Một cách nhìn nhận về người nước ngoài --
trường hợp truyện ngắn Người đầm của Thạch Lam
Không phải chỉ có ân cần niềm nở mến khách. Thái độ của người dân mình với người nước ngoài đến làm việc và du lịch được báo chí miêu tả gần đây cho thấy một thực tế khác. Trong cơn khủng hoảng xã hội, nhiều người Việt đang tìm cách đổ vạ cho bất cứ người nào chúng ta ngẫu nhiên gặp trên bước đường kiếm sống của mình. Đám khách phương xa vô tội kia tự nhiên trở thành đối tượng để người dân ở các đô thị xoay sở kiếm chác kể cả chặt chém lừa lọc, thậm chí có cả cướp giật.
Tại sao lại có tình trạng ấy? Hàng ngày người mình đối xử với nhau đã không ra gì. Cái đó có. Nhưng đằng sau đó còn cái quan niệm hẹp hòi của mình về người nước ngoài, đại khái cho rằng họ là hậu duệ của những kẻ đến đây theo chân quân xâm lược. Và điều quan trọng là họ thì quá sướng trong khi chúng ta quá khổ, thành thử trong nỗi đau khổ của chúng ta, họ có lỗi.
Chúng tôi sẽ có dịp phân tích cái tâm thế này trong một dịp khác.
Trước mắt, xin bạn đọc trở lại với một truyện ngắn của Thạch Lam để thấy rõ cái tâm thế nói trên đã từng là một nếp nghĩ chi phối người Việt một thời gian dài trong lịch sử (và do chúng ta không đặt vấn đề một cách nghiêm túc nó cứ hồn nhiên phát triển).
Với tư cách một ngòi bút trí thức, nhà văn Thạch Lam không chỉ dừng ở việc ghi lại quan niệm của người đương thời mà còn tìm cách vượt lên để đề nghị một cách nhìn một cách nghĩ về người nước ngoài mà ông cho là thích hợp. Điều đáng kể là ngay trong bản thân ông cũng có một quá trình chuyển biến và cái quan niệm mà ngày nay với chúng ta cũng còn là mới mẻ, quan niệm ấy chỉ đến với tác giả trong quá trình sửa chữa lại tác phẩm sau khi đăng báo để đưa vào sách.
Mối thiện cảm kín đáo
Truyện ngắn Người đầm đã được Thạch Lam hoàn thiện như thế nào để diễn tả một cách tinh tế nhất mối liên hệ tinh thần của chúng ta với những người vừa xa lạ vừa gần gũi: người Pháp?
Người đầm là một truyện ngắn của Thạch Lam, vốn in lần đầu trên báo Ngày nay (1937), sau in lại ở tập Nắng trong vườn (1938).
Nội dung Người đầm có thể tóm tắt như sau:
Một lần, tác giả tới xem chiếu bóng ở rạp Pathé (trông ra Hồ Gươm; sau đổi là rạp Hòa Bình, nay thành Nhà hát múa rối), ở đó, ông gặp một người đầm, cùng đi xem với con gái. Có cái lạ là hai mẹ con người này chỉ ngồi ở ghế hạng nhì, chỗ vẫn thường dành cho người bản xứ. Chẳng những thế, ở bà toát ra vẻ khiêm nhường nhũn nhặn,“cái nhìn của bà rụt rè e lệ quá, khiến tôi ái ngại và cảm động”. Giờ nghỉ, ra ngoài, bà mua kẹo cho con, vẻ rất thân thiện với chú bé bán kẹo, nhất là khi thấy chú chạy vội đi vì sợ cảnh sát thì bà buồn hẳn.
Cũng như nhiều truyện ngắn khác của Thạch Lam, Người đầm kết thúc bằng cái cảnh ngoài trời “mưa bụi và gió lạnh”, còn hai mẹ con người đàn bà “lủi thủi đi trên con đường vắng” ra về. Từ đó, tác giả - nhân vật xưng tôi trong truyện – không gặp lại bà nữa.
Người chủ hiểu biết, độ lượng và cái nhìn hợp lý về kẻ xa lạ
Mấy thế kỷ đã qua, kể từ khi hai dân tộc Pháp-Việt có dịp tiếp xúc với nhau. Trong tâm thức người Pháp, người Việt thường hiện lên với những đường nét thế nào? Những hình ảnh này đã thay đổi ra sao theo thời gian? Bấy nhiêu câu hỏi lẽ ra phải sớm được đặt ra, và tìm lời giải đáp, qua các tác phẩm văn chương (cố nhiên là loại viết bằng tiếng Pháp), bởi gạt sang một bên những cái nhìn thực dân, có thể tin chắc là trong chừng ấy thời gian tiếp xúc, tâm hồn Pháp đã là một tấm gương tốt để người Việt tới soi mà nhận ra bóng dáng bản thân.
Tiếc thay, vì quá bận bịu, ở ta chưa ai ngó ngàng tới chuyện ngày cả.
Tình hình cũng chả khả quan gì hơn khi nhìn vào phần viết ngược lại, tức câu chuyện “bóng dáng người Pháp trong tâm thức người Việt”.
Đại khái, chỉ biết rằng trong phần lớn trường hợp, người Pháp thường được phác họa như những kẻ lố lắng, thô lỗ, kỳ cục. Thơ Tú Xương tả cảnh thi cử: Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt – Dưới dân ông cử ngẩng đầu rồng; bài văn tế Francis Garnier, tương truyền là của Nguyễn Khuyến: Mắt ông xanh lè – Mũi ông thò lõ – Tay ông cầm cờ – Miệng ông huýt chó – Nhà ông bày toàn những chai--, Vườn ông trồng toàn những cỏ.
Cho đến giai đoạn xã hội Việt Nam trở nên ổn định và có phần thịnh trị, như từ sau 1932 trở đi, thì trong một đôi phen xuất hiện, hình ảnh này cũng chưa phải đã được cải thiện khá hơn.
Nhân vật công sứ trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng chỉ là một sơ đồ thiếu sức thuyết phục.
Trong khi đó, ở những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan như Tôi cũng không hiểu tại làm sao, Lại chuyện con mèo, mấy ông Tây “sơ-vin” lại hiện ra chẳng có gì là gây được thiện cảm, người này tàn nhẫn lạ lùng, người kia ngẩn ngơ máy móc trong cách nghĩ, cách sống.
Đặt trong khung cảnh này mà xét, thì với Người đầm, Thạch Lam đã bộc lộ một cái nhìn và thái độ khác hẳn.
Tư thế của nhân vật xưng tôi ở đây, là tư thế một người chủ lịch lãm, đại lượng.
Ông không giấu rằng, ông có những tình cảm tốt đẹp với dân tộc Pháp, vừa muốn thân thiện với họ, vừa muốn hiểu biết họ.
Và sự thực là ông đã có một hiểu biết đến nơi đến chốn về dân tộc ấy, đến mức, chỉ hình ảnh một người đàn bà thôi cũng đủ gợi nên trong ông hàng loạt liên tưởng “Tôi hiểu cái buồn và cái lạnh lẽo của bà, lúc này có lẽ đang mơ màng nghĩ đến quê hương ở tận bên kia, cái làng nhỏ ở sườn đồi, cái chuông nhà thờ cao trên bụi cây, cánh đồng cỏ, mấy con bò đủng đỉnh, bên cái suối trong mà bọn chị em bạn cùng làng đang quỳ đập quần áo trên bàn giặt. Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết của người Pháp quá, nên có thể tưởng tượng được rõ rệt cái đời của người bên ấy”.
Quay trở lại với hình ảnh của người đàn bà trước mặt, lúc này ở tác giả không còn có sự phân biệt đây là người ta, kia là người Pháp nữa, mà chỉ còn duy nhất một nhân vật phụ nữ yếu đuối cần được che chở. Thạch Lam nhìn bà chẳng khác bao nhiêu so với cách ông vẫn nhìn những bà mẹ Lê, cô Tâm trong Cô hàng xén, cô Liên trong Hai đứa trẻ. “Tôi tự nhiên đem lòng thương mến người đàn bà Pháp ấy. Cái vẻ buồn rầu âm thầm của bà làm cho tôi cũng buồn lây”.
Do chỗ được soi sáng từ một cái nhìn như thế, người đầm ở đây trở nên sinh động, trước tiên là có một đời sống nội tâm phong phú: nhạy cảm và biết điều; đơn độc song vẫn tế nhị; khiêm nhường cố thu mình lại, như bất cứ ai phải sống ở một nơi xa lạ, trong khi vẫn tìm cách khẳng định bản thân trước cái hoàn cảnh éo le và không có gì là dễ chịu ấy.
Về mặt nhận thức mà xét, giờ đây, người đàn bà trong văn Thạch Lam không còn là hiện tượng ngoại nhập lạ lùng kỳ quái, như vẫn thấy ở nhiều tác phẩm văn chương mà đã trở thành một con người bình thường, thành viên của một nhân loại thống nhất; kẻ khác đã trở thành chính ta, có nhiều cái ta trong hình ảnh kẻ khác ấy.
Vượt lên lối nhìn nhận thông thường
Với bút pháp hiện thực khá nghiêm ngặt, nói đơn giản với một sự tỉnh táo vốn có, khi tả người đàn bà Pháp ngồi trong rạp chiếu bóng, Thạch Lam không quên lưu ý “Tôi nhận thấy, cũng như tôi, những người khác ngồi chung quanh tò mò nhìn vào người đầm. Nhưng họ nhìn một cách sống sượng và chăm chú quá; trong những con mắt đó, đôi khi lại còn thoáng qua một tia lãnh đạm và ác cảm nữa”.
Ở một đoạn sau, tác giả láy lại:“Một vẻ buồn lặng lẽ và trầm mặc phảng phất trên nét mặt người đàn bà đó. Thỉnh thoảng bà ôm lấy con ghì chặt vào lòng, như se lại, trước cái ác cảm bà đoán thấy ở xung quanh”.
Hóa ra, không phải cái nhìn của Thạch Lam là cái nhìn chung của mọi người về người đầm. Mà ngược lại, bởi biết rằng cái cách nhìn nhận của mình còn đang là xa lạ, nói đúng ra, vượt lên cao hơn hẳn với đám người quanh mình, nhà văn cảm thấy như được một sự kích thích thú vị và càng hào hứng theo đuổi những suy nghĩ riêng tư.
Rút cục, chúng ta có một thiên truyện nó như chứng tích cho sự trưởng thành của ý thức cộng đồng: sau giai đoạn thù hận, đến giai đoạn chấp nhận người Pháp, bởi biết rằng, trong khi mang tới nhiều đau đớn và bất hạnh thì đồng thời họ cũng là cái cầu nối để chúng ta đến với thế giới hiện đại, và nhiều người trong họ vẫn là những người đáng mến.
Cần nói thêm rằng: không phải ngay từ đầu nhà văn đã dám đi đến cùng trên con đường được ông lựa chọn.
Trong bản in trên báo Ngày nay 1937, thiên truyện có một kết cục hơi khác với văn bản ngày nay chúng ta vẫn đọc. Đoạn ấy thế này:
Mấy tháng sau buổi xem chiếu bóng ở rạp Pathé, tác giả có dịp gặp lại người đàn bà kia, thì bà đã thực sự bị hoàn cảnh làm cho xấu đi.
Trong cung cách của một người Pháp nói tiếng Việt đã hơi sõi, bà quát mắng một người ăn mày “Xin cái gì nữa, đồ bú dù”, còn cô bé con cũng “níu lấy áo mẹ, giơ chân đá về phía những đứa trẻ khốn nạn kia, mồm mắng câu mà cô đã học được của anh bồi: “Cút, con khỉ”.
Tóm lại người đầm hôm nào đã có đủ những thói xấu của đám người Pháp sống lâu ở Đông Dương.
Có lẽ là do căn cứ vào bản in báo này, mà Nguyễn Tuân, trong bài viết nổi tiếng dùng làm lời giới thiệu cho tập truyện ngắn Thạch Lam in ra năm 1957, đã hạ những câu bình phẩm “Trong cái tấm lòng quê hương mát mẻ của Thạch Lam, đôi lúc vẩn lên cái bóng dáng một vài con người thực dân Pháp, cái bóng dáng của một Người đầm (…). Qua cái hơi văn càng bình thản bề ngoài ấy, ta thấy thực dân cái (cũng như thực dân đực) càng trở nên kệch cỡm, nó dị dạng tới cái mức phải cho nó cút đi khỏi cái chân trời chung của cả tác giả lẫn độc giả”.
Nghĩa là, theo Nguyễn Tuân người đầm nói ở đây là đồng nhất ngay từ đầu, đồng nhất hoàn toàn, với hình ảnh một kẻ thực dân.
Ở chỗ này, người đọc hậu thế lại có dịp chứng kiến ngòi bút Thạch Lam tinh tế và tác giả đã cẩn trọng với trang sách của mình đến là ngần nào.
Nếu chỉ giữ lại như văn bản đã in báo thì suy cho cùng, cái nhìn của Thạch Lam về mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh vẫn có nét gì đó hao hao như cái nhìn của những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan và nhiều người đương thời.
Có lẽ vì sớm cảm thấy điều đó, nên một năm sau, khi đưa Người đầm vào tập Nắng trong vườn, Thạch Lam đã làm một cuộc thay đổi căn bản.
Đoạn văn diễn tả cái cảnh gặp lại lần sau bị tước bỏ hẳn.
Thay vào đó, chỉ là mấy câu buông lửng, “Từ đó, tôi không bao giờ được gặp bà ta nữa”.
Nghĩa là nhà văn không muốn nhìn nhận cái việc người đầm bị “làm hỏng”.
Vẫn trân trọng lưu giữ “hình ảnh dịu dàng của người đàn bà đó”, tác giả kết thúc truyện ngắn bằng một ý nghĩ giản dị và đôn hậu. “Bây giờ chắc bà ta có công việc làm rồi”.
So với bản in báo, thì bản in sách có mất đi một chút sắc sảo trong cách nhìn nhận nhân tình thế thái, song nghĩ kỹ, nó lại trung thành với chính Thạch Lam hơn, nó trở nên nhất quán trong cái ấn tượng mà nhà văn này khác với tất cả những người khác, muốn để lại trong tâm hồn bạn đọc.
Với văn bản hiện nay, người đọc cảm thấy càng âm vang lên niềm ao ước của Thạch Lam, có lẽ nó đã là lý do chính thôi thúc ông viết Người đầm:
“Tôi mơ màng ao ước người Pháp nào cũng tốt như bà; chúng ta sẽ yêu mến nước Pháp đẹp đẽ và rộng lượng kia bao nhiêu, và hai giống người khác nhau trên mảnh đất này sẽ hiểu biết nhau, coi nhau thân như anh em một nhà”.
Người đầm cũng như nhiều thiên truyện khác của Thạch Lam, được viết bằng một bút pháp cổ điển, nhưng ý nghĩa của mỗi dòng chữ, lời đề nghị toát ra qua tác phẩm thì với con người hôm nay vẫn còn là một cái gì mà chúng ta không dễ với tới.
In lần đầu trong Cánh bướm và đóa hướng dương 1999