VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chiến tranh, nhớ và quên

 Bài đã đưa trên blog này 11- 8 - 2014


Bài học từ trận lụt phố cổ Passau là tên một bài viết in trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 03/06/2014, tác giả là Võ Văn Dũng (nghiên cứu sinh ngành Đông Nam Á - Trường đại học Tổng hợp Passau, CHLB Đức). 
Bài báo kể:
Passau (bang Bayern, Cộng hòa liên bang Đức) thành phố hơn 2.700 năm tuổi. Tháng 6-13, thành phố bị một trận lụt. 
Gần bốn tháng sau, nhà nhiếp ảnh Christoph Brandl từ Berlin đến Passau để phối hợp tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài sáu ngày về trận lụt với phong cách “mở” hoàn toàn: mọi người dân có thể tham gia triển lãm tranh ảnh, vật dụng... liên quan đến trận lụt và thoải mái sáng tạo cách sắp đặt theo ý tưởng của mình.

Triển lãm diễn ra trên các tuyến đường đi bộ của phố cổ, gồm nhiều bức ảnh, những đôi ủng dính đầy bùn đất, la liệt cuốc, xẻng, áo mưa... Cuộc triển lãm tự do ấy đã thật sự gợi nhớ những ký ức vừa đáng buồn bởi những mất mát do thiên tai, vừa ấm áp bởi sự xích lại gần nhau hơn của cả cộng đồng.

Những hình ảnh về trận lụt tiếp tục được tờ Tin Tức Passau (Passauer Neue Presse) kêu gọi công chúng gửi về, kết hợp với những hình ảnh ngập lụt của thành phố láng giềng Deggendorf để thực hiện cuốn sách ảnh 2013 Hochwasser In Passau und Deggendorf (2013 Ngập lụt ở Passau và Deggendorf).
Sách bán chạy như tôm tươi, nhanh chóng được tái bản, một phần lợi nhuận được góp vào quỹ sửa chữa phố cổ. Điều thú vị là nhiều du khách đã mua cuốn sách này để chứng kiến hình ảnh một Passau chìm sâu trong biển nước và xác xơ sau lụt, bên cạnh một Passau cổ kính, bình yên trong những tập sách ảnh thông thường.

 Chỉ có nhớ vặt không có suy nghĩ
Sơ với một trận lụt ở một thành phố, thì một cuộc chiến tranh là một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều. Nhưng bảo tàng không phải là ngành văn hóa phát triển ở ta, nên sự đòi hỏi có thể không đáp ứng ngay được. Giá bây giờ tôi đòi hỏi VN phải có một bảo tàng chiến tranh ra trò, hẳn sẽ vô lý.

Thế còn văn học VN hậu chiến? Có thể yêu cầu một cái gì tương tự như cách dân Đức làm  cho vụ lụt ở thành phố Passau lắm chứ! Có điều nói ra chỉ thêm buồn. Gần chục năm hậu chiến đã trôi qua, có một tình hình mọi người đều thấy. Đó là chúng ta lãng quên rất nhanh, nhất là không chịu khai thác quá khứ và rút ra ở đó những bài học. Nói rằng hoàn toàn vô tình thì không hẳn, giờ đây nhiều dịp lễ lạt vẫn được tổ chức. Trong văn học, luôn luôn có những cuộc vận động để mọi người viết lại về chiến tranh. Nhưng điều làm được đã chẳng bao nhiêu, mà nhìn sâu vào tâm lý những người trong cuộc thì lại thấy chúng ta hiện ra như những kẻ rất bàng quan, rất nhạt nhẽo với quá khứ. Trong văn chương, thậm chí người ta có cảm tưởng nhiều nhà văn  không buồn để công làm kỹ một cái gì hết, mà chỉ chăm chăm tính xem có đơn đặt hàng của nhà nước thì lao vào, y như giành giật được một món bở. Những việc vụ lợi ấy sao không mang một chút tâm huyết nào hết, nhiều khi lại biến thành làm hàng giả.

 Có mấy lý do khiến cho hình này ngày đang kéo dài và không biết bao giờ mới gỡ ra được.
Khi đặt tên cho cuốn hồi ký chiến tranh của mình là Nhớ lại và suy nghĩ, vị nguyên soái nổi tiếng của Liên xô G. Zhukov đã đưa ra một cái chuẩn cho hồi ký thời nay. 
Con người hiện đại không được phép dừng lại ở những nhớ nhung sướt mướt.
Nhớ và quên không chỉ là bản năng, tình cảm -  mà còn là vấn đề trí tuệ.
Trong khi đó, người Việt mình thường đối diện với các sự kiện xảy ra trong quá khứ một cách hời hợt. Chỉ có nhớ vặt không có suy nghĩ. Cả dân tộc kém tư duy lịch sử mà mỗi cá nhân cũng không bao giờ có mấy ai nghĩ tới chuyện làm cuốn sử của riêng mình. Tìm ra một người trong sự vội vã cuộc sống hàng ngày vẫn lo ghi chép về các sự kiện đã xảy ra xem chừng quá khó.

Chẳng những ghi ít, trong xu thế ghi chép lại chỉ thiên về những cái tốt đẹp, mà không thích và không dám đối diện với cả đau thương và mất mát.
 Một cách tổng quát, tức là người mình trải qua các biến cố một cách quá nhẹ nhõm,  còn nặng về bản năng"tự nhiên nhi nhiên", mà thiếu sự tham gia của lý trí. Nhìn riêng các cá nhân cũng vậy mà nhìn chung xã hội cũng vậy.
  Một nguyên nhân khác, trong nhận thức của người Việt, giữa chiến tranh và hậu chiến đang có sự đứt đoạn. Lấy quá khứ để giải thích hiện tại là chuyện người ta cho là viển vông. Ta thường nghĩ cắt khúc từng đoạn chứ không nghĩ được cả giai đoạn lớn của lịch sử. Thiếu một tầm vóc trí tuệ trong việc làm sống lại quá khứ.

Những người mau quên đáng thương
và những kẻ nhớ lâu đáng ghét
 Có một quy luật tâm lý chi phối con người khi nhớ lại quá khứ.  Nhớ và quên là hai mặt của cùng một hiện tượng. Không ai đủ sức cái gì cũng nhớ. Nhớ cái này nghĩa là quên đi cái khác.
 Lỗ Tấn từng có một bài tạp văn nổi tiếng mang tên Kỷ niệm để quên đi, viết về Lưu Hòa Trân một đồng chí của ông.
Còn những người đang yêu ở bất cứ lứa tuổi nào đều biết câu danh ngôn Muốn quên ai đi tức là đang nhớ người đó.

Mấy năm cuối đời, tuy mới ở tuổi ngoài bốn mươi, nhà thơ Xuân Quỳnh (1940-1988) có một vài bài thơ có tính chất tổng kết đời mình. Như bài thơ được phổ nhạc Thơ tình  cuối mùa thu.
Lại như bài Có một thời như thế (1985), trong đó, để nói về sự trưởng thành của mình, nhà thơ tự nhận với người yêu:
Em biết quên những chuyện đáng quên
Và biết nhớ những điều em phải nhớ.
Tôi đã nói ngay với tác giả khi chị còn sống, trên đời này loại người biết nhớ và quên như thế ít lắm, trong niềm tự hào nói trên đã bao gồm một ảo tưởng. 
Nếu có người nào đó đủ sức làm chủ mình đến độ đó thì một là một cái máy, hai là các ông thánh.
 Còn phần đông chúng ta, khi quên khi nhớ, lung tung tùy tiện.
Hôm nay đây, có một ví dụ mà giá Xuân Quỳnh còn sống tôi sẽ trình ra với nhà thơ: cái sự quên nhớ sai lạc chung quanh câu chuyện chiến tranh của cả cộng đồng ta. 
Gần bốn mươi năm đã qua, đối với chiến tranh, đang thấy có tình trạng nước đôi.
Cả quên và nhớ đều có cả.
Chỉ  có điều xẩy ra một sự lỗi nhịp.
Cái đáng nhớ thì ta quên và cái đáng quên thì ta nhớ. 
 
Hình như có ai đó, vào khoảng 1975-85 đã có lần tự hào nói rằng không có dân tộc nào biết quên đi chiến tranh nhanh chóng để bắt tay vào cuộc kiến thiết trong hòa bình như chúng ta. Do nhu cầu tái thiết đất nước, sự quên đi đó là cần thiết.
Nhưng nhìn vào một phương diện khác lại thấy hoàn toàn ngược lại.
Với chiến tranh lại có sự nhớ cũng đáng trách không kém, tức là gây hậu quả đình trệ.
 Theo sự quan sát của tôi, những người luôn luôn nhớ tới chiến tranh một cách dung tục ở ta có nhiều loại, bao gồm từ các chiến binh công trạng lẫy lừng tới các nhân vật dây máu ăn phần, đóng góp thì ít mà tự thổi phồng lên thì nhiều. Phần lý trí sáng suốt của họ đã bị chiến tranh lấy đi gần hết. Ở một số người trong họ chỉ còn cái phần bản năng. Họ nhớ chiến tranh với nghĩa ở đó cộng đồng đã mắc nợ họ. Thời hậu chiến là lúc họ đòi nợ. Họ muốn lu loa ăn vạ. Trong lúc thả sức làm giàu một cách bất lương, họ sống y như những người từng bị chiến tranh ám ảnh và không bao giờ ra khỏi nó. Họ luôn luôn nhắc tới chiến tranh và muốn xã hội nhắc tới chiến tranh chỉ cốt để biện hộ cho sự hư hỏng của mình.

 Trong chữ nghĩa của khoa kinh tế ở VN hiện nay, có khái niệm xí nghiệp nhà nước, bao trùm cả những ngành chủ đạo của kinh tế quốc gia. Thực chất của các xí nghiệp này là gì nếu không phải là hình thức sau chiến tranh, nhà nước trao quyền làm chủ xã hội cho các công thần.
 Người ta cho đó là việc đương nhiên không cần giải thích, ai không hiểu thì người đó là kẻ vong ơn bội nghĩa. 
Ẩn kín sau đó còn là quan niệm vô cùng sai lầm song lại ôm trùm trên phạm vi rộng lớn “ai đã biết làm chiến tranh thì làm gì cũng được” hoặc “kẻ chiến thắng trong chiến tranh là kẻ thành đạt trong mọi lĩnh vực khác – nói theo chữ nghĩa thời nay - tức là kẻ chiến thắng trong mọi mặt trận khác.”

Đây chính là cái lối sùng bái quá khứ để trục lợi. Cách tổ chức xã hội cổ lỗ lỏng lẻo vốn đã mở đường cho tham nhũng tồn tại, nay lại được lý luận về sự đền ơn trả nghĩa nói trên hỗ trợ, hỏi làm sao nó không phát triển đến mức đè cả xã hội bẹp dí như chúng ta đang thấy.

Những người thích thú với tư tưởng sùng bái quá khứ kiểu này hay lý sự “kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào họ bằng đại bác”. Họ quên rằng tác giả câu danh ngôn trên,-- nhà thơ xô viết Rasul Gamzatov 1920-2003,-- là một người của nước Nga thời trì trệ, và tư tưởng của ông cũng nằm trong không khí trì trệ đó.
 Sống trong một thế giới bị cô lập, những người này không biết rằng quá khứ không phải chỉ có một khuôn mặt mà bao giờ cũng có nhiều khuôn mặt, và việc khám phá ra bài học cần thiết của quá khứ sẽ là cái biện pháp hiệu nghiệm nhất để đi tới tương lai chân chính.
 Trong bài thơ Có một thời như thế mà trên kia tôi nhắc,  Xuân Quỳnh cũng đã có  câu thơ dành để nói về thời chiến, theo tôi là vượt xa hơn cả R. Gamzatov:
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng không phải là điều em ao ước.
Việc "quên đi" cái phần quá khứ nói như thế này cố nhiên cũng là kết quả của sự hiểu biết tương lai trên cơ sở khảo sát cả quá khứ lẫn hiện tại.


Không thể bị cầm tù trong quá khứ
Một hướng suy nghĩ của nhiều dân tộc sau chiến tranh cũng bao hàm một thái độ hai mặt cả biết nhớ lẫn biết quên như trên. 
Tôi biết điều này nhân đọc bài thơ của   Wisława Szymborska do Thái Linh dịch.
 Theo lời giới thiệu trên mạng Lilia,  Wisława Szymborska ( 1923 –  2012) là nhà thơ lớn của Ba Lan. Năm 1996, bà được trao giải Nobel cho "những tác phẩm thơ tái hiện chân thực một thế giới trong đó cái thiện và cái ác đan xen, giành giật nhau chỗ đứng cả lẫn trong tư duy và hành động của con người. Bà đã thể hiện tấm lòng một công dân, một nghệ sĩ có nhân cách lớn và đầy trách nhiệm trước những thực trạng các giá trị tinh thần bị đảo lộn, trước nguy cơ suy đồi đạo đức trong cuộc sống hiện đại".
Bài thơ sau đây là một chứng minh cho nhận định đó.


Kết thúc và khởi đầu      
Sau mỗi cuộc chiến tranh
Phải có người dọn dẹp.
Một trật tự khả dĩ
không tự nó sinh ra.

Phải có người xúc đống gạch nát
sang lề đường
cho những chiếc xe chất đầy xác
đi qua.

Phải có người lăn xả
vào bùn đất, tro tàn,
giữa lò xo của những chiếc ghế bành,
những mảnh kính vỡ
và những tấm giẻ đẫm máu.

Phải có người khuân đi
thanh gỗ chống tường,
phải có người lắp kính cửa sổ
và lắp cánh cửa vào bản lề.

Những điều ấy lên hình không đẹp
và mất nhiều năm.
Mọi ống kính đều đã lên đường
tới cuộc chiến tranh khác.

Phải bắc lại cầu
và làm nhà ga mới.
Những tay áo sờn rách
vì bao lần xắn lên.

Có người cầm búa
ôn chuyện đã qua.
Có người lắng nghe
gật gù bằng cái đầu chưa mất.
Nhưng quanh họ
bắt đầu có những kẻ cảm thấy
những thứ đó chán ngấy.

Dưới bụi cây
đôi khi vẫn có người đào lên
những lý lẽ đã gỉ sét
và mang chúng ra đống rác.

Những người biết
về những điều từng xảy ra nơi đây
phải nhường chỗ cho những người
biết ít.
Biết ít hơn.
Và rốt cuộc gần như không biết.

Trên thảm cỏ
nơi mọc lên nhân quả
phải có người nằm lăn ra
nhấm cọng rơm

và ngây ngắm mây bay.

Với cả bạn đọc người sáng tác ở VN, bài thơ trên hẳn gây ngạc nhiên. Nó nêu lên một đề nghị vượt lên trên cách xử lý thông thường. 
Nhưng giá kể biết được văn học viết về chiến tranh ở VN  đang ở trong tình trạng thế nào, các nhà thơ và bạn đọc thế giới sẽ ngạc nhiên, không ngờ chúng ta bị cầm tù trong quá khứ chắc chắn đến thế, cách tiêu hóa quá khứ ở ta lại cổ lỗ đến thế. 
Biết bao giờ chúng ta mới gia nhập được vào thế giới hiện đại! 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم