VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chỉ phát triển khi biết tự phê phán


Bài trả lời phỏng vấn Thời báo kinh tế Sài Gòn số ra 11-2 2016, người thực hiện là nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên. 
 Đầu đề trên là  của TBKTSG. Đầu đề ban đầu mà  chúng tôi đề nghị là Trí thức và công cuộc phát triển ở VN hôm qua và hôm nay.

Phía sau sự sắc sảo, đầy tính phản biện trong các phiếm luận văn hóa đề cập đến tính cách người Việt hiện đại, người đọc nhận thấy ở ông mối ưu tư, đôi khi cay đắng, về sứ mệnh, đời sống, danh phận người trí thức trong lịch sử lẫn hiện tại.Qua sách báo, blog, Facebook, có vẻ như nhà phê bình văn học, phê bình xã hội tuổi ngoài 70 này vẫn đang kiếm sự đồng cảm, chia sẻ của người đọc – trong điều kiện xã hội đang cần một sự thức tỉnh để thay đổi và phát triển…



Trong khoảng 20 năm trở lại đây, từ lĩnh vực chuyên môn bình văn học, ông có sự chuyển hướng sang phê bình văn hóa, phê bình xã hội. Thưa ông, điều gì đã xảy ra?
Sở dĩ tôi chuyển từ phê bình văn học sang phê bình văn hóa, xã hội là vì muốn có thêm sự tiếp xúc rộng rãi hơn với bạn đọc và muốn tham gia vào việc tìm hiểu bàn bạc các vấn đề mà cộng đồng đang quan tâm. Nghiên cứu văn học hiện nay bị hạn chế vì kiến thức các nhà nghiên cứu được trang bị quá hạn chế, phương pháp được sử dụng quá cũ. Tôi có may mắn không bị ràng buộc vào một nhiệm vụ cụ thể nào đó, luôn có thời gian rãnh rỗi để lo học thêm biết thêm. Mà ở thời này các ngành khoa học xã hội đang bùng nổ và có khả năng giúp cho chúng ta nhìn sâu vào cuộc sống của chính xã hội mình, nên càng làm bản thân càng thấy bị lôi cuốn.

Chỉ nhìn ở phạm vi lịch sử văn hóa Việt Nam, thì trong mỗi giai đoạn có sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi phương thức sống và hình thái văn hóa nói chung, xáo trộn các giá trị sống thì thường xuất hiện những lớp học giả tiến bộ với sứ mệnh phản tỉnh xã hội. Ví dụ như hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có Mai Viên Đoàn Triển, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, muộn hơn, có Phan Khôi với những tác phẩm đăng báo khoảng thập niên 1920-1930,  Đào Duy Anh với cuốn Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Nguyễn Văn Huyên với Văn minh Việt Nam (1944) hay ở đô thị miền Nam những năm 1960-1970, có cây bút Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu…

Cái ý mà bạn nói, “mỗi giai đoạn có sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi phương thức sống và hình thái văn hóa nói chung, xáo trộn các giá trị sống thì thường xuất hiện những lớp học giả tiến bộ với sứ mệnh phản tỉnh xã hội”, theo tôi thấy thì rất hiếm có trong xã hội Việt Nam từ thế kỷ XIX về trước. 
 Thời phong kiến ta chỉ có những trí thức góp phần vào việc quản lý xã hội chứ không có những nhà tư tưởng lấy việc nghiên cứu về sự phát triển xã hội làm nhiệm vụ. Theo nghĩa ấy khả năng tự nhận thức của xã hội là rất thấp, sự  trì trệ của xã hội là kéo dài.
Tới khi người Pháp xâm lược, và hướng xã hội VN vào quỹ đạo phát triển của thế giới, họ mới đưa lịch sử và xã hội ta thành một đối tượng nghiên cứu. Thừa hưởng thành quả nền giáo dục phương Tây, một lớp trí thức Việt Nam kiểu mới ra đời. Hồi đó các nhà trí thức này rất bị thành kiến và điều đó kéo dài tới tận ngày nay. Người ta không tính cái phần nghiên cứu chủ yếu của các trí thức đó mà chỉ  xem một số  đề nghị cụ thể của họ là có lợi cho người Pháp. Và khi mà một số người như Phạm Quỳnh tham chính  thì họ bị xóa sạch mọi đóng góp đã có từ trước.
 Nên nhớ là  các nhà trí thức mà bạn vừa nêu từ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Nhất Linh … đều là những người mà trước 1975 bị  coi như người có tội hoặc chí ít là đã không tích cực tham gia vào công cuộc giành lại độc lập, tác phẩm của họ không hề được đưa vào nhà trường để giảng dạy cho bọn thanh niên mới lớn chúng tôi. 
Chỉ trong hoàn cảnh hiện nay khi đất nước chính thức đặt vấn đề về phát triển, tác phẩm và tư tưởng của họ mới được khôi phục nhưng sự nghiên cứu và phát triển còn rất hạn chế.
Quá trình tự nhận thức xã hội mà gắn liền với nó là việc hình thành lớp trí thức mới này diễn ra suốt từ cuối thế kỷ XIX đầu XX. Ngày nay, qua độ lùi thời gian, khi nhìn nhận lại quá trình hoạt động của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, chúng ta thấy có sự khác biệt. 
Phan Bội Châu từ một người chủ trương hành động, chỉ sau khi bị bỏ tù thì người chiến sĩ ấy mới trở thành một trí thức nhưng vai trò trí thức thức của ông ở giai đoạn 1925-1940 không được giới sử học ghi nhận. 
Còn Phan Châu Trinh thì ngay từ đầu đã chú trọng đến đời sống tinh thần của quốc dân. Ông đặt cuộc giải phóng dân tộc trên nền tảng của một cuộc cách mạng xã hội, cách mạng văn hóa vì cho rằng, chỉ có qua con đường đó mới tìm được độc lập thực sự cho dân tộc.
 Những  quan niệm sáng suốt  đó của  cụ Tây Hồ  được những nhà trí thức đầu thế kỷ XX ở ta tiếp tục theo đuổi.
Trước 1945, ngoài danh sách ở trên bạn vừa nói, tôi còn muốn đặc biệt chú ý đến vai trò quan trọng của những nhà báo, nhà trí thức của nhóm Thanh NghịTri Tân như Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Văn Hiền, Đinh Gia Trinh hoặc các nhân vật ở Nam Bộ như Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… Trong khi tiếp nhận phương Tây một cách sáng tạo, họ đã chuẩn bị cho một nước Việt nam phát triển theo nghĩa hiện đại.
Ngoài ra, không bao giờ được phép quên Trần Trọng Kim. Ở Trần Trọng Kim, đôi khi chúng ta chỉ quan tâm tới khía cạnh chính trị mà bỏ quên sự nghiệp văn hóa của ông. Những công trình như hai cuốn Nho giáo Việt Nam sử lược  là những đóng góp vào tự nhận thức của dân tộc.
Sau nữa – và đây là điều bây giờ chúng ta có thể nói được rồi – các trí thức ở miền Nam trước 1975 cũng có vai trò tiếp nối rất xứng đáng. Tôi vừa mới mua được một cuốn sách về ngành luật nó bổ sung cho quan niệm của tôi về trí thức, đó là  cuốn Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam  của Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa do nhà tổng hợp của TP Hồ Chí Minh xuất bản. Quan niệm của cuốn sách bộc lộ ngay trong phần bố cục: phần I (84 tr) nói về nghề luật thời Pháp thuộc, phần II (74 tr) nói về  nghề luật thời Quốc gia VN 1949-55 và Việt Nam Cộng Hòa 1955-75 phần III (98 tr)  nói về nghề luật thời Cách mạng. Nghĩ về đời sống tinh thần của miền Nam trước 1975, tôi nhớ tới từ các nhà giáo trung học cho đến các giáo sư đại học, các chuyên viên nghiên cứu khoa học xã hội  trong đủ các bộ môn bao gồm lịch sử xã hội học, pháp luật kinh tế.  Tôi thường tìm sách của Nguyễn  Phương và Cao Văn Luận,  Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng và Nguyễn Hiến Lê, Trần Ngọc Ninh và Vũ Quốc Thúc ... Chính họ đã mở đầu cho việc vận dụng các kinh nghiệm phát triển của VN trong thế giới hiện đại mà đến nay với chúng ta còn khá thích hợp.
Với những sự chuẩn bị như thế, dần dần  dân tộc đã  có một sự thức tỉnh thực sự, từ đó dẫn tới một sự phát triển theo nghĩa hiện đại. Có điều lịch sử VN nửa cuối thế kỷ XX là sự lặp lại lịch sử các thế kỷ trước. Trong chiến tranh, con người mải hành động hơn suy nghĩ, xã hội lo đạt tới những mục đích trước mắt mà không nghĩ nhiều về chuyện phát triển, và trí thức cũng được đào tạo theo khuynh hướng đó. Ngày nay, ngay đến quan niệm về phát triển xã hội còn phải đang bàn bạc chưa ngã ngũ ra sao thì việc đào tạo con người nói riêng và trí thức nói chung xoay sở sao kịp.

 Sự  trì trệ của xã hội VN thời phong kiến,  mà như ông vừa nói biểu hiện rõ là sự thiếu vắng  một tầng lớp trí thức cơ bản và  việc không  đào tạo được những nhân vật lớn có vai trò mở đường về tư tưởng,  theo ông xuất phát từ đâu?

 Như trên vừa nói, trong suốt thời phong kiến, từ khi Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền giành độc lập cho tới nhà Nguyễn là một sự trì trệ kéo dài, không có chuyển biến nào đáng kể, chưa hề có sự thức tỉnh bao giờ, chỉ có chuyện đám người này lên, đám người kia xuống, rồi “được làm vua thua làm giặc” ai thắng sẽ được công nhận, cứ xem sự tiếp nối từ  nhà Lý sang nhà Trần là đủ thấy rõ. Một đặc thù riêng của sinh hoạt chính trị trong xã hội Việt Nam, đó là lớp tinh hoa cầm quyền căn bản được hình thành những người có công đánh ngoại xâm tức là các thủ lĩnh quân sự và cứ thế kéo dài đến khi có một cuộc ngoại xâm mới thì lớp khác lại lên, người mở đầu tạo sự nghiệp mới cho cả một dòng họ. Trong quá trình quản lý đất nước họ dành rất ít thời gian nếu không nói rằng không bao giờ xem xét quyền lực dưới góc độ văn hóa, như một vấn đề văn hóa. 
Tập san Nghiên cứu Huế do nhà sử học Nguyễn Hữu Châu Phan thực hiện, ở số 1-1999, tr. 220 có dẫn lại nhận xét của vị sứ thần Anh Crawfurd qua thăm Việt Nam và có tiếp kiến triều đình vào năm 1822. Crawfurd có nhận xét về vua Gia Long như sau "Quan điểm của nhà vua  là một quan điểm hẹp hòi, ích kỷ độc tài; và chính quyền  mà nhà vua thiết lập thực sự là một chính quyền quân sự chuyên chế và áp bức bậc nhất, khó ngòi bút nào có thể mô tả được". Trước đó ông ta đã khái quát "Tài cán nhà vua thích hợp cho việc chiếm lại đất nước hơn là cai trị đất này."Tôi học được ở đây một điều: phải  xem văn hóa quản lý đất nước như là một tiêu chuẩn khi nhìn nhận và đánh giá những nhà cai trị. Đó là tiêu chuẩn chung cho mọi mọi quốc gia mọi xứ sở, chúng ta cũng không thể khác.

      Cứ  cho là như ông vừa nói  xã hội VN từ XX về trước là xã hội chỉ lo tồn tại . Những gì đã xảy ra trong một  xã hội như vậy?

Là người ta không nghĩ tới sự phát triển.  Sau cái công thức bao quát ấy là hàng loạt hậu quả khác. Chiến tranh qua đi, tiếp theo là những thời kỳ hậu chiến tăm tối, con người quá  mệt mỏi nên chỉ lo hưởng thụ, rồi là lo đền ơn đáp nghĩa. Người ta không tính chuyện sống  khác đi mà chỉ bằng lòng được sống như cũ.

Nhưng xã hội này vẫn có nền văn hóa của nó, và dân tộc này vẫn có cốt cách riêng, đó  là điều  thế giới ngày nay ai cũng phải công nhận.

Nếu bảo rằng mỗi xã hội tồn tại được đều có nền văn hóa của mình  thì phải nói thêm ở ta đó là thứ văn hóa để tồn tại chứ không phải văn hóa để phát triển.
  Ngay từ thời trung đại, một cộng đồng muốn tồn tại cũng phải có những hồn cốt và những thiết chế  văn hóa của mình. Nhưng trong điều kiện VN, ta chỉ cần giữ được nền văn hóa cổ truyền trong việc tổ chức làng xã  cộng với sự vay mượn ở mức tối thiểu những kinh nghiệm tổ chức quốc gia ở nước láng giềng phương bắc là đã đủ để tồn tại như cái mức chúng ta đã thấy.
Tiếp tục câu chuyện về xã hội chỉ lo tồn tại. Khi sự suy nghĩ bị hạn chế ở mức đơn giản nhất thì người ta  không nghĩ tới  chuyện tự nhận thức mình,   không đặt ra những câu hỏi “mình là gì, thế giới này là gì”, “mình sẽ sống sao trong thế giới này”. Quan hệ  với  các dân tộc khác cũng rất khó khăn. Thấy kẻ khác từ nơi xa tới liền coi như kẻ thù, không cần tiếp thu và học ai khác, hoặc có học thì cũng chỉ lo học lỏm học mót, rồi liệu mà sống với nhau.  Hệ quả là  chúng  ta rất khó phát triển theo cái nghĩa mà cả thế giới người ta vẫn hiểu.
 Trong một xã hội như thế, giới ưu tú không thể phát triển, cái giới ưu tú ấy nếu có cũng còi cọc và luôn bị phá vỡ cấu trúc. Đến lượt nó, sự phát triển kém cỏi của giới trí thức lại làm cho cộng đồng cứ trì trệ mãi.
   Do sự quy định ngặt nghèo của thực tại, mối quan hệ giữa tình trạng yếu kém của giới trí thức với những khó khăn về phát triển trong quá khứ ngày nay cũng đang lặp lại. Trí thức ngày nay không bước qua được sự giằng níu của áo cơm và đám đông hỗn độn. Anh ta không đủ điều kiện vật chất lẫn tinh thần để suy tư về sự tồn tại, về trời đất, về các vấn đề nhân sinh, sự phát triển xã hội để kéo xã hội đi lên.

 Những khó khăn trong phát triển hiện nay như ý ông nói  là thuộc về bản thân xã hội lẫn thực trạng của giới trí thức. Giờ ta hãy bàn về từng điểm một. Nếu hành trang phát triển của người Việt trong thời toàn cầu hóa cần thêm vào một thứ gì đó và bớt đi một thứ gì đó, thì theo ông, đó là những gì?

Trước khi bắt tay hành động, cần đề cao sự suy tư,và khuyến khích những tìm tòi đời sống tinh thần.  Trên con đường khó khăn của sự  tự nhận thức nghiêm chỉnh, cần từ bỏ cái tự kỷ trung tâm luận, từ bỏ cái thói quen bằng lòng một đời sống đơn giản, tự phát thấp kém mà bấy lâu chúng ta cố khoác lên nó cái áo đôn hậu, tự nhiên. Và chúng ta cần thay đổi hẳn quan niệm về văn hóa. Văn hóa không phải là cờ đèn kèn trống, lễ hội, ngắm nghía thưởng ngoạn mà là chỉnh đốn cách quản lý quốc gia, truy vấn về hồn cốt, lối sống, lối nghĩ của chúng ta để thay đổi. Chúng ta đã nghĩ sai, nghĩ phiến diện về văn hóa và hành xử sai với văn hóa quá lâu rồi.

Thế còn giới trí thức? Nhìn sang Fukuzawa Yukichi (nhà khai minh Nhật Bản, tác giả của cuốn Khuyến học) hay mới đây là Bá Dương (học giả Trung Quốc, tác giả Người Trung Hoa xấu lậu)… có thể thấy vai trò của trí thức trong phản tư, phản biện văn hóa, phong tục, tâm tính cộng đồng là rất lớn, có khi nhờ đó mà khai sáng, thay đổi cả vận mệnh một dân tộc.  Làm sao để người trí thức Việt Nam  cũng có được vai trò đó.

  Chỉ có thể phát triển nếu  biết tự phê phán, cái mà chúng ta mong muốn xem như tinh thần chung chi phối cả xã hội thì cũng phải được xem như yêu cầu với chính mình.Tác động của chúng ta tới cộng đồng không phải thu hẹp lại ở những tô vẽ theo đuôi có tính cách mị dân mà phải thực sự đóng vai người mở đường về tư tưởng. Tiếp sau quá trình tự nhận thức để nhận ra những hạn chế, việc tìm cách tự đào tạo lại chắc chắn sẽ mở ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại cho người trí thức niềm tự hào sâu xa: chúng ta phải trở thành những người có ích theo đúng cái cách của mình.



أحدث أقدم