà trí thức và một nhà tư tưởng, chuyển tất cả nhiệt tình yêu nước vào việc lo nâng cao đời sống tinh thần của người dân và như vậy là ông đã tiếp thu được các tư tưởng của phương Tây về xã hội dân sự không kém gì nhiều tri thức đương thời. Ở đây ông lại có lợi thế của một người viết ra những điều trên sau một thời gian theo đuổi tư tưởng bạo động nên những điều trình bày của ông về tư tưởng cải lương cải cách càng có ý nghĩa thiết thực.

5/

Sau khi đọc xong các bài giảng văn trích giảng trong các cuốn sách giáo khoa văn học ở miền Nam, tôi có cảm tưởng là trước đây mình được học quá sơ sài, được hướng dẫn quá độc đoán. Trong khi không có dịp đọc lại toàn bộ văn học của người xưa, việc đọc lại các bài giảng văn này cũng bổ sung cho tôi rất nhiều cả về mặt chất lượng lẫn số lượng. Tôi ước ao có ai đó đứng ra làm công việc sưu tập tất cả các bài giảng văn này lại xếp theo trình tự thời gian tồn tại của chúng, rồi soạn thành sách và đưa lên mạng thì người đọc (bao gồm cả thầy giáo và học sinh) sẽ có thêm một bức tranh đầy đủ về văn học Việt Nam và rồi từ đó chúng ta sẽ suy nghĩ tiếp.

6/

Sau các bài giảng văn, các bộ sách giáo khoa thường có phần chú thích kỹ lưỡng để người học sinh có thể hiểu được căn bản tư tưởng của người viết của người sáng tác. Còn phần khái quát về từng tác giả thì được viết một cách hết sức ngắn gọn và theo tinh thần cởi mở, chứ không khuôn tác giả vào một xu hướng, một bộ mặt cụ thể nào đó. Người soạn sách giáo khoa không đặt vấn đề những kết luận của mình là những nhận định bắt buộc học sinh phải thuộc lòng, từ đó định hướng toàn bộ suy nghĩ của học sinh, mà chủ yếu chỉ xem những điều mình viết ra như những gợi ý để học sinh suy nghĩ tiếp. Cũng không có danh sách những cuốn tham khảo bắt buộc vì người soạn sách nghĩ rằng việc tham khảo rộng rãi đã là một thói quen của cả xã hội.

(Còn nữa)

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم