VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Thạch Lam: cốt cách một trí thức mới


                         
I

Thạch Lam cho in tập truyện ngắn đầu tay của mình vào năm 1937 và qua đời vào năm 1942.  Sự nghiệp sáng tác của ông như vậy chỉ kéo dài độ khoảng 5 - 6 năm.  Trong cái thời gian ngắn ngủi ấy, khối lượng chữ nghĩa ông đã viết không thể gọi là nhiều.  Tuyển tập Thạch Lam in ra ở Hà Nội 1988 dày 332 trang, khổ 15x22.  Chúng tôi dự đoán: may lắm, tất cả những gì đứng tên Thạch Lam chỉ gấp độ hai lần cuốn tuyển tập đã in, không thể hơn được [1]

Ấy vậy mà trong tâm trí chúng ta, cái tên Thạch Lam vẫn tạo nên một ấn tượng sâu đậm.  Trong số những lý do tạo nên hiệu quả như vậy, có điều quan trọng này: Thạch Lam đã xây dựng được cái thế giới riêng của mình, một thế giới bé nhỏ, hạn hẹp - thậm chí, đôi lúc chúng tôi còn muốn nói có phần nghèo nghèo nữa - nhưng là một thế giới độc đáo không lẫn với ai.  Thế giới ấy lặp đi lặp lại từ truyện nọ sang truyện kia.  Thế giới ấy có cái vẻ riêng, những âm thanh riêng và nhất là cái nhịp điệu riêng của nó.

Chẳng hạn, hãy nói về chuyện trời đất, khi hậu.  Đọc Thạch Lam, rất ít khi người ta bắt gặp mùa hè.  Cũng gần như không có ngày xuân nữa, nếu không phải là thứ ngày xuân mưa phùn gió bấc, tức là mùa đông còn sót lại.  Bối cảnh được tả trong Tiếng chim kêu: “một đêm mưa phùn ẩm ướt và tối tăm về cuối tháng chạp” (Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học,1988, tr.  48 - các số trang nhắc sau đây đều lấy từ Tuyển tập này).  Mấy câu mở đầu của Đói “Một cơn gió lọt vào làm Sinh tỉnh giấc.  Anh thấy cái hơi lạnh của mùa đông thấm qua làn chăn mỏng” (tr. 62).  Một câu ở giữa Người đầm “Lúc chớp bóng tan, trời bắt đầu mưa bụi và gió lạnh” (tr. 99).  Đây nữa, những câu mở đầu Cuốn sách bỏ quên (tr. 117), Gió lạnh đầu mùa (tr. 90) Người lính cũ (tr. 75), Một cơn giận (tr. 43) và khung cảnh được khắc hoạ đầu phần hai tiểu thuyết Ngày mới (tr. 221) Một cái gì giống như vô thức đã chi phối tác giả, khiến ông tự lặp lại mình, mà không hay biết.

Cố nhiên, tương ứng với cái thời gian của se lạnh, của tái tê, buồn bã ấy, là một không gian u tịch và dù ở thành thị hay nông thôn, không gian đó thường có rất nhiều khoảng tối.  “Chung quanh tôi, cái đen tối của đêm khuya dày dằng dặc” (tr. 79) “Diên nấc lên một tiếng rồi chạy trốn vào trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống” (tr. 116).  “Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối” (tr. 146).  “Ngoài đường trời hãy còn mưa, mưa buồn rầu và âm thầm trong tối” (tr.  132) “Trường qua một cái cửa hẹp.  Bóng tối bao bọc lấy chàng như một tấm màn lạnh lẽo” (tr.  221).  Quả có như Phong Lê nói, "Những khoảng tối” và sức gợi của nó thường trở đi trở lại nhiều lần trên trang văn của Thạch Lam.  (Lời giớí thiệu cuốn sách trên, tr.15).  Để xác định cái trục thời gian - không gian mà ở đó nhân vật Thạch Lam hoạt động người ta chỉ còn có cách dùng những chữ: buồn, xám, nhợt nhạt, và … vô vọng.  Vâng, vô vọng, không lối thoát, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Kể ra, ở một thiên truyện như Dưới bóng hoàng lan, còn thấy có mùa hè, những tiếng reo vui, một ít ánh sáng, nó khiến cho bóng tối thì dịu dàng mà không buốt lạnh.  Song đặt vào toàn bộ sáng tác của Thạch Lam nói chung, thì nó lại đứng riêng ra, như một trang sách sắp lạc.  Đúng hơn, cái mơ màng trong Dưới bóng hoàng lan có vẻ như không có thực.  Nó giống như một kỷ niệm.  Chẳng qua, trước cơn xô đẩy của trường đời (một sự xô đẩy khiến nhân vật chính là Thanh “cảm thấy mình bé quá và lại đi xa”), người ta phải gắng tìm lấy một chỗ dựa về mặt tinh thần.  Có chắc là chỗ dựa ấy bền vững không, không ai dám nói! Thành thử bên cạnh phần bóng tối miên man không dứt trong tác phẩm Thạch Lam, cái điểm tươi sáng mà thiên truyện Dưới bóng hoàng lan gợi lên thật cũng chẳng khác gì những kỷ niệm thời thanh xuân còn rơi rớt lại trong nhân vật cô hàng xén mang tên Tâm.  Dù những ngày chợ búa có bừng lên rực rỡ và nhiều màu sắc đến đâu, chúng cũng chỉ là một quãng thời gian ngắn ngủi.  Bởi phần chính trong cuộc đời ấy là một cái gì nhạt nhoà, âm điệu chính của cuộc đời ấy là một cái gì mòn mỏi.  Mà đó không phải là trường hợp riêng của Tâm trong Cô hàng xén.  Số phận những Mai (Trong bóng tối buổi chiều), Liên (Một đời người), Dung (Hai lần chết), nhân vật xưng tôi trong Người bạn cũ v.v đều thế cả.  Trước Nam Cao khá lâu, Thạch Lam đã bày ra cho thấy những kiếp sống mòn.  Ông không đi vào một trường hợp nào thật sâu, thật kỹ.  ông thấy nó ở khắp nơi.  Nó là quá khứ, là hiện tại, lại cũng là tương lai.  Nó là cái mẫu số chung làm nên cuộc sống nhiều người.  Đứng về mặt kết cấu mà xét, trong vẻ đa đạng của đời sống, người ta thường bắt gặp trong tác phẩm Thạch Lam những truyện ngắn dựa trên tình thế chung là cả cuộc đời nhân vật.  Cuộc đời ấy đồng thời là một quá trình chuyển cảnh, sự di chuyển lặng lẽ, nhưng rõ rệt; trong cuộc đời ấy, ánh sáng cứ nhạt dần, con người cứ héo hon dần, cho đến khi chính họ mất hút đi trong bóng tối.  Riêng trong Hai đứa trẻ, thì sự biến chuyển xảy ra chỉ trong thời gian ngắn, gói gọn trong một buổi chiều, nhưng cái hướng biến chuyển cũng đã rất rõ.  Đầu truyện còn thấy có ánh sáng; cuối truyện, bóng tối đã quánh đặc lại.  Trong bóng tối một vài biểu hiện của sự sống có được khắc hoạ như những điểm sáng linh động (mấy người phu ngồi hàng nước, gia đình bác xẩm và cả chuyến tàu nữa, chuyến tàu “rầm rộ đi tới”).  rồi chúng cũng tan biến, nhường chỗ cho bóng tối càng đặm đặc và chắc chắn hơn.  Từ điểm này mà quy kết lên, có thể bảo Thạch Lam là nhà văn bi quan bậc nhất trong giai đoạn văn học trước 1945.  Nhiều lần, trong các thiên truyện, nhân vật của ông biết rằng lẽ ra họ phải kêu to lên, đứng thẳng lên phản kháng, song họ lại “lờ mờ cảm thấy… không đủ can đảm..  không đủ quả quyết với chính mình” (tr.  73).  Đức hy sinh, thói quen nhẫn nại cam chịu có làm cho các nhân vật này có phần cao quý hơn (chúng tôi sẽ trở lại điều này ở một đoạn sau) nhưng mặt khác cũng làm cho họ bé nhỏ đi.  Trong các nhân vật không có cái xu thế chống trả quyết liệt lại hoàn cảnh mà người ta coi là một đặc điểm phải có của nhân vật tiểu thuyết ( có lẽ vì thế mà tiểu thuyết Thạch Lam hay bị chê là đọc kém hấp dẫn?)  Sự chọn lựa của các nhà văn không bao giờ chỉ là việc riêng của các nhà văn đó mà chắc chắn còn biểu hiện sự chọn lựa nào đó của cộng đồng, của xã hội.  Trong lúc chưa giải thích được đầy đủ ý nghĩa cái nhìn bi quan của tác giả Cô hàng xén, chúng ta hãy ghi nhận nhà văn đã lựa chọn, đã có cách nhìn riêng và đã trung thành với chính mình.  Cùng với lối sắp đặt không gian thời gian đã nói, lối miêu tả con người như thế này là đặc trưng cho văn xuôi Thạch Lam, nó cũng là một phương diện làm nên thi pháp Thạch Lam, nếu như chúng ta muốn đi tìm cái thi pháp đó.

II

Để hiểu rõ thêm hình ảnh con người được miêu tả trong văn Thạch Lam nói chung có một điểm phải dừng lại kỹ hơn: hình ảnh của tác giả với tất cả những biến điệu của hình ảnh ấy qua các tác phẩm.

Trong công việc này, người nghiên cứu Thạch Lam có một may mắn: Văn xuôi Thạch Lam là một thứ văn xuôi giàu chất tiểu sử.

Trong cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường in ở Sài Gòn trước 1975, bà Nguyễn Thị Thế, người chị kề với Thạch Lam kể rằng: Về quê ngoại ở Cẩm Giàng, gia đình xin được một khoảnh đất ngay phố huyện, đằng sau nhà là đường xe hoả.  Gia đình vắng, hai chị em chỉ mong có chuyến tàu sau nhà là chạy ra xem.  Nhà ở giữa một xóm chợ toàn người Hà Nam - Phủ Lý.  Các gia đình đó, người làm nghề kéo xe làm mướn, như nhà bác Đối, người đánh cá, vớt tép như nhà mẹ Lê.  Vẫn lời bà Thế kể: Bà tôi dù trong nhà còn ít gạo mà thấy chị Lê đem rá sang, thưa cụ bố cháu mấy hôm nay ốm không đi làm được, các cháu đói từ sáng đến giờ chưa có gạo thổi cơm, là bà tôi còn bao nhiêu gạo đem cho hết.  Rồi nhà lại chuyển từ Cẩm Giàng xuống Tân Đệ, ở Tân Đệ một năm mới lên Hàng Bún Hà Nội.  Đối chiếu giữa lời kể đó với các chi tiết trong truyện ngắn Thạch Lam, thấy mọi chuyện gần như hoàn toàn trùng khít.  Thạch Lam đã chỉ viết những gì mà bản thân ông từng sống. 
Nhưng đấy vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. 
Chất tiểu sử trong văn xuôi Thạch Lam, bộc lộ ra trước tiên là ở nhân vật. 
Thế giới trong Thạch Lam sở dĩ hằn lên rõ rệt, trước tiên vì ở đó hiện lên hình ảnh một con người thống nhất.  Dù viết chuyện chính mình trải qua hay nghe người khác kể lại,[2] tác phẩm vẫn trở thành một thứ chân dung tự hoạ của nhà văn, bất kể ông muốn hay không.

“Trước ngọn gió đầu mùa, tôi không khỏi ngăn được những cảm giác sâu xa và mới lạ.  Tôi đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi của lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn” (V.T.N.  gạch dưới). 
 Trong lời nói đầu viết cho Gió đầu mùa, Thạch Lam hé ra cho thấy con người nhà văn trong ông như vậy.  Và đó cũng là hình ảnh của ông mà người đọc tiếp nhận được qua tác phẩm.  Ông thích yên lặng thích đằm mình trong những suy tưởng riêng tư.  Bởi đời sống, với ông, là một cái gì thiêng liêng, nên chỉ cách sống của ông là cách sống của một người rất kỹ tính.  Chẳng những mọi suồng sã trong tình cảm, mọi xô bồ hỗn tạp trong giao tiếp xa lạ với ông, mà cả những lối sống, lối nghĩ hời hợt, nhợt nhạt, theo ông đều là không thể chấp nhận được.  Trong quan hệ với mọi người, ông có những nguyên tắc chặt chẽ: không ai có thể hiểu hết người khác.  Mọi lời nói ra đều bao hàm những điều chưa nói hết.  Cuộc sống mãi mãi còn những bí mật.  Nhưng sự quan tâm tới mọi người, tình thương với đồng loại, cả những phút se lòng trước đau khổ của những kiếp sống chung quanh thì là điều bắt buộc, thiếu nó, người ta không còn là người ta nữa.  Trong chừng mực nào đó, hình ảnh con người Thạch Lam hiện lên qua tác phẩm có những nét tương đồng với con người A.Tchékhov mà các nhà văn học sử đã mô tả.
      “Ý nhị nhưng buồn rầu, tốt bụng nhưng lạnh lùng, vị kỷ nhưng nhạy cảm với nỗi đau khổ của con người, Tchékhov cống hiến đời mình cho văn học và y học, làm say mê lòng người nhưng lòng mình lại buồn chán.”
Sự buồn chán nói ở đây (và rộng hơn một phần cái nhìn bi quan nói ở trên) thật ra là đồng nghĩa với sự lương thiện.  Chỉ có những người hết lòng với cuộc sống mới cảm thấy hết ý nghĩa buồn chán của nó.

Vả chăng, trong Thạch Lam cũng như trong các nhân vật của ông, sự buồn chán không hề dẫn tới thái độ buông xuôi, hoặc lối sống lưu manh tuỳ tiện.  Khi là một người thợ, khi khác một công chức, một cô hàng xén thậm chí một cô gái trông hàng cho mẹ, song các nhân vật của Thạch Lam có chỗ giống nhau: họ đều là những người tận tuỵ với nghĩa vụ làm người của mình, ở họ, có sự lương thiện, sự trong sạch, dấu hiệu của một đời sống nội tâm ổn định.  Trong khi có vẻ như là chịu đựng, thậm chí như là đầu hàng, người ta lại thấy toát lên ở cái nhân vật ấy một khí phách cứng cỏi: họ vẫn là mình; không hoàn cảnh nào bẻ gãy nổi họ.

Hợp cả lại, bấy nhiêu sự tận tuỵ, sự trong sạch, sự cứng cỏi làm cho nhân vật của Thạch Lam có một nét chung này: sự cao quý.

Từ các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, qua các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, chúng ta biết rằng trong xã hội Việt Nam trước 1945, có một loạt tính cách rất phổ biến là tính cách lưu manh.  Với những kẻ lưu manh ấy, cuộc sống mất hết vẻ thiêng liêng mà nó phải có.  Khi đã lưu manh hoá, con người ta không thấy có sự ràng buộc nào hết.  Luật pháp họ cũng coi thường.  Kỷ cương, đạo đức với họ càng vô nghĩa.  Họ chỉ biết có lợi.  Vì chút lợi nhỏ các nhân vật trong những Tôi xin hết lòng, Răng con chó của nhà tư sản, Một tin buồn, Đồng hào có ma v.v dám làm bất cứ việc khốn nạn nào.  Vì những món lợi lớn hơn, Nghị Hách sẵn sàng nhúng tay vào những việc kinh thiên động địa, bất chấp cả lễ nghĩa và liêm sỉ.  Đám lưu manh ấy chen nhau xô đẩy nhau mà sống, rút ruột nhau, phỉ báng nhau, hành hạ nhau.  Và qua cách miêu tả của Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng họ ngày càng đông đảo hơn và trở nên đểu giả hơn.  Các nhân vật của Thạch Lam thuộc vào một thế giới hoàn toàn khác.  Trong khi những bác sĩ, kỹ sư, bà phán, ông Nghị, ông dân biểu ở Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng cũng cư xử như một lũ vô học đích thực, thì ở Thạch Lam, đến mấy cô điếm cũng có cốt cách sang trọng của người được giáo dục cẩn thận từ nhỏ.  Trong Tối Ba mươi, ngay ở chốn lầu xanh bẩn thỉu, hai nhân vật Liên và Huệ vẫn cúng tất niên một cách thành kính, như bất cứ một ông đồ có học nào.  Mặc dù phải làm một cái nghề khốn nạn, nó cho phép người ta nguyền rủa cả loài người, song Huệ cũng như Liên vẫn rất gần gũi với những Tâm (Cô hàng xén), Mai (Trong bóng tổi buổi chiều), và nhiều nhân vật phụ nữ khác trong Thạch Lam.  Thậm chí họ hơi cổ nữa.  Song đạo đức mà họ noi theo ở đây rõ ràng là một thứ đạo đức truyền thống đã bắt rễ sâu vào cuộc sống của những người dân thường trên mọi miền của xứ sở.  Không phải ngẫu nhiên, năm 1940, khi Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân vừa in, Thạch Lam nhận ra ở đó sự gần gũi về mặt đạo đức.  Trên báo Ngày nay, số ra 15-6-1940, ông khen ngợi Vang bóng một thời nói chung, đặc biệt Ngôi mả cũ nói riêng (“truyện ngắn hay nhất của toàn tập”) do chỗ nó gợi chúng ta cái hương vị cũ kỹ và nhẫn nại của sự hy sinh.  Dường như đó cũng là lúc Thạch Lam nhận ra ở Nguyễn Tuân một người cùng chí hướng cùng quan niệm: đi tìm chỗ dựa cho con người ở những giá trị đã ổn định trong quá khứ.

Chính định hướng về nguồn ấy đã là một nét làm nên cốt cách trí thức của ngòi bút Thạch Lam, một yếu tố căn bản tạo nên sự độc đáo của Thạch Lam trong nền văn học 1930-1945


III

Cùng với các truyện ngắn, các tiểu luận của Thạch Lam cũng được viết ra một cách tâm huyết, ở đây, lại hiện rõ cái hình ảnh con người tác giả mà trên đây chúng ta đã thấy.
 Chẳng hạn, khi tác giả nói tới hướng tìm tòi lẽ ra nên có ở mỗi người cầm bút chân chính:“Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”.  (tr.  294)
 Lại chẳng hạn như khi tác giả dựng nên chân dung loại bạn đọc lý tưởng mà thời nào cũng hiếm.“...  Họ không cần chú ý đến cách xếp đặt và bố trí câu chuyện trong tiểu thuyết.  Họ cần gì vai chính này về sau có lấy hay không cô thiếu nữ xinh đẹp kia? Họ cốt chú ý đến cách diễn đạt tâm lý của tác giả, có đúng hay không đúng, hời hợt hay sâu sắc.  Vì vậy, họ dửng dưng với cái tốt, xấu của người trong truyện: cái tâm lý của một bậc thánh hiền” (tr. 293)
 Hoá ra ở Thạch Lam không chỉ có sự rung động đến cực điểm, sự tinh tế, sự ý nhị, như người ta vẫn nói.   ông còn có sự dũng cảm nữa.  Dũng cảm vượt lên những gì bình thường.  Dũng cảm trong những tìm tòi đơn độc mà chưa chắc lúc đầu, đám đông chung quanh đã thông cảm. 
Theo một quan niệm dung tục nào đó đã thành lối mòn trong ý nghĩ, nói đến trí thức là người ta nói tới bệnh xa quần chúng, cùng là thói quen đơn độc xa cách mọi người.  Với Thạch Lam, chữ trí thức có một nghĩa khác.  Trí thức là những người có sứ mệnh đi tìm sự thật.  Trong khi có vẻ tách xa nhân dân, đi trước nhân dân, thực ra họ lại hết lòng vì nhân dân.  Phải nói chính trí thức là lương tâm của nhân dân nữa, như cách hiểu của Tchékhov. 
Mặc dù là một thành viên chủ chốt của Tư Lực Văn Đoàn, và là em ruột của Nhất Linh, Hoàng Đạo, nhưng, đúng như các nhà văn học sử lâu nay đã lưu ý, Thạch Lam vẫn có cách tồn tại của một nhà văn độc lập.  Chỗ khác giữa ông với các tác giả Đoạn tuyệt, Con đường sáng không phải chỉ ở trong thái độ đối với các vấn đề của đời sống bấy giờ, mà còn là ở cách hiểu về vai trò của người trí thức nói chung trong xã hội.  Tuy ông không trực tiếp nói ra, song gọi bằng ngôn ngữ ngày nay, có thể bảo ông xa lạ với mọi lối dấn thân.  Giá không qua đời từ năm 1942, chắc ông cũng không nhảy ra làm chính trị như mấy người anh ông đã làm, trong buổi chợ chiều của nhóm Tư Lực.  Bản tính của ông khác.   đây, có thể có những lý do thuộc về lịch sử.  Thời gian mà Thạch Lam lớn lên, như các nhà sử học thường lưu ý, là thời gian người trí thức Việt Nam vừa qua cơn khủng hoảng -- vụ Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học.  Mặc dù không chịu ảnh hưởng của sự kiện đó một cách trực tiếp, song có thể nói một người nhạy cảm như Thạch Lam, đã sống qua cơn khủng hoảng đó một cách đầy đủ.  Chính các tác phẩm của Thạch Lam mách bảo với chúng ta điều đó.  Thiên truyện Người lính cũ có nét gì như là một thứ cảm đề của Nhớ rừng (Thế Lữ): nỗi tiếc thương về một thời tốt đẹp đã qua và không bao giờ trở lại nữa.  Nếu ở Người bạn cũ sự bất lực của người trí thức ham hố dấn thân hôm qua được trình bày với tất cả sự trơ tráo bẽ bàng của nó (nhân vật xưng tôi xa lánh cuộc đấu tranh, từ chối không dám giúp cả người nữ đồng chí cũ), thì đến Tiếng chim kêu (câu chuyện một tối mùa đông, hai anh em nằm trùm kín chăn, không còn hiểu sự đời là gì), sự bất lực ấy hiện ra kín đáo hơn nhưng lại sâu sắc hơn: nó đã vào tận trong tiềm thức con người.  Hình như cái nhìn bi quan của Thạch Lam về cuộc đời là có một lý do cụ thể như vậy.  Có thể thấy thái độ đơn độc của Thạch Lam thật ra có lý do sâu xa, nhất là khi ta liên hệ nó với cách ứng xử của người trí thức trong những xã hội tương tự như xã hội ta trước 1945.  Thời Thạch Lam sống chưa có chủ nghĩa hiện sinh.  Nhưng chắc chắn là Thạch Lam có biết A. Gide và đã chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn này với một quan niệm tự do đến mức gần như tuyệt đối mà A. Gide thể nghiệm.[3]  Dĩ nhiên, đến Thạch Lam quan niệm ấy được ản kín đi và trở nên mềm mại hơn, nhưng đúng là vẫn có nó, nó âm thầm sống trong tâm trí ông, có thể có lúc nó làm cho bản thân ông chán chường mệt mỏi khó tìm được người thông cảm, nhưng nó lại làm cho Thạch Lam mãi mãi độc đáo, không giống ai hết.  Đặt trong hoàn cảnh cụ thể (việc ông có chân trong Tự Lực Văn Đoàn và có hai người anh là Nhất Linh và Hoàng Đạo) phải nói là quan niệm tự do trên đã cứu Thạch Lam, làm cho ông không vướng vào mọi chuyện phiền nhiễu ở Hà Nội trước 1975 mà đến thẳng với sự tiếp nhận của hậu thế.
 Có một phương diện rất quan trọng, người ta thường đặc biệt lưu ý mỗi khi xem xét các trí thức, đó là thái độ của họ với nhân dân.  “Đọc Nhà mẹ Lê, có lúc lầm tưởng như Thạch Lam có đi theo một đội phát động nào.” - Một lời khen vậy của Nguyễn Tuân chưa chắc đã trúng nhưng có góp phần giải thích sự yêu kính Thạch Lam  của bạn đọc xã hội chủ nghĩa”.  Tuy nhiên, đấy chưa phải là chỗ mạnh riêng của Thạch Lam.  Trừ những kẻ bất lương, còn đa số các văn nghệ sĩ Việt Nam sống gần nhân dân và thường xót xa mỗi khi nghĩ đến nỗi khổ của nhân dân.  So với họ, Thạch Lam chỉ có một chỗ khác: ông không trừu tượng hoá nhân dân để rồi lý tưởng hoá họ và có khi sa vào chỗ lừa mị họ nhằm mưu lợi.  Con người đơn độc trong Thạch Lam chống lại lối hùa theo đám đông một cách vô trách nhiệm.  Ông muốn tác động vào nhân dân bằng cái cách riêng của người trí thức.  Đằng sau những trang viết khách quan, lặng lẽ của Thạch Lam thấm đượm một lời kêu gọi tha thiết, nó cũng là cái điều mà các trí thức lớn ở nhiều nước vẫn thường tự nhắc nhở: sứ mạng của trí thức là góp phần vào việc giải phóng nhân dân.

Cũng trong văn học 30-45, có một nhà văn cũng viết nhiều về trí thức, là Nam Cao, nhưng quả là tâm thế trí thức ở Nam Cao và Thạch Lam hoàn toàn khác nhau.  các nhân vật của Nam Cao, thường có một nét chung, là họ quá nhiều thèm muốn, luôn luôn trong họ có những ước ao nho nhỏ, ước ao chính đáng mà không sao thực hiện nổi, cho nên cũng không sao dập tắt nổi - ước ao từ miếng cơm, manh áo, điều kiện tối thiểu để làm việc cho đến những phút thanh thản bên ánh trăng mơ màng, những người đàn bà nhàn hạ, ngồi ghế xích-đu, và cả...  sự nổi tiếng trên văn đàn nữa.  Phải tự đấu tranh rất căng thẳng thì những Điền, Hộ, Thứ...  đó mới khẳng định được với chính mình rằng nhân dân nói chung, những người chung quanh nói riêng là rất tốt đẹp, và nhà văn phải có sứ mệnh viết về những sự tốt đẹp đó, còn mọi chuyện khác chỉ là phù phiếm.  Những phút tự đấu tranh nội tâm căng thẳng như thế không thấy ở các nhân vật trí thức của Thạch Lam.  Hình như ở họ không có gì phải thèm muốn.  Những điều mà người trí thức ở Nam Cao ao ước thì họ đã có rồi, những điều mà những Điền, Hộ, Thứ...  cố sức tự thuyết phục họ, thì với nhân vật Thạch Lam là chuyện đương nhiên.  Phía trước các nhân vật của Thạch Lam có cái đích khác: làm sao để hoàn thiện mình, từ đó, bằng cách đó, ảnh hưởng tới mọi người: Sở dĩ ở đấy phải dùng chữ tự hoàn thiện của Tolstoy vĩ đại, vì quả là với các nhân vật của Thạch Lam, vấn đề đó dã lờ mờ được đặt ra (các truyện ngắn Một cơn giận, Sợi tóc và tiểu thuyết Ngày mới).  Cố nhiên sự liên tưởng nên dừng lại ở chỗ đó.  Là con em của dân tộc này, các nhân vật trí thức ở Thạch Lam vẫn nằm gọn trong khuôn khổ đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung.  Trong ông không có đất cho những suy nghĩ siêu hình.  Thường ông chỉ mới thiết tha chống lại mọi sự giả dối và cố gắng tìm đến sự thật mà chưa bao giờ đặt vấn đề về niềm tin, chân lý, như trí thức Nga chẳng hạn.  Nhưng đối với sự thật thì Thạch Lam có thái độ triệt để đến cùng.  Con người tha thiết với điều thiện, cái đẹp đó cũng là con người biết căm giận với mọi biểu hiện sống xấu xa bỉ ổi (một lối căm giận đến khinh bỉ không buồn nói như trong truyện ngắn Trở về mà nhà văn Khái Hưng trong lời tựa cho Gió đầu mùa đã tỏ ý khâm phục).  Và con người từng lặng lẽ tìm đến những giá trị chân chính trong truyền thống dân tộc đó lại là người dám nhận xét về người mình, nước mình một cách thẳng thắn.  Không biết bao nhiêu lần, trong Hà Nội ba mươi sáu phố phường, nhân bàn về chuyện ăn uống, Thạch Lam nói rõ ra rằng người mình thường ham rẻ, nhẹ dạ, chỉ đủ sức săn tìm những thành công vặt và rất dễ bị lừa gạt.  Rộng hơn câu chuyện ăn uống, nhiều phen ông còn đi tới những nhận xét khái quát hơn:
“Nhưng phong trào ở nước ta, bất cứ phong trào gì, đều có một tính chung: là nông nổi, chỉ hời hợt bề ngoài.  Cái mà chúng ta thiếu nhất là sâu sắc.  Bởi ta không chịu phân tích và suy xét kỹ, nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt.  (tr.284).

“Chúng ta có cái đời sống bên trong rất nghèo nàn và rất bạc nhược.  Những tính tình phong phú, dồi dào hay mãnh liệt, chúng ta ít có.  Chẳng dám yêu cái gì tha thiết mà cũng chẳng dám ghét cái gì tha thiết, lòng yêu ghét của chúng ta nhạt nhẽo lắm.  Chúng ta đổi lòng tín ngưỡng sâu xa ra một tín ngưỡng thiển cận và nông nổi, giữ cái vươn cao về đạo giáo của tâm hồn xuống mực thước săn sóc nhỏ bé về ấm no”.  (tr.  297)
Ngày nay, chắc không mấy ai còn nghĩ đó là những câu nói hàm hồ.  Ngày nay chắc nhiều người đều hiểu: đó là những gợi ý để xã hội cùng tự phê phán, tự thức tỉnh - một điều mà dân tộc nào cũng phải làm, trước khi bước vào lịch sử hiện đại.

Phải có lòng yêu mến cái xứ sở này lắm, lại phải rất thành tâm tin tưởng ở cái sứ mệnh của trí thức của mình thì một nhà văn mới dũng cảm viết ra những câu đầy trách nhiệm như thế.


Đã in Tạp chí văn học 1990, số 5
Có sửa lại vài ý 7/2020

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

أحدث أقدم