Cách đây ba bốn chục năm, trong các gia đình Hà Nội, người ta đã có nỗi lo là lo con cái nói ngọng. Đáng nói làm gì thì đọc nàm gì, đáng giới thiệu với người khác tôi ở bên Hàng Lọng thì bảo tôi ở bên Hàng Nọng. Cái ngọng bấy giờ thật rõ quê mùa, mộc mạc.
Ngày nay, lối ngọng ấy hầu như đã được thanh toán, nhưng lại nảy nòi một lối ngọng mới: ngọng ngược. Sáng sáng, cái xe đạp bánh mỳ rong đánh thức cả khu tập thể bằng tiếng rao lanh lảnh “Bánh mỳ lóng đây!”. Trưa trưa, mấy cô quang gánh qua nhà thiết tha mời mọc “Có ai ăn rượu lếp?” Bạn bè rủ nhau: “Ra làm chén lước đã”. Đồng hương lâu này gặp nhau kể chuyện “Dạo lày thằng ấy ló trúng quả lắm!.
Nhưng đây chưa phải là chỗ duy nhất phân biệt cái ngọng thời nay với cái ngọng thời xưa. ít ra, còn phải lưu ý mấy “nét đặc thù” nữa.
Một là, trong số người bây giờ, có cả những người tạm gọi là rất có văn hoá. Cả một số học sinh cấp ba, một số sinh viên cũng nói ngọng. Người đang đi học, không được chữa chạy kịp thời, cố nhiên là nguồn bổ sung vô tận cho người đã ra trường ngọng một cách công khai thoải mái.
Hai là, không gian để người ta nói ngọng đang được mở rộng, cách nói ngọng đang xâm nhập cả vào những khu vực xưa kia nó bị cấm cửa. Người ta nói ngọng ở nơi công cộng, nhà ga, bến tàu, lúc về bên mâm cơm với gia đình đã đành, có người lại còn nói ngọng cả khi có việc lên đài, lên ti-vi nói cho cả triệu người nghe. Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài vẫn nói ngọng trước sự ngạc nhên của người nước ngoài học tiếng Việt, họ (những người nước ngoài ấy) tưởng đấy là một thứ tiếng Việt mà họ chưa biết!
Nỗi lo ngày có phần giống với nỗi lo của một người làm nghề nghiên cứu ngôn ngữ. Sau khi nhận ra rằng hình như bây giờ ai muốn nói ngọng thì tuỳ, không ai thấy ngượng vì nói ngọng và nghe người khác nói ngọng nữa, trong đầu óc anh chợt nảy ra một dự báo khoa học:
- Tôi chỉ sợ khi nhiều người nói ngọng quá thì lâu dần, lại hoá ra họ nói đúng, mà mình lại bị coi là nói ngọng không biết chừng. Bấy giờ khi mình nói mình đang làm việc ở Hà Nội, người ta sẽ bảo là ngọng rồi. Hà Lội mới đúng” - và câu đầu tiên của Truyện Kiều phải sửa thành:
“Trăm lăm trong cõi người ta.”