VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thói khoe mẽ của những người Hà nội rởm

Không biết tự bao giờ, người Việt bảo nhau - đua nhau - bắt chước nhau làm cái việc mượn các địa danh Trung Quốc để đặt tên các con sông vùng đất của mình. Trước khi gọi Thủ đô là Hà Nội, trong dân gian hai chữ Tràng An đã quá phổ biến và trở thành vĩnh viễn với câu ca dao Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An Lắng nghe lòng mình, tôi tự thấy khi nhắc đến cái tên dịu dàng ấy, lòng cũng rưng rưng cảm động। Nhưng lý tính tôi chống lại điều đó। Những cái hay cái đẹp ngoài ta bao giờ cũng nhiều, nhưng không nên vì thích quá mà vơ vào mình. Người xưa có thể làm như thế. Ngày nay chúng ta phải tỉnh hơn. Đã đến lúc ta nên loại nó ra khỏi ngôn ngữ thông thường. Bởi nó lại đang gắn với một thói xấu mà tôi tạm gọi là tính khoe mẽ khá hồn nhiên, nên lại càng không thể lưu luyến thêm một giờ một phút nào nữa. Bây giờ đi vào thực chất câu chuyện : Trong câu ca trên, người tự nhận là dân Hà Nội không cần giấu giếm mà bộc lộ công khai một cách hiểu cao ngạo về bản thân. Toát lên trong đó là niềm tự hào trước cái bản sắc, cái phẩm chất riêng của con người ở một vùng đất sang trọng. Người ta gọi nó là tinh tế thanh nhã, lịch lãm, lịch sự … Ít nhất có hai điều phải bàn : 1/ Chẳng lẽ phẩm chất chính của người dân một thủ đô chỉ có thế ? Và nếu đúng thế thì đã đáng khoe chưa ? 2/ Đi xa hơn nữa, ngay khi không có cái phẩm chất đó, mà cũng tự khoe, khoe lấy được, thì có nên không ? Khoe rằng người dân Thủ đô lịch sự còn là quá ít, là dừng lại ở lối xem xét con người qua vẻ bề ngoài. Về phần mình, khi bàn về người Hà Nội chuẩn, nếu chỉ nói đến một phẩm chất thôi, tôi muốn nói đến một cái gì giống như tổng hợp của lịch lãm, từng trải thích ứng cao, mà vẫn giữ được bản sắc của mình, xa lạ với mọi ảo tưởng và tìm cho mình một phẩm giá cao quý, vượt lên trên mọi sự tầm thường. Theo tôi đó mới là cái phẩm chất hàng đầu mà người Hà Nội chân chính hiểu rằng mình nên có, phải có, nếu chưa có ngay thì phải phấn đấu theo hướng đó, và chỉ nên tự hào khi so sánh với cái tiêu chuẩn khó đạt tới này. Trong thực tế, tôi đã bắt gặp nó phảng phất ở những người lớn lên trong các gia đình Hà Nội tạm gọi là chính hiệu. Nhờ có cái phẩm chất chắc thiệt như vậy, nên mặc dầu bị hoàn cảnh xô đẩy, chung quanh níu kéo, thậm chí hùa vào tàn phá, song họ vẫn đứng vững với thời gian và vẫn có cái gì đó mà người ta phải nhớ tới. Dẫu sao, hai chữ thanh lịch có thể tạm thời chấp nhận được. Thế nhưng khi đặt vấn đề có thể không lịch sự cũng được, cứ là dân Thủ đô ( như ngày nay gọi là “hộ tịch Hà thành ” ) và đã có quyền tự hào, thì là cả một sự ngụy biện. Hoa nhài vốn không được coi là loại hoa của sự linh thiêng thành kính, mà thường chỉ tượng trưng cho sự quyến rũ kín đáo. Khi không còn mùi thơm nữa thì màu trắng kia hoàn toàn vô duyên. Làm gì có cái gì gọi là chất hoa nhài khi không còn mùi thơm? Làm gì còn chất Thủ đô khi không còn thanh lịch? Toát ra từ hai câu ca dao là một sự khoe mẽ cần phải từ bỏ. Nó là sản phẩm của một kiểu suy nghĩ rất kỳ cục của những người nông nổi, đành hanh, kiêu căng vô lối. Lại cũng có thể bảo là một thứ nhận vơ, tưởng cứ sống ở mảnh đất nào là mặc nhiên có được tất cả phẩm chất tốt đẹp của vùng đất ấy, và cũng mặc nhiên có quyền vênh với thiên hạ. Sự khoe mẽ nói ở đây vốn bắt nguồn từ một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhiều thế kỷ qua, Hà Nội luôn luôn bị xáo trộn. Cái lõi của nó mỏng, mà những lớp đắp điếm thêm lại quá nhiều. Chính lớp người nhập cư mới đến Thủ đô sau những xáo trộn lịch sử mới dễ mắc cái bệnh tự hào hão huyền. Họ lấy sự may mắn được sống trên đất thánh để vênh váo với người cùng quê và dân các vùng xa. Còn người Hà Nội chính cống không nghĩ thế. Trong thâm tâm, lớp dân Hà thành xịn này tự nhủ rằng danh hiệu Hà Nội là quá cao quý, và không phải là cái đem khoe, hoặc mang ra dọa nạt thiên hạ. Phải nhận là hiện thời cái rởm này lại đang phổ biến và bị những người dễ tính đầu cơ. Câu ca Chẳng thơm.. còn đang được lưu truyền theo cái nghĩa không hay của nó, chưa biết bao giờ mới thôi. Còn chất Hà Nội thứ thiệt thì sao? Cùng lúc nó để lại nhiều cảm tưởng khác nhau. Khi thì người ta buồn vì thấy nó tàn phai dần. Khi người ta thoáng vui vì nó không bao giờ chết hẳn và lại được bộ phận ưu tú nhất trong lớp người mới nhập cư tài bồi thêm. Dù đã cố nén lòng, song thông thường, một nỗi bùi ngùi nhớ thương buồn vui lẫn lộn thường cứ trào lên trong lòng mỗi khi nghĩ đến nó.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم