Khi đi vào nghiên cứu
lịch sử bộ môn tiểu thuyết, không hẹn mà nên, các nhà nghiên cứu ở phương đông
lẫn phương Tây nói chung đều xác nhận rằng thật ra, ban đầu thể tài này là một
thứ văn chương bị coi rẻ và chỉ dần dần, trong quá trình lâu dài của lịch sử,
nó mới trưởng thành để trở nên ngang hàng với các bộ môn nghệ thuật khác.
Pearl Buck, một nhà văn
Mỹ có công giúp cho bạn đọc châu Âu làm quen với con người và đất nước Trung
Hoa, trong diễn văn Nobel năm 1938, còn kể lại một cách đầy đủ hơn. Điều đầu
tiên mà bà lưu ý người đọc khi tiếp xúc với tiểu thuyết Trung Hoa, là một sự
thật: “Tiểu thuyết Tàu xưa nay không phải là một nghệ thuật và chưa có một nhà
tiểu thuyết Tàu nào tự coi mình là một nghệ sĩ - bao giờ ta cũng phải nhớ đến
sự nhận xét đó, khi ta muốn hiểu rõ lịch sử cùng là địa vị rất quan trọng của
tiểu thuyết trong đời sống của dân chúng Tàu” (dẫn theo bản dịch của Lê Đình
Chân, in trên Thanh Nghị, 1944. Từ đây trở xuống các ý của Pearl Buck
đều dẫn theo bản này). Sở dĩ như vậy, bởi vì thứ văn chương được các nhà nho ở
nước Trung Hoa cổ công nhận phải là thứ văn chương cao cả, thâm thuý, được hình
thành theo những lề luật khá rắc rối. Người ta đọc thơ, phú, khi ngồi một mình
trong phòng thanh vắng. Trái lại, tiểu thuyết là thức ăn của đám đông “Trong
một xóm một trăm người, khó lòng tìm được đến quá một người biết đọc. Những
ngày nghỉ, hay là những buổi chiều khi công việc đồng áng đã xong, anh nào biết
chữ, giở một quyển truyện đọc to cho mọi người nghe thấy. (...) Những mẩu
chuyện nho nhỏ mà anh ta kể to cho mọi người nghe chính là gốc của những tiểu
thuyết sau này”. Nói cách khác tiểu thuyết đến với người ta ở những nơi công
cộng, ngay ngoài đường đi lối lại ồn ào tấp nập. Cách tồn tại này, tưởng là
chuyện vặt, sao cũng được, song kỳ thực đã ảnh hưởng đến nội dung và nghệ thuật
của tiểu thuyết. Một quyển sách được xếp vào cái thể tài đại chúng này vẫn có
thể sâu sắc, cao thượng, song bề ngoài nó phải gợi cảm giác thông thường phàm
tục, ai nghe cũng hiểu, ai đọc cũng bị lôi cuốn. Một bộ tiểu thuyết nếu được
viết một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng, gạn lọc quá, sẽ ngăn cản sự tiếp nhận của đại
chúng. Chẳng những thế, những gì không bình thường, những gì huyền hoặc khó
tin, thậm chí do bịa đặt mà có, vốn không được phép xuất hiện trong các thể văn
gọi là nghiêm chỉnh, lại luôn luôn có chỗ đứng đàng hoàng trong tiểu thuyết. Có
vẻ như giữa người viết và người đọc ở đây sớm hình thành một giao ước: trong
khi cácloại sách, mà các nhà nho coi trọng (được họ gọi chung là văn lý),
thường khi có tính cách giáo huấn, thì tiểu thuyết không bị ràng buộc bởi cái
ách đó. Ngược lại, trước tiên nó phải có tính cách giải trí. Nó không được làm
người ta mệt. Có thể, sau khi nghe đọc sách, người đọc cũng vân vi nghĩ được
nhiều điều cao đẹp, nhưng lúc tiếp xúc với tác phẩm, cái chính là người ta được
hồi hộp theo dõi mọi diễn biến xảy ra, lo cho nhân vật này, căm ghét bực bội vì
nhân vật khác. Có thể nói, sự tự do của người sáng tác tiểu thuyết rất rộng,
chỉ có một quy phạm duy nhất mà họ phải tuân theo, là tạo nên được sự hấp dẫn.
Suốt trường kỳ lịch sử, sự rộng rãi trong quy phạm như thế này cũng được các
nhà tiểu thuyết khai thác triệt để, các loại tiểu thuyết nối nhau xuất hiện mà
thường khi chỉ cần đọc các “nhãn hiệu’ đặt bên cạnh đầu đề, người ta đã thấy
một phần nội dung: Nào là tiểu thuyết thần ma, tiểu thuyết quái dị,
tiểu thuyết truyền kỳ; bên cạnh tiểu thuyết nhân tình thế thái,
lại có tiểu thuyết châm biếm, tiểu thuyết khiển trách, tiểu
thuyết tài tử giai nhân v.v... (dẫn theo Lịch sử văn học Trung Quốc
của Viện khoa học xã hội Trung quốc và Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung
Quốc của Lỗ Tấn). Một điều cũng nên chú ý là trong số sách được phổ biến
rộng rãi một phần đáng kể là các tiểu thuyết võ hiệp. Tại sao như vậy? Có thể
là vì loại truyện này linh hoạt sôi động, dễ theo dõi, nó là món ăn tinh thần
hợp với khẩu vị của đám đông người đọc, cuộc sống vốn quá vất vả mà lại đơn
điệu. Một điều cũng có thể nói chắc nữa là ở đây có lý do truyền thống: Trung
Hoa là một dân tộc thượng võ, họ thích đưa những cuộc “quyết đấu” lên bình diện
văn hoá. Không ai bảo ai, song dường như các nhà viết loại tiểu thuyết này đều
nhận ra rằng đi vào miêu tả thế giới của những người hoặc tay không, hoặc cầm
đủ thứ gươm đao để bảo vệ mình, và tiêu diệt kẻ thù, thật ra là một cách tốt
nhất để mô hình hoá cuộc đời và giúp cho người ta nhận chân cái điều đơn giản:
đời là một cuộc cạnh tranh khôn sống mống chết (hoặc nói như cách nói
thời nay : đời là một cuộc chiến đấu.
