2/5
Nhớ lại cái
phía đời thường của ngày lễ hôm qua. Công việc được bàn nhiều ở các khu phố là
lấp nốt những hố cá nhân. Một mặt thì ở đó chứa chất tất cả những gì cần phải đổ
đi, than xỉ, bùn cống. Mặt khác, cái miệng cống vẫn quẩn lên một lớp váng như một
thứ ký ức không chịu tan biến đi cho. Dĩ vãng có mặt trên mỗi đoạn đường
chúng ta đi tới.
Là người
công dân Hà Nội lúc này nghĩa là gì? Là người thợ may vá chữa quần áo. Là
người thợ thiếc nhặt từng ống bơ cũ về làm lại cái đèn, cái ấm đun nước. Là
mấy chị phe phẩy lo chạy hàng phục vụ đám dân Hà thành từ nơi sơ tán trở về.
Là… cô giáo cũ đi thu nhặt lại đám học sinh.... Họ đang là những nhân vật chủ yếu
của thành phố!
Người
ta mang về các vườn hoa một ít dụng cụ đồ chơi. Và đây quả thật là những “quả
nhỏ” của chiến tranh: những cái khung đồ chơi bằng sắt trông nặng, chắc. Những
lớp sơn tạm bợ. Tiếng khung sắt động vào mặt đất xi măng nghe rào rạo một thứ
âm thanh xa lạ.
Hà Nội thích
nói tới sự tài hoa vì Hà Nội chỉ có cái bề ngoài. Hà Nội dũng cảm vì Hà Nội
nghèo khổ. Hà Nội từng trải, lì lợm, vì Hà Nội sống sát mặt đất. Đã bao nhiêu lần,
tôi nghe được những người khác nhau nói về Hà Nội. Có những chuyện vui nhất lẫn
những chuyện buồn nhất. Và tôi hiểu cộng những cái đó lại, mới là Hà Nội.
Sấu rụng.
Lá sấu rơi như mưa, phủ trên mặt đất một lớp dày, người đi lá sấu rụng trên
vai, đứa trẻ ngửng mặt hứng lấy chiếc lá không cho nó kịp rơi xuống đất.
Cành sấu
không bao giờ trơ lá. Lá sấu già mới rụng đi, lá sấu non đã nẩy, và trong một sớm
một chiều, sấu trên đường vẫn xanh um.
Với chúng ta, những sắc phượng đỏ thường gắn liền với thời khắc buổi trưa. Những
trưa hè, màu đỏ như lửa loá lên trong nắng, -- tưởng như nắng quá, ngọn cây là
một chất dễ cháy, đã bốc lên thành ngọn lửa. Nhưng lúc này phượng hiện ra kinh
sợ đối với tôi bởi hình như là một thứ phượng khác. Buổi chiều phố vắng. Bóng tối
mùa hè vốn đã rất ngập ngừng, vẫn cứ dâng lên, dâng lên. Không khí trong suốt tối
dần. Bóng tối ập cả vào mặt người. Trong cái giờ khắc ấy, tôi ngước lên nhìn
hàng phượng, thấy màu đỏ đã thẫm lại, tím lại, mà nó vẫn cứ không chịu lẫn đi với
màu xanh đã trở thành nhợt nhạt của lá, màu nâu đã hết bản sắc của cành. Tôi
nghĩ đến tình yêu của tôi. Tôi lại nghĩ đến những vết thương rơm máu của xã hội
này. Tất cả đều là hiện thực.
3/5
Tiếng trẻ con hát lảnh lót bài Oan ta mê la. Âm thanh đi lại uốn lượn
trên vòm trời, như một tiếng cầu kinh của những tín đồ trung thành (và
cái mà nó gợi theo, đấy là chủ nghĩa tự do, một thứ tự do vô dụng nên lang
thang vô mục đích).
Những thanh niên nhộn nhạo, ầm ĩ trên đường. Cái quần loe họ mặc, cái áo màu
nghệ thối họ khoác trên người. Những chuyến đi suốt đêm, có thể là gần suốt đêm
bên nhau. Những trận cười thâu đêm, những tình yêu nồng cháy. Hoà bình là thế,
hoà bình phải có những cái ấy, dù đây là một nền hoà bình có thể đổ sập bất cứ
lúc nào.
4/5
Thế nào là dấu
hiệu của một xã hội suy vi? Người ta, những người dân thường, không ai muốn làm
ăn cẩn thận. Còn lại, chỉ những người tốt là khổ.
Đã rõ là xã hội không thể, không làm được cái việc tối thiểu là động viên mọi
người làm việc. Mọi người cứ nhớn nhác chờ một cái gì đó. Chờ một may mắn
từ trên trời xuống, chờ một phép màu. Chỉ có làm việc ( mà ta gọi là sản
xuất) thì không ai nghĩ tới.
Một điểm nữa làm tôi kinh sợ. Tôi nhận ra xã hội đang như một dòng họ thoái
hoá. Những lớp người sau ngày càng còi cọc đi, so với những lớp người trước.
Khôn ranh hơn, năng động hơn mà hoá ra hư hỏng thực sự. Tôi nhớ tới hai chữ đồng
huyết. Đây là một khái niệm sinh vật học: những người khác giới cùng dòng máu
phối hợp với nhau, không tạo ra những biến dị tốt -- mà chỉ làm sinh thể
thoái hoá dần.
(Có lẽ
trong công tác tư tưởng, cũng có những vấn đề tương tự. Tư tưởng, khi không được
tiếp xúc với những tư tưởng khác, sinh ra thoái hoá, luẩn quẩn! Và đấy là hiện
tượng thấy ở xã hội hôm nay. Chúng tôi có biết được gì ngoài mình?)
Xã hội
nào cũng có những luật pháp ghi thành văn bản, và những tập tục, thói quen, thậm
chí cả những thể chế, những luật pháp quy định những điều được phép và không được
phép không ghi thành văn bản.
Xã hội của chúng ta hiện nay, luật pháp thì ngặt, ảo tưởng, hoá ra vớ vẩn,
không thực hiện được. Thói quen thì tự do hoành hành, không bị một ràng buộc gì
hết. Người ta cho phép mình làm mọi điều trong bóng tối.
...
Sao tự nhiên, tôi khao khát mọi nền nếp của xã hội trước 1945, một thứ pháp điển
mới tới với xã hội VN từ hồi Tây phương xâm nhập, mà sao quá quen thuộc
như tự ngàn đời đã vậy. Những căn nhà yên tĩnh, những khu phố sạch sẽ, những
người làm việc với niềm tin lâu dài. Những bài giảng về văn học cổ điển.
Phút nhẩn nha khi đọc một áng thơ cổ. Bức tranh treo trên tường.
Lâu nay, nặng về tàn phá mà không xây dựng, nặng về ồn ào ngày lễ, mà không có cái sâu xa của ngày thường. Trong nhà trường trẻ con biết đến cả những tên tuổi văn học rất là vớ vẩn, nhưng không biết những giá trị lớn.
Đất nước này, người ta chỉ nói tới lịch sử khi cần che giấu cái trống rỗng hiện tại.
Lâu nay, nặng về tàn phá mà không xây dựng, nặng về ồn ào ngày lễ, mà không có cái sâu xa của ngày thường. Trong nhà trường trẻ con biết đến cả những tên tuổi văn học rất là vớ vẩn, nhưng không biết những giá trị lớn.
Đất nước này, người ta chỉ nói tới lịch sử khi cần che giấu cái trống rỗng hiện tại.
Việt
Anh: Tôi cảm thấy thời gian sau này người ta đã bắt đầu chú ý tài năng.
Nhàn: Chưa
bao giờ, chưa bao giờ. Ngay cái khái niệm tài năng cho chính xác chưa đặt ra,
thì làm sao mà chú ý được.
VA: Tôi cảm
thấy cái hướng nghịch của học sinh bây giờ là phá phách.
N: Nói phá
phách còn nhẹ. Nó là cái mầm của mất lòng tin, mất phương hướng.
Bao giờ cho cuộc sống ổn định lại! Tôi vốn nghiêng về sự bùng phát, sự phá cách
chứ không phải rập khuôn theo mẫu. Tôi vốn nghĩ những chuyện hôm nay là chưa từng
có trong lịch sử, vậy phải khai mở lấy con đường của mình. Nhưng phải biết cái
cũ, kể cả những sự phá cách cũ, thì người ta mới có điểm tựa, nghĩ về cái
mới.
9/5
Lắm lúc, có cảm tưởng muốn phát khóc vì sự nhảm nhí của cuộc đời. Cuộc sống
mang lại cho tôi biết bao nhiêu tin không hay.
- Hai thứ trưởng cãi nhau, người ta xây cho 2 ông một bức tường mất 8000 đồng, để khỏi nhìn mặt nhau.
- Nhà tôi dột nát.....Khi nghe nói có thể mua được ít lá, giấy dầu, bố tôi đang ốm nhỏm ngay dậy.
--Chung quanh nhà, nuôi vịt, nắng bốc lên mùi hôi thối, không sao chịu nổi.
-Thằng em tôi làm phép phân tích ra thừa số nguyên tố : 100 = 97 + 3. Nó không cần gì cả, kể cả cần học giỏi...
- Những người như ông Doãn Trung nhà này xe máy, chụp ảnh, hống hách như vua con, bảo làm có cái đơn vào Đảng cũng lên nước.
- Xuân Quỳnh đến chỗ tôi, như một người phát ngộ ( “Thế ông thấy tôi như thế nào, tốt hay xấu? Thế ông còn định bao giờ? Vài năm nữa, lâu lắm. Tôi cũng chỉ cần một người biết làm việc, và giúp cho tôi làm việc “).
Tôi lại có ý
nghĩ như ba năm về trước: Ana đến chỗ tôi, đâu chỉ cần có lời
khuyên? Nhưng ngoài lời khuyên, tôi làm gì có bất cứ một thứ gì khác!
Nhưng không,
tôi không thể dễ dãi được. Vì đây là một người bạn. (Hãy nhớ mối quan hệ với C:
Q tìm đến C. trong những ngày bị ném bom, ba lần đi, ba lần quay trở lại. Q đón
đường hàng tháng trời liền, xin tha lỗi !Tội nghiệp cho một nữ sĩ nổi tiếng !)
Một mục nhỏ
trên báo Quân đội nhân dân đưa tin: bao nhiêu tiền một viên đạn, mỗi lần
chữa một cái máy, tốn bao nhiêu. Cạnh đó trên báo Nhân Dân là một bài
nói về những thứ hàng giả ở thị trường. Thuốc lá giả, chè giả, mì chính giả, ruốc
giả. Chỉ cần đặt hai bài báo đó cạnh nhau đã thấy khá đầy đủ, một bài nói về những
nguyên nhân, và một mô tả hiện trạng xã hội hiện nay!
Và, tôi nghĩ, phải bổ sung những tin tức giả, do báo chí đưa ra. Sai số thực tế,
so với sai số cho phép gấp 300 lần.
10/5
Xuân Sách kể: ở Hải Phòng, một đám thương binh, tức mình với một tay nói láo, đến phá nhà, quăng đồ đạc ra đường để đốt.
Xuân Sách kể: ở Hải Phòng, một đám thương binh, tức mình với một tay nói láo, đến phá nhà, quăng đồ đạc ra đường để đốt.
Ở Hà Nội, CA
đánh nhầm diễn viên đoàn kịch Nam Bộ - tưởng là lưu manh. Xong rồi lại
lăn tay họ để làm cung giả mạo. Hiện họ ngừng biểu diễn và doạ không giải quyết
việc này, toàn thể chi bộ sẽ xin ra Đảng.
...
...
Tôi
đang sống trong một xã hội thế nào đây, một xã hội nhọc nhằn, chó má, giả dối,
con người như con vật. Chiến tranh, người ta đã bòn rút tất cả sức lực xã hội
này cho chiến tranh, đã kéo những người tốt đi đánh nhau, người tốt chết cả
để bây giờ xã hội chỉ còn đống bã, không còn ai tử tế, không còn những ý
tưởng tử tế. Sao lại đến nông nỗi này, tôi không hiểu sao cả, nhưng quả đã đến
lúc đối diện với một tình trạng kiệt sức, một sự sụp đổ. Chỉ còn máu, nước mắt,
sự giả dối, và sự nghèo nàn... là bền mãi. Rồi sự nghèo nàn kinh niên lại bắt đầu
từ tất cả những chuyện trên mà ra.
12/5
Đối thoại với Nhị Ca:
Đối thoại với Nhị Ca:
- Tôi căm giận cái xã hội này, nó đẻ ra cái lối
sống này.
- Không được nói bậy thế. Anh được
bao nhiệu lợi lộc, anh còn căm thù ai.
- Tôi căm giận những kẻ có quyền, họ lái xã hội
đi theo ý họ.
- Chính anh là kẻ có quyền.
- Tôi chỉ là một kẻ đi làm thuê.
- Không, chính anh là trong hàng ngũ chủ
nhân. Anh tưởng không biết bao nhiêu thằng nó đang chửi anh đấy à? Từ một thằng
móc cống ở đất Thụy Khuê, vậy mà bây giờ ung dung giữa Hà Nội đủ điện
nước, một mình một phòng riêng, muốn làm gì thì làm.
- Tôi là người lao động lương thiện.
- Bao nhiêu người khác cũng lương thiện. Anh
không được nói anh lương thiện. Nói như thế là kiêu căng. Người khác là cứt cả
đấy chắc.
-...
- Anh hãy sống như mọi người, hãy lấy vợ đi.
Đây là một cuộc tranh luận điển hình của
tôi.
Tôi bị mắng mà câm họng không cãi lại được.
...
Tôi
sẽ tìm ra cho mình một triết lý sống như thế nào bây giờ ? Tôi không thể sống
như mọi người khác. Bao bạn tôi sau khi bươu đầu sứt trán xoay ra phá phách. Biết
cuộc đời, để mà làm mọi chuyện giống nó, cũng đủ thói xấu như chính nó. Tôi, so
với họ, quá nhiều chất học trò, không thể liều lĩnh như vậy được. Tôi cứ chăm
chỉ làm việc một cách hiền lành. Còn tương lai, còn cái mà mình sẽ có ?Nó đen
ngòm ra đấy còn gì. Tôi giãy giụa mà không thoát ! Cảm thấy bị hoàn cảnh chi phối
trên từng bước một.
...
Chiến
tranh, -- lại chỉ có thể đổ cho chiến tranh, dù không hẳn là như thế. Tôi đi
trên đường, những cái hố cá nhân tròn trặn vẫn đổ đầy rác, miệng vênh lên một
tí trên mặt đường. Bao nhiêu đứa trẻ sẽ còn vấp trên miệng hố đó. Giá có ai làm
cái việc là cưa cho nó bằng bặn mặt đường cũ, hẳn đỡ nhiều tai nạn. Nhưng lấy
ai làm việc ấy, và bây giờ thì cũng chẳng ai nghĩ làm việc ấy.
...
“ Tôi
thấy bà phải bình tĩnh. Tập đứng bên bờ của những cái vô tận để mà bình tĩnh !”
Tôi đã nói với Xuân Quỳnh như vậy. Cái quay cuồng dục vọng của ana...không
phải là chuyện riêng tư. Có thể không gắn gì với chiến tranh, nhưng không hiểu
sao, tôi vẫn thấy nó là hôm nay. Hoàn cảnh đã làm cho mỗi người cuống quýt cả
lên.
Hôm
nay, từ nay về sau, với bản thân tôi, lúc nào bao giờ tôi cũng chỉ có cái thứ
đó để nói với mình -- bình tĩnh.
Vì bình tĩnh bây giờ chính là dũng cảm. Tôi đang viết về chiến tranh và người lính. Nói cho đúng – chứ không phải văn hoa --, có lẽ vẫn phải nói tới sự dũng cảm. Người lính phải dũng cảm lắm, một thứ dũng cảm bắt buộc, khốn nạn khốn khổ. Dũng cảm trong đánh nhau, mà cũng là dũng cảm trong những cách sống, bảo đảm sự sống, một thứ dũng cảm điềm đạm. Mà khốn khổ, mà cay đắng, ngay trong những dũng cảm ấy.
16/5
Hình
như những gánh nặng hôm nay và tương lai sẽ không rơi vào một loại người mà
chúng ta hết lời ca ngợi: người lính. Những người ở tiền phương trở về sẽ thanh
thản vô hạn -- họ đã xong việc.
Còn chúng tôi, những người hôm nay ở hậu phương, chúng tôi nợ nần bao
nhiêu người, cả người chết lẫn người sống. Chúng tôi là nạn nhân của chiến
tranh. Chúng tôi không phải là những thương binh cụ thể, nhưng tận trong tâm lý
lại dính thương thật. Chúng tôi không trở thành anh hùng, chúng tôi chỉ là những
người bình thường, và đó là một điều ai cũng cảm thấy mà ở chế độ này, người ta
không nói-- làm anh hùng e dễ hơn làm những người bình thường.
18/5
Với tôi, điều quan trọng nhất mà tôi tự dặn trong những ngày đó là
nhẫn nhục cắn răng chịu đựng, làm một người bình thường. Tôi đã thấy những người
ở chiến trường trở về, như Nguyễn Khoa Điềm rối rít, vội vã. Tôi đã từng thấy
chính mình bạn bè mình ở Hà Nội quay cuồng truy đuổi nhau, cốt hơn nhau một
bánh xe đạp, một chỗ xếp hàng. Chúng ta đang bị nung nóng hết cả lên, người chảy
hết cả ra. Chúng ta đầy những mưu đồ thấp hèn và ảo tưởng giả tạo. Khủng
khiếp quá! Sao chúng ta không thể sống bình thường, tin cậy, như những người
khác trên thế giới này. Không, trong cái hướng này, chúng ta càng vội vã, quay
cuồng, hý hửng, nhăn nhở cười cợt với nhau, chúng ta càng chết.
25/5
Gặp lại Thảo, như gặp
một cái xác, người rất yếu, ốm, buồn rũ ra. Riêng đối với tôi, đó là một cái
xác của tôi ngày hôm qua. Chúng tôi đều là những nạn nhân của chiến tranh.
Chiến tranh
làm chúng tôi thay đổi. Chỉ từ chiến tranh, tôi mới hay ghê sợ những gì tinh tế,
trong sáng, tốt nhưng buồn tẻ. Tôi đành chủ động lảng tránh.
Bởi
vậy, khi chia tay, tôi phải nói với Thảo những điều lâu nay tôi thường
nghĩ, và cũng chỉ có một điều duy nhất: phải sống, quyết sống. Sống đơn độc,
nhưng là sống mạnh mẽ và hiện đại.
31/5
Không
được nghĩ nhiều tới quá khứ. Mà cách tốt nhất để quên quá khứ là bận bịu vào hiện
tại. Hãy sống, sống mãnh liệt, cả quyết. Làm nhanh, viết nhanh, đi nhanh. Làm để
không kịp hối hận nữa, vì lúc nào cũng có cái để hối hận theo, lúc nào cũng có
cái để ngượng nghịu. Cẩn nhất là lúc nào cũng quay cuồng trong chuyển động, dù
cái chuyển động đó không để làm gì cả.
Liệu
tôi có làm thế được không? Liệu tôi có biết hết được những gì tôi có ở trong cuộc
sống? Liệu tôi có làm được một ít việc, trong nửa cuối cuộc đời tẻ nhạt của
mình?
Nhìn về những
đồng nghiệp Sài Gòn, họ cũng sống nhênh nhang, cực nhọc. Cũng luôn luôn lo lắng
kiếm tiền, xoay xoả để sống. Cũng luôn luôn hối hận, và tiếp tục hối hận nữa.
Con người trong chiến tranh ở đâu cũng thế.
... Và thật là kỳ lạ, lúc này đây, cách tốt nhất để có thể làm việc được, không biết chừng lại là ngơi nghỉ, chơi bời, phóng túng. Hãy xông ra với mọi người. Hãy tẻ nhạt, suồng sã, vớ vẩn như mọi người. Hãy tự phá mình đi, trước nay chẳng phải tôi đã tự phá một phần, và những bước phá của tôi về sau sẽ là phải dựa hẳn vào đó, để phá tiếp. Trong mỗi người, cái cần phải tàn phá cũng đang vô tận.
1/6
Hoa phượng. Hoa phượng đỏ, khắp thành phố
ngoảnh về phía nào cũng thấy phượng. Phượng kết thành tấm thành mảng và dầy mãi
lên như một niềm oan nghiệt.
Tại sao hoa phượng đỏ trong mùa hè, lại làm cho lòng cảm động. Bởi mùa hè nồng nóng thế, mà sao vẫn đẻ ra một thứ hoa đẹp như thế? Cuộc đời càng buồn, thì trời đất càng đẹp, nó là hiện thân cái câu mà chúng ta vẫn nói -- cuộc sống chỉ có một lần.
Tại sao hoa phượng đỏ trong mùa hè, lại làm cho lòng cảm động. Bởi mùa hè nồng nóng thế, mà sao vẫn đẻ ra một thứ hoa đẹp như thế? Cuộc đời càng buồn, thì trời đất càng đẹp, nó là hiện thân cái câu mà chúng ta vẫn nói -- cuộc sống chỉ có một lần.
Quên làm sao được hoa phượng trong những
buổi chiều. Anh có biết không, khi ấy mặt trời đã tắt, mọi thứ như tối sầm lại,
vậy mà phượng vẫn sáng bừng lên. Màu đỏ của phượng bây giờ như một cái gì ma
quái -- Làm sao lại có một thứ màu sắc kỳ dị như vậy nhỉ? Phượng lấy sắc đỏ ở
đâu ra ? Hay phượng là cái phía bung ra bất cần của cuộc đời, phượng là một cái
gì rất nghệ sĩ -- tôi nghĩ vậy.
Sao năm nào, trời đất cũng đẹp, và hình như
càng trưởng thành, thì người ta càng thấy trời đất đẹp hơn.
Không phải tôi không yêu thiên nhiên. Tôi chỉ sợ thiên nhiên đánh
thức trong tôi những khao khát sống. Thà cứ bắt tôi đứng giữa cuộc đời bình
thường, những người đàn bà tham lam, những người đàn ông hèn hạ, những bông hoa
tả tơi nhàu nát tôi lại còn thấy dễ chịu – khi ấy tôi cảm thấy cuộc sống là vừa
phải. Đằng này lại là cái thiên nhiên của hoa phượng chói chang.
2/6
Nói với ĐCTính
Con người hiện đại khác con người trước
kia có lẽ là ở chỗ nó uyển chuyển hơn. Nó biết đầu hàng. Nó biết chịu đựng. Nó
không xa lánh mọi chuyện. Nó nhập cuộc, dù thấy đời nhầy nhụa nhớp nháp cũng
nhập cuộc. Và sau tất cả những cay đắng ấy, nó vẫn tìm cách thể hiện mình.
Người nghệ sĩ mới tham gia vào những vấn
đề chính trị rồi lại đứng tách ra để mà phán xét.
Trong lời giới thiệu những nhân vật như
Voznhesenski, Evtouchenko... bao giờ cũng thấy người ta nói tới hai mặt ở họ:
cái hay và cái dở, cái thật và cái giả, ánh sáng và bùn lầy!
Chúng tôi khổ vì chúng tôi là những thanh
niên, tức những người ở vào cái thời gian tập làm chủ mình. Nếu chúng tôi đã
lớn tuổi, đã yên bề vào một vị trí nào đó, thì chúng tôi sẽ cam chịu.
Đằng này không phải thế. Chúng tôi ở vào cái
tuổi tự do. Nhưng ai dám bảo đã có đủ điều kiện để người ta sử dụng cái quyền
đó một cách tốt nhất.
Nói với Kiểm
Những người lính bây giờ mang nhiều thói
xấu mà cuộc sống chiến tranh cố kết lại trong họ. Họ đã mất đi khả năng tự nhận
thức. Thành thử nếu chỉ đi với lính, anh không sao hiểu được họ.
Người ta chỉ có thể hiểu được người lính,
khi đặt họ trong thế đối lập với hậu phương. Hậu phương sẽ làm nổi họ lên. Hậu
phương là cội nguồn của mọi biến động thời chiến.
Một cái vé đi xem biểu diễn ca nhạc, một bữa
ăn đủ chất? Không, những đòi hỏi bình thường thế, trong thời chiến là quá
cao. Bây giờ chúng tôi không có nhà mà ở, không có đường mà đi. Nhìn vào lòng
đường các nước khác xem. Tất cả ngăn nắp trật tự, mọi người có chỗ của mình.
Lòng đường của chúng tôi bây giờ bụi bậm bẩn thỉu, người đi chen chúc, người nào
cũng cố vượt lên trước. Đường là hình ảnh của xã hội.
Nghiêm Đa Văn kể ông Phạm Văn Đồng
bảo ở Việt Nam bây giờ, không ai làm việc của mình cả. Người ta bắt thầy giáo
và học trò làm đủ mọi việc, trừ việc dạy và học.
Nhận xét của kiều bào ở nước ngoài về: Ở
miền Bắc làm việc tốt cũng như việc xấu. Làm cũng như không làm.
8/6
Tôi vừa kính phục những người khắc
khoải và bất mãn, vừa ghê sợ. Bởi trái tim chịu được dày vò, đó là một trái tim
phải lớn lắm, phải khỏe lắm. Tôi không có một trái tim như thế .
Níetzsche hay nói tới các siêu nhân nghĩa là
những kẻ vượt lên con người thông thường. Shakespeare chẳng hạn.
Trong nhà viết kịch người Anh, người ta
bắt gặp bao nhiêu cuộc đời bao nhiêu số phận. Ông là tổng số của những kẻ
đó.
Những người bình thường đơn giản hơn nhiều.
Những người bình thường đơn giản hơn nhiều.
Song đó là chuyện của các thế kỷ
trước.
Nay là lúc ở con người bình thường
cũng có không có bao nhiêu chuyện, bao nhiêu vấn đề được đặt ra. Thành thử lại
có thể nói không có con người nào là bình thường. Con người nào cũng đặc
biệt, rất đặc biệt.
Nói theo thuật ngữ văn học,
tôi ngỡ phân tích cho kỹ lưỡng, con người bình thường nào cũng là con người
điển hình, cũng mang những đặc điểm của giới anh ta, xã hội mà anh ta sống.
Như là một cá nhân, tôi quằn quại
xem có thể làm thế nào, để tìm đường cho mình, thấy những lẽ phải của mình, để
mình có thể yên tâm. Hầu như chả ai có thể giúp được tôi, tôi kinh sợ.
Hình như ở một quyển sách nào đó,
có nói đến khái niệm Tôi, bây giờ,...
Một câu thơ nào đó, bắt đầu
bằng mấy chữ: Tôi, bây giờ... Chỉ có thế mà thỉnh thoảng nghĩ
lại, cứ giật mình. Đó là một cảm giác thường trực phải có. Tôi, bây giờ,
cảm giác của thay đổi, cảm giác của một người từng trải, đã có những ê chề.
Anh đến xin việc một nơi, một người
chủ Pháp sẽ hỏi: Anh có bằng cấp gì?
Một người chủ Đức: Anh biết những gì?
Một người chủ Mỹ: Anh có những kinh
nghiệm gì?
.,.
Và ở Việt Nam hôm nay, những người phụ
trách, những người mách mối hỏi: Anh có quen ai ở đấy không? Anh có phải là
đảng viên không?
9/6
9/6
Nói với chị Yên, em không biết mua bán
thế nào. Trông cái gì cũng thấy giả dối.
-- Đến tôi cũng không biết mua, chứ không phải chỉ có cậu.
Mua cái gì cũng phải lâu, cũng phải chọn, nhìn qua loa đã mua là y như về vứt
đi.
Cái tình trạng này bao trùm từ chuyện đời thường tới chuyện chính trị.
So sánh hai miền, không biết ai nói đầu tiên, ông Khải
nhắc lại:
- Chúng ta từ chính nghĩa, hoá ra phi nghĩa. Nó
ngược lại. Bây giờ không một thằng lính nào phía bên kia có mặc cảm là
Việt gian, là nguỵ cả.
- Không biết chừng, lúc nào nó tuyên bố xây
dựng socialism. Trước tiên, nó tuyên bố quan hệ với Trung quốc chẳng
hạn...
Rồi có cái hư danh, nó cũng lấy nốt của mình, chứ không phải chỉ có cái thực đâu.
Không biết chừng, nó lại làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
Rồi có cái hư danh, nó cũng lấy nốt của mình, chứ không phải chỉ có cái thực đâu.
Không biết chừng, nó lại làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
...
Bàn về lòng tin, Nguyễn Kiên bảo giờ mình chỉ
còn có cách là tin vào người dân thường. Tôi bác lại:
- Không, người dân thường bây giờ cũng bị tàn
phá rồi tàn phá đến khủng khiếp. Không còn những thói quen cũ. Không còn lễ
nghĩa phong kiến. Không còn sự tự trọng tối thiểu.
Làm sao khỏi chán bây giờ, ông Kiên
nói tiếp và đây là câu nghe được này:
-- Riêng ở trường hợp tôi – tôi
nghĩ đúng là nhiều lúc chỉ chán quá, đến mức, chán cả cái chán của mình, rồi
thôi, -- bấy giờ mới lại làm việc được.
12/6
Tham gia việc vận tải ở miền Bắc có tới 2
vạn xe. Mà trong đó 47-53% xe chạy không.
Một tờ báo ở Sài Gòn nhận xét ở Hà Nội, dần dần, mọi chữ nghĩa mất hết ý nghĩa. Mọi kế hoạch bị lãng quên.
Xuân Sách:
-- Nhìn các nước, thấy mọi chuyện bên trên nó có thay đổi,
nhưng ở dưới, người ta vẫn làm việc một cách bình thường
Còn ở mình, cứ dồn mọi người vào cả một
đống. Con người bị đánh thức, việc gì cũng xông vào. Cả nước làm chính trị, cả
nước dòm ngó xét nét nhau. Cho nên không ai dám tính chuyện thay đổi. Chỉ cần
chững lại một chút, là tất cả nổ tung hết.
Để làm cho người ta sống bình thản, cái công cụ chủ yếu mà xã hội này sử dụng là làm cho người ta tê dại. Người ta khổ, nhưng không còn sáng suốt nhận ra sự khổ sở của mình. Tức là vẫn nghĩ rằng mình sung sướng, có lý luận như vậy. Mặc cảm làm chủ. Mặc cảm biết tất cả mọi điều. Khả năng tự lừa dối. Như người thủ dâm.
15/6
Lính ở chiến trường, vùng tiếp giáp, nói chuyện với lính địch, không ai
bắt, mà cũng dối trá. Nói rằng ngoài Bắc sung sướng. Lính được về phép (bằng ô
tô). Cho nó cả đồng hồ. Tết, cho nó ăn bánh chưng, rồi tự mình nhịn.
Hoàng Hưng: Thời mới hoà bình này là thời gian của những sự dò dẫm lẫn nhau.
Trên dò dưới, dưới dò trên. Nghiêm Đa Văn bảo ở dưới, cứ chửi bới, cãi nhau
lung tung trước cấp trên, nhưng sau đó, có miếng ăn, thì cả bọn trên cũng như
dưới lại nịnh nọt nhau, xoa dịu nhau.
17/6
Khải: Trước kia mình cứ thắc mắc, sao
mình không bằng nó. Bây giờ hiểu rồi, phong kiến phải thua tư bản, thì
tất nhiên rồi. Bây giờ, mình cứ định bắt họ (dân Quảng Trị) trở lại vùng giải
phóng, làm ăn kiểu phong kiến như mình, họ không chịu đâu.
Cũng như, ở ngoài này, cách mạng nó ăn vào mình rồi, bây giờ
có quay trở lại những nền nếp cũ, chính mình cũng không chịu được.
Đỗ Chu: ở xã hội mình bây giờ, chỉ thấy
cái xấu nó quá đường bệ, nó đàng hoàng đứng đó, không làm gì được.
Việt Nam --tức là miền Bắc bây giờ--
mang đủ những chứng xấu của chủ nghiã tư bản, cả phong kiến và cả chủ nghĩa xã
hội .Thế giới bây giờ, tất cả hội lại, mang nhãn hiệu Việt Nam.
Có lẽ vào những ngày này, chiến tranh
mới bộc lộ hết cái độc hại của nó. Học sinh học hành chểnh mảng ư ? Vì chiến
tranh. Xã hội vô nguyên tắc ư? Vì chiến tranh.
Trẻ con được dậy không biết sợ là gì để sau này
đi đánh nhau cho dễ.Nó học quá nhanh, nên bây giờ nó làm loạn.
10 năm nay, chúng ta chỉ nói với nhau một điều duy nhất là hãy đi đánh nhau -- Thế thì còn biết làm sao?
10 năm nay, chúng ta chỉ nói với nhau một điều duy nhất là hãy đi đánh nhau -- Thế thì còn biết làm sao?
Tất cả chúng ta đã bị thương, trong cuộc chiến tranh
vừa qua.
Bây giờ thì chúng ta mới hiểu chiến tranh
là xa lạ với bản chất con người thế nào. Chiến tranh là đáng nguyền rủa. Định
hướng chiến tranh trong những năm vừa qua đã trở thành quốc sách. Giờ nó trả
thù. Mà không ai biết nó sẽ dai dẳng theo ta đến tận bao giờ.
19/6
Trẻ
con chơi, hát
Rồng rồng rắn rắn
Bắt con rắn qua sông
Bắt con rồng qua bể
Bắt con kiến lẻ loi
Này người bạn tôi ơi
Bắt
lấy thằng đuôi chó.
20/6
Đến nhanh quá cái vẻ sớm tàn của hoa phượng.
Ngày nào, cách đây, độ một tháng, hoa phượng nở. Bấy giờ phượng vồng lên những
cánh mập mạp. Có một lần, tôi thấy một đứa trẻ cầm một cành phượng, nặng trĩu
những hoa là hoa. Thế mà, chưa đầy một tháng phượng đã héo tàn rã rượi, chỉ còn
bám hờ trên những cành lá xanh. Màu đỏ thẫm lại. Cả những con người những sự
việc cũng thế , chóng nở, chóng tàn, mà khi tàn thì day dứt mãi.
23/6
Sao mà cuộc đời đẹp một cách đáng sợ, đẹp đến
làm ta bàng hoàng. Bão xa ở đâu không biết, đây chúng tôi đang sống những ngày
hè tuyệt vời. Thành phố như một vùng ven biển. Nắng rất trong. Gió rất nhẹ
nhưng gió lúc nào cũng có. Gió mơn man trên da người. Gió như sự có mặt của
hạnh phúc.
... Đi đến đâu, tôi cũng gặp những biểu tượng của lòng ham sống. Người tràn ra đường, những cô gái rất đẹp, một cô bé nào cái cúc áo trên cùng không cài để ngỏ he hé cái cổ măng tơ. Những em bé lôi nhau ra đường chơi bóng, chơi một thứ trò chơi gì đó, phải cõng nhau rồi ném bóng cho nhau. Một cụ già mặc áo dài vào thư viện đọc sách chữ Hán. Một đôi thanh niên nam nữ đèo nhau, bàn tay người con gái tìm bàn tay người con trai, hai bàn tay nắm lấy nhau, trên một chiếc xe đạp. Và em tôi, đứa em kém tôi 13 tuổi, nay cũng đã bước vào tuổi yêu đương. Nó cũng có bạn gái đến nhà, cũng thương nhớ, ngần ngại.
25/6
Cùng Nguyễn Khải nói về lớp
trẻ :
- Nên đi, nên viết, đây đang là thời
của các ông. Phải phiêu lưu.
- Đúng đây là cái chữ mà chúng tôi
cũng đang tìm. Có những thằng như thằng Vũ nó đã nói nó sẽ vào vùng Giải phóng,
nếu cần, nó sẽ vào thành. Tôi không dám làm việc đó. Nhưng anh cũng công nhận
phiêu lưu nhất là sang phía bên kia chứ gì?
-... Ờ (lặng đi một chút).
Này, nhưng mà mình đọc sách của nó nhiều đến nỗi tuy chưa sang bên kia, mình
cũng có thể hình dung được rằng sống ở phía bên kia là không chịu nổi... Ví như
mình phải có gan đạp lên đầu người khác cơ.
- Tôi cũng đã nói với Vũ như thế.
Tôi bảo mỗi cá nhân là nhỏ bé quá. Và hình như thế này, những con người bình
thường sống ở bên này là phải. Chỉ những con người tài năng thì mới có thể sống
ở bên kia. mà tôi thì không có tài.
Cái chuyện Vũ nói với tôi trên là có
thật.
Làm thế nào, không chừng, lại
đánh nhau nữa chứ không vừa đâu, Vũ bảo.
Tôi cãi lại không, bây giờ có
đánh nhau nữa cũng thế, mà không đánh nhau nữa cũng vậy. Chúng ta đã biến thành
tù nhân vĩnh viễn của chiến tranh rồi.
Vũ lại bảo đi thôi. Bây giờ
thì xã hội này không phải chỉ có một hai chỗ không ra sao, mà tất cả đã là
không ra sao rồi.
Tôi phải giở con bài cuối cùng. Tất
cả mọi chuyện tôi đều đồng ý với ông. Nhưng chỉ là do cảm tính. Phải sống mới
biết. Ác cái cuộc sống không bao giờ cho phép người ta ướm thử cả.
Hữu Mai : Tôi có nghi ngờ hiện
tượng, nhưng cái nguyên tắc, thì tôi vẫn công nhận. Ví như duy vật biện chứng
và duy vật lịch sử.
Nhàn: Nguyên tắc tôi cũng thấy có
vấn đề. Duy vật biện chứng thì đúng, nhưng còn duy vật lịch sử? Có nhiều cái
phản duy vật biện chứng. Những vấn đề quan hệ cá nhân - quần chúng, còn lúng
túng lắm. Mà đây lại là chuyện con người đối mặt hàng ngày.