VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một nền hòa bình ngấm bệnh - Hà Nội tháng 4-1973

3/4
     Vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì hoà bình. Bây giờ, trên nhiều quãng đường, cái âm thanh nghe reo vui nhất, là tiếng máy gạt, máy san. Và cái mặt đất đẹp nhất, là những nền đất mới. Đất mới đổ xuống hầm hố cá nhân. Đất mới san nền, đất lật tung ra, từ những hầm đất lâu nay cỏ đã lên xanh.
   Bầu trời được dọn dẹp đã trở thành bầu trời bình yên.
   Hôm qua đất là chỗ trú chân. Hôm nay, đất phải là cuộc sống.

    Sông Hồng. Những con sông, bao giờ cũng gợi cho người ta nhiều ý nghĩ khác nhau. Sông dạy người ta thế nào là tự nhiên -- cái tự nhiên màu mỡ, trong sáng như là sự sống đậm đà trên một nhành cây một sắc lá.
     Nhưng sông cũng cho người ta hiểu thế nào là thiên nhiên hung bạo. Nó hiền lành đó mà phá hoại cũng đó, nó bình thản, nó đẹp thế, mà nó giở mặt thì chịu.
     Đứng bên thiên nhiên, con người cảm thấy mình bé nhỏ lạ. Không, con người sẽ làm được tất cả, dần dần làm được nhiều điều mà nó mong muốn. Nhưng mà con người phải vượt lên kia.
     Đứng bên sông, con người vừa qua chiến tranh như được đánh thức cảm giác hung bạo. Nếu không thì lại dậy lên những bản năng tự nhiên - ôm ấp, vuốt ve người khác giới. Và nếu không thì cáu gắt, chửi đổng, và cuối cùng thì buông lơi đầu hàng. Những con sông cũng luôn luôn là cái bất trị của mọi thành phố, vùng ven sông là những vùng ít ổn định nhất.
     Thiên nhiên muốn con người trở lại cái phía hoang dại của nó. Nhưng người ta liệu có thể vượt lên trên sự kích động?
    Những ý nghĩ trên đây đến với tôi, khi mà, mấy hôm liền, tôi ra chỗ bãi sông Hồng. Con sông chỗ tựa của lịch sử Hà Nội, cũng là chỗ tựa của xây dựng Hà Nội. Bắt đầu là việc lấy cát. Hàng ngày có biết bao nhiêu đoàn xe ra đây. Công ty san nền, công ty xây dựng... Có cả bao nhiêu là xe bò. Cát bay mù trời. Đống cát dùng băng chuyền cao lên mãi.
    Bãi cát, bãi của hoang sơ, nhưng cũng là khởi đầu của xây dựng. Bãi cát, trên đó bao nhiêu là vạch đường đi qua. Bãi cát lở, bãi cát lầy, người ta phải quành sang lối khác. Sách địa lý dạy chỉ có những lưu vực sông là nơi có người định cư sớm nhất. Một bó củi dâu lồng bồng, những ruộng dâu mờ mờ ảo ảo. Những người làm nghề tầm tang của một nước nông nghiệp, tôi biết  -- những ấn tượng xưa còn hằn trong ký ức.
    Ngày nay, những bãi đá, bãi than của các công ty xây dựng chạy dọc sông. Than và đá chạy đường thuỷ rẻ nhất. Và ở các thành phố chỉ dọc sông mới còn đất bãi, còn chỗ trống , còn trổ ra được những hướng mới.
7/4
    Cảm giác rõ nhất của Hà Nội 1973: xe bò.
     Đi đâu cũng nghe những tiếng gõ của bánh xe bò, tiếng móng bò đập trên đường. Ban đêm nhìn theo bóng dáng một khối lùm lùm trên đường, chỉ thấy một ngọn đèn lắc lư, chiều sâu của xe âm âm tối tối.
   Xe chạy âm thầm như xấu hổ, nhưng lại cần mẫn đến phát sợ. Rất khuya, còn nghe tiếng bánh lăn. Chợt sáng, đã nghe xe dậy. Dễ xe chui vào tất cả mọi ngả đường, mọi xó xỉnh. Đã bao nhiêu lần, tôi bắt gặp những người đánh xe như đang thiu thiu ngủ, như đang sống sống qua đi cho xong chuyện. Nhưng con bò vẫn đi, cái xe vẫn sống, dòng xe vẫn sôi nổi, và tôi vừa bằng lòng, vừa sợ hãi với cái sức sống đó của Hà Nội.
    Hà Nội và năm tháng. Có bao giờ chúng ta biết chính xác tuổi Hà Nội. Có bao giờ chúng ta nghĩ mình hiểu hết Hà Nội. Ẩn sau Hà Nội thanh lịch luôn luôn có một Hà Nội dầu dãi, nhẫn nại. Tôi bắt gặp chất nhẫn nại ấy khi nhìn những người dân ở đây đi đắp đê, khi nhìn vào những người dân nông thôn lần đầu ra với  phố xá. Và nhất là nhìn vào những cụ già ngồi bán qùa, bán bánh đọc đường, họ như là những gốc cây hiện hồn, những góc phố hiện hồn, họ không muốn chết cùng một Hà Nội nghèo đói .
     Những nét mặt các cụ già, những căn nhà mốc meo, những cái bếp dầu khét lẹt, tiếng xe điện guồng bánh mãi từ lâu mà không thấy tới - đất nước xa vắng như từ thế kỷ nào mang lại. Cách mạng là gì vậy, mà những cái tốt trong quá khứ thì chết hết cả, những cái xấu thì cứ còn mãi, chìa ra lan tràn ban phát đầy sông, đầy đường.
    Phan Nhật Nam theo ra trao đổi tù binh về viết ( có đúng  thế không hay chỉ là đồn đại?)người ta đã biến Hà Nội thành một thành phố vô tính (không ra đực, không ra cái), một thành phố không có người. Cái câu Tôi bước đi, không thấy phố, thấy nhà của Trần Dần cần phải thay bằng: Tôi bước đi không thấy phố thấy người.
   Có bao giờ anh chợt nhận ra có một bầu trời trên đầu mình ?
   Đi trên thành phố chúng ta cứ bị hấp dẫn bởi những nét mặt và những hàng cây, đến nỗi quên đi bầu trời trên kia. Bầu trời trên thành phố là một sự ngơi nghỉ, một thoáng ưu tư. Những hàng cây cho ta ý niệm về sự trong sạch, cây chết đứng giữa thành phố bụi bẩn, nhưng cây tìm cách sống. Cắm sâu vào đất, nhưng nó lại vươn lên ánh sáng.

10/4
     Nhàn: Thanh niên bây giờ có loại con các ông to. Nó tha hồ làm đủ mọi chuyện.
    Niệm: Nó khác mình ở chỗ ấy.  Chúng mình con nhà nghèo nên mình vẫn còn rút rát. Trong khi ấy, nó cứ đàng hoàng làm bậy, chẳng sợ gì cả.
     Nhàn: Căn bản là vì nó không bị ràng buộc về kinh tế.
     Niệm: Nhất là nó không bị ràng buộc vì dư luận. Cái này quan trong hơn nhiều.
       
      Thư, em tôi, kể ở lớp có một thằng bạn làm thơ, mơ ngày mai -- anh này sẽ làm kỹ sư, anh kia sẽ đi nước ngoài, anh nọ viết văn. Khánh (cháu ngoại cụ Tôn Đức Thắng) làm thơ bác lại:
     -      Ai khiến anh phát vé cho tôi?
     -       Ai khiến anh ban phát cho mọi người.
     -       Tương lai là thế nào, không ai biết được!
     Ng Khải nghe tôi kể lại bình luận:
      -- Đúng, đúng thế. Những vấn đề mà giới văn nghệ nói còn là hiền. Đi ra ngoài nghe người ta nói còn là khốn nạn bằng mấy. Tai hoạ sẽ do từ chính những người hiểu thực chất hôm nay nhất mà ra.
17/4
     Hôm qua, nhiều người đi xem diễu binh thử. Hôm nay, suốt từ chập tối, đầu phố Quan Thánh leo lẻo tiếng loa. Đang thử loa mắc ở đầu đường, để điều khiển người duyệt binh.
     Tôi không thể háo hức với những chuyện duyệt binh này. Tôi chưa yêu được  những hồi quang của cái sức sống hùng tráng hôm qua. Hàng ngày tôi chỉ cảm thấy một thứ sức sống dòi bọ lúc nhúc, người nọ đạp lên đầu người kia.
     Con người ở đây, sống thấp lè tè mặt đất, còn cả bầu trời trong sạch thì bị thả nổi cho một bọn dốt nát hoành hành. Họ muốn nói gì thì nói. Như là hành hạ người ta, bắt người ta nghe, tống đủ mọi thứ sáo rỗng vào đầu người ta. Tiếng loa tiếng đài luôn có cái vẻ  kiêu hãnh của kẻ một mình một gậy múa loạn lên ở giữa đường như thể ở chỗ không người.
    Chủ nghĩa xã hội là gì? Là một cuộc mít tinh lớn, trong đó, quần chúng nhân dân là một khối đông đặc, và ở trên, có mấy lãnh tụ.

     Những mẩu đối thoại
    -- Tôi cảm thấy người dân nơi đây là những người đầy hiếu động.
    -- Có phải thế đâu. Dân mình là trì trệ nhất.
    -- Không, hiếu động nghĩa là hơi một tí là sinh sự, chửi bới, đánh nhau, có thể là còn móc mắt nhau, xin nhau tí tiết!  Còn trì trệ là  nhìn từ xa, nhìn bao quát. Mình có cả hai đặc tính đó.

      Và lúc này dân ta  là những người hay thì thào. Ra phố, hàng nước có người thì thào; vào mậu dịch, các nhân viên thì thào. Cho đến khi vào những buổi họp, người ta cũng thì thào. Đất nước mất đi sự thông tin chung. Luật pháp không xác lập được những mối liên hệ lớn, và người ta cứ phải tự lập những mối liên hệ, cứ phải quan hệ lẫn nhau. Những mối liên hệ tưởng rất lằng nhằng, nhưng thật ra nó đơn điệu. Nó chỉ gồm những mạch ngắn.

     Và bây giờ lại hỗn loạn nữa. Nếu quen một người công an hẳn sẽ được thông báo là ngày nào cũng có những cuộc ẩu đả, đánh nhau, giết nhau. Đã nghe một người nào đó nói:
   - Nhà nước không có luật pháp gì nữa. Thì để chúng tôi làm lấy luật pháp vậy.

18-4
       Nhận ra trên đường phố đan cài rất nhiều những mặt lính, cả những đại uý thiếu tá là thứ hồi trước chiến tranh rất hiếm.
     Tôi nhớ đến những khoảng rừng. Ở đó, ban đầu người lính đến ở tạm bợ. Nhưng rồi họ trở thành chính khu rừng.
      Đánh nhau lâu, trở về Hà Nội, người lính kia lại trở thành một thứ xa lạ, tạm bợ, một thứ sản phẩm bị rừng núi “thuộc’ đi làm biến chất đi.
     Sự tốt đẹp chỉ có thể là sự tốt đẹp của ảo tưởng. Và một cái nhìn tỉnh táo, thiết thực, chỉ có thể là một cái nhìn đau xót, nếu như không nói là dẫn đến thực dụng, tầm thường.

21/4
     Dạo này anh Nhị Ca hay nói với tôi về sự  trả thù. Suốt những năm hòa bình, dân buôn bán bị dân cán bộ khinh rẻ. Họ bị gọi bằng cái từ mới xuất hiện mấy năm nay, phe phẩy. Thù nhau ngấm ngầm.
      Nay đến thời chiến thì đám dân  phe phẩy ấy báo thù, khinh lại dân cán bộ ra mặt. Đơn giản thôi, chỉ cần trông vào bữa cơm của hai gia đình cạnh nhau là thấy ngay tại sao họ lại có cái quyền ấy.
   Tôi nghĩ đến một cái gì đó, một thứ luận thuyết thâu tóm chung, gọi là quy luật của đời sống. Và tôi sẽ chứng minh là nước Việt Nam của tôi, do không chịu tuân theo những luật đó, cho nên không làm được gì. Hơn nữa, những quy luật  bị dồn ép khiên cưỡng lại còn bật dậy trả thù người ta nữa.


   Tự nhiên nổi lên trong đầu óc mọi người vấn đề  quyền lực.
   Cũng như các chủ đề khác, nó lại được khơi gợi từ thế giới bên ngoài.
    Cuốn Trăm năm cô đơn bản tiếng Pháp được truyền tay và bàn luận. Tôi  thấy mấy nhà văn thạo tin dẫn lại với nhau những câu mà các anh bảo là của nhân vật chính, đại tá Aureliano Buendia:
   - Sự choáng váng về quyền lực trong ông đã trở thành những giờ phút bất mãn sâu sắc với ngay  bản thân mình.


    ... Các mệnh lệnh của ông thi hành khi ông chưa kịp ban ra, thậm chí trước cả khi ông nghĩ ra, và lại được chấp hành vượt quá cả mức mà ông dám hành động.
    -... Đi đến đâu, ông cũng gặp những thanh niên đón tiếp. Họ nhìn ông với những đôi mắt giống như đôi mắt ông, họ nói với ông bằng giọng nói giống giọng nói của ông, họ chào ông với lòng hoài nghi như ông. Họ chào và họ tự coi là con cháu ông. Ông cảm thấy một cảm giác rất kỳ lạ  -- hình như họ làm cho chính ông nhân tăng lên nhiều lần song chính vì vậy mà nỗi cô đơn càng trở nên nặng nề hơn, đau đớn hơn.
    Chúng ta chiến đấu chỉ để giành quyền lực mà thôi...
    .... Ông phải làm 32 cuộc chiến tranh, phải phá bỏ mọi điều quy ước với cái chết phải gục xuống trong vũng bùn  vinh quang để  có thể hiểu ra -- tuy đã muộn gần 40 năm -- sự quý giá của một cuộc sống bình thường.


   Trên Bản tin tham khảo  thấy có in bài một nhà báo Pháp nói về tình hình  VN hiện thời  
- Nước Việt Nam thường xuyên ở vào những điểm nóng của thế giới, đến nỗi họ tưởng rằng những tai vạ là ở ngoài vào, chứ không phải chính họ gây ra.
- Một dân tộc chỉ có thể phát triển trong sự cọ xát với các dân tộc khác. Người Việt Nam đang tự nhốt họ lại, và tôi ngờ rằng họ sẽ chết ngạt.

25-4
     Đôi lúc, cảm thấy vào những năm này, chỉ có đàn bà là đáng sống. Đi trên đường Hà Nội, gặp những người đàn bà đạp xe một cách nhẫn nại, ra dáng một người chủ gia đình, chồng con sau lưng. Đã trưởng thành, nhưng còn đủ tuổi trẻ để tự trọng -- họ diện một cách kín đáo, nhưng lại có cái dáng dày dạn, bất cần, xông vào mọi chỗ, giành lấy ánh sáng cho gia đình mình (gia đình là cái thể chế duy nhất mà những người này tự nguyện thờ phụng!)
     Những người đàn ông giàu tham vọng hôm nay chẳng có mấy,và hình như chẳng làm ai ngạc nhiên. Những cố gắng hiện lên trên nét mặt làm cho họ có vẻ đầy ảo tưởng, nhưng nếu không có cái đó, thì họ lại rất thảm hại. Đàn ông ở xứ này chỉ là dấu hiệu của sự bất lực. Vì họ quá nhiều thất bại.
    May mà cuộc đời bao giờ cũng có những người đàn bà, từ đó có một triết lý đàn bà.
-- dẫu sao, cũng phải tận tuỵ với cái tình thế mình đang lâm vào, cam chịu chấp nhận
-- Sống gắng gỏi nữa.
-- Nếu cần thì cũng diện, cũng ran rỉnh đùa bỡn như mọi người.
   Triết lý của đàn bà là triết lý thực dụng.

26/4
     Vẫn chuyện xe bò. Ngày mưa, người điều khiển xe cuốn cái cạp nứa ( vốn chuyên dùng để be thành xe cho tăng thêm sức chứa) thành một vòm mái che mưa,  rồi ngồi núp dưới đó.
      Giả sử như tôi làm nghề xe bò, hẳn tôi luôn luôn phải có đủ thứ mặc cảm. Mặc cảm tự hào nghênh ngang rằng mọi người cần đến mình. Mặc cảm bất cần. Chẳng ao ước gì cả. Ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, chân đi đất ư, kệ -- ngồi vào cái xe bò thì còn tính chuyện gì nữa?
     Mưa. Năm nay thời tiết ngang trái. Tết thì nắng nồng oi bức. Nắng đến không có chỗ cho con người ăn diện nữa. Nắng không để cho những ý định cá nhân được mở mày mở mặt. Làm gì có chỗ cho những cái đó.
      Và bây giờ thì mưa. Đầu hè, mưa hàng mươi hôm liền. Mưa đá rơi xuống khu vực người về chuẩn bị duyệt binh, những mái lều của người lính nát bung, trơ ra lần vải bạt bên trong. Mưa trắng trời Hà Nội, ngập ngay trên những đường phố bị trũng. Trẻ con đi học về lội bì bà bì bõm. Cô giáo đứng giữa ngã tư đường, cấm, doạ chúng nó mãi chúng nó mới chịu thôi.
         Mưa đã tàn phá một chút gì trên đường phố và trong tâm hồn đứa trẻ đó (Tôi nhớ cái ý đến với tôi thuở nhỏ: mưa có khả năng “bộc lộ”, “lột trần tất cả”). Nhưng thôi hãy nói cụ thể. Không đâu cho thấy tai hại của mưa  bằng ở nhà máy điện. Máy móc không kịp che, mưa phá những đầu mối, những lò hơi, mưa gây ra sự cố điện cho cả thành phố -- có buổi sáng, cả thành phố lạnh tanh.
    Cuộc sống sau mưa. Thành phố sau mưa. Những con đường trơ đá sạch trắng. Lá mới rụng còn xanh đen. Năm nay, căn nhà lợp lá của gia đình tôi dột đến mức ngay sau cơn mưa phải láng tro trên mặt nền mới đi lại được, nếu không thì ngã như chơi.

27- 4
      Mấy chục năm nay, ta chỉ có phá, mà không lo làm thêm của cải cho xã hội. Bây giờ, người ta khôn lên, cái gì người ta cũng có thể biết. Bao nhiêu sáng kiến được đưa ra, nhưng vật liệu đâu, lấy gì mà làm. Nói theo từ ngữ thời nay, chỉ cần tắc khâu vật tư, là nhắm mắt chịu. 
   Rút cuộc, kẻ có quyền thế nhất trong xã hội, trong mỗi cơ quan -- là những người nắm vật tư, nắm phương tiện vật chất. 
    Và do lúc này người ta không cho những người ấy một vị trí xứng đáng, cho nên ở trong bóng tối, họ càng hoành hành tợn.
     Tôi hiểu ra điều ấy khi làm cái công việc đơn giản của người con trai trong gia đình là tu sửa mái nhà tranh vách đất,  theo nghĩa đen , mà bố mẹ tôi đã làm từ 1952. 
     Tuần trước tôi đã phải xuống Phà Đen mua ít lá gồi về dọi lại chỗ dột .
     Mấy chủ nhật nay thì mượn cái xe ba gác bằng sắt ở cơ quan cùng hai cậu em ra sông Hồng xúc cát rồi kéo qua đường Thanh niên, qua trường Chu Văn An về nhà. 
      Theo lời khuyên của bà Tèo làm nhà máy bia đến ở nhờ,  chúng tôi đang lo thay các bức vách trát bùn ọp ẹp bằng  tường gạch ba banh.
     Đi xin than xỉ ử các nhà đun bếp lò. Rồi về giã nhỏ ra. Rồi mang trộn với xi măng cát và ép thành khuôn.
      Việc đóng khuôn thì đã có cậu Đăng em tôi nhận làm.
     Khó nhất là chuyện xi măng.  May quá, khi mang việc này  nói  với anh em ở cơ quan, tôi được anh Doãn Trung tìm cách giúp.  Anh Trung có người quen cũ là anh Ninh trước cũng là dân phiên dịch  Trung văn nay về là ở Ủy ban dưới Ô chợ Dừa. Anh Ninh có thể giúp tôi mua ít bao xi măng Hải Phòng ở cửa hàng vật liệu xây dựng.
     Mỗi lần đến anh Ninh lấy giấy giới thiệu ra cửa hàng, tôi không quên mang theo một tút thuốc Trường Sơn. Nó là tiêu chuẩn anh Trung chạy cho anh em trong cơ quan, thường tôi vẫn dùng để tiếp khách riêng. Lần nào anh Ninh cũng trả tôi tiền thuốc đầy đủ theo giá nhà nước.

1/5
    Hội hè là gì? Là những ngày vui, sau công việc. Là những ngày xả hơi buông thả  sau những “chiến dịch” mệt nhoài .
    Thử tìm ý nghĩ của đám tham gia duyệt binh. Họ quen tuỳ tiện buông thả . Mà duyệt binh trước tiên cần ý chí, nghị lực , kỷ luật. Từ thực tế đánh nhau trở về, người ta dễ xem đây là một việc tội nợ phải làm. 
     Nhưng  rồi máu anh hùng nổi lên, lại nhớ rằng việc đó rất có ý nghĩa. Và người ta cắn răng lại để làm. 
      Rút cuộc  thì cảm giác về một cái gì lớn lắm quay lại chi phối đến mức có lúc họ hiện ra lố bịch!
     Nhờ đi theo phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, tôi được vào sâu quảng trường, ngay dưới chân khán đài. Tôi nhìn kỹ những nét mặt đi qua quảng trường. Rất ít những nét mặt đẹp. Người chúng ta, không phải là những người để đi duyệt binh. Khuôn mặt thô, nước da xám, mắt tròn, mắt dẹp, cờ ra côm... đủ chuyện. Không có ai đẹp!

     Cuối xuân, đầu hè, lá đã bắt đầu xanh sau mưa. Khẩu hiệu đỏ rực các đường phố. Thú thực, tôi hơi ghê sợ cái màu đỏ này. Nó gợi cảm giác hỗn loạn. Nó tượng trưng một sự phá phách.
       Để tìm lại một chút bình thản, tôi muốn đi về phía sông, phía cát, phía màu xanh.
    Nhưng mà vẫn không dứt khỏi ám ảnh về buổi mít tinh vừa có mặt. 
    Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cuộc mít tinh lộn ẩu thế. Người đi dự mít tinh thì ít (mỗi khối phố định lấy 20 người, mà lấy được có 10). Sau này nhìn TV thấy trên quảng trường nhiều chỗ trống.
    Nhưng người đi xem, thì nằm la liệt mọi ngả đường. Và đây là cái cảnh không có trong những đám mít tinh hồi trước 1964.
    Độ 8h, những người phải đứng thì bỏ về, trong khi người đi xem tràn lên.
    Như một thứ lũ lụt: Người ta chui vào giữa các khối Công an - bộ đội. Người ta len vào giữa khách nước ngoài. Người vỡ ra từng mảng xô đẩy.
     Công An , Công An Nhân dân vũi trang, đám trật tự viên, tất cả bất lực.
     Ở đường Hùng Vương, phía bên phải lễ đài, nơi thoát ra của đoàn người diễu hành, người ta lên xô ra hẳn một nửa đường, chỉ còn lại một nửa đường. Nhục nhã, lộn ẩu ở phía người diễu hành đi qua, trong khi đó, ở phía sau, không gian rỗng ra.  Đến nỗi người như Tính cũng phải nhận:
    - Người ta đã quen với cách sống thời chiến. Lúc này mới hiểu chiến tranh...
    Vẫn theo Tính, chắc người đi qua lễ đài cũng chán ngán mệt mỏi. Không có Cụ Hồ để hy vọng chào đón, người ta ngoảnh đi lung tung. Lòng người phân tán quá chừng. Các lãnh tụ cười, vẫy tay chỉ vì nhớ rằng ống kính các nhà quay phim đang chĩa vào mình.
     Lúc gần kết thúc, tôi nghe tiếng lao xao: thế này thì người nước ngoài cười chết. Khu vực quần chúng trống quá. Một giọng hét rất to: Quân nhạc cử Giải phóng miền Nam.
      Khi điệu nhạc Giải phóng miền Nam vừa dứt, lại tiếng lao xao: Đáng nhẽ ông Đồng phải ra nói trước mọi người.
   Chờ đợi. Rồi ông ấy cũng ra:
    -- Chúng ta đã cử hành ngày lễ một cách rất thắng lợi (!).
    Và ông không quên cái điều thực chất nó khiến ta phải làm mít tinh:
    --  Chúng ta yêu cầu các nước anh em tiếp tục đồng tình ủng hộ chúng ta về mọi mặt.
     Tôi nghĩ bây giờ thì họ cũng biết mọi chuyện rồi. Nhưng họ mệt mỏi đến nỗi không thiết gì nữa.

     Đêm trên thành phố là khi con người trở về với cái hoang dại. Người ta chú ý đến tất cả những gì chung quanh, một tiếng lá rơi, một ngả đường rộng.  Có thể có ai đó đang lo chạy cấp cứu vì vợ đẻ, con đau. Nhưng nói chung những khốn khổ hàng ngày lùi đi rất xa.  Cái lối phớt lờ mọi chuyện vủa những cặp tình nhân được coi là có lý nhất. Trong đêm, tiếng người nói to hơn, tiếng móng xe bò gõ trên đường nhựa, nghe nhộn nhạo hơn. Ở đấy là tất cả những gì đang sống.

     Nhớ một ý Xuân Quỳnh nói buổi chiều:
    - Giá những người đi duyệt binh kia về cày cuốc, thì được bao nhiêu việc.
    Lúc ấy tôi chỉ hùa theo: “ Ai mà quay về được nữa. Ở mình bây giờ, những thứ quân sự đã hóa dễ quen hơn dân sự!”.
      Lúc này tôi nghĩ lan man thêm. Vậy thì ở mình chỉ những sự phá phách là toàn thắng. Nó ào ào như nước lũ vỡ bờ vô tận, như các dân tộc khác - tự tin, hào hứng, - làm ra của cải vô tận và thẳng đường tiến tới văn minh.

 Tự nhiên nổi lên trong đầu óc mọi người vấn đề  quyền lực.
   Cũng như các chủ đề khác, nó lại được khơi gợi từ thế giới bên ngoài.
    Cuốn Trăm năm cô đơn bản tiếng Pháp được truyền tay và bàn luận. Tôi  thấy mấy nhà văn thạo tin dẫn lại với nhau những câu mà các anh bảo là của nhân vật chính, đại tá Aureliano Buendia:
   - Sự choáng váng về quyền lực trong ông đã trở thành những giờ phút bất mãn sâu sắc với ngay  bản thân mình.


    ... Các mệnh lệnh của ông thi hành khi ông chưa kịp ban ra, thậm chí trước cả khi ông nghĩ ra, và lại được chấp hành vượt quá cả mức mà ông dám hành động.
    -... Đi đến đâu, ông cũng gặp những thanh niên đón tiếp. Họ nhìn ông với những đôi mắt giống như đôi mắt ông, họ nói với ông bằng giọng nói giống giọng nói của ông, họ chào ông với lòng hoài nghi như ông. Họ chào và họ tự coi là con cháu ông. Ông cảm thấy một cảm giác rất kỳ lạ  -- hình như họ làm cho chính ông nhân tăng lên nhiều lần song chính vì vậy mà nỗi cô đơn càng trở nên nặng nề hơn, đau đớn hơn.
    Chúng ta chiến đấu chỉ để giành quyền lực mà thôi...
    .... Ông phải làm 32 cuộc chiến tranh, phải phá bỏ mọi điều quy ước với cái chết phải gục xuống trong vũng bùn  vinh quang để  có thể hiểu ra -- tuy đã muộn gần 40 năm -- sự quý giá của một cuộc sống bình thường.


   Trên Bản tin tham khảo  thấy có in bài một nhà báo Pháp nói về tình hình  VN hiện thời  
- Nước Việt Nam thường xuyên ở vào những điểm nóng của thế giới, đến nỗi họ tưởng rằng những tai vạ là ở ngoài vào, chứ không phải chính họ gây ra.
- Một dân tộc chỉ có thể phát triển trong sự cọ xát với các dân tộc khác. Người Việt Nam đang tự nhốt họ lại, và tôi ngờ rằng họ sẽ chết ngạt.

25-4
     Đôi lúc, cảm thấy vào những năm này, chỉ có đàn bà là đáng sống. Đi trên đường Hà Nội, gặp những người đàn bà đạp xe một cách nhẫn nại, ra dáng một người chủ gia đình, chồng con sau lưng. Đã trưởng thành, nhưng còn đủ tuổi trẻ để tự trọng -- họ diện một cách kín đáo, nhưng lại có cái dáng dày dạn, bất cần, xông vào mọi chỗ, giành lấy ánh sáng cho gia đình mình (gia đình là cái thể chế duy nhất mà những người này tự nguyện thờ phụng!)
     Những người đàn ông giàu tham vọng hôm nay chẳng có mấy,và hình như chẳng làm ai ngạc nhiên. Những cố gắng hiện lên trên nét mặt làm cho họ có vẻ đầy ảo tưởng, nhưng nếu không có cái đó, thì họ lại rất thảm hại. Đàn ông ở xứ này chỉ là dấu hiệu của sự bất lực. Vì họ quá nhiều thất bại.
    May mà cuộc đời bao giờ cũng có những người đàn bà, từ đó có một triết lý đàn bà.
-- dẫu sao, cũng phải tận tuỵ với cái tình thế mình đang lâm vào, cam chịu chấp nhận
-- Sống gắng gỏi nữa.
-- Nếu cần thì cũng diện, cũng ran rỉnh đùa bỡn như mọi người.
   Triết lý của đàn bà là triết lý thực dụng.

26/4
     Vẫn chuyện xe bò. Ngày mưa, người điều khiển xe cuốn cái cạp nứa ( vốn chuyên dùng để be thành xe cho tăng thêm sức chứa) thành một vòm mái che mưa,  rồi ngồi núp dưới đó.
      Giả sử như tôi làm nghề xe bò, hẳn tôi luôn luôn phải có đủ thứ mặc cảm. Mặc cảm tự hào nghênh ngang rằng mọi người cần đến mình. Mặc cảm bất cần. Chẳng ao ước gì cả. Ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, chân đi đất ư, kệ -- ngồi vào cái xe bò thì còn tính chuyện gì nữa?
     Mưa. Năm nay thời tiết ngang trái. Tết thì nắng nồng oi bức. Nắng đến không có chỗ cho con người ăn diện nữa. Nắng không để cho những ý định cá nhân được mở mày mở mặt. Làm gì có chỗ cho những cái đó.
      Và bây giờ thì mưa. Đầu hè, mưa hàng mươi hôm liền. Mưa đá rơi xuống khu vực người về chuẩn bị duyệt binh, những mái lều của người lính nát bung, trơ ra lần vải bạt bên trong. Mưa trắng trời Hà Nội, ngập ngay trên những đường phố bị trũng. Trẻ con đi học về lội bì bà bì bõm. Cô giáo đứng giữa ngã tư đường, cấm, doạ chúng nó mãi chúng nó mới chịu thôi.
         Mưa đã tàn phá một chút gì trên đường phố và trong tâm hồn đứa trẻ đó (Tôi nhớ cái ý đến với tôi thuở nhỏ: mưa có khả năng “bộc lộ”, “lột trần tất cả”). Nhưng thôi hãy nói cụ thể. Không đâu cho thấy tai hại của mưa  bằng ở nhà máy điện. Máy móc không kịp che, mưa phá những đầu mối, những lò hơi, mưa gây ra sự cố điện cho cả thành phố -- có buổi sáng, cả thành phố lạnh tanh.
    Cuộc sống sau mưa. Thành phố sau mưa. Những con đường trơ đá sạch trắng. Lá mới rụng còn xanh đen. Năm nay, căn nhà lợp lá của gia đình tôi dột đến mức ngay sau cơn mưa phải láng tro trên mặt nền mới đi lại được, nếu không thì ngã như chơi.

27- 4
      Mấy chục năm nay, ta chỉ có phá, mà không lo làm thêm của cải cho xã hội. Bây giờ, người ta khôn lên, cái gì người ta cũng có thể biết. Bao nhiêu sáng kiến được đưa ra, nhưng vật liệu đâu, lấy gì mà làm. Nói theo từ ngữ thời nay, chỉ cần tắc khâu vật tư, là nhắm mắt chịu. 
   Rút cuộc, kẻ có quyền thế nhất trong xã hội, trong mỗi cơ quan -- là những người nắm vật tư, nắm phương tiện vật chất. 
    Và do lúc này người ta không cho những người ấy một vị trí xứng đáng, cho nên ở trong bóng tối, họ càng hoành hành tợn.
     Tôi hiểu ra điều ấy khi làm cái công việc đơn giản của người con trai trong gia đình là tu sửa mái nhà tranh vách đất,  theo nghĩa đen , mà bố mẹ tôi đã làm từ 1952. 
     Tuần trước tôi đã phải xuống Phà Đen mua ít lá gồi về dọi lại chỗ dột .
     Mấy chủ nhật nay thì mượn cái xe ba gác bằng sắt ở cơ quan cùng hai cậu em ra sông Hồng xúc cát rồi kéo qua đường Thanh niên, qua trường Chu Văn An về nhà. 
      Theo lời khuyên của bà Tèo làm nhà máy bia đến ở nhờ,  chúng tôi đang lo thay các bức vách trát bùn ọp ẹp bằng  tường gạch ba banh.
     Đi xin than xỉ ử các nhà đun bếp lò. Rồi về giã nhỏ ra. Rồi mang trộn với xi măng cát và ép thành khuôn.
      Việc đóng khuôn thì đã có cậu Đăng em tôi nhận làm.
     Khó nhất là chuyện xi măng.  May quá, khi mang việc này  nói  với anh em ở cơ quan, tôi được anh Doãn Trung tìm cách giúp.  Anh Trung có người quen cũ là anh Ninh trước cũng là dân phiên dịch  Trung văn nay về là ở Ủy ban dưới Ô chợ Dừa. Anh Ninh có thể giúp tôi mua ít bao xi măng Hải Phòng ở cửa hàng vật liệu xây dựng.
     Mỗi lần đến anh Ninh lấy giấy giới thiệu ra cửa hàng, tôi không quên mang theo một tút thuốc Trường Sơn. Nó là tiêu chuẩn anh Trung chạy cho anh em trong cơ quan, thường tôi vẫn dùng để tiếp khách riêng. Lần nào anh Ninh cũng trả tôi tiền thuốc đầy đủ theo giá nhà nước.

1/5
    Hội hè là gì? Là những ngày vui, sau công việc. Là những ngày xả hơi buông thả  sau những “chiến dịch” mệt nhoài .
    Thử tìm ý nghĩ của đám tham gia duyệt binh. Họ quen tuỳ tiện buông thả . Mà duyệt binh trước tiên cần ý chí, nghị lực , kỷ luật. Từ thực tế đánh nhau trở về, người ta dễ xem đây là một việc tội nợ phải làm. 
     Nhưng  rồi máu anh hùng nổi lên, lại nhớ rằng việc đó rất có ý nghĩa. Và người ta cắn răng lại để làm. 
      Rút cuộc  thì cảm giác về một cái gì lớn lắm quay lại chi phối đến mức có lúc họ hiện ra lố bịch!
     Nhờ đi theo phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, tôi được vào sâu quảng trường, ngay dưới chân khán đài. Tôi nhìn kỹ những nét mặt đi qua quảng trường. Rất ít những nét mặt đẹp. Người chúng ta, không phải là những người để đi duyệt binh. Khuôn mặt thô, nước da xám, mắt tròn, mắt dẹp, cờ ra côm... đủ chuyện. Không có ai đẹp!

     Cuối xuân, đầu hè, lá đã bắt đầu xanh sau mưa. Khẩu hiệu đỏ rực các đường phố. Thú thực, tôi hơi ghê sợ cái màu đỏ này. Nó gợi cảm giác hỗn loạn. Nó tượng trưng một sự phá phách.
       Để tìm lại một chút bình thản, tôi muốn đi về phía sông, phía cát, phía màu xanh.
    Nhưng mà vẫn không dứt khỏi ám ảnh về buổi mít tinh vừa có mặt. 
    Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cuộc mít tinh lộn ẩu thế. Người đi dự mít tinh thì ít (mỗi khối phố định lấy 20 người, mà lấy được có 10). Sau này nhìn TV thấy trên quảng trường nhiều chỗ trống.
    Nhưng người đi xem, thì nằm la liệt mọi ngả đường. Và đây là cái cảnh không có trong những đám mít tinh hồi trước 1964.
    Độ 8h, những người phải đứng thì bỏ về, trong khi người đi xem tràn lên.
    Như một thứ lũ lụt: Người ta chui vào giữa các khối Công an - bộ đội. Người ta len vào giữa khách nước ngoài. Người vỡ ra từng mảng xô đẩy.
     Công An , Công An Nhân dân vũi trang, đám trật tự viên, tất cả bất lực.
     Ở đường Hùng Vương, phía bên phải lễ đài, nơi thoát ra của đoàn người diễu hành, người ta lên xô ra hẳn một nửa đường, chỉ còn lại một nửa đường. Nhục nhã, lộn ẩu ở phía người diễu hành đi qua, trong khi đó, ở phía sau, không gian rỗng ra.  Đến nỗi người như Tính cũng phải nhận:
    - Người ta đã quen với cách sống thời chiến. Lúc này mới hiểu chiến tranh...
    Vẫn theo Tính, chắc người đi qua lễ đài cũng chán ngán mệt mỏi. Không có Cụ Hồ để hy vọng chào đón, người ta ngoảnh đi lung tung. Lòng người phân tán quá chừng. Các lãnh tụ cười, vẫy tay chỉ vì nhớ rằng ống kính các nhà quay phim đang chĩa vào mình.
     Lúc gần kết thúc, tôi nghe tiếng lao xao: thế này thì người nước ngoài cười chết. Khu vực quần chúng trống quá. Một giọng hét rất to: Quân nhạc cử Giải phóng miền Nam.
      Khi điệu nhạc Giải phóng miền Nam vừa dứt, lại tiếng lao xao: Đáng nhẽ ông Đồng phải ra nói trước mọi người.
   Chờ đợi. Rồi ông ấy cũng ra:
    -- Chúng ta đã cử hành ngày lễ một cách rất thắng lợi (!).
    Và ông không quên cái điều thực chất nó khiến ta phải làm mít tinh:
    --  Chúng ta yêu cầu các nước anh em tiếp tục đồng tình ủng hộ chúng ta về mọi mặt.
     Tôi nghĩ bây giờ thì họ cũng biết mọi chuyện rồi. Nhưng họ mệt mỏi đến nỗi không thiết gì nữa.

     Đêm trên thành phố là khi con người trở về với cái hoang dại. Người ta chú ý đến tất cả những gì chung quanh, một tiếng lá rơi, một ngả đường rộng.  Có thể có ai đó đang lo chạy cấp cứu vì vợ đẻ, con đau. Nhưng nói chung những khốn khổ hàng ngày lùi đi rất xa.  Cái lối phớt lờ mọi chuyện vủa những cặp tình nhân được coi là có lý nhất. Trong đêm, tiếng người nói to hơn, tiếng móng xe bò gõ trên đường nhựa, nghe nhộn nhạo hơn. Ở đấy là tất cả những gì đang sống.

     Nhớ một ý Xuân Quỳnh nói buổi chiều:
    - Giá những người đi duyệt binh kia về cày cuốc, thì được bao nhiêu việc.
    Lúc ấy tôi chỉ hùa theo: “Ai mà quay về được nữa. Ở mình bây giờ, những thứ quân sự đã hóa dễ quen hơn dân sự!”.
      Lúc này tôi nghĩ lan man thêm. Vậy thì ở mình chỉ những sự phá phách là toàn thắng. Nó ào ào như nước lũ vỡ bờ vô tận, như các dân tộc khác - tự tin, hào hứng, - làm ra của cải vô tận và thẳng đường tiến tới văn minh.



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn