Lời cảnh báo của người dịch: Những ai đã quen sống trong “tiện nghi tức
thời” (Instant Comfort - từ của Hà Nhân Văn
LLH), hay những ai vốn
chỉ quen nghe những lời êm ái đầy chất sirô có ga kiểu như “Sự nghiệp xây
dựng một nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt được nhưng thành
tựu nhất định”, “Văn hoá Việt
Nam thiết tha với cuộc sống con người”… xin hãy bảo trọng; để đảm bảo sức khoẻ
xin đừng đọc bài này!
Tôi chưa từng đến Việt Nam, lần
này tôi quyết định thay đổi đường bay quen thuộc và trên đường trở về Moskva
đã ghé thăm Hà Nội. Tôi chỉ có một ngày, lại không biết tiếng Việt, nhưng
hướng dẫn viên du lịch và chiếc ô tô sẽ giúp tôi giải quyết một “siêu nhiệm
vụ”: tìm hiểu nét đặc thù của Việt Nam trên cái “phông” của những nước Đông Á
mà tôi đã biết. Dĩ nhiên là không tránh khỏi cảm giác của một người nghiệp
dư, nhưng là người nghiệp dư đã được trang bị: tôi đem theo một cái ấm trà
Tầu vào quán Việt Nam.
Cái ấm hoá ra rất đúng chỗ và không phải là không có ích. Mọi thứ ở Hà Nội
đều làm người ta nhớ đến Trung Quốc. Người Việt Nam, có thể từ lâu, không tự
nhận ra rằng họ đã tiếp thu những điều sơ đẳng nhất của văn hoá Trung Hoa, từ
cách tính lịch, cách đặt tên đến tôn giáo và cả phong cách nghệ thuật nữa.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi nhận ra rằng nhiều từ được phát âm không khác gì
tiếng Hán, nghĩa là nếu muốn ta có thể gọi tiếng Việt là một phương ngữ của
tiếng Hán. Như vẫn thường thấy ở ngoại vi, hơi hướng của quá khứ ở đây còn
đậm hơn cả ở ngay chính nước Trung Hoa. Mặc dù vậy, Việt Nam đã từng có hai
ngàn năm đấu tranh với chính nước Trung Hoa đó để bảo vệ nền độc lập. Các mối
quan hệ đối tác, bình thường hiện nay không xoá được mối nghi ngờ giữa hai
bên cũng như những tranh chấp về lãnh thổ vẫn còn âm ỉ. Đấy là tình trạng
“cãi nhau trong nhà” giữa các dân tộc láng giềng mà chúng ta đã quen!
Mỗi lần tiếp xúc với quá khứ của Việt Nam là một lần tôi lại chạm trán với
vấn nạn về đặc thù của nó. Đây là Chùa Một Cột, nhỏ như một túp lều trên cái
chân gà (tác giả cố ý gợi hình ảnh ngôi nhà của mụ phù thuỷ, dựng trên cái
chân gà, rất thịnh hành trong truyện cổ tích Nga - ND): một ông vua ở đây đã
xây dựng ngôi chùa này để tri ân Đức Phật vì đã giúp hoàng hậu thụ thai.
Truyền thuyết được mang từ ngoài vào, truyền thuyết này nổi tiếng khắp các
nước Đông Á và có biểu tượng kép: nó vừa vinh danh hoàng gia vừa hạ thấp -
nếu không nói, hạ nhục - nhà vua với tư cách là một người đàn ông. Còn đây là
Văn Miếu, thờ Khổng giáo: những bức tượng Khổng Tử và các học trò của ông
được đắp trong thời gian gần đây, dành cho du khách và những phiến đá khắc
đầy những chữ tượng hình, đứng nghiêm như một đội quân. Những chữ tượng hình
trên cổng ngách ghi: “Người đỗ đầu được vinh danh trên toàn Vương Quốc”.
Trong những tấm bưu thiếp dành cho du khách bán trong các quầy báo là hình
các toà miếu theo kiểu Trung Hoa với những ông thánh Trung Hoa.
Tôi đã hỏi rất lâu người hướng dẫn rằng như vậy thì bản sắc nằm ở chỗ nào?
Theo tôi thì anh ta không hiểu tôi muốn gì, nhưng cuối cùng đã chỉ cho tôi
mẫu tự La Tinh như là một đặc trưng không thể chối cãi được của Việt Nam.
Không có gì phải tranh luận, các dân tộc láng giềng với Trung Quốc đã tạo ra
mẫu tự riêng của họ và đấy là những trở ngại chính cho quá trình Hán hoá hoàn
toàn. Nhưng Việt Nam lại không phải là tiêu biểu trong trường hợp này: trước
đây người Việt sử dụng chữ tượng hình, mẫu tự La Tinh chỉ được sử dụng từ thế
kỉ XX.
Tôi buộc phải tự đi tìm lời đáp cho những câu hỏi của mình. Và đấy chính là cảm
nhận đầu tiên về Việt Nam. Trên đường vào Hà Nội chúng tôi đã lọt vào những
khu dinh cơ mới, một số còn đang được xây dựng: những ngôi nhà hẹp, cao, bốn
năm tầng, có ban-công, tầng áp mái với hàng lan can, có tháp và mái như những
nhà thờ Thiên Chúa giáo (người hướng dẫn nói rằng có cả mái tròn như củ hành
theo kiểu nhà thờ Chính Thống giáo nữa), trang trí bằng đủ loại đèn màu,
trông giống như các khu vui chơi. Đấy là dinh cơ của những nhà giàu mới, rất
khiêm tốn so với tiêu chuẩn phương Tây, thậm chí so với Đài Loan, nhưng là
hình ảnh của giấc mơ tự do, một thứ tự do với nghĩa suồng sã. Tôi chỉ mới gặp
những cảnh tượng như truyện cổ tích thế này ở các khu “hậu hiện đại” ở Mĩ,
cũng dành cho những kẻ mới nổi như thế. Ở Trung Quốc, hay ở Nhật Bản không
bao giờ có cảnh đó, các kiểu kiến trúc ngông cuồng như thế ở đó chỉ dành cho
các khu vực có phẩm chất đáng ngờ (ý nói các khu nhà thổ -ND). Còn đối với
tôi, một người sống ở Moskva, thì cảnh tượng này làm tôi nhớ tới kiến trúc
các khu nhà nghỉ ngoại ô Moskva - kiến trúc không phải của đời sống mà là của
mơ mộng, không phải của trật tự mà của sự tinh nghịch và đỏng đảnh, không
phải của đời sống trần tục mà là của sự bay bổng trên chín tầng trời. Nhà
nghỉ là cái bóng của đời, còn cuộc đời của cái bóng thì hư ảo, không thể nắm
bắt, thoáng qua, nhưng ai có thể nói rằng nó không đáng kể? Có thể loại bỏ
một vật, nhưng cái bóng thì không. Đấy là một vật vô tích sự nhưng lại vững
hơn bàn thạch.
Liệu có phải do những qui luật khắc nghiệt của nền địa chính trị mà trong
suốt lịch sử của mình Việt Nam đã sống trong “khu nhà nghỉ” của các nền văn
minh vĩ đại -- nhiều thế kỉ trong “nhà nghỉ” Trung Hoa, sau đó dưới bóng của
nước Pháp và sau này là nước Nga-Liên Xô, còn hiện nay là Mĩ ?
Đối với tôi, họ trông giống như
những người đã chiếm được một chỗ tiện nghi dưới bóng của kẻ khác, hay dưới
cái bóng của niềm vinh quang có tính khu vực của chính mình.
Việc sống một cách quá lâu dưới bóng kẻ khác mà không hay đã tạo cho người
Việt Nam khả năng tuyệt vời để tuyên bố về sự không giống ai của mình mà
không cần suy nghĩ về thực chất sự không giống ai đó.
Người Hà Nội làm tôi ngạc nhiên
bởi khả năng hoà nhập với phương Tây của họ, thật là một ca hiếm trong số các
dân tộc lâu đời ở Á Đông. Ở trong các cửa hàng nhỏ trong khu phố cổ tôi đã
từng chạm trán với nhiều thanh niên có thể giảng giải, đúng là giảng giải chứ
không phải nói ra những từ học thuộc lòng, bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và
không hiếm trường hợp, bằng tiếng Hoa nữa.
Diện mạo kiến trúc của Hà Nội cho đến nay vẫn do phong cách thuộc địa Pháp
quyết định. Đấy là những toà nhà chính phủ, thấp, hai tầng, màu vàng treo các
biểu ngữ và khẩu hiệu màu đỏ, những toà nhà kiến trúc theo lối nhà nghỉ,
giống như dinh thự ngoại ô của các quan toàn quyền ngoại quốc vậy. Cái khách
sạn đắt tiền (theo tiêu chuẩn địa phương) mà tôi có dịp ghé qua trước đây vốn
là dinh cơ của một người Pháp, bên dưới chụp đèn Âu Châu là những bức tranh
phong cảnh Trung Hoa, trên nền nhà là những chiếc đôn sứ Trung Quốc to đùng.
Cả đồ Âu lẫn đồ Tầu đều nhạt và chẳng ai hiểu được ý nghĩa. Không phải Pháp
cũng chẳng phải Trung Hoa mà chính là sự hoá thạch trơ lì và vô nghĩa của cả
hai. Đồ cổ Việt Nam trông cũng có vẻ hoá đá tương tự: những tấm khăn trải bàn
nhàu nát, những chiếc ghế bành sờn rách, mấy chàng bồi bàn ăn mặc hao hao
thanh niên nhà quê.
Khu vực buôn bán cũ của Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn và hiện đã biến thành khu
bán hàng cho du khách. Đấy là một mạng lưới chằng chịt các đường phố, chia
thành những khu tam giác như ở Paris, còn việc buôn bán thì vẫn theo truyền
thống ngành nghề cũ: có phố chỉ bán thức ăn, có phố chỉ bán quần áo, vật dụng
v.v. Ở đây cái bóng quá khứ của người và của chính mình thể hiện sức mạnh vô
địch đối với nhà độc tài mệnh danh là hiện đại hoá. Trên toàn cõi Á Đông, đây
lần đầu tiên tôi nhìn thấy sự mục nát trên những toà nhà cũ kĩ: mấy cái khung
cửa sổ sơn son thếp vàng, những hàng lan can xiêu vẹo, mấy cái ban-công sẵn
sàng đổ sập xuống đầu bất cứ lúc nào. Hoàn toàn khác với Nhật, nơi quá khứ
được bảo quản cẩn thận, cũng khác với Trung Quốc, nơi quá khứ lặng lẽ có mặt
trong đời sống thường ngày. Sự đổ nát chứa trong mình nó biểu tượng hai mặt:
sự phù phiếm và vĩnh hằng của cuộc đời. Những khung cửa sổ trống rỗng, những
thanh sắt chìa ra từ một hàng rào đổ, những viên đá lát đường cũ như cùng gào
với theo khách bộ hành: “Chúng tôi còn có thể! Chúng tôi còn...”. Trên một
bức tường mốc thếch, lở lói có hàng chữ tượng hình màu đỏ như viết bằng máu:
KHÁCH SẠN ĐẠI LA
Bên cạnh lấp lánh hàng chữ Tây (ghi theo nguyên văn):
BUY HERE FOR MANY YEAR
ICI ON PARLE FRANCAIS
Khả năng hấp thụ “đồ” Tây của người Việt phải nói là vượt mọi biên giới của
trí tưởng tượng. Trong một quán bar, dưới nền nhạc rock-and-roll người ta
chiếu những đoạn phim tài liệu của Đức Quốc Xã và cảnh tập luyện của lực
lượng không quân Hoa Kì. Chui, dĩ nhiên.
Buổi tối tôi ghé vào rạp rối nước, lại một hiện vật văn hoá nữa sống còn được
dưới cái bóng của những nền văn minh vĩ đại. Hàng ngàn năm trước nhà hát kiểu
này đã từng có ở Trung Quốc nhưng nay không còn nữa vì không cạnh tranh nổi
với những loại hình nghệ thuật tinh tế hơn, hoặc ngược lại, đơn giản hơn về mặt
kĩ thuật.
Phải nói thêm rằng múa rối hiện vẫn còn
thịnh hành ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là ở Đài Loan, tại đây các màn múa
rối là một phần quan trọng của các buổi lễ hội và tục trừ tà. Rối luôn đứng
cạnh tượng các ông thánh: các nghệ nhân chế tác cả hai loại, theo cùng một
phong cách. Các buổi múa rối còn được người ta gán cho nhiều tính chất thần
bí hơn các màn trình diễn của các nghệ sĩ chính cống nữa.
Các vở kịch rối của Hà Nội hiện đã
bị “xử lí” về mặt nghệ thuật và tư tưởng: nội dung tôn giáo đã bị loại bỏ,
nhạc nền được hiện đại hoá. May là những cải biến này đã không động đến phần
thực chất của buổi diễn, đấy là một trò chơi kết hợp giữa điển tích và nghi lễ. Người xem được
thấy một loạt hoạt cảnh, chẳng có kịch tính, thậm chí nội dung cũng không
nốt. Tất cả chỉ là biểu hiện của cuộc sống, rất nhiều cảm giác trong tiếng
nhạc mở hết cỡ và màu sắc loè loẹt.
11.2.2005
Vladimir Malyavin là một
nhà Đông Phương học nổi tiếng của Nga. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm về nền
văn minh và các nhà hiến triết Trung Hoa cổ đại, có thể kể: Khổng Tử;
Trang Tử; Đạo Đức kinh; Nền văn minh Trung Hoa; Hoàng hôn của Đạo. Văn hoá
Trung Hoa trên ngưỡng cửa của Thời đại mới; Nghệ thuật Trung Hoa; Trung Quốc.
Bách khoa thư về tình yêu; Chiến lược quân sự Trung Quốc và nhiều
tác phẩm nổi tiếng khác, trong đó tác phẩm Khổng Tử được coi
là một best-seller với số bản in là 150 ngàn cuốn.
© 2005 talawas
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3975&rb=0305
|