Nguồn
diendantheky.net/2023/02/le-nguyen-cuoc-tro-chuyen-thang-than.html
Lời tác giả: Cuộc
nói chuyện đã diễn ra cách đây mấy năm, song nhiều vấn đề vẫn còn giữ nguyên
tính thời sự, nhất là trong việc dạy và học sử tại Việt Nam hiện nay.
Facebooker AT nay không còn giữ nickname này, mặt khác do không còn liên lạc
được với chị, nên tác giả xin dùng chữ tắt cho nick cũ của chị
***
AT.-
Rất vui khi biết ông là người “sống được” nhờ nghề viết báo, càng vui hơn
khi biết rằng những bài viết của ông hầu như liên quan đến lịch sử. Gắn nghiệp
với Sử học đã đem đến cho ông những niềm vui gì, và có điều gì chưa thoả, thưa
ông?
LÊ NGUYỄN -
Như bạn thấy đó, lịch
sử Việt Nam, nhất là lịch sử thời Nguyễn, rất phong phú, vì có được nguồn tư
liệu khổng lồ là các hồi ký, du ký, biên khảo do nhiều thương nhân, giáo sĩ, du
khách phương Tây soạn thảo mà đến nay chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu.
Chúng có một hấp lực rất lớn đối với những người thích tìm tòi, học hỏi những
cái mới lạ trong lịch sử. Tôi tìm đến sử học theo cách ấy.
Bên cạnh đó, trong một
thời gian dài diễn ra cuộc nội chiến Nam-Bắc (1954–1975), cùng với nhiều lãnh vực khác, bộ môn lịch sử được tận
dụng cho các mục tiêu chiến lược lâu dài và được “định hướng” theo cách có thể
phục vụ có hiệu quả nhất cho nhu cầu tuyên truyền trong cuộc chiến.
Điều này cũng không
khó hiểu lắm, song đáng tiếc là sau ngày 30.4.1975, đất nước được thống nhất,
bóng ma chiến tranh không còn nữa, mà quán tính cũ trong học và viết lịch sử
vẫn tiếp tục được duy trì.
Trong thời gian qua,
tôi đã xuất bản một số sách về lịch sử, song không thể diễn đạt hết ý nghĩ và
quan điểm của mình về một số vấn đề, do chúng còn “mới quá”, hay “nghịch nhĩ”
quá, so với những nội dung lịch sử được chính thức phổ biến qua sách giáo khoa
và sách báo “chính thống”.
Chính Facebook là nơi
tôi có điều kiện bổ khuyết những gì mà khi viết báo hay in sách, tôi không thể
viết được.
Vì vậy, có lẽ các bạn
yêu sử cũng đã thấy, tôi không bê nguyên xi Đại
Việt sử ký toàn thư hay Đại Nam thực
lục ra để trích dẫn và bàn sâu, tán rộng, mà cố đưa vào bài viết của mình
những kết quả tìm tòi từ các sách báo nước ngoài để bổ sung, hoặc đem đến góc
nhìn rộng hơn, thậm chí nói ngược lại những gì mà phần đông bạn yêu sử đã
biết.
Tôi vừa vui, cũng vừa
lấy làm lạ khi thấy rằng bài tôi viết về chuyện “Nguyễn Ánh trả thù tàn bạo nhà
Tây Sơn” đã được hơn 400 lượt người chia sẻ (đến nay – 2023 - là hơn 860 lượt
chia sẻ), trong khi những gì tôi viết ra đã được ghi rành rẽ trên giấy trắng
mực đen, chứ chẳng phải là phát hiện gì.
Điều đó chứng tỏ rằng cái “quán tính” về lịch
sử tồn tại mấy chục năm qua vẫn còn khá mạnh mẽ, người đọc sử luôn phải đi
trong những cái lề vạch sẵn, và ít có điều kiện bước ra ngoài để tiếp thu những
cái mới mẻ hơn.
Dù vậy, với tôi, sự
kết nối giữa Facebook và lịch sử cũng chỉ là chuyện tình cờ, một thử nghiệm,
nhưng may mắn là ngày càng nhận được sự quan tâm của bạn yêu sử. Điều này chính
là niềm vui của người kể chuyện lịch sử được đề cập đến trong câu hỏi của bạn
đó.
AT - Như ông đã
biết, môn Sử là một trong những bài toán chưa có lời giải của ngành giáo dục
nước nhà hiện nay. Học sinh đến với môn Sử mang tính chất đối phó nhiều hơn là
học tập. Là một chuyên gia nghiên cứu Sử học, và cũng là nhân chứng trải qua
thăng trầm cùng lịch sử, ông có lời khuyên gì cho việc dạy và học Sử hiện nay?
LÊ NGUYỄN - Trước hết
xin được xác định tôi chẳng là chuyên gia gì cả, tôi chỉ là người đang học sử,
tìm tòi những điều mới mẻ và trung thực trong lịch sử. Trong một vài bình luận
ở đâu đó trên Facebook, tôi có phát biểu rằng “trong lịch sử có chính trị,
trong chính trị có lịch sử, nhưng lịch sử bị chính trị hóa sẽ không còn là lịch
sử nữa”.
Khi cái quán tính sử
dụng lịch sử như một lợi khí tuyên truyền trong chiến tranh vẫn không được
“phanh lại” vào thời bình thì chuyện bộ môn lịch sử trở thành “một trong
những bài toán chưa có lời giải của ngành giáo dục nước nhà”, theo cách nói
của bạn, chẳng có gì khó hiểu cả.
Các nhà giáo dục Việt
Nam thời hiện đại đã dành trọn năm quan trọng nhất của cấp trung học (lớp 12)
để dạy cho học sinh những thành tích “chói lọi” của cuộc “kháng chiến thần
thánh”, đào sâu, phân tích từng trận đánh như những nhà chiến lược quân sự
chuyên nghiệp thì học sinh không chán học sử mới là chuyện lạ.
Cách dạy đó tưởng
chừng như lịch sử Việt Nam chỉ kéo dài 45 năm từ 1930 đến 1975, học sinh học
hết bậc trung học không sắp xếp nổi thứ tự thời gian ra đời của các nhân vật
lịch sử Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thái Tổ, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du… Có em còn
tưởng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai nhân vật lịch sử khác nhau nữa kia mà!
AT - Với cách học
Sử “đọc chép” như hiện nay, hiểu theo nghĩa gì thì vai trò người thầy cũng hết
sức mờ nhạt. Nó làm cho cả thầy lẫn trò tự thoả mãn mà không đi sâu vào nghiên
cứu. Hiện có ý kiến cho rằng nên để Sử là môn tự chọn, phía phản đối thì cho
rằng như vậy là “mất nước”, ý kiến của ông về vấn đề này?
LÊ NGUYỄN - Nếu nói
một cách ôn hòa thì việc đưa lịch sử trở thành môn nhiệm ý (tự chọn) là một
thái độ coi thường lịch sử dân tộc, còn người cực đoan hơn có thể coi đó là sự
phỉ báng lịch sử, xem nhẹ công ơn của tiền nhân. Hình như không có một chương
trình giáo dục nào của nước người xem thường lịch sử cả.
Gần đây, tôi ngạc
nhiên, vui sướng đến… bàng hoàng khi được thấy các trường Đại học Stanford,
California… của nước Mỹ đã số hóa nhiều sách bằng tiếng Pháp viết về lịch sử
Việt Nam vào các thế kỷ 17,18, 19, dành để cho sinh viên Mỹ tham khảo.
Lịch sử cách đây mấy
trăm năm của một nước nhỏ bé, xa xôi, viết bằng ngôn ngữ nước ngoài mà họ còn
quan tâm như thế thì thử hỏi, với lịch sử đất nước họ, họ còn trân trọng đến
mức nào. Khi tải về và in ra những tài liệu như thế, tôi cảm thấy xấu hổ thay
cho các nhà quản lý giáo dục, các cơ quan, tổ chức về văn hóa và lịch sử của
nước nhà.
Gần đây, trên
Facebook, tôi tiếp nhận yêu cầu kết bạn của nhiều hướng dẫn viên du lịch và
giáo viên dạy sử, và tôi vui vì điều này. Ít nhất tôi cũng hiểu rằng họ không
cam tâm làm những con vẹt, chỉ thốt ra những gì được mớm cho, mà muốn tìm hiểu
lịch sử sâu hơn, đa dạng và nhiều chiều hơn để trau dồi nghề nghiệp, không đỏ
mặt xấu hổ trước những câu hỏi “hóc búa” về lịch sử của du khách hay học
trò.
Người thầy dạy sử ngày
nay chỉ dạy những gì được học và được phép dạy, có bao nhiêu tài năng, sáng
kiến thì cũng như con kiến bò quanh miệng chén, vì vậy dùng chữ “mờ nhạt” để
nói về vai trò của họ cũng đã là nhân nhượng lắm rồi. Một vài bạn dạy sử bày tỏ
cảm giác về sự “mới mẻ” trong những bài viết về lịch sử của tôi, tôi thấy vui
vì cá nhân họ không cam tâm đi theo một lề vạch sẵn, đồng thời cũng chẳng hi
vọng gì họ có thể truyền bá những điều “mới mẻ” đó cho học sinh của họ.
AT - Vậy phương
pháp dạy “tích hợp” có phải là câu trả lời hợp lý?
LÊ NGUYỄN - Gần đây
chuyện “tích hợp” lịch sử vào chung với các môn khác đã “kích hoạt” những cuộc
bàn luận sôi nổi, kể cà một cuộc hội thảo với sự tham gia của các “cây đa, cây
đề” trong giới nghiên cứu sử học.
Nội dung cuộc hội thảo
nhiều người cũng đã biết, tôi chỉ xin nói rằng, riêng việc xem lịch sử là môn
học “tự chọn” đã là một quan niệm phi giáo dục.
Nội dung cụ thể của
việc “tích hợp” như thế nào chưa ai được biết rõ, song với những gì diễn ra
trong quá khứ, nhiều người trong chúng ta có quyền ngờ rằng người biên soạn
chương trình “cải cách giáo dục” muốn đẩy thêm một bước chính trị hóa môn lịch
sử khi xếp chung nó với môn công dân giáo dục và an ninh-quốc phòng, cốt đào
tạo những thế hệ công dân luôn trung thành vô điều kiện với chế độ và giai cấp
cầm quyền hiện hữu.
Trước đây, khi người ta có thể đưa cả việc bắn
rớt máy bay Mỹ, ném lựu đạn giết chết “bọn lính ngụy” vào các bài toán lớp 2,
lớp 3, thì nay việc tăng cường mức độ chính trị hóa môn lịch sử cũng chẳng có
gì là lạ.
AT - Tìm kiếm sự
thật là một trong những nhiệm vụ của những người nghiên cứu lịch sử, nhưng đặc
thù của lịch sử là chỉ có thể dựa trên những bằng chứng hiện tại, vậy đâu là
câu trả lời khi còn nghi vấn, thưa ông?
LÊ NGUYỄN - Mang lại
sự trung thực, khách quan và công bằng cho lịch sử là trách nhiệm của người làm
công việc nghiên cứu lịch sử. Sự kiện lịch sử chỉ có một, nhưng cách hiểu và
cảm nhận nó thay đổi trong cả không gian lẫn thời gian, trong những điều kiện
xã hội khác nhau. Cách nay 30-40 năm người ta nhìn nhân vật Nguyễn Ánh – Gia
Long dưới một lăng kính khác, ngày nay ông được nhìn nhận khác hơn, dù chưa
phải là đã thỏa đáng.
Bên cạnh môn lịch sử
theo nghĩa chặt chẽ nhất, còn có dã sử, các truyền thuyết, các giai thoại, và
điều này được vận dụng tùy theo quan niệm, cách nhận thức của mỗi nhà nghiên
cứu. Riêng tôi, tôi rất “trọng chứng”, phần lớn những gì tôi viết dựa theo các
tài liệu được nhiều người chấp nhận. Riêng về nguồn tư liệu nước ngoài, không
thể tránh tình trạng khác biệt, mâu thuẫn với nhau giữa các tác giả và điều này
đòi hỏi người làm công tác nghiên cứu lịch sử phải đọc nhiều để có một kiến
thức bao quát về lịch sử hầu so chiếu, đánh giá, thẩm định cho riêng mình về
những sự thực lịch sử ẩn chứa trong những điều dị biệt đó.
AT - Cuối cùng,
dưới lăng kính của ông, Sử được hiểu ngắn ngọn là gì, ngoài những định nghĩa từ
sách giáo khoa?
LÊ NGUYỄN - Tôi chẳng
hiểu sách giáo khoa định nghĩa lịch sử ra sao, phần tôi, tôi hiểu một cách đơn
giản, lịch sử là những sự việc đã diễn ra trong quá khứ được ghi chép lại một
cách trung thực nhất.
Lê Nguyễn
(lược trích từ Facebook)