Từ cuối thế kỷ XIX, trong
cơn biến động chung của lịch sử thế giới, sau khi Trung Quốc bị nhiều nước
phương Tây đến xâu xé, đất nước có truyền thống lịch sử lâu đời này lại bị lôi
cuốn vào một cuộc vận động lớn là Âu hoá. Hướng về phương Tây, làm theo mẫu mực
phương Tây, chẳng những âm nhạc, hội hoạ, sân khấu của Trung Hoa mà cả tiểu
thuyết cũng có biến chuyển. Đại thể, có thể thấy hai khuynh hướng:
Một bên là các nhà văn
hấp thụ những ảnh hưởng tốt đẹp từ Balzac, Dickens, Tolstoi viết nên những tiểu
thuyết theo quy phạm mới. Đứng ở hàng đầu của loại tiểu thuyết gia này là những
tên tuổi mà đây đó, ở Việt Nam ,
chúng ta đã biết: Ba Kim với Gia đình Mao Thuẫn với Nửa đêm, Lão
Xá với Tường Lạc đà v.v...
Mặt khác, trong đám văn
nhân len lỏi ở các đô thị nhỏ, viết cho những đám đông nghèo khổ đọc, nhiều
người vẫn nuối tiếc các khuôn mẫu của tiểu thuyết cũ, nhất là khi người ta lại
được tiếp thêm một dòng tiểu thuyết cũng có tính cách bình dân của phương Tây
là tiểu thuyết trinh thám, mà Conal Doyle là một ví dụ. Và họ vẫn viết, theo quy
phạm cũ, tuy ít nhiều đã có đổi khác.
Tiểu thuyết võ hiệp hiện
đại,trong đó có chưởng ra đời, là để lấp đầy cái khoảng không gian mà cả người
viết lẫn người đọc vẫn cảm thấy trống vắng khi quá nhiều tác giả tiểu thuyết
chạy theo xu thế Âu hoá.
Sau cái thời của những
nhân vật sử dụng tới thập bát ban võ nghệ, là thời của các nhân vật phun kiếm
qua lỗ mũi (ở Việt Nam, một người Trung Hoa sang lập nghiệp là Lý Ngọc Hưng đã
viết hàng loạt tiểu thuyết khai thác triệt để loại võ công này, từ đó hai chữ kiếm
hiệp đã có chỗ đứng riêng trong trí nhớ nhiều lớp bạn đọc). Tới chưởng thì
bề ngoài võ công lại được giản lược một bước nữa. Nói một cách thô thiển nhất
thì chưởng là loại tiểu thuyết võ hiệp trong đó các ngón đòn đánh ra là từ bàn
tay. Song những cuộc tìm kiếm, trả thù không vì thế mà giảm bớt tính quyết
liệt, những cuộc tỉ thí không vì thế mà bớt đổ máu, ngược lại, con người
võ hiệp Trung Hoa trước sau vẫn là một mô hình tối ưu, giúp cho người ta thấy
những gian truân, nặng nhọc, đồng thời là những hào hứng kỳ lạ của cái gọi là
kiếp người.
Trong bài tựa bộ Thuỷ
hử, tác giả Thi Nại Am (đúng hơn, chỉ nên gọi ông là một trong những tác
giả vì bộ tiểu thuyết này do nhiều người đóng góp, trước khi hoàn chỉnh) bộc
bạch: “Truyện tôi viết đây, tôi mong cho ai ai xem cũng hiểu (...) than ôi!
sinh ra đời rồi lại từ giã cuộc đời! Người đời sau bình phẩm sách này ra sao,
làm gì có cách để biết. Mà kiếp sau lộn làm người khác xem sách này có nhẽ cũng
quên là kiếp trước chính mình đã viết ra nó. Mà liệu kiếp sau ta có biết chữ,
để đọc nổi sách như bây giờ? Thế thì hơi đâu mà quan tâm đến sách ta làm cho
thêm bận trí!”.
Trước mắt chúng ta,
người cầm bút viết văn hiện ra như một con người có chút hư vô, để hết tâm sức
vào việc sáng tác, nhưng chỉ xem nó là một thứ trò chơi, không đánh giá nó quá
cao, không tính chuyện gửi gấm gì hết. Song chính sự nhẹ nhõm đó lại giải phóng
sức sáng tạo đến mức tối đa, khiến Thuỷ hử trở thành một kiệt tác của
nền văn học Trung Quốc. Trong khi bao kẻ cầm bút suy nghĩ cứng nhắc, dù có nhét
vào đầu óc hàng bồ chữ và tự cho mình là văn nhân tài tử, dùng những thể văn
sang trọng cao quý như thơ, như phú để lập thân, rút cục cũng chỉ tạo ra thứ
văn chương nhạt nhẽo vô vị, thì những La Quán Trung, Thi Nại Âm, Cao Ngạc, Ngô
Kính Tử v.v... dám chọn cho mình một con đường khác: Họ làm việc ngay trên cái
thể tài mà thiên hạ coi thường. Họ không ngại đằm mình vào giữa những chuyện
tưởng như dông dài, bông phèng, đùa cợt. Nói như một câu danh ngôn phương Tây,
dưới bàn tay họ, chú vịt què xấu xí đã trở nên con thiên nga xinh đẹp -
từ trong vô số những tiểu thuyết đã được truyền tụng (riêng số được in, có
người đã nói lên tới vài ngàn), rút cục Thuỷ hử, cũng như Hồng lâu
mộng, Tây du ký, Kim Bình Mai... vĩnh viễn còn lại như những đài kỷ niệm
trong lịch sử văn học, đứng nang hàng
với Ly Tao, Sử ký, thơ Đường v.v...
Một diễn biến tương tự
cũng đã xảy ra, trong nền tiểu thuyết thông tục hiện đại. Ngoạ Long Sinh và
Lương Vũ Sinh, Nghê Khuông và Mộ Dung Mỹ, Nam Kim Thạch và Gia Cát Thanh Vân,
Độc Cô Hồng và Trần Thanh Vân... số tác giả viết chưởng ở Hồng Kông và Đài Loan
trước đây không phải là ít, và ban đầu tên tuổi một người như Kim Dung dường
như lẫn đi giữa bao ngòi bút lấy lẽ sống ở việc “mua vui cho thiên hạ”. Không
phải là Kim Dung không ý thức nổi tình cảnh của mình. Đã nhiều lần, ông phải
đứng ra biện hộ cho bản thân và cái thể tài mà mình sử dụng. Thế nhưng, ở đây
lịch sử văn học vẫn có sự công bằng, rút cục nhà văn tài hoa và uyên bác này
không lẫn đi giữa mọi người, ngược lại chẳng những tác phẩm được in ra với số
lượng kỷ lục, mà bản thân ông được giới nghiên cứu công nhận như một nhà văn cổ
điển. Với Kim Dung, tiểu thuyết Trung Quốc tìm được người nghệ nhân thành thục
trong tay nghề. Thể tài đưa ông lên đài vinh quang, mà ông cũng giúp cho thể
tài tự khẳng định.
II.
Tính cách hiện đại
Như Pearl Buck trong câu
chuyện nói trước Viện hàn lâm Thuỵ Điển đã ghi nhận, cái lạ của tiểu thuyết
Trung Hoa là trong khi tồn tại trước tiên trên đường phố, như một thứ văn
chương truyền miệng, nó lại thích phiêu lưu tới một khu vực đề tài mà đám đông
dân thường không rành, song họ tò mò muốn biết, và sẽ truyền tụng nhau như một
ít điều bí mật, đó là đề tài lịch sử. Người Trung Quốc vốn có ý thức sâu sắc về
sự tồn vong của xứ sở như một quốc gia, và nền sử học của họ được hình thành
thuộc vào loại sớm nhất trên thế giới. Nhưng bên cạnh loại lịch sử công khai,
lịch sử chính thống, trong đời sống xã hội nơi đây thường vẫn lưu truyền những
câu chuyện đồn đại, mà tiếng chuyên môn gọi là ngoại sử. Trong khi chính
sử quan tâm tới những việc lớn, ở trên mặt tiền của những biến thiên xã
hội, thì ngoại sử đi vào hậu trường “bếp núc” của cung đình, việc lập
các ngôi vua đã trải qua đấu đá như thế nào, những ai tranh chấp với ai, đằng
sau mỗi sự hưng vong đâu là những đòn đánh nham hiểm và những việc làm ám muội.
Khó lòng nói rằng ngoại sử bao giờ cũng chính xác, hẳn nó đã bị méo mó đi do sự
xuyên tạc khi vô tình khi cố ý của những người kể, song nó lại khiến người nghe
thích thú, và giúp họ, qua đó, hiểu thêm về sự đời rắc rối. Chính loại ngoại sử
này có liên quan nhiều đến tiểu thuyết, từ các mẩu chuyện rời rạc chắp vá,
người ta đã dựng lại thành những bộ tiểu thuyết “diễn nghĩa” mà dù chỉ một phần
nhỏ được dịch ra tiếng Việt, song cũng đã cho bạn đọc ở ta có được một ý niệm
liên tục về lịch sử nước Tầu (tạm liệt kê sơ bộ như sau : Phong thần, Hán Sở
tranh hùng, Thuyết Đường, Tiết Đinh San chinh Tây, La Thông tảo bắc, Tống Nhạc
Phi, Tống Địch Thanh, Thuỷ Hử, Càn Long du Bắc, Càn Long du Giang Nam, Thanh
Cung mười ba triều v.v...) Cho đến khi chuyển sang thời hiện đại, các loại
tiểu thuyết khác nhau như kiếm hiệp, như chưởng đều tiếp tục khai thác cái thế
mạnh này. Truyện của Kim Dung thường xoay quanh mối quan hệ giữa Trung Quốc với
các dân tộc chung quanh, như người Khiết Đan, và trong một vài trường hợp, có
dính đến vua Càn Long. Việc trở lại với lịch sử mang lại cho các trang sách một
sắc thái cổ kính quen thuộc, trong khi vẫn dành chỗ thoải mái cho ngòi bút nhà
văn lui tới để phô diễn những quan niệm riêng về những điều bạn độc quan tâm,
về thế giới quanh ta, về kiếp nhân sinh, và bao chuyện cụ thể khác.
Thế giới,
mối quan hệ giữa con người và thế giới
Trên nét lớn, người ta
thể tạm dựng nên cái bộ khung chủ yếu làm nên cốt truyện của một cuốn tiểu
thuyết võ hiệp cổ điển: Thiên hạ đang thái bình thì có một bọn gian thần dối
vua hại nước, làm chuyện thoán nghịch. Các bậc công thần bị hại. Con em họ phải
lẩn trốn đây đó, rồi tụ tập lại, bàn chuyện khôi phục chính nghĩa. Các tập sách
thường khép lại với việc phái chính thống trở lại cầm quyền. Và một giai đoạn
thịnh trị mới bắt đầu. Nhìn chung, khái niệm triều đình chính thống đóng vai
trò trung tâm trong các tiểu thuyết võ hiệp cổ điển. Bởi triều đình là một thứ
vật chuẩn, quy tụ những nỗ lực của “chúng anh hùng”, cũng tức là tạo nên một
khuôn khổ cho mọi hành động. Người anh hùng trong truyện võ hiệp xưa có một mục
đích lớn lao để mà tin, và toàn bộ cuộc đời của họ được tổ chức để thực hiện
cho được mục đích đã định đó.
Về phương diện này mà
xét, chưởng của Kim Dung không hổ là một sản phẩm của thế kỷ XX, nghĩa là một
thời đại đa đoan phức tạp, nó đòi hỏi ở con người một nhận thức và một cách ứng
xử thời trước không ai nghĩ tới. Thay cho triều đình, cái mà người ta bắt gặp
trong chưởng là cả võ lâm, một cái tên khác để chỉ xã hội. Bề ngoài thì võ lâm
bình thường không có chuyện gì. Nhưng trong lòng nó, biết bao xao động đang xô
đẩy, mà cuộc vận động lớn nhất, là các phe phái đua nhau đi tìm những bí kíp người xưa để lại, những mong trùm lấp lên mọi
môn phái khác. Có điều mọi mong mỏi loại đó chỉ là ảo tưởng. Theo như cách nói
của một người mê chưởng là Đỗ Long Vân (trong cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta,
1968), thì võ lâm giờ đây trở nên một thế giới vô cùng, và đã mất trung tâm;
cái thực thể xưa kia tưởng là thống nhất, nay thường xuyên chia năm xẻ bảy. Cho
đến cách hiểu về các bí kíp cũng không nguyên vẹn nữa, mà có thể nói mỗi người
có một cách hiểu riêng.
Hơn thế nữa, chẳng những
cái đích để con người hướng tới khác đi, mà nay là lúc bản thân con người võ
hiệp cũng đã đổi khác.
Gần như ngay từ khi sinh
ra, nhân vật trong truyện võ hiệp cổ đã được quy định rõ rệt: họ thuộc về một
dòng giống như thế nào, họ phải làm gì mới xứng đáng là người anh hùng. Trong
quá trình hành động, ở họ, các ý niệm chính tà hết sức rạch ròi, giữa cái thực
và cái giả có một sự tách bạch phân minh đến không ai lầm lẫn được. Về phần
mình, nhân vật chính trong chưởng Kim Dung, kể từ Trương Vô Kỵ trở đi, quả
không có được cái may mắn đó. Trong không ít trường hợp, trước mắt chúng ta, là
một thiếu niên thật thà, hoặc là nạn nhân của những ân oán trước đây, nay phải
băn khoăn “giải mã” tức là đi sâu vào quá khứ của mình, nhờ đó khám phá ra thế
giới. Nhưng quá trình học hỏi và hành động này không suôn sẻ như người ta mong
đợi. Càng đi sâu vào quá khứ để hiểu lại lai lịch mình, người ta càng nhận ra
bao điều mù mờ, cũng như càng đi sâu vào thế giới, con người càng nhận ra sự xa
lạ của thế giới. Sự rành mạch chính tà không còn. Những người thuộc chính phái
cũng ghen tị, thù oán, tranh chấp với nhau, và khi cần họ cũng tàn tệ, độc ác
sẵn sàng thanh toán nhau, dù vẫn luôn miệng nói đạo đức. Trong khi đó, những kẻ
thuộc tà phái, tuy có mang tiếng là bất nhân, độc ác, nhưng để bù lại, họ sòng
phẳng rõ ràng trong quan niệm và ứng xử. Họ không làm ra vẻ thế này thế khác để
làm mẫu cho thiên hạ. đôi khi chẳng qua vì ham hố đuổi theo mục đích, và muốn
tranh quyền với cả tạo hoá, nên họ mang tiếng vậy. Sau khi có dịp tiếp xúc với
đủ loại chính tà, những nhân vật chủ đạo trong Kim Dung (thường khi là những
con người thông minh, nhạy cảm, trong lòng đau đáu một niềm tha thiết, muốn
nhận cho rõ bản chất cuộc đời) không khỏi cảm thấy đơn độc, tự nhủ chỉ còn có
cách sống theo lương tri của mình, và tìm tới những ý tưởng vừa thiết thực, vừa
siêu thoát. Vượt qua nỗi hoang mang ban đầu, một nhân vật loại này đã đưa ra
một lời nguyền, dùng làm phương châm xử thế: “ Thà làm chính tà còn hơn
là nguỵ quân tử.”
Nói theo thuật ngữ của
vật lý lượng tử, thế giới trong chưởng như vậy là một thế giới bị chi phối bởi
nguyên tắc bất định, luôn luôn người ta có thể bắt gặp nó khác đi, nếu đứng ở
những góc nhìn khác nhau. Và nói như Đỗ Long Vân, tiểu thuyết của Kim Dung
chính là lời tự sự của một thuở giao thời, từ thời của ổn định, thanh bình,
sáng thời của nghi vấn, bất trắc.
Nhân vật
Có lần nhân giải thích
cách viết của mình, Kim Dung nhận xét: nói tới văn chương là phải nói tới bịa
đặt. Thơ Lý Bạch có câu: Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn. Thời nhà
Đường, làm gì có phương tiện một ngày đi hàng ngàn cây số như vậy? Thế thì
chưởng mà ông xếp vào dòng tiểu thuyết lãng mạn - bịa đặt có gì là lạ! Tuy
nhiên, ông tin rằng những gì ông viết ra vẫn thuộc loại văn chương thứ thiệt,
bởi lẽ, đọc tác phẩm của ông, người ta thấy rõ những con người. Hàng chữ sau
đây được ông cho in đậm trong một bài viết: “Một bộ tiểu thuyết võ hiệp
không xây dựng nổi một vài nhân vật cho ra trò, mà chỉ trông cậy vào tình tiết
mạo hiểm vá víu, cùng những cuộc ác đấu kéo từ cuốn này qua cuốn khác, thì nhất
định bộ tiểu thuyết võ hiệp đó không thể lôi cuốn bạn đọc”
Ở chỗ này, Kim Dung đã
chạm tới một chỗ mạnh của bản thân, một thế mạnh thực thụ, mà không ai có thể
phủ nhận.
Vương Ngọc Yến và Đoàn
Dự, Trương Vô Kỵ và Hồng Thất Công, Chu Chỉ Nhược và Tạ Tốn v.v... Với những
người không đọc chưởng, thì các tên này không gợi ra một ý niệm gì cả, nhưng
với những người có dịp dừng lại ở những trang sách của Kim Dung, gắn với mỗi
cái tên ấy là một tính cách, người này tiêu biểu cho lại ngay thẳng thật thà,
kẻ kia là cái tên chung để gọi một mưu đồ ác độc v.v... Người ta đã có nhiều
bằng chứng để xác nhận tính phổ biến của các nhân vật chưởng: Sau khi đọc xong
sách của Kim Dung, một số bạn đọc của ông nhận ra rằng khá nhiều người đời rất
giống với nhân vật của ông, và họ liền lấy tên nhân vật để gọi người đã gặp:
ông A. là Mộ Dung Phục, ông B. có nhiều nét của Vi Tiểu Bảo. Ai người bề ngoài
tỏ ra cao thượng nhưng bên trong giả dối là Nhạc Bất Quần. Còn Tả Lãnh Thiền
thì dành để chỉ kẻ thích xưng hùng xưng bá, doạ dẫm người khác.
Đối với một nhà tiểu
thuyết, đấy là cả một vinh dự!
Vả chăng mặc dù là những
con người của võ thuật, và có thể, trong khoảnh khắc, xuống một thế võ, giết
chết cả ngàn sinh mạng song nói chung, họ vẫn có những vui buồn sướng khổ thông
thường. Âu Dương Phong nao lòng khi nghe một đứa bé gọi là cha. Đoàn Dự vừa
trông thấy Vương Ngọc Yến đã cảm thấy bị thu hết hồn vía. Hoàng Dược Sư đi khắp
cùng trời cuối đất tìm con, và lúc nào cũng nhớ đến người vợ thuỷ chung sớm qua
đời... Lại nữa, nếu xét cho kỹ, người ta thấy các nhân vật trong chưởng, với
tất cả sự đam mê sẵn có, làm bao nhiêu chuyện kinh thiên động địa, nhưng suy
cho cùng, không phải bao giờ họ cũng làm chủ được số phận. Thường khi, họ trở
thành một cái gì mà họ không bao giờ nghĩ tới. Trong Thiên Long bát bộ,
có một chi tiết rất nhỏ: một lần các chiến hữu thân thiết của Kiều Phong có dịp
gặp gỡ, trong đó viên phó tướng của Kiều Phong dẫn tới người vợ rất đẹp. Hầu
như tất cả mọi người trong bàn tiệc hôm đó đều cùng trầm trồ khen ngợi, và nhất
cử nhất động của họ đều bị chi phối bởi cái nhìn của người đàn bà này. Chỉ có
Kiều Phong với tâm thế của một bậc anh hùng cái thế, mải lo việc lớn, chả để ý
đến người vợ của chiến hữu làm gì. Thế là trong lòng bà taoonayr sinh một mối
hận thù, và bà ta thề sẽ phá tan cái băng đảng mà Kiều Phong đã dày công tập
hơp. Dù tán thành hay không, cũng phải công nhận rằng cách cắt nghĩa lịch sử
của Kim Dung như vậy khá táo bạo. Giữa cái tưởng như vô cùng lớn và cái tưởng
như vô cùng bé, có một sự tiếp cận ngẫu nhiên, từ đó, tạo nên một sự bùng nổ
trong hành động của con người mà không một lô gích thông thường nào cắt nghĩa
nổi. Nhưng tất cả những bột phát tuỳ tiện không định trước đó lại có tính tất
yếu, nó là cái bền vững nhất trong mỗi con người đang sống.
Võ công hay kỹ thuật
Ta cũng chớ nên quên
tiểu thuyết của Kim Dung là sách chưởng và dù say mê với việc miêu tả sự muôn
màu muôn vẻ của con người đến đâu, thì ông cũng phải đặt mối quan hệ của họ vào
võ lâm. Nói cách khác, những quan niệm hiện đại của Kim Dung về thế giới còn
phải được tìm cả trong các võ công, mà các nhân vật của ông sử dụng.
Nếu như đọc những Tuỳ
Đường diễn nghĩa, hoặc Tam quốc, người ta được biết những ngón võ
nổi tiếng như Sát thủ giản, Hồi mã thương, và đọc các bộ kiếm hiệp như Bồng
Lai hiệp khách, Giao Trì hiệp nữ, đám học trò tiểu học còn nhớ những thế võ
như Kim kê độc lập, Nguyên suý hồi trào... thì ở đây bạn đọc cũng được
biết tới Nhất dương chỉ, nào Lạc anh quyền, nào Đả cẩu bổng,
nào Lăng ba vi bộ. Khi cắt nghĩa sự hình thành của những võ công này,
Kim Dung cho biết rằng thường chúng được gợi ý từ hai nguồn:
1/ những hiện tượng văn
hoá truyền thống (có võ công dựa trên Kinh Dịch, có võ công lấy Phật học làm
căn bản v.v...)
2/ những hiện tượng tự
nhiên (có võ công mô phỏng một cảnh thác đổ, có võ công bắt chước thế chim bay
v.v.)
Trong trường hợp thứ
nhất, Kim Dung có dịp tự trình bày như một học giả uyên bác và tinh tế. Không
phải ngẫu nhiên, đã có bạn đọc thú nhận rằng “đọc chưởng của Kim Dung, thấy có
một sự khoái trá văn hoá không thể tìm thấy ở bất kỳ chỗ nào khác trong văn học
Trung quốc hiện đại”
Ngược lại, trong trường
hợp sau, người ta không chỉ thú vị với một trí tưởng tượng phong phú, mà còn
cảm thấy mình như ở đây có một ít liên hệ với một môn học hiện đại là phỏng
sinh học (nghiên cứu kỹ tự nhiên để hoàn chỉnh các loại máy móc, giúp chúng
có chức năng đa dạng như tự nhiên).
Ngay từ những tập đầu
của Thiên Long bát bộ, tên tuổi Đoàn Dự đã gắn liền với cái võ công kỳ
lạ là lục mạch thần kiếm. Nhưng cái oái oăm của Kim Dung trong trường
hợp này, nó cũng là lý do khiến cho người ta hồi hộp theo dõi, là môn thần kiếm
ấy của Đoàn Dự được “điều kiện hoá” cao độ. Không phải bao giờ nó cũng thuận
theo ý muốn Đoàn Dự. Khi chàng bắt gặp một cảnh ngang trái (chẳng hạn thấy một
kẻ cậy tài và khoẻ bắt nạt kẻ yếu hơn), và
trong cơn bột phát, Đoàn Dự muốn làm một việc tử tế, thì bao giờ môn
thần kiếm ấy cũng là vô địch. Nhưng khi chủ nhân của nó thiếu đi một lý do
chính đáng (chẳng hạn, chỉ cốt phô phang với đời) thì món thần kiếm kia mất hẳn
hiệu nghiệm. Thật là tức anh ách! Nhưng với người đọc, nó thật là chuyện thú
vị! Và người ta tự hỏi làm sao mà một nhà văn có thể tự đặt ra một võ công kỳ
lạ vậy, nếu không thấm nhuần ý tưởng về tính xác xuất, vốn là một phần của các
tư tưởng vật lý hiện đại.
Số lượng các từ ngữ lần
đầu tiên được dùng trong chưởng, sau đó trở nên phổ biến khá nhiều. Chẳng hạn
khi thấy một ai lánh bỏ sự đời, người ta bảo rằng anh ta dạo này rửa tay gác
kiếm, còn nếu như anh ta trở lại hoạt động, tức là một dịp tái xuất
giang hồ. Riêng tôi, trong kho từ ngữ này có một cụm từ mà tôi rất thích: tẩu
hoả nhập ma. Nguyên do là trong truyện của Kim Dung do khát vọng muốn được
hiểu biết, được từng trải, có những nhân vật lăn đi để học hết võ công này tới
võ công khác. Nhưng không phải là các võ công hoàn toàn vô can, và có thể “lắp
ghép” bừa bãi. Khi hai võ công trái ngược nhau được đặt cạnh nhau, hoặc nói
rộng hơn, khi một người tính chuyện thu nạp cả những võ công ngược với tính
cách bản thân, lập tức ở anh ta sinh ra hiện tượng giống như công thuốc, cái nọ
xung đột với cái kia, không những không có lợi mà còn có hại, thậm chí có
trường hợp con người trở thành tàn phế. Trong khi mang sắc thái rất riêng của
võ công, ý niệm tẩu hoả nhập ma thật ra có tầm phổ biến rộng rãi, khi
một người đọc những quyển sách mà anh ta không hiểu, rồi sinh ra nói năng bừa
bãi, người ta cũng bảo anh ta ngộ chữ, hoặc bị tẩu hoả nhập ma.
Mà cái căn cốt sâu xa để xây dựng nên ý niệm này lại có thể tìm ngay ở một ý
tưởng của triết học thế kỷ XX: chủ nghĩa cấu trúc.
Trên nét lớn, có thể bảo
võ công trong Kim Dung có những nét tương tự như kỹ thuật với con người hiện
đại.
III.
Những người viết văn có thể tìm thấy những gợi ý như thế nào từ truyện chưởng?
Khoảng 1954 về trước,
chợ Đồng Xuân có một dãy quầy hàng bán ở
ngay mặt tiền, và muốn mua gì, mọi người có thể không cần vào chợ mà đứng ngay
trên vỉa hè tuỳ ý lựa chọn. Một trong những quày đó, ở góc phố Hàng Khoai, dành
cho sách báo. Cố nhiên chữ nghĩa bán ở đây chỉ là loại hàng tầm tầm, trong đó
có một thứ mà vào tuổi tôi lúc ấy, không ai không thích: kiếm hiệp. Còn nhớ, để
câu khách và cũng là tiện cho người mua vặt, sách của ông Lý Ngọc Hưng in ra
thoe từng tay một, mỗi tay ứng với một hồi. Những lúc chờ tàu điện về với gia
đình ở Thuỵ Khuê, tôi chỉ ngóng tàu đến chậm, để lướt thật nhanh qua các tay
sách. Ngọc Kỳ Lân Vân Đằng Giao và Kim Hồ Điệp Trúc Thuý Quỳnh, Bồi
thành lực sĩ Sích Như Lân chi mộ, Uy liệt vương Võ Trấn Phương kiến thiết,
Nguyên suý hồi trào, Hạng Vương cử đỉnh... tên người tên đất, tên các thế
võ đọc ban ngày, đêm về xủng xoảng trong đầu óc, khiến cho về sau, có hồi học
chữ Hán với mấy cụ đồ ở trường Chu Văn An, nhiều từ tôi chỉ nghe phát âm mà
biết nghĩa, lúc bình tĩnh ngồi nghĩ mới hay mình đã vỡ lòng ở sách của ông Lý
Ngọc Hưng.
Dẫu sao, nhớ lại thời
đọc kiếm hiệp, về sau tôi vẫn thấy trong đó có chút lý do chính đáng: trẻ con
bao giờ chả thế!
Đến như chuyện mê chưởng
thì mới thật lạ. Khi mới bắt đầu làm quen với Kim Dung, bản thân đã ít nhiều ăn
chịu với nghề viết văn và nói chung là có được phần nào ý thức về công việc của
mình. Vậy mà vẫn không sao cưỡng nổi thứ văn chương thoạt nhìn ma mị đó! Có
điều, có phải riêng tôi đâu, ở tạp chí Văn nghệ quân đội nơi tôi từng
công tác, một ngòi bút nổi tiếng sác sảo như Nguyễn Khải, một người ranh ma như
Xuân Sách cũng mê chưởng, và mỗi lần ngốn hết một bộ sách của Kim Dung là các
anh lại ngồi vừa vân vi lý giải sự đời trong đó, vừa liên hệ với những chuyện
vẫn nghe trong đời sống hàng ngày, để bình luận thêm. Còn nhớ là với thói quen
thích đùa bỡn và tự chế giễu, Nguyễn Khải có lần còn cảm thấy mình có chất của
Mộ Dung Phục, một trong những nhân vật hiếm hoi của Kim Dung từ chối tình yêu,
vì chỉ sợ sa chân vào đó là rơi vào phù phiếm, trong khi đời mình còn bao nhiêu
việc phải làm! Và trong những câu chuyện bên Hội Nhà văn mà Nguyễn Khải thường
mang kể lại cho anh em ở 4 Lý Nam Đế, anh cũng không quên lưu ý là dạo này, nào
ông Kim Lân, nào ông Trọng Hứa... đang quay cuồng về chưởng ra sao.
Hàng ngũ những người mê
chưởng tôi quen thì có thể kể ra khá dài: Nghiêm Đa Văn và Lâm Quang Ngọc, Hà
Ân và Trần Hoàng Bách v.v.... Sách người này đọc chưa xong, người kia đã chờ
mượn, cả bọn dắt dây nhau mà thích thú và cảm phục.
Một số thu hoạch tôi nêu
lên ở trên, có liên quan tới không biết bao nhiêu cuộc luận bàn chúng tôi đã
dành cho tiểu thuyết Kim Dung trong buổi đầu gặp gỡ đó
Còn bài học mà chưởng
gợi ý đối với nghề viết văn, có phần đến sau hơn một chút, nhưng không phải vì
thế mà kém phần sâu sắc.
Một trong những sức ép
mà những người cầm bút hiện nay phải chịu, mỗi khi viết văn, là bên cạnh văn
chương, lúc nào cũng có vô số thứ lôi cuốn bạn đọc. Công chúng giờ đây được
chiều chuộng bởi đủ thứ thú vui: nào điện ảnh, nào truyền hình, nào các đêm
biểu diễn ca nhạc, trong khi ấy, thời gian của họ phải nói là ngày càng trở nên eo hẹp. Lẽ tự nhiên, mọi
người dễ đi tới kết luận rằng một lối viết hiện đại có nhiều phần đồng nghĩa
với một lối viết ngắn gọn chặt chẽ, cốt gây ấn tượng. Thế nhưng, trong một lần
trò chuyện với nhà văn Võ Quảng về chuyện dài và ngắn, loanh quanh một
hồi, rồi cả hai chúng tôi cùng ngớ ra: tiểu thuyết Trung Hoa cổ điển có bao giờ
ngắn gọn? Chẳng phải cái ấn tượng đầu tiên của một người khi liếc qua một cuốn
chưởng nhàu nát, là sao cảm thấy nó dông dài đến mức lê thê, hết tập này sang
tập khác, để rồi về sau mê mẩn với nó tới cùng? Kết luận: sự dài dòng không
phải là một cái tội, nếu như có vẻ dài dòng đấy, mà thiên hạ không bỏ được sách
của mình, thì đó lại là điều đáng hãnh diện.
Ở các lớp dạy viết văn,
những người muốn đi vào nghề cầm bút sớm được nghe cả một định nghĩa kinh điển:
văn chương là nghệ thuật ngôn từ, và nếu không làm được, thì ai người theo nghề
này, cũng tin chắc rằng đáng trọng nhất là những cây bút biết dừng lại để chăm
sóc cho từng câu từng chữ. Song đối với tiểu thuyết võ hiệp nói chung, với
chưởng nói riêng, hình như không phải vậy. “Từ thuở xa xưa, những người đi kể
tiểu thuyết cho thiên hạ đã sớm phải ghi nhận rằng giọng văn mà họ thưởng thức
hơn cả là một giọng văn dễ dãi, rõ ràng và giản dị, với những chữ thông thường
hàng ngày” (Pearl Buck). Đến chưởng, cái luật lệ đó vẫn được duy trì, và đây có
lẽ là lý do để một số người dè bỉu nó. Nhưng có một số người khác đã tự mình
đặt câu hỏi: văn chương tự nó không phải là mục đích. Nếu như thứ văn
chương bề ngoài có vẻ dễ dãi như văn Kim
Dung thích hợp với nội dung câu chuyện và điều tác giả muốn nói với bạn đọc thì
tại sao ta lại không chấp nhận? Chẳng những thế, nếu thân tình hơn với tác giả,
và thấu đáo hơn trong thưởng thức, người ta sẽ nhận ra rằng thật ra thứ văn ấy
có vẻ đẹp riêng, cái duyên dáng riêng, và sự hấp dẫn của nó là thứ hấp dẫn của
cái gì không cần tô điểm cầu kỳ. Ai có
kinh nghiệm đều biết rằng viết được loại văn đó không phải dễ.
Dẫu sao, câu chuyện về
dài hay ngắn, cần trau chuốt cho kỹ lưỡng hay cứ để cho văn tự nhiên tuôn trào
trên trang giấy vẫn còn là chuyện nhỏ, so với những vấn đề lý luận lớn hơn, mà
do tầm phổ biến rộng rãi và lâu dài của nó, tác phẩm của Kim Dung đã gợi ra và
đáng được suy nghĩ tiếp.
Mỗi khi có dịp tâm sự
với bạn đọc, nhà văn này thường vẫn kể là có không ít người viết thư cho ông,
tỏ ý thắc mắc rằng sao trong tiểu thuyết của mình, ông bịa đặt ghê gớm thế. Thì
ra, lối thưởng thức văn chương trong
sự ràng buộc với cái thực đã thâm căn cố đế ở nhiều người, và khi suy nghĩ
về vấn đề này người ta thường vẫn bị các bậc thày của văn học phương Tây ám
ảnh. Rằng, tác phẩm này, diễn tả thành phố Paris đúng đến từng chi tiết. Rằng, trong tác
phẩm kia, có những tài liệu có thể dùng làm dữ kiện tham khảo cho các nhà
nghiên cứu kinh tế. Kể ra, đó cũng là những nhận xét xác đáng, có điều, nếu coi
đó là phương hướng đuy nhất, để văn học đi theo, thì không đúng. Trong văn học
phương Tây, thế kỷ XIX, không chỉ có Balzac mà còn có Stendhal, một người hướng
mọi nỗ lực sáng tạo của mình vào việc biểu hiện tâm hồn của con người, ngoài
chuyện đó ra, những chi tiết lặt vặt đối với ông chả là gì cả, hoặc cũng có
quan trọng tí chút, song không phải là cái đích khiến ông phải quá để tâm săn
sóc. Nhìn sang tiểu thuyết phương Đông cũng thấy một tình trạng song hành tương
tự. Ở đây, có những cuốn truyện dài với nhiều chi tiết chân thực, như Hồng
lâu mộng, nhưng một cuốn khác, như Tây du, lại hoàn toàn dựa trên
bịa đặt, có phải vì vậy, mà bảo là cuốn thứ hai kém cuốn thứ nhất đâu? Nghiêm
túc mà nói, phải nhận những Liêu Trai chí dị, Tây du nói về đời sống
theo các cách riêng của nó, và người ta vẫn có thể bảo rằng những tác phẩm này
có giá trị hiện thực mà không có gì là nguỵ biện cả. Chưởng Kim Dung, đi theo
truyền thống đó.
Đạo diễn Nguyễn Đình
Nghi, một nhà hoạt động sân khấu song lại rất mê văn học, và cũng mê chưởng,
mới đây kể với tôi rằng ông đã phải suy nghĩ nhiều, khi có lần nghe một người
lái xe nhận xét:
- Đọc chưởng của Kim
Dung, thấy cái gì cũng bịa, sau cuối cùng lại thực, trong khi xem kịch của anh
A. đọc truyện của anh B, viết bây giờ, biết thêm nhiều chi tiết thực, mà toàn
bộ cứ giả khượt.
Ở đây, có lẽ nên tham
khảo thêm một ý kiến của nhà văn Mỹ la tinh Huan Carlos Onetti. Ông này cho
rằng “có nhiều cách nói dối, nhưng cách tởm lợm nhất là nói toàn bộ chi tiết
thực, chỉ che giấu,hay là làm sai lạc. cái hồn của hiện thực”.
Phỏng theo cách nói của
Onetti, có thể bảo trong chưởng có một
“cái hồn” thực, cái hồn này là cái tinh thần toát ra từ đời sống tác giả
nắm bắt được và muốn chia sẻ với bạn đọc.
Có một khía cạnh nữa,
làm nên tính cách hiện đại của chưởng, mà lại liên quan đến mỹ cảm đến cách viết,
đó là cái bề ngoài xù xì luộm thuộm của nó, cái lối bịa đặt rất gần với ma giáo
tà đạo của nó. Thế kỷ XX của chúng ta là thế, dù ở phương đông hay phương tây,
nay là lúc những gì trinh trắng, thật hạt, thuần nhất, thiêng liêng... đã bị
phôi pha đi nhiều, lẽ tự nhiên là trong văn học dễ sinh ra những hiện tượng bề
ngoài không bình thường, thậm chí quái dị. Mà quần chúng đông đảo thường lại dễ
bị lôi cuốn bởi những cái đó. Đôi khi nhà văn phải dám mạnh dạn chấp nhận thách
thức, tức là không sợ đi chung một chuyến đò với những gì pha tạp và
thoạt nhìn như là thấp kém kia, hơn thế nữa, biết mang lại cho chúng một tầm
cao mới, vẻ đẹp mới. Còn nếu như việc làm đó là xa lạ, chẳng bao giờ hợp với
các gu trời cho ở ta đi nữa, thì, trong khi không tìm cách làm theo, ít ra ta
cũng nên rộng lượng hơn, cởi mở hơn, phóng khoáng hơn, trong nhìn nhận và đánh
giá. Ngoài trời lại có trời, đó là một trong nhiều ý tưởng xuyên suốt
các bộ chưởng của Kim Dung, và càng ngày nó càng được nhiều người cho là có
1997