Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài, xin giới thiệu một bài viết xuất sắc đọc trong một cuộc hội thảo về nhà văn này năm 2015 của Đặng Thị Thanh Hà (1) mà đến nay tôi không thể tìm lại trên mạng đành đưa theo bản đã lưu trong máy. Những đoạn dùng chữ to nhấn mạnh là của tôi VTN .
Đã tròn một năm kể từ ngày nhà văn Tô Hoài trở về với “cát bụi chân ai”. Năm ngoái, bạn đọc thương tiếc tiễn đưa cha đẻ của chú Dế mèn về với cát bụi. Năm nay, dĩ nhiên vẫn vậy. Người ta vẫn tiếc thương cha đẻ của chú Dế mèn đã làm bạn với bao thế hệ tuổi thơ.
Điều đáng nói ở đây là trong tâm trí của đa số người Việt Nam, cái tên Tô Hoài
chẳng lẽ chỉ có thế? Cuộc đời 94 năm với hàng trăm tác phẩm lớn bé của hơn 70
năm đi và viết, những gì người ta biết về nhà văn Tô Hoài không thể chỉ gói gọn
mãi trong Dế mèn phiêu lưu ký và Vợ chồng A Phủ (hai tác phẩm của
Tô Hoài được trích dạy trong chương trình trung học!).
Phải đọc thôi, những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. Và phải đọc, nhất là người
trẻ. Tô Hoài, ông không chỉ là cha đẻ của mỗi chú Dế mèn và cô Mị không thôi.
Những người trẻ đương háo hức muốn cầm bút thì càng cần phải đọc. Tô Hoài, ông không chỉ là một nhà văn. Những gì ông để lại cho đời, cho
người Việt Nam đã vượt rất xa giới hạn của một người cầm bút. Ông xứng đáng
được lịch sử cảm ơn và đáng được xem là người “giải ảo” cho lịch sử của thế hệ
trẻ với những gì đã viết suốt đời mình.
“Giải ảo”, đơn giản là phơi bày sự thật, những sự thật lịch sử mà người ta muốn
lãng quên và thực sự đã lãng quên. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến, người từng được Tô
Hoài hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu khoa học chia sẻ: “Nghe anh Tô Hoài hồi ức về “những năm tháng, con người
và cuộc đời”, tôi hình dung một lịch sử văn hóa, văn nghệ khác, không giống như
những điều được trình bày trong những bộ sử đã công bố, nó phong phú hơn, sống
động hơn, chứa chất kịch tính, xem ra thảm hơn, mà cũng lớn lao hơn”. Nhưng nếu không có được cái “duyên” nghe Tô Hoài kể chuyện,
ta hoàn toàn có thể hình dung lịch sử ấy qua những truyện ngắn, hồi ký, kể cả
tiểu thuyết, của ông.
Lịch sử
trong các trang viết của Tô Hoài, lịch sử đã được giải ảo, rất “khác”, và
“mới”.
“Khác”,
không phải là đi ngược với những gì ta đã được biết trong sử sách, mà là cụ
thể, phong phú, sống động vượt xa những dòng chữ ngắn gọn, có khi sơ sài, trong
sách sử. KHÔNG ĐÚNG
Người đọc có
khi sẽ giật mình, kinh ngạc, lẫn phẫn nộ vì những khung cảnh thời xưa hiện ra
từ tác phẩm Tô Hoài. Lịch sử thực sự là thế này a? Đọc tác phẩm, cảm thấy Tô
Hoài như đang nắm tay ta lôi tuột vào những ngóc ngách, hẻm hóc để nhìn vào cái
bề sau, bề sâu của những gì mà ta ngỡ như đã biết, biết rõ. Trước mắt ta, Tô
Hoài như đang lật xới bề chìm, bề sâu đó, để phơi bày một khung cảnh “khác”,
một lịch sử “khác”, lịch sử trọn vẹn của những thời, những vùng ông đã đến, đã
sống, đã đi qua.
Những bề chìm, bề sâu ấy có khi “choảng” nhau với những điều đã trở thành chân
lí, đã “hóa đá” trong suy nghĩ của nhiều thế hệ. Người Việt Nam nào mà chẳng
nằm lòng, người Hà Nội nào lại không tự hào vì câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa
nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thế mà trong tập bút ký Chuyện
cũ Hà Nội của Tô Hoài, vùng đất “ngàn năm văn hiến” này lại hiện lên với
những nét, những chuyện, những người chẳng xứng đáng chút nào với danh xưng ấy.
Đó là cái Hà Nội “muôn mặt đời
thường” thời thuộc Tây, “thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp, trở
thành nửa tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê” (Nguyễn Vinh Phúc).
Có ai ngờ vùng đất Thăng Long kinh kì bảy, tám
mươi năm về trước lại là tồn tại một “Phố Mới” là một cái chợ buôn người đầy
kinh sợ. Đến nỗi trông vào “lúc nào cũng thấy ủ ê, hốt hoảng. Những nét mặt
người ngoài đường, người đứng tụ tập ướt át, bẩn thỉu. Cả đến cái ngách cửa hậu
vào chợ Đồng Xuân cũng lôi ra được một nút người sầu thảm như thế”.
Cảnh bắt khách, chào hàng, kì kèo,
xỉa xói như diễn ra mọi lúc với những món hàng là những người đói việc từ khắp
các nơi, các tỉnh, “đêm hôm rút ráy ngủ nghê ở đâu, ban ngày bò ra đứng bày
hàng từng lũ trên đường, trên hè”.
Đến cả mưa bụi cũng khiến cho mặt
đường, mặt người “âm u, xám ngắt, nhẽo nhợt”. Có một Hà Nội nhố nhăng, biến chất, kinh người như thế ở nội
thị và có một Hà Nội lầm than ở các làng ven nội.
Nơi đó, Tây đoan bắt rượu lậu khiến người dân nghèo lâm vào thảm cảnh phải “tù
rượu thay” để có người lo cho vợ con ở nhà, khắp nơi vang lên tiếng ai oán
kể khổ xin ăn của những người ăn mày, tàn tật... “Ngay cả tác giả và bạn văn
Nam Cao nếu không có một người quen ý tứ trả công dạy học lũ con ông ta bằng
gạo thì “không biết chúng tôi có mắt xanh lè giống thằng Vinh hay dì Tư không,
hay còn thế nào nữa…”” (Nguyễn Vinh Phúc). Tô Hoài đã đi qua một thời như
thế của Hà Nội, với tư cách một chứng nhân. Được mệnh danh là “nhà văn của Hà
Nội”, ngoài lý do ông sở hữu số lượng tác phẩm đồ sộ về vùng đất này, một
nguyên nhân xác đáng hơn có lẽ là ông chính là người đi vào tầng sâu cuộc sống
của nơi này và phơi bày nhiều sự thật nhất về Hà Nội, kể cả những nỗi khổ nhục,
những xấu xa, biến chất của một thời mà người kinh kì cũng muốn xóa nhòa trong
kí ức.
Cảnh lầm than, khốn cùng ở những làng nghèo ngoại thành càng hiện rõ hình rõ
nét hơn trong tập truyện ngắn Khách nợ của Tô Hoài. Những mẩu chuyện
bình dị, nhẹ nhàng lại là một sự cụ thể hóa đến tận cùng, đến tàn nhẫn “đời
sống bần cùng dưới ách thực dân” ở làng Nghĩa Đô trước Cách mạng tháng Tám.
Đó là cảnh vợ chồng sẵn sàng chì
chiết nhau, lao vào thụi nhau, hăm dọa đốt nhà chỉ vì một cái chai bán đồng nát
được hai xu rưỡi (Buổi chiều ở trong nhà), cảnh cả làng đi kiếm ăn từ
một cơn mưa mà đứa con gái của anh Duyện vì muốn bắt thêm vài con nhái mà bị
rắn cắn chết, khi chết “hai tay còn ôm khư khư cái giỏ nhái” (Nhà nghèo),
cảnh vợ chồng bỏ nhau chỉ vì cả hai cùng ăn khỏe quá (Cu Lặc),… Đến nỗi
đòi nợ trở thành một cái nghề sinh nhai của những người như lái Khế, những
người mà ai nghe tên “cũng khiếp như nghe tiếng cú rúc đầu nhà”, còn con
nợ như Hương Cay thì đến ba mươi Tết lại mang những vật còn có thể xiết được
như “cái đèn, cái vò gạo và cái điếu ăn thuốc” sang gửi nhà hàng xóm, “đã
thành kinh nghiệm và thói quen”. Riêng loạt truyện ngắn về loài vật: Con
gà trống ri, Đôi ri đá, O chuột, Gã chuột bạch, Mụ Ngan, Đực, Một cuộc bể dâu…
trong tập này chứng tỏ Tô Hoài có một khả năng tưởng tượng tài tình hóm hỉnh
cùng lối văn vừa tinh nghịch vừa tinh tế. Bởi tuy viết về loài vật đấy, nhưng
cái được phản ánh không gì khác hơn là chuyện của loài người, là cuộc sống giữa
xã hội đảo điên.
Những ai đã
quen đọc lịch sử qua những trang viết bằng bút pháp sử thi và cảm hứng anh hùng
cách mạng, có lẽ sẽ hơi… thất vọng và bẽ bàng khi đọc tập Chuyện để quên
củaTô Hoài.
Những câu
chuyện gắn liền với một thời kỳ tranh đấu hào hùng của dân tộc, nhưng những
nhân vật của ông sao mà… thường thế. Đó không phải là những hình tượng anh hùng
được chạm khắc như một điển hình nghệ thuật. Đó chỉ là những dân công, bộ đội,
cán bộ, tự vệ… mà ông gặp hằng ngày, trong những chuyện thường ngày.
Ở truyện
ngắn Những ngày đầu, Tô Hoài đã làm sống lại không khí hồ hởi, hồn nhiên
của những năm đầu kháng chiến ở làng.
Hồn nhiên
thật, bởi những chàng trai, cô gái có bao giờ ngờ được sau một đêm, “cuộc
đời họ cuốn vào những điều xưa kia không bao giờ biết. Cũng như không ai có thể
hiểu tại sao khung cửi, guồng tơ, chuyện làng chuyện xóm hôm qua, vứt đi hết”,
họ trở thành quân dân tự vệ. Hồn nhiên thật, vì họ chưa biết được cái khốc liệt
nào đang chờ đợi mình phía trước. “Làng nào cũng chạy loạn hết, không còn ai
tiếp tế, tự vệ phải đi kiếm ăn để có sức gác. Bữa đói bữa no thất thường. Tuy
nhiên, lúc nào tụ lại chỉ toàn tán gẫu chuyện Tết sắp đến”.
Truyện Khiêng máy kể việc công nhân nhà
in báo Cứu quốc Việt Bắc chuyển cả xưởng in lên rừng. “Một ngày cật
lực khiêng máy, vác giấy, tải gạo, tải muối. Rồi mai lại cật lực khiêng… Tưởng
như mỗi lần ngả lưng xuống thì thiếp đi đến chết. Tiếng moóc-chi-ê ình oàng vào
sương đêm, không biết từ phía nào. Nhưng chẳng có ai có thể chợp mắt. Từ chập
tối đến khuya, người nằm cứ rào rào kháo đủ các thứ chuyện. Chẳng chuyện nào
vào chuyện nào, nhưng thú vị, hả hê. Họ đố nhau ăn uống cái gì ngon nhất, rồi
lấy quần áo ra đổi chác. Quanh quẩn chỉ vài cái cứ đổi đi đổi lại lẫn lộn, như
bọn đánh bạc. Lúc thì ồn ào như đương chè chén ở hiệu cao lâu .Lúc thì tranh
nhau giá cả, bớt xén như ở nhà cầm đồ Vạn Bảo. Lúc lại bắt chước vợ chồng ỏn
ẻn, nũng nịu…”.
Đấy,
họ là những người làm cách mạng, vậy mà có lúc như “bọn đánh bạc”, “chè chén”,
“đổi chác” như thế đấy!
Truyện ngắn Bác
Niệm là cuộc đời của một anh nuôi thời kháng chiến mà thời bình chẳng mấy
ai còn nhớ đến… Bác Niệm có một câu nói mà ngẫm lại thấy đúng cho cả tập truyện: “Ở đời thì người nào việc nấy, cả con chó cũng có việc
của con chó”.
Những người
dân công, bộ đội, cán bộ, tự vệ, anh nuôi… cũng thế. Họ chính là những nhân vật
lịch sử của Tô Hoài, là những người con gái, con trai “không ai nhớ mặt đặt
tên” nhưng “đã làm nên Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm). Mỗi người họ
mang trong mình một nỗi đau, mỗi người họ làm nên một phần chiến thắng. Cái “khác” của Tô Hoài chính là đưa ta tới những gì ta
chưa tưởng, chưa ngờ tới khi nghĩ về thời chiến. Nó
cũng thường ngày thế thôi. Vào thời điểm mới ra đời, tiểu thuyết Mười năm
– mười năm chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng tháng Tám của Tô Hoài –
đã bị chỉ trích vì miêu tả những người cách mạng với những ưu lẫn khuyết, những
cao cả lẫn tầm thường. Kì thực, tác giả đã xây dựng “lớp thanh niên mới lớn,
khỏe, hăng, háo hức” bước đến cách mạng bằng chính những trải nghiệm thời
trẻ của mình và bạn bè đồng lứa thời bấy giờ. Thì
cách mạng cũng là “chuyện thường, người thường, đời thường” thế này
thôi. Nhưng thực sự chính nhờ những điều rất thường này, ta mới thấy lịch sử
thực trọn vẹn, thực phong phú, thực gần gũi mà lớn lao.
Sang đến tập Chiếc áo xường xám màu hoa anh đào, lịch sử hiện ra còn…
thảm hơn nhiều. Đó là thời cách mạng oanh liệt và đau thương của vùng Tây Bắc.
Nếu chỉ được chọn ra một điểm khiến Tô Hoài “khác” với những nhà văn cách mạng
khác, đó chỉ có thể là cái “duyên” với miền Tây, như ông đã thú nhận: “Đất
nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ
quên… Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành
người, thành việc trong tâm trí tôi”. Đến với Tây Bắc, ngón nghề miêu tả
phong tục đã thành sở trường ở những tác phẩm trước như thể cá gặp được nước,
vẫy vùng từ thời xa xưa hủ tục đến những năm cách mạng soi sáng. Hình ảnh những
người thấp cổ bé họng ở miền Tây Bắc đứng vụt dậy thành những người cách mạng đi
“cứu đất cứu mường”,như Mị, như A Phủ, hẳn đã được đề cập rất nhiều trong những
giờ học văn phổ thông, tài năng của Tô Hoài trong việc làm bật lên sức sống của
con người nơi đây không còn gì tranh cãi nữa. Một
điểm khác khiến ta phải phục ông trong tập truyện này vẫn chính là thái độ
“giải ảo” lịch sử. Tiêu biểu là truyện Vượt Tây
Côn Lĩnh, dựa theo nhật ký của một đại đội trưởng trung đoàn Lao – Hà (Lào
Cai và Hà Giang). “Tây Côn Lĩnh là một ngọn núi cao hơn hai nghìn thước
thuộc tỉnh Hà Giang, nối với dãy núi Lùng Chùng Phủng chạy liền sang Trung
Quốc. Tây Côn Lĩnh, cái bình phong thiên nhiên ngăn Hoàng Su Phì phía Tây và
Cổng Giời phía đông. Pháp đóng ở Hoàng Su Phì không ngờ có thể nào quân ta đám
leo một triền núi đá cao ngất không người qua lại bao giờ và, dù đương mùa hè,
trên đỉnh núi cũng rét cóng, đến cây cỏ cũng không mọc lên được”. Một trung
đội thuộc trung đoàn Lao – Hà đã làm được điều đó. Nhưng không phải đánh một
lần thắng ngay. Có những hi sinh không thể phủ nhận được. Trận ấy khiến Pháp một
phen khiếp vía, nhưng “chúng tôi đã phải để trên cả đường đi và về, hai
người trong Bản Quá và sáu người nằm muôn đời trên đỉnh Tây Côn Lĩnh”. Tô Hoài đã không né tránh sự thật, đó là điều khiến ta phải
phục ông. Những ngày ấy, ông đã có một cách nhìn “giải ảo” như thế, thực là một
cách nhìn thực cần thiết cho lịch sử, “một nhân tố tiến bộ trong văn hóa,
nhất là người giải ảo có ý thức đặt sự thật cao hơn những ước lệ và cấm kỵ” (Hoàng Ngọc Hiến).
Ý thức đó có lẽ được thể hiện rõ nhất trong tiểu thuyết Ba người khác
của Tô Hoài. Đây hẳn là một tác phẩm có tính chất “giải ảo” mạnh mẽ, đến mức
ông phải gọi nó là tiểu thuyết. Nhưng ai đọc cũng có thể hiểu đó là những
chuyện thật sự đã xảy ra trong những năm tháng cải cách ruộng đất, ở thôn Am,
thôn Chuôm hay bất cứ cái thôn làng nào có đội về ở miền Bắc thời kỳ 1954 –
1956. Ba người khác đã lột trần bản chất của Cự, Bối, Đình, những anh
đội nhân danh cách mạng, chính nghĩa, lương tri xuống làng, xã để “làm thay
đổi cái làng này, xã này. Cả nước đã đứng lên. Tất cả sẽ bị đánh đổ, bao nhiêu
địa chủ và bọn bóc lột phải bị đạp xuống đất đen, chúng tôi phóng tay đưa bần
cố nông lên vị trí và địa vị người chủ thực sự của đồng ruộng”. Thực chất
những gì mà các anh đội này làm hết thảy đều máy móc, chạy theo những lý luận
xám xịt, những bằng khen hình thức, thành ra vô tội vạ. Họ lộ nguyên hình là
những thằng ngu dốt, lươn lẹo, đểu cáng, hủ hóa. “Nhờ” họ mà những người dân
trong làng từ bần, cố, trung nông đến phú, địa đều bị lôi vào cái xấu, cái ác
không biết mình là nạn nhân hay thủ phạm. Những đêm tố khổ vô tội vạ để đạt chỉ
tiêu địa chủ, những cuộc mít tinh xử án “người có tội”, những ngày dân chúng
tranh nhau chia ruộng, chia quả thực chẳng cần biết đến ai, những đêm “đàn
bà, đàn ông ở đây ăn nằm đùa cợt với nhau như gà”, tất cả hiện lên sinh
động, chân thực đến từng chi tiết khiến ta rùng mình, ám ảnh về cái thời “lầm
lỡ” của cách mạng và giật mình nhận ra có những cái sai vẫn còn tồn tại đến tận
bây giờ…
Lịch sử cần “giải ảo” bởi những câu chuyện như thế. Nhưng có những câu chuyện
tàn nhẫn, ám ảnh đến ngỡ ngàng. Vậy dựa vào đâu mà ta có thể tin những gì Tô
Hoài viết là sự thật?
Tô Hoài từng thú nhận rằng: “Mình
không được học như Huy Cận, Xuân Diệu nên ít chịu ảnh hưởng Tây học và không
biết nhiều về sự hình thành các khuynh hướng văn học. Chỉ là tự nhiên, mình
thích viết về cuộc đời thực”.
Làng Nghĩa Đô trong tập Khách nợ chính là quê ngoại và cũng là quê sinh,
nơi tác giả sống gần hết cuộc đời mình. “Từ những ngày đầu cách mạng, rồi đi
qua chiến tranh, hay về với thời bình, Tô Hoài không ngừng đi và viết. Cho đến
khi ở độ tuổi gần 90, ngòi bút và tâm hồn ông vẫn luôn mở rộng đón những điều
mới mẻ từ cuộc sống chứ không chỉ có hoài niệm về một thời đã qua” (Chi
Mai).
Ngay đến nhà văn Nguyễn Tuân, người
đứng đầu trường phái xê dịch cũng đã từng thốt lên: “Tô Hoài mới là anh đi
nhiều, đi thật, còn tôi là anh đi chơi!”. Nhà phê bình văn học Vương Trí
Nhàn đánh giá Tô Hoài là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất so với các
nhà văn đương thời vì ông “sống đến đâu viết đến đấy”.
Tô Hoài có thời gian làm phóng viên
và chủ nhiệm của báo Cứu quốc Việt Bắc và cũng có thời kỳ là một cán bộ
cải cách.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ kể rằng
bà từng được ông nhắc nhở: “Bây giờ còn trẻ, chưa thấy tiếc thời gian và trí
nhớ, nghĩ ra cái gì chưa viết tưởng vẫn còn trong đầu. Không phải thế đâu. Quên
hết đấy nếu không ghi chép hay là viết luôn ra. Phải viết hằng ngày, không phải
viết cái gì cũng hay cũng vừa ý, nhưng phải viết hằng ngày”.
Phải chăng vì vậy mà những truyện ngắn của Tô
Hoài luôn đem lại cảm giác rất “mới”? Như thể vừa sáng ông chứng kiến, tối về
ông viết ngay. Chính ông là tấm gương của câu nói ấy, suốt đời. Chính cái “mới”
này đã làm nên cái “khác” và cái “khác” ấy lại làm nên cái “mới” của lịch sử
trong truyện ngắn Tô Hoài. Có thể trời phú cho ông con mắt tinh tường để quan
sát, nhìn thấu mọi vật, mọi sự, cũng có thể trời cho ông một trí nhớ tốt để nhớ
chính xác những chi tiết, sự kiện của đời sống thực tại. Nhưng nếu không có nỗ
lực tự thân để mài giũa cái tài ấy hằng ngày, chẳng phải là uổng phí lắm sao?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể lại: “Trong
những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài luôn có tác phong vừa
nghe người ta nói, vừa xem họ làm, vừa sinh hoạt với họ, đồng thời còn ghi chép
lại. Có những đoạn ông ghi lại tiếng chim gáy trong rừng sâu, tiếng chim gáy ở
đồng bằng, hay như tiếng chim nuôi trong lồng, nhốt trong thành phố thế nào…
Những đoạn ghi chép ấy ông đều đọc cho chúng tôi nghe.Mỗi cái đều có sự tinh tế
khác nhau. Từ đó mới thấy nhà văn Tô Hoài làm việc rất tỉ mỉ và những điều ông
đưa ra làm cho chúng ta tin được”. Phải, chúng ta hoàn toàn có thể tin được
những trang viết của ông, tin rằng những nhân vật, chi tiết đã “sống” như thế,
rõ ràng, chân thật, như chỉ mới hôm qua, và tin vào “cuộc đời thực” mà ông đã
bền bỉ đi, sống và viết, “cuộc đời thực” nhà văn Tô Hoài.
Và một lý do nữa để ta trao niềm tin cho ông chính là ý thức về lịch sử, ý muốn
đặt sự thật lên tất cả và tinh thần “giải ảo” mạnh mẽ. Những tác phẩm của ông,
dù là truyện ngắn, hay hồi ký, tiểu thuyết, lúc nào cũng mang đậm chất ký, chất
tự truyện, cũng vì lí do ông luôn viết về những cái thực của mình và bạn bè
mình, người làng mình, luôn tôn trọng những gì xảy ra xung quanh mình, trong
thời mình sống, ở nơi mình đến.
Dù là những tác phẩm được viết sau sự
kiện vài chục năm, có khi gần cả thế kỷ (như tiểu thuyết Ba người khác
ra đời năm 1992, cách xa cuộc cải cách ruộng đất gần 40 năm, hay tiểu thuyết Quê
nhà viết năm 1978 kể về cuộc chiến đấu anh dũng của những anh hùng vô danh
thời kì đầu thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX), nhưng ta vẫn có thể tin
được.
Vì sao? Vì sao Tô Hoài lại viết Quê
nhà sau khi đã viết hai quyển Quê người và Mười năm kể về
những giai đoạn lịch sử tiếp theo cũng của vùng ngoại thành Hà Nội? Còn lý do
nào khác ngoài ý muốn hoàn thiện lịch sử, một giai đoạn chống Pháp trọn vẹn của
vùng đất nơi ông sinh ra và lớn lên. Vì sao ông lại phơi bày cái hiện thực kinh
sợ, những tội lỗi, sai lầm của những người làm cách mạng khi nó đã lùi xa hơn
mấy chục năm? Còn lý do nào khác ngoài ý muốn đối mặt với lịch sử, đối mặt với
“một sự kiện rung chuyển đời sống của hàng triệu người Việt, một sự kiện
không thể tẩy xóa được của lịch sử nước Việt” (Lại Nguyên Ân). Tập bút ký Chuyện
cũ Hà Nội lần đầu tiên xuất bản vào năm 1986 chỉ có 40 truyện, đến lần tái
bản năm 2004 là 114 truyện với “không gian được mở rộng, thời gian được giãn
dài. Chuyện đời, chuyện người phong phú lên nhiều”, không chỉ vùng quê ven
đô mà “cả một nội thị Hà Nội dàn trải trong tập sách” (Nguyễn Vinh
Phúc). Sự bổ sung lớn về số lượng lẫn nội dung của tập bút ký về Hà Nội ngày
càng đồ sộ này khiến ta có thể tin rằng những trang viết của Tô Hoài luôn luôn
“động” và ngày nào còn sống, còn nhớ được, còn
viết được, ông sẽ tận cùng phơi bày những hiện thực đã và đang diễn ra trong
suốt cuộc đời mình.
Phơi bày như thế không có nghĩa là Tô Hoài đang phản bác lịch sử. Chỉ là, ông
đang đưa ra những góc nhìn mà người đã đi qua thời đó chưa thấy hoặc không muốn
thấy, đưa ra những sự thật mà những người sinh sau thời đó không thể biết.
Trong vai trò một nhà văn, ông đã để lại cho con cháu thế hệ sau một thứ tài
sản vô giá, đó chính là những ký ức rõ ràng và trọn vẹn về thời trước. Ai cũng
có quá khứ, một dân tộc cũng thế. Và ai cũng có quyền được biết quá khứ của dân
tộc mình. Tô Hoài đã gánh lấy trách nhiệm “cho biết” về quá khứ với vai trò là
một chứng nhân mang trong mình sứ mạng của người cầm bút. Trong trang viết của Tô Hoài, không phân biệt tốt hay xấu,
cái được đề cao là sự thật, là hiện thực, dù có là hiện thực tàn nhẫn, khốc
liệt, chua cay, đau xót. Làm tốt vai trò, sứ mạng ấy suốt
đời mình, còn ai xứng đáng được tặng những dòng thơ này hơn Tô Hoài: “Tôi
muốn làm nhà văn chân thật trọn đời/Sét nổ trên người không xô tôi ngã/Giấy bút
tôi ai cướp giật đi/Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” (Phùng Quán).
Vì thế, người trẻ hãy đọc Tô Hoài. Phải xăng xái đọc đi thôi. Đọc để thấy ngày
càng trọn vẹn lịch sử của mình và thấy bản thân mình chính là lịch sử. Chẳng
phải lịch sử trong những trang viết của Tô Hoài đều được dựng lên từ những
người vô danh đó sao? Và lịch sử không phải là những gì đã xảy ra mà còn là
những gì đang xảy ra quanh ta, từng giờ từng phút. Cái cách viết nhẩn nha về “chuyện
thường, người thường, đời thường” của Tô Hoài thực khiến ta có cảm giác bản
thân ta là một phần của lịch sử và có trách nhiệm với những gì đã, đang xảy ra
xung quanh mình. Sự “giải ảo” đạt đến bực này quả thực là tài tình lắm!
Và những người trẻ đương háo hức muốn trở thành nhà văn càng phải sớm “lao” vào
Tô Hoài, để vẫn là được “giải ảo”, về chính cái nghiệp cầm bút này.
Ai mang một ảo tưởng đẹp đẽ về nghề văn đến với hồi ký Cát bụi chân ai
có lẽ đều… bật ngửa vì cuộc đời người làm văn hóa ra không phải lúc nào cũng là
phiêu diêu trong những xúc cảm để viết và bán những chữ của mình. Nhà văn cũng
là người và cũng phải đối mặt với cơm áo gạo tiền mỗi ngày, cũng có những nhếch
nhác, những thói hư tật xấu rất “người”. Ngay cả Tô Hoài cũng không giấu giếm những
nhếch nhác đó của chính mình. Vậy thì suy cho cùng, nhà văn cũng là một người
bình thường mà thôi, có hơn chỉ là hơn cái khả năng dùng chữ và tạo chữ, làm
sao để chữ “sống” được, để bán cho người ta, nuôi sống chính mình. Về chữ
nghĩa, Tô Hoài là cả một kho báu, một bậc thầy.
Nếu muốn nghe lời khuyên của Tô Hoài dành cho các nhà văn trẻ, chỉ cần nhớ một
câu này: “…chừng nào chưa phân biệt được “mồm” và “miệng” thì đừng có cầm
bút…”. Thực ngắn gọn mà sâu cay lắm thay! Bởi suy cho cùng, văn chương
chính là chữ nghĩa. Chưa biết tìm đúng chữ có sẵn để diễn tả cho người ta hiểu
cái tâm, cái ý của mình, thì chuyện viết văn, sáng tạo đúng là quá xa vời. Có
đọc những trang viết của Tô Hoài mới thấy nó như một tấm gương rọi thẳng vào
cái vốn ngôn từ của mỗi người chúng ta, để thấy sao mà nó nghèo nàn, còm cõi,
xơ xác đến thảm hại. Có lẽ không ai là không ấn tượng với đoạn văn tả quang
cảnh làng mạc ngày mùa hiện có mặt trong chương trình giáo khoa Tiểu học: “Có
lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì
trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm
lại.Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng
lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng.
Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng
tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xoã
xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng
như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt
ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con
chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác cây
lụi có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một
màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn hanh hao lúc
sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ”.
Đọc Tô Hoài để thấy có rất nhiều chữ
đến nay đã “chết” vì người ta không còn viết, còn nói, còn dùng, để thấy một
thế hệ với ngôn từ nghèo nàn sẽ khiến ngôn ngữ dân tộc ngày càng nghèo nàn. Đọc
Tô Hoài để thấy ta không thể thờ ơ với chữ nghĩa của mình. Đọc Tô Hoài để học
cả chữ lẫn cách làm sống những con chữ đó trong trang viết. Khi được hỏi
về vấn đề: “làm thơ bằng ý hay bằng chữ?”, Tô Hoài đã trả lời
rằng: “làm thơ bằng chữ nhưng vấn đề là người làm thơ sống những chữ
của mình như thế nào?”. Văn cũng thế. Người viết văn phải sống hết những
chữ của mình. Ngoài 20 tuổi, Tô Hoài đã có những truyện ngắn như những lát cắt
sắc và sâu, vì dùng thật đúng, thật đích, thật đáng cái chữ ấy để miêu tả người
ấy, sự ấy, việc ấy. Như chữ “hớp” trong đoạn tả đôi mắt ả con gái trong mắt gã
người yêu trong cuộc hẹn cuối cùng của hai người: “Đôi mắt đăm đắm, đen đen,
ngời như nước giữa hai hàng mi. Gã muốn hớp lấy. Nhưng chưa bao giờ gã hớp
được.Gã chỉ nghĩ đường dài rằng bao giờ nó là vợ mình, thì mình sẽ hớp được hai
con mắt ấy” (Ông giăng không biết nói). Cái chữ “hớp” đã có một đời
sống thật lạ trong văn Tô Hoài. Nó thật nhẹ nhàng mà lại gợi được cái tình cảm
mãnh liệt, mãnh liệt mà lại thầm kín, buộc phải đè nén và chôn chặt trong lòng.
Bao nhiêu cái sắc thái đối lập trong một chữ “hớp” ấy đủ hiểu Tô Hoài đã sống
thế nào, sống đến đâu những chữ của mình.
Muốn sống như thế, bắt buộc phải đi thôi. Sống, đi, đọc, viết, mỗi ngày đều như
thế, đời sống của Tô Hoài là như thế, đã trở thành một cái chuẩn không thể thay
đổi được. Có đi mới học được ý mới, chữ mới, để không lặp lại chính mình, để “Mỗi
chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất
của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có” (Tô Hoài).
Còn nếu không thể đi, thì không thể không đọc. Đọc, và liên hệ, đọc và suy
nghĩ, suy ngẫm, suy tưởng, về người, về ta. Lịch sử là những gì sẽ lặp lại.
Trong chuyện hôm qua có chuyện hôm nay. Hãy để Tô Hoài chỉ ta sống đúng
trách nhiệm với lịch sử và dạy ta biết sống những chữ của mình. Hãy cho
ông sống trong đời ta với nhiều vai trò thiêng liêng, không phải chỉ là
cha đẻ của Dế Mèn và cô Mị.
[1] Sinh viên năm thứ 3, Khoa Báo chí Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM.Đây là chú thích của bài đăng trên mạng 5 năm trước. Tôi đã thử tìm mà không thấy tác giả này xuất hiện một lần nào khác.