VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sự tiếp nhận Kim Dung ở Việt Nam sau 1975 -- phác thảo tình hình và những lý giải sơ bộ



 Tham luận tại một cuộc hội thảo về Kim Dung 
 được tổ chức ở Trung quốc 2003


      TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN TRƯỚC 1975 : Sài Gòn (thủ phủ của miền Nam Việt Nam trước ngày Việt Nam thống nhất) là một thành phố có đông Hoa Kiều. Giữa Sài Gòn với Hồng Kông lúc đó đã có sự thông thương rộng rãi bao gồm đủ loại  hàng hoá cả vật chất lẫn  tinh thần: Sự xuất hiện ồ ạt các loại sách chưởng với các tác giả như Cổ Long, Ngoạ Long Sinh, Nghê Khuông, Nhược Minh, Nam Kim Thạch, Điền Ca, Độc  Cô Hồng ở Hồng Kông vốn lây  lan rất nhanh  khắp  các thành phố  Hoa Kiều ở Đông Nam Á thì đến Sài Gòn cũng được  đón nhận một cách hào hứng  (Chẳng hạn  trên 10 bộ sách chưởng của Cổ Long đã  được  xuất bản ).

  Chính trong hoàn cảnh ấy mà nhiều tác phẩm  của Kim Dung  vừa được in trên các tờ Minh báo mấy năm 1964 1965 liền  được giới thiệu  ngay với bạn đọc Việt Nam. Sau khi in theo kiểu feuilleton trên báo (báo chí in ở Hồng Kông có khi ra buổi sớm thì buổi trưa đã có mặt ở Sài  Gòn),  chúng  lại được in thành sách bày bán rộng rãi  và trở thành mặt hàng phổ  biến để mang ra cho thuê (nhờ thế mà có thể đến với các tầng lớp bạn đọc nghèo sống trong các hang cùng ngõ hẻm).
     Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, cho đến trước 1975, trong khi các tác giả khác chỉ được dịch khoảng năm sáu bộ thì số sách đứng tên  Kim Dung  đã có tới 33 bộ, và được in đi in lại nhiều lần hơn, có đông bạn đọc hơn. Trong số này có một số là hàng giả,  chỉ về sau mới kiểm tra được. Chúng tôi ghi lại con số 33 bộ chỉ cốt để ghi nhận sự nổi tiếng của Kim Dung. Một trong những dấu hiệu dễ thấy chứng tỏ một tác giả được đọc nhiều  là trên thị trường có  những cuốn sách nhại, phỏng theo  tác giả đó. Kim Dung là một thương hiệu có giá ngay từ lúc ấy.
     TỪ 1975 TỚI 1998 : Sau khi Việt Nam được thống nhất trong khoảng hơn hai chục năm việc xuất bản sách chưởng Kim Dung tạm thời đứt đoạn, chẳng những thế nhà văn này còn bị phê phán coi như một ngòi bút chỉ biết khai thác  nhu cầu hưởng thụ thấp kém, thậm chí được gọi là  “ phục vụ cho mục đích kiếm  tiền  trên cơ sở khai thác những tâm lý bệnh hoạn “ .Cần chú ý là trong giai đoạn này từ  Kafka, Freud  tới  Sartre, Camus.... đều bị lên án không được phép phổ biến, cho nên trường hợp của Kim Dung nói ở đây cũng không có gì là lạ.

   BƯỚC NGOẶT TỪ 2-1998

   Tuy vậy, có một thực tế là cho tới đầu những năm 90, trong xã hội, sách chưởng vẫn được một số bạn đọc tìm đọc. Họ truyền tay nhau những bản in cũ nhiều khi đã rách. 
   Thời gian  này có một vài  sự kiện đáng nói tới: đó là năm 1978, Đài Loan rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung, và nhất là từ 1985, tiểu thuyết  Kim Dung bắt đầu được đọc trên  phạm vi cả nước Trung quốc.
   Những cách nhìn nhận Kim Dung của các nhà văn nhà nghiên cứu Trung quốc ở Bắc Kinh Thượng Hải (chẳng hạn quan niệm của giáo sư đại học Bắc Kinh Nghiêm Gia Viêm) càng làm cho người ta phải nghĩ lại về Kim Dung.
   Sau một vài bài viết nhắc nhở tới truyện chưởng của Kim Dung in trên một số tạp chí có tính cách phổ thông  như tờ Kiến thức ngày nay khoảng giữa những năm 90, tới đầu 1998, một sự kiện đặc biệt xảy ra: tạp chí Văn học nước ngoài, một cơ quan báo chí thuộc Hội nhà văn Việt Nam, ra một số đặc biệt về Kim Dung, trong đó bao gồm hai nội dung chính  một là  thiên truyện Tuyết sơn phi hồ  (qua bản dịch của ba dịch giả trong số này    một giáo sư  chuyên về văn học cổ Việt Nam và văn học Trung quốc là Phạm Tú Châu) và hai là một  số bài viết của một số nhà nghiên cứu phê bình khẳng định giá trị chân chính của truyện chưởng Kim Dung.  Từ đó trở đi, cánh cửa đối với Kim Dung được mở trở lại và hàng loạt bộ chưởng của Kim Dung  được bày bán rộng rãi.
  

   MẤY  NHẬN XÉT SƠ BỘ 
   VỀ  SỰ “ TÁI XUẤT GIANG HỒ “
    CỦA KIM DUNG Ở VIỆT NAM
a)    Tác phẩm Kim Dung in lại được sự đón nhận của nhiều loại độc giả. Có cả lớp bạn đọc già lẫn đám thanh niên mới lớn. Lớp già ở các thành thị miền nam cũ đọc lại như một mảng hồi ức đời mình. Lớp trẻ bấy lâu được nghe nói tới nhiều, nay mới có sách để đọc. Sau 1975 người Việt sang định cư ở nước ngoài đông đảo hơn bao giờ hết (theo một con số thống kê sơ bộ là khoảng 2 triệu) trong số này cũng có nhiều người đọc lại Kim Dung, do đó một số bản dịch in ở VN đã được đưa sang bán ở Mỹ, Pháp  v..v...
b)    Như trên đã nói lúc đầu chưởng Kim Dung đến với VN  với tư cách một thứ hàng chợ, mì ăn liền. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dịch làm vội,  có những chỗ khó bỏ không dịch. Trong khi đó từ thời điểm bùng nổ Kim Dung lần thứ nhất tới nay, khoảng cách đã  được trên 30  năm gần 40 năm,chính tác giả cũng đã có dịp sửa chữa lại  tác phẩm của mình. Thế là việc dịch lại được đặt ra như một nhu cầu tự nhiên. Và  đây cũng  là một dấu hiệu chứng tỏ sự tiếp nhận Kim Dung hôm nay là hết sức nghiêm túc, tuy rằng đến nay vẫn chưa xuất hiện một dịch giả nào được coi là dịch hay dịch đúng Kim Dung hơn cả.
c)    Ngay từ trước 1975, lẻ tẻ đã thấy xuất hiện  một số bài báo một số cuốn sách biên khảo viết riêng về Kim Dung mà đáng kể nhất  là hai cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta của Đỗ Long Vân  Những băn khoăn của Kim Dung của Nguyễn Mộng Giác. Ngày nay số lượng sách viết về Kim Dung khá  nhiều, theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì không có một nhà văn nước ngoài nào vào  Việt Nam ( kể cả những đại tác gia như Tolstoi, Balzac, Lỗ Tấn, Tagor v. v..) lại trở thành đầu đề cho người ta bàn cãi và có nhiều cuốn sách nói tới đến như vậy .
       Về nguồn sách, có cuốn do các tác giả VN viết có cuốn dịch các tài liệu của Trung Hoa lục địa, Đài  Loan, Hồng Công.
       Về  nội dung, có thể chia làm mấy loại : 1/ Trước tiên là những cuốn  có tính cách bổ trợ tài liệu giúp cho bạn đọc làm quen tiểu sử và quá trình sáng tác của tác giả  hoặc thông báo quá trình tiếp nhận Kim Dung ở các nước khác. 2/ Thứ nữa là những  cuốn phát biểu cảm tưởng trong khi thưởng thức và giúp người khác thưởng thức Kim Dung. Đây là một truyền thống có từ trước 1975 ( trường hợp cuốn Vô kỵ giữa chúng ta ) và nay lại được tiếp tục  (một tên sách in năm 1999  mang tên Kim Dung trong đời tôi ) 3/  Lại  có những cuốn tuy chưa  lý giải sâu sắc nhưng phần nào đã đặt ra được  những vấn đề lớn như Chủ nghĩa nhân đạo  trong tác phẩm của Kim Dung  (2001) 


NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI XÃ HỘI
    Sau khi phác hoạ tình hình dịch và nghiên cứu  Kim Dung như trên, chúng tôi muốn thử trả lời câu hỏi:  tại sao có tình hình đó?  Kim Dung đã đáp ứng được nhu cầu nào của bạn đọc và của  xã hội VN nói chung ?
    Giả sử ai đó bắt tay  làm một cuộc phỏng vấn sơ bộ nhiều bạn đọc và cả các nhà văn với câu hỏi lý do khiến họ tìm đọc Kim Dung thì câu trả lời đại khái vẫn chỉ là : Vì tò mò. Vì cần giải trí. Đây là một lý do  chính đáng. Từ sau 1985, với việc nhà nước  triển khai phương hướng đổi mới ( có phần nào  tương tự như cải cách mở cửa ở Trung quốc ) trong đời sống tinh thần bắt đầu  thấy việc bùng nổ các loại phim kinh dị, sách bestseller  dịch từ các nước Anh Mỹ. Riêng tính từ ảnh hưởng từ văn hoá Trung Hoa thì người ta phải kể tới đủ loại phim truyền hình mang tính cách dã sử hoặc các tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao. Việc phổ biến Kim Dung diễn ra đồng thời với các hoạt động đó.
    Thế nhưng  đó chỉ là lý do bề ngoài. Thử làm một sự so sánh : Trước khi Kim Dung xuất hiện đã có một loại kiếm hiệp viết phỏng theo dã sử, đó là các bộ Giao Trì hiệp nữ, Bồng lai hiệp khách  mà tác giả là Lý Ngọc Hưng, một Hoa Kiều từng sống ở Hà Nội. Nhưng sách của tác giả này mãi mãi bị xem là sách  hạng ba hạng tư,  người ta không coi truyện kiếm hiệp  là văn chương (và đấy là một sự đánh giá chính xác, chẳng có gì cần phải tính lại ). Còn truyện chưởng của Kim Dung như trên đã nói từ chỗ  bị coi thường coi như loại sách đọc để mua vui chuyển dần tới chỗ được coi trọng  được bàn luận một cách nghiêm chỉnh. Theo ý chúng tôi,  đằng sau hiện tượng  tạm gọi là bùng nổ ở đây,  còn những nguyên nhân sâu xa hơn.
      Trước tiên phải ghi nhận trong  tác phẩm của Kim Dung  thấm nhuần một một quan niệm về  về  thế giới  và nhân sinh độc đáo sâu sắc  và điều quan trọng nhất, đó là một quan niệm gần gũi với kiểu tư duy của con người  hiện đại. 
      Chúng tôi không có ý định trình bày lại nội dung của  triết lý đó , tuy nhiên một số khía cạnh chính có thể tạm thời ghi nhận như sau  :  
--- Thế giới  mà chúng ta sống không phải trong thế ổn định  tĩnh tại theo nghĩa cổ điển mà thường xuyên hiện ra  như một cái gì xao động bất thường. Tính  bất định mà các nhà vật lý lượng tử đầu thế kỷ XX phát hiện khi nghiên cứu thế giới vi mô cũng là đặc tính của tồn tại nói chung.
--  Đó là một thế giới nhiều trọng tâm, đa cực, đa dạng  và đầy tính chất nghịch lý, đầy những hiện tượng tạm gọi là kỳ quái, kỳ dị,  không bình thường.  
--- Các quy luật  chi phối sự vận động của thế giới cũng đã thay đổi.  Thay cho một thứ tất định luận  cứng nhắc là những quy luật xác xuất thống kê. Một nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều kết quả và có khi hàng loạt nguyên nhân khác nhau cùng dẫn đến kết quả giống nhau.
--- Trong thế giới đó phải trái chính tà không rạch ròi phân minh mà lẫn lộn rất khó phân biệt. Con người vật vã đi tìm chân lý  và lúc mà họ tới đích cũng là lúc họ nhận ra rằng còn lâu họ mới nắm được chân lý thực sự.
.....
      Không phải ngay  từ đầu  những tư tưởng này đã được nhận thức đầy đủ. Tại sao từ 1985 về trước, khi phê phán Kim Dung, các  nhà nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng truyện chưởng mang nhiều yếu tố tư tưởng không thích hợp?  Lý do thật đơn giản: lúc đó, xã hội chưa có nhu cầu đổi mới  nên những yếu tố tiềm ẩn trong Kim Dung không được phát hiện hoặc chỉ phát hiện  để mà phê phán. Ngược lại tình hình từ sau 1985 có nhiều đổi khác. Quá trình đổi mới ấy  không chỉ diễn ra trên lĩnh vực  kinh tế  mà trong chừng mực nhất định còn trên lĩnh vực tư duy.Từ  một  tư duy có phần cổ điển, cứng nhắc, phản ánh một quan niệm tĩnh tại  về thế giới, con người Việt Nam  xã hội Việt Nam  chuyển dần  sang một tư duy mềm mại hơn năng động hơn để   thích ứng hơn với thế giới. Có thể là trên phương diện lý tính, người ta chưa thật hiểu mình,  chưa biết gọi ra chính xác những thay đổi đã đến trong kiểu tư duy của mình. Nhưng bằng trực giác, bằng vô thức, người ta đã cảm thấy như thế, bởi vậy người ta dễ dàng nhận ra kiểu tư duy mới ẩn chứa trong các tác phẩm văn chương, thậm chí người ta muốn tìm thấy ở những tác phẩm văn chương đó một sự hỗ trợ.  Kim Dung là một trong những tác giả như thế.
     Lấy  một ví dụ : mặc dầu  võ lâm  mà Kim Dung mô tả  gồm nhiều môn phái  và mọi nhân vật của ông  luôn luôn bị ám ảnh bởi  sự phân biệt chính tà song họ ( nhất là các nhân vật chính ) thường trải qua rất nhiều môn phái khác nhau để rồi thấy rằng chẳng có môn phái nào thực sự đáng theo cả. Trường hợp  Hoàng Dược Sư trong Xạ điêu anh hùng truyện  khá tiêu biểu. Ông ta chấp nhận người ta gọi mình là Đông Tà  bởi nghĩ rằng “ Cứ nhận là tà sau này được chính là hay. Chứ tự coi là chính mà sau tà thì mới đáng xấu hổ “. Trong hành động ông ta có một quan niệm thực dụng “Trộm cũng được, cướp giật cũng chẳng sao miễn đừng sát hại nhân mạng hoặc tham lam là được. Cướp giật một miếng để cứu sống sinh mạng con người  không phải là hành động tàn bạo.” Những nhân vật như Hoàng Dược Sư ở đây rõ ràng là có chất hiện đại trong suy nghĩ, do đó có  sức hấp dẫn riêng với  bạn đọc  bình thường ở Việt Nam  hôm nay. Các nhân vật ấy  đã nói hộ họ những điều mà họ lờ mờ cảm thấy. Đã gợi trúng những điều họ nghĩ. Đã  hiện thực hoá cái mô hình  mà họ muốn noi theo. Đọc Kim Dung chính là một cách để bạn đọc  tự tin hơn. Nói cho to tát ra,  tức là những tác phẩm tưởng như chỉ để giải trí kia  đã góp phần  giải phóng tư tưởng cho họ.
    Cố nhiên quá trình chuyển biến  tư tưởng ở  bạn đọc Việt Nam hôm nay  vốn phức tạp, và bị tác động bởi  nhiều nhân tố chủ quan cũng như khách quan.  Song so với những tác phẩm  lớn của triết học và văn học phương Tây hiện đại, thì  truyện chưởng của Kim Dung lại có phần gần gũi, sự tiếp nhận không đặt ra  những yêu cầu qúa  cao, mới đầu  đọc chỉ thấy vui vui, và chỉ dần dần cái mà chúng tôi gọi là tư duy mới nói trên mới thấm dần vào tâm tư suy nghĩ, bởi vậy bạn đọc thông thường cũng hiểu, họ  dễ tìm tới nó và trong nhiều trường hợp không cưỡng nổi nó.  

NHỮNG NHẬN THỨC MỚI VỀ VĂN HỌC
           Không chỉ nói về chính mình mà một tác giả lớn  thường cũng đồng thời đưa ra một quan niệm mới về văn học,  cũng có nghĩa là giúp cho người đọc hiểu thêm  về bản chất văn học nói chung. Theo nhận thức của chúng tôi thì tác giả Kim Dung là một người như thế, điều này không rõ đúng với công chúng ở các nước khác đến đâu, nhưng đúng với công chúng  và các nhà văn Việt Nam, và đây là một điều mặc dù đã thấy từ lâu, nhưng đến đợt tiếp nhận Kim Dung lần này thì  mới có dịp bộc lộ  rõ.
      Trước 1975  ở Hà Nội và từ sau 1975 thì trên phạm vi cả nước, đóng vai trò  chi phối trong văn học Việt nam là một quan niệm không khỏi có phần cứng nhắc: Nhấn mạnh tính giáo dục của văn chương mà xem nhẹ sự giải trí. Chú trọng diễn tả đời sống trước mắt mà ít khai thác lịch sử ( như cách nói trước đây ở Bắc Kinh : hậu kim bạc cổ ). Và cách hiểu về cái thực trong văn học  khá thô sơ, đại khái là là một thứ thực tế trần trần ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận được. Thứ đời thực ấy phẳng lặng một chiều, có nhiều phần giông giống như đời sống diễn ra hàng ngày.
    Có thể nói đó là một quan niệm lành mạnh nhưng có phần thô thiển, nó trực tiếp ảnh hưởng từ văn học phương Tây thế kỷ XI X  và văn học Nga thời kỳ xô -viết.
    Dần dà mỗi ngày một ít, với sự tiếp nhận văn học nước ngoài đầy đủ hơn, trong đó có những tác giả tác phẩm Mỹ la tinh, văn học trong quan niệm nằm sâu trong tiềm thức các nhà văn và bạn đọc có phần trở nên cởi mở hơn. Người ta thích thú chấp nhận cả những tình tiết có vẻ hoang đường của Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez) hoặc Ngài tông thống (Miguel Asturias).  Rồi người ta thích thú quay trở về với những tác phẩm có trí tưởng tượng phong phú kiểu như Tây du, Liêu trai chí dị  của Trung quốc. Nhưng dẫu sao đó cũng là văn học cổ điển. Đến khi tiếp xúc với các loại chưởng nhất là  tiểu thuyết Kim Dung, quan niệm về cái thực càng có điều kiện  thay đổi. Với nhiều bạn đọc  và cả những người viết văn, có nhiều vấn đề cơ bản : Cốt tuỷ của văn chương là gì ? Thế nào là sức hấp dẫn...bắt đầu được nhìn nhận khác đi so với trước.
     Lâu nay  ở Việt Nam  gần như văn học đồng nghĩa với sự cao nhã, người đọc bình thường và cả các văn nhân vẫn đọc các loại truyện cười, truyện trinh thám, truyện giải trí, có điều  xem đó không phải là văn học và không công nhận nó có tác động tới đời sống  tinh thần của mình. Với những cuốn truyện chưởng thành công như tác phẩm Kim Dung, loại sách thông tục này không còn bị thành kiến nữa. Nói như một thành ngữ của phương Tây,   chú vịt què xấu xí đã tự xác định rằng mình  có thể trở thành con thiên nga xinh đẹp.

    Kết luận  :
  Giải trí là một nhu cầu rất lớn của con người hiện đại. Trước bao nhiêu vấn đề đặt ra trong cuộc sống hàng ngày mỗi cá nhân đã quá mệt mỏi, nên họ thường có xu hướng tìm đến những tác phẩm lôi cuốn hấp dẫn, thoả chí tò mò của họ.
   Trong lúc đó, xã hội hiện đại vẫn  đặt ra bao vấn đề mới mẻ mà các thế hệ trước chưa từng biết tới. Một nền văn học có trách nhiệm nhất thiết không thể lảng tránh mà phải nhận lấy việc ghi chép những thay đổi trong thực tại  và mỗi tác giả  theo cách của mình mà đưa ra câu giải đáp những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong tâm trí nhiều người.
   Truyện chưởng của Kim Dung phần nào  cùng lúc thoả mãn cả hai nhu cầu đó. Các tác phẩm của ông  vừa nối tiếp truyền thống tiểu thuyết phương Đông, vừa bắt được vào cái mạch chung của văn học  hiện đại. Việc chúng  được các tầng lớp bạn đọc Việt Nam  nhiệt tình chào đón  theo chúng tôi là một hiện tượng hoàn toàn hợp quy luật: nó chứng tỏ văn học vẫn  là một công cụ tốt của con người trong việc tìm hiểu chính mình cũng như tìm hiểu thế giới . /.
                      

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn