2/5
Nhớ lại cái
phía đời thường của ngày lễ hôm qua. Công việc được bàn nhiều ở các khu phố là
lấp nốt những hố cá nhân. Một mặt thì ở đó chứa chất tất cả những gì cần phải đổ
đi, than xỉ, bùn cống. Mặt khác, cái miệng cống vẫn quẩn lên một lớp váng như một
thứ ký ức không chịu tan biến đi cho. Dĩ vãng có mặt trên mỗi đoạn đường
chúng ta đi tới.
Là người
công dân Hà Nội lúc này nghĩa là gì? Là người thợ may vá chữa quần áo. Là
người thợ thiếc nhặt từng ống bơ cũ về làm lại cái đèn, cái ấm đun nước. Là
mấy chị phe phẩy lo chạy hàng phục vụ đám dân Hà thành từ nơi sơ tán trở về.
Là… cô giáo cũ đi thu nhặt lại đám học sinh.... Họ đang là những nhân vật chủ yếu
của thành phố!
Người
ta mang về các vườn hoa một ít dụng cụ đồ chơi. Và đây quả thật là những “quả
nhỏ” của chiến tranh: những cái khung đồ chơi bằng sắt trông nặng, chắc. Những
lớp sơn tạm bợ. Tiếng khung sắt động vào mặt đất xi măng nghe rào rạo một thứ
âm thanh xa lạ.
Hà Nội thích
nói tới sự tài hoa vì Hà Nội chỉ có cái bề ngoài. Hà Nội dũng cảm vì Hà Nội
nghèo khổ. Hà Nội từng trải, lì lợm, vì Hà Nội sống sát mặt đất. Đã bao nhiêu lần,
tôi nghe được những người khác nhau nói về Hà Nội. Có những chuyện vui nhất lẫn
những chuyện buồn nhất. Và tôi hiểu cộng những cái đó lại, mới là Hà Nội.