VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Câu chuyện "viết về chiến tranh" của lớp người chúng tôi


Từ 75 về trước, đề tài chiến tranh là đề tài quán xuyến nhất trong sáng tác của các nhà văn. Bởi lẽ viết về chiến tranh không phải chỉ viết về mặt trận mà còn viết về hậu phương, cho nên không chỉ các nhà văn mặc áo lính mà cả các nhà văn trong các hội đoàn ở các hội văn nghệ tỉnh cũng thường xuyên có mặt ở đề tài này.

Thế nhưng các sáng tác hồi đó lại quá giống nhau và phải nói là ít giá trị lâu dài. Những nhà văn tâm huyết như Nguyễn Minh Châu thường nói với tôi là chờ đến sau hòa bình sẽ viết. Nhưng rồi sau chiến tranh,  anh Châu cũng mãi sang viết về các vấn đề hậu chiến, sau đó thì đau ốm và qua đời. Lớp nhà văn trẻ trong những năm chiến tranh như Lê Lựu, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật... cũng không ai để tâm để trở lại những năm tháng mà mình đã có mặt ở chiến trường.

Sở dĩ có tình hình như vậy, nguyên nhân chính theo tôi là vì quan niệm về chiến tranh và văn học về chiến tranh ở ta hoàn toàn xa lạ với thực tế, cũng như xa lạ với cách hiểu và cách viết của các dân tộc khác trên thế giới.
Thêm nữa mặc dù đã chuyển qua giai đoạn hòa bình hơn bốn chục năm nay nhưng quan niệm về chiến tranh vẫn cứ giữ nguyên như người ta đã quan niệm trong thời gian cũ. Đó cũng lại là một lí do khiến cho chiến tranh không được tiêu hóa.

THẾ GIỚI NGƯỜI TA VIẾT VỀ CHIẾN TRANH THẾ NÀO
– MỘT VÍ DỤ NHỎ

Trước mắt tôi là cuốn Chiến tranh thế giới thứ nhất những câu chuyện lịch sử khác thường, nguyên văn tiếng Anh World War I - - A very Peculiar History của nhà xuất bản Salariya Book Company Ltd, và do nhà  Kim Đồng tổ chức dịch lại.
Trong sách người ta đã trình bày cái sự kiện mà năm nay chúng ta kỉ niệm 100 năm một cách hết sức phong phú nhưng cũng hết sức giản dị.
bao gồm từ nguồn gốc của chiến tranh, các loại vũ khí được sử dụng, những chú bồ câu đưa thư
cho tới những chuyện khó tin trong chiến tranh,
những lời đồn đại,
những ám ảnh trong đầu óc người lính,
các biệt danh của vũ khí,
bệnh tật trong chiến hào,
các hồn ma thiên thần và quỷ dữ...
Ở trang 156 cuốn sách, tôi bắt gặp một câu trong thư của hoàng đế Karl I gửi hoàng hậu Zita của Hungary khi đại chiến vừa nổ:
"Anh là một sĩ quan với cả thể xác và tinh thần, nhưng anh chưa thấy ai tiễn những người thân yêu nhất của mình ra trận mà lại yêu chiến tranh".
---
Ta thường nghĩ tới việc có những tác phẩm văn chương về 30 năm chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng nhận thức về chiến tranh phải là đóng góp chung của khoa học xã hội.

Một cuốn sách tương tự như loại trên ta cũng không biên soạn nổi.
Vì có bao giờ chúng ta sưu tầm nhũng tài liệu tương tự như các tài liệu trong cuốn sách này.
Và trước hết vì quan niệm của chúng ta về chiến tranh và lịch sử chiến tranh chẳng giống ai.

GIẢ CŨNG ĐƯỢC , MIỄN LÀ LÀM CHO NGƯỜI TA KHÔNG SỢ

Nói một cách tóm tắt thì trong chiến tranh, bọn tôi ở Hà Nội chỉ được yêu cầu là viết về thực tế nhằm để động viên người lính ra trận, và ghi lại những chiến công mà những người lính ấy đã thực hiện. Chúng ta chỉ có một nền văn học viết về chiến công chứ không hề có văn học chiến tranh.

Một phóng viên nhiếp ảnh trong lúc thân tình đã cho tôi biết nhiều chuyện nghe ra thấy nực cười. Trên lý thuyết các anh phải có mặt ngay những điểm nóng của cuộc chiến đấu và gửi về những tấm ảnh rất xác thực với tình hình chiến trường. Nhưng những anh em lấu năm trong nghề lúc xem lại việc ảnh mình được sử dụng dần phát hiện ra một quy luật báo chí chỉ thích đăng những ảnh nào diễn tả chúng ta thành công, chiến thắng, còn những tấm ảnh nói về những gian khổ của chiến trường thì không bao giờ được sử dụng. Có lần, phóng viên X.  kể đã làm việc liều lĩnh như sau. Tòa soạn cần một tấm ảnh về xe tăng xung trận, anh chỉ lấy một ít vải tẩm xăng đốt lên tạo không khí và chụp gửi về, ảnh vẫn được sử dụng như thường mà lại còn được khen nữa. Trong văn học điều đó càng phổ biến.

Có thể nói là chúng ta sẵn sàng chấp nhận những cái giả, những cái bịa đặt, miễn là những cái đó có lợi cho tình hình chung ngay lúc ấy.

Trên đại thể, chúng tôi luôn luôn được dạy dỗ là phải viết sao cho người hậu phương cảm thấy chiến tranh như những ngày hội, toàn những ngày đẹp.

Hồi cuốn Nỗi buồn chiến tranh mới được in ra, tôi sớm nhận thấy ở đó có ba đặc điểm:
Một, chiến tranh là chuyện giết người.
Hai, trong chiến tranh thì cái đẹp bị sụp đổ
Ba, người ta không tự nguyện trở thành người anh hùng mà người ta bị bắt buộc trở thành người anh hùng.

Nhưng với kinh nghiệm của tôi, thì chỉ cần viết ra những điều đó trong những bài phê bình đã là không thể chấp nhận đối với các tòa soạn. Ngoài ra lại còn có thể có hại cho tác giả nữa. Và quả nhiên là sự dự đoán của tôi là đúng. Hồi đó là năm 1991, nhà văn Nguyên Ngọc còn đang làm Trưởng ban sáng tác của Hội Nhà văn nên đã thuyết phục được một số người trong Hội lúc đó trao giải thưởng cho cuốn sách. Nhưng chỉ mấy năm sau, đòn đánh đã quật ngược trở lại. Tác phẩm bị những lời lên án không thương tiếc.

Cho đến nay ở các trường đại học, phần giáo trình văn học sau 1975 vẫn còn dè dặt và cố lảng tránh hai hiện tượng quan trọng nhất sau 75 là các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và Nổi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

QUAN NIỆM CHỈ ĐẠO CỦA CẤP TRÊN

Nói rằng các nhà văn của ta chẳng có một quan niệm gì về chiến tranh thì không đúng. Thật ra ở ta có một quan niệm chi phối mà có thể tóm tắt như sau: Viết về chiến tranh là để động viên con người ra chiến đấu. Phải viết thế nào để cho người ta không ghê sợ chiến tranh mà sẵn sàng tham gia.

Trong khi ở các nước khác, chiến tranh là cái gì không bình thường thậm chí là đáng ghê tởm, thì ở ta, các nhà văn phải viết làm sao để người ta coi chiến tranh là bình thường và chiến tranh làm cho cả dân tộc trưởng thành. Nói để cho người ta sợ chiến tranh là có tội.

Những quan niệm nêu trên theo tôi hiểu là bắt đầu từ phần văn học Xô Viết viết về chiến tranh ngay trong những năm đang tiến hành chiến tranh chống phát xít. Về sau nó được các nhà văn Trung Quốc thời Mao Trạch Đông đẩy lên thành công thức. Các bộ phim Trung Quốc chúng tôi xem hồi đó như Đội du kích đường sắt Dùng mưu chiếm Hoa sơn, Đổng Tồn Thụy… thường ca ngợi các loại anh hùng sẳn sàng hi sinh mình vì cuộc chiến đấu.

Nhưng đó là bộ phận văn học được viết ngay trong lúc có tiếng súng. Về sau, cả ở Liên Xô cũ lẫn ở Trung Quốc đã thay đổi thì chúng ta lại không biết.

Sau cuộc đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm và trước khi bước vào chiến tranh năm 1965, còn có cuộc đấu tranh tư tưởng nửa ở Hà Nội là đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại và cuộc đấu tranh này được tiến hành cả trong chính trị lẫn văn nghệ. Một nội dung của chủ nghĩa xét lại được ghi nhận là các nhà văn Liên Xô thời đó, theo sự chỉ đạo của Khrusov, muốn tìm sự thật trong chiến tranh và nói nhiều về những yếu đuối của con người, những bất lực của con người khi buộc phải tham gia chiến tranh. Các bộ phim Liên Xô minh họa cho tư tưởng đó như Bài ca người lính, Đàn sếu bay qua… được chiếu rộng rãi ở Hà Nội. Nhưng chỉ ít lâu thì lập tức liền bị phê phán. Chỉ riêng tư tưởng “Người ta sinh ra không phải là anh hùng” đã đủ làm cho ông Tố Hữu nổi giận. Trong các bộ phim trên, người ta thấy khát vọng hòa bình đồng nghĩa với tính nhân bản của con người. Và những con người gang thép mà trước đây chúng ta vẫn miêu tả thật ra là những con người rất yếu đuối. Trong hoàn cảnh Hà Nội đang chuẩn bị có cuộc chi viện lớn thực chất là một cuộc viễn chinh ở miền Nam thì những tư tưởng đó được coi là có hại.

Trong cuốn Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, Tố Hữu có bài điểm lại hai quan điểm về chiến tranh, hai cách miêu ta về chiến tranh . Ông viết:

Những người theo chủ nghĩa xét lại hiện đại đã bỏ rơi truyền thống văn nghệ cách mạng. Xuất phát từ quan điểm lệch lạc về chung sống hòa bình, “tính chất chiến tranh của thời đại ngày nay đã thay đổi”, họ đã miêu tả chiến tranh với dụng ý rõ rệt là để chứng minh quan điểm xét lại về chiến tranh. Những tác phẩm của họ diễn tả chiến tranh một cách khủng khiếp, gây nên tâm lý sợ sệt hoặc miêu tả những tâm trạng buồn nản của những bà mẹ mất con, tâm lý tuổi nhục cô đơn của người thương binh mất gia đình, của người vợ mất chồng, sự điên loạn của những em bé mất hết người thân thích. Trong những tác phẩm ấy, người ta chỉ thấy mất mát và mất mát, sự khủng khiếp này lên sự khủng khiếp khác bao trùm. Trong những tác phẩm ấy, thỉnh thoảng cũng le lói cuộc chiến đấu dũng cảm của những con người kiên quyết bảo vệ Tổ quốc, nhưng bao trùm lên vẫn là những con người thiếu lòng tin trong những cơn thử lửa, chủ nghĩa thất bại được minh họa bằng những “sự thật lịch sử bị xuyên tạc”.

MỘT TÀI LIỆU CHO THẤY
 NẾU VIẾT THEO ĐÚNG THỰC TẾ NHÀ VĂN BỊ TAI HỌA

Sau đây là một bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thân


( T T&VH số 55 ngày 24/2/2008)

Phù Thăng, một câu nói, một cuộc đời 
 Nhà văn Phù Thăng đã mất vào trưa hôm 21 tháng Hai tại quê nhà, thọ tám mươi mốt tuổi.
Cuộc chơi nào rồi cũng đến phút chót. Nhưng cuộc đời của Phù Thăng không phải là một cuộc chơi. Như ông sinh ra là để chịu đựng vì những chuyện trái khoáy, lãng nhách. Rất may cho tôi là do kết hợp công chuyện, tôi đã về quê thăm vợ chồng ông vài tháng trước đây. Lúc đó ông chỉ nhìn, bắt tay chặt nhưng không nói gì nhiều vài cái ừ à hay một câu chào hỏi. Chị Phù Thăng là người tiếp chuyện. Cái gì cũng “ông ấy bảo…”, “ông ấy bảo” thế này, thế kia. Như là người phiên dịch vậy.

Ông là một người lính. Năm 1963, Phù Thăng đã là trung đội trưởng trinh sát trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1963 ông được độc giả biết nhiều nhờ cuốn tiểu thuyết “ Con nuôi của trung đoàn” rồi sau đó là “Phá Vây”. Nhưng đến cuốn sau thì “giữa đường đứt gánh”. Cuốn sách có trên 500 trang viết về chiến tranh thời chống Pháp, về người lính, chỉ có một câu như thế này: “ đời lính là đời quá nhọc nhằn”. Câu văn ấy được một người có uy lực phán ở đâu đó: “ Cả cuốn sách thì được. Nhưng sao tác giả lại viết một câu: “ Đời lính là đời quá nhọc nhằn..? Đang chống Mỹ Nguỵ, giải phóng miền Nam, viết thế ai còn muốn đi lính nữa?” Gậy nhạc trưởng đã giơ lên. Tiếp sau là một dàn đồng ca lên bổng xuống trầm. Một bản nhạc khá quen thuộc thường cất lên khi một nhà văn vì lý do gì đó mà ngã ngựa.

Từ đó không ai được đọc tiểu thuyết, thơ hay truyện ngắn của Phù Thăng nữa. Nhà văn Phù Thăng biến mất sau một câu nói. Chỉ còn một Phù Thăng phóng viên, biên kịch và một ông nông dân thực thụ sau khi về hưu.

Ông lặng lẽ rời quân đội, nơi ông gắn bó từ năm 1947, vì lý do ai cũng biết, sang làm phóng viên Báo Thể dục Thể thao. Rồi năm 1964, ông chuyển về làm biên kịch thuộc Xưởng phim truyện Việt Nam cho đến năm 1988 nghỉ hưu tại quê nhà. Cuối cùng thì cũng được về hưu, may mà không việc gì. Ai cũng mừng cho ông.

Phù Thăng từng là một hiện tượng. Hồi đó tiểu thuyết còn hiếm. Trong khi Nguyễn Khải viết Xung Đột, mô tả “cuộc đấu tranh chính trị” thì Phù Thăng viết về con người. Ông viết về những người lính. Như Hữu Loan từ năm 1947 đã từng viết về cuộc chiến trên Đèo Cả “ suối mang bóng người trôi những về đâu?”, Phù Thăng đã sớm nhìn ra con người lính nhọc nhằn. Mà văn chương không cho người ta nhìn thấy con người thì là thứ văn chương gì? Hữu Loan cũng đã từng bị chất vấn: “ Sao lại khóc một người chết trôi ( dù người đó là vợ mình) một cách bi lụy thế trong Màu Tím Hoa Sim? Sao lại nhìn thấy bóng lính “trôi những về đâu?”khi cuộc chiến còn khốc liệt? Và Phù Thăng thì khốn đốn vì đã viết “đời lính là nhọc nhằn”.

Bây giờ thì mọi sự đã qua. Chắc người viết và người phán đã gặp nhau, không còn cấp bậc. Có lẽ họ sẽ bắt tay nhau vui vẻ, cùng nói: “Gặp thời thế, thế thời phải thế!”.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم