VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cái nhìn theo hướng duy tân của vua quan nhà Nguyễn đầu thế kỷ XX

Khi nghiên cứu về xu thế tìm tòi tưởng theo hướng DUY TÂN đầu thế kỷ XX  - mà nội dung chính là lo hướng về phương Tây học tập phương Tây - người ta thường chỉ nói tới các nhà nho trong Đông Kinh Nghĩa thục, nhất là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Thực ra, trong lịch sử,-- đó là cả định hướng của mọi tầng lớp ưu tú trong xã hội lúc ấy, bao gồm cả vua quan nhà Nguyễn. Tôi muốn chúng ta cùng tìm hiểu điều đó.

Mục đích của tôi khi làm việc này: chúng ta phải trở lại với lịch sử phát triển tư tưởng của cha ông trước 1930. Lịch sử đó không nghèo nàn và lầm lạc như bọn tôi và các thế hệ trẻ hơn vẫn được dạy. Do yêu sầu của chiến tranh thời nay chúng ta đã làm ra một thứ sử “chỉ biết có mình tự ca tụng mình”. Đã đến lúc con người nửa cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI phải khiêm tốn hơn trong việc nhìn nhận quá khứ.


Tôi xin nêu hai sử liệu
Đây là một đoạn  đã đưa trên FB của tôi 26-11-2018

TRIỀU VUA CUỐI CÙNG CỦA NHÀ NGUYỄN
QUAN NIỆM VỀ SỰ KẾ VỊ NHƯ THẾ NÀO ?
Trong "Đồng khánh Khải Định chính yếu" của quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch quốc ngữ, tr 269, thấy có ghi:
Năm Khải Định thứ bẩy(1922), mùa hạ tháng tư, Mệnh cho Hoàng Thái tử sang Tây du học.
Dụ rằng
“ Sở dĩ cha mệnh cho con đi du học chính là muốn con mở rộng kiến thức, tăng cường trí tuệ, đồng thời có được hiểu biết về công việc giao thiệp, để sau khi thành tài có được một tư chất hoàn hảo.
Vả lại làm địa vị một người đứng trên những người khác thì trách nhiệm không phải dễ dàng.
Với trách nhiệm nặng nề to lớn thì phải có tư chất hơn người mới có thể đảm đương được.
Nếu may mà con đi du học thành tài trở về đến khi cha già trăm tuổi qua đời sồi, triều đình lập con nên kế ngôi thì tư chất của con đã đủ để gánh vác trách nhiệm ấy.
Còn nếu vạn nhất chẳng may vì duyên cớ ngoài ý muốn mà con không học được thành tài khi đó triều đình có đón con về lập lên ngôi thì con phải từ chối nhất thiết không được nhận.
Nhận ngôi để rồi không đảm đương được trách nhiệm thì không chỉ hại đến bản thân mà thôi đâu. Cái hại đối với bản thân mình còn là nhỏ, để hại cho tôn miếu xã tắc thì cái hại ấy mới thật là lớn. Con hãy nghe theo lời của cha. "
Trong đoạn văn này đáng chú ý nhất là câu gần cuối CÁI HẠI VỚI BẢN THÂN MÌNH CÒN LÀ NHỎ, ĐỂ HẠI CHO TÔN MIẾU XÃ TẮC THÌ CÁI HẠI ẤY MỚI THẬT LÀ LỚN.
Tôi chợt nhớ tới một ý thường được dạy trong các bài giảng về sử từ cấp ba tới đại học,trong đó thường nói là sau khi đầu hàng người Pháp, các vua triều Nguyễn - đại diện cho "giai cấp quý tộc lỗi thời" - ngày càng thoái hóa và biến chất.
Theo chỗ đọc được của tôi, triều Nguyễn có đưa trình độ quản lý xã hội lên một bước mới và để lại nhiều bài học bổ ích. Từ khi Pháp sang họ cũng đã có những thay đổi do biết học hỏi phương Tây.
Tôi biết được điều đó khi đọc qua mấy cuốn thực lục ghi lại hoạt động triều chính của các vua cuối nhà Nguyễn do anh Cao Tự Thanh dịch.
***
Sau khi nói về sự thay đổi của các đời vua, cần tìm hiểu thêm về sự thay đổi của quan lại nhà Nguyễn khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Trong lúc mò mẫm tìm thêm tài liệu, tôi ngẫu nhiên gặp bài viết sau đây và thấy nên giới thiệu để nhiều người biết.
Bài học của quan Tri Phủ Hoài Đức
http://mttuyet.fr/2015/05/bai-hoc-cua-quan-tri-phu-hoai-duc/
    ©Mathilde Tuyết Trần, France 2015, www.mttuyet.fr.
Dưới đây là những đoạn quan trọng nhất của bài viết. Trong khi trích lại nguyên văn, tôi có mạn phép lược lại một vài chữ để phù hợp với bạn đọc trong nước.
Cuối năm 1905 chính phủ bảo hộ Pháp mở một chương trình chính trị mới, đặt tên là «Nhiệm vụ thường trực Đông Dương tại Pháp» (Mission permanante indochinoise en France) cho phép một số quan lại triều đình được lựa chọn, thực hiện một cuộc « du học » tại Pháp trong suốt một năm.
Trong nhóm đầu tiên có Trần Tán Bình, tri phủ ở Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Đông, một trong số 10 người được đi du học đầu năm 1906.
Một năm du học tại Pháp đã khiến cho ông nhận ra những cái khiếm khuyết trầm trọng của xã hội Việt Nam còn bị đè nặng bởi ảnh hưởng Khổng Nho phong kiến thời đấy, và ông viết, kể ra, những dòng ý tưởng « nẩy lửa » so với nguồn gốc nho giáo, học để làm quan, xuất thân tri phủ của ông.
Chúng ta hãy thử đọc lại những điều quan tri phủ Bình viết trên
* Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Tome 7, 1907

ông nói về những quan niệm tổng quát về xã hội đã đến vói ông khi tới Pháp
« Trong tinh thần quan lại truyền thống của tôi, tôi đã luôn luôn có quan niệm là một đất nước như một đám dân điều khiển bởi một vài nhân vật, mà mệnh Trời đã ban cho họ một ưu đãi là dẫn dắt đám dân theo ý muốn của họ, để lấy trên công sức thành quả lao động của nông dân một phần quyền lợi thiêng liêng đó để làm giầu cho chính mình, đem lại hạnh phúc cho gia đình mình.
 Lần đầu tiên tôi đọc, trong một quyển sách phương tây được dịch ra tiếng Hán, chữ « Cộng Hòa »,
tôi chưa thể hình dung ra làm sao một quốc gia có thể tồn tại mà không có « Vua » ra lệnh, không có những « cha và mẹ của dân » đánh đập những đứa con mình bằng roi tre.
Các khái niệm « bình đẳng » và « tương trợ giữa tất cả mọi người » gây sốc dữ dội trong tai tôi.
Làm sao mà, tôi tự hỏi, người nông phu chai cứng cả hai bàn tay để kéo, đẩy cày bừa, người đi cấy hai chân bì bõm trong nước ruộng, người bán rong những con trâu, con bò, người thợ cột kèo đeo cái hộp dụng cụ ở đầu một cây rìu, người thợ hồ xây tường, làm sao tất cả những người này lại có thể bình đẳng với tôi, anh em tương trợ với tôi, tôi, một người đã nhồi vào óc não bốn quyển tứ thư, năm quyển kinh điển và những điều khác cần thiết để có thể hưởng được ơn Trời, để được ngồi trên trảng kỷ chạm khắc nhận những lời chào kính cẩn của đám ngu dân, để phân phát những trận đòn roi cho những kẻ nào tôi không ưa, để đi dạo trên võng, trên ghế có người khuân và hai người che lọng hai bên, để nghe một đám « dạ » rân vang khi tôi muốn hút một điếu thuốc lào ? Làm sao tôi có thể xem những quyền lợi ấy là những điều sai trái bất công ?… ».
---
Một trong những nguyên nhân cản trở sự tiến bộ của xã hôi Việt Nam thời ấy đã được tri phủ Trần Tán Bình nhận định là cái  lũy tre làng.
ông nói về quan niệm sống của người dân Việt quanh cái làng
   “Người ở Đình Bảng thì không thể sống ở Phú Liên, vì khác biệt về phong tục tập quán.
 Tinh thần yêu nước của họ dừng lại ở cái cổng làng, từ rất ít quan hệ xã hội nẩy sinh ra sự thiếu vắng mọi tình cảm đoàn kết, nẩy sinh ra một sự không thể làm được sự kiện gì lớn hơn, không thể đồng ý với nhau cùng là công dân với nhau để khuếch trương thương mại, kỹ nghệ hay điều gì khác, họ bỏ lúng bốn phần năm ruộng đất canh tác, họ không quan tâm đến những gì xảy ra ngoài cái làng nơi có cái túp lều của họ.”
---
Có ảnh hưởng sâu đậm hơn, mang đến những tai hại  nặng nề hơn cho xã hội Việt Nam là sự áp đặt giáo điều Khổng Nho  lên toàn xã hội, coi đó là nền tảng của quốc gia.

Do sự tôn trọng và áp đặt khoa cử kinh điển tứ thư, ngũ kinh, học thuộc lòng, vận động trí nhớ nhưng không vận động trí thức, tư duy, tìm hiểu, phán xét, lý luận, nghiên cứu lối học để làm quan ...
 xã hội Việt Nam  bị cản trở về tâm lý của cả xã hội, xem mọi công việc lao động chân tay, lao động trí thức là hạ tiện.

Trần Tán Bình  nói tới những trói buộc về mặt tư tưởng với cả xã hội
   “Sự lụn bại của trí thức an nam nằm ở chỗ chúng ta dùng chữ Hán. Việc này cản trở sự phát triển trí tuệ. Để đạt được kết quả trong những cuộc  thi hương, thi hội, thi đình,  chúng ta phải thuộc lòng những điều Khổng tử và Mạnh tử đã phán xét những việc này, việc kia từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn (Trung Hoa)..."
ông khái quát  trình độ sống của dân tộc
"Nhưng phải nhận thấy rằng không phải là một điều mơn trớn cho một dân tộc bị coi là dân tộc trẻ con khi dân tộc đó có 4.700 năm tuổi (Câu này ý không rõ, nhưng tôi chưa biết phải sửa thế nào – VTN). Trẻ con trong công việc, chúng ta vui chơi trên mọi lãnh vực. Trẻ con trong giáo dục, chúng ta vui chơi với trí nhớ. Trong thương mại, chúng ta vui chơi với bán hàng. Trong chính trị, chúng ta vui chơi với quan chức. Tất cả chỉ là hài kịch. Trong gia đình, chúng ta vui chơi làm cha và làm con. Chúng ta diễn hài kịch khi chôn cất cha mình, khi cưới hỏi, khắp nơi và trong mọi tình huống. »
--
ông cũng nói nghiêm túc về đất nước mà ông tới tìm hiểu:
 “Đúng thật là người Pháp có những điểm yếu kém. Ở Pháp cũng như ở mọi nơi, cũng có những người say sưa nghiện rượu, hút thuốc, nói láo, ăn cắp, thất nghiệp, phản bội,  nhưng đó chỉ là số ít trong một dân tộc cẩn cù siêng năng, thông mình và phát triển kỹ nghệ ! Trong mười người thì có chín người lao động, mà lao động cực nhọc thực sự. Một kẻ mơ mộng loại « thầy đồ » của chúng ta, không những chỉ là một con vật kỳ lạ, mà sự hiện hữu của nó là không thể có được. Ở Pháp, cái miệng không có gì ăn nếu cái tay nằm yên. »
Trần Tán Bình kêu gọi:
“Chỉ chúi đầu vào sự học về quá khứ (về sự lụn bại của nhà Tần, sự nổi dậy của nhà Hán, những sai lầm của vua Trụ, những đức hạnh của vua Nghiêu, vua Thuấn…) mà quên đi tương lai và hiện tại, là một sự trốn tránh trách nhiệm vô nghĩa lý nhất…
***
Cuối bài, tác giả Mathilde Tuyết Trần kết luận:
Lối thoát thức thời theo Trần Tán Bình  là con đường hợp tác phát triển thương mại của hai quốc gia Pháp/Việt, đồng thời chấp nhận sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương, trong chiều hướng nâng cao tri thức (của người Việt), phát triển khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước, mài giũa sự tự trọng để một ngày nào đó, chúng ta không còn là những người bị bảo hộ, mà là những đồng minh kết hợp bởi quyền lợi của cả đôi bên.
Lịch sử hôm nay đã sang trang. Công bằng mà nói những người như tri phủ Trần Tán Bình cũng có góp phần của ông vào sự nhận thức cần phải đổi mới, tiến bộ trong khoa học, kỹ thuật, kỹ nghệ.
Sự sống còn của một dân tộc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nâng cao trình độ dân trí và mở rộng tầm nhìn hướng về hiện tại và tương lai là một công việc cấp bách nhất của mọi thế hệ, một trọng trách hàng đầu của bộ phận giáo dục, văn hóa dân tộc. Có ý thức, tri thức và kiến thức thì mới có hành động và phát triển.



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم