VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thiếu một thói quen suy nghĩ chính xác

Nguyễn Công Hoan trong hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) có nhiều đoạn tự thú khá trắng trợn. Đại khái ông kể là lúc ra học tiểu học ở Hà Nội cần giấy khai sinh,nhưng ngại về làng bên Bắc Ninh làm tận gốc, liền nhờ ông chủ nhà trọ làm hộ. Ông này bảo hai người bạn làm chứng, rồi kiếm cành cau với vài hào bạc đưa lý trưởng Hàng Trống. Vài ngày sau, ông Kép Tư Bền trong văn chương tương lai có ngay tấm giấy khai sinh và nghiễm nhiên thành người sinh ở Hà Nội.
Câu chuyện được kể ra chỉ cốt để khoe một sự khinh bạc bất cần đời, không quan tâm tới các con số, không muốn và không có nhu cầu hiểu biết về chính mình cũng như hoàn cảnh quanh mình. Song từ đây, người ta bắt gặp mầm mống của nhiều thói xấu khác như kiểu tư duy chín bỏ làm mười, bất chấp chuẩn mực, không coi cái gì là thiêng liêng, dối trá tùy tiện, xem thường pháp luật.
Ngày nay chúng ta còn bắt gặp nó trong những tin tức đầy rẫy trên báo chí. Nhiều làng làm giả hồ sơ thần tích để xin cấp bằng di sản văn hóa. Nhiều chi tiết ở các vụ án có dấu hiệu bị làm lệch. Hết thể thao khai man tuổi đấu thủ lại đến bóng đá trọng tài bắt thiên vị.Sự cẩu thả lúc này đã biến thành gian manh càn rỡ chà đạp lên dư luận xã hội.
Tình trạng không có cái gì chính xác cũng được nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Gourou (1900—1999) miêu tả khá kỹ khi đi sâu vào nhiều làng mạc lấy tài liệu cho cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (viết năm 1936 và bản dịch ra tiếng Việt in ở Hà Nội 2003).Theo cách miêu tả của Gou rou, ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng“ chỉ cần đưa một ít tiền cho chức dịch là có thể nhận được một bản khai sinh hoàn toàn theo ý thích ,trong đó ngày tháng năm sinh được ghi phù hợp với nguyện vọng của người xin“. Sự phổ biến của các hiện tượng tương tự buộc người ta phải kết luận rằng đây là một biểu hiện của trình độ tư duy và một quan niệm sống. Còn hai tác giả người Pháp khác là Pierre Huard và Maurice Durand trong Hiểu biết về Việt Nam (1954) thì cắt nghĩa sở dĩ có hiện tượng này,một phần vì xã hội Việt xưa chưa biết tới đồng hồ và khái niệm về thời gian “chỉ được kinh qua chứ không được đo “.Sự lẫn lộn giữa lịch sử và huyền thoại trở thành đương nhiên. Và sự tồn tại dai dẳng của kiểu tư duy tiền Descartes thường thấy ở phương Đông có thêm một ví dụ sống động.
Nên biết rằng ngay các vua chúa cũng không bao giờ biết cả nước có bao nhiêu dân, quan chức các cấp không cần biết một làng mà họ thu thuế có bao nhiêu xuất đinh, còn các xã thì bao giờ cũng cố giấu bớt số người phải nộp thuế để trốn thuế được chừng nào hay chừng ấy. Lúc này thói quen đùa bỡn đã đóng vai một nhân tố cản trở sự trưởng thành của xã hội.
Một vài hiện tượng khác được Pierre Gourou ghi nhận cũng khá đắt giá. Ông bảo đến một làng khi cần hỏi về lai lịch của làng, người ta chỉ nhận được những câu trả lời rất mơ hồ; nếu như muốn có một sự chính xác thì câu sau thường lại mâu thuẫn với câu trước. Gần như không làng nào có ý niệm chắc chắn về sự thành lập của làng mình, đi đâu cũng chỉ thấy người ta thề sống thề chết là làng mình có từ cổ xưa, đâu như từ thời Hùng Vương, tức là đã có từ hơn bốn ngàn năm trước. Sự thiếu hiểu biết và nói chung là thiếu ý niệm chính xác về thời gian không ngăn cản người ta sử dụng độ lùi của thời gian để khoe mẽ. Gourou chỉ hết ngạc nhiên khi biết rằng một dòng họ có vài ba người thăng quan tiến chức thì thường thuê ngay một nhà nho có tên tuổi viết lại gia phả nhà mình, mà nhà nho ấy thì nghĩ rằng ông ta có nghĩa vụ thêm thắt vào cuốn gia phả ấy cho nó đẹp thêm, và không ai thấy phải thắc mắc về hành động đó cả. Thói quen thiếu chính xác trong suy nghĩ đến đây tìm được biến tướng mới là tô vẽ lịch sử, viết lại lịch sử thế nào cũng xong, miễn là đề cao được mình, do đó có lợi.
TT&VH 3-7-07

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم