1/
Trước tiên, xin giới
thiệu một bài viết của tác giả Lê Ngọc Sơn - Nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ
Ilmenau - CHLB Đức
Loạn chuẩn mực
và câu chuyện giáo dục Việt Nam
https://doithoaichinhkhach.wordpress.com/2016/07/02/loan-chuan-muc-va-cau-chuyen-giao-duc-viet-nam/
***
Nạn lạm phát bằng tiến
sĩ được một số “lò” đào tạo trong nước cổ xúy... phản ánh một trạng thái mà các
nhà xã hội học gọi là “thiếu vắng chuẩn mực xã hội”, “loạn chuẩn”, hay “lệch
chuẩn” ở nước ta.
NHỮNG CHIẾC XE MẤT LÁI
Emile Durkheim
(1858-1917), một trong những cha đẻ của ngành xã hội học người Pháp đã đưa ra
khái niệm anomie để giải thích về một
hiện tượng thường thấy ở các xã hội đang chuyển đổi: các cá nhân đối diện với
việc thiếu vắng các chuẩn mực và giá trị xã hội.
Trong tác phẩm học
thuật kinh điển mang tên Suicide (Tự tử,
1897), ông giải thích về việc trong xã hội nào để cho các ham muốn cá nhân
lấn át những chuẩn mực chung của xã hội, tình trạng anomie ở xã hội đó sẽ rất trầm trọng.
Ông dùng khái niệm này
để giải thích tình trạng tự tử gia tăng trong các giai đoạn bùng nổ kinh tế.
Theo đó, khi kinh tế
phát triển, những nhu cầu của các cá nhân đã được đẩy lên vượt ngưỡng, và tiến
tới mức khó xác lập độ hãm.
Phát triển khái niệm
này, nhà xã hội học người Mỹ Robert Merton, người bị ảnh hưởng của Durkheim
cũng dùng khái niệm anomie để giải
thích hiện tượng xã hội.
Theo ông, bất cứ xã
hội nào cũng có những chuẩn mực được hầu hết các thành viên trong đó chấp nhận,
chẳng hạn như kiếm được nhiều tiền. Những giá trị đó được nội tâm hóa vào đời
sống mỗi cá nhân, như là những lý tưởng và mục đích cần đạt được trong cuộc sống
của họ.
Để giúp mỗi cá nhân
đạt được mục đích đó (kiếm được nhiều tiền), thì xã hội trang bị các phương
tiện khác nhau cho cá nhân: sự công nhận xã hội, học hành...
Nhưng các phương tiện
này là hữu hạn, nên một số cá nhân thích “nhảy cóc” hoặc “đi đường tắt”, viện
các cớ khác nhau để đạt được mưu cầu của mình, chẳng hạn, làm việc phi pháp để
trục lợi, đạt mục đích kiếm được nhiều tiền.
Đứng trước các yêu cầu
của hệ thống chuẩn mực đã có, theo Robert Merton, cá nhân sẽ có nhiều cách
thích ứng, một trong các cách đó là “thích ứng biến cách”. Nghĩa là các cá nhân
ý thức được mục tiêu vươn tới của cộng đồng, của nền văn hóa, nhưng lại không
chấp nhận các cách thức thường có.
Ví dụ điển hình cho
cách thích ứng (và gây loạn chuẩn) này là việc không ít nghiên cứu sinh biết
rằng mục tiêu của xã hội là cần có những tiến sĩ để đóng góp cho tri thức nước
nhà, nhưng thay vì bằng thực học, lại chọn con đường dễ dàng là chạy chọt mua
điểm hay đạo văn.
Chính những cá nhân
này, cộng với sự tiếp tay của những người có trách nhiệm, đã đẩy xã hội bước
tiếp vào vòng xoáy loạn chuẩn. Những tiến sĩ hàng giả này, làm việc một số năm
nhất định, lại tạo ra những tiến sĩ hàng giả khác. Họ hình thành những “vòng
ảnh hưởng” của riêng mình, những tiến sĩ thật thì bị loại trừ.
Và cứ thế, “xã hội”
như những chiếc xe mất lái, tuột dốc không phanh: vốn loạn chuẩn sẽ tiếp tục
loạn chuẩn.
Sự thiếu vắng chuẩn
mực trong giáo dục đã triệt tiêu những lý tưởng và hoài bão về phát triển lành
mạnh bản thân mỗi cá nhân. Về sâu xa nó tạo nên sự tụt hậu, sự rối ren, thay vì
đem lại một “trật tự ngầm” và đà tiến lên cho một xã hội.
Chính cái cách đào tạo
tiến sĩ ồ ạt, và sự dễ dãi qua các đề tài, chất lượng nghiên cứu sinh (ít nhất
là về mặt ngoại ngữ) như thế đã làm những người quan tâm đến giáo dục nước nhà
nghĩ đến một cuộc loạn chuẩn hoặc thiếu chuẩn cho giáo dục Việt Nam.
GIÁO DỤC PHẢI TẠO RA VÀ
DUY TRÌ CÁC CHUẨN MỰC: TRƯỜNG HỢP NƯỚC ĐỨC
Chuẩn mực là yếu tố
sống còn trong nhiều xã hội phát triển, điển hình như xã hội Đức. Nhiều người
ngạc nhiên khi đến Đức, bước vào giảng đường hoặc các phòng nghiên cứu, các
giáo sư được kính nể khác thường.
Ở Đức, một đất nước
văn minh và phát triển hàng đầu thế giới, trong xã giao, bạn sẽ nghe rõ người
ta giới thiệu về một ai đó có học hàm, học vị, sẽ là: Đây là Ngài/ Giáo sư X,
đây là Ngài/ Tiến sĩ Y (gọi bằng họ để thể hiện sự tôn trọng tối đa), chứ ít
khi xưng tên kiểu “cá mè một lứa”.
Theo tâm lý đám đông
của ta mà nhận xét thì người Đức thật là hám danh, thích bằng cấp. Nếu vậy, đó
là một sự nhầm lẫn rất lớn.
Nước Đức là một xã hội
nổi tiếng kỷ cương, các chuẩn mực rất rõ ràng, chính các chuẩn mực là sợi dây
rường néo để dẫn dắt xã hội phát triển.
Nền giáo dục nổi tiếng
là khắt khe về chất lượng đã góp phần rất lớn vào việc gia cố các thành tố này,
giáo dục góp phần định hình và duy trì chuẩn mực xã hội:
ngay sau khi học bậc
tiểu học, học sinh đã được định hướng nghề nghiệp và phân loại, những em muốn
theo hướng học nghề sẽ chọn vào các trường phù hợp, còn những học sinh thực sự
giỏi và có đam mê sẽ theo các thang bậc để lên trường chuyên.
Đến bậc thạc sĩ và
tiến sĩ, theo hệ thống phân loại của Đức, thì đó phải là những người rất xuất
sắc về học vấn trong ngành của họ.
Cứ càng học lên, đầu
vào và đầu ra được thắt lại, số lượng không còn là vấn đề. Phải là những “cột
cờ” nổi bật được chọn từ “bó đũa” thì mới có cơ hội bước tiếp vào lĩnh vực học
thuật bậc cao hơn.
Do vậy, để đạt được
các học vị và chức danh học thuật ở Đức là điều không hề đơn giản. Đó là lý do
mà xã hội Đức rất trọng những người có chức danh học thuật và học vị cao, dù
những người này không phải là đại gia giàu có.
Đến lượt mình, sự kính
trọng, sự tôn vinh lại là động lực để chính các cá nhân trong xã hội Đức phấn
đấu đạt tới (nếu như có năng lực, ước muốn hay nhu cầu).
Do vậy, thật đáng buồn
khi nghĩ về các “lò sản xuất học vị” hàng loạt ở ta. Những hiện tượng này chỉ
khuếch đại thêm sự loạn chuẩn của xã hội, thay vì đóng góp nhằm tạo dựng các
thang bảng giá trị thật. Muốn chiếc xe xã hội ổn định lộ trình, giáo dục cần
phải tiên phong làm gương tạo ra những chuẩn mực.
2/
Một
vài suy nghĩ của tôi
sau
khi đọc bài viết trên
Không chỉ có giáo dục
mà cả xã hội Việt Nam hôm nay đang trong tình trạng loạn chuẩn mà chưa bao giờ
được đặt vấn đề nghiên cứu đến mức có thể tìm thấy lối thoát.
Thậm chí tôi còn có
cảm tưởng chúng ta đang tồn tại bằng sự loạn chuẩn và sự hỗn loạn ngày càng
phát triển thêm.
Lý do có nhiều mà một lý
do ai cũng cảm thấy nhưng ngại nói ra. Xã hội đã đi lạc đường. Chiến tranh đã tách
chúng ta khỏi thế giới. Chiến tranh đã kéo chúng ta lại. Tiếp đó là một định hướng
đi tắt đón đầu đầy ảo tưởng.
Cũng có những lúc người
ta hiểu rằng hạ thấp tiêu chuẩn là điều trước sau sẽ thất bại, nhưng rồi xu thế
nhăm mắt làm liều vẫn thắng.
Không chỉ loạn chuẩn mà
còn cố tình hạ chuẩn, đó là lí do khiến chúng ta không bao giờ ngóc đầu lên được
Cái việc hạ chuẩn nói ở
đây không phải là chuyện riêng của ngành giáo dục. Nhưng khi đã xâm nhập vào
giáo dục rồi thì nó càng củng cố vai trò một thứ tư tưởng chi phối xã hội.
Nói chưa bao giờ người Việt
kiêu căng như lúc này cũng đúng. Mà nói ngược lại cũng đúng. Hình như nay là
lúc trong thâm tâm nhiều người bắt đầu lờ mờ cảm thấy rằng không chừng người
mình ngày càng lạc hậu so với thế giới, mà có cố gạt đi cũng không gạt nổi?!
Tiếp theo là một vài phác họa
về tai hại của việc hạ chuẩn trong giáo dục VN hiện nay.
Hạ
chuẩn làm cho các nhà chuyên môn
hết
khát vọng phấn đấu
Trong những năm kháng chiến
chống Pháp, chúng ta chỉ có một nền giáo dục trung học kéo dài 9 năm. Hoặc như ở
bậc gọi là đại học, thì khi tôi học ở Đại học Sư phạm Vinh từ 1961-1963, sinh
viên cũng chỉ học trong hai năm, mà lại bao gồm cả văn và sử.
Khi áp dụng các chương
trình đó, người ta giải thích là do nhu cầu cần thiết của hoàn cảnh phải làm
như vậy sau sẽ bổ sung dần. Nhưng thực tế là có một sự hạ thấp tiêu chuẩn trong
giáo dục cách mạng so với giáo dục trước 1945.
Tư tưởng thực dụng ngự trị.
Tư tưởng tách rời giáo dục
Việt Nam với thế giới chi phối mọi suy nghĩ của những người quản lý xã hội và
ăn sâu vào cách xử lí của những người làm giáo dục.
Nó nằm trong tình trạng
chung lúc ấy là chúng ta muốn sống biệt lập, tưởng rằng có thể sống không quan
hệ với ai ngoài những người cùng “phe” và cũng chẳng cần ai chẳng lo học hỏi ai
hết.
Một sai phạm to lớn nữa cũng do tư tưởng biệt
lập sinh ra đó là không cho học sinh sinh viên học ngoại ngữ và riêng với các
môn khoa học xã hội thì không tiếp nhận sách vở của nước ngoài.
Thời tôi còn là sinh viên
từng được nghe truyền tụng một câu nghe nói là của ông Tố Hữu:
-- Về khoa học tự nhiên
chúng ta có thể yếu một chút chứ còn về khoa học xã hội, thế giới cứ gọi là phải
mang sách vở đến mà học chúng ta chứ tưởng!
Những nhận định loại đó là
cả một tai họa lớn khi biến thành chỉ thị nghị quyết chi phối cả xã hội; mặc dù
sau đó có được sửa chữa ít nhiều, nhưng quan niệm ấy đã thành cả một nếp nghĩ
chủ đạo và để lại di lụy sâu sắc trong nền giáo dục hiện thời.
Cần nói thêm rằng suốt thời
gian chiến tranh – mà có ít đâu hàng vài chục năm trời --, trong giáo dục cũng
không tính chuyện học hàm học vị gì cả. Trong nhà với nhau, có tiếp xúc với ai
đâu mà cần phải phong cấp phong chức cho nhau - người ta bảo vậy.
Đến khoảng thời gian từ
1970s, khi bắt đầu cảm thấy rằng ít nhiều mình vẫn phải sống chung với thế giới,
người ta mới bắt đầu tính lại một số việc nhưng còn rất lúng túng và còn mang nặng
tính chất biệt lập, theo sự chi phối của hệ tư tưởng. Thời điểm này cũng là lúc
bắt đầu áp dụng chế độ học hàm học vị với sự chi phối của những tư tưởng tiểu
nông không thể gọi là có triển vọng.
Nhưng câu chuyện này quá
dài và tôi cũng không phải là người hiểu biết kĩ càng nên không thể đi sâu vào
diễn biến của tình hình.
Tôi chỉ nhớ là lúc đầu
giáo dục của ta cũng học theo như bên Nga, tức là sau khi tốt nghiệp đại học
thì học Phó Tiến sĩ (hồi đó hay nói đùa là phun thuốc sâu cũng như Giáo sư Tiến
sĩ gọi đùa là gà sống thiến sót). Tuy rằng lúc ấy các Phó Tiến sĩ của ta về mặt
chất lượng cũng chưa thể nói là đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng dẫu sao vẫn còn
có chữ Phó để cho người ta biết rằng người ta đang ở mức nào trong bậc thang
giáo dục. Ít lâu sau tôi nghe nói rằng cái bậc thang Phó ấy bị dứt bỏ hẳn; từ
nay sau đại học học thêm mấy năm với các thầy là Giáo sư - Tiến sĩ mới được
phong trước mình vài năm, là người ta được đồng loạt gọi là Tiến sĩ.
Khi có được học hàm học vị
một cách quá dễ dãi, chỉ có một số ít người còn tỉnh táo và hiểu được sự non yếu
của mình, nó không phải là thứ y phục xứng kỳ đức như người xưa đã dạy.
Nhưng đa số thì mất đi
tinh thần cầu học, cầu tiến thật sự, dương dương tự đắc là mình không kém gì nước
ngoài, dẫn đến tình trạng là mọi người đua nhau làm Giáo sư, làm Tiến sĩ – mà
phần lớn không có thực chất - như chúng ta đang thấy.