VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nét chính trong nội dung chủ nghĩa yêu nước ở Trung quốc



Đây là đoạn trích trong một bài viết mang tên GIÁO DỤC CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CỦA TRUNG QUỐC CHẲNG GIỐNG AI, tác giả vốn là một Hoa kiều đang sống ở Canada, bản dịch được đưa trên trang mạng trithucvn.net ngày 25.7.17.
Do chỗ dưới đây đã giới thiệu nguyên văn bản dịch ở đường link của nó trên mạng, nên khi đưa lại trên blog này, tôi mạn phép có chút chỉnh sửa tối thiểu để làm rõ một vài ý và cũng thay đổi một ít chữ nghĩa khi thật cần thiết

Logic của Trung Quốc chính là, nếu bạn yêu Trung Quốc, thì không thể yêu nước Mỹ, không thể yêu nước Anh, tựu trung lại là không thể yêu một quốc gia và nhân dân nào khác, ngược lại, cũng phải cự tuyệt tình yêu từ bên ngoài, đặc biệt là những quốc gia nào không có cùng lý tưởng phát triển với Trung Quốc.
Giáo dục Trung Quốc đánh đồng yêu nước với yêu đảng, và như vậy thì khi bạn yêu Đảng Cộng sản thì sẽ không được yêu Đảng Quốc dân, không được yêu Đảng Dân tiến, không được yêu bất kỳ đảng chính trị nào có quan hệ cạnh tranh với đảng cầm quyền.
Kiểu giáo dục này khiến người ra tự tách biệt cô lập mình ra khỏi tất cả những người khác.Trung Quốc dường như lần lượt trở thành kẻ thù của từng quốc gia trên thế giới. Bản thân người Trung Quốc không hề biết rằng, chủ nghĩa mà chúng ta đang tín phụng, trên thế giới có nơi còn coi đó là tà giáo và đánh đồng với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa khủng bố.
Khi còn nhỏ, có một câu lớp người như chúng ta được dạy: “Quên đi quá khứ chính là phản bội” , sau này mới hiểu quá khứ nêu ra ở đây chỉ cốt để nhắc ta “sự thù hận”, và phản bội ở đây chính là “phản bội lại người cầm quyền hiện nay” (Tại sao? bởi nếu không biết cái quá khứ ấy là đáng thù hận thì sẽ không biết ơn người cầm quyền hiện tại VTN). Do đó, chỉ cần quốc gia và người nào không thừa nhận lý tưởng của chính phủ hiện nay, chỉ cần tổ tiên gốc gác của họ từng thù địch với Trung Quốc, thì những người và quốc gia này vĩnh viễn bị coi là kẻ thù.

Giáo dục chủ nghĩa yêu nước của Trung Quốc
chính là giáo dục thù hận.
Bản thân tôi hiện là một người đang sống tại Canada, khi so sánh cuộc sống ban đầu ở Trung Quốc và cuộc sống hiện tại ở Canada, dễ nhận thấy Trung Quốc từ nhỏ đã giáo dục trẻ em thù hận người khác, không ngừng lật tung lịch sử của người khác lên mà tìm kiếm lý do để thù hận, chẳng hạn đến nay thường vẫn ngang nhiên tuyên truyền quá mức việc liên quân 8 nước tiến đánh Trung Quốc thời Nghĩa Hòa Đoàn. Còn ở Canada, từ nhỏ học trò đã giáo dục phải biết yêu người khác, luôn xem xét lịch sử của người khác rồi tìm lý do để yêu, luôn tuyên dương những công nhân người Hoa đã giúp Canada xây dựng tuyến đường sắt Thái Bình Dương.
Hai quốc gia này đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau, điều này quyết định mối quan hệ giữa hai xã hội là đầu độc nhau hay tôn trọng lẫn nhau.
Yêu nước của người Canada là xuất từ nội tâm, cho dù không có giáo dục chủ nghĩa yêu nước, nhưng họ lại có giáo dục về tình yêu thương, họ chỉ dạy nhau yêu như thế nào, chứ không buộc nhau phải yêu thương ai. Ở xã hội này, đa số đối đãi với nhau bằng tình yêu, rất ít người thù hận người khác; còn ở Trung Quốc thì lại trái ngược hoàn toàn.

Tinh thần bác ái bao dung sẽ thúc đẩy văn minh nhân loại. Nếu như lấy thù hận thay thế cho bác ái, tự phân biệt chủng tộc của mình với nhân loại, điều này chính là tự tách mình ra khỏi văn minh nhân loại, và cũng nói lên rằng cách thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước này là phản nhân loại.

Theo quan niệm mà người Trung Quốc được giáo dục, chỉ cần yêu nước Mỹ thì sẽ không có tư cách để yêu Trung Quốc, trong khi đó thực ra nước Mỹ là kẻ thù của chế độ độc tài, chứ không phải là kẻ thù của người dân Trung Quốc. Trong khi rất nhiều người Trung Quốc vẫn còn đang say sưa trong cái giếng của văn minh Trung Hoa, thì cả thế giới đã tiến đến dung hợp và bao dung lẫn nhau, không ngừng hướng ra biển lớn, hình thành khái niệm “ngôi làng toàn cầu”. Một quốc gia không thể vì sự hùng mạnh hay yếu nhược mà bị cô lập, chỉ có thể là bị tà ác thống trị mà bị cô lập, nhưng người dân ở đó không thể bị cô lập.

http://trithucvn.net/blog/blogger-hoa-kieu-giao-duc-chu-nghia-yeu-nuoc-cua-trung-quoc-chang-giong-ai.html




أحدث أقدم