VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trả giá ắt là đau đớn

Tại sao văn học ta rơi vào tình trạng lúng túng như hiện nay?
Hỗn loạn âm tính và hỗn loạn dương tính.
Vai trò của tỉnh táo hiểu biết. 
Hãy bắt đầu bằng cách tự phê phán.
       
Cũng như nhiều đồng nghiệp đang cầm bút, tôi thường lẩn mẩn nghĩ ngợi về vị thế của nhà văn trong xã hội hiện thời và tình hình văn học nói chung. Các ý nghĩ đến rồi lại đi, rời vụn, mâu thuẫn, lúc thế này lúc thế khác. 
Bản thân tôi mỗi khi nghĩ xong điều gì cũng thích tự phản bác; trong tâm trí luôn luôn có những cuộc đấu khẩu mà sự thắng bại khó lòng xác định rành mạch. 
Dưới đây tôi thử ghi lại một số ý nghĩ loại đó dưới dạng đối thoại, những mong tìm thấy sự đồng cảm.


- Có phải là văn học hiện thời đang mất giá, và nếu đúng như thế thì lỗi tại ai?
- Theo tôi biết, một người như nhà văn Tô Hoài rất hay nói về điều này.
    Đại khái ông bảo hơn nửa thế kỷ cầm bút, tình cảnh chưa bao giờ tang thương như bây giờ: sách ra loạn xạ, hay dở lẫn lộn, đầu sách có tăng, nhưng số in từng cuốn ngày mỗi giảm. Nhuận bút thì thê thảm không ai tưởng tượng ra nổi.
     Trong một thiên truyện mang tên Anh hùng bĩ vận (trong tập Một thời gió bụi, NXB Lao Động 1993), nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện một xã anh hùng nay tụt hậu. Nhân đó, ông chạnh lòng nghĩ tới nghề văn, cảm thấy thân phận mình thật cũng chẳng khác những người dân làm cói ở xã N. nọ . Ý tưởng  chính của ông được cô đúc lại trong câu“Lẫm liệt một thời mà bây giờ thì... tội nghiệp quá”.
  Nói chung, tôi cũng thấy mọi chuyện xảy ra đúng như các bậc đàn anh ấy đã nói. Khác chăng là khác ở cách cắt nghĩa tại sao lại có thảm trạng ấy.
    Và tiên trách kỷ, hậu trách nhân, tôi thấy có phần lỗi ở những người làm văn học. Chúng ta nên tự soát xét lại, nên thấy rằng có thời gian ta đã được chiều chuộng quá, giờ phải trả giá, sự trả giá bao giờ cũng đau đớn, song khách quan mà xét tình cảnh hiện nay là đáng với số đông người cầm bút chúng ta, ở đây chẳng có gì là oan uổng cả.

- Anh không giở trò chơi trội đấy chứ ? Trong khi cả những người ở các ngành khác cũng thông cảm với chúng ta thì anh lại tự túm ngực chửi mình. Chẳng nhẽ anh không thấy hồi trước xã hội ta rất trọng đãi văn chương. Còn hiện nay, sự quan tâm của xã hội đến chúng ta suy giảm hẳn, vì thế mới xảy ra những cảnh xé rào viết bậy?
- Tôi biết có một thời cả xã hội cùng đọc mấy quyển sách xoàng xĩnh mà đến nay, không ai buồn đọc lại nữa. Dĩ nhiên là hồi ấy, mấy nhà văn thời danh là những cái tên thường xuyên được nhắc nhở trên cửa miệng mọi người, còn bây giờ thì có bao nhiêu thú vui khác thu hút họ, nói tới văn chương, mặt họ dửng dưng không chút xúc động.
   Nhưng tôi cho như thế là phải. Chả nên tiếc những “ngày oanh liệt” hôm qua làm gì. Thà không có còn hơn sự thương cảm nông nổi bốc đồng của một thời ấu trĩ. Cái đích mà văn học cần phải chinh phục lớn hơn nhiều.
     Tôi cũng cho rằng nên sớm từ bỏ cái ý nghĩ là trong giới chúng ta có nhiều người tài ba mà chưa được đối xử xứng đáng.
     Tôi muốn nói ngược lại, trong chúng ta nhiều cái tên nghe khá kêu, mà thực chất không có gì, rồi đây sẽ bị lãng quên rất nhanh. Nói chung, công việc chúng ta làm được  mỏng mảnh, đạm bạc, và nhiều của giả.
    Trong một xã hội khép kín thì một ít giá trị dang dở được ngộ nhận, được đồng nhất với chân tài, đó là điều dễ hiểu. Nhưng trong xã hội cởi mở hôm nay, sự sụt giá lại là dễ hiểu nốt. Chỉ những ai quen sống bám vào sự ngộ nhận mới luyến tiếc thời xưa cũ.

- Tôi không ngờ anh lại nhẫn tâm đến thế! Anh không làm được gì, nên tưởng chung quanh ai cũng tay trắng như mình, và muốn lộn xộn bát nháo cho “bình đằng” cả một lượt.
- Tôi tự nhận thấy mình chưa tồi tàn đến mức trắng trợn, hư vô. Tôi chỉ muốn mọi người cùng nhìn vào một sự thực, là những cái chúng ta làm được chưa bao nhiêu; thành tựu  hôm nay thua kém cả ông cha, chứ đừng nói không là gì, so với thế giới.
    Tôi biết khi xuất phát, nhiều ngòi bút ở ta có tài, song do thiếu công phu tu luyện, do phải tự đốt cháy lên ngay lập tức để tồn tại.
    Nên những cái các anh các chị ấy làm ra lắm khi nham nhở, bất thành nhân dạng.
    Trong một thời gian dài nhiều tác phẩm có giá trị trong quá khứ không được in lại, sách hay của thế giới bị cấm cửa, không được dịch, nên thứ hàng tầm tầm ấy có giá, thậm chí được tố lên là những tác phẩm có sức sống lâu bền.
    Song không thể bằng lòng với những giá trị dang dở đó, không thể hãnh diện theo kiểu “cứ chân đất mà đi vào lịch sử” mãi được.

- Anh không nên có cái giọng giễu cợt vậy. Chính anh cũng biết sở dĩ chúng ta chưa làm được nhiều là do hoàn cảnh quá khó khăn. Để chúng ta có thể ngày một hoàn thiện, xã hội phải ưu ái hơn, giúp đỡ chúng ta nhiều hơn.
- Đồng ý, nhưng có nhiều cách giúp. Nghiêm khắc, yêu cầu cao cũng là giúp, mà dễ dãi, bỏ qua cho nhau mọi yếu kém cũng là giúp. Trong hai cách này, cách thứ hai chỉ có hại chứ không có lợi. Tiếc thay, đây lại là cách nhiều người chúng ta mong đợi - những người không sống nổi với cơ chế thị trường và luôn luôn nghĩ về thời bao cấp với nhiều tiếc nuối.
- Anh hãy nói rõ hơn ý nghĩ của mình.
- Chẳng có gì là rắc rối cả. Tôi chỉ muốn bảo sở dĩ nhiều người chúng ta nản lòng và muốn trốn chạy khỏi đời sống cạnh tranh hôm nay vì thực lực quá yếu.
   Mà sở dĩ chúng ta yếu ớt như vậy, vì được chiều chuộng quá - vâng, chiều chuộng thật sự, chứ không phải khinh bỉ như có người đã nói.
    Trước những thành phẩm xoàng xĩnh của chúng ta, xã hội đã quá rộng lượng. Hi vọng nhiều, chờ đợi nhiều, mà chiếu cố lại càng nhiều nữa.
    Sự chiều chuộng ấy, hôm qua là cần, nhưng giờ đây, nghĩ lại, nó là yếu tố khiến chúng ta giẫm chân tại chỗ, bé nhỏ, còi cọc, không lớn lên được.

- Anh nói gì lạ vậy, tôi không tin. Để những ưu tiên về tinh thần sang một bên hãy nói một việc liên quan trực tiếp đến mọi người - chuyện trả công, trả nhuận bút. Không phải hôm nay mà từ mấy chục năm nay, nhuận bút vẫn bị coi là quá thấp, khiến không ai sống nổi với nghề văn.
- Quá thấp, đồng ý. Nhưng là thấp so với một số tác phẩm có giá trị. Còn với đa số các tác phẩm xoàng xĩnh, thứ hàng phổ biến từ tay chúng ta, thì nhuận bút vậy đã là khá cao, chả thế mà, khi phát hiện ra điều này, khối người không chịu bỏ công viết kỹ nữa, chỉ mải chạy theo đầu sách, bôi số trang ra thật nhiều. Chất lượng kém đi thì nhuận bút ngày càng thấp, tưởng cũng không có gì lạ.
    Rộng hơn câu chuyện nhuận bút, tôi muốn nói về sự kiếm sống, về thu nhập của nghề viết. Theo tôi quan sát trong những năm qua, có một loại người rất tài trong việc khai thác cái gọi là uy thế nhà văn, tận dụng nó để nuôi nấng bản thân và gia đình.
- Dù sao cũng chỉ có vài trường hợp cá biệt.
- Không đúng, mỗi người – những người còn đang bám chặt  vào nghề -- đều có cái cách kiếm tiền của mình , chỉ có điều không trúng những quả đậm như một vài “cao thủ” kia thôi.

- Chưa bao giờ chúng ta phè phỡn no nê như... như những người nắm các đầu mối kinh tế.
- Chỗ này tôi cũng thấy như anh. Về sự hưởng thụ, nói chung nghề của ta thật thanh đạm. Nhưng nếu có dịp xem những người làm kinh tế xoay xở mới biết, họ lao tâm khổ tứ, họ năng động kinh khủng. Còn chúng ta, một thời gian dài, chúng ta ỷ vào năng khiếu, nên viết quá dễ dãi. Ứng với thứ lao động uể oải, cầm chừng của giới viết văn từ trước đến giờ, thì sự hưởng của chúng ta là rất xứng đáng.

- Anh không điên đấy chứ? Nghề cầm bút xưa nay vẫn được mệnh danh là một nghề sáng tạo cao quý.
- Vâng. Trên lý thuyết thì vậy, nhưng trong thực tế thì không hẳn. Lúc đi họp cần phát biểu trước bàn dân thiên hạ, hoặc lúc tụ bạ vui vầy nhiều người trong chúng ta thích hô lên thật to rằng mình đau đời lắm, tâm huyết lắm, rằng mình thường xuyên suy nghĩ lao lung, vất vả nặng nề như người mẹ mang thai. Nhưng khi cầm đến bút thì lại cẩu thả qua quýt, suy nghĩ hời hợt cốt cho xong chuyện để có bản thảo mang bán. Không gì khác, chính sự loạn xạ trong đời sống văn học hôm nay, là hậu quả trực tiếp của cách sống chúng ta đã sống hôm qua, nó là một sự trả thù man dại mà cũng tất yếu nếu có thể nói như vậy.

- Suy diễn. Thành kiến. Độc ác. Tôi không hiểu được những điều anh nói.
- Mọi chuyện đâu có khó thấy đến như thế, chẳng qua các anh không muốn thấy thôi. Ở trên tôi đã nói trong nhiều năm, chúng ta xúm vào khen những cuốn sách quá xoàng xĩnh. Sự hỗn loạn bắt đầu từ đấy.

- Những tác phẩm ấy có thể còn thô sơ non nớt, chưa được chau chuốt, thậm chí có thể chưa hay, nhưng chân thành muốn phục vụ, muốn có ích ngay -- thế là được rồi, anh còn đòi hỏi chi nữa?
- Nhưng bảo rằng chúng là những tác phẩm chói sáng tuyệt vời, thì là không được, là gây mầm hỗn loạn.
    Hơn nữa vấn đề không phải là chót tôn vinh... nhầm một hai cuốn sách nào đó, chuyện ấy muốn quên đi cũng dễ.
     Vấn đề là một thời gian dài các tiêu chuẩn nghệ thuật thực sự bị xem thường, chúng ta dễ dãi nâng đỡ nhau, chiếu cố nhau, lại càng hào phóng trong việc khen tặng nhau. Nhiều cuốn sách không đáng in cũng in. Nhiều người viết văn đáng lẽ chỉ nên ghé gẩm qua văn chương một chút, song cũng vào tận chiếu giữa, và do chỗ không có sự đào thải, nên vĩnh viễn ngồi đó toạ hưởng kỳ thành. Nghĩ tới họ, người đọc đâm ngán. Mà trước tiên, là nhiều anh em cùng nghề cũng thấy ngán, người đã viết từ trước thì cùn mòn cẩu thả đi, người mới cầm bút thì cảm thấy lớp người đi trước không có gì đáng trọng, và nghề viết không công bằng đẹp đẽ như người ta vẫn nói. Gặp lúc thuận tiện, là họ xốc tới, viết ào ào, in ào ào, rồi nhân đó, chửi vung cả lên, vênh váo rằng mình có bạn đọc không kém ai hết.
- Hay lắm, anh đã bắt đầu chạm đến cái đời sống văn học hẩu lốn hôm nay đấy. Chắc là thấy mọi chuyện nhốn nháo thế, anh thích lắm, hả dạ lắm!
- Không hẳn. Tôi cũng chả thích gì văn học thương mại. Cũng như nhiều người tôi thấy một số tác phẩm ám chỉ hiện nay được viết với một lý tưởng thẩm mỹ tầm thường, tay nghề quá thấp nên biến thành những vụ trả thù hèn hạ. Nhưng văn học hôm nay vẫn có cái này mà tôi cho là khả thủ. Nó không tự tìm cách che giấu thực chất của mình. Có gì dơ bẩn, nó đã phô hết. Thành ra trong đối xử, có cái tiện.
     Đại khái, sự hỗn loạn hôm qua là một thứ bệnh đang ủ, lại che che giấu giấu, nên có thể gọi là một sự hỗn loạn âm tính, còn sự hỗn loạn hôm nay cứ chường hết cả ra, nên là một thứ hỗn loạn dương tính. Đã gọi là bệnh thì đằng nào cũng dở, nhưng nghĩ cho cùng, bệnh như hôm nay dễ chữa hơn.

- Thật khó hình dung một người gần trọn đời người gắn bó với đời sống văn học sinh động của chúng ta như anh, mà ăn nói lại hồ đồ như vậy! Tôi ngờ rằng, không ai trong giới cầm bút đồng tình với anh cả. Trong ý nghĩ của số đông những cây bút loại trên dưới năm mươi như anh nhất là trong tâm khảm các bậc đàn anh, lớp trên nữa, thời gian trước đây là một thời gian văn học phát triển hài hoà, tự nhiên nền nếp, cái thời lãng mạn như Nguyễn Khải đã gọi...
- Đó chỉ là bề ngoài. Cái nền nếp tĩnh lặng mà người ta hay nói chỉ là giả tạo.

-... Trong thời gian ấy chúng ta đã đào tạo được những nhà văn đáng tin cậy, những ngòi bút lao động nghiêm túc mà bây giờ không sao có nổi. Tôi không thể tin những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, hoặc hai người mà anh đã nêu lúc đầu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, cùng là nhiều anh chị em khác, lại có liên quan đến cái mà anh gọi là đời sống hỗn loạn trước đây, dù chỉ là hỗn loạn “âm tính”.
- Trong bốn người anh nêu lên, tôi chỉ xin nói về một người đã mất.
      Muốn cho công bằng, người ta phải nhận Xuân Diệu là một nhà thơ lớn và bây giờ tôi vẫn nghĩ thế. Song trong thời gian cuối đời có nhiều bài, ông dùng lý trí để viết. Uy tín Xuân Diệu lớn quá thành thử mấy chục năm sự lỗ mỗ không đều của thơ Xuân Diệu không ai dám viết.
   Tưởng rằng đó là việc riêng của tác giả Thơ thơ.  Có biết đâu rằng mặc dù là một thứ lao động cá thể, song sự sáng tạo trong văn học vẫn tồn tại như một sự nghiệp chung.
    Anh không thể viết tốt nếu cái nền chung quanh quá tồi. Khi cái nền chung này xao động, không ổn định, hơn nữa bị phá hoại, thì anh cũng không ngồi yên mà viết được nữa kia.Kể cả khi người ta là Xuân Diệu.

- Tóm lại anh thấy tất cả đều có lỗi.
- Cũng gần như thế.
- Không ai thoát khỏi số phận chung của chúng ta vốn bắt đầu từ  hôm qua?
- Nhiều người có vẻ nổi lên trên cái nền kém cỏi ấy, song, suy cho cùng vẫn không ra thoát, vẫn lãnh đủ phần trách nhiệm và thực tế là cả những đau đớn ê chề khi cái nền chung ấy thay đổi.

- Vậy bắt đầu phải làm gì?
- Một số người thích kêu to lên để chung quanh thương hại, hoặc ngồi than thở.
  Một số khác mất hết lòng tin, cho rằng xã hội đã chả cần mình, mình cũng chả cần xã hội nữa, tóm lại là muốn làm gì thì làm, đến đâu thì đến.
    Riêng tôi, tôi không tin rằng mọi chuyện hỏng hết, mà cần phải đóng góp vào việc vượt qua cái thời điểm xót xa hôm nay. Công thức muôn đời vẫn là: hãy tự cứu lấy mình.
    Có điều trong việc tự cứu này, đầu tiên phải nhận thức cho sòng phẳng, tự biết mình là ai, chỗ mạnh chỗ yếu của mình là gì, mình mười phần tốt đẹp mà bị rẻ rúng hay thật ra mình cũng hư hỏng nốt.
     Chỉ bao giờ ta hiểu rõ rằng sự lạc hậu ở ngay chính mình, thì lúc đó, ta mới có cơ khá lên được.
     Đây là một công việc khó, rất cần đến sự sáng suốt, sự tỉnh táo hiểu biết, tóm lại cần đến trí tuệ là điều mà trớ trêu thay, văn học ta lâu nay vẫn từ chối.
     Ở nước nào cũng vậy, ở xã hội ta, cả thời phong kiến lẫn thời Pháp thuộc cũng vậy, văn nhân đồng nghĩa với người có học vấn (chứ không phải chỉ có năng khiếu) nhưng mấy chục năm nay, ở ta, hai khái niệm ấy bị tách rời, và tôi cho rằng, cả trong những năm bao cấp, lẫn trong những năm kinh tế thị trường gần đây, văn học ở ta phát triển khó khăn, lý do là ở sự tách rời ấy!

- A ha! Thế là thò đuôi khỉ rồi nhé! Nói xuôi nói ngược một hồi, cuối cùng hoá ra anh muốn đề cao ngành lý luận phê bình của mình. Thế nhỡ các nhà văn ở ta thích quan niệm rằng nếu một người không có năng khiếu, thì có đọc đến vài vạn quyển sách chăng nữa, cũng chẳng viết nên một câu thơ cảm động lòng người - mà trong thực tế sáng tác vẫn vậy, thì anh nghĩ sao, liệu anh còn cảm thấy có quyền bàn bạc với mọi người, và anh có còn tin ở cái đơn thuốc của anh nữa không?
- Vâng, tôi biết nhiều nhà văn ở ta tuy không nói ra, nhưng vẫn nghĩ bụng: lý luận phê bình đánh đấm lắm chỉ tổ bị ghét, mà có xúm vào khen thì cũng không có gì để giới sáng tác trọng.
   Gần đây, người ta lại còn hay bảo tự mình các nhà văn ở ta vốn rất hồn nhiên, trong sáng, chẳng qua giới lý luận phê bình nhiễu sự hay đưa ra các thuyết vơ vẩn, nên đời sống văn học mới nảy sinh một vài vấn đề không lành mạnh.
   Và người ta e dè, ngần ngại muốn gạt cánh phê bình sang một bên.
    Biết thế nên dạo này một số anh em viết phê bình cũng chẳng buồn viết nữa, hoặc ngồi chơi xem các nhà văn nhà thơ tâng bốc lẫn nhau, hoặc quay về nghiên cứu văn học quá khứ. Nhưng có làm gì cái số phận riêng mấy cây bút phê bình chúng tôi, điều quan trọng là lối thoát của cả nền văn học, và trong việc này, nếu phải nhắc lại ngàn lần tôi vẫn nhắc rằng chúng ta không thể thiếu sự tỉnh táo, sáng suốt, không thể thiếu lý tính được.

In lần đầu trên tạp chí Tác phẩm mới 1993 —
Tác phẩm mới là tiền thân của tạp chí Nhà văn.

Bài viết đã đưa vào các tập Những kiếp hoa dại 1993
Buồn vui đời viết 1999

VIÉT THÊM 10-5-2012

  1/ Nói văn học lúng túng hoặc mất giá có lẽ còn nhẹ. Gần đây nhất đã có những ý kiến phát biểu cho rằng đang tồn tại một nguy cơ là  sự biến mất của báo chí văn nghệ ( phát biểu của Tổng biên tập báo Văn Nghệ Nguyễn Tri Huân tại một hội nghị, cuối  tháng 4-2012)  
     Biến mất tức chết đi? Nói thế e hơi quá. Tôi cho rằng báo chí văn nghệ nói riêng, các sáng tác văn học nói chung sẽ chẳng bao giờ chết, nhưng nó trở nên biến dạng, cái tốt đẹp thì cùn mòn suy thoái, còn những gì hư hỏng tha hóa thì lại phát triển. Một bộ mặt kỳ dị, đó là điều xưa nay chưa từng có mà chỉ hôm nay mới xuất hiện.
     Trước tình hình đó, đã có nhiều ý kiến phát biểu nhằm giải thích, biện hộ.  Nhưng phần lớn nặng về những lời phàn nàn, đại khái cho rằng xã hội đã không biết người biết của, bỏ phí lực lượng sáng tác văn chương như một ngành nghề tốt đẹp lương thiện.
    Ý chính của tôi hai mươi năm trước, và nay tôi vẫn nghĩ thế: chính ra xã hội lâu nay đã quá rộng lượng. Được yêu chiều quá nên chúng ta sinh hư.
     Giới cầm bút không có quyền trách xã hội quay lưng lại với với mình khi mình chỉ là thế - nhạt nhẽo, vật vờ, nông nổi, dễ dãi.

2/  Về cuộc kiếm sống của những người cầm bút. Ở đoạn giữa bài tôi có viết  “Về sự hưởng thụ, nói chung nghề của ta thật thanh đạm”.
   Nói thế chỉ đúng với tình hình cũ.
    Hiện nay, nhiều cây bút sống khá đầy đủ, nếu không nói là vương giả. Lợi dụng sự mở ra của cơ chế thị trường họ đi rất sâu vào việc chiều nịnh bạn đọc. Trong thâm tâm, lớp người này  ngầm hiểu dẫu sao nghề văn như họ đang làm vẫn là tối ưu với họ. Họ kêu chẳng qua theo thói quen. Chính ra là họ rất bằng lòng với ngày hôm nay.
      Sự xuất hiện của thứ văn chương này âu cũng là do hoàn cảnh đưa đẩy. Nhưng không phải vì thế mà họ có quyền nhận là văn chương thứ thiệt, là sự trả lời cho những mong mỏi thiết tha của chúng ta.

3/  Làm sao để thay đổi ?  Đã qua rồi cái thời bảo nhau cứ làm đại, may ra biết đâu lại có tác phẩm hay (!).Việc bàn bạc để tìm lối thoát cho văn chương bao nhiêu cũng là không đủ. Chỉ hiềm một nỗi, sự bàn bạc cũng đang trở nên hỗn loạn.
  
     Có một thứ phê bình xét theo nghĩa hẹp, mà hiện nay ta vẫn hiểu – phê bình là thấu hiểu sáng tác là tuyên truyền cho sáng tác là góp phần đưa sáng tác đến với công chúng …Thứ phê bình đó  đang phát triển quá mức. Tất nhiên là không thể trông chờ và hy vọng vào họ được.
   
     Khi nhấn mạnh phê bình lý luận, tôi muốn nói đến cái phần tự ý thức, cái hàm lượng trí tuệ của cả giới cầm bút nói chung. Và muốn nói đến  hoạt động phê bình theo nghĩa rộng , bao gồm cả công tác nghiên cứu khoa học xã hội, cả những người làm văn học sử lẫn giới làm công tác giới thiệu văn học nước ngoài… Số phận văn chương chân chính gắn liền với sự phát triển đúng đắn của bộ phận này.
أحدث أقدم