VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Lễ hội văn học tiền chiến


TTC - Một mùa màng bội thu... Một thời đại hoàng kim... Mỗi khi muốn hình dung lại sinh hoạt văn học trước 1945, người ta đã viện dẫn tới đủ thứ so sánh như vậy.

Song theo chúng tôi hiểu, xét ở vẻ đa tạp của màu sắc, độ mau lẹ ẩn hiện trong biến hóa, cùng là khả năng thức dậy những hồ hởi náo nức và để lại những ấn tượng mạnh đậm trong tâm trí người tới tham dự, văn học tiền chiến còn có thể ví như một cảnh diễn tưng bừng, một lễ hội.

PHẦN LỄ: Tuy không có những "tuyên ngôn” hoàn chỉnh, song trên nét lớn có thể thấy đấy là nỗi khao khát của người đương thời nhằm giao lưu với tổ tiên để rồi hiểu nòi giống mình, tự nhận ra bản ngã chính mình, từ đó dám sống, ham sống, tin tưởng ở lẽ biến dịch vĩnh hằng của đời sống.

PHẦN HỘI: Trước kia, đời sống văn học cả nước chỉ gồm nhiều hội làng nho nhỏ. Nay gộp cả lại thành một hội chung nên cũng rôm rả hơn hẳn.

Trong cuốn sổ tay của một phóng viên có tính ưa nghịch ngợm đã vẽ lại hình ảnh các nhà văn bằng bút pháp "ca-rica- tuya", pha chút đùa cợt. Chép lại ở đây, chúng tôi không nghĩ rằng những nét phác họa này là sự đánh giá chính xác như trong những công trình nghiên cứu các bạn vẫn đọc...

...Xôm trò nhất phải kể là đám các ông thuộc Tự lực Văn đoàn. Nhất Linh đóng vai những chàng trai can trường theo đuổi sự nghiệp, quần áo rõ ra Âu hóa, song tính cách hao hao những nét nhân vật anh hùng trong tuồng.

Các cô gái tân thời của Khái Hưng thì mới mẻ, thậm chí còn bị coi là liều lĩnh khi dám coi tình yêu là thiêng liêng hơn hết mọi sự trong đời. Đám người đương thời tới xem - phần đông các cô áo tứ thân, răng đen, chít khăn mỏ quạ - nhìn những cô Mai, cô Hiền... của Khái Hưng với cặp mắt vừa sợ hãi, vừa thèm muốn.

Ngay cạnh đấy, Xuân Diệu cũng âu phục rất kẻng trai, với những búp tóc lòa xòa trước trán, mắt ngước nhìn lên bầu trời xa xăm, nói khẽ những điều đang thổn thức trong lòng. Trước khi diễn trò, Xuân Diệu đã quả quyết rằng những ông Tây chính cống như Rimbaud và Verlaine cũng chỉ nhập vai như mình là cùng.

Có điều, bắt chước trò Tây, nhưng vẫn phải diễn cho ra phong cách dân tộc, người xem hội mới chuộng. Ông Nguyễn Vỹ tưởng tân tiến hơn, xì xồ giả giọng “Phăng-xe”, mới được mấy câu, người xem đã lảng hết cả.

Tự lực Văn đoàn diễn được một lúc, mới thấy sân khấu bên ông Tân Dân mở màn. Cánh này làm ăn không được quy củ như bên Tự lực, nhưng từng người một ra trò khá độc đáo. Lê Văn Trương đóng vai một “người anh cả”, phải kiếm tiền nuôi các em trong nhà, một ông thầu khoán tán như khướu, song lại trọng nghĩa khinh tài, rút hàng tập giấy bạc ấn vào tay mấy chị cô đầu ế hàng, rồi lại biết phi ngựa bắn súng đuổi cướp, khiến người vỗ tay rào rào.

Nguyễn Công Hoan trình bày một loạt hoạt cảnh rút ra từ sinh hoạt các phố như phố huyện, cũng như những cảnh sống bệ rạc, nhếch nhác của bọn con sen, thằng ở. Vũ Trọng Phụng oách hơn, vừa chỉ tay phù phép một lúc, thế là cả bọn lưu manh ấy trở thành ông Hàn, ông Nghị, nhà từ thiện, gã lang băm... để rồi véo von chửi đời nghe thật sướng tai.

Đây nữa, một người cũng lui tới ở gánh trò Tân Dân nhưng chỉ thủng thẳng đứng riêng ra một góc, và rất điệu nghệ trong các vai cổ: Một ông quan thất thế, mấy nhà nho tài tử chán đời song lại ham chơi... Đó là Nguyễn Tuân.

Tiếng là chuyên đóng vai cổ, nhưng kỹ thuật trình diễn của Nguyễn Tuân vẫn là kỹ thuật hiện đại (thỉnh thoảng ông vẫn chúi vào một góc, giở lại mấy trang sách của A.Gide xem mình làm đã đúng bài bản chưa, rồi mới chạy ra làm tiếp). Người xem hội tới chỗ Nguyễn Tuân phải yên lặng, chăm chú lắng nghe, chứ không được vừa xem vừa nói chuyện, rồi cắn hạt hướng dương tí tách như ở các đám khác.

Cũng là vai độc diễn, còn có cả Nguyễn Bính chuyên nhại giọng trai làng, ỡm ờ, duyên dáng, lời lẽ cứ ngọt như mía lùi, khiến các cô hàng xén mê tít cả một lượt, trùng trình đứng lại xem mãi.

Hội đã gần tàn, lại thấy xuất hiện thêm mấy kép hát mới, may mà toàn những trò lạ, người xem hội bỏ về không nổi: Ông Nguyên Hồng quần nâu áo vải làm dân bên đạo vác thánh giá, lúc nào cũng nước mắt nước mũi giàn giụa khiến khối người sụt sịt khóc theo. Nam Cao thì nổi tiếng nhất là vai anh Chí khật khưỡng say rượu, chửi ráo cả làng, cạnh đó là giáo Thứ rầu rĩ, cái gì cũng thèm.

Còn ông Tô Hoài dẫn theo một bầu đoàn thê tử các giống vật nào là mèo, chó, trống choai, chuột bạch, ri đá... đủ loại. Riêng chàng Dế Mèn được tiếng quen phiêu lưu đi đầu, nhưng khôn ranh có hạng, cứ đi vài bước, lại dừng chân nghe ngóng rồi mới đi tiếp!

Hội vui còn có ông Tản Đà xem bói và đọc thơ Đường, ông Vũ Đình Liên ngồi viết câu đối thuê, ông Lan Khai giả bộ Mán Mường, ông Bùi Hiển diễn lại phong tục làng chài xứ Nghệ, ông Chế Lan Viên trùm khăn đen làm ma Hời rú gọi bên các tháp Chàm, ông Thế Lữ dạy nghề trinh thám tư.
Và đám mấy ông Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Nguyễn Tử Siêu thì bày ra một dãy các con rối, nhìn kỹ là các nhân vật lịch sử như Lê Chiêu Thống, Trần Thủ Độ, bà chúa Chè v.v...

Khó lòng kể hết những ngón trò được trình diễn tại kỳ hội lần này. Nhiều người đi hội về vẫn xuýt xoa nhiều trò chưa xem được kỹ. May mà Ban tổ chức lễ hội đã kịp cho in bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh để người ta về có quà lưu niệm, mà khi cần cũng là tài liệu tra cứu thêm. Đây là loại dịch vụ xuất bản tân tiến, chỉ tới lễ hội “văn học tiền chiến” mới thấy.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم