VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trần Dần:Chiến tranh đã tác động tới tôi như thế nào?

 

Trích “Trần Dần Ghi 1954-1955”

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1526&rb=0202

Đoạn nhật ký sau đây trích từ cuốn “Trần Dần Ghi 1954-1960”. do Phạm Thị Hoài biên tập và hiệu đính 2001. Riêng đoạn đầu đề trên là do tôi VTN đặt'.

--  

12-14.9.1954

Một vấn đề cần nghiên cứu: Quy luật của cuộc sống trong Chiến Tranh chuyển sang Hoà Bình.

Từ ngày hôm qua sang ngày hôm nay là chuyển hẳn từ hai chữ Chiến Tranh sang hai chữ Hòa Bình. Những tiếng đồng hồ này nó có một giá trị đặc biệt. Dần dần người ta mới thấy giá trị của những tiếng đồng hồ đó. Số mệnh, nhiệm vụ của hàng triệu con người thay đổi hẳn. Nhưng [...] sự thay đổi nó dần dà, góp gió góp gió mãi, tôi đợi một cơn Bão chưa lên.

Tôi đã thấy những gì? Những ngày cuối Chiến Tranh, những ngày đầu Hoà Bình tôi đã nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ đến công tác, đến đời sống của tôi. Tôi nghĩ trong chiến tranh tôi đã làm được những gì? Khó trả lời quá. Tôi đã mất những gì? Tôi đã được những gì? Sao tôi thấy những cái được ấy nó chua xót quá. Tôi được những cái mà nghĩ đến là kèm theo những suy nghĩ, những im lặng, những khó nói, nếu không phải là những mất mát, những buồn bực, chua xót và thở dài. Bài thơ tôi mới làm đây có người bảo là bi quan, có người bảo là loạn quá. Tôi được những câu thơ như vậy chăng? Xưa kia tôi là một thằng bất phương, vô chủ nghĩa. Je m'enfoutist. Vào chiến tranh có nhiều lần nhiều lúc tôi học làm một anh không bất phương nữa.

 

 Không m'enfoutist nữa. Mà cố học trách nhiệm, cân nhắc, chú ý... Tôi đã gạt bỏ những điều tôi biết, cả đúng lẫn sai. Tôi định simplifier tôi đi, giản đơn hoá. Tôi nói "Không" với dĩ vãng và "Ừ" với mọi điều người ta nói với tôi. Nhiều buổi tôi đã thành một người máy móc hẳn hoi. Và những ngày ấy tôi không sáng tác gì nữa. Tôi có một mâu thuẫn chưa giải quyết được. Là xu hướng của tôi đòi hỏi một thứ Thơ khác, nó trái ngược với sự đòi hỏi về Thơ của xung quanh, cấp trên và bạn bè.


Tôi nói về Thơ nhiều.

Vì đối với tôi, đó là vấn đề sinh tử, ước mơ và nguyện vọng, chủ nghĩa và lý tưởng, đời sống và nghệ thuật, Thơ đối với tôi có nghĩa của chữ Cách Mạng, chữ Ðấu Tranh, chữ Cuộc Ðời, chữ Giai Cấp của tôi. Cho nên Thơ tôi thế nào, làm được hay bế tắc, làm hay hay làm dở, - đó tức là trả lời những câu hỏi: tôi đã làm gì trong chiến tranh? tôi đã được và đã mất những gì?

...

16-17.9.1954

Trong chiến tranh người ta ít có thời giờ để mà ngẫm cho sâu. [...] Người ta không có thì giờ hút một điếu thuốc cho xong. Khói chưa tan, óc người ta đòi bận ngay việc khác. Thật là một cuộc sống hớt hải. Trong chiến tranh người ta như là người đi trong Bão. Như người bơi trên biển, vật cùng sóng gió. Như người xông vào đám cháy làng dập lửa. Người ta sống vội vã, người ta bắt tay nhau trên đường công tác, [...] người ta ghé vào thăm nhau giây lát, [...] người ta rất yêu nhau nhưng phải từ chối nhau cả từng phút nghỉ, mắc dầu anh cơn sốt chưa lui. Người ta nói với nhau chưa xong hết ý, thôi, cầm súng xông ra mặt trận, [...] Anh cán bộ có một lối, gọi là động viên xổi, cho những anh lính đang sạch tinh thần xách súng ra đi. Anh văn công vừa nghe "chính ủy đả thông", vừa làm một bài thơ, một câu hò, thậm chí một bài hát phổ lời chỉ thị. Chúng ta hãy cố kể lại những mẩu chuyện lạ kỳ như vậy mà xem. Trong sinh hoạt, trong công tác của chúng ta những buổi chiến tranh, có phải nó giống hệt như gió lốc trong những ngày giông tố?

Ban sớm tôi họp. Ban trưa về viết chỉ thị. Gặp anh hay gặp chị để "đả thông nhau". Ban chiều tôi họp phổ biến, chúng ta đặt kế hoạch nào. Xẩm tối tôi tự phê bình trong tổ 3. Hôm nay còn sót mấy việc. Ban đêm tôi còn họp. Trong giấc ngủ tôi xếp công việc của ngày mai. Cuối tuần tôi tự phê bình: chưa tranh thủ lắm. Tôi tự phê bình nhiều quá: Kém đi sâu! Cái lỗi đó ngàn lần tự phê, ngàn lần không sửa nổi...

Tôi viết thư cho em: anh không hẹn được trước. Gặp gỡ là cầu may.

Tôi viết thư cho bạn: tao bận quá. Nhưng cũng nhận lỗi là lười viết thư cho mày.

Tôi quên chưa nói: Làm sao tôi mất cả thói quen nhìn trời đất khi nào không biết? Chúng ta lại có lần đã đồng ý với nhau: không phong cảnh gì nữa, đấu tranh thôi, con người thôi. Thật là một chuyện tối vô lý. Cái người nhìn phong cảnh, tôi tưởng là một người có tâm hồn yêu ghét sâu xa, vậy mà có lần chúng ta đã cho họ là viển vông!

À cũng có lần tôi cố viết nhật ký, - định ý rằng để mài giũa tâm hồn. Việc đó tôi cứ quyết làm đi làm lại, nhưng mà sao quyển nhật ký của tôi nó cứ biến thành quyển sổ công tác, ghi những hội ý, kế hoạch... lúc nào không biết? Quyển sổ mới ghi lắm vấn đề vậy, công việc dự làm, công việc đã làm, công việc để nghiên cứu, và rất nhiều công việc rất cần, - ghi cẩn thận mà không làm xuể...

Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem. [...] Người ta làm việc và làm việc. Họp và họp. Ðánh và đánh. Học và học. Sinh hoạt và sinh hoạt. Kiểm điểm và kiểm điểm. Ðả thông và nghe đả thông. Tôi tính thử những cuộc họp trong 1 tuần lễ: họp tổ 3, họp cán bộ, họp tổ Ðảng, họp tiểu đội, họp toàn ban, họp đại đội. Mỗi cuộc họp kèm theo dăm bẩy cuộc hội ý. Hội ý thì nói rằng chớp nhoáng, nhưng sự thực đúng là những cuộc họp, thường thường kéo dài hàng giờ thành những cuộc họp đội lốt hội ý cho người ta đỡ ngại. Tôi tính thử, dù cứ cho là hội ý chớp nhoáng, cộng lại cũng thành một cái không chớp nhoáng. Hội ý cán bộ, hội ý đảng viên, hội ý tổ trưởng, hội ý chi ủy... Tôi không muốn tính nữa. Tôi không hiểu tôi đã làm như thế nào? Vì tính ra một tuần có 7 ngày, một ngày 24 tiếng, thì thật không đủ ngày giờ mà xếp những cuộc họp và hội ý đó vào. Chúng ta không có lạ gì nữa nếu như nhiều cán bộ của ta, nhiều anh không đủ thời gian. Và tất cả là thiếu máu. Chúng ta cũng không lạ lùng gì nếu người ta trách cán bộ mình kém sâu sắc, ít sát quần chúng, nhiều anh đã trở nên máy móc và khô khan thực sự. Vì những nết xấu đó là một lẽ tự nhiên. Cuộc đời anh chật ních những họp hành, tháng năm mòn trong những hội nghị. Tôi nói vậy không phải là phản đối họp, - tôi thấy nó rất cần. Nhưng tôi nói vậy tức là tôi phản đối chiến tranh. Và tôi cũng phản đối họp nhiều, nó có nghĩa là chúng ta bị động với chiến tranh, chúng ta không làm chủ được nó.

Một đôi khi người ta cũng dành thời giờ viết một vài bức thư cho bạn, cho vợ, cho bố mẹ. Tôi đã đọc nhiều lá thư, anh cán bộ viết cho vợ đề 1, 2, 3... vài câu cộc lốc. Người ta cũng coi thư từ như một cuộc họp vậy. [...] Tôi lại cũng đã được đọc một số ít những lá thư dài 6, 7 trang, đã ngạc nhiên sao có người lại có thì giờ viết như vậy. Tôi đọc những lá thư ấy và thấy nó giống như một bài báo rất dở, không tờ báo nào có thể dùng. Hoặc như bài diễn thuyết của một anh cán bộ rất là xoàng.

Trong chiến tranh đôi lúc người ta cũng cố giành lấy thời gian mà nhìn một vì sao, mà nghĩ tới quê hương, nghĩ tới tương lai, nghĩ tới những ngày chiến thắng về sau đây...

Nhưng mà có người gọi đi họp rồi. Kẻng báo đi tập trung sinh hoạt và học hát. Hoặc giả dụ cũng không có việc gì, nhưng cái óc người ta đã quá quen cái nếp vội vàng. Nên người ta cũng chỉ nghĩ thật là hớt hải, nông cạn và cụt lủn. "Sau này tha hồ mà sướng!", nhưng mà sướng thế nào? "Tương lai sẽ lấy vợ!" "Quê tao bây giờ tan nát cả." Nhưng mà tôi với bạn đều không kịp thấm thía cho sâu vào những chữ "tương lai" và những chữ "tan nát"... Chúng ta còn lắm việc. Tôi với bạn xoay ra bàn công tác hay đả thông nhau một vài vấn đề còn đang rớt lại.

Cho nên [...] tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét là "trong chiến tranh tình cảm con người bị mòn mỏi", hoặc "trong chiến tranh người ta cuốn nhau vào một cuộc sống sôi nổi nhưng nông cạn, một cuộc sống rộng rãi nhưng thiếu chiều sâu".

Cho nên tôi hiểu vì sao người ta ham đọc tiểu thuyết Liên Xô. Những người Liên Xô đã chiến tranh trước chúng ta, trong chiến tranh họ cũng đã sống như ta, nhưng sau chiến tranh họ đã có thì giờ mà suy nghĩ về chiến tranh, họ đã suy nghĩ tới mức tiểu thuyết. Và những tiểu thuyết đó đã giúp chúng ta chiến tranh cho sâu sắc hơn rất nhiều.

Cho nên tôi cũng hiểu vì sao chính từ ngày Hoà Bình trở đi, người ta mới vỡ ra nhiều lẽ. [...] Hết chiến tranh người ta mới bắt đầu hiểu chiến tranh. Tôi đang bắt tay vào việc tìm tòi những quy luật cuộc sống trong chiến tranh.

Cho nên tôi cũng hiểu tại sao trong chiến tranh, người viết cố tìm ra nhiều hình thức gọi là đột kích, kịp thời. Có thể nói dứt khoát rằng, chúng ta chưa có làm cái việc sáng tác (hiểu theo đúng nghĩa) trong chiến tranh. Bây giờ mới là lúc chúng ta bắt đầu sáng tác.

Người ta nói "chiến tranh rèn luyện con người". Vậy mà sao tôi nói toàn những mất mát, mòn mỏi, nông cạn, hớt hải? Tôi nghĩ rằng người ta nói vậy cũng không sai, và tôi nói vậy cũng rất đúng. [...] Hôm qua chúng ta rất rất anh hùng. Chúng ta nhịn đói. Chúng ta mặc rách. Chúng ta làm việc không cần cả những điều kiện tối thiểu của việc đó nữa. Chúng ta đã trút bỏ đi nhiều tính xấu, tính cầu an, tính ích kỷ, tính nhút nhát. Chúng ta tự dưng và có chủ ý đào luyện chúng ta thành những người can đảm, vị tha, hành động quên ḿnh. Chúng ta được một cái rất quý là chúng ta...

Nhưng mà tôi nói chúng ta mất mát và mòn mỏi. Không kể những mái nhà, sức khoẻ, tuổi trẻ và gia đình, không kể của cải và thể chất. Tôi nói đây là nói tâm hồn, nói sự suy nghĩ, tôi nói tình cảm, tôi nói đời sống tâm tưởng của từng người. Và tôi nói là mất nhiều và mòn nhiều. Những ví dụ cụ thể tôi kể trên kia là những chứng minh. Sự thực đó nói nhiều lắm, và sự thực còn gấp bội, những ví dụ tôi đưa ra còn mờ nhạt và rụt rè.

Có những ngày máy móc, nhiều anh bạn máy móc đã nói với tôi là tả "con người hành động". Cái ý đó không sai, nhưng nó sai ở cái nội dung bạn tôi gán cho chữ "hành động". Tôi nghĩ rằng tả con người chúng ta thật đúng phải là những người đại suy nghĩ mà lại đại hành động. Chúng ta hãy xem thơ văn chiến tranh của chúng ta. Chúng ta thấy chúng ta vào khói ra lửa, sinh tử không sờn, chúng ta thấy chúng ta hành động ghê gớm lắm. Nhưng có điều buồn là chúng ta không thấy chúng ta! Chúng ta không nhận những con người hành động như vậy là mình! Cái đó là văn thơ. [...]

Chiến tranh rèn luyện. Chúng ta được nhiều điều. Nhưng [...] tôi nói nó là bộ xương. Chiến tranh làm chúng ta rắn xương rắn thịt, làm cho tâm hồn chúng ta có hình cốt, có cái khung rất tốt rất bền. Nhưng bạn đừng có mắc sai lầm bảo rằng bộ xương là người, hình cốt và cái khung là tâm hồn ta rồi đó. Nói vậy là một sự dối trá, là nói theo đà một kiểu lý luận trừu tượng mà thôi, dù có hay bao nhiêu cũng vẫn là không có sự thực. [...] Tôi nghe bạn nói hay, nhưng tôi còn nghe sự thực hơn là nghe lời bạn.

[...] Cho nên bạn nói Chiến Tranh rèn luyện; - bạn cần nghĩ thêm Hoà Bình cũng rèn luyện, mà còn rèn luyện hơn là chiến tranh nữa. [...] Tôi chắc những người nào thực tế một chút đều công nhận như vậy. Bất đắc dĩ dân ta mới chiến tranh. [...] Chứ chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh để rèn luyện chúng ta cả. [...] Tôi nghĩ rằng, 9 năm nay chúng ta kiến thiết Hoà Bình nhất định hơn là 9 năm nay chúng ta cắn răng mà kháng chiến. Không phải chỉ hơn về vật chất, mà nhất định kèm theo cái hơn về vật chất đó còn cái hơn về tâm hồn. [...] Chúng ta có những nhà máy, [...] chúng ta lại có những hiệu sách đầy sách, những nhà xuất bản chạy không kịp đòi hỏi của quần chúng, những cuộc triển lãm mùa thu, những cuộc tấu nhạc, [...] chúng ta lại có những người nông dân đang học chỉ huy máy cày, nói chuyện triết lý, chuyện kỹ nghệ và đọc được những tiểu thuyết và triết học Mác... 9 năm nay đáng lẽ như vậy. [...] Tôi đặt mức con người chúng ta như vậy.

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم