NHỮNG CUỘC CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH
Khi
chúng tôi bấm chuông cửa nhà của tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất của Việt Nam,
thì bản Für Elise bắt đầu chơi. Bảo Ninh, tác giả của cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh được thế giới ca ngợi, vẫn còn sống ở thành phố tuổi ấu thơ của
ông – chính cái thành phố nơi nhân vật chính của ông – anh chàng cựu chiến binh
Kiên luôn dày vò dằn vặt, đi lang thanh hàng đêm, khi “linh hồn của Hà Nội là mạnh
mẽ nhất …thậm chí còn mạnh hơn cả cơn
mưa. Giống như bây giờ, khi toàn thành phố dường như hoang vu, ẩm ướt,
đơn độc, lạnh lẽo và buồn tê tái”. Ngôi nhà của nhà văn, một kiến trúc đô thị
Việt Nam thẳng đứng điển hình, nằm trên con đường với hai hàng cây, rẽ xuống từ
đường phố chính, ở ngay phía nam Hồ Tây, nơi mà Kiên và Phương, người bạn gái từ tuổi ấu thơ của anh, đã cùng nhau xuống
bơi vào ngày trước khi anh ra chiến trường, và điều đó đã khơi gợi trong Kiên nỗi
hoài niệm tuyệt vọng khi anh trở về, 10 năm sau.
Là
một cựu chiến binh Bắc Việt, chính Bảo Ninh vẫn thường tự hỏi cuốn tiểu thuyết
của ông có phải là một cuốn tự truyện hay không. Câu trả lời là không. Và trong
khi hôm nay, có thể đi dạo quanh Hà Nội nhìn ngắm phố xá và các hồ nước thường
được Kiên nhắc tới, Hà Nội của anh vẫn là một thế giới xa cách. Vào ngày chúng
tôi tới thăm Bảo Ninh, mùa hè Hà Nội
đang ở đỉnh điểm của nó và Hồ Tây vẫn chói chang ánh nắng. Những cuộc
picnic gia đình trên cỏ và những chiếc xe BMV sang trọng của họ chạy chầm chậm
dọc theo con đường hẹp ven hồ. Về phía đông là khu Phố Cổ đông đúc và những biệt
thự của chính phủ ở khu trung tâm sầm uất của Hà Nội; về phía Tây là những khu
chung cư cao tầng mới và những đại lý xe hơi mọc lên như nấm ở vùng ven thành
phố.
Bản
Für Elise kết thúc và cửa nhà mở ra. Chúng tôi ngồi trên đi
văng ở phòng khách, nhấm nháp tách trà và không ai đụng đến đĩa hoa quả bày
trên bàn. Trong khi chuyện trò, Bảo Ninh lúc thì ôm chiếc gối, lúc thì bỏ xuống
bên cạnh, rồi lại ôm lên. Ông nói sang sảng với mớ tóc xoăn rối bù đã bạc trắng.
Ông thường kết thúc câu nói bằng cách hơi nghiêng đầu ra phía sau và nhướng đôi
lông mày cứ như thể thách bạn dám biểu lộ sự bực bội hay phản đối những lời của
ông, những lời ông đã nói một cách cởi mở và không hề nghĩ tới hậu quả của
chúng. Ở tuổi 65, ông mới cảm nhận rõ sự hữu hạn của đời người: đầu năm nay, lần
đầu tiên trong cả chục năm, ông mới đi kiểm tra sức khỏe và bác sĩ kết luận rằng
ông phải phẫu thuật tiền liệt tuyến. Vào ngày chúng tôi đến gặp, ông đã về nhà
dưỡng bệnh.
Bảo
Ninh không cho xuất bản một tiểu thuyết nào khác, sau Nỗi buồn chiến tranh, cuốn sách in lần đầu với nhan đề Thân phận tình yêu năm 1990. Một tập
truyện ngắn của ông xuất bản một cách lặng lẽ vào năm 2013 và tiếp sau là tập tản
văn xuất bản vào năm 2016.
Giờ
đây ông đang thực hiện một dự án lớn, nhưng ông không muốn gọi nó là tiểu thuyết
(hoặc hoàn toàn không muốn nói về nó). Khi chúng tôi tới, ông nói rằng ông đồng
ý trả lời phỏng vấn chỉ bởi vì ông nghĩ chúng tôi chỉ muốn hỏi ông về tác phẩm của các nhà văn khác. Nhưng vì chúng tôi đã ở
đây, thôi thì nói gì cũng được.
Khi
nào ông phát hiện ra rằng mình cần phẫu thuật
Tôi
được mời tới thuyết trình tại một festival về văn học tại Hàn Quốc. Một trong số
các nhà văn ở đó, tình cờ lại là một bác sĩ, đã nói với tôi rằng, ông nhìn
không được khỏe lắm và nên đi xét nghiệm. Nếu thời gian đó tôi ở Việt Nam, tôi
chắc đã chẳng bận tâm. Nhưng các dịch vụ y tế ở Hàn Quốc tốt hơn ở Việt Nam nhiều,
và tôi muốn biết đại thể tình trạng sức khỏe của tôi ra sao. Những xét nghiệm
đã phát hiện ra rằng tôi có một khối u lớn ở tiền liệt tuyến. Theo các bác sĩ,
tôi đã thật bất cẩn. Khi tôi nhìn thấy khối u trên màn hình, tôi phải nói rằng
nó đã lớn thật rồi.
Ca
mổ đã diễn ra như thế nào?
Cũng
chỉ là mổ nội soi thôi mà. Điều duy nhất phải lo lắng là kích thước của khối u.
Bây
giờ ông cảm thấy như thế nào?
Tốt
hơn nhiều, nhưng chưa phải một trăm phần trăm. Trong khi đó, các bác sĩ nói với
tôi rằng không nên hút thuốc và uống rượu. Tôi vẫn hút, mặc dù có ít hơn trước,
nhưng không dụng tới giọt rượu nào. Trong chiến tranh, khi còn trẻ, tôi chẳng sợ
gì hết, nhưng bây giờ già rồi, tôi cũng thấy hơi sợ.
Ca
mổ có ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt và công việc viết lách của ông như thế nào?
Nó
có tác dụng cực kỳ tích cực. Tôi có nhiều ý tưởng cho công việc viết lách của mình.
Nhìn tôi thì khó có thể nói, nhưng tôi vốn quen với lối sống tĩnh tại. Tôi nghĩ
chẳng việc gì phải vội, thế nên tôi trở thành lười nhác. Nhưng tôi đã trở nên
chăm chỉ hơn từ sau khi phẫu thuật. Chí ít thì tôi đã có mục tiêu trong đầu, thậm
chí mặc dù tôi không biết mình có đạt được hay không.
Tôi
không có vấn đề gì với lối sống mạnh khỏe hơn của tôi. Bác sĩ của tôi rất thông
cảm; ông nói tôi có thể uống chút ít khi cảm thấy có nhu cầu, vì ông lo rằng
tôi có thể bị sốc hoặc điều gì đó nếu tôi đột ngột dừng uống. Bỏ rượu là tốt đối
với cơ thể tôi, nhưng có lẽ nó cũng tốt đối với cả tinh thần nữa. Tôi thường
không uống một mình, nhưng đôi lúc, khi có bạn bên cạnh, tôi có thể trở thành
gã sâu rượu.
Ông
cảm thấy cấp bách như vậy có phải bởi vì ông biết rằng thời gian còn lại của
ông không nhiều nữa?
Đúng
thế. Tôi giờ đã già rồi, vì vậy tôi không thể trì hoãn được nữa. Tôi sợ. Bệnh tật
sẽ ảnh hưởng đến tôi trước tiên, sau đó là đến gia đình tôi.
Ông
đang làm gì trong thời gian này?
Chỉ
là một truyện ngắn.
Không
phải là tiểu thuyết sao?
Tôi
cũng có một số ý tưởng, nhưng viết dài đòi hỏi rất nhiều công sức. Việt Nam có
câu thành ngữ: nói trước bước không qua. Vậy tôi sẽ không nói về nó. Tôi có một
tập truyện ngắn, xuất bản năm 2013, bao gồm những truyện tôi viết đã lâu cùng với
một số truyện mới. Hiện tôi vẫn viết hằng ngày. Đó là một sở thích, nhưng công
bố thì không hẳn như vậy.
Thế
đề tài của ông là gì?
Chiến
tranh. Nhưng cũng không hẳn thế. Tôi viết về thời chiến tranh – đó là thời của
tôi – nhưng không chỉ chuyên về chiến tranh. Có thể lý giải như thế này: nếu
anh viết về thời của anh và ai đó nói anh đang viết về thời bình, tôi sẽ nói rằng
không đúng; đó chỉ là thời anh đang sống mà thôi. Ai cũng có thời của mình cả.
Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm tốt nghiệp của Bảo Ninh ở Trường viết văn
Nguyễn Du, ngôi trường được thành lập sau chiến tranh nhằm đào tạo những người
viết văn để phục vụ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những nhà văn nhiều tuổi hơn bòn
tiền để photocopy tác phẩm này. Ban đầu tác phẩm được lưu hành khá rộng rãi ở
thủ đô, mà chủ yếu là bí mật. Năm 1994, bản dịch tiếng Anh của Phan Thanh Hao
và Frank Palmos đã được công bố và được quốc tế khen ngợi, đồng thời nó cũng được
các nhà phê bình hoan nghênh, coi đó là một cửa sổ nhìn vào một xã hội mà họ được
chứng kiến chỉ qua các bức ảnh đen trắng.
Câu
chuyện của Kiên được kể một cách đứt đoạn, dịch chuyển đột ngột từ những cảnh bạo
liệt tàn khốc của chiến tranh và tâm trạng u tối, sang những cảnh ảm đạm của Hà
Nội thời hậu chiến, rồi lại chuyển sang những ký ức thời ấu thơ với Phương, như
khi ông chuẩn bị bản thảo trong những cơn độc tưởng (monomania) ngây ngất hơi men. Không hề có niềm hân hoan chiến thắng,
và rất ít chính trị hay ý thức hệ, và điều này giải thích tại sao cuốn sách lại
gây chấn động đến thế khi nó được xuất bản và tại sao nó lại trái ngược với lối
kể chuyện chính thống về cuộc chiến tranh vẻ vang của Đảng Cộng sản.
Năm
1986, khi chính phủ khởi xướng đổi mới,
một loạt những cải cách kinh tế và chính trị, chiến tranh qua đã lâu nhưng giọng
điệu và phương pháp tuyên truyền thời chiến vẫn cứ tồn tại một cách dai dẳng;
nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến, người sáng lập và là hiệu trưởng Trường
Viết văn Nguyễn Du, lý giải rằng các nhà văn Việt Nam mô tả “cuộc sống theo
cách mà những người khác muốn nó phải là”. Nhưng nhà văn Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh ngay khi đổi mới đã làm thay đổi tất cả các
phương diện của đời sống ở Việt Nam, kể cả văn học. Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu
Hương, Phạm Thị Hoài và Bảo Ninh đã đập tan những cấm kỵ và gây ra những tranh
luận gay gắt do những mô tả đen tối của họ về sự nghèo đói, sự bất đồng xã hội
và tham nhũng.
Khi
đổi mới đã làm biến đổi nền kinh tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam, thì
những cơ hội cho văn học cũng thu hẹp lại. Dương Thu Hương phải đi lưu vong. Nỗi buồn chiến tranh bị cấm trong thời
gian ngắn, Nguyễn Huy Thiệp không được xuất bản từ giữa những năm 2000. Ngày
hôm nay các nhà văn vẫn bị theo dõi và kiểm duyệt gắt gao. Bảo Ninh vẫn bước đi
cẩn trọng trong môi trường đó. Ông đã được ca ngợi công khai và những bản
photocopy của Nỗi buồn chiến tranh vẫn
được bày bán tại tất cả những quán sách trong các khu du lịch của Hà Nội, nơi chúng
được bày trên giá cạnh Hành tinh đơn độc
Myanma (Lonely Planet Myanma) và Hồ
Chí Minh tuyển tập.
Mặc
dù Bảo Ninh nói rất cởi mở về những vấn đề của nước Việt Nam đương đại – tham
nhũng, sự biểu lộ chính kiến bị bóp nghẹt, một nhà nước kiểu Trại súc vật của
Orwell – nhưng ông nói rằng ông không làm chính trị. Nỗi buồn chiến tranh là một đột phá khi nó được xuất bản, bởi vì nó
mâu thuẫn với lối kể chuyện mang nặng tính
tuyên truyền về chiến tranh. Nhưng Bảo Ninh coi văn học chống chính phủ gay gắt cũng tội lỗi chẳng kém gì nghệ thuật
tồi vậy. “Các nhà văn không phải là nhà
báo, họ cũng không phải là nhà chính trị,” ông nói. “Các nhà văn chỉ vẽ chân
dung cuộc sống, và cái chuyện chính phủ xấu hay tốt không phải là công việc của
họ. Cuộc sống có các quy luật riêng của
nó. Và một chính phủ tốt có thể sống bình yên với nhân dân của nó, nhưng một
chính phủ tồi …”
Khi
đã nổi tiếng thế giới là một tác giả người Việt xuất sắc nhất còn đang sống và
là người đại diện của văn học Việt Nam, ông cảm thấy như thế nào?
Tôi
không nghĩ rằng mình vĩ đại đến như thế; tôi chắc chắn mình không phải đại diện
của cái gì hết. Đó chẳng qua chỉ là do sách của tôi được dịch ra tiếng Ạnh, và
sau đó ra tiếng Hàn, mà nhờ đó tôi được mời đến Hàn Quốc thuyết trình mà thôi.
Trong đầu tôi không bao giờ nảy ra ý nghĩ rằng mình là đại diện cho Việt Nam.
Khi tôi đi ra nước ngoài, tôi có cơ hội trò chuyện với các nhà văn nhiều nước
khác. Nhưng có trở ngại là tôi chỉ nói được tiếng Việt.
Các
phương tiện truyền thông ở nước ngoài thường nói rằng tôi là nhà văn Việt Nam xuất
sắc nhất hiện còn đang sống. Tôi nghĩ rằng điều đó không đúng, bởi vì trong văn
học không có nhà văn xuất sắc nhất hay kém cỏi nhất. Những nhà văn kém cỏi thì
có ở khắp nơi, tất nhiên, nhưng họ không thực sự là nhà văn theo đúng nghĩa của
nó. Nhưng nếu anh là nhà văn thực sự, thì không có thứ hạng. Tôi cũng không
nghĩ các nước có nền văn học quốc gia riêng. Người ta thường nói về văn học Việt
Nam, Văn học Thái, hay văn học Mỹ, tôi không nghĩ có sự phân biệt rạch ròi như
thế. Chẳng hạn, tác phẩm của tôi chẳng có liên quan gì đến các tác phẩm của
Nguyễn Bình Phương hay Nguyễn Ngọc Tư cả. Ý tưởng về một nền văn học quốc gia
là thứ gì đó do giới truyền thông bày đặt ra mà thôi.
Tôi
nghĩ tôi nổi tiếng ở nước ngoài vì tác phẩm của tôi đã được dịch ra tiếng Anh,
không giống như phần lớn các tác phẩm của Việt Nam … Nếu các tác phẩm của Nam
Cao hay Vũ Trọng Phụng được dịch ra tiếng Anh thì độc giả ở các nước nói thứ tiếng
đó chắc cũng sẽ rất thích.
Ông
thích Nỗi buồn chiến tranh được bạn đọc nước ngoài cảm nhận như thế nào?
Tôi
viết cuốn sách này là cho bạn đọc Việt Nam. Tôi không thích nó được dịch ra tiếng
Anh. Khi những người nước ngoài tới thăm tôi, tôi thường hỏi họ nghĩ gì về cuốn
sách này – không phải về nội dung mà là ngôn ngữ. Thi thoảng tôi có đọc văn học
thế giới qua bản dịch tiếng Việt, nhưng phiên bản tiếng Việt dở tới mức tôi phải
vứt cuốn sách đi bất kể tác giả của nó là nhà văn lớn tới cỡ nào. Chẳng hạn, có
khá nhiều bản dịch tồi các tác phẩm của Hemingway. Và mặc dù tôi cũng biết
Hemingway vĩ đại cỡ nào, nhưng tôi cũng vứt hết những bản dịch mà tôi có. Một bản
dịch khác mà tôi kiếm được gồm một số truyện ngắn của Tolstoy, nhưng cũng không
đọc được. Và đó cũng là nỗi sợ của tôi, rằng bản dịch tiếng Anh tác phẩm của
tôi không đạt. Nhưng tôi cũng chẳng có kỳ vọng gì, thôi thì số đọc giả càng lớn
càng tốt.
Tôi
tin vào khả năng sử dụng tiếng Việt của mình, vì đó là lãnh địa của tôi. Nhưng
tôi cảm thấy thiếu tự tin hơn khi tác phẩm của tôi chu du ra ngoài ngôn ngữ gốc
của nó. Còn về nội dung thì tôi nghĩ mỗi
người có quan điểm riêng của mình về Chiến Tranh Việt Nam, nhưng chắc sẽ không
ai cho rằng cuộc chiến tranh đó đúng như tôi đã mô tả. Văn học không phải là lịch
sử hay chính trị; văn học là văn học. Sẽ là rất sai lầm nếu đọc sách của tôi với
ý định để hiểu cuộc chiến tranh này.
Thế
những ai là bạn đọc lý tưởng của Nỗi buồn chiến tranh?
Tôi
chưa bao giờ nghĩ xa đến mức ấy. Các nhà văn chỉ biết viết thôi. Tôi viết cho
những người lính, về cuộc Chiến tranh Việt Nam, từ quan điểm của một Việt Cộng,
tức những người lính Băc Việt. Vào thời kỳ đó, những người lính được đọc những
thứ rất nực cười. Tôi muốn viết cái gì đó cho những người lính Bắc Việt, một
cái gì đó thật gan ruột đối với họ. Tiểu thuyết Việt Nam trước năm 1986 là rất
công thức, giáo điều và giả dối. Nó không có giá trị gì.
Vào
giai đoạn cuối cuộc chiến, khi mà giao thông đã bắt đầu được cải thiện, từ miền
Bắc, chính phủ đã chuyển vào cho những người lính chúng tôi không chỉ gạo và
súng đạn mà còn có cả sách nữa, rất nhiều sách. Hồi đó tôi là bí thư đoàn của
đơn vị nên cũng được chỉ định làm thủ thư luôn. Tôi nhận thấy rằng những người
lính không muốn đọc những thứ vớ vẩn đó. Họ quẳng những cuốn sách đó đi, mặc dù
thậm chí những cuốn sách đó nói về họ. Không ai muốn đọc những loại tiểu thuyết
như thế. Làm sao bạn có thể chịu nổi cuốn sách ca tụng bạn đến mức ngớ ngẩn? Những
cuốn sách mà họ muốn đọc là văn học dịch, đặc biệt là những truyện ngắn trong tập
Bút ký người đi săn của nhà văn Nga
Turgenev. Họ đã nghiền ngẫm cuốn sách cho tới khi nó nhàu nát, mặc dù ở đó nó
chẳng ca ngợi ai và chẳng nói gì về chiến tranh hay các trận đánh hết. Không ai
nhớ tới các quyển sách khác, mặc dù thậm chí tôi không có thẩm quyền để loại bỏ
chúng. Tôi nhớ rằng những cuốn sách đó rất dày, được viết ở Hà Nội, một nơi rất
xa chiến trường, và ngay từ trang đầu tiên đã không thể đọc được. Thậm chí một
số trong đó còn nói những chuyện hoàn toàn dối trá. Chúng không phải là tiểu
thuyết mà là tuyên truyền được tiểu thuyết hóa. Đọc chúng thì thà đọc các nghị
quyết chính trị còn hơn. Ở một mức độ nào đó, tôi tin những cuốn sách ấy đã hạ
thấp cuộc chiến tranh này, bằng cách tầm thường hóa nó và các tác động của nó đến
nhân dân Việt Nam, mô tả họ như những kẻ thô lỗ hay những con robot. Nhưng làm
sao những con robot có thể chiến đấu được với lính Mỹ?
Phương
pháp viết của ông tương có tự phương pháp của Kiên, cũng chính là người kể chuyện
trong Nỗi buồn chiến tranh trong đó cuốn sách là sự chồng chất những mảnh vỡ?
Chỉ
đúng một phần. Nhưng đó là sự nói quá lên, mà nói quá là một phần rất căn bản của
văn học, miễn sao đừng quá trớn. Nhưng tôi không nghĩ rằng có một nhà văn nào
có thể viết như thế, tức trộn các sự kiện lại với nhau. Nhưng tôi đã viết quyển
sách này theo cách đó và hình như bạn đọc cũng thích phong cách phân mảnh và
cách sử dụng ngôn ngữ của tôi. Nhưng Kiên và tôi không có gì chung hết, trừ điều
là chúng tôi đều là lính. Rất nhiều người hỏi có phải tôi chính là Kiên không;
tôi nói là không, hoàn toàn không. Họ thậm chí còn đi xa hơn nói tôi viết câu
chuyện về đời tôi. Nhưng tôi chỉ là một người lính bình thường và đời tôi chẳng
có gì đặc biệt cả. Tôi giống như mọi người khác ở thời đó. Nếu như bây giờ có
chiến tranh thì tôi nghĩ anh cũng sẽ đi chiến đấu như tôi thôi.
Thành
công của cuốn sách có làm thay đổi cách viết của ông không?
Có
lẽ cách viết của tôi đã thay đổi nhưng không phải vì cuốn sách này. Đó chỉ là
do tôi đã già và những suy nghĩ của tôi đã thay đổi theo tuổi tác.
Ông
có nghĩ rằng những hy sinh của ông trong chiến tranh là đáng không?
Mỗi
thế hệ có mối quan tâm riêng của mình. Sẽ là không khôn ngoan nếu nghĩ quá xa về
tương lai. Khi còn trẻ, chưa quá 30, trước mắt tôi là bọn Mỹ xâm lược, vì vậy
điều duy nhất tôi có thể làm là chiến đấu với bọn chúng. Làm sao người ta có thể
nhìn xa tới cả thế kỷ sau được, nó là bận tâm của thế hệ tiếp theo.
Ngày
hôm nay anh có thể thấy rằng người dân Việt Nam hân hoan về chuyến tới thăm của
cựu tổng thống Mỹ Obama. Và hàng hóa của
người Mỹ tràn ngập khắp nơi ở đây. Một số người thậm chí còn đặt vấn đề về cuộc
chiến tranh chống Mỹ. Nhưng bạn không thể nói thế được. Những người khác còn
quay lại xa hơn, như cuộc kháng chiến chống Pháp. Một số người còn nói rằng nếu
chúng ta không chiến đấu chống lại thực dân Pháp, thì Việt Nam bây giờ sẽ văn
minh hơn và giàu có hơn nhiều. Đã quá nhiều người Việt bị giết trong hai cuộc
chiến tranh này, nhưng Việt Nam lại không được giàu có như Singapore hay thậm
chí Thái Lan. Nhưng anh không thể nói như vậy được. Ngày hôm nay là thời của
anh; những sự kiện hiện thời không thể làm cho anh ân hận về quá khứ được.
Ông
nghĩ gì về câu chuyện chủ đạo ngày hôm nay?
Các
nhà văn viết về lương tâm của thời đại mình. Tôi thuộc một thời khác, nên tôi
không thể nói cho những nhà văn thời nay được. Tuy nhiên, các nhà văn ngày hôm
này có điểm nhìn để từ đó xem xét lại quá khứ và họ có quyền đặt những câu hỏi
như tại sao chúng ta lại đánh Mỹ, chẳng hạn, và đã đạt được cái gì. Nhưng nếu
là tôi, tôi sẽ thách thức những câu hỏi như vậy; ở thời tôi, đánh Mỹ là một niềm
tự hào. Một nhà văn trẻ hôm nay đặt những câu hỏi mà nhiều độc giả sẽ có câu trả
lời. Nhiều năm trước, nếu anh hỏi những câu như thế thì sớm muộn cũng sẽ vào
tù.
Quang
cảnh văn hóa và văn học ở Việt Nam đang trở nên tốt đẹp hơn và nó sẽ tiếp tục
phát triển. Người dân giờ đây có thể suy nghĩ tự do hơn và đặt ra nhiều câu hỏi
có tính phê phán. Chẳng hạn như “nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì? Khi tôi còn học phổ thông,
không thể có những chuyện như vậy. Tại sao trần đời này một nước cộng sản lại
có một khái niệm như thế? Tôi không phải
đảng viên cộng sản, nhưng tôi không nghĩ chủ nghĩa cộng sản và nền kinh tế thị
trường lại có thể đi đôi với nhau. Một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là nền kinh
tế tập thể và quan liêu mệnh lệnh. Phải vậy không? Còn trái lại, thị trường thì
thuộc chủ nghĩa tư bản. Vậy thì cái “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có
nghĩa là gì? Một nhà văn có thể đặt câu hỏi như vậy.
Sự
kiểm duyệt của nhà nước ảnh hưởng như thế nào đến các nhà văn?
Kiểm
duyệt là một khái niệm nực cười của Ban tuyên giáo. Tôi không nghĩ các quan chức
cấp cao nhất biết về điều đó. Thật nực cười, chẳng hạn, mới đây người ta cấm cuốn
Mối chúa của Tạ Duy Anh vừa mới xuất
bản. Bất cứ khi nào tôi ra nước ngoài, tôi nói với những người khác rằng tình
hình ở Việt Nam hiện nay tốt hơn nhiều, tự do hơn nhiều so với trước năm 1986.
Tôi không nói xạo, đó là sự thật. Sự xuất bản trọn vẹn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu một sự cải
thiện căn bản về quyền tự do biểu đạt ở Viết Nam. Cuốn sách này được tái bản thậm
chí mặc dù nó đã bị phê phán, tuy chỉ trong giới văn nghệ. Nghĩa là mọi chuyện
đã thay đổi. Giờ đây đã có nhiều tự do hơn để viết.
Nhưng
một số người nước ngoài không đồng ý với tôi và nói rằng tôi nịnh chính phủ. “Thế
còn Mối Chúa thì sao?”, họ hỏi. Họ biết
nó đã bị cấm.
Kiểm
duyệt là một quyền lực cổ lỗ, bảo thủ và ti tiện, nhưng nó không còn mạnh như
xưa nữa. Tất nhiên, những người trong Bộ Văn hóa có thể cấm một quyển sách nhưng
điều đó ít có ý nghĩa. Các nhà văn vẫn viết, và sự rủi ro do kiểm duyệt không hề
thay đổi cách làm việc của họ. Trong phong trào Nhân văn Giai phẩm, ở những năm 1950, thời đó rất sôi sục. Kiểm duyệt
ngày hôm nay vẫn còn và nó cũng có một số tác động nhất định – một số nhà văn
đã bị cấm xuất bản – nhưng nói chung đó là một trò đùa. Về cốt lõi, ngày hôm
nay nó đã hoàn toàn khác với thời xưa.
Ông
chờ đợi gì về sự tiếp nhận tác phẩm sắp
tới của mình?
Vì
thời của tôi là thời chiến tranh, nên điều không tránh khỏi đối với tôi là viết
về chiến tranh. Nhưng đối với Việt Nam, không chỉ có chiến tranh, mà còn hơn thế
nữa. Đất nước này đã chuyển từ cộng sản sang bán cộng sản, và rồi sẽ thành cộng
sản giả hiệu. Bây giờ nó thậm chí không còn là một nước cộng sản nữa: chủ nghĩa
thịnh hành bây giờ là tư bản đỏ. Vậy tại sao tôi lại không chống lại nó. Nhân
dân ở Việt Nam có cuộc sống riêng của mình, và sống ở đây cũng có những ưu thế
của nó. Đó chỉ là những chính sách ở những thời khác nhau. Việt Nam một thời đã
chiến đấu quyết liệt chống lại người Mỹ nhưng rồi bây giờ lại hoan nghênh họ.
Nói thực lòng, đa số người Việt Nam thích Mỹ hơn Trung cộng. Tôi cũng thế. Tôi
viết, nhưng sự xuất bản lại là chuyện khác. Và bởi vì tôi sống ở một nước “cộng
sản” , nên tôi không thể nói tất cả những thứ mà tôi muốn được. Còn nghĩ là quyền
của tôi, tất nhiên, nhưng ở Việt Nam đôi khi tôi không thể nói những điều mình
nghĩ được. Tôi thường hằng suy nghĩ, và tôi vẫn sẽ tiếp tục biểu đạt những quan
điểm của mình, nhưng một số thứ tôi viết tôi sẽ giữ kín trong ngăn kéo của
tôi.
Phạm,
Hà Nội 20/8/2018
(Kỷ
niệm 54 năm nhập trường ĐHTH, Hà Nội)