VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sưu tầm một số cách xác định khái niệm trí thức

*Do sức khỏe hạn chế, tôi chỉ có thể trích từ trong lưu trữ cá nhân một số đoạn sưu tầm sau mà không thể làm các việc cần thiết khác, mong các bạn lượng thứ.

1/
Dịch từ chữ intellectuel trong từ điển Pháp, “Trí thức” là “người quan tâm đến công việc não bộ vì thị hiếu hay vì nghề nghiệp”. Theo học giả Trung quốc Hồ Thu Nguyên “trí thức là người hiểu trước, biết trước (tiên tri, tiên giác) rồi đem sự học hỏi của mình công hiến cho tiến bộ nhân loại, xã hội và dân tộc.”
Hy Lạp cổ xưa dùng danh từ triết gia (philosopher) hay ngụy biện gia (sophist) trong khi La Mã thì gọi trí thức là nhà tư tưởng (idéologue).
Trung Hoa còn áp dụng cho trí thức nhiều danh xưng khác như Nho, Sĩ, Thánh, Hiền, Văn nhân hay “Độc thư nhân” (người đọc sách).

....
Phác họa một hình dạng rõ rệt cho con người trí thức phức tạp hơn việc định nghĩa.
Có cấp bằng hay tự học (autodidacte) đều có thể được coi là trí thức. Trong sử sách, nhiều bậc Thầy không có bằng cấp chi hết.
Mặt khác, người trí thức không bị buộc phải thuộc giai cấp, tuổi tác hay phái tính nào, có mức sống ra sao hay làm nghề nghiệp gì. Tại các nước chậm tiến, tùy trình độ địa phương, những phần tử, với sức học bổ túc, vẫn được tôn xưng là trí thức.
Chữ “intellectuel” không tìm thấy trong tự điển Larousse 1866-1878 hay Đại Bách khoa 1885-1902.
Trong quyển Vocabulaire Philosophique của Lalande chỉ thấy ghi intellectualisme mà thôi.
Năm 1906, một số chính trị gia và văn nhân tại Pháp gồm có Léon Blum, Émile Zola, Anatole France, Daniel Halévy… ký chung một đơn khiếu nại đòi phục hồi danh dự cho cựu Đại úy gốc Do thái Dreyfus bị kết án sai.
Thủ tướng George Clémenceau gọi văn kiện này “Bản tuyên ngôn của các người trí thức - Le Manifeste des Intellectuels ”.
Kể từ đó, danh từ intellectuel trở nên thông dụng.
Dù sao, vấn đề trí thức vẫn có từ ngàn xưa nhưng luôn luôn gắn liền và biến đổi với lịch sử.
Đúng vậy, dân tộc nào cũng có tạo ra một mẫu người lý tưởng, dưới danh xưng khác nhau và do bản tính hay hoàn cảnh địa lý hun đúc nên.
Ví dụ:
Quân tử ở bên Tàu,
Chính nhân L’honnête homme ở Pháp,
Võ sĩ Samourai ở Nhựt,
Nhà thánh thiện Mahatma ở Ấn Ðộ,
Người thanh lịch Gentleman tại Anh quốc,
Siêu nhân Superman ở Đức,
Hiệp sĩ Chevalier ở La Mã,
Nhà Hiền triết hay Le Sage ở Hy Lạp,
Người cán bộ Apparatchik ở Nga,
Nhà Kinh tài Businessman ở Mỹ…
Còn đối với dân tộc ta, mẫu người lý tưởng thường được gọi là Trai Anh Hùng, Gái Hào Kiệt.
Người trí thức Việt Nam, theo quan niệm cổ truyền, cần có căn bản học thức vững, không ngừng học hỏi và xử thế theo đạo lý, nghĩa là sáng suốt phân biệt đúng sai và phải trái.
Yếu tố “tác phong” được xếp vào hàng đầu trong xã hội VN vốn trọng đạo đức.
Người trí thức chính danh không trung lập trước cái thiện và cái ác.
Không khiếp nhược nín lặng khi phải lên tiếng phản đối vì nín lặng cũng là một ý kiến, một thái độ. Thái độ của kẻ hèn.
Khoa bảng hay chuyên gia, với túi đầy bằng cấp, mà bất xứng thì không được xem là người trí thức.
Danh từ cao quý “trí thức” lắm khi bị bôi bẩn bởi những người ngụy trí thức, trí thức thời cơ, trí thức tháp ngà, trí thức yếm thế, trí thức trưởng giả xa-lông.
Sĩ phu ở một cấp cao hơn trí thức trong lòng quý mến và kính nể của quần chúng vì họ dấn thân cho đại nghĩa, không màng lợi danh và luôn luôn gắn liền sinh mệnh cá nhân với sự tồn vong của Đất nước.
Sự khác biệt giữa khoa bảng, chuyên gia, trí thức và sĩ phu là sĩ phu chẳng những có học vấn căn bản (schooling) và giáo dục bản thân (education) - như ba nhóm kể đầu - mà còn có thêm quyết tâm sống chết cho chính nghĩa quốc gia (nationalist engagement / nationalist dedication),
Tại triều đình, thời vua chúa, kẻ sĩ đứng hàng thứ năm sau các tước: khanh, tướng, thượng đại phu và hạ đại phu nhưng trong dân gian, kẻ sĩ được xếp hạng trên ba giới nông, công và thương.
Theo khoa bói toán cổ xưa, phần tử trí thức có giỏi vẫn thua người số tốt, vận tốt, mồ mả tốt và âm đức tốt (Nhất mệnh, Nhị vận, Tam phong thủy, Tứ âm công, Ngũ độc thư).
Kẻ sĩ không để cho sự mê tín lung lạc. Cuộc đời như một mảnh lụa đào trinh bạch. Con người là nghệ sĩ, vẽ tùy thích nhưng phải gánh trọn trách nhiệm về bức họa do mình tạo ra.
Khi thầy Tử Lộ hỏi thế nào là kẻ sĩ, Khổng Tử đáp: "Trước hết, phải có biết xấu hổ khi làm điều quấy. Thứ đến, hiếu thảo với mẹ cha và chung thủy với bạn bè. Sau cùng, kết hợp tư duy và hành động, sự biết và cách sống".
Đức Khổng còn vẽ ra một road map bốn giai đoạn cho kẻ sĩ noi theo: tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ (tức rèn luyện bản thân, quản trị tốt gia đình, ổn định xứ sở và phục vụ thế gian).
Trong xã hội dân sự văn minh ngày nay kết hợp chính trị, văn hóa, kỹ thuật và kinh tế một cách phức tạp, cái lộ trình cổ điển vừa nói còn giữ nguyên giá trị.

Trên đây là phần đầu bài nói chuyện ngày 25.8.2002, có ghi âm, 
của Luật sư Lâm Lễ Trinh, 
Chủ bút tạp chí Anh-Pháp Human Rights / Droits de l’Homme, 
theo lời mời của Viện Việt Học, Institute of Vietnamese Studies,
 tại 15355 Brookhurst Street, Westminster, Orange County, Californie.
Đã được đưa lên mạng dưới tiêu đề
Sĩ phu thời xưa và kẻ sĩ ngày nay cuộc khủng hoảng của trí thức Việt Nam

2/
Leslie Triệu:
Ở buổi ra mắt Soul Mountain, mấy chữ đầu tiên anh nói: "Là một người trí thức". Vậy, một người trí thức là gì?
Khi đọc Soul Mountain (Linh Sơn) và One Man's Bible (Thánh Kinh của Một Người) tôi cảm thấy anh có một ý thức mạnh mẽ chính anh là một người trí thức.
Thế hệ của anh đã kinh qua đủ loại khổ hình, thế nhưng tôi có cảm tưởng rằng ý thức bản thân như một trí thức của anh nó không giảm bớt mà thực sư đã trở nên mạnh mẽ hơn.
Anh trở nên ý thức mãnh liệt rằng như một trí thức anh phải ứng xử những cách thế nào đó chứ không chỉ an tâm tồn tại là đủ.
Cao Hành Kiện:
Khái niệm người trí thức đáng được bàn tớị
Có một sự khác biệt giữa khái niệm về kẻ trí thức ở Tây phương và kẻ trí thức trong cách định vị ở Trung Quốc.
Ở Hoa Lục, ai qua được ngưỡng cửa đại học thì được xem là kẻ trí thức.
Tây phương thì khác. Giới trí thức không thường bao gồm những người tốt nghiệp đại học hay cao học ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, dù rằng họ có khả năng tri thức cấp caọ
Những thẩm phán không được gọi là người trí thức - họ là những professional, giới có chức nghiệp.
Trí thức là những người đưa ra tư tưởng, những triết gia.
Chỉ có những người dấn thân vào lĩnh vực tư tưởng xã hội một cách độc lập và lĩnh vực sáng tạo mới được gọi là trí thức.Ho viết những tác phẩm phản ảnh tư tưởng, và họ nói cùng xã hộị.
Sự xuất hiện của giới trí thức hiện đại có lẽ khởi đi sau cuộc Cách Mạng Pháp. Họ là những cá nhân tư duy độc lập, nằm ngoài giới quyền quí, không lệ thuộc vào một chế độ quyền lực nào, họ tham dự vào xã hội và lên tiếng trước những vấn đề xã hộị.
Lấy Emile Zola làm một thí du:những gì ông ta nói không đại diện cho quyền lợi của một phe nhóm chính trị nàọ
Ông ta đưa ra hệ ý thức cá nhân của chính ông.
Có những nghiên cứu kinh viện của giới học gỉa và tư tưởng không có liên hệ trực tiếp tới chính trị hay những vấn đề xã hội trước mắt.
Nhưng họ có toàn quyền tự do tham dự.
Ấy là điều kiện tiên quyết và tuyệt đối quan trọng.
Sự chào đời của trí thức Trung quốc diễn ra vào thời điểm phong trào Mồng Bốn Tháng Năm.
Tôi không nghĩ đã có giới trí thức trong xã hội cổ của Trung Quốc.
Chỉ có những người đỗ đạt trở thành quan chức (scholar-official).
Nhưng giới trí thức ngày nay đang đối mặt với một thách thức, bởi vì trong quá khứ tất cả họ đều thuộc về cánh tả, họ là những người đòi cách mạng.
Ở cuối thập niên vừa rồi, khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ, thế giới lý tưởng ngã về không tưởng (utopian idealism) của họ không còn đứng vững, và vai trò phát ngôn mà giới trí thức hiện đại tự đảm lãnh trong quá khứ bị vấn xét.
Từ quan sát của tôi, giới trí thức Pháp dường nhận thức điều này tương đối sớm sủa, đã bắt đầu tự mổ xẻ vấn đề ấỵ Trong lịch sử hiện đại, giới trí thức đã có một ảnh hưởng lớn lao lên xã hội, câu hỏi lúc này là, họ sẽ có ảnh hưởng gì trong tương lai ? Đây là một câu hỏi mới, lý thú.

Trích từ bài Cao Hành Kiện Hành trình một ngày dài của Leslie Zhao Thường Quán dịch


3/
Trí thức là người nuôi dưỡng, bảo vệ, truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và sử dụng chúng như những trung giới trong các quá trình vận động biện chứng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Với quan niệm đó, khái niệm trí thức chỉ có ý nghĩa khi xem xét dưới lăng kính xã hội, và người trí thức chỉ thực sự xuất lộ khi sử dụng các đặc trưng cơ bản của mình: tri thức chuyên môn, khả năng cảnh báo và định chuẩn, để thực hiện vai trò xã hội của chính mình.
“Trí thức là gì?” là vấn đề gây tranh cãi từ lâu. Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Bằng chứng của điều này là hiện có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trí thức đang tồn tại:
trí thức là người lao động trí óc,
trí thức là người có học,
trí thức là người khám phá và truyền bá tri thức,
trí thức là người tích cực tham gia phản biện xã hội,
trí thức là người dẫn dắt xã hội,
trí thức là lương tâm của xã hội,
trí thức là người không để cho xã hội ngủ v.v…
Thậm chí, triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre còn đưa ra một định nghĩa tuy bề ngoài có vẻ hài hước, nhưng rất khó bác bỏ: trí thức là người thích làm những việc chẳng phải của mình!
***Người sưu tầm quên ghi nguồn.


4/
Người trí thức, như tôi hiểu, không phải là người làm hòa dịu, cũng không phải là người tạo dựng sự đồng thuận, mà là người dấn hết thân mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở;
trí thức là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc.
Đâu phải họ chỉ từ chối một cách thụ động mà thôi: họ còn tích cực, công khai nói lên tiếng nói của họ.
Lựa chọn cốt yếu mà người trí thức phải đối phó là: hoặc liên minh với sự bền vững của người thắng trận, người đangchế ngự xã hội, hoặc - và đây là con đường khó khăn nhất - xem sự bền vững đó như đáng cảnh báo, như một tình thế có cơ nguy đưa người yếu và người thua cuộc đến chỗ diệt vong.
Nghĩ đến kinh nghiệm lệ thuộc của kẻ yếu và kẻ thua, người trí thức không quên những tiếng nói và những con người đã bị lãng quên.

Edward Said Về trí thức và quyền lực
(Edward W. Said, Des intellectuels et du pouvoir, Paris, Seuil, 1996)

Trích từ bài của Cao Huy Thuần trên trang mạng 

https://huongsenviet.blogspot.com/2009/05/gs-cao-huy-thuan-co-mot-nguoi-tri-thuc.html?fbclid=IwAR0vf2c7xi-DO7mjHh8COoxTEpBXdZHzXFXJhxT3BTEp9NpkEACwzxyFYFY



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم