VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Mấy đoạn văn ngắn bàn về sử Việt trích từ Fb Quang Phan

 

Đoạn I

Fb Quang Phan 23-4-2021

--

 

VỀ MỘT NỀN SỬ HỌC ĐÃ CÁO CHUNG

 

Lý thuyết văn minh bản địa sông Hồng với tiến trình Hoà Bình - Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn - Bắc Thuộc - Đại Việt đã cáo chung. Thành quả quan trọng nhất trong nghiên cứu sử học Việt Nam sụp đổ.

 

Quãng những năm 60, những con người ưu tú nhất của Khoa học Lịch sử Việt Nam được giao nhiệm vụ... chứng minh lịch sử nước nhà 4000 năm. Chứng minh thời đại Hùng Vương là... có thật.

 

Ý chí chính trị tiên quyết là ... "các vua Hùng đã có công dựng nước". Bất chấp việc Ngô Sĩ Liên khi sáng tạo kỷ Hồng Bàng cũng chỉ dám ...chép vào Ngoại Kỷ và nói đó là huyền hồ, hư ảo.

 

"Đông Sơn Đại công trình" được khởi động. Người Việt tự hào con cháu Lạc Việt!

 Đến khi Trung Việt bùng phát chiến sự, ý chí chính trị tiếp tục lãnh đạo khoa học Lịch sử.

Chỉ sau 50 - 60 năm, toàn bộ thành quả của ý chí chính trị này đã sụp đổ.

 

--

 

1. Các nghiên cứu về gen, về các dòng di cư cho thấy, từ ít nhất 2500 - 2000 năm trước một luồng di cư mới đã tràn vào châu thổ sông Hồng và kiến tạo một nền văn hoá mới! Người Kinh Việt chỉ có khoảng 10% gen Hoabinhdian.

 

 

2. Hiện vật khảo cổ thời đại Đông Sơn cho thấy nền văn hoá này chịu ảnh hưởng từ thời đại Xuân Thu, Chiến Quốc. Với một loạt hiện vật như mũi tên đồng, lưỡi qua đồng, kiếm đồng, chuông đầu bò...

 

 

3. Đông Sơn không còn là văn minh bản địa, vì hiện vật tiêu biểu nhất là Trống đồng lại có xuất phát từ Vân Nam.

Và chính Vân Nam, Quảng Tây mới là vùng trung tâm của văn hoá Trống đồng, thạp đồng.

 

 4. Sự phục hưng" văn hoá Tai - Kadai. Trung Quốc qua vài chục năm đã có trưởng thành vượt bậc về tâm thức. Các nghiên cứu về Tai cho thấy đây mới là Lạc Việt, Tây Âu và cả Âu Lạc, Câu Đinh, Dạ Lang, hay Ailao...

 

 5. Ngôn ngữ, phong tục, các đền thờ Cao Biền, Mã Viện, các sứ quân thời Hậu Ngô Vương, sự hiện diện của Mân, Đản, lưu dân Tống... cho thấy gốc Kinh Việt châu thổ sông Hồng là... Dân Tầu dạt. Chính xác là dân Hán Đường Nam Dương Tử đã thực dân châu thổ sông Hồng đánh bại Lạc Việt để kiến tạo văn minh Đại Việt.

 

--

 

Bị chủ nghĩa dân tộc chi phối, chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán, người Kinh Việt vẫn chưa thoát được tâm thế ...Trung quốc của mình. Chúng ta không, hoặc ít chịu thừa nhận giá trị Tai, Mol, Cham trong dòng chảy văn hoá Việt Nam.

 

Sinh viên, học sinh vẫn là nạn nhân của một nền lịch sử đánh mất các chuẩn mực khoa học. Thế giới đổi khác, khoa học lịch sử đã...viết bài sử hoàn toàn khác cho Việt Nam.

 

 

 

 --

Đoạn II

Trích từ Fb Quang Phan 15/3 2021  · 

 

NHỮNG PHA DỰNG CHUYỆN (HOẶC CỐ Ý NGỘ NHẬN) 

TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

 

 

1. Nước ta thời đại Hùng Vương. Thực tế thời đại Hùng Vương đến văn minh Đại Việt có rất ít mối liên hệ với nhau. Thậm chí Đại Việt -Văn Lang khác nhau rất xa về cương vực, sắc tộc, tín ngưỡng.

 

 

 

2. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống nhà Tần xâm lược. Thực tế trên lãnh thổ Bắc Bộ Việt Nam trước công nguyên 2, 3 TK chưa có cái gọi là dân tộc Việt Nam. Binh mã quân Tần, một binh một tốt chưa hề chạm tới đất Bắc Bộ. Cuộc chiến 218 - 208 là cuộc chiến chống Tần của dân Lạc, Âu tức là các nhóm Tai - Kadai.

 

 

 

3. Triệu Đà là kẻ xâm lược hay Hoàng đế đầu tiên của người Việt? Thực tế ông ta không hề xâm lược, cũng chẳng hề làm hoàng đế của người Việt Nam. Bởi vì đến thời điểm này chúng ta tức người Kinh còn chưa sinh thành.

Nói thêm Triệu Đà nhận mình là Man di đại trưởng lão, tức là ông Già làng tối cao của các nhóm Bách Việt. Sau này sử ta (Toàn Thư) khen là rất khôn khéo.

 

 

 

4. Hai Bà Trưng - Hai nữ thủ lĩnh (Trưng có lẽ tên gọi của người đứng đầu một bộ tộc - bộ lạc, hoặc một Mường). Cuộc khởi nghĩa này bộc phát ở miền Lưỡng Quảng, phát triển lên tới khu vực Động Đình Hồ sau bị Mã Viện từ Hợp Phố đánh tập hậu. Không có cái gọi là Mê Linh nay gọi là huyện Mê Linh - Hà Nội.

 

5. Kỷ Sĩ Vương. Thực tế Sĩ Vương - Sĩ Nhiếp không cai trị ở khu vực nay là Bắc Bộ Việt Nam, vùng đất mà ông ta cùng gia tộc mình quản trị là Giao Châu tức là Quảng Đông - Quảng Tây ngày nay. Cái này bấy giờ đã hai năm rõ mười, nhưng giới sử học VN dường như đang cố ý lờ đi, coi như không biết đấy là đâu!

Giao Châu ngày đó cũng là Giao Chỉ. Nói Sĩ Nhiếp là Giao Châu học tổ tức là nói người khai mở việc lễ nghĩa tại khu vực Lưỡng Quảng vậy. Khi Sĩ Nhiếp chết, Tôn Quyền bình định Giao Châu, đất ấy sáp nhập vào Đông Ngô.

 

 

 

6. Luy Lâu ở Bắc Ninh. Vì cái nhận thức sai về vùng cai trị của Sĩ Nhiếp dẫn tới việc coi Luy Lâu là ở Bắc Ninh. Thực tế đô thị Luy Lâu không thể đặt vào nơi trời nước hoang độn - Là Châu thổ sông Hồng hồi đầu công nguyên. Đô thị này là Khâm Châu - tức nơi có Luy Lâu Lĩnh. Xem cuộc chiến Đào Hoàng chống Tấn ta sẽ thấy rõ hơn về đô thị Luy Lâu.

 

 

Các nhà Khảo cổ học Việt Nam có khai quật thêm 100 năm nữa, đào từng cm đất cũng không thể tìm được Luy Lâu ở Bắc Ninh. May chăng có là dấu tích thành Tống Bình!

 

 

Văn hóa - văn minh Đại Việt là nền văn hóa mới phủ lên nền văn hóa Đông Sơn. Nó là sản phẩm của việc trộn lẫn các giá trị Hán, Tai và đám dân (có lẽ đang còn ở tình trạng bán khai) là Vietic. Văn hóa Hán - những gia tộc, lưu dân từ China đã đóng vai trò dẫn dắt.

Từ thế kỷ X Đại Việt hình thành và nhanh chóng trở thành một tiểu bá chủ.


--

Đoạn III

 

MỘT PHÁC HỌA VỀ SỬ VIỆT

(đầu đề do VTN  đặt)

--

1.

Kinh Việt té ra không phải là một tộc bản địa có lịch sử 4000 năm. Chúng ta là một tộc được hình thành mới hơn ngàn năm, trẻ trung và kiêu ngạo hơn rất nhiều các tộc bản địa.

 

 

Căn bản Kinh Việt là đám người Mân, Lưỡng Quảng đã Hán Hóa hoặc chí ít là tráng men Hán, di cư sang Châu thổ sông Hồng.

Nhờ trình độ văn minh vượt trội, nhờ thiết chế tập quyền đã nhanh chóng lớn mạnh và chuốc tàn khốc cho láng giềng.

 

 

2.

Quá trình bành trướng của Kinh tộc là quá trình Hán nhân (thực chất là công dân Đại Đường) hấp thụ Tai, Mol và Cham.

+ Lần lượt ta có Kinh - Thăng Long: Đường nhân (rõ ràng hơn là Bách Việt Hán hoá). Với ông Thành Hoàng tổ là Mã Viện.

+ Trại hoá Kinh mà thực chất là Mol tại Thanh - Nghệ - Tĩnh nói tiếng Kinh (đến giờ âm Mol tại khu vực này khá rõ ràng).

+ Cham nói tiếng Việt tại khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, Bình Thuận.

+ Hợp chúng Khmer, Minh Hương, Cham dạt, Cham nói tiếng Việt, Trại tại khu vực Nam Bộ hoá Kinh.

 

 

3.

Trống đồng Đông Sơn, Lạc Việt là tiên tổ? Kỳ thực Tai - Kadai là những người lưu giữ truyền thống của văn hoá Trống đồng. Họ có tổ tông là Lạc Việt Vương.

Còn Kinh Việt với văn hóa Trống Đồng hoàn toàn xa lạ. Tiền cổ đào được trong nhà mình, có thể không phải là của tổ tiên mình. Vì cái nhà anh ở đó chỉ là nhà nước cấp cho để tái định cư.

 

 

4.

Thành Thăng Long một sản phẩm của Đường nhân.

Chúng ta thường tự hào Lý tổ khai sinh Thăng Long thành. Nhưng người khai sinh và đặt nền móng cho văn hóa Thăng Long lại là viên tướng kiêm Tiết độ sứ người Tầu là Cao Biền.

Kinh Việt chính là Đường nhân được Cao Biền cấp đất Tái định cư trên đất Đại La đó.

 

 

5.

Đế vương nhập khẩu

Chúng ta tự hào về về Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần... nhưng các vị ấy nếu không xuất thân từ những China Town (tại Tĩnh Hải quân) thì cũng là những ông Tầu dạt trực hệ.

 

Khúc Thừa Dụ là ông Tầu dạt.

 Ngô, Đinh đều xuất thân từ Chinatown.

Lý, Trần là Đường nhân, Tống nhân.

Đã là dân nhập cư, thì Đế Vương cũng nhập khẩu luôn.

Điều này là không xa lạ với lịch sử Đông Nam Á, thậm chí là cả lịch sử Trung Quốc.

 

 

Chẳng có gì là bản địa cả, biên giới là phi ý nghĩa với các đoàn lưu dân.

 

--

 

Từng lớp, từng lớp bị bóc ra, hình ảnh người Kinh, lịch sử người Kinh không còn đẹp như chính chúng ta mong đợi. Đơn giản lịch sử không chảy theo ý muốn của hiện tại.

Kinh Việt khát khao và bế tắc trong kiếm tìm bản sắc riêng. Chính vì thế Kinh Việt khát vọng tự do kiến tạo trời mới ngoài trời Hoa Hạ.

 

 

 

 

 




 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم