VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nói dai nói dài nói dại

TT - Đã bao giờ bạn thử tự tách mình ra, quan sát cách trò chuyện giữa bạn với người khác? Đã bao giờ bạn thử suy nghĩ và đánh giá cách mình vận dụng ngôn ngữ?

Tôi đã làm thử vài lần việc này và chợt nhận ra chưa thể yên tâm với cách nói năng hằng ngày của mình được.

Trong giao tiếp, tôi thường nói nhiều, đáng một câu thì nói hai ba câu, nói đi nói lại bởi không kịp nghĩ, mà cũng bởi nỗi ám ảnh chỉ sợ người trò chuyện với mình không hiểu mình.

Tôi đã thường xuyên nói khá to và lầm tưởng rằng có thể dùng cách đó để chinh phục đối tượng. Ở dạng tự phát của nó, ngôn ngữ còn quá nhiều dư thừa, làm mất của bản thân bao nhiêu thì giờ và làm hoang phí cả thì giờ của người khác.

May mà tôi không đơn độc. Xung quanh tôi, trong gia đình và chỗ các đồng nghiệp, với nhiều phong cách, lối thể hiện khác nhau, số người nói dai nói dài nói dại không phải là ít.

Văn hóa thường chỉ được hiểu là cái hay, cái đẹp. Nhưng văn hóa còn có một nghĩa nữa là đã làm cái gì thì làm với tất cả ý thức của mình, làm thật kỹ lưỡng, luôn rút kinh nghiệm, nói chung là luôn suy nghĩ để làm ngày một tốt hơn.

Theo nghĩa này, cách cư xử cần thiết của một cộng đồng đối với ngôn ngữ của mình là phải hiểu biết nó, tìm thấy ở nó một sự thiêng liêng, làm cho nó thích ứng với những đòi hỏi của phát triển. Đó chính là cái ta đang thiếu.

Thói quen cẩu thả, luộm thuộm chỉ là một dạng dễ thấy của thiếu văn hóa ngôn ngữ. Ngoài ra, nó - sự thiếu văn hóa ấy - còn trăm ngàn biểu hiện khác.

Không thiếu gì người lấy cớ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tự thu mình lại, chỉ biết sử dụng một thứ ngôn ngữ dạy đời khô khan với những công thức nhàm chán. Bảo rằng trong tay họ tiếng Việt cùn mòn xơ xác đi cũng không phải oan.

Ngược lại thì có lối nói khinh thường ngôn ngữ, đùa bỡn tùy tiện chêm vào nhiều thứ tiếng lóng đường phố, tự nhủ rằng như thế là làm cho nó thêm sinh động, nhưng thực tế là làm cho nó trở nên tầm thường, nhếch nhác đi.

Quá tự tin, tự hào rằng mình hiểu tiếng Việt, không thiếu gì người nói năng văng mạng, trong khi đó không bao giờ tự nghiền ngẫm về nghĩa của một từ, về khả năng diễn đạt một ý theo những cách khác nhau, sẵn sàng bịa ra những từ lạ, những từ ngữ và cách nói cóp nhặt từ nước ngoài về cốt để lên mặt là người hiện đại.

Giống như giao thông, tiếng nói vốn có chức năng một công cụ giao tiếp thiết yếu, một năng lượng kết dính xã hội. Khi đánh giá về những ách tắc giao thông hiện nay, người ta nói rằng hằng năm nó làm hại cho xã hội tới cả ngàn tỉ đồng. Tôi muốn đề nghị một cách nghĩ tương tự với hệ thống ngôn ngữ. Điều có thể chắc chắn là nó đang níu bước chúng ta trên đường phát triển.

Giống như môi trường, nó đang bị làm hỏng mà ta hồn nhiên không biết.

tuoitre online

thứ Bảy, 28/11/2009

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم