VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Mạnh Tường bàn về hội nhập văn hóa 1932: "Bắt chước khôn khéo và trước hết phải giữ được tính tình của mình"

Sau đây là một bài của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đưa trên FB cá nhân của ông (ngày nào thì tôi trót quên không ghi). Nhận thấy bài sưu tầm là một tài liệu quý, tôi xin đưa lại nguyên văn để bạn đọc tham khảo

NGUYỄN MẠNH TƯỜNG LUẬN QUỐC VĂN

Năm 1932 Nguyễn Mạnh Tường 23 tuổi từ Pháp trở về Hanoi với 2 bằng Docteurs Luật khoa và Văn khoa. Báo chí dành khá nhiều giấy mực cho người trẻ đỗ cao này.

Riêng báo Phong Hóa, Nguyễn Tường Tam nói chuyện cả buổi với Ng. M. Tường, tự viết bài tường thuật. Sau đó ký giả Văn Lực viết bài nêu cả loạt câu hỏi về "Quốc văn ta sẽ đi về đâu?" với chàng tấn sĩ. Rồi đó là 2 kỳ bài trả lời của Văn khoa Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

Thời điểm này, 1932, văn học mới tiếng Việt đang tự làm ra mình. Các ý kiến của học giả có lẽ còn hệ trọng hơn ý kiến văn sĩ.

Tôi đánh máy cả bài, vì xưa nay chưa từng thấy sách báo văn nghệ ta ("ta" tức không-thời gian văn nghệ VNDCCH) có dòng chữ nào về quan điểm văn nghệ Nguyễn Mạnh Tường.

***

BÀN VỀ QUỐC VĂN

Nguyễn Mạnh Tường

(trả lời các câu hỏi của Văn Lực, mục Văn học, “Phong hóa” s. 17, 13.10.1932)

 1/ Quốc văn có nên dùng các văn chương ngoại quốc nhất là văn Pháp và Trung Hoa làm mẫu chăng?

NMT -- Tôi trả lời không ngần ngừ: Nên lắm.

Văn minh của loài người có bắt trước mới có tiến. Các nhà bác học đời nay đã nghiên cứu ra rằng đến nước Hy Lạp, mà xưa nay ta cho là không nhờ một nước nào, chính đã chịu ảnh hưởng của các nền văn minh Đông phương. Một nhà thi sĩ La-mã có nói: không có cái gì là sáng kiến ra mà không nhờ đến cái khác. Dân tộc nào cũng vậy, nền văn minh nào cũng vậy, chỉ tiến theo như cái trình độ của dân tộc ấy, của nền văn minh ấy đã nhờ ở các sự kinh nghiệm của dân tộc khác, của các nền văn minh khác, rồi thì, nếu không vượt qua hẳn được các sự thí nghiệm ấy, thì cũng cố làm cho tốt đẹp hơn lên, hay là đưa những sự thí nghiệm ấy về một con đường khác. Bắt chước thực là một sự cần thiết của nhân loại, dù bàn về sự tiến bộ của [mất 7 – 8 từ] của văn chương cũng vậy.

Sự khó khăn là ở chỗ biết bắt chước.

 

Tôi xin hiến những quy tắc sau này:

a/ Bắc chước cần phải có vẻ tân kỳ, đặc biệt. Nói thế nghĩa là không nên bắt chước như hệt, thành ra chỉ là một thứ văn chương sao tập, khô khan.

Bắt chước có thể là một sự sáng kiến.

Những nhà văn học cổ điển nước Pháp là những tang chứng hiển nhiên cho sự đó. Bắt chước một cách có tri thức là chỉ ngắm các kiểu mẫu rồi làm khác đi, bắt chước theo mục đích văn chương là phỏng theo các lối văn, các cách viết văn thích hợp với sự cần thiết của một nước, với năng lực một dân tộc, những sự nhu yếu của một tâm trạng.

Chính nhờ ở sự thích hợp ấy mà được tân kỳ, mà có vẻ sáng kiến, vì vậy cho nên, đã bắt chước, phải bắt chước một cách khôn khéo.

Thí dụ những nhà văn sĩ cổ điển Pháp về thế kỷ thứ 17 bắt chước văn chương cổ La – Hy, nhưng đều bắt văn chương cổ theo nề nếp phong tục của dân tộc Pháp.

Lại cái thí dụ nữa: Musset bắt chước Shakespeare, nhưng chỉ theo Shakespeare về những sự có thể làm vui mắt vui tai thính giả Pháp, nghĩa là có thể chiều được cái tính sở thích của bọn tri thức Pháp mà thôi.

Vậy tôi ao ước rằng các nhà văn sĩ Annam sau này nên theo ý tưởng của các nhà văn sĩ nước Pháp, nước Trung Hoa mà cả các nước ngoại quốc nữa, nhưng xin các ông ấy đừng viết chữ Pháp, chữ Tầu, mà chỉ viết chữ Annam.

Xin các ông ấy cố hiểu thấu cái tâm trạng quốc gia và khiếu văn chương ngoại quốc mà mình theo được thích hợp với những sự cần thiết của cái tâm trạng ấy.

Các ông ấy cứ bắt chước nhưng các ông ấy phải yên trí rằng các ông ấy viết quốc văn. Đó là cái phương pháp phổ thông mà tôi thiết tưởng các ông ấy nên dùng.

 

 

b/ Bắc chước phải khôn khéo.

Tôi muốn nói rằng muốn bắt chước được tân kỳ thì phải có một nền giáo hóa uyên bác. Vậy nhà văn sĩ Annam nào muốn văn mình được có vẻ tân kỳ thì cứ bắt chước, nhưng trước khi bắt chước phải biết những sự cần thiết về tri thức Annam, và phải hiểu thấu những nền văn chương mà mình muốn theo. Nếu muốn bắt chước văn Pháp thì tất phải có một giáo hóa chắc chắn về nền Pháp văn. Muốn bắt chước văn Trung Hoa hay một nền văn chương ngoại quốc nào cũng vậy. Phải nhớ rằng Ronsard và bạn đồng chí cùng bọn môn đồ đã tận công cùng lực học các áng văn chương đời cổ rồi mới phỏng theo đấy mà trước tác ra Pháp văn.

 

c/ Bắt chước những lối gì?

Tôi xin trả lời ngay rằng cái đó là tùy ở tính chất từng người. Cứ kể một cách đại cương thì lối gì cũng hay, nhưng có lối hợp phong thổ tính tình, vì thích hợp với những sự cần thiết của tri thức quốc gia. Những lối ấy là những lối gì? Cái đó [mất 1 dòng, 7 – 8 từ] tìm kiếm ra. Nhưng tài văn [mất 2 từ] một điều là bắt chước Pháp văn phải khôn khéo lắm mới được. Là vì Pháp văn là một vật độc nhất vô song ở đời, là một địa sản có mỹ vị, và tôi có thể nói một cái hoa giồng trong vườn che kính không thể hợp thủy thổ khí hậu một nước khác được.

(còn nữa)

[không thấy mục số 2? -- LNA]

 

3/ Bao giờ ta mới thực có một nền quốc văn đích đáng?

NMT – Cái đó, tôi không biết. Có lẽ phải đợi hai thế kỷ nữa. Ta cứ ngẫm Pháp văn thì đủ hiểu, văn sĩ Pháp bắt đầu bắt chước ngay từ thời mới có cuộc chinh phục La-mã. Người Pháp chất phác, đời bấy giờ viết văn La-mã. Cứ như thế trong suốt thời đại trung cổ nên văn chương La-mã vẫn còn, tôi muốn nói văn La-mã mà các nhà văn sĩ viết ra.

Đến thời đại Văn nghệ phục hưng, những công cuộc phấn phát của bọn Thất Hiền cũng bị vài phần thất bại. Một phần lớn công trình trước tác của Ronsard không ai đọc mà hiểu nổi, bởi vì tác giả bắt chước không được khôn khéo. Phải đến tận thế kỷ thứ 17 mới thực có một nền văn chương Pháp.

4/ Trong thời kỳ hoài dựng nền quốc văn, thì sự quan hệ của văn phẩm bình ra sao?

NMT – Văn chương bình phẩm rất có quan hệ: là vì có thể kiến chính được những cái sở thích của công chúng và dẫn đạo cho sự bắt chước của các văn nhân. Tỏ cho các nhà viết văn biết bắt chước thế nào thì văn mình được hoan nghênh, nghĩa là được có vẻ tân kỳ đặc biệt, tránh nỗi khó hiểu, thích hợp với tri thức Annam. Tỏ cho họ biết rằng có khi bắt chước chỉ là cách chép đê hèn, không có giá trị, và kém hẳn bề nhã thú. Nhưng tôi không cần nói rằng tuy văn phẩm bình có giá trị nhưng trở nên một nhà phẩm bình cũng không phải dễ dàng, cũng như không phải dễ dàng mà trở nên một nhà văn sĩ! Hai cái nghề ấy cũng bắt buộc phải biết nhiều và học rộng.

Có một số người Annam trẻ tuổi tưởng lầm rằng chỉ cần muốn là có thể trở nên một nhà viết văn hay viết báo được! Đáng thương! Có học mới biết hay ít ra cái gì cũng phải học mới biết!

5/ Một điều khuyên các nhà văn tương lai?

NMT – Đừng quên rằng dịch văn là một cách tập viết văn rất có công hiệu, và muốn hiểu một áng văn, cách diệu nhất là đem dịch áng văn ấy sang quốc văn. Dịch là cố hiểu, hiểu tư tưởng tác giả mà lại là có sáng kiến, sáng kiến theo lối văn của dịch giả. Đừng tưởng dịch văn là một lối văn không đáng kể. Không, văn chương lề lối của nước Pháp phần lớn là nhờ ở công trình các nhà văn học cổ điển thế kỷ 16. Các nhà viết văn ấy đã đem dịch những cái hay trong cổ văn ra Pháp văn cho mọi người hiểu. Vả Amyol vẫn lưu danh trong văn đàn nước Pháp, dẫu chỉ là một nhà dịch giả mà thôi. Về phần tôi, tôi dám chắc rằng ông Nguyễn Văn Vĩnh sau này sẽ là một nhà dịch văn đáng ghi tên trong sử ký văn chương nước Nam.

Một điều khuyên nữa: nói bắt chước là bắt chước cái thể văn. Chứ ý tưởng thì vẫn phải giữ tính cách siêu xuất. Tôi muốn nói rằng chỉ nên bắt chước cái lối viết văn, còn ý tứ tư tưởng trong bài thì phải là của mình: khi một nhà viết văn đã tìm ra được một lối văn ngoại quốc mình thích, mình vẫn ao ước xưa nay, thì phải cố phô bầy những tính tình của mình, những ý tưởng nó vẫn nằm ở trong tâm não mình. Về vấn đề ấy, ta cũng nên trông gương người Pháp: tôi đã nói một phần lớn văn chương Ronsard không lưu truyền lại hậu thế là vì không những Ronsard đã bắt chước văn thể mà lại theo như hệt các tư tưởng của cổ nhân. Ngày nay ta còn đọc văn Ronsard là chỉ nhờ những tập thơ về ái tình, những bài luận thuyết về văn chương, v.v., nghĩa là những áng văn chương mà thi sĩ đã đạt những ý tưởng, những tính tình riêng của mình, và đã đạt ra ngoài tròng kiềm tỏa của cổ văn. Nói thế có phải tôi muốn tưởng lệ lối viết văn có tính cách cá nhân và lãng mạn chăng? Không thực hẳn thế. Tôi xin tuyên cáo những chức quyền của một nền văn chương có tính cách “nhân loại”. Nhiều nhà trí thức chưa rộng tưởng rằng có một nền văn chương cổ điển và một nền văn chương lãng mạn. Lầm. Các nhà phê bình đời nay đương công kích cái thuyết phân đẳng loại ấy. Chỉ có một nền văn chương ở tay người viết ra, viết cho người đọc, nói cho người nghe.

Dù cổ điển hay lãng mạn thì cũng được người ca tụng nếu có đủ đức tính của loài người. Những chữ cổ điển và lãng mạn chỉ phô một ý trái ngược nhau (trái ngược, hình thức) trái ngược về văn thể mà thôi. Nhà cổ điển ngắm kẻ khác để tả người, còn nhà lãng mạn thì sự ngắm mình để tả người. Đó, khác nhau chỉ ở chỗ đó.

 

Tổng luận -- Tôi chỉ có một khẩu hiệu cùng các nhà viết văn Annam sau này, cái khẩu hiệu là câu trót của bài này: Bắt chước khôn khéo, và trước hết phải giữ được tính tình của mình. Phải lưu ý đến quốc gia và nhân loại.

 

Nguồn:

Phong hóa, H., s. 18 (20 Octobre 1932), tr. 5; s. 19 (27 Octobre 1932), tr. 3

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم