Trên blog này ngày 26 tháng 11 2019 tôi đã giới thiệu tài liệu Việt Nam văn hóa sử đại cương của Đào Duy Anh https://vuongtrinhan.blogspot.com/2019/11/ao-duy-anh-viet-nam-van-hoa-su-ai-cuong.html
trong đó tác giả có ý miêu tả
sự tiến triển của nhân tố Trung Hoa cổ đại trên đất Việt. Qúa
trình này nảy sinh từ thời tối cổ trước cả thời Hùng Vương và còn kéo dài mãi về
sau.
Lang thang trên mạng tình cờ tôi bắt gặp một bài viết khác của một
tác giả đương đại đang sống ở hải ngoại là Lê Mạnh Hùng trong đó có một số ý như
là tiếp nối và làm rõ các ý tưởng trên của giáo sư Đào Duy Anh.
Bài này trong khi
thiếu đi tính chất bác học nghĩa là thiếu cứ liệu sách vở đầy đủ, lại có sự phân
tích khá tỉ mỉ và chi tiết và có được những kết luận mà chúng tôi thấy thuyết phục.
Mang tên là Tổng
quan về lịch sử Việt Nam, bài này khá dài, ở đây tôi chỉ xin trích ra một phần
đầu và xin đưa lại đường link ở đây để các bạn tự tìm hiểu
Những đoạn
gạch dưới và những chỗ in đậm đều là của chúng tôi.
***
"Herodotus ở Halicarnassus đã viết lại dưới đây những tìm tòi
của mình để giữ lại những chuyện của quá khứ, đế viết lên những thành quả đáng
ngạc nhiên của chính chúng ta và của những dân tộc khác, và đặc biệt để chỉ cho
thấy tại sao họ và chúng ta lại đi vào con đường chiến tranh. "
Đó là câu mở đầu cuốn Lịch sử cuộc chiến giữa đế quốc Ba tư và thế
giới Hy Lạp của Herodotus, có thể nói là cuốn lịch sử đầu tiên của nhân
loại. Câu này tóm lại một đặc tính căn bản của lịch sử, tức là ghi lại những
chuyện xảy ra trong quá khứ
Nhưng cũng như Herodotus đã viết ở trên, ghi
lại quá khứ không, không đủ. Lịch sử còn có nhiệm vụ giải thích. Giải thích tại
sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy, nhất là trong trường hợp lịch sử một dân
tộc.
Không những chúng ta cần
phải tìm hiểu những chuyện gì đã xảy ra cho dân tộc ta, mà ta còn phải tìm hiểu
những chuyện xảy ra đó nó ảnh hưởng và đóng góp như thế nào vào sự hình thành
của dân tộc.
Người sử gia tìm cách vẽ lại lịch sử vì vậy cần phải
tính đến những thay đổi khả dĩ có thể làm chuyển chiều hướng lịch sử trong mỗi
sự kiện lịch sử ghi lại mà nếu không có, có thể khiến lịch sử đi về một hướng
khác. Đó là những "bước ngoặt lịch sử ' mà không lịch sử dân tộc nào không
có.
Lịch sử Việt Nam cũng vậy.
Dân tộc ta hiện nay khác hẳn với dân tộc ta cách đây trên hai ngàn năm. Trong
quá trình tiến hoá của dân tộc Việt chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn. Mỗi
giai đoạn được đánh dấu bởi một bước ngoặt quan trọng mà nếu không xảy ra thì
sẽ đưa dân tộc Việt Nam vào một con đường khác, làm diễn biến lịch sử của chúng
ta khác hẳn đi.
Những bước ngoặt đó tuy không phải ngẫu nhiên
mà có, song cũng không tất yếu phải xảy ra. Chúng là hậu quả vừa của những lực
tác động lâu dài, vừa của một số những tình cờ lịch sử, độc nhất có thể không
bao giờ xảy ra lần thứ hai.
Mỗi bước ngoặt này mở đầu cho một giai đoạn
lịch sử mới mà những diễn tiến của nó lại là tiền đề cho một bước ngoặt kế
tiếp, đưa lịch sử nước Việt sang một trạng thái khác. Vậy thì những bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam
là những bước ngoặt nào?
Nhìn lại lịch sử Việt Nam
suốt từ thời lập quốc đến nay, ta có thể thấy nước ta đã trải qua sáu bước
ngoặt quan trọng.
Bước ngoặt thứ nhất xảy ra khi dân tộc Lạc bắt
đầu tiếp xúc với sự bành trướng của
Hán tộc từ phương Bắc xuống. Các tiếp xúc này có thể bắt đầu từ thời An Dương
Vương nhưng chỉ trở nên chặt chẽ hơn bắt đầu từ khi nước Âu Lạc bị sáp nhập vào
quốc gia Nam Việt của Triệu Đà.
Trong một thời gian dài kể
từ khi An Dương Vương mất nước cho đến cuối nhà Tây Hán, một cuộc đấu tranh âm
ỷ diễn ra để xem dân tộc Lạc có thể tồn tại như một dân tộc thuộc nền văn minh
Đông Nam Á hay không.
Bước ngoặt lịch sử thứ hai xảy ra khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại,
Mã Viện bắt đầu việc Hán hóa toàn diện xã hội Lạc cũ. Giai đoạn này, kéo dài gần một nghìn năm từ đầu nhà
Đông Hán cho đến cuối nhà Đường khi Ngô Quyền cuối cùng đánh bại quân Nam Hán
dựng nền độc lập cho dân tộc Việt.
Trong khoảng gần một
ngàn năm Bắc thuộc kể từ sau Mã Viện này, xã hội dân Lạc đã qua nhiều giai đoạn
chuyển đổi để trở thành một xã hội khác, xã hội Việt hầu như khác hẳn với xã
hội cũ.
Việc chuyển đổi này diễn ra
qua nhiều thời kỳ, với mỗi thời kỳ đánh dấu bởi một số những bước ngoặt nhỏ.
Thời kỳ đầu tiên có thể gọi
là thời kỳ Hán Lạc diễn ra ngay sau
cuộc chinh phục của Mã Viện.
Trong thời kỳ này, tầng lớp quý tộc cũ của dân Lạc thời Hùng
Vương hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn.
Một số bị giết. Một số bị
lưu đầy sang Trung Quốc - Mã Viện đầy 300 gia đình quý tộc dân Lạc sang Trường
Sa, Hồ Nam.
Một tầng lớp quý tộc mới
xuất hiện bao gồm những quan lại và quân sĩ người Hán theo Mã Viện sang đất Lạc
cùng với những tầng lớp quý tộc người Lạc cũ đầu hàng Hán.
Đầu tiên tầng lớp quý tộc
này đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho đất Giao Chỉ tiếp tục nằm
trong đế quốc Hán, nhưng dần dà họ bị
Lạc hóa và có một nhận thức về sự
khác biệt giữa xã hội mà họ sống với xã hội Hán mà họ để lại ở phương Bắc.
Giai đoạn này kết thúc với
đỉnh cao quyền lực của nhóm này qua vai trò của Sĩ Nhiếp và gia đình họ Sĩ vào
thời Tam Quốc. Nhóm này tìm cách tạo ra một sự tổng hợp giữa những giá trị Nam
và Bắc, Đông Nam Á và Trung Quốc.
Nhưng việc tiêu diệt gia
đình họ Sĩ dưới thời Ngô Tôn Quyền đã làm hỏng những cố gắng đó và mở đầu cho
một thời kỳ mới, tạm gọi là thời kỳ Lạc Việt.
Xã hội tại Giao Châu dưới
thời Tôn Quyền không còn là xã hội cũ nữa mà đã bị Hán hóa rất nhiều. Từ Lạc, xã hội này đã trở thành Việt
Những cố gắng cuối cùng của
một số những quý tộc Lạc cũ tại những vùng xa ảnh hưởng của Trung Quốc như cuộc
khởi nghĩa của bà Triệu đã thất bại.
Trong giai đoạn này xã
hội, đặc biệt là tầng lớp quý tộc Giao
Châu, bị dao động dưới hai khuynh hướng, khuynh hướng trung thành với đế
quốc Hán và khuynh hướng muốn tách khỏi đế quốc Hán để tạo dựng nên một quốc
gia riêng của mình.
Các cuộc tranh chấp này
được tiêu biểu bởi hai giống họ, họ Lý và họ Đỗ, trong đó họ Đỗ đại biểu cho
khuynh hướng trung thành với đế chế và họ Lý chủ trương tách ra thành một quốc
gia riêng.
Các cuộc đấu tranh bên
trong nội bộ giữa các giống họ chung quanh việc trung thành hay không đối với
đế chế đã kết thúc với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và việc thành lập đất nước Vạn
Xuân. Khuynh hướng độc lập đã chiến
thắng và chỉ còn vấn đề thời gian trước khi vùng Giao Châu trở thành một nước
độc lập tách rời ra khỏi đế quốc Trung Hoa.
Cũng trong giai đoạn này,
một biến đổi lớn xuất hiện tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Sau mấy trăm năm dưới sự
kiểm soát của đế quốc Trung Hoa, những làng mạc tại vùng này đã bắt đầu bị
ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa thống trị, mở đầu cho sự phân tách dân Lạc cổ
thành ra hai tộc người khác nhau, Việt
và Mường.
Sự phân chia này cuối cùng đã hoàn tất trong giai đoạn thuộc nhà Đường. Sự tham gia của Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục vào cuộc khởi nghĩa của Lý Bí đánh dấu sự đồng hóa hoàn toàn của những người Hán ngụ cư vào xã hội Lạc Việt.
Thời gian độc lập của Lý Bí
và những người thừa kế ông như Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử kéo dài được 60
năm, một giai đoạn kéo dài hai thế hệ và đã để lại một dấu ấn sâu rộng vào
trong lòng xã hội Việt. Chính vì vậy mà
dù đã ba trăm năm thuộc Đường - một đế quốc có một nền văn minh vào hàng rực rỡ
nhất của nhân loại - cũng không thể nào khiến cho dân Việt chấp nhận ở lại
trong lòng đế chế nữa.
Trong giai đoạn này,
giai đoạn Đường Việt, dân Việt hấp thụ rất nhiều từ nền văn minh Đường, ngay cả
trong ngôn ngữ - việc tách rời tiếng Việt khỏi tiếng Mường bắt đầu từ giai đoạn
này.
Chế độ cai trị thời Đường cởi mở hơn cho những người sống tại Giao Châu, có những người Việt đã thành đạt lớn tại triều đình Đường, như Khuông Công Phụ trở thành tể tướng thời Đường Đức Tông. Nhưng những điều đó không đủ ngăn chặn những khát vọng độc lập của người Việt. Và khi nhà Đường suy yếu và sụp đổ, cơ hội độc lập đã đến.
Sau một thời gian dài tự
trị dưới thời họ Khúc, đất Việt đã hoàn toàn được giải phóng và trở thành một
quốc gia độc lập dưới Ngô Quyền.
Chiến thắng Bạch Đằng của
Ngô Quyền đánh dấu một bước ngoặt thới quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Mặc dầu còn những liên hệ mật thiết với đế quốc Trung Hoa, nhưng vận mệnh đất
Việt không còn gắn liền với vận mệnh đế quốc này nữa.
Người Việt đã có thể tự do vạch một con đường
cho đất nước và dân tộc mình.
Xã hội nơi mà Ngô Quyền thành lập vương triều
mới là một xã hội phong kiến cát cứ, có nhiều điểm tương tự với xã hội phương
Tây thời Trung cổ
Sau nhiều thập niên loạn
lạc vào cuối triều Đường, những hào tộc ở các địa phương đã tự thành lập những
tiểu vùng dưới sự cai quản của mình và trở thành những lãnh chúa. Giống như
những lãnh chúa tại phương Tây, họ chịu sự quản chế phần nào của chính quyền
trung ương nhưng hầu như độc lập trong vùng lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, trái với tình trạng của phương Tây thời Trung cổ, xã hội phong kiến Đại Việt lúc đó không có những đô thị với tầng lớp thị dân làm một đối trọng đối với các lãnh chúa và triều đình trung ương. Chính vì vậy mà chế độ phong kiến Đại Việt đã không tạo ra được những sự thay đổi dẫn đến một thể chế dân chủ như tại Tây phương.
Chế độ phong kiến Đại
Việt trong những năm đầu sau khi nhà nước Đại Việt mới được thành lập chịu
những áp lực phân hóa địa phương rất mạnh.
Tàn dư của những tinh thần
địa phương đó còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sau khi Ngô Vương mất, lực
ly tâm của cái tinh thần địa phương này đã tạo ra tình trạng Thập Nhị Sứ Quân.
Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn
Thập Nhị Sứ Quân, kiến lập ra triều Đinh, nhưng vẫn không có thay đổi gì trong
xã hội. Xã hội Đại Việt dưới các triều Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần vẫn là một xã
hội phong kiến, phân chia rõ rệt thành các giai cấp trong đó giai cấp quý tộc
là giai cấp thống trị.
Qúy tộc này là Hán đã VIỆT HÓA
Cơ sở tài chánh nhà nước
vẫn nằm ở trong tay nông dân tại các làng xã mà một phần đã bị chia sẻ cho các
tầng lớp quý tộc qua các điền trang.
Chính vì vậy khi chế độ
phong kiến bắt đầu suy thoái, khi kinh tế điền trang chiếm quá nhiều các tài
nguyên của nhà nước, thì một cuộc khủng hoảng xảy ra mà hầu như không có biện
pháp giải quyết.
Cuộc khủng hoảng vào cuối triều Lý đã không được giải quyết tận gốc mà chỉ thay thế một tầng lớp quý tộc cũ của triều Lý bằng một tầng lớp quý tộc mới của triều Trần. Những chính sách mà triều đình nhà Trần đưa ra trong những năm đầu, hạn chế bớt điền trang của các quý tộc, khuyến khích nông nghiệp đã tạo được một số những ổn định trong đời sống xã hội, nhưng ba cuộc chiến tranh chống nhà Nguyên liên tiếp trong hai mươi năm đã làm đất nước kiệt quệ. Việc phát triển thái ấp điền trang vào cuối triều Trần cũng có tác động như vào cuối triều Lý.
Nó làm cho chính quyền
trung ương càng ngày càng không có đủ nhân lực cũng như tài lực để đối phó với
những khó khăn thời thế tạo ra. Các cải tổ của cha con Hồ Quý Ly nhằm củng cố
chính quyền trung ương, hạn chế điền trang, hạn chế nô tỳ chỉ là những biện
pháp nửa vời không có tác dụng bao nhiêu. Và đất nước lại một lần nữa rơi vào
tay đế quốc Trung Hoa khi nhà Minh dưới triều Vĩnh Lạc trở nên cường thịnh muốn
phát triển sức mạnh của họ ra ngoài biên giới truyền thống của đế chế.
Hai mươi năm cai trị của
nhà Minh đã đẩy xã hội Đại Việt đi vào một bước ngoặt mới.
Trong cố gắng đồng hóa dân
Đại Việt, nhà Minh đã mang toàn bộ thể chế xã hội tại Trung Quốc áp dụng vào
Đại Việt.
Xã hội phong kiến cũ dưới
thời Lý Trần có thể coi như toàn bộ bị xóa bỏ. Một xã hội mới được tạo dựng lên,
trong đó giai cấp quý tộc cũ không còn quyền hành nữa.
Những cố gắng "Nho
hóa" của triều Minh đã được triều Lê sau đó tiếp tục, nhất là dưới triều
Lê Thánh Tông. Các tầng lớp quý tộc thời Lê, những vương công đại thần nay
không còn có điền trang thái ấp nữa. Họ cũng không có quyền có nô tỳ, có quân
đội riêng. Quyền lực tập trung vào trong tay chính quyền trung ương.
Xã hội dưới triều Hậu Lê được tổ chức rập
khuôn như xã hội Trung Quốc; thành phần sĩ phu được coi trọng trong khi công và
thương nghiệp bị coi rẻ.
Bài viết còn một phần dài nữa,
các bạn nào cần xin đọc tiếp – chú thích của tác giả LMH