VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những buổi gặp Tô Hoài ở Moskva 8-1988

 Phần ghi chép dưới đây xin được xem như
bổ sung cho bài viết dài “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần”
bắt đầu từ 2-7-2017 , nhưng sau đó tôi không tíếp tục được.
Bạn đọc có thể tìm lại bản tôi đưa lần đầu  ở đường link
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2009/11/to-hoai-nhin-tu-mot-khoang-cach-gan.html


Tô Hoài kể:
      - Lúc trẻ tôi cũng không phải là người hiền lành đâu. Cái năm ấy, hồi 20 tuổi, khi vào Sài Gòn tôi đã xông thẳng đến gặp cụ Hồ Biểu Chánh cơ mà.
- Cuộc kiếm sống nó làm cho mình phải lam lũ phải chuyên sâu. Như tôi, phải viết truyện loài vật. Truyện cu Lặc, tôi viết vào đấy cũng là do xót thương một người nghèo khó.
Vừa đi tôi vừa viết. Số truyện ngắn tôi in mấy năm 1941-43,  cũng phần lớn viết hồi ở với bà Phượng.
- Vợ tôi cũng là dân nhà giàu, dân tư sản, ngày trước có ô tô đấy chứ. Chúng tôi quen nhau từ trước, rồi lên Việt Bắc mới cưới. (Nguyễn Khải vẫn nói bà vợ ông Tô Hoài có con mắt xanh mới lấy một người nghèo như ông ấy).
- Đi lại với bà Phượng hồi ấy rất đứng đắn. Bà ấy là con nhà tư sản mà. Dân trong ấy sẵn sàng gả con cho Khách [Hoa kiều], chứ không gả cho dân Bắc. Bà Phượng vẫn còn nhớ là sao hồi ấy, đi ăn hàng, tiền toàn do bà ấy giả cả. Dân Bắc vốn ga lăng cơ mà. Biết đâu là mình nghèo. Giờ là cán bộ cao cấp văn nghệ của Việt Minh, vẫn nghèo.
Sau khi giải phóng miền Nam, năm 1976, tôi có lần nhận được một lá thư từ Pháp gửi về. Người viết nói rằng mình có một người quen là Phượng, bây giờ bà Phượng ấy hỏi thăm ông. Tôi nhận ra chữ, của Phượng chứ ai. Và tôi viết thư trả lời. Thành ra cũng chắp nối lại.
Bà ấy theo chồng đi Pháp từ kháng chiến chống Pháp. Giờ chồng đã chết. Năm trước có về Sài Gòn. Năm ngoái có ra Hà Nội, có báo cho tôi biết. Mình nghĩ bà ấy về Hà Nội, không gặp nhau được, không lên buồng được, chỉ ở phòng khách, cho nên mới trốn đi Đồng Châu, dặn Bằng Việt là nếu bà ấy có đến thì bố trí cho đi Đồng Châu cho nó ếch dô tích một chút. Không ngờ, bà ấy về vào lúc  Bằng Việt cậu ấy lại đi vắng. Không biết hỏi ai, ở một ngày bà ấy chuồn. Vì thấy Hà Nội bẩn quá, sợ bẩn. Sau này bà ấy hỏi dân Hà Nội ăn nước cống à. Chả toàn thấy các phố moi nước từ ống dẫn ngoài đường.
- Ông Tuân ư? Suốt đời cụ ấy sống trên sự chiều đãi của người khác. Có rước cụ ấy đi thực tế, cụ ấy cũng chả nhớ gì mình đâu, mà chỉ nghĩ cái việc cụ ấy thôi. Người ích kỷ thượng hạng.
Ông Mạnh viết về cụ Tuân cứ nói rằng, hồi ấy, giá cụ Tuân gặp cách mạng, thì đã đi làm cách mạng rồi. Đâu có, cụ ấy gặp tất. Nhưng cụ ấy chả theo ai. Cả tờ-rốt-kít, cả cách mạng.
Ngược lại, sau này cụ ấy theo cách mạng, thì cũng là vì phục ông Tố Hữu, có tình với ông Tố Hữu. Một là năm ấy, ông Lành ở Huế ra, là gặp ngay cụ ấy để tập hợp phong trào. Hai là giới thiệu cụ ấy vào Đảng. Sau này cụ ấy khi bực thường nói để giả thẻ Đảng cho ông Tố Hữu.
Sau vụ giá lương tiền, Tố Hữu mất chức, chính cụ ấy lại có lên thăm.
Nói chung là cụ ấy vẫn cư xử theo kiểu ngày trước, trọng chữ tín, quý tình nghĩa cũ.
Được cái, hồi kháng chiến, cụ Tuân rất đứng đắn, chứ không lăng nhưng như loại Lưu Trọng Lư. Sau 1975 vào Sài Gòn, cụ ấy chỉ gặp hai người bà Mộng Tuyết, vợ Đông Hồ, với lại một bà nữa, cái bà mà theo lời chính bà ta nói ra, tức là người có bộ tóc dài được Nguyễn Tuân tả trong Tóc chị Hoài. Thế thôi, còn những Tam Lang, Vũ Bằng... quen cũ, đều không gặp. Cụ ấy bảo mấy chục năm xa quá rồi. Bây giờ gặp biết nói chuyện gì. Chẳng lẽ làm công tác tư tưởng cho người ta à?
Tô Hoài dừng lại, đổi giọng: tôi đang muốn viết về cụ Tuân một cách gần gũi, chứ không kính viết, như những người khác. Đã được Quỹ văn hoá họ cho mấy chục ngàn.

Nhân nói về Nguyên Hồng
Văn Nguyên Hồng hồi trước thì ghê rồi. Sau ông ấy cứ viết ào ào. Tôi bảo thế này mà Nguyên Hồng tức lắm, cố nhiên tức theo lối bạn bè thôi:
- Ông bây giờ viết cứ như anh bơi ngửa, thì còn bao giờ là mệt nữa.
- Hồi Nhân văn Giai phẩm, đến lớp học ở ấp Thái Hà ông Hồng ông ấy không đi ?
- Có đi. Nhưng ông ấy mang đến một chồng báo Văn, ông ấy bảo bao nhiêu công lao của tôi ở đây, tôi không sai được, rồi ông ấy khóc. Thế thì ai làm gì được ông ấy nữa.
- Tôi nghe nói ông Thi chính là người dựng lên Nhân văn Giai phẩm?
- Cũng không phải. Hồi ấy có một cuộc học tập. Không phải ở Thái Hà Ấp đâu. Thái Hà Ấp là sau. Ông Thi ông ấy mới khơi cho họ nói. Nói đúng thì là công của ông ấy, nói sai thì ông ấy trị. Về sau, ông ấy trị thật.
- Chắc cùng sinh hoạt nhiều thì anh hiểu ông Thi.
- Không, những người khác mình có thể hiểu, chứ Thi thì mình không hiểu. Ông ấy không có bạn.

Một lúc khác:
-- Mình học ông Tố Hữu ở cách dùng người. Hay dở thế nào , ông ấy dùng tất. Mình đã thấy có những lần ông ấy mắng như tát nước vào mặt Lưu Quý Kì, Hà Minh Tuân cơ mà. Nhưng việc dùng thì vẫn dùng.
Ông Thi cũng thế, ông Thi lại dùng ông Tố Hữu cách khác.
Về sự hùng biện của NĐThi: Ông này mà bốc lên thì ghê thật. Nhưng lúc ấy, tôi đã có cách. Đang nói đến đoạn mà ông ấy hùng hồn rồi là tôi đến gần, tôi dọn dẹp cái cốc, cái chén... Thế là ông ấy cụt hứng ngay.
Về tiểu thuyết của Thi: Ông này vốn sống hẹp lắm. Các nhân vật trong Vỡ bờ nguyên mẫu là ai, tôi biết hết. Còn văn chương? Thằng Trương Chính nó nói đúng đấy, “hậu Tự lực”.
Còn cái khoản gái nữa. Mấy lần kiểm điểm mình phải dự cả. Có lần sau đó, mình nói đùa: “Này bận sau có chim gái, nhớ phải hỏi ý kiến mình”. Người đâu mà lại khờ dại.
Loại Chế Lan Viên ấy mà, căn bản là nịnh, nịnh thật trắng trợn. Dạo này ốm, cũng lẫn rồi. Lá thư, có mấy chữ, vợ bảo phải viết đến tiếng đồng hồ.
Ông Bùi Hiển, ừ, cái ông này cá gỗ thật. Cậu có để ý không, những khi nói chuyện tất cả anh em đã cười rồi, ông ấy vẫn không cười, mãi sau ngẫm nghĩ ra, lại cười một mình .
Thằng Chu nói chuyện với ai, nó có nhìn người ta đâu. Nó cứ nói cho sướng mồm. Không phải đi ăn xin mà là đi giật, miệng xin tay giật.
Trần Đăng Khoa, nó giỏi tính từ lúc xung phong đi bộ đội mà không đi học đại học.
Nó làm thơ do trời cho thật. Xem thế này thì biết. Nghĩ thế nào viết ra thế, không chữa nổi bao giờ.

Các đại hội nhà văn được
mưu tính như thế nào?
Đại hội  lần trước (1983), là do lão Hà Xuân Trường lão ấy lắp cả. Lắp từng người một. Nhưng lão ấy chơi xỏ tôi, tôi cũng biết ngay. Từ trước đến nay, bàn bạc về nhân sự, vẫn bàn với tôi. Nhưng hôm đưa tin về Đại hội nhà văn trong chủ tịch đoàn không có tôi, mặc dù tôi ngồi đấy từ đầu. Thế là tôi biết rồi. Đến kỳ họp sau, tôi chả đến nữa.
Lão Xuân Trường là dân cá gỗ, nên mới đưa Bùi Hiển vào đấy, rồi làm chủ tịch Hội đồng văn xuôi, rồi là thành viên bộ phận đọc kịch bản, mặc dù chả biết gì về kịch cả.
Nhàn: Thế ông Tố Hữu có quyết định gì trong chuyện này không?
 Tô Hoài: Ông ấy không can dự, nếu hỏi ông ấy, ông ấy vẫn nói, và vẫn nghe. Như việc giữ Chế Lan Viên trong Ban thư ký, cũng là do ý ông ấy.

Qua đoạn này, thấy có vẻ Tô Hoài vẫn thèm phụ trách Hội nhà văn lắm. Cái việc leo lên địa vị như hiện nay, vẫn làm ông vui sướng lắm. Tự hào về chuyện bà Phượng còn là “cán bộ cao cấp của Việt Minh” cơ mà. Rồi tự hào là bây giờ vẫn được phụ cấp vì đã hoạt động từ trước cách mạng.

Người và nghề
Một lòng tin vào những sự nhảm nhí của cuộc đời, lòng tin ấy ở Tô Hoài thật mạnh, thật... bất diệt. Ở con người đó, luôn luôn âm thầm những ý nghĩ về cái sự chẳng ra sao của con người.Tô Hoài vừa có cái dửng dưng lõi đời của phố chợ, vừa có cái thóc mách, dòm ngó của làng quê.

Nhàn: Ông Tản Đà dịch thơ Đường và chủ giải Truyện Kiều tài thật.
Tô Hoài: Vì lúc ấy, thơ cụ không đăng được nữa rồi, cụ chỉ còn có mỗi một cách là mang vốn cũ để ăn dần.
Một dịp khác.
-- Ông Thế Lữ luôn luôn biết rút lui đúng lúc?
-- Lúc Xuân Diệu ra, làm sao mà người ta yêu Thế Lữ được. Tôi nhớ bài cuối cùng Khói huyền lên là bài nói về thuốc phiện.

Tô Hoài không bỏ qua những dịp ngẫu nhiên, khi có thể chơi người khác những cú nào đó. Hết Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, lại nói Hoàng Trung Thông. Ông cá gỗ này uống rượu  không phải vì suy nghĩ sâu sắc gì về đời sống đâu. Mà chẳng qua là vì không biết tổ chức gia đình không làm chủ nổi mình.
Chỉ qua mấy cú điện thoại thôi cũng rõ con người Tô Hoài. Tôi vừa bảo “hôm nay nếu anh có rỗi, xin lại  thăm anh một lát. Chứ các lần truớc anh bận quá.” thì ông đã dẽ dàng:
--  Mình thì bao giờ cũng thế thôi, chả bao giờ bận, chả bao giờ rỗi. Nhưng lần này cứ đến nhé!
Hôm ấy Tô Hoài nói chuyện khá hăng hái, tôi định về rồi, ông cũng còn nói thêm mấy câu nữa.  Nhưng  lần sau, ông cắt hẳn không tiếp. Tôi đã biết trước, nên đến gửi thư ngay từ đầu.
Một hôm khác, trong điện thoại:
- Hôm qua, anh còn thức khuya không anh?
- Không, mình cũng đi ngủ ngay.
- Thế bài bút ký đến đâu rồi?
- Xong rồi, mình đang chép lại ra bản nữa (ngừng một lát, chắc là không khỏi có chút tự hào). Nghĩ cho cùng thì trong thiên hạ này, người ta chơi nhiều, chứ làm việc có mấy tí.

Một lời tự thú:
- Năm nay tôi chỉ in hai cuốn, Nhớ Mai Châu Những gương mặt. Ngoài ra thì các truyện cho thiếu nhi. Nhưng tính làm gì.
... Một nhà  văn như tôi, cũng là nhà văn đứng đắn chứ gì. Mỗi năm lẽ ra tôi chỉ viết độ 200 trang là vừa. Đằng này phải viết bao nhiêu thứ. Lại phang ra các thứ truyện tranh nữa.
- Nhà tôi bao giờ cũng chi tiêu có nguyên tắc. Bao nhiêu lương, tôi đưa cả cho bà Cúc. Tiền viết sách tôi gửi tiết kiệm. Còn viết vặt thì để trà nước với anh em. Dạo này Hà Nội có cái món bia Trung quốc ngon lắm.
- Thế anh  gửi tiền tiết kiệm, có bị mất giá?
- Cũng có mất một ít. Nhưng mà nghĩ ra ngay. Giữ vàng thì không việc gì.

Những nhà văn ngắn hơi
Bà Inna Zimonina, người chuyên dịch văn học Việt Nam của Hội nhà văn Liên xô hỏi Tô Hoài:
-- Quyển Thời xa vắng của Lê Lựu sao hai phần chênh nhau thế?
- Tôi vẫn giữ ý kiến là nhà văn Việt Nam còn yếu lắm, tác phẩm viết không đều tay đâu, chỉ được cuốn đầu, còn cuốn sau là hỏng.
Nhưng nhiều anh em người ta vẫn không bỏ được cái mộng ăn to. 
Như Phượng Vũ, tôi đã khuyên rằng đừng có làm tập 2 mà vẫn cứ làm.
Lại như ông Lê Khâm. Ông ấy viết cái Người cùng quê rơi tõm trong im lặng. Mà tôi đã biết từ trước. Lúc ông ấy bàn với tôi, tôi đã đưa cho ông ấy một bộ sách của tay bộ trưởng văn hoá Pháp.Không phải A. Malraux đâu, mà sau cơ... Đúng, Mauris Druon viết về mấy đời một dòng họ, nhưng không viết liền, mà viết thành mấy tập, mỗi tập hơn 100 tr mà  đứng riêng ra thì vẫn đọc được.
Ông Lê Khâm đọc xong, không nói gì.
Từ ấy, tôi cũng không nói thêm gì với ông ấy nữa.

Những điều định viết
- Ồ, cái đó thì nhiều lắm. Tôi vẫn ước ao có lúc được viết về cải cách ruộng đất. Tôi đã đi cải cách 2 năm ở Hải Dương đi với một tay. Tay này lạ lắm. Cứ đến đâu nó cũng phải bắn một vài người lấy oai đã. Đến chỗ Hải Dương với tôi, nó cuỗm một cô cố nông rất xinh làm vợ. (Giống như Lê Đạt nhà mình. Vợ Lê Đạt sau này là người khác). Sau một lần, mình nghe đài, thấy một thằng chiêu hồi chửi miền Bắc. Hoá ra chính nó. Tôi còn đi cải cách ở Thanh Hoá nữa. Tự tay còn phải làm bao nhiêu cung giả, sau rồi mang vào cho bọn địa chủ nó ấn vào tay điểm chỉ. Chả là hồi ấy mình sợ Ủy ban Quốc tế nó đi nó kiểm soát mà.
Luôn luôn ở Tô Hoài nhấp nhổm một ý nghĩ hơn người. Làm cán bộ thạo hơn người, viết văn kỹ cũng hơn. Được cách mạng chiều cũng hơn , chuồn cũng nhanh hơn, và nhất là sống thiết thực hơn.
Lại nói chuyện Nam Cao với các bản thảo Sống mòn, mà ông tìm thấy ở một nhà in nào đó, chả ai chịu in.
- Tại ông ấy viết nhiều mẫu người thực quá?
- Với lại, hồi ấy, một người mới viết như Nam Cao ai nó in cho cả quyển dày ấy. Phải có tăm tiếng lắm cơ.Trước cách mạng, cuộc kiếm sống nó quyết liệt. Cánh Tự lực họ sống bằng đồn điền chứ đâu có bằng nhuận bút.


Những đoạn ghi rải rác
Đọc Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài thấy cũng lạ: mình mê cái lão đáng ghét này. Thế là thế nào?
Đọc Tự truyện của Tô Hoài thấy mê mới chết chứ! Và tôi nghĩ: Có thể viết về Tô Hoài như một nhà văn Việt Nam tiêu biểu. Nhà văn nước ngoài là những trí thức. Ở mình nói chung là không.
Nghĩ về mấy cuốn mới của Tô Hoài. Nhớ Mai Châu ế. Nhưng Chuyện cũ Hà Nội thì lại khá. Nhiều mẩu nhỏ, lúc bận để đấy lúc rỗi đọc lại vẫn được.
Khi viết báo, Tô Hoài hay chộ mọi người về sự chính xác (Những bài đính chính, dọn vườn. Cả những bài trên Người Hà Nội về Anh Thơ. Chỉ Tô Hoài mới để ý  sao Anh Thơ, vốn sinh 1918, gần đây lại chữa thành 1921?)
Nhưng Tô Hoài lại chúa ẩu, chúa tài tử trong nhận xét và thậm chí trong trình bày tác phẩm.
Đôi khi có cảm tưởng lối dọn vườn chê bai mọi người như thế này là để che dậy cho cái hư hỏng của mình.

Nghề văn
Tô Hoài, khi viết về Như Phong, về Vũ Ngọc Phan có ý thức chỉ tả cái phần đẹp nhất của họ.
Chỗ này, Tô Hoài giống cách mạng = chỉ nói một phía, chỉ nói về thuở ban đầu; không nhằm miêu tả và không nói cái phần xấu trong con người nhất là khi con người đó về già .
 Một khía cạnh khác: Tô Hoài là loại người mà ngày nào sống cái gì đều có khả năng nhớ lại ngày đó.
Cùng việc Tô Hoài + Vũ Trọng Can+ Nguyễn Bính  giang hồ vặt mà Tô Hoài kể tới mấy lần.
Nghe Tô Hoài nói rất trữ tình, rất độ lượng về mọi người, lại nhớ những lần trong câu chuyện hàng ngày, ông nghĩ không ai ra gì cả.
Tận trong thâm tâm, với Tô Hoài, nghề văn vừa thú vị, vừa là một nghề bỏ đi.
Chính Vũ Ngọc Phan từ 1942-43 trong lời tựa O chuột đã cảnh cáo"dạo này, Tô Hoài đâm khinh  bạc đi đấy.
Ở Tô Hoài, có sự khinh bỉ con người, lẫn sự ca tụng con người.
Ai khen người khác hết lời như Tô Hoài khen Nguyễn Công Hoan? Nhưng lại cũng chê bằng những câu đau nhất.
 Nói về các nhà văn khác, Tô Hoài động đến những chuyện cụ thể của nghề nghiệp sự truyền nghề, sự bắt bẻ, gom góp với nhau, từng chữ một.


Mấy loại nhà văn Tô Hoài thường gần gũi
1. Nhà văn công chức, buôn vặt, học lối làm ăn ở bên Pháp- Như kiểu Vũ Ngọc Phan.
2. Nhà văn ông giáo nghèo, công chức còm song nhạt nhẽo, như Trúc Đường, Nguyễn Xuân Huy.
3. Đám dân ngoại ô  một thứ kẻ sĩ cuối mùa như Trần Huyền Trân, Thâm Tâm.
4. Đám nông dân tài hoa lên Hà Nội (Nguyễn Bính, Nam Cao)
5. Đám chiến sĩ về sau (Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng) . Loại này có học.
Các bài  Tô Hoài viết về họ cho người ta thấy cái thiết tha của đời sống, mà ẩn sau đó, vẫn có chút gì như là chế giễu, như là nửa đùa nửa thật bảo “các anh được thế là khá lắm rồi, đừng có đòi hỏi gì hơn nữa!”
Tô Hoài vừa nói trước cách mạng khổ, lại có lúc thoang thoảng có cái ẩn ý, bây giờ khéo còn khổ hơn. Rồi lại thấy như không phải, hai thời không so với nhau được. Ngòi bút biến màu thay màu một cách tự nhiên, mà màu nào thì cũng đủ cung bậ khác nhau.
Có một chuyện Vũ Ngọc Phan in bài Đi hộ đê trên Hà Nội tân văn trả nhuận bút, còn báo Ngày nay in Mê gái không trả, mà Tô Hoài nói đi nói lại. Hình như ở đó có một chút gì cay đắng, thèm mà không được chăng.
Tô Hoài đặc biệt nhạy cảm với sự vạ vật tầm thường của con người. Ngòi bút của Tô Hoài khi nói về chuyện này, cứ có một cái gì rất tự nhiên, hình như là chuyện của chính mình, từ bé mình vốn vậy.
Từ  chuyện lang thang vạ vật dông dài chuyển sang chuyện làm cách mạng, ở con mắt nhìn thông thường, có lẽ là rất khó thực hiện, Tô Hoài vẫn nói được. Tô Hoài là nhà văn của cuộc cách mạng Việt Nam, có thể là cách mạng ở ngay cái đời thường của mình.  Mà sao lại vẫn cảm thấy rằng Tô Hoài viết về người quê mình yêu nước (Người ven thành) người quê mình làm cách mạng (Mười năm), sao vẫn có cái vẻ  như một thứ chế giễu cái lòng yêu nước ấy, cái trò đi theo cách mạng ấy. Toàn là chuyện thật, cái tình cảm thật của Tô Hoài, Tô Hoài với tư cách một ngòi bút sinh ra để ghi để viết.

Bậc thầy trong  cư xử
Có những việc Tô Hoài làm rất say sưa - việc của một cán bộ. Nhưng ai bảo ông là  cán bộ thì ông lại lùi ra. Không, không phải, tôi là người viết. Hai vai được thay nhau, tuyệt khéo.

Mấy lần Tô Hoài viết về Như Phong. Và mở đầu Một chặng đường, cũng là nói về Như Phong. Như Phong lúc đó rất đẹp. Và Tô Hoài cũng chỉ tả vẻ đẹp của con người này, còn cái phần khác, phần hư hỏng của ông chánh tổng Như Phong, Tô Hoài mặc kệ.
Ở đây, có thể suy đoán. Tô Hoài lúc đó cần in sách ở Nxb Văn học chăng? Có thể. Người này chỉ cần được việc mình, chả để ý gì đến chung quanh cả. Chỉ có cái khôn là chọn đúng cái nét mình còn cảm tình, ở con người mình còn cảm tình, hoặc chí ít mình còn cần.
Tôi cảm thấy Tô Hoài sống với ai cũng được, mà lại chả yêu ai, sống với ai cũng thân mật, đằm thắm, mà cũng chả tha thiết với ai. Ai ông cũng thông cảm được, xấu đến mấy ông cũng chia sẻ được, nhưng khi cần kể xấu người đó ông kể xấu được, bảo trị người đó, ông trị được. Cũng chả thương xót gì hết.
Vẻ như Tô Hoài lừa được tất cả mọi người. Nhưng hình như Tô Hoài cũng chả lừa được ai (hồi Chèo bẻo đánh quạ in ra, người ta chửi rầm rầm). Tôi nghĩ Tô Hoài có thể nói là rất khinh người, rất chán đời, vì thế mới nhởn nhơ như thế được. Tô Hoài là một thứ cầm tinh con rắn, không xương sống và tha hồ uốn lượn, một thứ hồ ly tinh, hoá kiếp này lại sang kiếp khác.
Sự tham lam của Xuân Diệu là sự tham lam thành thật (bằng công phu lao động của mình), là sự tham lam dễ thấy (đôi khi đòi hỏi khá thô bỉ). Tô Hoài vượt hẳn lên, cao siêu, thanh thoát trong sự khôn ngoan... cỏ rả của mình. Nụ cười của Tô Hoài , nụ cười của kẻ từng trải, quả thật đó là nụ cười bản lĩnh nhưng là thứ bản lĩnh  trong việc muối dưa, muối cà, bán hàng nước.
Không thể gọi Tô Hoài là nhà văn lớn, là nhân cách lớn . Nhưng đó thật sự là một nhà văn, thật sự là một con người.

Thử phân tích một số quan hệ
với các đồng nghiệp
Tô Hoài và Nam Cao. Ờ, tại sao Nam Cao lại cứ nép mình sau Tô Hoài thế. Ở chỗ này, thấy rõ Tô Hoài đời hơn, thông thạo trong giao thiệp hơn Nam Cao. Nam Cao con người ở chỗ run rẩy, không đánh giá đúng được tài mình, và trong lòng còn chứa đựng bao nhiêu ý nghĩ cao đẹp khác. Ngay sự căm ghét con người của Nam Cao cũng là ở một phía khác, cao hơn.
Tô Hoài hiểu Nam Cao chứ. Có thể lúc nào đó, Tô Hoài chặc lưỡi - tài thật. Nhưng tôi không thể viết giống anh. Tôi có việc của tôi.
Ai đó, nói rằng hồi kháng chiến, Nam Cao ảo tưởng lắm. Tôi tin điều đó, tin rằng loại như Nam Cao, sai lầm thì cũng hơn mọi người, nhưng Nam Cao vẫn có cái khả năng nào đó, trong việc ghi lại cái không khí thời đại.  Nhớ Hội nghị nói thật – từng được tờ Europe dịch, rồi nhớ cái đoạn du kích nông dân hỏi giấy trong Đôi mắt. Tô Hoài thì không có khả năng như thế bao giờ.
Tô Hoài Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài Nguyên Hồng Tôi đoán một thứ tinh nhạy của Tô Hoài, biết tài người khác và có thể mủm mỉm mà nói rằng biết lật tẩy người khác.
Tô Hoài Nguyễn Đình Thi, một sự se duyên tuyệt vời đã khiến cho hai người này cộng tác với nhau mấy chục năm trường (1958 - 1983). Nguyễn Đình Thi đóng một vai mà người ta khó kiếm, vai người có học. Nguyễn Đình Thi hay làm ra bộ quan trọng các việc của mình.
Tô Hoài thường nhìn vào thứ văn học trò của loại như Thi mà cười. Có khó gì - Làm gì ta chẳng làm được. Nhưng bản năng nhà văn của Tô Hoài lại kìm giữ cái đó lại. Con người trong Tô Hoài lại thì thào với chính mình.  Ai có việc của người đó. Mình vọc vào đấy làm gì cho khổ, cho tội ra. Văn của hắn học trò, thì văn của mình mới bán được. Hắn chết vì cao ngạo thì mình mới sống.

Ở chỗ này, tôi hiểu Tô Hoài là một động vật ăn tạp (có lẽ con người là một động vật ăn tạp nhất chăng?) Như con gà ăn cả những hạt ngô non, hạt thóc mẩy, cả những gì người ta vứt ở đống rác. Vì gà có một thân nhiệt khoẻ.
Tô Hoài làm tình chắc không cao đạo như Nguyễn Đình Thi. Tô Hoài làm tình như người ta ăn quà, tiện trông thấy thì ăn, chẳng no lòng thêm bao nhiêu, vì có đói đâu, nhưng chẳng lẽ sống lại không ăn quà. Sự nói dối trong tình yêu của Nguyễn Đình Thi còn có thể vạch ra được, lúc này thề bồi và lúc khác quay mặt. Trong sự dấn thân vì gái của Tô Hoài, đã bao hàm sự lảng tránh, người giăng giện với ông ta đã sớm nghĩ được rằng ông ta lẩn như trạch, nên chả nghĩ đòi đền bồi bao giờ.
Có một nét, tôi cũng hơi lạ ở Tô Hoài, ấy là có cái gì trắng trợn. Đáng nhẽ người như Tô Hoài không được trắng trợn - sống qua ngày thôi mà. Nhưng cuộc sống lại gồm cả cái sự dám này nữa. Nhiều việc người ta làm nhưng không nói thì Tô Hoài đã nói ra mồm.
Nhưng giữa việc gái gú với việc viết về cuốn Đất nhỏ của Brezhnev cho tờ Pravda, cái nào bẩn hơn?!

Theo tôi, Tô Hoài đọc sách nhiều thật, nhưng không đọc để thay đổi tư tưởng của mình, không đọc kiểu trí thức (dù dạng thấp, kiểu học trò). Mà chỉ đọc để học nghề.
Tôi nghĩ đến sự tồn tại của nghề viết văn ở Việt Nam. Trước đó, chữ nho khó lắm, phải là người đi học, mới làm thơ viết văn được (dù chỉ như Phạm Đình Hồ, ghi chép chuyện lạ).
Từ hồi Pháp sang, chữ nghĩa học dễ đi rồi mới có loại thợ dệt, thợ cửi như Tô Hoài chen ngang vào nghề và thành tinh trong nghề. Tô Hoài viết văn trong không khí dân chủ của xã hội thực dân (dẫu sao cũng dân chủ hơn nhiều, so với xã hội phong kiến). Trước kia, dân gian chỉ tạo ra được những tác giả vô danh, từng người trong dân gian, chỉ là nguyên liệu để ghép lên những mảng huyền thoại nào đó (Trạng Quỳnh, Trạng Lợn). Nay thì một con người tâm hồn thợ dệt thật sự đã thành nhà văn. Cái lạ và cái mạnh của Tô Hoài là ở chỗ ấy. Cả từ triết lý sống, đến sức sống, đều có sức mạnh của loài cỏ dại.
Trong Những gương mặt, Tô Hoài không chỉ nói về người, mà nhiều lần dẫn ra chuyện mọi người nói về mình. Cả Nguyên Hồng lẫn Trúc Đường đều bảo Tô Hoài quỉ quái. Tôi nghĩ chắc Tô Hoài cũng khoái cái chữ này. Quái, kỳ lạ, không bình thường, cái đó cứ nhởn nhơ mà sống, mà trêu mọi người.
  
Mấy nét tổng hợp
Ngồi nói chuyện linh tinh ở khách sạn với ông Thợ Rèn. Nghĩ về Tô Hoài.
- Một thứ triết lý bằng lòng với hoàn cảnh, thế nào cũng sống được.
- Một thứ hư vô: suy nghĩ làm gì, tất cả đều vô nghĩa, thối tha. Vậy thì hãy lặng lẽ mà thoả hiệp với mọi người. Lặng lẽ mà hốc cho nhiều, uống cho say. Hưởng thụ vì thấy tất cả vô nghĩa hết.
Triết lý của Tô Hoài, là thứ triết lý trắng trợn của thế kỷ này: Chúa đã chết. Không còn chuẩn mực gì cả. Tha hồ làm bậy thôi. Thông thường, những kẻ đi theo triết lý này hay công khai trình bày cách nghĩ vủa mình càn rỡ, thách thức. Tô Hoài thì khoe ông ta không cần tuyên bố tuyên truyền gì cả, chỉ lẳng lặng mà làm, và làm một cách quyết liệt không kém gì ai! Tình cảnh đáng sợ là ở chỗ đó! Tô Hoài có một chút gì đó, vô ý thức, mù lòa, giống như các nhân vật trong văn học dân gian, như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh... Rồi ra, khi cần phân tích tâm lý dân tộc Việt Nam trong thế kỷ này, cũng phải xét Tô Hoài. Ở đây, cũng có một sự hóa thân nào đó. Người Việt Nam tiêu biểu là Tô Hoài: làm bậy, nhởn nhơ, cuồng tín, hư vô, mặc kệ mọi điều mà không bỏ sót điều gì. Cũng lại là một thứ thằng Bờm nữa.
Trên tất cả, tôi cảm thấy trong Tô Hoài có một sự phân thân, nghĩa là sống một đằng, nghĩ một nẻo, tay chân làm một đằng, nhưng bụng dạ vẫn đau đáu một điều gì đó. Cái nghĩ thì vừa thấy kém, vừa có vẻ khinh bạc- không cần gì, và trá hình là một thứ siêu thoát cao cả.
Cách sống cách làm thì vơ bèo vạt tép, nhặt nhạnh.
Không còn cái chân quê, thiêng liêng của người nông thôn. Mà cũng không ra kẻ tham vọng kiêu xa kiểu thành thị.
Tôi nghĩ đến chỗ mạnh của người Việt Nam: không phải do học vấn. Mà là kết quả của một thứ gì thiên tính, rất nhạy cảm, nhưng cũng dễ bị sai lạc.
Có thể có một chủ đề như là "Tô Hoài dưới ánh sáng của Freud".


أحدث أقدم