Từng được đưa trên blog này tại các đường link
https://vuongtrinhan.blogspot.com/2011/06/chuyen-oi-song-1980.html
---
8/1
Trứng 1 đ một quả. Thịt 2,6đ. Tất cả các thứ đều lên giá. Giá vàng tăng từ 23,5 lên 30. Xe pơgiô khoảng 5,6 ngàn. Từ 1/1 nhà nước chỉ bán cho mỗi người trong gia đình một kg gạo một tháng. Đầu năm chưa có phiếu, vợ Bằng Việt đẻ, con chưa được cấp phát gì hết.
Ở một khu phố ngoài bãi, điện đột ngột lên cao, hàng loạt
nhà bị hỏng đồ điện. Không ai đặt vấn đề đòi bồi thường.
Đăng kể: cả B trưởng, A trưởng của đơn vị cũng trốn.
Càng tiếp xúc với những người lớn tuổi càng nghe họ kể một
cách khách quan công việc hôm qua của họ, tôi càng thấy ngày hôm nay hỏng thế
này là tất nhiên, làm sao khác được.
Một ông thợ nề kể đi làm thuê, 10 người có 3 người được tốt,
còn toàn là không ra sao. Đầu tiên, có gì chủ cũng mang hết cho thợ. Sau thì
xoay thợ. Cũng một phần vì nghèo quá, có gì đã xả láng hết từ đầu.
Báo chí có một vài bài (ở những góc nhỏ) nói chuyện không
đổi tiền, giá gạo sụt 1 đ
14/1
Ngô Thảo nghe ở đâu về kể ở Thanh Hoá- Nghệ An, khi cán bộ mang phiếu đi đong gạo, thì cửa hàng gạo nhà nước phát cho mỗi người 36 đ, bảo đi mua gạo ngoài mà ăn. Các trường đại học trung cấp ở hai tỉnh đó, cho sinh viên nghỉ vô thời hạn.
Thanh Hoá, Bỉm Sơn, có một vụ giết người như sau:
Hai người bạn cũ. Một đi học kỹ sư ở nước ngoài về,
một ở nhà đi bộ đội, rồi về làm bảo vệ ở một công trường (?)
Anh kỹ sư đến lĩnh hoặc xin gì đó. Người bảo vệ không cho,
còn giết luôn cả người kỹ sư kia. Công nhân kéo đến bao vây. Bọn bảo vệ ở trong
nhà doạ nếu ai vào sẽ bắn chết.
Bọn công nhân liền lấy đá lấp đầy chung quanh ngôi nhà bọn
bảo vệ, chôn sống gần chục người trong đó. Họ làm từ 1 giờ đến 4 giờ thì xong.
Công an không dám can thiệp.
Cô Oanh em tôi kể về một bà làm y tá ở Viện Việt Nam- Cu
ba. Bảo bà sang bệnh viện Bạch Mai lấy máu về tiếp cho một bệnh nhân, bà
đi.
Đến giữa đường, thấy có một ô tô sang Đông Anh, bà
nhảy lên luôn, sang mua một ít khoai tây. Trở về nhà người ta hỏi, bà bảo Bạch
Mai không có máu.
Thực ra, chờ bà không thấy về, người ta đã cử một người
khác, đi lấy về rồi.
Bà nghe vậy thản nhiên, quay ra, bảo mọi người.
- Có ai chia khoai, lại đây!
Thế là tất cả lại quây cả lại, lấy khoai.
Bà ta khuyên bọn Oanh:
- Các em nên vào đây, người có chết còn không sao. Xin vào
làm ở Việt Xô, các ông to chết, mệt lắm.
Giá báo Nhân Dân lên 1 hào (từ 15/1). Cà phê đen mậu dịch 1 đ (năm 1976, hai hào) mỡ hơn 30 đ một kg
Ở Hải Phòng ăn cắp ghê gớm. Người ta đổ cả hàng bao đường để lấy mấy miếng vải.
Giá xe đạp ở Hà Nội tăng. Lý do: ở các nước Đông Âu, giá hàng nhiều thứ tăng gấp đôi. Nam Hà, Thái Bình, đời sống khó. Không có dầu để chạy máy. Không có đạm bón cho lúa.
Bên Trung
quốc, nay người ta không dùng tới khái niệm xét lại nữa. Lý do 1/ Việc Liên
xô làm, Trung quốc này vẫn làm và còn làm ghê hơn 2/ Trung quốc không đặt ra
vấn đề lý tưởng nữa. Vấn đề đặt ra ở Trung quốc bây giờ là làm gì có ích cho
Quốc gia ( ai đó hình như W. Durant từng nói, các dân tộc sống thản nhiên
bên cạnh hệ tư tưởng)
Ngày chủ nhật
27/1 (10 tháng chạp năm Mùi) = 240 đám cười. Họ sợ sang năm, năm Thân).
Sau khi đẩy lùi chế độ cũ , Lào có nhiều cái làm khác Việt Nam :
- Mở cửa cho
hàng Thái Lan qua
- Vẫn dùng cán
bộ của chính quyền trước
Một ngưòi hay
xem ti vi về đối ngoại: Mình nói về Comecom luôn đấy. Nhưng có lẽ không nhả cho
nó cái gì, nên chả được cái gì.
Tháng giêng, ngày cuối cùng 31, mới được nhận lương. Tiền mới toanh. Lạm phát.
Ở Trung quốc,
sinh viên đại học biểu tình chống quân đội, bởi cho là họ được hưởng quá nhiều
quyền lợi
Cách nói đương
thời:
Lý tưởng =cái
tưởng như có lý.
Lương y là dì
ghẻ.
Các cơ quan lập
ra một uỷ ban chống tiêu cực. Xuân Tùng: Đó là những người tiêu sướng.
Một thượng tá CA
lên đại tá bỏ 4000đ để chiêu đãi. Mở 2 két
rượu quý, loại rượu Sài gòn, mua ngoài 250đ 1 chai. Trong số khách đến, có một
cô gái Sài Gòn cũ, xinh xắn, nhiều quan khách cứ đòi hôn cô ta. Cô tâm sự với
người bạn cùng đi:
- Em cũng không biết các anh là Việt cộng thật hay Việt cộng
giả nữa.
Tất cả cười ồ lên, coi là một câu đùa ý vị.
Đạo diễn Ý Fellini
Người ta bảo
với chúng tôi rằng tôi là một dân tộc vĩ đại nhất và hạnh phúc nhất. Chúng tôi
tin ở điều đó, kết cục không còn biết gì về các dân tộc khác, cũng như về bản
thân mình.
Ai đó kể: Hiện ở Hà Nội có khoảng 50 gia đình đặc biệt, mỗi gia đình có 400.000 tiền mặt.
Nhân viên đường sắt đi buôn, công an đường sắt lo khám chủ yếu đám nhân viên đó. Cứ một quãng lại phải thay người tăng bo, không cho họ áp tải suốt đường.
Bộ đội như Dũng, trốn về từ 23 tết, dọn nhà, xong chạy lung tung xin việc làm làm lấy tiền tiêu tết. Nó bảo kiếm lấy vài hào (giờ hào để chỉ đồng)
Năm 1980, chỉ
nhập đủ dầu để thắp đèn ở nông thôn.
Một sinh viên
đói quá, không dám ra đến đường, sợ thấy hàng quà thì thèm.
Các cơ quan thi nhau lấy xăng nhà nước mang bán lấy tiền, đi mua lợn ăn tết.
Ở Nghệ An, ông
Trương Kiện đào một cái đập gì đấy, chết mấy chục người, vẫn vào trung ương.
Đại hội Đảng bộ tỉnh, số phiếu đứng thứ 37, lại vẫn làm bí thư. Nhưng lúc
bầu thường vụ không ai chịu cùng làm thường vụ với ông ta. Trung ương phải
thay.
Người ta tức
quá, định tống cả bọn đi biên giới.
Ai đó bảo
câu thơ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng là để chỉ đời sống không bao giờ
lại còn sung sướng vậy!
Rét quá, không làm được việc gì.
Bích (bạn Oanh
) kể:
- Cả lớp tích
cực. Lao động đạt 300%. Vào Lâm Đồng (đường chim bay cách Đà Lạt 50km). Nước
độc hơn nước cống Hà Nội(?), chỉ có 1 giếng dùng được, cách 5km. Học sinh
hư, chỉ mong đuổi học về đi kiếm ăn. Tặng hoa cô giáo 20-11 xong lại đòi
lại. Không có đài báo, chỉ có thư. Ra thị trấn nghe đài đã thấy thích.
Ở Nam Đàn, một
vụ mỗi khẩu được chia 7kg thóc. Để ngậm cũng không đủ.
Tôi lên biên
giới công tác, ốm. Lính bảo, hàng tháng nay chúng em không có đường, biết chạy
đâu ra đường cho anh ăn cháo bây giờ.
Một tay cần vụ
ở báo QĐND còn hưởng tiêu chuẩn cao hơn một ông đại tá ở biên giới.
Ông ta làm một
ngôi nhà rất đẹp. Dân có ca dao:
Ai về thăm đất
Nam Hà
Mà xem con khỉ
có nhà bê tông
Khỉ ơi khỉ có
biết không
Ta đây là chủ,
mà không có nhà.
Rồi lại lên ti
vi, lên đài, chỗ nào dùng đều có tiền.
Sau bài viết Một
nhành xuân ấy, Đài tiếng nói VN cử một tay biên tập cứng là
Trần Mạnh Thường viết bài bình luận. Thường viết xong được khen và người ta
định đưa hắn lên tivi. Thường xấu hổ, không muốn. Lãnh đạo bảo, các cậu khiêm
tốn thật. Việc mình làm được, không việc gì phải khiêm tốn. Vậy cứ lên tivi đi.
Người ta không
thể hiểu là Thường xấu hổ vì những cái đã viết.
Vũ Quần Phương
bảo đúng là thế hệ trước không thể hiểu nổi thế hệ sau.
Giá vàng lên
40. Một ngàn đồng được hơn hai đồng cân vàng. Giá báo Văn nghệ từ 2 hào
lên 3 hào rưỡi. Giá vé máy bay từ 120 lên 220.
Đoàn Công Tính
bảo, nay là lúc không ở đâu giá ô tô nhà lầu rẻ như nước mình.
Quân kể hai
nhận xét của các chuyên gia Đức:
- Ở chúng mày
hình như không có luật đi đường. Hình như thằng nào bóp còi to, thằng đó được.
- Nhưng mà tại
sao con mắt mọi người vẫn ánh lên một cái gì đấy?
Tôi bảo :
Còn gì nữa, đó là lòng ham sống.
Sống ở Hà Nội
bụi mù trời, xe đạp kẽo kẹt trên đường vẫn cố đẩy lên, tranh nhau cãi nhau,
giành chỗ, xếp hàng, kiếm lấy một cái áo đẹp...
Bên cạnh
những lúc chán ngán, nhiều lúc nhiều người vẫn muốn kêu lên:
- Thật may là
còn sống còn được làm người.
Muôn năm, muôn
năm cuộc sống! Chiến tranh đã lùi xa. Ngày mai
ra sao ư - kệ nó!
Một người vào miền Nam kể:
- Một gia đình bình thường, làm cho mậu dịch một sản phẩm
nhỏ - ngòi bút viết. Sau ba tháng thu 50 ngàn.
- Một khu công nghệ nhà nước, vốn 700 triệu, nhiều năm lỗ
vốn, mãi 1979 mới lãi 3 triệu. Trích ra 25 vạn làm tiền thưởng.
Tết ở Sài Gòn. Người ta buộc vài chục bánh pháo sau xe hon -
đa, phóng xe, đốt pháo rầm trời.
Sao khi chuyển sang cái nhà xuất bản Tác phẩm mới
này, tôi phải nghĩ về VNQĐ lâu thế, như xưa phải nghĩ về mấy bạn gái vậy
- Chỉ vì ở cơ quan dân sự này hàng tháng không được chia mấy
cân thịt như cơ quan cũ.
Thuốc lá sợi trộn lẫn nhiều lá sắn, giá thuốc sợi 10, giá lá
sắn 4.
Lâm Quang Ngọc kể cả nhà quấn thuốc, 1 tháng được khoảng
300.
Ông Kiên kể: Đang đi đường, đến một quãng lội thấy người xúm lại rất đông. Những thanh niên quần bò áo bay cũng đứng lại, mò mẫm. Xe ô tô qua cũng kệ. Tại sao? Vừa có một xe chở đá lửa đi qua, đánh rơi rất nhiều. Đã có người nhặt được.
Một người cháu ông Vũ Tú Nam gãy tay từ Nam Định phải chở
lên Hà Nội để vào nhà thương. Vì Nam Định không có bột để bó.
- Tại sao các cửa hàng thiếu mì sợi. Vì xe ô tô không chịu
chở loại hàng này. Họ không ăn cắp được.
- Các chuyến xe buýt trong thành phố phục vụ khách rất tận tuỵ. Vì nghề này, người ta bỏ tiền túi rất dễ.
Rau muống 1-1,2 đồng một bó. Nhà nước không bảo đảm cung cấp hàng cho dân không phải cán bộ. Dân chỉ được phát bìa mua hàng có 3 tháng.
Cách dùng tiền: có gia đình bán hết các phiếu lấy 4000. Để
làm gì? để cho 1 tổ hợp sản xuất vay, lấy lãi 10%. Một tháng gia đình thêm
400 cộng với 1000 tiền lương tạm đủ ăn.
Giá gạo đã lên 9đ một kg, ở Vĩnh Phú lên 10đ.
Lúc xử tử hắn, bố mẹ anh chị em sụt sùi. Hắn giậm chân hét
lên “Các ông các bà có im đi không. Sống với chết cũng thế, việc gì mà khóc”
Ở khu Kim Liên Trung Tự, trước kia những vạt đất giữa các
nhà đều cấm tăng gia mà giành làm nơi cho trẻ em chơi.
Nay người ta cuốc bật cả nền gạch lên để trồng rau.
15/4
Tôi đến cơ quan. Ông Vũ Tú Nam ốm. Ông Phó giám đốc
Mãi đi lên Vĩnh Phú tính chuyện xin giấy (từ đầu năm tới nay chưa ra một quyển
sách nào). Ông Nguyễn Kiên đi Campuchia. Lương tháng 4 chưa có. Nhuận bút, tạm
ứng chưa có. Lại Nguyên Ân con ốm mấy ngày, vẫn phải đi Vĩnh Phú.
Đi mua 1, 5 đ cà phê về, con làm đổ, đánh con một trận, sau
lại hối hận.
Một thiếu uý mang về cho ông bố ở nhà 200 ngàn đồng.
Chắc nhiều nhà văn lại tiếc, sao lại đi viết văn!
Hà kể một phiểu Tôn Đản mỗi tháng được mua theo giá rẻ 3 cân
thịt, 3 cân cá, 2 cân đường, 20 quả trứng, 1 tút thuốc. Ngoài ra còn bánh kẹo,
rau, xà phòng, dép, vải vóc (Cả nhà có thể bấu xấu vào đấy.)
Phiếu đề ông Thông loại Văn nghệ sĩ tiêu biểu, cỡ
ngang thứ trưởng. Những người được phiếu cùng đợt là Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn
Văn Bổng.
25/4
Xã luận báo Nhân Dân nói đến chuyện ở Hà Đông,
một hội trường 800 người đúng lúc đưa vào sử dụng thì bị sụp. May mà do cụ Tôn
Đức Thắng chết, người ta tạm không sử dụng mấy hôm, nên không ai việc gì.
Ở Hải Phòng 1/3 hàng bị ăn cắp.
Công nhân coi kho dùng dao chặt bánh xe đạp của khách gửi về
qua cảng, chỉ cốt lấy mấy cái may ô quấn quanh xe. Hiện trên phải đưa lính về
thay công nhân.
Tổng kết về các vụ ăn cắp, đẩy hàng trên tàu Thống Nhất: 40%
trong nội bộ ngành (nhân viên đường sắt, có cả công an)
30% cán bộ
Chỉ 3% lưu manh chuyên nghiệp.
Ở Hà Nội nghề quấn thuốc lá ế ẩm. vì... thuốc ngoại rẻ hơn
thuốc nội. Bảy hào một điếu More
Hàng mang từ nước ngoài về. Để rút vàng ra.
Một ngày ở khoa ngoại bệnh viện St. Paul, đón chừng 40 vụ đâm nhau mà bị thương.
Báo Nhân Dân 10-4 có bài kể: Ban tổ chức hội
chùa Hương thường lấy tiền của khách gấp 5 -10 lần giá quy định. Cả một hệ
thống tổ chức ở đấy trở thành một thứ cai thầu hung hãn. Có một thuyền học sinh
xuống, theo giá vé, không có tiền hối lộ cho họ, họ không chịu chở, lại đuổi
các em lên. Các em không lên, hai bên xô đẩy thuyền chìm, họ dùng mãi chèo đánh
một em vào gáy chết ngay. Họ giam một cán bộ và một bộ đội trong 8 giờ liền.
14/5
Hình ảnh của một người trên báo chí, sách vở (và cả trong
cái gọi là lịch sử nữa) với thực chất của con người đó, chẳng nhẽ lại có thể xa
cách nhau đến thế hay sao?
Nixon có loạt bài trên Paris match
đăng lại trên Bản tin tham khảo cuối tháng 4.
Chiến tranh thế giới thứ ba đã được chuẩn bị ngay từ đại
chiến thế giới thứ hai. Stalin chiếm đất. Tây Âu phụ thuộc Trung Đông. Liên Xô
tiến vào đó Afganistan Nam Yemen.
Ở châu Phi, tất cả chính phủ mà Liên xô ủng hộ đều là bọn
tham tàn, không đếm xỉa gì đến đời sống trong nước, miễn là họ nghe theo Liên
xô, là Liên xô ủng hộ họ.
Nếu để cho các dân
tộc tự nguyện lựa chọn, họ sẽ không lựa chọn chủ nghĩa cộng sản.
Các đại sứ luôn luôn than phiền với tôi: người Nga rất hay
nói dối. Nói chung là họ hành động không chịu một ràng buộc nào hết. Một châm
ngôn quan trọng của Níxon: Không bao giờ nên nghĩ rằng có một việc gì mà mình
không bao giờ làm.
Những chuyện hình sự:
Một ông già thấy trộm vào vung dao đuổi trộm, nhặt được mấy
ngón tay.
Mấy hôm sau có hai người xưng là công an vào, hỏi han sự
việc, mời cụ lên dồn, kể cho rõ. Cụ đi 2 ngày không về.
Cụ bà ở nhà, tự nhiên có một người đến chơi, tự xưng là
người quen cũ, lâu lắm mới lại thăm cụ ông. Chờ mãi không thấy, khách cáo xin
phép ra phố một chút, gửi tạm chiếc ba lô. Khách không quay trở lại. Cụ bà bồn
chồn, lên báo công an. Công an đến giở ra, trong ba lô: xác ông cụ.
Có khác gì chuyện Thuỷ Hử?
Một người đàn bà trên xe bus thấy người khác bị móc túi, cố nói to lên, giữ hộ. Tên ăn cắp lủi mất. Lát sau, có 2 thanh niên lên xe. Hắn chen vào sát bà ta:
- Chị tốt bụng nhỉ!
- Chị thương người quá!
- Nhân hậu ghê cơ!
Hắn đưa tay lên vuốt má người đàn bà. Máu chảy ròng ròng.
Trong những
ngón tay hắn, có kẹp manh xơ lam.
Thịt lợn lên
40đ 1kg
Gạo hôm 1/5, do
chuyện cắt gạo, lên 10đ5-11đ. Nhưng rồi lại tụt 7,5-8đ
Chung quanh
chuyện gạo nước, cả xã hội ồn lên vì thèm muốn và bất lực.
Nguyên từ mấy
tháng trước, đã thấy nói sẽ phân phối lại lương thực. Chỉ cán bộ nhà nước được
ăn 13kg. Ngoài ra người làm ngoài, có gì cung cấp nấy. Vì nhà nước cũng phải đi
mua bằng giá ngoài.
Đồn rằng đã có
đủ loại Nghị quyết chỉ thị Thủ tướng. Tất cả cảm thông. Nhưng chỉ sau khi có
quyết định thi hành ở Hà Nội một ngày, phải hoãn ngay. Người ta phản ứng quá.
Ph bảo:
- Thế nào là phe?
Bán mấy bao thuốc lá ở đường chăng? Người đó là ai, là mẹ, ta , chị ta. Bọn phe
lớn bây giờ nó buôn bằng ô tô cơ. Lấy xe Von-ga đi chở hàng, mới hiệu nghiệm
chứ. Cánh phe phẩy vớ vẩn ngoài phố, vợ con cán bộ đó, có việc và bảo đảm đời
sống cho họ xem, họ bỏ ngay.
Anh tưởng truy
đuổi phe phẩy thế là công bằng à ? Còn có một chuyện bất công lớn hơn .
Bộ máy xí nghiệp nhà nước nhiều chỗ bất lực, không làm ra sản phẩm cho xã hội.
Lương thấp thật, nhưng lại là cao quá, so với kết quả lao động. Rộng hơn chuyện
một chính sách -- người ta thấy hoang mang, từ nay, đâu là phải trái, sai đúng
bây giờ. Chính trên cũng thấy là nhiều chính sách đã sai quá nhưng không sửa
được gì. Và từ nay, còn hòng làm được việc gì!
Trên bảo: có 1,5 triệu đảng viên. Có cậu nói quá lên bảo
phải đến 0,5 triệu hỏng, đuổi ra khỏi Đảng cũng không tiếc, miễn là đảng trong
sạch.
Tôi nghĩ thế còn trình độ ? Trong sạch làm sao có thể
tách rời trình độ. Vì sự dốt nát đẻ ra không trong sạch.
Một người nói:
Dân mình tốt quá. Ở nước ngoài thiếu cà phê nó đã biểu tình.
Ông Phương Lựu:
một loại dân thíếu cà phê biểu tình, nhưng về vẫn làm ăn hết sức; và một loại
dân không nói gì, nhưng về không làm, lười biếng, đục khoét,-- anh chọn
đằng nào?
Dân Việt Nam có
chỗ dữ của nó chứ!
Từ 6/80 có công văn giấy 1980 giảm 28%
Cụ Hồ gạo một
đồng ba
Cụ Tôn chậm
chạp gạo ba bốn đồng
Bây giờ ông
Duẩn ông Đồng
Gạo bẩy tám
đồng, giá vẫn còn hơn.
Có thể trong
năm 1980
- Lặng lẽ cho
bộ đội về, vì quân quá đông.
- Không tuyển
sinh vào đại học, tuy vẫn tổ chức thi và báo điểm như thường.
Phương Lựu:
Cũng phải nghĩ tới chuyện đó đi thì vừa, chứ cứ đào tạo thế này để làm gì?
Một chuyên gia Liên xô hỏi Bộ Văn hoá:
- Hà Nội không có chỗ nào vui chơi công cộng. Vậy thanh niên các anh tìm hiểu nhau ở đâu?
- Tìm hiểu trong lao động.
- Thảo nào mà năng suất lao động của các anh tồi vậy
16/6
Phổ biến một
nghị quyết mới, có các nhận định
- Người ăn
lương đã đến mức không thể chịu được nữa.
- Chống
tiêu cực, không chống nổi.
- Ta đầu tư
vào xây dựng cơ bản quá nhiều. Nhiều công trình đắp chiếu nằm đấy, khi xong
cũng đã lạc hậu.
- Sẽ gần
như không chiêu sinh đại học thời gian tới. Học sinh hết lớp 10 chuyển về nông
thôn, vào vùng B2 cũ, đi xuất khẩu lao động.
“Phải làm
sao để cho tất cả những cái được in ra, từ vần vỡ lòng cho trẻ em tập đọc đến tờ
báo hàng ngày, làm sao để cho tất cả sân khấu, điện ảnh cho đến một cột áp
phích -- đều phải phục vụ cho cái sứ mệnh duy nhất và cao cả là lay chuyển
những bộ óc sống động của dân tộc chúng ta, cho đến khi lời cầu nguyện nhát sợ
mà các Hội những người yêu nước của chúng ta hướng lên trời “Lạy chúa,
xin cho chúng con được tự do” trong đầu óc mỗi đứa trò nhỏ nhất , sẽ
biến thành lời cầu nguyện chân thành này:” Lạy chúa hãy ban phuớc lành cho
cuộc chiến đấu của chúng con.”
Trích
từ Cuộc chiến đấu của tôi ( Mein Kampf ) của Hitler
Ông Nguyễn
Kiên: Nhà tôi ăn cơm chỉ có tương và cà. Tương có thêm thìa đường.
Một ông chú của Quân ở quê ra:
- Văn nghệ các anh bây giờ toàn trừu tượng.
Báo Nhân dân ngày 17-6 trong mục bạn đọc viết, nêu 3 việc:
1. Nhiều
người khai man về lương thực
2. Một xe lửa
ra khỏi Vinh 2km thì... đỗ lại để cho con buôn vứt hàng lên tàu. (Hôm nọ, đã có
chuyện: nhân viên nhà ga, mang xăng lên tàu, để xăng cạnh bếp, xăng bốc cháy, cả
một toa tàu đi đời)
3. Công ty
san nền chở thuê cho xí nghiệp Chùa Bộc một số than. Không có tiền lót tay cho
lai xe họ không chịu chở. Bàn đưa tiền này cho công ty san nền biến thành tiền
thưởng. Công ty này làm một thời gian, lại không chịu, xui lái xe đòi tiền tiếp.
Chị M. hàng xóm kể : Một bà ở cơ quan có một
đứa con gái chủ nhật nào cháu cũng dậy sớm, khăn áo chỉnh tề, vào thăm Lăng. Dậy
sớm, mệt, bụng đói. Nhưng cố đi để tha bằng được một cái bánh mỳ về nhà gặm
ăn, và sung sướng vì đã kiếm ra tiền.
Nhiều nhà, trẻ con rất hay xếp hàng thăm Lăng (phải
ăn mặc rất đẹp) cũng là cốt để mua bánh mì rẻ. Ba hào một cái.
Oanh kể: Nhiều người bán máu ở các bệnh viện. Nay máu kém
quá, bệnh viện không mua nữa, họ cứ ngồi đấy, bắt mua. Vì họ quen tiêu rộng rồi.
Các nghề ở mỏ đều sớm hủy hoại con người. 30
tuổi không lái xe nổi nữa. Người yếu, mắt kém. Năng suất không lên được. Bữa
cơm công nghiệp của công nhân nhà nước cho 5 hào. Mua được 5 của khoai tây luộc.
Hiền con ông
Thảo kể lớp nó phá hết bàn ghế rồi. Mang dao bầu đến phá. Phi dao găm cho nứt bảng
ra. Khênh bục đi. Bây giờ tất cả lấy dép ra ngồi đất học, thày phải kiễng lên mới
viết nổi lên bảng. Mà có lần học trò vẫn dùng gạch ném lên cửa kính, choang lên
một tiếng, mảnh vụn bắn cả vào người thầy.
Tôi kể Hiền nghe chuyện ông Kháng đã kể cho tôi mấy hôm
trước. Thầy gọi một cậu đọc bài, nó đứng đực ra. Thôi ông cho điểm 1 đi, tôi
về.
- Lớp cháu cũng thế, Hiền nói.
Rồi lúc thầy quay ra viết bảng thì ném phấn lên đầu thầy.
- Lớp cháu cũng thế.
Rồi, sau khi thày xỉ vả cho một hồi, lại viết tiếp thì một
tiếng huýt sáo vang lên. Ngoảnh lại hỏi, không ai biết.
- Lớp cháu cũng thế.
Yến kể: có những bọn học sinh bỏ sang Lào. Hoặc bỏ lên
biên giới (y như hồi trước 1945), sau lại về. Nhà trường không dám đuổi.
Tôi hỏi Hiền:
- Lớp có kính trọng một thầy nào không?
- Có. Có một thày thông thường mới dạy hộ một vài giờ,
nhưng chúng nó rất quý, vì khi dạy, thầy bảo: Tôi sẽ dạy các em những điều người
ta viết trong sách. Tôi phải làm thế. Còn thực tế ngoài đời như thế nào, các em
đã biết.
Nguyễn Minh
Châu: Người đời bây giờ, có cái đặc tính là gian manh. Có người càng giàu càng
gian manh, có người càng nghèo càng gian manh. Càng lên to càng gian manh, càng
bị chèn ép cũng gian manh. Càng trẻ càng gian manh, càng già càng gian manh.
8/7
Ông Nguyên
Ngọc ( Bí thư Đảng Đoàn Hội) phổ biến một số ý của ông Thọ. Ta không ngờ
khả năng quản lý của ta lại kém đến vậy. Kế hoạch lung tung. Có 7000 công nhân
máy kéo. Mà đi nhập một lúc 70.000 máy (ở các nước, 3 công nhân một máy kéo).
Nhà máy đường Văn Điển năng suất 20 vạn tấn/năm. thực chất chỉ làm được có vài
vạn tấn. Vì không có mía.
Giá thu mua
mía 6 xu 2/1kg, rẻ quá người ta không làm. Nhà máy đường trình quy hoạch lên
trên 10 năm nay chưa được thông qua. Thuế nông nghiệp thất thu 50%. Giáo trình
của trường tài chính 20 năm nay không đổi. Cán bộ (cả trung cao cấp) mệt mỏi,
hưởng lạc. Thông thường, hiện nay, cán bộ dưới giỏi hơn cán bộ trên.
Ông Châu
ghé tai tôi: Làng tôi, buôn cả đô la. Bọn con gái chỉ huy được cả lái tàu, bắt
đỗ đâu, phải đỗ đấy.
Về chiến
tranh ở Cămpuchia hiện nay (vẫn lời ông Thọ) ta không thể chủ động như trong
chiến tranh giải phóng. Thương vong trên mặt trận Cămpuchia một ngày tính bằng
con số hàng ngàn (?)
Sao con người
mà tôi biết được trong sách vở phương Tây ghê gớm thế, mà con người trong cuộc
sống của tôi bây giờ vớ vẩn thế.
18-7
- Cơ quan Hội
Liên hiệp VHNT không có thuốc phát cho anh em.
- Xà phòng
mậu dịch từ 0,7 lên đến 3,5đ
Bà Hoàng Thị
Đậu theo thuyền vượt biên không thoát, bị bắt về Hà Nội. Người ta báo cho cơ
quan cũ đến thăm, không ai dám đến. Ông Phong Lê, bà Vân Thanh, bà Chu Nga xin
thế vào xuất ấy. Ông Phạm Huy Thông (Tiếng địch sông Ô) và ông Hoàng
Trung Thông (Mà vẫn mênh mông bát ngát tình) đều lớn tiếng phê bình: sao
lại nhân đạo chung chung thế. Nhỡ bà Đậu là gián điệp thì sao?
26/7
Mưa bão.
Nhiều cây đổ trên các ngả đường. Dân ra cắt ngay, Cty công viên khỏi phải dọn.
Mất điện 3
ngày liền. Mất luôn cả nước, trong khi đó mưa vẫn to. Có nhà đục ống máng ra, lấy
nước. Có lẽ nhà ấy nuôi lợn.
Sau bão, có
thông báo: các khu phố cử một ngày có điện, lại một ngày mất điện (không kể
hàng ngày cả thành phố cắt từ 5h sáng đến 6 giờ chiều). Thư viện Quốc gia vắng
teo, vì không có điện. Ngày hè mà 5h30 chiều thư viện đã đóng cửa.
6/8
Những ngày
cả nước “rồ” vì Phạm Tuân:
- Cho Phạm
Tuân huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất (tướng Giáp. chỉ được hạng ba)
- Sẽ làm
cho cả nhà cửa.
- Một cô
phóng viên bảo Phạm Tuân, anh có thấy không, trong 35 năm từ sau cách mạng tới
nay, tám ngày vừa qua là tám ngày vẻ vang nhất của dân tộc.
Tính bảo muốn
biết nước mình ra sao, hãy đi tàu Thống Nhất một chuyến.
Ông Hạnh đi Liên xô về:
- Chưa bao
giờ tình hữu nghị Việt xô gắn bó như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ giá trị
người Việt Nam ở Liên xô hạ thấp như hiện nay.
Ông Phương
Lựu: Ta đi với Liên xô phải thôi. Nhưng vì đi đã muộn rồi, giá biết mà đi sớm
hơn, cái tư thế sẽ đỡ hèn hơn.
Quốc (Viện
Sử): Chúng ta bây giờ già nhanh vì 3 lý do.
1/ ăn uống
kém
2/ không có
thông tin. Trong xã hội ta, kẻ có kiến thức không phải là kẻ mở đường cho cuộc
sống.
3/ không biết
đối thoại (không thể giao tiếp với thế hệ trẻ)
Quân: cứ đà
này, 5 năm nữa sẽ ra sao?
Đi hội thảo
quốc tế về thanh niên. Trong khi ta còn nói nhiều về lẽ sống thì các nước khác nói nhiều về lối sống, ăn uống xe cộ quần bò áo phông…
Đại biểu Mỹ
bảo: Những người quần loe, tóc dài bên tôi phần lớn tham gia chống chiến tranh ở
Việt Nam. Đám đi lính lại cắt tóc ngắn.
Khủng hoảng
của xã hội Thuỵ Điển là không có mơ ước.
Đăng: Lính
ăn 5,2 lạng một ngày. Chỉ được hơn 2 lưng, có thằng kêu 2 lưng không làm gì được
nữa. Không đủ sức đẩy pháo ra khỏi nhà. Cán bộ cũng cáo ốm. Có mấy chục con lợn,
lính giết cả. Để, lấy gì mà nuôi. Nó lại ăn tranh của người mất.
Ngô Thảo đi
tàu chợ từ Vinh ra Hà Nội 3 ngày 3 đêm. Vì không có dầu máy. Không ai chịu
trách nhiệm hết.
Trên tàu,
70% dân Quỳnh Lưu đi buôn; có một cụ già cũng đi.
- Cụ ở nhà,
còn đi làm gì nữa.
- Chủ nhiệm
cũ đây. Giờ con làm chủ nhiệm, mẹ đi buôn.
Ở Vĩnh Linh, có phong trào rời làng ra bãi cát, để lấy đất trồng trọt.
Gia đình
thương binh liệt sĩ ở thấp nhất; gia đình trung bình ở giữa; cán bộ đảng viên ở
trên cùng.
Một ông xây
hẳn nhà gạch lên.
Bây giờ,
đói, dân bỏ về. Chỉ còn trơ cái xác nhà ông đảng viên kia. Vợ con ông cũng bỏ về
nốt (chung quanh không có cây cối nước non gì hết). Ba ngày vợ bới cơm cho ăn một
lần.
Cơm ở Vĩnh
Linh, tức là khoai.
Chi đoàn
không giới thiệu con một đảng viên lên Đảng, vì 1/ bố nó là thằng tham ô, 2/ là
phản động (đề ra nhiều chủ trương sai lầm)
Cả xã Vĩnh
Thái (?) bảo nhau vào Minh Hải, Thanh Hải gì đấy làm ăn.
Công trường
cầu Thăng Long cứ bỏ đấy, không làm nốt được. Vì không có cán bộ để làm. Cả
công trường không có lấy một chỗ uống nước cho công nhân. Chỉ có một vài quán
phe phẩy. Công nhân không có gì ăn. Chỉ có ăn cắp. Ăn cắp 10kg xi măng trở lên
mới bị bắt. Mà ăn cắp 5kg mới đủ sống.
Vừa rồi Ty
công an đã cho bắt mười mấy người. Đại loại, một tay chuyên môn mua quang sọt
cho công trường, ăn cắp khoảng 20 vạn.
Tất cả các
điều được ghi trong hiệp ước Việt Xô không được thực hiện. Tại Liên xô
chăng? Không, tại ta. Không chuyển gì về tổ chức cả.
Ông Hoàng
Thế Dũng ở báo Quân đội hồi 63 bị bắt ra sao? Đang làm phó tổng biên tập thì bị
xe chắn ngang đường. Bắt đi tù, sau đó 4 năm cho về cạo rỉ ở nhà máy xe đạp, 4
năm nữa cho về nông thôn.
Gần đây, có
người đến bảo ông không làm sao cả. Tự do. 6 tháng mới được phục hồi. Người vợ
đã bỏ đi lấy người khác, con đã ly tán cả. Bây giờ về Thư viện quân đội.
Chuẩn bị lấy
mấy chục nghìn lương trung tá từ đó đến nay.
Ca vè dân
gian
- Ăn rau muống,
uống nước ao, nói chuyện tào lao, bay vào vũ trụ
- Bay vào
vũ trụ làm chi
Sao không
lo gạo lo mì cho dân
Bạn Yến, cậu
D. lấy một nguời vợ hơn tuổi. Gia đình không bằng lòng. Cứ lấy, tưởng sống độc
lập được. Bây giờ vợ đẻ, cửa mình có mủ, dạ con có mủ, phải tiêm kháng sinh liều
cao, người cứ cứng lại, hết sữa, con gửi về cho bà ngoại trông 17 đ một hộp sữa.
Vợ nhớ con khóc mắt sưng húp. D. phờ phạc vì hầu vợ ngày nào cũng phải vào thay
rửa cho vợ. Hạnh phúc và điêu tàn.
Báo cáo trong nội bộ:
- Từ đầu
năm Hà Nội khoảng 80 vụ các cửa hàng lương thực ăn cắp.
- Phân bón
tuồn ra ngoài
- Nhân dân
cán bộ hoang mang, 80% đảng viên không làm công tác đảng, là công tác quần
chúng. Hà Nội định giảm biên chế 20% không làm nổi.
Một chuyên
gia về ngoại thương Liên Xô sang Việt Nam
- Ở đâu buôn lậu ghê nhất
- Madagasca ?
- Việt Nam buôn lậu khác các nước ra sao?
- Nước nào buôn lậu cũng sợ cảnh sát cả. Riêng Việt Nam
buôn lậu không sợ cảnh sát.
Tính kể tôi đã thử buôn thuốc. Nghe nói thuốc cảm đắt lắm, trong kia đồng bạc một viên, ngoài này có một hào. Thế là mua một lọ, hơn trăm bạc. Vào kia, không ai mua cả. Hoá ra lỗ.
Ông Hồ Đắc Di bảo chúng ta đã thực sự tổ chức được một
tình trạng vô tổ chức thật toàn vẹn.
Ý Nhi:
- Con tôi 5 tuổi đã biết bảo: Hồi trước sướng, má nhỉ.
Sự kiện Ba Lan cuối tháng 7 đầu tháng 8. Bãi công, đòi những
người cầm đầu Đảng & nhà nước phải dần dần từ chức hết, kể cả Bí thư thứ nhất.
Không manh động,
nên quân đội Liên xô không dám làm gì. Đưa ra 21 yêu sách thì 20 yêu sách rưỡi
phải chấp nhận ngay từ đầu.
Bài của ông Kania, dịch in trên báo Nhân Dân ngày
17-9, mở đầu bằng những câu rất hay: Trong suốt cuộc đời theo Đảng của mình
chưa bao giờ tôi thấy tình hình đất nước bi đát và phức tạp như thế này.
Kania có một nhận thức rõ ràng, chính xác -- dẫu sao, Đảng
cũng chỉ là một bộ phận của dân tộc, Đảng không thể thông minh hơn dân tộc được.
Thựa ra, toàn bộ tình hình Ba Lan cũng buộc người ta phải
đặt vấn đề như vậy. Bản thân hành động tháng 7 vừa rồi, chứng tỏ giai cấp công
nhân không chịu nhận Đảng làm giới hạn. Giai cấp công nhân còn thông minh hơn Đảng
nhiều.
Giai thoại
Việt Nam bị Liên hợp quốc đuổi. Nằn nì mãi, nó bắt phải
khai lại lý lịch.
Họ và tên:
An Nam, tức Việt Nam
- Nghề
chuyên môn: đi ăn xin...
- Anh em:
Cămpuchia và Lào nhưng đều vô nghề nghiệp
- Sở trường:
đánh nhau
- Mức sống:
thấp nhất thế giới.
... Nếu ở lại,
xin tích cực đóng góp vào việc thảo nghị quyết.
Một tờ báo
Pháp
Nước Việt
Nam luôn luôn nói theo chủ nghĩa xã hội nhưng họ lại hành động như chủ nghĩa đế
quốc và sống như chủ nghĩa phong kiến.
Sinh ra
trong nghèo đói, hiện nay đất nước đó lại đang hấp hối trong nghèo đói.
Ông tổng
thư ký Liên hợp quốc họp báo ở Paris sau chuyến đi Việt Nam
Ở đây, khi
lương người nhân viên bình thường, không mua nổi 2kg thịt 1 tháng thì không thể
bàn về nhân quyền được. Miền Nam đó là một thuộc địa của Mỹ nhưng Hà Nội là một
thành phố chuồng chim.
Nghề của
tôi là đọc diễn văn và nhiều lúc tôi chán ngấy việc này. Nhưng ở Việt Nam, nhà
cầm quyền được tiếng là kiên cường, không hề có việc gì khác, ngoài việc đọc diễn
văn. Họ, trong lúc này, không biết lo cho dân họ việc gì cả. Trước đây ít ngày
tôi từng phải tham gia một hội nghị chống di tản. Tôi không thích gì việc di tản.
Nhưng đến Việt Nam lần này, tôi hiểu tại sao người ta di tản. Đó là cái cách
duy nhất giúp cho người ta tồn tại.
Tôi hiểu 25
vạn người Việt Nam đi được nước Mỹ trợ giúp. Tôi muốn người Mỹ làm việc đón tiếp
tốt hơn để những người khác có thể tiếp tục di tản.
Trận bão số
6 - 1980 ở Thanh Hoá, 6 huyện bị lụt, nhà cửa mất 80%
Một cái cầu
nhỏ, cầu Tào Xuyên bị nước đe doạ. Người ta phải cho cả một toa tàu chở đá đến
để giữ cầu, rồi lại phải đục nhiều chỗ đường tàu thì nước mới thông nổi.
Đột xuất kiểm
tra xe ôtô Hà Nội - Hải Dương, khoảng 50 vé, thì 17 vé do nhà xe tuồn ra ngoài,
bán lãi 15đ 1 vé
Trần Ninh Hồ
được chia nhà. Do quen một người cùng làng, làm ở Sở nhà đất. Tết cả nhà mình đến
bỏ bom nhà nó, Trần Ninh Hồ cắt nghĩa.
Ông
Ma Văn Kháng đi nhà máy dệt Nam Định về kể:
1.000 công nhân, 1.000 người ăn cắp. Ra cửa, khám nhau như thời Pháp.
Mỗi người
chỉ lấy ngày 1 hay 2 con sợi cũng đủ chết.
Cái đau nhất
là một chiến sĩ thi đua 7 năm liền, giờ ăn cắp.
Phải bù cho
công nhân bằng cách bán vải bù cho họ, 5 đ độ 20 mét vải, ra họ bán ngoài.
Mới đầu chủ
trương ai ăn cắp và nghỉ bừa, không được mua kiểu đó.
Sau họ chỉ
đề nghị: tha cho người nghỉ bừa
Lý do vỡ trận như vậy
- Trả lương
quá thấp. Vải làm ra, tiền lãi nhiều, lương chỉ đáng vài phần trăm, y như thời
Pháp.
--Tỉnh đánh nhau. Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam
Ninh đi vào Lâm Đồng thăm khu kinh tế, mang theo 3 vạn đồng tiền mặt, vài tấn
đường, rất nhiều giò, thịt. Phó bí thư đi viện, ở nhà, ban thường vụ tỉnh
uỷ ăn cánh với nhau, cách chức một lúc 11 trưởng ti, gọi đến đàng hoàng bảo anh
bàn giao (phe Ninh Bình đánh đổ phe Nam Hà); cả chủ tịch tỉnh, tay Soạn, mới
lên 13 ngày, cũng phải đi Cămpuchia.
Thủ tướng
Triệu Tử Dương: có thể sẽ phối hợp sự phát triển kinh tế với sự nghiêm khắc về
chính trị, theo kiểu Đài Loan, Nam Triều Tiên.
10/10
Đâu cũng thấy
tin đồn nhóm diễn viên Vân Khánh trốn đi nước ngoài. Họ lấy cớ đi biểu diễn, xuống
Quảng Ninh rồi đi.
Trước đó,
hai vợ chồng Vân Khánh giả vờ ly dị. Đến khoản chia gia tài, họ bảo: thôi, để
bán đi, lấy tiền chia cho tiện.
Rút cục, họ
giải quyết được việc đi khá dễ.
Nghe nói một
sinh viên ta từ Liên xô đi tham dự cuộc thi toán quốc tế ở Anh trốn vào đại sứ
quán Anh.
Có người
thông cảm: Thôi ai được, may người ấy.
Một bài báo
của Tây Đức về Việt Nam có cái tít nhỏ: Một dân tộc lêu lổng
Một bộ phim
của Thuỵ Điển chiếu cho quốc hội hồi trước, đã có nhan đề Một dân tộc không
thể cộng tác. Nay lại có một phim khác mang tên Một dân tộc không thể
khôi phục.
Ông Lê Văn
Lương – thường trực ban bí thư -- đến hội nghị mừng công của nhà máy sản xuất
quạt.
- Các đồng
chí có nói thiếu điện và thiếu nguyên vật liệu
Về điện,
tôi không biết nói thế nào. Tất cả cười. Ông nghỉ một lúc. Còn về nguyên liệu,
các đồng chí chịu khó chạy lấy.
Ma Văn
Kháng bảo y như một ông nông dân.
Những việc liên
quan kỷ niệm Nguyễn Trãi.
Ông Võ Nguyên
Gíáp nói về Nguyễn Trãi, y như nói về Cụ Hồ. Đoạn nói Nguyễn Trãi là nhà văn
hoá, chỉ gợi ra được một chuyện Nguyễn Trãi làm văn.
Chọn nhầm ảnh.
Nhân viên đưa ra một ảnh hơi mờ. Ông Hoàng Tùng bảo bên Hà Nội mới nó có
cái ảnh rõ lắm. Sang lấy về in. Hoá ra ảnh Phan Thanh Giản. Báo phải xin lỗi và
gọi chệch là ảnh Dương Khuê.
Một tay tâm
thần ở chợ Hôm, cầm dao chém đứt đầu đâu 5, 6 người, bị thương nhiều người
khác. Hắn cầm dao đi qua nhiều phố. Cho nên người ta tưởng là có nhiều kẻ đi
chém bậy, lại đổ đi lùng một hồi.
Béc linh gơ
(ĐCS Ý – Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Trường hợp
Tiệp Khắc -- Liên xô bỏ qua cơ hội thí nghiệm mở rộng dân chủ trong nội bộ
các nước XHCN.
Trong chính
trị, không có bản chất với hiện tượng gì.
Những điều
gì chưa xảy ra thì sẽ xảy ra, đang xảy ra.
Từ
nay ĐCS Ý rút bỏ danh từ chủ nghĩa Mác Lê. Đảng chỉ thừa nhận lý tưởng và truyền
thống văn hoá bắt nguồn từ tư tưởng Mác -- Ăng ghen và được đổi mới nhờ các tư
tưởng của Lê-nin
Cái có thể
học ở Mỹ là cách làm ăn có hiệu quả, óc mạo hiểm, một khả năng học tập cực lớn.
Nước Mỹ tiến
một bước dài trong việc không còn đơn thuần coi triết học như một khoa học nhân
văn nữa.
Các nước cộng
sản không chỉ là cộng sản. Đó là những quốc gia với những sự xung đột nhau về
quyền lợi, những sự kình địch nhau, thù oán nhau, những cách đào tạo về ý thức
hệ và những sự cuồng tín riêng
Giáo hoàng:
“Hãy coi chừng nếu tiếp tục sản xuất vũ khí thì rồi cuối cùng, người ta sẽ đem
dùng nó đấy”
Chuyện thất
thu
- Thất thu ở
khâu vận tải hành khách trong thành phố khoảng 30%
- Thất thu ở khâu nhà đất. Nhiều người không nộp tiền
nhà. Từ khâu cho ở, đến khâu có hợp đồng, có khi hàng năm.
Đối đáp trên đường
- Chị làm em mải nhìn, đâm cả vào xe người ta đây này.
- Mày có mê mớ rau muống của tao thì có!
Một người vào nhà Hồng. Bố mẹ Hồng đi vắng. Anh ta chỉ đứng
ngoài cửa.
- Thôi, cứ đứng đây cũng được. Vào, cháu nó lại phải
trông nhà, phiền ra.
27/11
Gạo lên 13 đồng một cân (giải thích
– do lương cán bộ vừa được thêm phần phụ trợ). Guốc mỗi đôi lên một đồng.
Bác Hòa hàng xóm Thụy Khuê giữ trẻ
70 đồng một tháng.
Ông ngoại cháu Tú kể mỗi sáng mở mắt
dậy lại sợ. Đường đường là một ông chủ nhiệm Hậu cần quân khu muốn gì có nấy.
Nay về hưu phải trông hai cháu, trong đó có một cháu nhỏ 4 tháng. Lo cho nó từ
chai sữa, múi cam.
Hai cán bộ công đoàn Đức sang VN,
vào TP HCM quay ra tới sân bay Nội Bài. Xe đi đón hỏng, nằm ở Gia Lâm chữa, bắt
họ phải ngồi sân bay chờ mấy tiếng. Về HN họ chỉ kêu: Cho chúng tôi uống nước.
Uống xong họ bỏ về khách sạn, không dự chiêu đãi.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ tư.
Đến ngày cuối cùng vẫn chưa biết ai sẽ làm chính khóa tới. Bọn tổ chức phải làm
danh sách, nếu ông Đặng Quốc Bảo tiếp tục, cánh này sẽ làm; nếu người mới cánh
kia sẽ làm.
Đại hội chính thức 3 ngày, nếu cả
trù bị đâu 1 tuần. Trở về mỗi đại biểu được: 1 bộ quần áo complet, 1 va li rất
nhiều sổ sách. Trung ương Hội phụ nữ cho mấy chục ngàn.
Tổng công đoàn cho 30 ngàn. Quân đội
cho 1 triệu. Thả nào có tiết mục ông VănTiến Dũng đến trao cờ cho ông Đăng Quốc
Bảo.
4/12
Từ khoảng tháng 10 (hay 11), vụ Đặng
Thái Sơn nổi lên mạnh mẽ.
Dân ai người ta cũng thích, thích
hơn cả vụ Phạm Tuân có lẽ vì Phạm Tuân, là chuyện Tây nó cho, mà đây là tài
thật.
Một kiểu nói dân gian:”Chó nó cũng
lên vũ trụ được, nữa là người.”
Nhiều người coi hiện tượng ĐTS là
tài năng âm nhạc của dân tộc. Bằng Việt bảo hình như âm nhạc, ta còn có Trần
Văn Khê, Nguyên Thiện Đạo, chứ mọi thứ khác có gì.
Khi nói về các khu vực văn học hay
điện ảnh, mình cứ bốc nhau lên, chứ có đâu vào đâu. Còn khu vực âm nhạc mình bị
bắt buộc phải theo Tây, cho nên dễ nên người hơn.
Theo Bằng Việt, nghe tiếng nhạc của
Đặng Thái Sơn, thấy rõ một người rất tự tin. Và có cái chất riêng của tuổi trẻ.
Nó cũng được tới trình độ của những Gilzburg, Oborin, Kogan đấy.
Tôi nhớ hồi mình 20, 22. Hình như
vào tuổi ấy, con người cảm thấy mình có thể làm được đủ mọi chuyện, chỉ hích
một cái, là cả thế giới đổi thay theo(!). Bây giờ thì mất mất cái đó rồi, chỉ
còn lo kiếm sống. Sự khiếp nhược đến quá sớm.
Từ lâu, đã nghe những chuyện xì xào
chung quanh Đặng Thái Sơn. Ra có những chuyện xưa nay giấu. Sơn là con ông Đặng
Đình Hưng, cho nên lúc được trường nhạc bên Liên xô nhận, vẫn không được đi.
Sau bà Liên, mẹ Sơn phải lên nói với ông Đồng mới xong. Đến kỳ thi bên Ba Lan,
Sơn cũng chưa được chú ý gì. Ở Liên Xô điện về nhà cho đi, Bộ ngoại giao+Bộ Văn
hoá bảo không có tiền.
Sau ông Natason, thày giáo của Sơn bảo rằng
nếu không ông ta bỏ tiền riêng cho Sơn đi. Bên nhà phải đồng ý vậy. Ở Ba Lan,
Sơn cũng sống rất khổ. Người khác đi thi, còn có cả gia đình đi theo. Sơn chỉ
có một mình. Đến lúc vào kỳ ba, Sơn thiếu cả quần áo đàng hoàng “Nước mày sao
khinh rẻ tài năng vậy” - bà giữ cửa khách sạn bảo vậy. (Vả chăng vấn để bảo vệ
người cũng rất quan trọng. Ở một kỳ thi như thế này, trên thế giới, nó hại nhau
là chuyện thường. Bà ta phải dặn Sơn là nhớ gõ cửa như thế nào mới mở cửa... Để
tránh kẻ lạ v.v....)
Trần Vũ Mai bảo căn bản là trong
Chopin với tay này có những khía cạnh rất gần nhau. Gần là ở chỗ nào? Nước mình
thường bảo mình anh hùng. Nhưng căn bản là đau khổ ghê gớm chứ gì? Đây là chỗ
làm cho Sơn gần Chopin đấy. Một thằng thanh niên ở Mỹ, sống sung sướng giàu có,
làm sao hiểu được Chopin.
Mỡ lên 40đ một cân. Ở Hàng Lược có
đám cưới lo cho con gái 20.000đ (Riêng cho con 10.000đ để mua nhà). Mỗi bánh
pháo 2,5m.
Cậu Cường gửi cho ông ngoại 100 khăn
mặt mỗi cái bán được hơn mười đồng (bán buôn, bán lẻ có thể 12đ).
Ông Kiên, một cán bộ Đoàn cũ, cho
rằng hiện nay ai cũng nhất trí ở chỗ là thanh niên có vấn đề. Thanh niên nó
đang lảng ra, không gắn bó với Đảng- Nhà nước gì cả. Nó mê tín rất ghê. Tưởng
là nó đùa chơi, nên mặc kệ. Hoá ra nó tin thật. Đang có sự khủng hoảng trên
phạm vi toàn xã hội.
Khai tem phiếu 1981: 20 cột mục.
Báo cáo ông Trường Chinh tại kỳ họp
Quốc hội 12 đại ý nói đất nước tuy thống nhất nhưng hai miền vẫn khác nhau. Dân
ta không có thói quen tôn trọng pháp luật.
Những đứa trẻ trên đường Hà Nội lấy
một cái chổi cùn, đốt lên để sưởi, nhưng reo ầm lên ô - lanh - pích, ngọn lửa
ô - lanh - pích.
Một chiếc xe đạp phóng bạt tử qua
ngã tư. Lúc tôi nhìn theo, thấy một cô gái, đầu để đôi bím kiểu 1960, nhưng mặc
quần loe, xách cái túi lưới thưa, trong có tờ tạp chí Xây dựng Đảng.
Tạp chí Kinh tế Viễn Đông 7/12/80 viết: Kinh nghiệm của các nước cộng sản cho thấy nạn
tham nhũng khó mà thanh toán nếu không phải là không thể thanh toán được; và
theo ý kiến của một số nhà khoa học thì tệ đó thực sự là cần thiết để cho toàn
bộ xã hội khỏi bị chế độ quan liêu của bản thân nó bóp nghẹt.
Sự khốn khó của kiếp người
Cách đây mấy tháng, ở chợ Hôm có một vụ đốt nhà giết
người. Hai người hàng xóm ở cùng nhau, cùng là dân phe. A. đổ xăng
ra nhà, đốt, cho B. chết +với cả chồng, con+ 1 đứa con trong bụng = 4 người
Người ta ồn lên vì nỗi giết người.Toà xử tử hình.Nhưng tất
cả người đi dự phiên toà xin phạt nhẹ hơn. Ai cũng thương khóc.
A. là một người con gái khoảng 20 tuổi. Người nông thôn,
nhưng vì gia đình mẹ chết, bố đi lấy vợ, nên bỏ lên Hà Nội.
Lấy người chồng bây giờ là lấy lẽ. Chồng hiện thời đi cải
tạo lao động ở đâu rất xa. Chị ta phải tần tảo nuôi mẹ chồng, nuôi con. Người rất
tử tế. Trong khi đó, vẫn là tạm trú ở Hà Nội, vẫn không có hộ tịch.
Đối thủ của chị ta cũng trẻ như chị, cũng dân phe phẩy.
Nhưng mụ rất ác.Mụ từng bắt chồng ngồi yên để đánh. Gửi con ở nhà mẹ đẻ, có
chút gì đó phải lôi về, mụ riếc móc: Phen này thì ngồi đấy mà há mồm.
Hai nhà đã chửi nhau đánh nhau nhiều phen. Trong phiển
toà, A. kể có những lần đánh nhau, mụ B. cắn đứt đầu vú chị ta.Trông thấy,
ai cũng rùng mình.
Bởi vậy, A. nghĩ nếu không giết nó nó cũng giết mình chết.
Lúc A. đi lùng mua xăng, một ý nghĩ loé ra. Đốt
cho nó chết, rồi mình cũng đâm đầu vào đấy chết luôn thể.
Nhưng hỏi mãi, chẳng thấy đâu có bán xăng. May có một người
khuyên đến phố Huế, đâu 2, 5 đ một lít.
A. giục mẹ ẵm con đi, một mình ở nhà hành sự. Để thùng
xăng cạnh cửa, giả vờ làm cháy cái gì đó, B. chạy ra, ẩy cửa, xăng đổ tung toé.
Lửa thiêu chết cả mấy người.
A thấy cái chết sợ quá bỏ trốn.
Sáng sớm, ra bến ô tô về quê, có mấy gã con trai tưởng ả
là gái làm tiền trêu, ả bảo đừng có trêu tao, tao vừa đốt nhà thiêu chết người
đây. Công an nghe tiếng bắt lại.
Ra toà, A. chỉ bảo:
- Tôi xin nhận tội chết. Chỉ xin cho con tôi bú một lần cuối
cùng.
Sao mà có hơi hướng Dostoievski quá. Xã hội xấu, đẩy
người ta vào vòng tội ác. Trần Vũ Mai bảo chính người tốt người ta mới hay phẫn
trước mọi việc bất công và sinh ra làm liều.
Thư làm nhà in kể:
-- Em ngày làm cho nhà nước tối thiểu 200, được
lĩnh có 1,5 đ .Một ông khác tính làm ra vài vạn, được lĩnh có 2.000 (1năm).
Tham ô ăn cắp kinh khủng. Có thằng thông đồng với bảo vệ, ngày mang ra
hàng cân báo (nếu in báo). Hiện nay, thằng nào lấy đến 4 tờ cũng bị bắt. (Giá
ngoài, như chị Yên mua, để nhuộm là 4 hào 1 tờ)
Đọc ở đâu đó "Tôn giáo là một nhân tố góp phần ổn định
hoàn cảnh. Sự ổn định này tức là văn hoá".